Chương 16: Khoảnh khắc vô tình gặp - Thiên thu hữu ý gần

Chia tay cùng Kiến Nghiệp đại sư, Ngô Quán Trung và cha con Hà Thiết, Trần Nguyên Huân nhắm hướng Yên Kinh ngày đi đêm nghỉ, một tháng sau chàng đã đến Yên thành. Không hổ danh là một Hoàng thành, kinh đô của một triều đại nơi đầu não của quyền lực, nơi phát xuất niềm hoan lạc hoặc đau thương của trăm họ.


Yên thành tọa lạc trên một khu vực rộng lớn, tường thành cao ngất và kiên cố, vọng địch lâu san sát, quân lính tuần tra, canh phòng nghiêm ngặt. Dân chúng nội, ngoại thành ra vào tấp nập, việc buôn bán cực kỳ sầm uất, nhưng cũng bị kiểm soát gắt gao. Tất cả mọi người dân nếu không có lệnh, đều không được mang vũ khí bên người.


Nguyên Huân giấu Bạch Hạc kiếm trong cây gậy bằng nứa dùng để gánh hành lý toong teng trên vai, qua được mắt bọn lính gác cổng thành. Chàng theo đoàn người buôn bán đi sâu vào trong thành. Nơi điện đài san sát, phố xá tấp nập đông đúc, đó là khu vực của Hoàng thành. Bao quanh là khu dinh thự của các Vương, Hầu và quan lại nội triều, và chàng đã nhìn thấy, khu dinh thự biệt lập của Quang Minh vương phủ, tọa lạc kế cận Hoàng thành.


Chàng vào một tửu lầu sang trọng, đây là địa điểm lý tưởng nhất để xuất phát những chuyến thăm dò sau này. Nguyên Huân chọn một căn phòng trên lầu, từ đó, chàng có thể nhìn bao quát một khu vực rộng. Mỗi tầng lầu đều có phòng ăn rộng lớn, đầy đủ các sơn hào hải vị và những loại rượu quý, phía dưới cửa sổ là một con đường rộng lát bằng đá phiến.


Nguyên Huân tắm rủa, thay y phục, rũ sạch bụi đường. Chàng cài cửa và đến phòng ăn. Phòng ăn trên lầu dành cho những bậc Vương tôn công tử hay bọn giàu có. Nhìn thấy lối ăn mặc giản dị của chàng, bọn tửu bảo nhìn chàng ra chiều rẻ rúng. Chàng gọi một tên tửu bảo đến, và nói :


- Mang cho ta vài món ăn ngon nhất, một bình rượu nhỏ!
Tên tửu bảo nhìn chàng nghi ngờ :
- Bản quán có đủ những món ăn sang trọng, nhưng giá hơi đắt đấy!
Nguyên Huân thản nhiên bảo :
- Ta không cần sang trọng, chỉ cần ngon miệng, đắt rẻ không đáng kể!


available on google playdownload on app store


Nói xong, chàng thò tay vào túi lấy ra một thỏi vàng, chừng mười lượng, hỏi :
- Chừng nầy đủ không?
Thấy thỏi vàng, tên tửu bảo xóa hết mọi vẻ khinh thị trên nét mặt, xum xoe nói :
- Xin công tử thứ lỗi, bằng này ăn cả tháng cũng chưa hết được tiểu nhân có mắt như mù!


- Thôi được, nhà ngươi dọn ngay cho ta. Đây là phần của ngươi!


Được hai lạng bạc cho riêng, y mừng rỡ nhét ngay vào túi Trước mắt y, đây quả thực là một Vương tử cải dạng. Y làm ở đây lâu năm, tiếp đủ hạng người sang trọng, giàu có và quyền quý, nhưng chưa một ai dám cho y một số tiền thưởng hào phóng như vậy. Từ đấy, trong suốt quãng ngày Nguyên Huân trọ ở Thiên Dung tửu lầu này, tên tửu bảo có tên là A Thực trở thành tai, mắt của chàng.


Hôm chàng lên đường, Qui Loan cô cô đã đưa cho chàng một túi nặng, gồm vàng và ngọc quý. Bà cầm một viên hồng ngọc tuyệt đẹp nói :


- Chỉ một viên này đáng giá bằng một gia tài, con cứ cầm lấy và nên nhớ ta dặn con điều này: Tiền bạc mở được hết mọi cánh cửa, ngay cả lòng người. Vì vậy con không nên tiết kiệm, hãy xử dụng nó như một kẻ nô bộc, và đừng bao giờ làm nô bộc cho nó. Ta không bảo con phí phạm, nhưng phải dùng đúng lúc và đúng chỗ! Và quả thật, chàng đã dùng nó đúng lúc.


