Chương 8: Đất Kim Lăng, Đường Trại Nhi kết giao nghĩa sĩ - Ứng Thiên phủ, Trần Nguyên Huân biểu diễn thần công
Như thường lệ, Nguyên Huân thức giấc vào khoảng giờ Dần, không thấy Kiến Nghiệp đại sư, chàng bước ra ngoài. Ông đang ngồi trên một chiếc băng đá, tĩnh tọa luyện công. Nguyên Huân vòng ra lối sau nhà âm thầm luyện tập. Tắm rửa xong, trời vừa sáng, người lão bộc dâng trà và đồ ăn điểm tâm. Chàng vẫn thấy vắng bóng gia nhân, muốn hỏi nhưng lại thôi. Khoảng cuối giờ Thìn mới thấy Đường đại gia và hai vị Quan, Bạch xuất hiện, vui vẻ nói :
- Đại sư và thiếu hiệp miễn thứ cho, công việc của tại hạ đã xong, hôm nay phải cùng các vị thù tạc một phen mới được Nói xong cùng ngồi xuống quanh chiếc bàn kê trong căn phòng rộng.
Bạch Khởi Phùng nói :
- Trưa nay, Đường đại gia có mời thêm mấy vị khách quý, cũng là chỗ anh em bằng hữu trong chấn giang hồ cả. Mọi người nghe đến đại danh của Đại sư đều mong được diện kiến!
Kiến Nghiệp đại sư mỉm cười. Trần Nguyên Huân ngồi im thủ lễ. Quan Thiên Sách lấy tình chân thật hỏi :
- Đại sư lần này đến Kim Lăng hẳn có điều hệ trọng?
Thấy vẻ ngần ngừ của Kiến Nghiệp, Đường Trại Nhi lên tiếng :
- Quan trưởng lão, Đại sư hẳn có điều không tiện thổ lộ, xin đừng hỏi!
Kiến Nghiệp đại sư thở dài :
- Việc này là việc nội bộ của Minh giáo chúng tôi, nhưng xét ra cũng là việc chung của thiên hạ, do đó, bần tăng cũng chẳng giấu diếm các vị làm gì, nhất là Đường đại gia đây là chỗ thân tình đã lâu, có lý nào bần tăng chẳng cùng thổ lộ. Đã ba mươi năm nay, không lúc nào lòng bán tăng được thanh thản. Những tưởng bỏ ngoài tai mọi việc, tìm chốn thanh tu, di dưỡng tính tình những ngày thừa cuối đời, nhưng nào được như ý. Kể từ khi Trương giáo chủ buồn lòng về thế thái nhân tình mà bỏ đi, Minh giáo lại rơi vào tay Dương Tiêu. Y là người quá nhiều tham vọng, lại một lần nữa đưa Minh giáo vào chỗ suy đồi, điều ấy chẳng thể tha thứ được. Bần tăng đi lại giang hồ vất vả cũng vì lẽ ấy!
Bạch Khởi Phùng thấy Kiến Nghiệp đại sư im lặng, bèn nói :
- Khi lên ngôi Hoàng đế, Dương Tiêu được Thái Tổ trọng đãi, nhưng đến đời Huệ đế, tuy nhỏ tuổi, Huệ đế lại thông minh, có ý muốn tước bớt quyền hạn của các Thân Vương và Pháp vương, do đó, Yên Vương Lệ mưu đồ cùng Dương Minh vương tạo ra cuộc chính biến “Tĩnh Nạn”.
- Nội bộ của Minh triều thật ra bần tăng không quan tâm, nhưng một phần lớn là sự cai trị khắc nghiệt, bạo tàn của Thành Tổ đều do Dương Tiêu tác động đến, mang lại cho lê dân trăm họ muôn ngàn cơ cực; lại nữa, cũng vì y, mà Thành Tổ đem quân xâm lấn Đại Việt, không những chỉ dân Đại Việt lầm than mà Hán tộc, lê dân cũng chịu trăm ngàn thống khổ Đấy là việc chung. Còn việc riêng của bản giáo, y thao túng, làm suy đồi Minh giáo lần thứ hai, khiến Minh giáo bị thiên hạ võ lâm ghê tởm, coi như Ma giáo thuở xưa. Con sâu làm hư nồi canh như thế, bần tăng ngồi yên thế nào được!
Quan Thiên Sách lên tiếng :
- Việc này quả nhiên là đúng như ý của tại hạ nói cùng Đường đại gia hôm qua, việc thanh lý nội bộ của Minh giáo là một điều cần thiết, có điều võ công của Dương tả sứ trên đời có một không hai; ngoài ra, bọn thuộc hạ tay chân cũng không phải tầm thường, hạ sát y là một việc không dễ. Tại hạ có nghe bọn Lạt Ma giáo trước đây, thời Nguyên triều, được ưa đãi, bọn giáo đồ Lạt Ma giáo, còn được gọi là Hồng giáo, nhiễu hại dân lành, bức hϊế͙p͙ con trai, gian ɖâʍ con gái, cưỡng đoạt ruộng vườn, tài vật của dân; thậm chí chúng còn khai quật mồ mả của các vua chúa những triều trước, bây giờ Dương Tiêu lôi kéo chúng làm vây cánh, võ công của bọn này cao siêu và quái dị. Giả dụ, chỉ giết được Dương Tiêu không thôi, thì chỉ làm cho bọn này lộng hành tác quái, không ai kềm giữ được, Đại sư nghĩ thế nào?
- Cũng chính vì vậy, mà bấy lâu nay bần tăng bôn tẩu giang hồ, khơi dựng lại Minh giáo. Những cao thủ của Minh giáo năm xưa phần lớn đã mất, hoặc đã vì chán ngán mà bỏ đi ẩn tích, giáo chúng thành tâm giữ được giáo qui cũng tan tác, ngọn lửa thần không còn cháy trong tâm, chỉ còn lại bọn tà ma hắc ám đại biểu ác thần. Nếu chỉ dựa vào thực lực của Minh giáo không thôi thì chẳng đủ lực. Bấy lâu nay lê tấm thân già đi lại khắp chốn mong kết hợp hào kiệt làm nên chính nghĩa. Buồn thay, đã bao nhiêu năm nay, Trương giáo chủ vẫn giang hồ tuyệt tích, mai ẩn chốn rùng sâu, không sao dò ra tung tích. Chỉ có Trương giáo chủ mới có đủ bản lĩnh để khắc chế Dương Tiêu, đủ uy tín để tập trung hào kiệt. Việc Đại hội Kình Dương chính vì lẽ đó!
Bạch Khởi Phùng hỏi :
- Đại sư, võ công của Dương tả sứ năm xưa, một mình giao thủ nội lực với năm người của Ngũ tảng nhân cộng thêm cả Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu mà vẫn chiếm được thượng phong, điều ấy có thực không?
