Chương 14
Tàu hỏa qua trấn Ô Tuyền, đi về hướng tây nửa giờ đồng hồ là đến Nam Đức.
Thật lòng, tôi rất muốn xuống tàu ở đây để được nhìn ngắm thành phố bí hiểm này, muốn tận mắt nhìn thấy cái sân rộng của trụ sở đội Phòng chống ma túy và cả căn phòng nhỏ của An Tâm. Thậm chí tôi còn muốn đi xem ngôi nhà cũ của Mao Kiệt, nơi từng xảy ra cuộc chạm trán giữa cảnh sát và tội phạm khiến kẻ ch.ết người bị thương, giờ có lẽ đã thuộc sở hữu của một ai đó.
Nhưng tôi không xuống tàu hỏa. Đích đến của tôi còn ở phía trước, tôi bắt buộc phải tiến lên. Nhìn đồng hồ trên toa tàu, tôi biết trước khi trời sáng mình sẽ đến được Thanh Miên.
Vụ án của Mao Kiệt coi như đã kết thúc. Mẹ anh ta bị bắt giam, bố thì ch.ết tại hiện trường, anh trai không rõ tung tích. Mẹ Mao Kiệt thừa nhận mình và chồng buôn bán ma túy, không liên quan gì tới hai con trai, cũng không cung cấp thêm bất kì thông tin gì, cho nên cảnh sát Nam Đức không thể lần thêm manh mối nào về đường dây buôn bán ma túy tại đó.
Anh trai của Mao Kiệt tên là Mao Phóng nhưng thường được gọi với cái tên Mao Hầu. Nghe quần chúng phản ánh, hắn là một tay anh chị ở đất này, ai ai cũng sợ. Mao Hầu là biệt danh hồi nhỏ của Mao Phóng, có lẽ do hắn bị suy dinh dưỡng, người gầy còm trông như một con khỉ nên mới có biệt danh đó. Nhưng trong bức ảnh mà cảnh sát tìm thấy ở nhà Mao Kiệt, Mao Phóng lại là một người đàn ông to khỏe với khuôn mặt dữ tợn, hoàn toàn khác xa với em trai hắn. Sau này, đội Phòng chống ma túy cũng khoanh vùng điều tr.a hắn nhưng vì không có chứng cứ rõ ràng nên không thể khép tội.
Sau khi chuyên án kết thúc, An Tâm xin nghỉ phép với lý do bị ốm và cùng Thiết Quân về Thanh Miên ở hơn một tuần. Thực ra thì không phải vì nhà em xảy ra chuyện, cũng không phải nghỉ dưỡng bệnh, em chỉ muốn điều chỉnh lại tâm trạng của mình. Trước khi đi, em hẹn gặp riêng sếp Phan và kể lại tường tận chuyện mình quen biết Mao Kiệt cho ông ta nghe. Từ trước tới nay, em luôn coi sếp Phan là người anh cả của mình, ông ta là người duy nhất em muốn kể hết sự thật, cho dù nghe xong, ông ta sẽ mắng em. Nhưng những điều sếp Phan nói hoàn toàn đúng: “An Tâm à, cháu là một người con gái có học thức, có giáo dục, sao lại làm những chuyện hoang đường ấy chứ?”
An Tâm khóc lóc một trận. Sau đó, sếp Phan đồng ý cho An Tâm nghỉ phép. An Tâm không nói thẳng ra nhưng sau khi kết thúc buổi nói chuyện, hai người đã ngầm thỏa thuận một hiệp ước, đó là chuyện giữa em và Mao Kiệt, sếp Phan sẽ không nói cho Thiết Quân biết.
An Tâm quay về Thanh Miên, Thiết Quân đương nhiên ủng hộ hết mình. Anh ta vốn không ngờ làm cảnh sát lại phải vất vả đến vậy, đến phụ nữ mang thai cũng không ngoại lệ. Vì thế khi An Tâm đề nghị về quê thăm bố mẹ, đồng thời tĩnh dưỡng một thời gian, anh ta ủng hộ ngay, hơn nữa còn chủ động xin phép để đưa An Tâm về Thanh Miên.