Ngồi trên lầu cao, ngó qua hàng lan can bằng danh mộc được đánh bóng nổi vân mầu hồng đậm, đó là loại Giáng hương mộc của phương Nam. Phía dưới là một phòng ăn rộng cũng sang trọng không kém, ồn ào thực khách.


Đã vào mùa đông, trời Yên Kinh đầy mây xám, và những cơn gió lạnh buốt thổi từ phương Bắc xuống. Tuy cái nóng, lạnh đối với chàng lúc này không ảnh hướng là mấy, vì công lực chàng đã tới mức có thể điều hòa thân nhiệt theo ý muốn, nhưng Nguyên Huân không muốn mọi người để ý đến mình, nên vẫn lấy chiếc áo khinh cừu quý giá ra mặc. Chiếc áo này Cô Cô cho chàng lúc Nguyên Huân lên đường.


Mùa đông này nữa là mùa đông thứ năm, và cũng là tròn bốn năm chàng rời xa Tổ quốc. Nguyên Huân nhớ đến Đoàn lục thúc, đến Uyển Thanh, đến Dư lão tứ, đến trời Mộc Châu những ngày vào đông. Không biết giờ đây ba người thân yêu ấy có còn nơi chốn cũ, hay chiến tranh đã xô đẩy họ về một phương nào khác. Và các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Đại Việt đã có được những thắng lợi nào, hay vẫn chỉ là những cuộc nổi dậy lẻ tẻ.


Cơm nước xong, Nguyên Huân gọi tửu bảo thanh toán tiền ăn, và trả trước tiền phòng một tháng. Chàng hỏi A Thực về lối đi lại trong phố phường Yên Kinh; A Thực chỉ vẽ cho chàng mọi điều, cuối cùng y hỏi :


- Công tử, trời lạnh thế này, đêm nay có một tiểu cô nương xinh đẹp lắm, công tử có cần người an ủi không?
Nguyên Huân thẹn đỏ mặt, nhưng vẫn lấy giọng bình tĩnh đáp :
- Cám ơn A Thực, hôm nay trong người ta hơi mệt, khi nào cần ta nói nhé!


Nói xong, chàng dúi thêm cho y một nắm bạc vụn, rồi bước vội ra đường.


Nguyên Huân đi rảo khắp các đường phố của Kinh thành, từ những khu quyền quý, dinh thự khang trang, đến các khu của những người dân nghèo nàn, nhà cửa lụp xụp, tối tăm. Chàng đến cả những khu vực, nơi đóng quân của các đạo Túc vệ, Cẩm Y vệ, Ngự Lâm, là những đơn vị bảo vệ Hoàng thành, Tử Cấm thành và Hoàng tộc. Các đạo quân này được lựa chọn và huấn luyện kỹ lưỡng, hết sức tinh nhuệ, ngoài ra còn có bốn đạo quân hộ thành rất đông dưới quyền của Cửa Môn Đề Đốc.


Tường thành cao, dày, kiên cố, được xây bằng đá tảng, phía ngoài là hào sâu, cắm chông nhọn, đầy nước. Kể cả thành ngoại, cũng như Hoàng thành, đêm ngày được canh phòng, tuần tiểu rất nghiêm nhặt. Trong Hoàng thành là nơi làm việc của các bộ, là guồng máy hành chánh và quân sự. Và trong đó là khu Tử Cấm thành, nơi cung điện Nhà Vua và Hoàng tộc.


Nguyên Huân nhận thấy rõ, việc đột nhập vào Hoàng thành và Tử Cấm thành, nơi cung cấm của Hoàng đế đã là việc hết sức khó khăn, việc tìm kiếm ra nơi chứa sách vở, văn thư, nghĩa là nơi dùng làm thư khố, hoặc Ngự thư phòng còn khó khăn gấp bội. Vì tính cách quan trọng của công việc, chàng không thể xem thường và khinh xuất; đành rằng với công lực và với khinh công hiện nay, chàng có thể lọt vào nội cung không mấy khó khăn.