- Bần tăng có một lần hỏi Lãnh Thiềm thì điều này quả đúng!
- Nghe nói y còn học được cả Càn Khôn Đại Nã Di tâm pháp và võ công trên Thánh Hỏa lệnh bài nữa!
Quan Thiên Sách nói thêm.
- Càn Khôn Đại Nã Di tâm pháp theo Trương giáo chủ cho biết, thì có cả thảy tám lớp nhưng thực dụng chỉ có bảy. Giáo chủ Dương Phá Thiên năm xưa luyện đến lớp thứ sáu thì bị tẩu hỏa nhập ma mà hóa. Vô Kỵ giáo chủ luyện qua lớp thứ tám thì biết rằng không thể luyện thêm. Dương Tiêu được Dương giáo chủ truyền cho ba lớp, bần tăng được một, ngoài ra không truyền cho ai! Võ công của Trần tam gia trong Bát đại danh gia được xếp ngang hàng với các Chưởng môn của các danh gia đại phái, nào phải tầm thường, vậy mà cộng thêm với sự trợ lực của Đoàn lục gia, vẫn bị thảm bại. Bần tăng hẳn nhiên không là đối thủ của y. Mà nếu giết y bằng mưu kế thật chẳng ích gì đại hội Kình Dương thiếu mất người chủ trì, cho nên đã nhiều phen phải hoãn lại!
Đường Trại Nhi đắn đo một lúc sau lên tiếng :
- Việc này có tầm quan hệ rất lớn, nó không chỉ liên quan tới từng người, từng môn phái, mà là cả đến sinh linh trăm họ; công việc của Đại sư và công việc của chúng ta đây đều cùng chung một mục đích tối hậu, đó là hạnh phức của muôn dân, kể cả dân tộc Đại Việt và các dân tộc khác, nên Đường mỗ không ngại ngần gì tỏ bày nghĩa lớn. Đường mỗ đã ròng rã suốt bốn năm nay, cùng hào kiệt bốn phương giao kết, thực tâm chẳng phải là chuyện tranh đồ bá vương, chỉ mong dẹp tan nỗi bất bình, quét sạch chốn triều trung dẫy đầy bọn tham tàn, bất xứng; khơi lại mạch sống cho trăm họ, đem người đức độ đặt vào ngôi báu. Nay gặp được Đại sư và Trần thiếu hiệp nơi này, nên mạnh dạn tỏ bày tâm ý, mong cùng nhau đấu cập chung lòng, gom sức lớn làm nên nghĩa cả. Tai vách mạch rừng nhưng chẳng tỏ bày, làm sao kết hợp!
Nguyên Huân liếc nhìn Đường Trại Nhi, thân thể cao to, mặt vuông mũi lớn, râu quai nón, trán rộng, thái dương huyệt nó cao, mắt sáng như điện, đầy chính khí, giọng nói oai nghiêm sang sảng như chuông, chàng càng thêm kính trọng. Một ý nghĩ thoáng nhanh trong đầu Nguyên Huân. Chàng đã không đứng được trong hàng ngũ chiến đấu của dân tộc tại quê hương, đánh đuổi ngoại xâm ngay tại đất nước, bấy lâu nay lòng chàng ray rức không nguôi; thì giờ đây là dịp chàng đóng góp máu xương, hơi thở, tâm, ý cho xứ sở chàng. Đánh địch ngay trong lòng địch. Đóng góp sức lực của mình trong công cuộc nổi dậy trên chính đất nước này sẽ góp phần gây cho Minh triều nhiều nổi rối ren, nội bộ xâu xé sẽ làm giảm bớt áp lực quân sự của địch lên tổ quốc chàng; cuộc khởi nghĩa của nhân dân Đại Việt sẽ bớt đi nhiều cam khổ. Đường Trại Nhi nói tiếp :
- Theo tin tức nhận được, Thuận Minh vương Mã Cáp Mộc của bộ tộc Ngoa Thích đang có chiều hướng muốn vùng lên, và bọn Thát Đát ở phương Bắc cũng đang mưu toan xâm lấn Trung Nguyên. Thật ra, với tình hình hiện tại, bọn chúng cũng chẳng làm được điều gì, nhưng Minh Thành Tổ sẽ bối rối không ít, và cuộc khởi nghĩa của nhân dân có thể sẽ đưa đến thành công, áp lực buộc Minh Thành Tổ phải sửa đổi phương cách cai trị hà khắc, đồng thời quét sạch bọn quyền thần lộng hành, bọn tham quan ô lại, mang đến cho lê dân bá tánh niềm an lạc. Đó là tất cả tâm huyết của Đường mỗ và hào kiệt tỉnh Triết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây nói riêng và của cả thiên hạ.
Nguyên Huân nhận thấy có một điều gì đấy không ổn trong cách lý luận của Đường đại gia. Ông đã dùng những lời hoa mỹ để che giấu một tham vọng?! Nếu quả ông là người yêu nước, chắc chắn sẽ không hưng binh khởi nghĩa vào giữa lúc đất nước đang bị đe dọa bởi họa ngoại xâm. Nguyên Huân kín đáo liếc nhìn Đại sư và chàng cũng bắt gặp ánh mắt đầy ý nghĩa của ông. Riêng đối với chàng, tổ quốc chàng là trên hết, chàng có thể chấp nhận mọi điều, như một phương tiện để đạt đến cứu cánh, nhưng trong chàng vẫn không tránh khỏi một cảm giác chua chát. Tiếng gọi tuyệt vọng của tổ quốc lớn hơn trái tim chàng, chàng cố nén tiếng thở dài, cung kính nói :
- Thưa tam vị lão tiền bối, vãn sinh thật cảm động được nghe những lời tâm huyết, được nghe những điều cơ mật, mà vãn bối chỉ là một gã dị tộc. Thế mới biết, tấm lòng đối với nhân loại, với nỗi đau khổ của mọi sinh linh lớn hơn tất cả, vượt qua những ranh giới phân chia của dân tộc, vãn sinh nguyện có trời xanh, mang tất cả tâm lực và sinh mạng đáp đền tấm lòng tin yêu cao cả ấy!
Đường Trại Nhi mỉm cười hài lòng, nhưng nhìn ánh mắt của ông, Nguyên Huân biết rằng ông cũng đã đoán hiểu được ý nghĩ thầm kín của chàng. Nhưng mục đích của ông là cần người trợ thủ thực lòng, dù thế này hay thế khác, Nguyên Huân sẽ mang hết năng lực của mình trong nhiệm vụ được giao phó, dẫu rằng ông thừa biết sự góp sức nhiệt thành của chàng chẳng phải vì tổ quốc của ông, vì những ước vọng riêng tư của ông, mà chính vì tổ quốc của chàng.
