Chương 20

Chín giờ mười chín phút tối, chuyến tàu 376 dừng tại ga Bình Quảng.
Từ ga tàu đi ra, An Tâm nhìn phố xá thân quen một thời, trong lòng lại cảm thấy trống vắng và chua xót.


Từ lúc học đại học, em đã sống ở Bình Quảng, tự đáy lòng em đã nghĩ mình là một phần của thành phố đó, chính vì thế, khi quay trở lại, em mới có cảm giác xót xa vì bị ruồng bỏ. Tất cả những thứ quen thuộc của thành phố đều đã rời bỏ em. An Tâm xách va ly, men theo con đường lớn trước cổng ga, đi một đoạn dài mà không thấy bến xe quen thuộc đâu. Mới xa Bình Quảng hơn nửa tháng, sao mọi thứ đã trở nên xa cách với em đến vậy!


Mãi một lúc sau, An Tâm mới tìm thấy bến xe. Lúc mua vé em mới phát hiện mình mua nhầm vé xe về nhà Thiết Quân, thay vì đến bệnh viện Nhân Dân. Trước kia, nơi đó là nhà của em, nhưng từ thời khắc Thiết Quân ch.ết đi, nó đã không còn là nhà nữa.


Nhớ đến ngôi nhà đó, em bất giác rơm rớm nước mắt, từng chiếc bàn, chiếc ghế, vật dụng, góc nhà hiện lên rõ ràng trong đầu em, nhưng bến xe đông người quá, em không thể đứng đó mà khóc được. Do dự một hồi, An Tâm vẫn quyết định lên xe đi về nhà Thiết Quân. Từ bến xe buýt về nhà phải đi qua một con đường rợp bóng cây xanh, hai bên đường hoa đỏ xen lá xanh tạo nên khung cảnh thơ mộng đầy lãng mạn. Tối đến, những cặp tình nhân thường đến đó ngồi tâm sự hoặc đi dạo, giống như những đôi uyên ương quấn quýt dưới gió mát trăng thanh,


Lúc An Tâm đi qua đó cũng chính là khoảng thời gian lãng mạn dành cho những đôi tình nhân. Em xách va ly, nhìn họ thì thầm nhỏ to với nhau mà không khỏi cảm thấy tủi thân. Những người con gái kia, đa phần đều nhiều tuổi hơn em, nhưng nhìn họ cứ như mới được nếm thứ vị ngọt của tình yêu, còn em, chưa đầy hai mươi hai tuổi đã phải chịu đựng bao sóng gió của cuộc đời.


Về đến trước cổng, An Tâm nhìn lên một căn hộ ở tầng năm, cửa sổ phòng em và Thiết Quân trước đây tối om om. Em đứng trong góc khuất nhìn một lúc rồi mới xách va ly lên, một lần nữa đi qua con đường rợp bóng cây, hướng về bến xe buýt.


available on google playdownload on app store


Hơn mười giờ tối, An Tâm mới tới được bệnh viện Nhân Dân Bình Quảng.


Bệnh viện đó đối với em không có gì xa lạ, vì hai năm trước, em đã từng đến đó chăm sóc Hiệu trưởng trường mình cho tới lúc ông ta lâm chung. Hai năm trước, cũng chính tại nơi đó, em đã có mối tình đầu với Thiết Quân. Rồi sau hai năm mặn nồng, vào một đêm thanh vắng cô tịnh, em lại đến đó để gặp mặt chồng, cũng là mối tình đầu của mình lần cuối và nói với anh ta lời vĩnh biệt.


An Tâm bước vào cổng, đi qua khu cấp cứu và một khoảng sân rộng, cuối cùng nhìn thấy một khu nhà nhỏ biệt lập, không có đền cũng không có người gác. Em đi theo lối thoát hiểm xuống tầng hầm. Hai năm trước, em đã từng đến nơi này, đó chính là nhà xác của bệnh viện.


Xuống tới nơi, em thấy một bảo vệ đang ngủ gật trên ghế, liền lay người đó dậy, hỏi bác Lý, người trông coi nhà xác có ở đó không. Anh chàng bảo vệ giật thót mình, miệng há hốc không nói nên lời. Hình như anh ta tưởng An Tâm là ma. Hai năm trước, An Tâm quen bác Lý, người trông coi nhà xác của bệnh viện suốt ba mươi năm và tự nhận rằng mình không sợ ma quỷ. Có lần, An Tâm ăn cơm cùng bác Lý ở nhà ăn bệnh viện, bác ta đã nói với em rằng thực ra ma quỷ không hề đáng sợ, chúng rất lương thiện, ban đêm vì buồn quá nên mới ra ngoài chơi, cứ kệ chúng thì không sao cả.