Suốt cả ngày, chàng quan sát kỹ khu Hoàng thành, và những địa điểm, mà từ đó chàng có thể xử dụng để xâm nhập. Bỗng chàng nhớ lúc chia tay, Kiến Nghiệp đại sư có dặn chàng :


“Thiếu hiệp không nên khinh xuất, hiện nay tuy Vinh Lạc (Minh Thành Tổ) đã xuất chinh, quyền nhiếp chính giao cho Thành Vương coi giữ. Quân Cẩm Y vệ, quân Cấm vệ và đội Ngự Lâm đã rút bớt một số lớn để theo hộ giá, nhưng ở Kinh đô số còn lại không phải là nhỏ; nhất là Dương Tiêu được trao quyền gìn giữ an ninh và bảo vệ Hoàng thành, Tử Cấm thành. Thiếu hiệp không nắm rõ được sơ đồ của nội cung, thì chẳng thể nào tìm ra nơi cất giấu Bí kíp. Nếu kẻ địch biết được, chúng mang đi chôn giấu, thì việc tìm kiếm sẽ chỉ là vô vọng. Bởi vậy phải cực kỳ thận trọng.


Trần thiếu hiệp, trong số Thái giám coi Ngự trù phòng, bần tăng có cài vào đó một nhân vật của Minh giáo, để giám sát và theo dõi mọi hành vi, tình hình trong nội cung; và vị Công công này mỗi tháng trở về nhà một lần, vào hai ngày của đầu tháng. Thiếu hiệp có thể gặp y, cứ nói mật hiệu, y sẵn sàng giúp cho thiếu hiệp bất cứ việc gì. Đây là mảnh giấy bần tăng ghi địa chỉ và mật hiệu, thiếu hiệp xem kỹ, nhớ lấy, và tiêu hủy ngay. Bần tăng có việc phải lên phương Bắc, và hy vọng có thể trở về Yên kinh vào đầu tháng tới, mong gặp lại”.


Nguyên Huân thầm nhớ lại. Bây giờ mới là ngày mười, vậy còn hai mươi ngày nữa vị Công công ấy mới được phép trở về nhà. Trong thời gian chờ đợi này, chàng nhân lúc rảnh rỗi đi thăm một số thắng cảnh của Kinh đô nhà Đại Minh.


Một buổi sáng xong, sau khi ngồi vận công điều tức, như thường lệ, Nguyên Huân lại ra phố, nhìn thiên hạ đi lại cho qua thời gian nhàn rỗi vô vị. Đang đi, chàng bỗng giật mình vì những tiếng huyên náo ở phía sau; chỉ một thoáng, dân chúng kéo nhau ra đầy nghẹt hai bên đường, chàng ngơ ngác thấy mọi người reo hò mừng rỡ và quây lấy quanh một thiếu phụ và một thiếu nữ. Có khoảng tám người mặc thường phục dẹp lối nhưng cũng thật khó khăn. Hai bên lầu phố, hoa được quăng xuống đám đông từ những ô cửa sổ. Tiếng reo hò vẫn không ngớt :


- Vương phi, Vương phi, chúc Vương phi trường thọ!


Giữa đám đông vây quanh, một thiếu phụ tuổi chừng trên bốn mươi, tuy ở tuổi trung niên, nhưng nhan sắc của bà còn tuyệt đẹp. Thiếu nữ đi cạnh bà giống bà như đúc, tuổi nàng khoảng mười sáu, mười bảy. Cả hai, trang phục thật giản dị, nhưng không những không làm mất đi vẻ xinh đẹp, mà như còn tăng thêm nét ôn nhu, nhân hậu. Nguyên Huân nhận thấy người thiếu nữ đi bên cạnh trung niên thiếu phụ kia, có rất nhiều nét giống Uyển Thanh của chàng, nhưng gương mặt và đôi mắt dịu dàng của nàng thuần hậu hơn Uyển Thanh.


Một ý nghĩ thoáng qua trong óc chàng, chưa kịp hình thành, thì đã nghe tiếng vó ngựa dồn rập và tiếng roi nẹt đường cùng với tiếng quát tháo, thoáng đã đến gần. Đám đông đang nói cười bỗng chốc không còn một bóng người, cả dãy phố lặng ngắt. Nguyên Huân chưa kịp ngạc nhiên thì trước mắt chàng, bảy, tám người trên lưng ngựa đã hiện ra. Người dẫn đầu là một thanh niên tuổi chừng hai mươi, ăn mặc diêm dúa, tóc cột cao phía sau bằng một dải lụa màu xanh biếc, xõa xuống sau lưng, một con bướm được kết bằng những viên ngọc lóng lánh điểm trên búi tóc, sau lưng đeo một thanh trường kiếm. Y vận y phục màu vàng, trước ngực thêu một cặp chim loan, phượng bằng kim tuyến. Bảy người trên ngựa theo sau đều là những võ tướng, kim khôi, giáp trụ, trang bị đao thương kiếm kích.