Đường Trại Nhi ôn tồn nói :
- Ta ghi tạc tấm lòng của thiếu hiệp, trong trách vụ chung này, mỗi người đều riêng một bổn phận, sự chu toàn bổn phận dù có khác nhau, nhưng tấm lòng vẫn chỉ là một!
Ngừng lại một lát, ông đưa mắt nhìn mọi người. Kiến Nghiệp đại sư đang cúi đầu im lặng, Quan, Bạch hai người cùng tỏ ý đồng tình với lý lẽ của Đường Trại Nhi.
- Buổi chiều hôm trước, Đường Trại Nhi nói tiếp, ta thấy Chu Ngoạn Thanh, y biết được thiếu hiệp đã ra tay cứu tử, y đã tỏ ý cảm kích, nhân đó, thiếu hiệp nên làm quen cùng y nếu có cơ hội. Qua y, ta có thể dò la mọi hoạt động, mọi mưa tính, ý đồ của địch để có thể có những biện pháp thích nghi, thiếu hiệp nghĩ sao?
Nguyên Huân đưa mắt nhìn Kiến Nghiệp, thấy Đại sư vẫn giữ vẻ mặt bình tĩnh, chàng yên lòng nói :
- Vãn bối cũng đã có ý ấy từ lúc ra tay cứu tử cho y, và không dè Đại sư cùng một lúc cứu y thoát ch.ết!
Bạch Khởi Phùng nói :
- Trong cuộc giao tranh một mất một còn, kẻ nào biết rõ được địch thủ của mình là đã nắm vững được phần thắng. Nếu thiếu hiệp tâm nguyện làm được điều ấy, thật đáng quý!
Đến lúc này Kiến Nghiệp đại sư mới lên tiếng :
- Công việc và mục đích của quí vị tuy có đôi chút khác biệt với chủ trương của bần tăng, nhưng xét kỹ có nhiều điều chung cùng lợi ích. Bần tăng long trọng hứa cùng quí vị thí chủ, sẽ mang hết khả năng có thể có được để hỗ trợ lẫn nhau trong từng trường hợp cần thiết. Việc này thật quan trọng, nên cá nhân bần tăng không thể nhất thời hoạch định kế hoạch hành động được, mà phải có một cuộc họp trong nội bộ của Minh giáo, sau đó cùng nhau chúng ta gặp lại để phân chia trách nhiệm cụ thể.
Nhìn thấy vẻ mặt của Đường Trại Nhi, Kiến Nghiệp đại sư nói tiếp :
- Dĩ nhiên bần tăng hiểu được, đây là một công việc cực kỳ quan trọng, có liên quan đến sinh mạng nhiều người, phải giữ bí mật tuyệt đối. Vì thế chỉ có những người tín cẩn, có trọng trách mới được biết đến đại cuộc, và cũng chỉ trong phạm vi trách nhiệm mà thôi!
Đến lúc này Đường Trại Nhi mới hoan hỉ lên tiếng :
- Thật ra việc này có hơi vội vã, nhưng thời gian như vàng bạc, cơ hội ngàn năm, nếu không tỏ tấm lòng chân thật hôm nay tức là đã bỏ mất dịp may gặp gỡ mà Đường mỗ bấy lâu ao ước. Nay được Đại sư có lời như thế, Đường mỗ hoàn toàn tin tưởng và an lòng!
Đường Trại Nhi bắt đầu trình bày toàn bộ kế hoạch khởi nghĩa trên tất cả mọi phương diện một cách khái quát. Vì không muốn đi sâu vào những bí mật của cuộc nổi dậy, Nguyên Huân nói rõ lý do, và xin phép được vắng mặt trong cuộc họp bàn ấy.
Sáng hôm sau và luôn cả buổi trưa, chàng đi thăm kinh thành cũ của Minh triều. Lang thang trên những con phố rộng, khang trang và sầm uất, chàng ghé thăm những danh lam thắng cảnh của cố đô. Đang đi, Nguyên Huân chú ý đênh một toán người khá đông, cỡi trên những con tuấn mã. Dân chúng thấy họ, vội vã dạt ra để nhường lối. Toán người đến gần, Nguyên Huân nhận ra kẻ đi giữa ở hàng đầu chính là gã Tiểu vương gia Chu Ngoạn Thanh, hai tên đi hầu hai bên mặt mày cực kỳ hung ác, cách ăn mặc cũng kỳ dị, mỗi tên cầm một chiếc roi da quấn vòng trong tay, sau lưng đeo đoản đao; chiếc roi là vũ khí tấn công, mỗi đầu tua tủa những móc sắt óng ánh bạc. Bọn đi phía sau chừng bốn năm tên, mặt mày cũng hung ác không kém.
Chàng vẫn đứng yên và chú mục nhìn chúng, bỗng nghe tiếng quát của tên cầm roi, chiếc roi tung ra như một con rắn ba đầu, đầu roi xé gió, nhằm chàng đánh tới. Bị tấn công bất thần, nhanh như chớp, Nguyên Huân uốn cong người tránh đường rơi, đồng thời bàn tay phải bung ra liên tiếp nhằm đầu móc sắt của chiếc roi điểm tới, chỉ nghe lách cách ba tiếng, đầu roi bật ngược trở lại. Tên sử dụng roi quả thật không phải tầm thường, y rung nhẹ bàn tay cầm roi, đầu mũi roi như được điều khiển quay ngoắt trở lại, tấn công vào Bách Hội huyệt và Kiên Tỉnh huyệt của Nguyên Huân; cùng lúc tên thứ hai cũng tung roi đánh tới.
Tuy bị lưỡng đầu thọ địch, chàng vẫn bình tĩnh giở thân pháp Hoán ảnh xuyên qua lại giữa những đường roi dày đặc đồng thời giở công phu Thiết Tỏa công do Nhị bá phụ Thiên Hư đạo trưởng truyền dạy, hai bàn tay thoăn thoắt chụp bắt, trói buộc những đầu roi của địch thủ lại với nhau.
Biết gặp phải một đối thủ có võ công cao siêu, cả hai tên lập tức buông roi, rút đoản đao, tung người khỏi yên ngựa như hai con đại bàng chụp xuống. Đã có chủ ý, Nguyên Huân vẫn không rút kiếm, hai bàn tay chàng cong lại như vuốt chim ưng, hữu trảo giơ cao khỏi đầu, ngửa lên trời, tả trảo thấp ngang sườn chụp xuống đất.
- Ngừng tay!
Tiếng quát có mãnh lực khiến tên bên trái chuyển đường đao đang đánh tới thành một vòng tròn; tên bên phải dường như không nghe thấy tiếng quát, đường đao như sấm sét vẫn ập xuống bả vai Nguyên Huân. Thân hình chàng vẫn đứng im, chỉ thấy hai bàn tay loang loáng, đã chộp được sống đao, giữ cứng lại. Chiêu thức kỳ đặc này khiến không ai trong bọn chúng nhận ra chiêu số, cả bọn đều trố mắt sững sờ Nguyên Huân buông thanh đao khi thấy Chu Ngoạn Thanh từ trên ngựa tươi cười nhảy xuống, y quát bảo thủ hạ :
- Người quen cả, ngừng tay!