Anh bảo vệ trẻ tuổi có lẽ là người mới, còn chưa quen với không khí trong nhà xác, kinh hãi một lúc, anh ta mới run rẩy hít một hơi, hỏi: “Cô...cô là ai?”
An Tâm hỏi lại: “Bác lý có ở đây không? Tôi tìm bác ấy có việc.”


Bảo vệ run run đáp: “Bác ấy...không có ở đây, sáng mai bác ấy mới tới.”
“Mấy giờ?” An Tâm hỏi tiếp.


Lúc ấy, anh chàng bảo vệ đã trấn tỉnh lại được đôi phần, giọng nói cũng rõ ràng hơn: “Cô làm tôi sợ ch.ết đi được. Cô đến đây có việc gì? Sáu giờ sáng mai bác Lý mới tới, bảy giờ người nhà mới được vào thay quân áo, trang điểm cho người quá cố.”


An Tâm gật đầu, cảm ơn bảo vệ rồi quay lại khu cấp cứu. Em nhìn đồng hồ, đã mười một giờ đêm, còn bảy tiếng nữa mới tới sáu giờ, không biết có nhà trọ nào gần đó không. Nghĩ ngợi một lát, em quyết định tìm một chiếc ghế trống nào đó trên hành lang để ngả lưng chờ trời sáng. Xung quanh đa số là bệnh nhân, bác sĩ và y tá chỉ có mấy người, An Tâm mơ màng nhắm mắt lại, không ai nhận ra em cả.


Bảy tiếng sau, An Tâm thức dậy, lại tới khu nhà xác, em nhìn thấy bác Lý ở ngay cổng. Nhìn một lúc bác Lý mới nhận ra em. Bác ta cũng biết Thiết Quân chính là con trai ông Hiệu trưởng Học viện Cảnh sát mà An Tâm đã từng chăm sóc. Bác lý có vẻ ngạc nhiên khi biết em và Thiết Quân đã kết hôn, sau đó nói với vẻ cảm thông: “Hôm nay làm lễ tang cho cậu ấy đúng không, cháu đến sớm nhỉ, có một mình cháu thôi à?”


“Hôm nay cháu có việc gấp, không ở lại dự tang lễ được. Trước khi đi, cháu muốn nhìn mặt anh ấy lần cuối, nói lời tạm biệt anh ấy, có được không ạ?” An Tâm nói


Khi nói tới hai chữ “tạm biệt”, mắt An Tâm bỗng chốc đỏ hoe. Bác Lý làm công việc này đã nhiều năm, lương tâm được đặt lên hàng đầu. Bác nhìn chiếc va ly trên tay An Tâm, vội đồng ý, sau đó rút chìa khóa mở cửa phòng lạnh. Thế là cuối cùng An Tâm cũng đã nhìn thấy Thiết Quân, cơ thể anh ta đã hơi bị biến dạng. Em ôm chầm lấy di hài của anh ta, những giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên má em rồi rơi xuống khuôn mặt lạnh băng của anh ta. Em biết những giọt nước mắt đó không thể nào đánh thức anh ta dậy, nó chỉ có thể chứng minh sự hối hận của em. Thiết Quân ch.ết vì sai lầm của em, vì chuyện này mà em sẽ hối hận cả đời.


Ngoài sự hối hận, nước mắt còn nói lên sự cô đơn của em. Em biết, sau khi vĩnh biệt Thiết Quân, em sẽ trở thành một người cô độc, không thân thích, không nhà để về. Em sẽ phải đến một nơi xa lạ, hòa vào dòng người xa lạ, không bao giờ nhận được sự quan tâm, chăm sóc của Thiết Quân nữa.


Em nhẹ nhàng vuốt ve khuôn mặt của Thiết Quân thì thầm vào tai anh ta: “Thiết Quân, em đi đây, giờ em chỉ có một mình, em rất sợ. Anh có thể chúc phúc cho em không?” Dứt lời, em yên lặng lắng nghe, dường như trái tim em đã nghe thấy tiếng nói của Thiết Quân.


An Tâm bật khóc, nói: “Em nghe thấy rồi, em cũng chúc phúc cho anh, Thiết Quân.”