Thanh niên gò cương ngựa, đôi mất âm hiểm, ɖâʍ đảng nhìn khắp trước khi nhảy xuống mình ngựa, bọn võ tướng vội vả xuống theo. Tay vung vẩy chiếc roi ngựa, y bước đến trước mặt người thiếu phụ và thiếu nữ. Thiếu phụ bước tới một bước vòng tay nói :
- Tiện thiếp kính chào Thái tử!


Gã thanh niên cũng chào đáp lại :
- Không dám, xin kính chào Vương phi và Quận chúa!
Vị Quận chúa là thiếu nữ xinh đẹp, nghiêng mình chào nhưng không nói gì, vẻ mặt nàng không được vui.
- Hôm nay Quận chúa có gì không được hài lòng vậy!


- Điện hạ thứ cho tiện nữ, chắc vì đi bộ mệt nên vẻ mặt biếng vui vậy thôi!
Vương phi đỡ lời, rồi quay nhìn con gái :
- Hoài Nam, con ra mắt Thái tử đi chứ!
Hoài Nam quận chúa thoáng cau mày, cúi đầu nhỏ nhẹ :
- Xin ra mắt Điện hạ!
Thái tử long lanh ánh mắt, cười toác miệng :


- Không dám, Quận chúa mạnh khỏe chứ!
- Xin cảm ơn Điện hạ!


Tám người dẹp đường cho Vương phi lúc nãy cũng biến mất, thì ra họ chỉ là những thường dân, thấy bóng hung thần nên sợ hãi lãng tránh. Đệ lục Thái tử Chu Nguyên Khánh được Thành Tổ cưng chìu nên tự do hoành hành, tác oai tác quái không coi Vương pháp vào đâu, dân chúng kinh thành xem y không khác gì hung thần ác sát.


Chu Nguyên Khánh nhìn Vương phi :
- Ta đã thưa với Vương phi nhiều lần, là không nên ra phố một mình. Vương phi cùng Quận chúa lại còn đi bộ như thế nữa, làm cho bọn dân đen nhơ bẩn kia lờn mặt. Nghe tin, ta vội vã đến đây để bảo vệ Vương phi và Quận chúa đó!


- Xin tạ ơn Thái tử. Hôm nay là ngày Vọng, mẹ con thiếp đi chùa dâng hương cúng Phật, mà đối với Phật tổ, ai cũng như nhau, nên không dám nghênh ngang xe ngựa!


- Cũng phải khác nhau chứ, ta với Đức Phật cũng như anh em, ông ta ngày xưa là Thái tử, ta cũng là Thái tử. Nhân tiện, cũng ghé thăm ông Phật một chút, nên xin được tháp tùng Vương phi!
Vương phi sợ hãi, không biết nói gì. Đang vênh vang, tự đắc Chu Nguyên Khánh bỗng cau mày quát lớn :


- Thằng dân đen chó ch.ết kia, mi không còn muốn sống nữa rồi! Lôi cổ hắn lại đây, ta dạy cho hắn biết phép tắc của bản triều!


Vương phi và Hoài Nam cùng quay lại, và nhìn thấy một thiếu niên đứng cách đó không xa. Biết bản tính tàn ác của Chu Nguyên Khánh, mặt Hoài Nam tái đi vì sợ. Riêng Vương phi, vừa nhìn thấy chàng trai, bà giật mình. Bà nhíu mày cố nhớ lại, nhớ lại một cái gì mà bà chưa kịp hiểu là mình muốn nhớ điều gì, chỉ biết là nó vừa thoáng hiện trong trí bà như sau một đám mây mù.