Chu Ngoạn Thanh bước đến trước mặt Nguyên Huân hỏi :
- Các hạ có nhận ra ta không?
Nguyên Huân vòng tay thành quyền thi lễ :
- Tại hạ tham kiến Vương tử.
Chu Ngoạn Thanh tươi cười :
- Hôm qua ta có trở lại nhưng các hạ không còn ở đó nữa. Ta cảm ơn các hạ đã ra tay trợ thủ và ta có ý muốn tìm. Nếu được, ta mời các hạ về vương phủ để cùng đàm đạo!
Nguyên Huân nhớ đến nhiệm vụ của mình, vội nói :
- Khải bẩm Tiểu vương gia, tại hạ còn chút công chuyện, đã hứa chiều nay đến thăm một bằng hữu. Xin Vương tử thứ lỗi cho, nếu có thể được, sáng mai tại hạ xin được bệ kiến Vương tử!
Cung cách của Nguyên Huân khiến gã công tử thích ý, gã đặt tay lên vai Nguyên Huân, ngắm nhìn gương mặt thanh tú của chàng, gật đầu nói :
- Võ công của các hạ thật cao cường, mà còn anh tuấn nữa, ta được kết giao với các hạ thật là tốt. Thôi được - Vừa nói, vừa móc trong túi ra một thẻ ngà, có tua gù ngũ sắc đưa cho Nguyên Huân - Đây là tín vật của ta, ngày mai, các hạ cứ đến Vương phủ, bọn thuộc hạ sẽ đưa các hạ đến gặp ta. Ta đợi đó!
Nói xong gã quay mình, nhảy phắt lên yên ngựa, cả bọn bỏ đi. Nguyên Huân đứng lại, một đám đông người bao quanh ở phía xa nhìn chàng với ánh mắt tò mò vừa có chiều khinh bỉ. Nguyên Huân mỉm cười đi lẫn vào đám đông. Khi trở về, Nguyên Huân mang câu chuyện gặp Chu Ngoạn Thanh kể lại một lượt. Đường Trại Nhi mừng rỡ nói :
- Đây là trời giúp ta nên mới sắp xếp theo ý mình mong đợi nhanh như thế. Đường mịt mới được thuộc hạ báo cho biết, Sở Vương đang dùng tiền bạc để mua chuộc một số cao thủ võ lâm làm vây cánh, phần lớn là bọn Tây Vực, bọn Hồng giáo; nếu thiếu hiệp đã lọt vào mắt xanh của tên Chu Ngoạn Thanh, cũng có nghĩa là y muốn lôi kéo thiếu hiệp làm vây cánh cho y, thiếu hiệp đừng vồ vập nhận lời ngay, nhưng thế nào bọn cao thủ trong Ứng Thiên phủ cũng thử thách công phu thiếu hiệp. Thiếu hiệp nên biểu lộ thần uy để khuất phục chúng, chiếm lòng tin của Sở vương, đồng thời lấy tình cảm để lôi kéo bọn cường đồ. Lúc đầu đừng chú tâm đến bất cứ việc gì cả; việc của chúng mặc chúng, thiếu hiệp đừng tỏ ra phẫn nộ bất cứ điều gì trái tai gai mắt. Thế nào lão Sở Vương ấy cũng cho người theo dõi thiếu hiệp! Đường mỗ biết là thiếu hiệp nôn nóng trả thù và thu hồi báu vật, nhưng người quân tử trồng tre để làm gậy. Thiếu hiệp nắm vững tình hình của Triều đình có lợi cho cả ba phía, đối lại, Đường mỗ sẵn sàng cho người mang tin tức của thiếu hiệp về Đại Việt cho người cầm đầu cuộc khởi nghĩa. Điều này thiếu hiệp nghĩ sao?
- Nếu Đường đại gia có lòng với dân Đại Việt như thế, tại hạ nguyện cùng mang hết sức mình và tính mạng để làm tròn trọng trách này!
Kiến Nghiệp đại sư nói :
- Trần thí chủ, sớm mai bần tăng có việc gấp phải lên đường về phương Bắc, bần tăng mới được lão Lãnh báo tin, đã manh nha có tin tức của Giáo chủ. Khoảng một năm sau, cũng ngày nay, thiếu hiệp có thể gặp bần tăng ở Yên Kinh đấy. Cố lợi dụng thời cơ!
Đường Trại Nhi tiếp tục :
- Hai tháng đầu, theo kế hoạch, thiếu hiệp cứ án binh bất động. Qua tháng thứ ba, vào những ngày mồng năm, mười, mười lăm, hai mươi, hai mươi lăm và ba mươi mỗi tháng, cứ đầu giờ Ty, ngoài cổng Vương phủ sẽ có người của ta giả làm người bán hàng rong, y đội nón lá rách, chiếc áo xám cụt một tay; mật hiệu nhận nhau là: Ngươi bán gì vậy? Y sẽ trả lời “Bán bảo kiếm”. “Có Thái A kiếm không đấy?”, Y trả lời “Làm sao có được kiếm quý như vậy!”. Thiếu hiệp cứ yên tâm trao đổi với y, võ công y thuộc loại khá lắm, nhất là thuật phi hành, nên không phải sợ y bị bắt đâu!
Nguyên Huân nhắc đi nhắc lại mấy lần để nhập tâm.
- Ngoài ra thiếu hiệp đừng để lộ mình là người Đại Việt, cứ nhận mình họ Đoàn, người nước Đại Lý, như vậy sẽ ít bị nghi ngờ!
Sáng hôm sau, Nguyên Huân nhận lấy một số quần áo, trong đó có hai bộ may theo kiểu y phục của Đại Lý đã cũ, mọi dấu tích về thân thế đều bỏ lại, trừ thanh kiếm Bạch Hạc. Bạch Khởi Phùng dặn dò :
- Nếu vạn nhất có kẻ nào nhận ra lai lịch thanh kiếm này, mà ngày xưa đã được Trần vương gia xử dụng, thì cứ nói là thiếu hiệp mua lại của một người bán kiếm ở Vân Nam, riêng võ công Vân Hà Tỏa Kiếm cũng nên hạn chế xử dụng. Đó là nói phòng xa, thật ra, người biết được chiêu số võ công kiếm pháp của Bát đại danh gia năm xưa rất ít, nếu còn thì cũng phải từ năm, sáu mươi tuổi trở lên, nhưng dẫu sao đề phòng vẫn hơn.
- Nhưng tại hạ không nói được tiếng Đại Lý!!