Rồi An Tâm cởi sợi dây chuyền có mặt ngọc Quan Âm ra, để bên cạnh gối của Thiết Quân. Đó là vật may mắn mẹ đã tặng cho em, giờ em trao lại cho Thiết Quân, để nó thay mặt em vĩnh viễn ở cạnh anh ta, theo linh hồn anh ta bay lên trời. An tâm hôn nhẹ lên bờ môi mím chặt của Thiết Quân, cảm nhận hơi lạnh như băng giá. Cảm giác lạnh đó theo em đến tận sau này.


Cuối cùng, An Tâm đứng lên, bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên và cảm động của bác Lý. Bác ta làm việc ở nhà xác đã ba mươi năm, hình như chưa bao giờ thấy cảnh ly biệt nào giống như thế này, nên ngẩn ra mãi, đến lúc An Tâm nói lời cám ơn, bác ta mới choàng tỉnh. Bác Lý giúp An Tâm đẩy Thiết Quân trở lại khăn lạnh, lúc đó mới nhìn thấy bên cạnh gối của Thiết Quân có một sợi dây chuyền có mặt ngọc Quan Âm.


“Bác Lý, cháu muốn nhờ bác một việc. Lát nữa, khi họ thay quần áo cho Thiết Quân xong, bác đặt mặt ngọc Quan Âm này vào trong áo anh ấy, có được không ạ?” An Tâm hỏi.
Bác Lý nhìn viên ngọc rồi quay sang nhìn An Tâm, gật đầu đáp: “Cháu cứ yên tâm.”
An Tâm cúi đầu cám ơn bác.


Trời đã sáng rõ. An Tâm xách va ly rời khỏi bệnh viện, từ khoảnh khắc đó, em đã không còn thuộc về thành phố này nữa. Em đi thẳng ra ga tàu, mua vé đi Bắc Khâu. Khi đoàn tàu đưa em rời khỏi Bình Quảng cũng là lúc mặt trời ló dạng sau những tòa nhà cao tầng.


Chưa đầy mười phút sau khi An Tâm rời khỏi bệnh viện, đồng nghiệp và người nhà của Thiết Quân đã dìu mẹ anh ta tới. Đi theo họ có một chuyên gia trang điểm nữa. Me Thiết Quân mang theo một bộ vest và áo sơ mi mới, nói muốn tự tay mặc quần áo cho con trai như khi anh ta còn nhỏ.


Tang lễ của Trương Thiết Quân bắt đầu từ lúc chín giờ sáng. Nghe nói người đến đưa tang rất đông, không kém gì tang lễ của một cục trưởng. Hôm đó, mẹ Thiết Quân đã có gắng kìm nén nỗi đau mất con để tiếp đón khách viếng rất chu đáo, khiến họ đều cảm thấy ngạc nhiên và xót xa.


Làm lễ xong, thi thể của Thiết Quân được đưa về nghĩa trang Cách mạng thành phố để hỏa thiêu. Mẹ Thiết Quân không nghe lời khuyên nên về nhà sớm của mọi người, mà ở đó cho đến khi việc hoả táng kết thúc. Chỉ khi đã nhìn tận mắt, sờ tận tay tro cốt của con trai, bà ta mới chịu về nhà. Về đến nhà, bà ta nói muốn ngủ một lát, thế là họ hàng thân thích ra về hết. Khi chỉ còn lại một mình trong nhà, bà ta đi vào phòng, đóng cửa lại rồi nằm lên giường khóc nức nở. Cùng lúc đó, chắc An Tâm cũng sắp đến thành phố Bắc Khâu.


Cuối cùng thì tôi cũng chứng thực được những suy đoán của mình về cuộc đời An Tâm, thông qua lời kể của chính em. Sau này, tôi cũng có dịp đi cùng em tới Bắc Khâu và Nam Đức, tận mắt thấy nơi em đã từng sống, từng chiến đấu nên có một cảm nhận rất chân thực và gần gũi. Chỉ có duy nhất một nơi tôi chưa từng đến, đó là Thanh Miên. Thanh Miên tuy không phải là nơi xảy ra nhiều biến cố nhưng nó là nơi khơi nguồn của linh hồn chủ nhân câu chuyện, đồng thời cũng là nơi mà An Tâm hay nhắc đến nhất.