Nguyên Huân, vì tò mò, nên đáng lẽ bỏ đi như mọi người, thì chàng lại đứng tại chỗ dõi theo câu chuyện giữa Vương phi và đám người ngựa sang trọng, quên mất lẻ hơn thiệt, phiền phức, đến khi nghe tiếng quát của Đệ lục Thái tử Nguyên Khánh, Nguyên Huân mới biết mình đã quá khinh xuất Thật ra, đối với chàng, Nguyên Huân thật chẳng coi gã Thái tử hống hách, ngu xuẩn kia ra gì, kể cả bảy tên võ tướng. Nhưng như thế, tất phải xảy ra việc động thủ, gây trở ngại cho công việc của chàng sắp tới, do đó, Nguyên Huân quyết định nhịn nhục.


- Kẻ tiện dân bấy lâu nay nghe uy danh Thái tử, bởi nay tình cờ được gặp, được thấy “dung nhan” nên sung sướng mà quên quỳ lạy, mong Thái tử lượng thứ cho!


Trong ánh mắt thương xót lẫn lo sợ của Hoài Nam, giờ bỗng thay bằng tia nhìn thương hại, nếu không muốn nói là khinh bỉ, nhưng rồi nàng cũng hiểu và thông cảm cho thân phận của người dân, vì mạng sống mà phải làm những điều trái với lòng mình. Chu Nguyên Khánh, thông thường được bọn thuộc hạ vây quanh tâng bốc, nay lại gặp dịp được một tên dân nịnh hót trước mặt người đẹp, y đổi giận làm vui, y múa roi ngựa vun vút trên đầu chàng, lấy giọng oai nghi :


- Tên dân ngu xuẩn kia, đã biết uy danh của ta, lại biết lỗi mình ngu muội. Ta tha cho, cút đi!


Nguyên Huân vái ba vái, rồi đứng lên đi thẳng. Vương phi nghĩ thầm: “Thiếu niên này ta thấy gương mặt quen thuộc lắm, nhìn phong thái con người y, ta chắc y xuất thân không phải tầm thường. Y dùng chữ “dung nhan” thật mỉa mai và đúng nữa. Chữ này dùng để chỉ nhan sắc đàn bà, con gái; một là y ngu dốt, hai là y cố tình châm biếm?”


Vương phi nghĩ thế, và quay nhìn Thái tử, nói :
- Mẹ con thần thiếp đi bộ, chẳng dám vô lễ để Thái tử cùng đi bộ theo, xin Thái tử đến trước dâng hương, thần thiếp cùng hài nữ xin đến sau một bước!


Chu Nguyên Khánh nghĩ đến đoạn đường từ đây cho đến Châu thành phía Bắc, nơi Sơn Quang tự tọa lạc, đường xa, mà đi bộ y không quen, cưỡi ngựa đi kèm thì khiếm nhã với người đẹp, nên y vui vẻ nói :


- Vương phi nói cũng phải, để ta đến trước sắp xếp cho Vương phi và Quận chúa dâng hương cúng Phật!
Nói xong, đôi mắt hấp háy nhìn Hoài Nam quận chúa bằng ánh mắt say mê, rồi nhảy lên ngựa phóng đi. Hoài Nam nói với mẹ :
- Thưa mẹ, quay về đi!


- Con không muốn nhìn thấy y làm nhơ bẩn cửa Phật, để đến kỳ sau vậy; vả lại Bảo Thư hôm nay khó ở, con muốn quay về!
Vương phi ngẫm nghĩ rồi gật đầu, nói :
- Thôi, ta về! Phật tổ cũng hiểu mà tha thứ cho mẹ con ta?


Hìnhh ảnh Hoài Nam quận chúa bám mãi trong đầu óc Nguyên Huân. Suốt đêm ấy chàng thao thức. Có một điều gì đấy lờ mờ, ẩn hiện trong ý nghĩ của chàng. Khuôn mặt của Hoài Nam và Uyển Thanh. Và Vương phi, Vương phi nào? Người đàn bà kia là vợ của vị Vương gia nào trong Triều đình của Vĩnh Lạc hoàng đế?


Chàng ngồi dậy, mở toang cửa sổ. Từng cơn gió lạnh buốt như kim châm lùa vào phòng. Phố xá chìm trong yên tĩnh, chìm trong ánh sáng trắng đục lạnh lẽo. Đột nhiên, trong cái tĩnh mịch của đêm đông, chàng vừa thoáng nghe có tiếng chéo áo phất nhẹ trong khí lạnh. Ai đã xử dụng khinh công đi lại vào lúc này? Nhất là đêm nay trời vẫn sáng vì có trăng rằm, tuy bị những đám mây xám phủ kín bầu trời, nhưng đêm rằm vẫn sáng bàng bạc một màu sữa đục.