- Thật ra, nước Đại Lý đã bị xóa cách đây gần hai trăm năm. Dân phiêu bạt mỗi người mỗi ngã, ngôn ngữ cũng vì thế mà khác đi. Thiếu hiệp cứ nói là từ nhỏ ở Trung Nguyên nên ít biết được phong tục tập quán, ngôn ngữ của cố quốc. Vả lại, người Hán Việt có nhiều nét giống nhau, người Hán cũng đã trộn lẫn rất nhiều dòng máu của các dân tộc khác như Mãn, Hồi, Mông, Hồ.., các thổ âm lại khác biệt nhau rất khó phân định, đến như lão phu cũng không phân biệt được, nếu thiếu hiệp không nói ra..
Trần Nguyên Huân hỏi thăm đường đến Ứng Thiên vương phủ. Đó là một dinh thự tọa lạc trên một khu đất rộng gần sát ngay Tử Cấm thành, tường cao, hào sâu, quân lính canh phòng cẩn mật. Sở Vương không đám dùng Nội điện cũ để làm Vương phủ, vì đó là kinh đô thứ hai sau Yên Kinh, là Hành cung của Hoàng đế. Tuy nhiên, Ứng Thiên Sở Vương phủ rộng lớn, điện đài lộng lẫy không thua kém gì Đại điện của Hoàng đế, và đây cũng là một triều đình thu hẹp.
Nguyên Huân dừng lại trước tòa Nghinh Môn hùng vĩ, ngước nhìn lên cao. Năm chứ đại tự thật lớn thếp vàng chiếm gần hết bề ngang cửa Nghinh môn: “Ứng Thiên Sở Vương Phủ”. Phía trên là vọng lâu. Hai cánh cổng bằng danh mộc, sơn son, khằng những đinh đồng lớn bóng loáng, đóng kín, cánh cổng này chỉ mở ra khi có quan Kinh Lược mang chiếu chỉ của Hoàng đế đến, hoặc các bậc Vương gia bằng hữu, hoặc chính chủ nhân ra vào. Thường ngày chỉ mở hai cánh cửa ở hai bên hông, tuy là cửa phụ nhưng cũng đủ để cỗ kiệu bốn người khiêng đi lọt.
Bốn tên lính to lớn đứng gác như bốn pho tượng, trước khoảng sân rộng mênh mông phía trong, một đội quân binh chừng hai mươi tên lính khác túc trực, dưới sự cai quản của một tên cai đội, tất cả nai nịt binh giáp đầy người.
Thấy Nguyên Huân đứng nhìn vào, một tên lính từ phía trong cổng, đội mũ đồng, đeo trường kiếm bên hông, bước ra quát :
- Gã kia! Đứng nhìn ngó gì vậy, muốn mất đầu chăng?
Nguyên Huân thầm nghĩ, chỉ một tên lính quèn mà còn hống hách đến thế, bọn quan lại còn hách dịch đến đâu.
Chàng bước đến, nói giọng nghiêm nghị :
- Ta là khách của Vương tử!
Tên lính nhìn Nguyên Huân nghi ngờ, đôi mắt y soi mói từ đầu đến chân; nhìn cách ăn mặc kiểu thường dân của chàng, y bĩu môi đáp :
- Tên kia, mi có điên không? Mi là hạng người nào mà dám ăn nói ngông cuồng như vậy?
Mấy tên trong cổng nghe tiếng quát tháo, cầm đao thương ùa ra, vây Nguyên Huân vào giữa. Chàng móc trong túi ra chiếc thẻ ngà đưa cho tên lính, nói :
- Thôi được, ngươi bẩm trình với Tiểu vương gia, có ta đến thăm như lời Vương gia mời, nhưng thôi vậy, ngươi mang trả tín vật của Vương tử đã tặng cho ta, nói rằng ta không trở lại nữa!
Nhìn thấy tín vật, cả bọn đều tái mặt. Thường lệ, Đệ tứ Vương tử của chúng ít khi trao tín vật cho ai. Có năm loại tín vật khác nhau, mỗi loại biểu hiệu cho đẳng cấp của người được mời, mà đây lại là một tín vật có đẳng cấp cao nhất. Cả bọn sợ hãi, lui dạt ra hai bên, cúi chào thật thấp. Tên lính lúc nãy quát hỏi chàng, giờ đây mồ hôi vã đầy trán. Thấy chàng như muốn bỏ đi, sợ hãi quá, quỳ một chân, chắp tay nói :
- Đại nhân, xin Đại nhân xá tội, thuộc hạ có mắt như mù, xin Đại nhân xá tội, xin Đại nhân xá tội!
Nguyên Huân cười thầm trong bụng, thấy tên lính sợ hãi quá, chàng không nỡ, vội nói :
- Ngươi đứng dậy, lần sau đừng hống hách như vậy nữa!
Như được tháo chiếc gông trên cổ, tên này chắp tay xá lia lịa :
- Cảm ơn Đại nhân rộng dung, xin Đại nhân cho phép thuộc hạ được hướng dẫn!
Nguyên Huân đi theo tên lính vào viên môn, cả một khu điện đài nhà của mênh mông, tráng lệ mở ra trước mắt chàng, dưới tàn bóng rợp của các loại cây mà chàng không biết tên, hoa đang nở rộ trên lối đi thênh thang lát đá trắng, hai bên có những lối nhỏ hơn dẫn vào những tòa nhà lộng lẫy khác. Chàng theo tên lính đi về phía trái, chạy dọc theo một hoa viên với đủ kỳ hoa dị thảo, mùi hương tỏa trong không khí ngây ngất; ánh nắng được lọc qua tàn cây cao điểm là chỗ xuống từng phiến đá Vân Ban màu trắng ngà. Lối đi dẫn đến một tòa dinh thự khác ngay trên lối dài. Tòa viên môn treo ba chữ đại tự thếp vàng: “Võ Hiển Cung”.
Một viên thư lại từ trong bước ra hỏi :
- Mã Thạnh, ngươi dẫn ai đến đó?
- Trình Tổng quản, có khách quý của Vương tử!
Gương mặt lạnh lùng của viên thư lại đổi sang vẻ cung kính khi nhìn thấy thẻ bài tín vật, y xum xoe cong lưng thật thấp cúi chào chàng :
- Kính mời Đại nhân quá bộ cùng ty chức!
Được dẫn vào một đại sảnh, Nguyên Huân choáng ngợp vì sự trần thiết cựu kỳ sang trọng. Chàng được mời ngồi xuống một chiếc ghế chạm trổ long, ly, quy, phượng phủ gấm Tứ Xuyên.
- Xin Đại nhân chờ ty chức bẩm cùng Vương tử.
Chỉ thoáng sau, có tiếng chân bước, và chiếc rèm bằng san hô quý giá vén lên. Chu Ngoạn Thanh bước ra :
- Từ sáng, ta đã nóng lòng chờ các hạ đấy?
Nguyên Huân đứng dậy vái chào :
- Tại hạ e đến sớm, khinh động đến giấc ngủ của Vương tử!
