Chương 21: Đạo ý tưởng
“Nhã Nghi, cậu có rảnh không?”
Tin nhắn vừa được gửi đi, người bên kia cũng vừa rời mạng. Một sự trùng hợp đến khó tin. Thư Uyển quăng mạnh điện thoại lên đệm, lòng uất ức.
Vào lúc này đây, người duy nhất cô nghĩ có thể giúp được mình là cô ấy. Cô không muốn chịu đựng thêm nữa, mọi chuyện đủ khủng khiếp rồi. Cô muốn nói với một ai đó, mà không thể. Cô không tin tưởng những người khác, cô sợ khi đem vết thương ra trước mặt người ta, họ sẽ xát muối chứ không phải thuốc chữa lành. Thế nên, cô chỉ muốn nói với riêng một mình Nhã Nghi, chỉ cô ấy. Vì cô biết rõ, cô bạn này thật sự lo lắng cho cô, thật sự quan tâm đến cô.
Nhưng không, cô ấy không có mặt. Ngay lúc rơi xuống vực thẳm, cô chỉ cần một bàn tay kéo mình lên. Nhưng không ai cả. Người cô cần không đến, người đến chẳng phải kẻ cô cần. Cô sợ bắt gặp ánh mắt đau xót của Kha, cậu ấy thương hại cô chăng? Không, cô không cần sự thương hại đó. Cô muốn được kiêu hãnh đứng trước mặt cậu, nhưng cô đã chẳng còn tư cách đó nữa. Và cả Giai Mẫn, trong suốt thời gian qua, cô ấy cũng nhắn không ít tin cho cô. Nhưng có ích gì đâu, cô ấy sạch sẽ. Tại sao cùng được cứu về từ chuyến bắt cóc nhưng Mẫn lại được bình an còn cô thì phải chịu đựng điều khủng khiếp đó, còn cô thì không? Tại sao, tại sao cơ chứ!
Nhặt lại điện thoại, những tin nhắn hỏi thăm của Giai Mẫn cứ như vậy mà đập vào mắt cô. Trong lòng Thư Uyển dâng lên một cảm giác bày xích mãnh liệt. Cô ta muốn làm gì đây? Đứng ở một vị trí cao để bố thí sự quan tâm cho cô ư? Thật nhảm nhí! Cô không cần ai bố thí thứ gì cả. Những gì cô muốn, cô sẽ tự giành lấy.
Cô phải viết. Đó là ý nghĩ bám chặt Thư Uyển trong cơn hoảng loạn. Phải rồi, cô phải viết thôi. Cô đã mất quá nhiều rồi, cô không muốn rời bỏ luôn cả việc viết. Chưa bao giờ như lúc này, cô muốn trải nỗi lòng của mình ra giấy, để mọi người hiểu và đồng cảm. Nhưng cô không thể.
Chỉ cần đặt bút xuống, những kí ức khủng khiếp lại ập về. Từng câu văn của cô đều u ám, dơ bẩn như chính thân thể cô vậy. Cô biết, mình cần phải tim một cảm xúc chủ đạo để dẫn dắt, để ép mình quên đi những suy nghĩ tiêu cực này. Cô cũng đã thử lấy cảm hứng từ những tác phẩm khác, lấy cảm hứng từ âm nhạc, và tất cả đều rỗng tuếch.
Muốn cộng hưởng cảm xúc thì cõi lòng phải còn nơi ấp ủ. Mà thế giới nội tâm của cô đã bị bóng tối choáng chỗ, làm gì còn không gian cho xúc động và yêu thương.
“Hay là tìm một câu chuyện thật xúc động và cải biên lại?” Ý nghĩ đó thoáng hiện trong đầu cô, rồi bị cô phủ định ngay. Là một người cầm bút, cô thừa hiểu sự khác biệt giữa sao chép chi tiết và lấy cảm hứng. Một thứ là mô phỏng, là nhái lại còn một thứ được sinh ra từ sự đồng cảm, chúng không hề giống nhau. Sao chép chi tiết cũng là một dạng đạo văn cao cấp, là dạng đạo văn trơ trẽn nhất.
So với sao chép câu chữ, sao chép ý tưởng đạt đến một trình độ cao hơn. Rất khó để nhận ra “lấy cảm hứng” và “sao chép ý tưởng”, thậm chí có nhận ra rồi cũng chẳng chứng minh được gì. Những người viết lười sáng tạo rất chuộng cách làm này, vừa không phải đối diện với trách nhiệm pháp lí mà lại không cần đắn đo suy nghĩ.