Họ ở Thanh Miên gần mười ngày. Đó là lần đầu tiên An Tâm về thăm nhà lâu như vậy. Hằng ngày, em và Thiết Quân chèo thuyền qua hồ gần nhà sang bờ bên kia. Bên kia hồ là đồng cỏ xanh mênh mông, không khí trong lành, nối liền với một khu rừng nguyên sinh rộng lớn. Hầu như ngày nào trên đồng cỏ cũng tràn ngập ánh nắng mặt trời, gió dịu dàng mơn man làn da, thổi bay những ưu phiền đè nặng trong tim.
Đùa với nắng, chơi với gió xong, họ lại chèo thuyền về nhà. Mẹ An Tâm ngày nào cũng nấu những món ngon cho họ ăn. Được ăn những món do mẹ nấu, được tâm sự với mẹ là những điều An Tâm mong muốn nhất. Những gương mặt thân thuộc, ngôi nhà thân yêu, ngay đến hơi ấm tỏa ra từ bếp lửa cũng khiến em vơi đi phần nào nỗi buồn chất chứa trong tim.
Ngày tạm biệt mẹ để rời Thanh Miên, An Tâm đã lấy lại được sự vui tươi thuở nào, đã có thể quên đi những ngày tháng đen tối trong quá khứ. Trở lại Nam Đức, em lại chuyên tâm vào công việc. Sếp Phan tỏ ý không muốn em tham gia vào vụ án của Mao Kiệt nữa, họ đang hoàn tất hồ sơ để nộp lên Viện Kiểm sát, tiến hành khởi tố. Vậy là cái tên “Mao Kiệt” đã không còn được nhắc đến trong đội nữa.
Sau đó, bụng An Tâm ngày càng to, mọi người trong đội lại càng chăm chút cho em nhiều hơn, không để em phải tăng ca nữa. Hằng ngày đi làm và tan ca đều có người tiện đường đưa đón. Mao Kiệt bị bắt rồi, An Tâm mới dám quay về căn phòng đơn vị phân cho. Em và Thiết Quân cũng thường về đó ở để tiện đi làm, hơn nữa, em cũng ngại để đồng nghiệp tới đón đưa. Chỉ có điều ở đó không tiện cho Thiết Quân, cũng may là anh ta làm nhà báo nên không phải ngày nào cũng đến cơ quan.
Có thể thấy Thiết Quân rất mong chờ sự ra đời của đứa bé. Quãng thời gian đó, đề tài họ nói đến nhiều nhất chính là đứa bé, nó là con trai hay con gái, đặt tên là gì, mua gì để chuẩn bị cho việc sinh con, sinh rồi thì tự mình chăm con hay gửi cho bố mẹ chăm… Nói tóm lại, đó là quãng thời gian họ đồng cảm với nhau nhất.
An Tâm hi vọng đứa bé sinh ra sẽ là con gái nên đã chuẩn bị những cái tên nghe rất văn vẻ và lãng mạn như Hồng Vân, Viễn Đình, Tố Tố… Nhưng Thiết Quân và mẹ anh ta lại hi vọng đó là bé trai. Qua những cái tên mà họ chọn, nào là Trị Quốc, Tề Dân, Chấn Hoa… có thể thấy họ hi cọng đứa bé sau này sẽ có sự nghiệp huy hoàng.
An Tâm nghĩ, dù là tên gì thì cuối cùng vẫn phải là Thiết Quân quyết định, còn Thiết Quân thì lại nhất nhất nghe lời mẹ.
Trong giai đoạn mang thai, An Tâm là người nhận được sự quan tâm, chăm sóc nhiều nhất trong nhà. Đi lại, ăn uống đều được chăm sóc từng li từng tí. Mặc dù em biết họ cũng là vì con cháu của nhà họ Trương, nhưng tự đáy lòng vẫn cảm ơn ân đức của mẹ chồng và tình cảm sâu sắc của chồng.