An Tâm sống và làm việc ở Bắc Khâu không quá một trăm ngày. Em ở trong ký túc xá với mấy chị em công nhân của công ty vật liệu xây dựng. Họ chỉ biết cô gái xinh đẹp này mới từ quê lên, là con của bạn sếp. Họ nghĩ em là một cô bé ngây thơ, chưa trải đời, giống như tôi khi lần đầu tiên nhìn thấy em ở trường dạy võ. Nhưng em khác với những cô gái cùng trang lứa ở chỗ, em không thích nói cười, không thích hòa mình vào tập thể. Hằng ngày, em chỉ lặng lẽ đến chỗ làm rồi lại về nhà, cuộc sống tẻ nhạc và đơn điệu. Một cô gái sống khép kín như vậy sẽ không dễ gây ra điều tiếng thị phi.


Công ty của em cách ký túc xá khoảng một trăm mét, em làm nhân viên kiểm kê của bộ phận bán hàng. Đúng như lời đồng nghiệp ở Sở Cảnh sát Nam Đức nói, đãi ngộ ở công ty đó rất tốt, lương cao, cuối năm đều có thưởng, cộng lại nhiều hơn lương ở đội Phòng chống ma túy đến cả trăm tệ.


Công việc đơn giản, cuộc sống ổn định, thu nhập không tồi, mặc dù hơi tẻ nhạt, nhưng An Tâm lúc bấy giờ đã khác xa so với An Tâm của một năm trước, khi mới đến Nam Đức thực tập. Em mới trải qua một cuộc sinh ly tử biệt, ch.ết chóc đau thương, nên em cần sự bình lặng và cô độc. Em không muốn thân thiết với bất kỳ ai, cũng không cần ai lắng nghe mình cả. Em chỉ muốn sống trong yên lặng. Nhưng cuộc sống bình lặng đó không kéo dài được lâu, ba tháng sau khi đi làm. An Tâm đã nộp đơn xin thôi việc và lặng lẽ rời khỏi Bắc Khâu ngay trong đêm.


Vội vàng ra đi như thế, tất nhiên là phải có nguyên nhân. Nguyên nhân đó hơi đặc biệt nhưng cũng thường thấy trong thời đại này. Sự thế là thế này, giám đốc mới của công ty vật liệu xây dựng, cũng là con trai của vị giám đốc cũ sau được thăng chức chủ tịch hội đồng quản trị, đã nhiều lần công khai cũng như bóng gió cầu hôn em.


Trong mắt An Tâm, tay giám đốc đó cũng là loại công tử đào hoa, cả ngày gái đẹp vây quanh. Sau khi thấy An Tâm, hắn ta liền thể tránh xa nữ sắc, chỉ một lòng một dạ với em. Hắn đã hơn ba mươi tuổi, tuy mạnh miệng tuyên bố thế nhưng cũng chẳng kiên trì được bao lâu. Chiến lược theo đuổi An Tâm của hắn cũng giống như của tôi, nào là mời đi ăn cơm, tặng quà, lại còn hỏi han quan tâm đến cuộc sống của em nữa. Tuy nhiên hắn ta hơn tôi ở chỗ, khi bị từ chối, hắn thường ỷ thế là giám đốc để gọi em lên văn phòng “bàn chuyện công việc”. An Tâm không có cách nào để né trách, biện pháp duy nhất em có thể nghĩ ra được là gọi điện thoại cho sếp Phan. Nhưng sếp Phan thì có thể làm gì, ngoài dặn dò em mấy cách từ chối khéo.


Cách mà sếp Phan bày cho An Tâm quá tầm thường, chẳng là gì với một tên lão luyện tình trường, ỷ có tiền là có tất cả như tay giám đốc kia. Chỉ còn duy nhất một cách, đó là nói thẳng với hắn ta, em là một cảnh sát phòn chống ma túy, hiện đang mai danh ẩn tích để trốn chạy sự trả thù của tội phạm, em đã có chồng con, không phải dạng thôn nữ mới lên thành phố. Chỉ có cách đó, may ra mới khiến hắn ta sợ mà rút lui. Tuy nhiên, sếp Phan lại cực lực phản đối, không cho phép em nói ra thân phận thật.


Sở dĩ tay giám đốc đó có tiền có quyền là nhờ thừa kế từ dòng họ. Loại người đó thường thích ba hoa, lạm dụng chức quyền, đặc biệt là về mặt nhân sự. Một câu nói của hắn ta có thể đưa An Tâm từ vị trí nhân viên quèn lên thành thư ký giám đốc ngay. Thế là, ngay khi hắn ta nói với em về ý định đó và trao ch em chìa khóa căn hộ hắn mới mua tặng em thì An Tâm đã ngay lập tức quyết định nghỉ việc và rời khỏi Bắc Khâu.