Ngoạn Thanh cười lớn :
- Các hạ tưởng ta lười biếng đến thế sao? Ta thường dậy sớm, văn ôn võ luyện mà. Ta thật vô ý, không hỏi danh tánh của các hạ đấy.
- Tại hạ họ Đoàn, tên Thiên Chính!
- Các hạ người nước Đại Lý cũ đó chăng?
- Thưa phải, nhưng từ mấy đời nay đã trở thành người Trung Nguyên rồi!
- Thảo nào võ công các hạ siêu tuyệt như vậy. Đoàn hoàng gia, hai trăm năm trước nổi danh lừng lẫy trong thiên hạ, ta vốn ham mê võ thuật nên có biết ít nhiều kiến thức về võ lâm, như vậy các hạ cũng thuộc dòng dõi trân quí đấy!
- Xin đội ơn Vương tử quá khen!
- Ta nói thật đấy. Thể nào diện mạo, cốt cách của các hạ hơn hẳn bọn phàm phu nhiều lắm, từ nay ta mong các hạ không nên khách khí như vậy. Ta vốn quí trọng những bậc tài năng, Vương phụ ta cũng rất ưu ái những bậc anh hùng hảo hán.
Đột ngột, hắn đổi giọng ân cần.
- Hôm nay, ta mời hiền đệ ở lại đây cùng ta, ta sẽ giới thiệu với hiền đệ những cao thủ mà ta đã kết giao, cùng các huynh đệ ta uống rượu một phen. Đoàn hiền đệ, theo ta vào trong này!
Chu Ngoạn Thanh nói xong bước đi, Nguyên Huân nối gót theo sau. Qua khỏi dãy hành lang lợp ngói đỏ, xuyên qua một hoa viên rộng, đến một tòa nhà rộng lớn, trên của treo ba chữ “Diễn Võ Đường”. Nguyên Huân gặp ở đây một số đông người đang tề tựu, khi thấy chàng bước vào cùng với Chu Ngoạn Thanh, tất cả cùng đứng dậy.
Chu Ngoạn Thanh nói lớn :
- Xin chư vị bình thân cho, hôm nay ta giới thiệu với chư vị một người bạn mới!
Mọi ánh mắt đổ xô vào chàng, trong số người lố nhố, chàng thoáng thấy tên đã dùng roi tấn công chàng; Nguyên Huân vòng tay thành quyền giơ ngang trán :
- Vãn sinh kính chào các chư vị anh hùng!
Sự tươi cười nhũn nhặn của chàng đã làm nhiều ánh mắt đang đăm đăm nhìn chàng như đánh giá, như ước lượng kia dịu xuống. Chu Ngoạn Thanh quay sang nói với người hầu cận luôn quanh quẩn bên cạnh y để đợi sai phái :
- Ngươi chuyển lệnh ta cho nhà bếp, khẩn cấp bày đại tiệc ở Diễn Võ Sảnh!
Quay sang đám đông đứng xung quanh, y nói :
- Hôm nay chúng ta phá lệ, uống rượu một bữa để chào đón người anh em mới quen biết này, ta giới thiệu, y quay sang Nguyên Huân: Đây là người anh em họ Đoàn, tên Thiên Chính, vốn là hậu duệ của Đoàn nam đế khi xưa!
Mọi người nghe giới thiệu đều trố mắt nhìn, một người trong bọn lên tiếng :
- Nam Đế khi xưa là một trong Ngũ bá, võ công cái thế, Nhất Dương chỉ, Tiên Thiên công vang danh thiên hạ, ngày nay anh em chúng ta hẳn được sáng mắt ra!
Nguyên Huân thấy người vừa nói, đôi mắt lồi, mặt đen, râu quai nón như Trương Phi thời Tam Quốc; tiếng sang sảng như chuông, nên biết y nội lực rất sung mãn. Chu Ngoạn Thanh nói :
- Đoàn hiền đệ, vị này là Thiết Chưởng Lôi Chấn Hoa.
Nguyên Huân nghiêng mình chào :
- Vãn sinh hân hạnh được quen biết chư vị anh hùng, thật là tam sinh hữu hạnh!
Một nhà sư mặc áo đỏ, lông mày như chổi xể, Nguyên Huân nhận ra ngay là người của Hồng giáo, còn gọi là Lạt Ma giáo, giọng y như lệnh vỡ :
- Tiểu thí chủ đây là người họ Đoàn, hôm nay chúng ta xem thử Nhất Dương chỉ uy lực ra sao!
Chu Ngoạn Thanh lên tiếng :
- Vị này là Thiên Quang Thượng Nhân, với Chu Sa chưởng uy mãn kinh người đấy! Thôi được, chốc nữa đây ta sẽ giới thiệu với Đoàn hiền đệ một lượt, để còn có rượu chúc mừng cuộc gặp mặt này nữa chứ!
Tên hầu cận đã quay trở lại, vòng tay thưa :
- Bẩm Vương tử, đại tiệc đã dọn xong.
Gần hai chục người ngồi quanh một dãy bàn dài, Nguyên Huân được xếp ngồi đối diện với Chu Ngoạn Thanh, bên cạnh y là nhà sư áo đỏ Thiên Quang Thượng Nhân, bên trái, một đại hán chỉ còn một mắt, ánh mắt chớp nhay nháy như ánh chớp, một vết sẹo đỏ thẩm chạy dài trên gò má, lông mày một bên cao một bên thấp. Chu Ngoạn Thanh ngửa bàn tay hướng về phía tên này :
- Vị này là Độc Long Thần Phùng Diệm Sơn, một nhân vật tung hoành trên khắp giải Hoàng Hà mà không có đối thủ!
Nguyên Huân nghiêng đầu chào, y chỉ khẽ hừ một tiếng, tỏ vẻ khinh thị. Chu Ngoạn Thanh tuy biết nhưng giả bộ làm ngơ. Sau lưng Chu Ngoạn Thanh là hai người con gái đứng hầu quạt, cả hai cùng một nhan sắc sàn sàn như nhau, đôi mắt long lanh tình tứ, trang phục trên người là một loại vải mỏng như cánh chuồn, thân thể ẩn hiện dưới lớp áo như sương khói, làm tăng thêm vẽ kiều mỹ đầy sức khêu gợi. Nguyên Huân thản nhiên trước đôi mắt đưa tình gợn sóng của hai ả. Chàng luôn luôn tự nhắc mình phải sắm cho trọn vai trò mình đang đóng, chàng không được tự ái; hôm nay phải chiếm bằng được tình cảm của bọn thuộc hạ Ngoạn Thanh, đồng thời chàng phải biểu lộ thần uy để khuất phục bọn chúng. Chàng tự tin ở khả năng của mình với công lực hiện có mà chàng đã được hấp thụ toàn bộ tinh anh của những bậc thuộc hàng cao thủ tuyệt đại của võ lâm.