Ở nhà chồng, An Tâm luôn chú ý lời ăn tiếng nói, chăm chỉ khiêm tốn, không bao giờ ra vẻ là người được chăm sóc mà đòi hỏi người khác, đối với hàng xóm xung quanh cũng nhất mực hòa nhã. Đây cũng là điểm khiến tôi khâm phục mẹ em nhất, vì có thể dạy dỗ được một người con như em. Dù mang thai nhưng việc nhà hằng ngày em đều giành làm. Có những việc trước đây ở nhà mẹ đẻ em không phải làm, nhưng khi về nhà chồng em cũng không từ nan. Quần áo của mẹ chồng và chồng, em đều giặt hết. Nếu mẹ chồng mắng Thiết Quân, trước tiên em sẽ đứng về phía mẹ chồng, sau đó khi mẹ chồng bớt giận rồi, em sẽ dịu dàng vỗ về chồng.
Ngoài việc nhà, nguyên nhân khiến một gia đình thường xảy ra xích mích nhất chính là tiền bạc. Nếu xử lý không tốt vấn đề kinh tế sẽ gặp phải rất nhiều phiền phức. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, đối với An Tâm, vấn đề khó khăn nhất chính là tài chính. Em chỉ là một cảnh sát thực tập, chưa có nhiều kinh nghiệm, lương thấp, chủ yếu sống nhờ tiền lương của chồng. Nhà chồng em cũng chỉ là nhân viên nhà nước, nhận lương nhà nước, nên cuộc sống không được dư dả cho lắm. Thiết Quân đến Nam Đức làm phóng viên nửa năm cũng không kiếm được bao nhiêu tiền. Chính vì vậy, An Tâm rất tiết kiệm, không dám tiêu tiền cho mình, cũng không quản lý tiền bạc trong nhà. Bố mẹ An Tâm tới thăm em một lần, mang cho nhà chồng em rất nhiều đặc sản. Trước khi về, mẹ em còn nhét vào tay con gái năm nghìn tệ, sau đó em cũng đưa số tiền đó cho mẹ chồng giữ. Đó cũng là ý của mẹ An Tâm, mẹ em không sợ thông gia nói này nói nọ mà chỉ muốn An Tâm được sống thoải mái ở nhà chồng.
Thực ra, dù bố mẹ không cho tiền thì An Tâm cũng không phải chịu khổ sở, vì em rất được mẹ chồng yêu quý, lại đang mang trong mình giọt máu của nhà họ Trương. Mặc dù là Đảng viên nhưng mẹ Thiết Quân đã lớn tuổi nên rất để ý đến chuyện có cháu nối dõi tông đường, miệng không nói ra nhưng trong lòng luôn mong ngóng.
May thay, đến ngày đến tháng, An Tâm đã sinh hạ được một đứa trẻ khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông. Đó là một bé trai. Họ đã gạt bỏ tất cả những cái tên được định trước đó, mẹ Thiết Quân nhờ một người bạn cũ của chồng đặt tên cho đứa bé, là Trương Tục Chí. Cái tên này tuy hơi dân dã nhưng lại vô cùng ý nghĩa, bà muốn đứa bé sẽ kế thừa ý chí của ông nội, hết lòng vì nước vì dân.
Hai mẹ con An Tâm ở lại bệnh viện bốn ngày thì Thiết Quân mượn một chiếc xe ô tô đưa hai mẹ con em về nhà.
Thời gian ở cữ, em được mẹ chồng và chồng chăm sóc rất chu đáo. Họ không cho em động tay vào bất kì việc gì, đến nỗi một tháng sau, An Tâm soi gương, không khỏi giật mình vì thấy mình đã béo lên rất nhiều.
Đứa trẻ được đầy tháng, nhà Thiết Quân muốn mở tiệc chúc mừng nhưng lại thôi vì ngại tốn kém. An Tâm thuyết phục mẹ chồng làm mấy mâm cơm tiếp khách ở nhà. Nhà vốn không dư dả, không nên bày vẽ làm gì. Hơn nữa, An Tâm đã béo lên trông thấy nên cũng ngại đến chỗ đông người.