Em trở về Thanh Miên. Lúc đó, trong lòng em chỉ có ý muốn về nhà, bố mẹ và con em đang chờ em ở đó.


Được đoàn tụ với bố mẹ, đặc biệt là được gặp con trai sau ba tháng xa cách là một cảm giác xúc động khó lòng diễn tả đối với An Tâm. Nếu không có thằng bé, có lẽ em sẽ không đau khổ và xót xa đến vậy. Em thương nó không có bố, tự đáy lòng em chưa từng coi Mao Kiệt là bố của đứa bé. Chỉ có em mới là người giữ trách nhiệm nuôi dưỡng, che chở nó.


An Tâm đã đặt một cái tên khác cho thằng bé, theo gợi ý của mẹ em, là An Hùng. Em rất thích cái tên này, vừa đơn giản vừa mạnh mẽ. Ở nhà, em thường gọi thằng bé là Tiểu Hùng. Mỗi lần nhìn thấy con trai, An Tâm lại phải cố gắng kìm nén để không nhớ về Trương Thiết Quân. Anh ta và thằng bé đã chẳng còn bất kỳ mối liên hệ nào nữa rồi. Điều đó khiến em vô cùng đau khổ. Sau những biến cố và mất mát mới xảy ra, An Tâm gần như đã kiệt sức, nỗi đau khi nhớ về Thiết Quân khiến An Tâm không thể chịu đựng được.


Cũng may mà được ở cùng bố mẹ tại quê nhà bình yên và tươi đẹp nên An Tâm mới có thể dần bình tâm lại. Đã có lần, An Tâm tả cho tôi nghe về ngôi nhà xinh đẹp, mang đậm phong cách kiến trúc dân tộc thiểu số phương Bắc của gia đình em. Tường xám ngói xanh, hiên trước hè sau, xà nhà được trang trí bằng những hoa văn lạ mắt... Sở dĩ ngôi nhà được thiết kế như vậy là vì mẹ em là người phương Bắc. Một ngôi nhà đẹp đẽ nhường ấy, cộng thêm khung cảnh sơn thủy hữu tình, quả thật giống như chốn bồng lai tiên cảnh mà ai cũng muốn một lần được đặt chân tới. Căn nhà đó là công sức và tài sản một đời của bố mẹ em. Chỉ tiếc là khi nó được xây xong thì cũng là lúc em bắt đầu học xa nhà, từ đó về sau ít có dịp quay về. Lần này về nhà, An Tâm không khỏi cảm thấy có chút lạ lẫm. Ngày nào em cũng ở nhà, ngắm nhìn thật kĩ từng góc sân, khoảnh vườn, chạm vào từng vật dụng trong nhà, nhằm tìm lại cảm giác thân thuộc.


Em dành nhiều thời gian để chơi với con, ngồi canh giấc ngủ cho nó. Nhìn cặp chân mày hơi nhíu lại mỗi khi ngủ của thằng bé, thật sự rất giống Thiết Quân, nhưng ngũ quan thì lại giống Mao Kiệt, đặc biệt là cái miệng.


Thực ra, trong trí nhớ của An Tâm, hình tượng của Mao Kiệt đã thay đổi rất nhiều. Em chỉ còn nhớ được khuôn mặt lạnh lùng, vô cảm của anh ta khi ở phiên tòa. Khuôn mặt vô cảm đó, cộng thêm việc anh ta dẫn anh trai nửa đêm xông vào nhà em, giết ch.ết Thiết Quân đã tạo cho em ấn tượng không bao giờ phai nhạt của sự tàn ác.


Ở nhà được hơn nửa tháng, An Tâm bắt đầu suy tính cho tương lai của mình. Tuy xưởng sản xuất thuốc đông y của bố mẹ em đã đóng của, lương của mẹ em cũng không cao, nhưng gia đình em vẫn có cuộc sống đầm ấm, thân thiết. Nhưng càng hưởng tình yêu thương của bố mẹ bao nhiêu, em lại càng lo lắng cho tương lai mờ mịt của bản thân bấy nhiêu.


Từ nhỏ, An tâm đã không chịu được sự nhàn rỗi, chỉ ngồi không hưởng lạc. Bố em khuyên nên ở lại quê để học nghề y của gia đình. Ông nói nghề thầy thuốc không bao giờ sợ hết thời cả, cho dù thế giới có phát triển đến đâu thì đông y vẫn được người ta tin tưởng, sớm muộn cũng có ngày người nước ngoài sang Trung Quốc để học bắt mạch kê đơn.