Ngay từ lúc nhỏ, tuy Lục thúc của chàng bệnh hoạn nhưng vẫn truyền đạt cho chàng khẩu quyết Tiên Thiên công và Nhất Dương chỉ của dòng họ ông. Hai môn công phu tối thượng của Đoàn nam đế Đoàn Chính Tâm chưa luyện thành đến nơi đến chốn thì xảy ra đại nạn. Suốt trong hai mươi năm, ông đã tận tình chỉ bảo cho chàng. Chàng còn được Tiêu Đại Hùng truyền cho Hỏa Vân công, được Dư lão chưởng môn Võ Đang truyền thụ Cửu Dương công, được Thiên Hư đạo trưởng đã hết lòng dốc tâm truyền dạy Nhật Nguyệt Tam Hóa thần công; tất cả đều là công phu tuyệt học thuần dương, cực kỳ cương mãnh.
Thiên Hư và Điền Hoành Thứ Lang dốc túi chân truyền cho hậu duệ còn sót lại cuối cùng của Bát đại danh gia tất cả công phu về quyền, chưởng, trào, chỉ, thân pháp, kiếm thuật... Tất cả, tất cả đã đặt hết kỳ vọng vào chàng, chàng đã miệt mài khổ luyện và đã không phụ lòng. Thành quả công phu đã đạt được gấp ba, bốn lần của người khác trong cùng một thời gian. Dư Liên Châu, Thiên Hư đạo trưởng và Điền Hoành Thứ Lang còn liên thủ nội lực xung phá Sinh Tử Huyền Quan cho chàng, giống như khơi rộng dòng chảy của con sông lớn khiến nội khí luân chuyển trong kinh mạch cực kỳ thuận lợi, do đó, nội lực chàng tăng tiến rất mau.
Kẻ thù chàng là nhân vật số một trong thiên hạ, võ công y không biết đâu mà lường. Từ ý chí mãnh liệt, từ một quyết tâm vô hạn, công thêm với căn cốt tuyệt vời, trong một thời gian ngắn, Nguyên Huân đã quán triệt được những ảo diệu trong từng công phu tôi luyện, tuy chưa đến mức nhập thần nhưng đó đã là một kỳ tích hiếm có. Hôm nay chàng sẽ hiễn lộng công phu để đo lường kết quả.
Nên khi Độc Long Thần Phùng Diệm Sơn có thái độ coi thường, khinh thị, chàng vẫn làm ngơ như không hề nhận thấy. Chàng biết rằng ngay hôm nay, Chu Ngoạn Thanh sẽ thử thách chàng, Nguyên Huân sẵn sàng đón nhận điều này không mảy may lo ngại.
Chàng không thể nhớ hết được tên từng người trong bàn tiệc sau khi Ngoạn Thanh giới thiệu, đây chỉ là cơ hội để hiểu biết thêm về các nhân vật trong võ lâm Trung thổ, bởi thế, những cái tên, những biệt danh không gợi cho chàng một ý niệm gì. Phía áp chót đầu bàn, một đại hán có đôi mắt loang loáng như sao mà lúc nãy chàng thấy Chu Ngoạn Thanh giới thiệu y một cách có vẻ đặc biệt: Thiết Đạn Tử Hạ Hầu Thành, y đang đứng lên và nhìn về phía Nguyên Huân :
- Tại hạ, Hạ Hầu Thành, hôm ở khách điếm đã được chứng kiến công phu võ học của Đoàn thiếu hiệp, nay lại được Vương tử chủ nhân giới thiệu là dòng dõi của Đoàn hoàng gia của nước Đại Lý, trong lòng ngưỡng mộ, nay dâng chén rượu nhạt này, mong thiếu hiệp chiếu cố cho!
Nói xong, y rót đầy ly rượu, và bằng một thủ pháp cực kỳ nhanh nhẹn, ly rượu như được một sức mạnh vô hình đẩy bay về phía Nguyên Huân, lực như tên bắn, nhắm vào mặt chàng. Nguyên Huân biết y nổi danh trong thiên hạ với mỹ hiệu Thiết Đạn Tử không phải là tình cờ, chàng vẫn ngồi im, nét mặt hòa nhã, nghiêng mình nói :
- Xin đa tạ!
Lời chưa dứt, ly rượu đã bay đến, Nguyên Huân vận kình khí Tam Hóa Nhật Nguyệt, bàn tay đưa ra, lạ lùng thay, ly rượu như chạm phải bức tường âm nhu vô hình bỗng dừng lại trên bàn tay chàng, ly rượu tiếp tục xoay nhẹ vài vòng trước khi ngừng lại, không một giọt rượu đổ ra. Chàng nâng lên uống cạn, để ly rượu mong manh xuống bàn :
- Tại hạ xin cảm ơn Hạ Hầu đại hiệp đã yêu mến mà ban rượu cho!
Nói xong, chàng đặt tay lên miệng bình rượu, vận Tiên Thiên công, một dòng rượu mỏng manh vọt ra khỏi miệng vòi chảy vào chiếc ly trống để cách xa khoảng hai gang tay. Rượu đã ngang miệng ly, chàng nhấc tay, tươi cười nói :
- Mời Hạ Hầu đại hiệp vui lòng nhận cho!
Nói xong, Nguyên Huân dùng tay nâng ly để vào lòng bàn tay phải, ly rượu từ từ bốc lên khỏi tay và từ từ di chuyển về phía Hạ Hầu Thành. Ly rượu đến ngang tầm mắt Hạ Hầu, y đưa tay ra đỡ, nhưng bỗng dưng hắn không giữ được vì như có một sức nặng vô hình ném xuống đã đẩy ly rượu chạm hẳn mặt bàn, đáy ly từ từ lún vào mặt gỗ, đến quá nửa ly thì dừng lại.
Trong bàn tiệc, không khí ngưng đọng, mọi người nín thở nhìn chiếc ly sứ Giang Tây mỏng manh đã nằm lún vào mặt bàn được làm bằng một loại danh mộc, rượu vẫn không sánh ra ngoài.
Việc Hạ Hầu Thành đẩy ly rượu về phía Nguyên Huân, kình lực thật là mãnh liệt, nếu chàng đỡ ly rượu bằng tay, giữ lại, rượu sẽ từ trong ly hắt tung vào mặt mũi, quần áo; gây nên một trò cười vì bản lãnh non yếu, còn nếu không giữ được, ly rượu sẽ đánh trúng mặt, hậu quả tuy không ch.ết, nhưng thương tích sẽ làm hư hỏng khuôn mặt.. Ngoài ra, trong số bọn hảo thủ, chưa chắc có ai tự tin là khi bắt được ly rượu sẽ không làm đổ rượu...