Một thoáng suy nghĩ, Nguyên Huân tung người qua cửa sổ vượt lên mái nhà. Cách chàng một quãng xa, một bóng mờ vút đi dưới ánh trăng khuya, chàng tung người đuổi theo. Với bộ võ phục màu vàng, hòa vào ánh trăng chiếu nhờ nhờ, thân pháp chàng phóng vút như một mũi tên; khoảng cách mỗi lúc một gần, nhưng rồi, tuy đã vận hết cước lực, chàng vẫn không rút ngắn thêm khoảng cách.


Bóng trắng vút về hướng Bắc, về hướng Sơn Quang tự, rồi mất hút trong những tàn cây của ngôi đại tự cổ kính. Còn đang ngơ ngác, thoáng nghe tiếng gió phía sau, biết có người tập kích, nhanh như chớp, Nguyên Huân xoay mình lại, cùng lúc, đầu một ngọn roi như rắn mổ từ dưới bóng tối của tàn cây đánh đến. Đầu roi chưa tới mà kình lực đã ập đến phong tỏa các huyệt đạo trên nhân mạch của chàng.


Không chậm trễ, chàng vận Hỏa Vân công, phối hợp Nhật Nguyệt Tam Hóa thần công, giở Triệt Di thủ pháp hóa giải và phản công tức khắc. Thân ảnh chàng như bóng mờ, xuyên qua đảo lại trong trùng trùng bóng roi, kình lực của ngọn roi mỗi lúc một tăng thêm, tiếng roi rít ngược và mổ xuống nhắm vào các tử huyệt trên người chàng, đường roi như chẳng biết dung tình, liên tục tấn công không dứt. Nguyên Huân vận thêm nội lực, hai bàn tay chàng như biến theo muôn vạn đầu roi, chụp, bắt, búng, đẩy, xô, cuốn... dần dần đường roi như giảm hẳn uy thế.


Từ khi bước chân đi lại chốn giang hồ, lần đầu tiên chàng gặp phải một cao thủ đáng sợ như vậy. Nếu không có thời gian công phu quý báu ở Tuyệt Tình đàm, và nhất là tý lực của chàng sau những ngày luyện kiếm dưới thác nước, chắc chàng không thể nào địch nổi với đường roi hiểm ác này.


Thoắt chốc, hai bên đã giao thủ đến ba, bốn trăm chiêu, vẫn không kềm chế nhau được. Đường roi rút ngắn dần, càng ngắn, kình lực càng mạnh thêm. Bấy giờ, Nguyên Huân đã nhận ra đối thủ của chàng có một thân hình nhỏ nhắn, mặc bộ dạ hành tuyền trắng, mặt bịt một vuông khăn cùng màu, do vậy, cả thân người như chìm lấp trong không gian màu sữa. Như muốn dứt điểm, bóng người đổi thế công, đầu roi quái dị mổ đến như cùng lúc từ cả ba hướng, tả, hữu và trực diện khiến Nguyên Huân phải lui lại một bước. Bỗng nhiên áp lực đột ngột biến mất, ngọn roi đã thu gọn trong tay của đối thủ.


- Mô Phật! Công lực của Trần thí chủ tăng tiến đến thế là cùng!
Bóng trắng vừa nói vừa cởi chiếc khăn bịt mặt.
- Sư thái!
Nguyên Huân mừng rỡ reo lên. Tâm Hư sư thái mỉm cười :


- Mấy hôm nay, ta thấy thiếu hiệp qua lại Hoàng thành mấy lần. Ban ngày không tiện gặp nơi tửu lầu, nên đêm nay có việc ngang qua đây, muốn thử công phu thiếu hiệp một phen. Thật quả võ công của thiếu hiệp tăng tiến nhanh thật, ta không ngờ đấy!
Nguyên Huân vòng tay thưa :
- Đa tạ Sư thái quá khen!
Tâm Hư nói :


- Bần ni đến đây đã trên nửa tháng rồi, ngụ tại ngôi Sơn Quang tự này. Mời thí chủ quá bộ ghé lại, ta có vài việc muốn nói!
Nguyên Huân theo Sư thái vào khuôn viên ngôi cổ tự bằng lối sau. Trời bắt đầu sáng dần. Một lát sau, Tâm Hư sư thái trở lại trong bộ đồ tu hành :


- Thiếu hiệp ăn, ở nơi sang trọng thật!
Nguyên Huân ngượng ngùng thưa :
- Bạch Sư thái, chẳng qua là vạn bất đắc dĩ, mong Sư thái hiểu cho!
Tâm Hư cười, nói :
- Ta có trách móc gì thí chủ đâu. Chỉ vô tình nói thế thôi, thiếu hiệp đừng quan tâm nhé!
Nguyên Huân hỏi :


- Công việc của Sư thái đã xong chưa?
Tâm Hư nhìn ra ngoài trời, ngàn cây đẫm hơi sương lạnh lẽo, không gian cô tịch.