Biết rõ là thế nên Thư Uyển không khỏi phỉ nhổ chính mình. Làm sao cô lại muốn đạo văn được cơ chứ! Đó là một việc làm rất khốn nạn. Nó giết ch.ết nhân cách của một người viết văn, giết ch.ết đam mê của những người viết chân chính. Nó là con sâu mọt đục khoét sự sáng tạo, làm rỗng toác khát vọng tìm tòi. Nó là hành vi đáng kinh tởm nhất trần đời.
Ngay cả trong những giấc mơ, Thư Uyển cũng không quên được cái lần mà Hạ Lan Thy làm điều đó với tác phẩm của cô. Thật khủng khiếp, cô ta đã chiếm đoạt đứa con tinh thần mà cô rất mực yêu thương, tự ý sửa đổi nó mà chẳng hề thấu hiểu. Tuyệt vọng, đau đớn, xót xa, đó là những gì cô phải chịu đựng. Không, cô không thể làm như thế!
“Không đâu, mình sẽ không đạo ý tưởng của người ta đâu. Mình chỉ tham khảo một chút, một chút thôi, phần còn lại sẽ tự nghĩ.”
Thư Uyển cố gắng tự trấn an bản thân bằng những sáo ngữ mà đến chính cô còn không tin được. Nếu phải ngừng viết vào lúc này, làm sao cô sống nổi nữa chứ!
“Hãy ích kỷ đi Thư Uyển. Hãy nghĩ cho bản thân ngươi đi…”
Một giọng nói ma mị vang lên trong đầu Thư Uyển, khiến đôi mắt hoảng hốt của cô dần trấn định lại. Đúng vậy, cô tự nghĩ cho mình thì có gì là sai? Là người mà, ai mà không ích kỷ cơ chứ! Cô, xét đến cùng cũng chỉ là một con người tầm thường. Vậy là Thư Uyển tự cho mình quyền ích kỉ. Chỉ một lần này thôi, duy nhất một lần này thôi. Cô sẽ tìm một tác phẩm nào đó, chọn ra một vài chi tiết đắt giá nào đó rồi viết lại. Sẽ chẳng ảnh hưởng đến ai đâu nhỉ?
Chiếc điện thoại bị Thư Uyển nắm chặt trên tay đột ngột ré lên. Cô liếc mắt nhìn màn hình, là tin nhắn của một người lạ. Người đó liên tục lãi nhãi, đại khái là tự giới thiệu bản thân bằng ngôn ngữ kích động. Fan hâm mộ ư, cũng chẳng phải là gì mới. Từ lúc cô thắng kiện và “Yêu thương” được xuất bản, những người xa lạ tự nhận yêu thích sách cô rất nhiều. Nhiều đến mức cô chẳng thể nào nhớ nổi.
Ngã lưng lên giường, bỏ mặt điện thoại sang một bên, nó vẫn liên tục chớp nháy. Cảm thấy quá phiền phức, cô quơ điện thoại lên, định chặn tin nhắn luôn cho bớt bực mình. Cũng chẳng hiểu thao tác làm sao mà Thư Uyển lại ấn nhầm vào file văn bản con bé gửi. Hóa ra là một truyện ngắn.
Nhìn cách dùng từ vừa non nớt cùng những câu cú còn giản đơn của con bé, Thư Uyển cười lạnh. Rác rưởi thế này cũng gửi cho cô. Nhưng một điều đáng bực hơn lại xảy ra, cái smartphone cũ của cô đột ngột đứng máy. Màn hình chẳng hiển thị gì ngoài những dòng văn của con bé đó cả.
Vậy là Thư Uyển bắt đầu đọc với vẻ mặt nhăn nhó, mục đích là để con bé kia khỏi quấy rầy vào những lần sau. Cũng đơn giản thôi, cô sẽ chê bai thậm tệ, để nó khỏi gửi truyện của mình đi lung tung như thế. Biết chọn thời điểm ghê, lựa ngay đúng lúc cô bực rồi gửi sang!
Một dòng rồi hai dòng. Nhạt nhách, ít nhất thì nó quá nhàm chán với một người đã đọc nhiều viết nhiều như Thư Uyển. Nhưng càng về sau, cô bất giác bị những nhân vật dẫn đường. Từng nhân vật trong truyện đều sống động và chân thực đến lạ, họ có thể giới nội tâm riêng với những suy nghĩ rất riêng. Nhưng từ họ, cô lại cảm nhận được một sự chân thật đến lạ, giống như là họ đã từng tồn tại trên cuộc đời này vậy.