Nguyên Huân miệng vẫn tươi cười, bàn tay đưa ra một cách hết sức bình thường, chàng đã dùng nội gia chân khí hóa giải toàn bộ kình lực của Hạ Hầu Thành, làm cho ly rượu xoay tròn để giữ cho rượu không văng tạt ra ngoài, đồng thời, lúc mời lại, từ cách rót rượu đến cách đưa ly đến trước mặt Hạ Hầu Thành, đã như có một bàn tay vô hình từ từ mang đến. Chính cái từ từ, mới nhìn tưởng là tầm thường, thực sự mới là điều khó khăn vô cùng. Ly rượu đi từ từ mà không bị trọng lượng và sức hút làm rơi xuống; cho đến khi chiếc ly ấn lún vào mặt bàn, tất cả bọn cao thủ có mặt đều kinh hoàng, nhất là Hạ Hầu.
Bây giờ y tự liệu sức mình không thể nào lấy ly rượu ấy lên mà không bị vỡ nát. Giữa lúc y còn phân vân, chả nhẻ cúi xuống mà uống thì thật là nhục, nhưng không làm thế thì không còn cách nào khác. Y tự giận mình đã tự gây ra cho chính mình sự khó xử này. Nguyên Huân đã đưa bàn tay ra, nói :
- Xin mời đại hiệp chiếu cố cho!
Hạ Hầu Thành mắt lộ hung quang, chưa kịp phát tác, đã thấy ly rượu như theo bàn tay đưa lên của Nguyên Huân, từ từ bốc lên một cách hết sức nhẹ nhàng. Hạ Hầu Thành vận dụng toàn bộ công lực đưa bàn tay phải nghiêng đỡ lấy, nhưng y chỉ thấy chiếc ly nhẹ đặt giữa lòng tay, y đành đưa lên miệng uống cạn. Từ trong những tiếng đang thì thào bàn luận, đột nhiên có tiếng nói lớn :
- Tiên Thiên công, đúng là Tiên Thiên công. Úi chà!
Nguyên Huân đáp lại :
- Đúng vậy, nhưng tại hạ luyện chưa đến nơi đến chốn, mong các vị anh hùng đừng cười, lượng thứ cho!
Từ lúc chứng kiến Nguyên Huân biểu diễn, gương mặt của Độc Long Thần Phùng Diệm Sơn bớt vẻ lạnh lùng kiêu ngạo, nhưng y vẫn kênh kiệu :
- Biểu diễn thì vậy, chẳng biết thực chất thế nào?
Nói xong, y ngoái tay ra sau lưng rút một thứ võ khí hết sức quái dị, đen nhánh và dày, tròn vành vạnh như mặt trăng, lớn bằng chiếc quạt, riềm chung quanh là lưỡi sắc như nước, gọi là Nguyệt đao. Phùng Diệm Sơn ngồi gần như đối diện với Nguyên Huân, cách một mặt bàn không rộng lắm, y là nhân vật cao thủ số một của Vương phủ, ai cũng nể trọng, y vẫn thường ngạo nghễ, nhiều người không ưa nhưng chẳng ai dám gây sự vì võ công y cao siêu, tính tình lại tàn bạo, cố chấp. Y có cánh tay thật dài, xử dụng Nguyệt đao vô cùng lợi hại. Từ xưa đến nay, Nguyệt đao ra khỏi vỏ, không bao giờ trở về mà không được tắm máu. Thanh Nguyệt đao như một luồng hắc quang, như chớp, chém xả vào mặt Nguyên Huân. ở chuôi đao, móc theo một sợi xích làm bằng loại thép đen, vì vậy y có thể tung ra đánh kẻ địch từ xa, có lần y đã biểu diễn cách đánh này; một con chó chạy cách y ba trượng, Nguyệt đao ở trong tay phóng vút ra, hai chân sau của con vật tội nghiệp bị chém lìa nhưng không rời ra hẳn, mà vẫn còn dính lại bằng lớp da, như thể bị “chém treo nghành” hoặc “phóng bút chì”, một công phu chuẩn đích của Đại Việt..
Lưỡi đao xé gió ập xuống, mọi người giật mình kinh hãi. Nguyên Huân giơ bàn tay trái chênh chếch hướng lên, ngón tay chĩa ra, có ngón cong vào, một tiếng gió rít nhẹ, luồng kình khí từ ngón Thiếu Xung trúng vào Nguyệt đao choang một tiếng; thanh đao cùng cả dây xích văng thẳng lên trần nhà, tiện đứt cây xà ngang phụ, dư lực vẫn chưa dừng, bay tiếp lên chém phập vào một cây xà ngang khác trên trần cao, và giữa phần thân Nguyệt đao còn ló ra đã thủng một lỗ Bàn tay của Phùng Diệm Sơn toạc hổ khẩu, đầm đìa máu. Có tiếng kêu lớn thoảng thốt :
- Nhất Dương chỉ! Tiên Thiên công!
Bị mất mặt, bàn tay trái của họ Phùng vụt ra một ánh tinh quang nhằm ngực Nguyên Huân điểm tới, ánh sáng vút đến, chưa chạm vào chàng bỗng dưng tắt ngấm. Ngọn Liễu Điệp phi đao đã nằm gọn trong lòng bàn tay Nguyên Huân. Phùng Diệm Sơn biết hôm nay y đã gặp phải tay cao thủ hơn y thập bội, y tung người phóng ra sân..
Trong lòng chàng, Nguyên Huân căm ghét bọn lục lâm chó săn này không để đâu cho hết, bọn chúng cũng chẳng khác gì bọn Thất Sát đoàn đang hiện diện trên quê hương chàng. Chẳng phải chỉ với người dị tộc chúng mới có những hành động tàn bạo, mà ngay cả đồng chủng Hán tộc, chúng cũng ức hϊế͙p͙ dân lành không kém. Vì đại sự, chàng phải cắn răng ngồi chung bàn, cười nói, ăn uống cùng bọn chúng, phải che giấu đi sự ghê tởm và khinh bỉ của mình..
Bỗng nghe đánh bùng một tiếng, và một tiếng quát dội lên, âm thanh cực kỳ uy mãnh :
- Con chó một mắt này, năm xưa ta vì đức hiếu sinh đã tha ch.ết cho ngươi trên sông Hoàng Hà vì ngươi van xin, hứa hối cải. Vậy mà nay ngươi vẫn quen thói cũ!
Tiếng quát vừa dứt thì thân thể của Độc Long Thần như diều đứt dây bay ngược trở vào. Cả bọn kinh hải lao ra sân, chỉ kịp thấy một bóng người loáng như vệt khói vút ra khỏi cửa Vương phủ. Nguyên Huân nghe tiếng quát có thanh âm rất quen, chàng tung mình, dùng Hoán Ảnh thân pháp lao theo. Thân thủ chàng vút lên như một cánh nhạn trước con mắt thán phục cửa bọn người trong Vương phủ.