- Bần ni có chút việc riêng của bản phái, mà trên ba mươi năm bần ni bôn tẩu khắp thiên hạ vẫn chưa hoàn thành được; Suốt dãy Hoa Nam, Hoa Bắc, Tứ Di, nội, ngoại thành, đế tâm nghe ngóng, tìm kiếm không ngừng kể từ ngày trao chức Chưởng môn cho Sư muội đến nay, vậy mà vẫn tuyệt âm vô tích!


Nguyên Huân e dè hỏi :
- Sư thái tha lỗi cho vãn bối tò mò. Chẳng hiểu Sư thái có thể cho vãn bối giúp ích gì được chăng?


- Việc này cũng không có gì bí mật cả. Ngày xưa trên giang hồ xuất hiện hai báu vật. Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm, vốn do Quách đại hiệp tạo thành bởi khối Huyền thiết trong Thủy động, và là nơi cất giấu hai báu vật giang hồ cũng do Quách đại hiệp tìm được, một là bộ Cửu Âm chân kinh, chép trên tấm da người của xác đồng Trần Huyền Phong, đã vô tình lọt vào tay đại hiệp ngày đại hiệp còn ở sa mạc Mông Cổ. Hai là bộ Vũ Mục di thư, do Vũ Mục Nhạc Phi, một danh tướng của Tống triều trước tác, sau Nhạc Phi bị giết bởi tay Tần Cối. Di Thư sau đó lọt vào tay Thiết Chưởng bang của Thiết Chưởng Thủy Thượng Phiêu Cửu Thiên Nhân, và được cất giữ trong thánh địa bất khả xâm phạm của bang Thiết Chưởng; đó là một hang động dùng làm nơi tọa diệt của các đời Bang chủ. Hang động đó nằm ở đốt thứ ba của ngọn núi chính trong năm ngọn núi có thế dựng đứng như bàn tay, nên gọi là Chưởng Phong sơn, hay Thiết Chưởng sơn cũng vậy.


Tổ sư bản phái Quách Tường, vốn là con gái của Quách Hoàng nhị hiệp, nên báu vật này là báu vật trấn sơn của Nga Mi. Hiện nay Vũ Mục di thư không biết mất về phương nào. Trước đây, Giáo chủ Minh giáo, người họ Trương, đã thu hồi được Vũ Mục di thư và trao cho Từ Đạt, Từ Đạt nhờ vào Di thư trở thành danh tướng, đánh đâu thắng đấy, phò Chu Nguyên Chương dựng nên nhà Minh, vì họ Chu vốn là người của Minh giáo. Sau khi Từ Đạt bị sát hại, bộ Di thư không biết lạc về đâu.


Khi sư phụ còn sống, người bắt ta làm xong bốn điều, là thu hồi được báu vật về cho Nga Mi. Trong ba mươi năm qua, ta mới làm xong được một. Ba việc còn lại, một là Vũ Mục di thư, hai là Đồ Long đao đã được Nhan Bổn năm xưa hàn lại, ba là Ỷ Thiên kiếm, đã bị gãy lìa. Nay bần ni biết thiếu hiệp mưu toan xâm nhập Thư khố và Ngự thư phòng tìm kiếm bí kíp của tổ tiên, ta cũng muốn nhân cơ hội này, chúng ta cùng liên thủ tìm kiếm, thí chủ nghĩ sao?


Nguyên Huân đáp :
- Xin Sư thái cứ tin vào vãn bối, nếu trong lúc lục soát Thư khố hoặc trong Ngự thư phòng, vãn bối phát giác được Di thư Vũ Mục, thế nào cũng thu hồi về cho quý phái!
Tâm Hư nói :
- Bần ni thay mặt bản phái Nga Mi tạ ơn thiếu hiệp!


- Xin Sư thái đừng nói vậy, đó là bổn phận trong võ lâm mà thôi!






Truyện liên quan