Hôm đó, khách mời chủ yếu là người thân và bạn cũ của bố mẹ Thiết Quân. Ai nấy đều khen đứa bé mới có một tháng mà trắng trẻo, phổng phao như ba tháng, ai cũng thích. Các bà các cô thì tranh nhau bế cánh đàn ông thì bình luận về tướng mạo của nó, hình như họ đều nhận xét nó giống Thiết Quân, thậm chí có người còn nói giống ông nội. Thực ra, trẻ con mới một tháng tuổi thì khó có thể biết được nó giống ai, mọi người chẳng qua chỉ muốn nói những điều tốt đẹp để làm nhà chồng An Tâm vui lòng. Thiết Quân thấy mọi người nói đứa bé giống mình, vô cùng phấn khởi.
Giai đoạn vợ mới sinh là lúc người chồng thể hiện trách nhiệm của mình nhất. Hằng ngày, sau khi tan ca, Thiết Quân đều tranh thủ về nhà sớm. Những việc như giặt quần áo, nấu cơm, đêm dậy thay tã cho con, dỗ con ngủ… Thiết Quân đều làm hết, còn ban ngày thì là việc của mẹ anh ta và An Tâm. Cũng may, Thiết Quân vẫn có thể tranh thủ chợp mắt một lúc ở cơ quan, vì lãnh đạo ở đó cũng không nghiêm khắc lắm. Đứa bé được ba tháng tuổi thì An Tâm hết sữa, người cũng gầy bớt. Em đi khám, bác sĩ nói em không có bệnh gì, chỉ là thần kinh suy nhược. Chắc chuyện chăm sóc con khiến An Tâm lo lắng nên bị mất sữa, phải nuôi bằng sữa ngoài và một số thực phẩm bổ dưỡng khác.
Khi đứa bé được bốn tháng, sếp Phan đến Bình Quảng thăm An Tâm và đưa cho em ít tiền của đồng nghiệp gửi mua sữa cho thằng bé. An Tâm rất cảm động vì đồng nghiệp nhớ tới em, đến thăm em và còn mua quà nữa. Tuy không nhiều nhưng đó cũng là tấm lòng của họ.
Thấy sếp Phan đến, em rất vui. Thực lòng, em rất nhớ ông ấy. Em kéo sếp Phan ra phòng khách ngồi, rót trà mời và còn mang rất nhiều ảnh của đứa bé ra cho ông ta xem. Hôm đó đúng vào ngày sinh nhật của bố Thiết Quân, mẹ con anh ta bế đứa bé ra nghĩa trang cách mạng thắp hương cho ông nội, để ông được nhìn thấy cháu đích tôn của mình. An Tâm bị cảm nên không đi được, nếu không sếp Phan đến cũng không gặp được em.
An Tâm hỏi rất nhiều chuyện liên quan đến công việc và tình hình từng người ở đội, câu hỏi của em nhiều tới mức sếp Phan không trả lời kịp. Sếp Phan cũng hỏi em sống có thoải mái không, quan hệ với mẹ chồng thế nào. Nửa tiếng sau, ông ta nhìn đồng hồ trên tay mình, An Tâm nghĩ sếp Phan sắp về, muốn giữ ông ta lại ăn bữa cơm nhưng lời chưa kịp nói ra thì ông ta đã lên tiếng trước, ngữ điệu có chút thay đổi, tuy không rõ ràng lắm nhưng đủ để An Tâm cảm nhận được.
“Hôm nay chú đến đây, thấy cháu và con đều khỏe, chú rất yên tâm. Nhưng còn một chuyện nữa chú muốn bàn với cháu, chính là vụ án của Mao Kiệt. E rằng trong hai ngày tới, cháu phải về Nam Đức một chuyến.”
Lúc đó An Tâm mới hiểu việc sếp Phan tới Bình Quảng không đơn thuần chỉ là để thăm hai mẹ con em, mà còn vì việc công nữa. Nét vui mừng trên mặt em bỗng vụt tắt, thay vào đó là sự hoài nghi. “Mao Kiệt? Vụ án này chẳng phải đã kết thúc rồi ư?”
Sếp Phan không trả lời, hoặc nói đúng hơn, ông ta không biết phải trả lời thế nào. Ông ta chỉ im lặng nhìn An Tâm, lắc đầu với tâm trạng trĩu nặng.