Đọc đến những dòng cuối cùng, cô bị cảm xúc chân thành của nhân vật làm bật khóc. Bỏ qua sự non nớt, những tình cảm hồn nhiên và chân thành thật sự chạm đến trái tim cô. Một ý nghĩ thoáng hiện qua đầu cô. Hay là, cô sẽ sửa câu chuyện này để trở thành một tác phẩm mới.
Suy nghĩ đó xuất hiện bất chợt nhưng nhanh chóng cắm rễ vào trong óc của Thư Uyển. Cô nhận ra được tiềm năng ẩn trong câu chuyện này. Những non nớt về mặt kĩ thuật viết của một cô bé ở tuổi mười lăm, cô có thừa khả năng khắc phục. Còn phần cốt lõi nhất là những tình huống gây xúc động thì truyện này đã có sẵn rồi.
“Thế thì làm kẻ ác vậy.” Vừa đọc lại tác phẩm của con bé kia, cô phá lên cười. Càng trưởng thành, cô càng hiểu rõ cuộc sống này tàn nhẫn đến đâu. Những chân lí trong thế giới cổ tích, ở ngoài đời lại trở thành ngu xuẩn. Không có chuyện ở hiền sẽ gặp lành, những kẻ ác luôn đắc thời và sẵn sàng chà đạp lên lương thiện. Cô không phải là một minh chứng đó sao? Bị cuộc đời này vùi dập đến đường cùng, tình yêu mất đi, thậm chí đam mê cũng không giữ nổi.
Ngẫm nghĩ một chút, cô bắt đầu viết nhận xét. Trước hết là chê, Thư Uyển cố ý lơ đi những điểm sáng trong tác phẩm mà chăm chăm vào những lỗi rải rác khắp nơi. Đọc lại vài lần để chắc chắn rằng mình đã tạo ra một sự đả kích đủ lớn rồi, cô mới viết thêm vài câu an ủi và khuyên cô bé kia đừng nên đưa tác phẩm của mình đến trước mặt công chúng. Phải đọc nhiều hơn, phải gọt dũa đến khi tác phẩm hoàn hảo hãy đưa đến trước mặt mọi người.
Làm xong việc, Thư Uyển có tám phần nắm chắc rằng con bé này sẽ không đem câu chuyện nó sáng tác gửi cho người khác xem. Nhưng vẫn chưa yên tâm, Thư Uyển bắt tay ngay vào việc sửa chữa. Chỉ cần làm khâu này thật cẩn thận thì mọi người sẽ khó nhận ra sự sao chép. Một sự lừa dối hoàn hảo.
Giữ lại những chi tiết đặc sắc, chỉnh sửa lại mốc thời gian cho hợp lí hơn, diễn đạt lại những đoạn văn còn thô ráp. Vẫn chưa đủ. Thư Uyển ngẫm nghĩ, rồi quyết định thay đổi ngôi xưng. Từ một câu chuyện được thuật ở ngôi thứ ba thông thường, cô chuyển sang ngôi thứ nhất với nhiều nhân vật. Mỗi người trong câu chuyện kể lại, tạo thành những mảnh ghép lí thú cho một bức tranh đa sắc màu.
Dẫu cảm xúc không còn nhưng bản năng con chữ còn đó, chẳng bao lâu sau, Thư Uyển đã làm xong. Nhìn tác phẩm đã đổi thịt thay da, cô mỉm cười mãn nguyện. Tin rằng có đưa đến trước mặt tác giả gốc thì con bé cũng không nhận ra được nữa.
Mà có nhận ra thì đã sao? Con bé có nói cũng chẳng ai tin. Giữa một tác giả nổi tiếng và một cô bé còn đi học, cán cân dư luận nghiêng về ai thì không cần nói cũng biết. Thư Uyển chợt thừ người ra.
“Uyển ơi, mày học văn như thế hả, mày yêu văn ghê tởm như thế hả!”
Một trận chiến dữ dội nổ ra ngay trong đầu cô. Niềm tin từ thuở bé thơ và con quỷ ích kỷ đấu đá với nhau, chẳng có lấy chút gì nhân nhượng. Cuối cùng, ác quỷ đã chiến thắng. Cô không muốn ngừng viết, cô không muốn. Thư Uyển hạ quyết tâm làm ác cho đến cùng. Không thể trách cô, có trách cũng chỉ trách xã hội này tàn nhẫn. Không là cô thì cũng sẽ có những người khác dồn con bé đến chân tường mà thôi. Hi vọng sẽ bị hủy hoại, niềm tin sẽ bị dập tắt. Cuộc sống này vốn tàn nhẫn như thế!
Màn hình chợt chớp động, là Nhã Nghi nhắn tin sang:
“Tớ đây Uyển. Rất sẵn sàng giúp cậu.”
Giúp cô ư? Thư Uyển nhìn trang word đã chi chít chữ rồi nhìn sang tin nhắn thì không khỏi bật cười. Cậu đến muốn, quá muộn rồi Nhã Nghi! Cô nhận ra mình chẳng nên trông cậy vào ai nữa. Chỉ có mình mới sẵn sàng giúp mình vô điều kiện, nên hãy đặt bản thân lên hàng đầu.
Và một lần nữa, Thư Uyển do dự. Làm người ích kỷ, cô sẽ có được mọi thứ cô muốn sao? Cô không chắc một chút nào cả. Cô lo sợ, mình chẳng những không có được những gì mình muốn mà còn mất đi tất cả những gì đang có lúc này.
“Ngươi có muốn sở hữu hạnh phúc không?”
Giọng nói ban nãy lại vang lên. Thư Uyển đã sớm quen, bởi vì đây không phải là lần đầu tiên cô nghe được thấy nó. Từ lúc còn học cấp ba, mỗi lần nhìn Kha thì cô đều nghe được những âm thanh khuyên cô từ bỏ, hoặc đôi khi là chỉ rõ khoảng cách giữa cô và anh. Có lẽ, đây chính là tiếng lòng của cô cảnh tỉnh bản thân mình.
Sở hữu hạnh phúc sao, ai mà không muốn chứ! Cô cũng vậy, cô cũng muốn được hạnh phúc như bao người. Rồi cô nghe thấy tiếng cười quái dị đến tột cùng.
“Thế thì cướp đi, cướp nó từ tay những kẻ khác.”
Thư Uyển giật bắn người. Đúng vậy, cô sẽ làm tất cả để có được những thứ mình muốn. Bàn tay run rẩy của cô vơ lấy chuột máy tính, nhấn nút gởi đi. Làm xong một điều sai, trên môi lại nở nụ cười quái dị.
Đã biết lương thiện sẽ chẳng có được hạnh phúc, thế thì sao cô không thử làm kẻ xấu xa?
- - - - - - -
Đang ngồi kiểm tr.a mail, Tạ Kha phát hiện tin nhắn của Uyển. Anh hơi kinh ngạc, cô hoàn thành nhanh hơn nhiều so với tưởng tượng của anh. Cô gái kia thường bảo viết xong sẽ cảm thấy nhẹ lòng, nên chắc cô cũng đã có được những giây phút an yên sao chừng ấy chuyện. Nở nụ cười hiền hòa, Tạ Kha hít thở thật sâu.
Rồi anh bắt đầu đọc thử tệp tin cô gửi. Ngay từ lúc Thư Uyển mới viết, anh đã là người đọc đầu tiên. Cũng lâu rồi anh không có dịp đọc những trang viết của cô ấy, nhưng anh biết, nó sẽ hấp dẫn như chính chủ nhân của nó.
Những ý nghĩ vẩn vơ của Tạ Kha nhanh chóng trôi đi, bởi tâm tư của anh đã đồng hành cùng từng câu chữ. Truyện ngắn này như có một ma lực cuốn hút lấy anh, khiến anh không thể ngừng lại một phút giây nào. Vẫn là giọng văn ấy, có nét dịu dàng và mềm mại rất riêng của Uyển. Nhưng đọc xong, anh chợt nhíu mày. Truyện ngắn này hình như tươi tắn quá mức rồi?
Thử tưởng tượng ra biểu cảm của cô khi viết, mày anh nhanh chóng giãn ra. Chắc cô đã cười không ít lần trong khi viết, nên truyện này mới sáng sủa như vậy. Mà được thế thì quá tốt, anh luôn mong cô cười tươi. Những nụ cười hồn nhiên như lúc cả hai vẫn còn đi học vậy…
Với lối lý giải như thế, Tạ Kha tin rằng tâm trạng cô cũng đã khá. Có lẽ, cuối cùng cô cũng nghĩ thông. Nhìn điện thoại, anh thở dài, đã vài ngày không dám nhắn tin vì sợ làm cô thêm bực. Ccuối cùng anh cũng không nhịn được mà gửi cho cô một tin:
“Truyện cậu viết rất tuyệt đấy Uyển.”
Rồi anh gửi truyện này sang cho Trần Ấn và Giai Mẫn. Họ cũng cần xem để biết chuẩn bị thế nào. Ngoài trời, gió bắt đầu gợn lên, chuẩn bị cho một trận cuồng phong bóc trần mọi thứ trên đời.