Nhưng mẹ An Tâm lại không muốn em theo nghề thuốc gia truyền. Trong suy nghĩ của bà, con gái học y rất vất vả, người bệnh cũng không mấy tin tưởng. Mẹ An Tâm là người có học vấn, lý tưởng của bà là muốn con gái thoát khỏi miền quê hoang vắng đó để bước ra ngoài xã hội. Bà cho rằng, khi còn trẻ nên ra ngoài xã hội học hỏi, dù sự nghiệp không thành thì cũng được rèn luyện. Ngoài ra, bà cũng có phần sợ hàng xóm dị nghị. Con gái bà rồi cũng phải tính chuyện lập gia đình. Ở vùng thôn quê, nếu có mối nào tốt mà người ta thấy mình thân gái nuôi con thì cũng khó chấp nhận.


Cho nên, bà đã nói với An Tâm: “Mẹ không nỡ để con đi, con ở nhà cả đời mẹ cũng có thể nuôi con. Nhưng con là sinh viên đại học, ở nhà mãi thế có được không? Con còn muốn đến Bình Quảng nữa không?”


Khi nghe mẹ hỏi câu này, An Tâm chỉ im lặng không đáp. Mẹ em lại nói: “Còn Tiểu Hùng, con cứ yên tâm, mẹ sẽ trông cháu.” An Tâm vẫn không nói gì. Đến khi đi ngủ, em mới nói với mẹ: “Mẹ, nếu con phải đi, con sẽ rời xa Vân Nam, đến một nơi xa hơn nữa. Con sẽ mang Tiểu Hùng đi cùng.”


Thế là bảy ngày sau, An Tâm xách một túi hành lý nhỏ, cầm theo số tiền vỏn vẹn ba nghìn năm trăm tệ mà bố mẹ em gom góp được, bế đứa con đang ngủ say, lên chuyến tàu đêm từ Thanh Miên đến Bình Quảng. Sáng hôm sau, hai mẹ con em đã đến nơi, khi thành phố chìm trong sương mù.


An Tâm xuống tàu liền đi thẳng đến nghĩa trang Cách mạng. Em không biết sau này mình có dịp quay lại đây nữa không, chính vì vậy, em muốn đến thăm Thiết Quân lần cuối.


Theo chỉ dẫn của người quản trang, An Tâm nhanh chóng tìm thấy phần mộ của Thiết Quân. Em mua hai bó hoa tươi, đặt lên mộ, thầm nói lời từ biệt. Em không khóc, mặc dù Thiết Quân là người đầu tiên mang đến cho em một gia đình hạnh phúc, trong khi chính em đã làm nó tan vỡ; mặc dù sự ra đi của anh ta khiến em trở nên cô độc, không nơi nương tựa, tiền đồ mù mịt nhưng em chỉ có thể kiên cường bước tiếp, vì đứa con của mình.


Khi em rời khỏi nghĩa trang, nhân viên đã hỏi tên tuổi của em, sau đó đưa cho em một số điện thoại, nói có người nhờ anh ta đưa giúp, hi vọng em sẽ liên lạc với người đó.
An Tâm nhìn số điện thoại và cái tên viết bên dưới, Lý Toàn Phúc. Một cái tên hoàn toàn xa lạ.


Một tiếng sau, tại một quán ăn nhỏ, em và Lý Toàn Phúc đã gặp nhau. Vừa gặp em đã nhận ra đó chính là bác Lý làm việc ở nhà xác của bệnh viện Nhân Dân.


Hai người ngồi đối diện nhau. Không hỏi han dông dài, bác Lý lấy một vật từ trong túi ra, để lên bàn. An Tâm vừa nhìn thấy đã nhận ra vật đó. Lúc trước, khi đến từ biệt Thiết Quân, em không hề khóc, nhưng vừa nhìn thấy vật đó, nước mắt em bỗng trào ra.
Đó chính là sợi dây chuyền ngọc Quan Âm.


Bác Lý nhấp một ngụm trà, nói: “Người nhà của Thiết Quân không đồng ý để cậu ấy mang vật này đi cùng.”
An Tâm cầm miếng ngọc lên, vuốt nhẹ rồi nói: “Bác Lý, cháu làm phiền bác rồi.”


Bác Lý nhìn đứa bé trong lòng An Tâm và túi hành lý để dưới đất, hỏi: “Cháu phải đi xa à?”
“Vâng, cháu sẽ đến một nơi rất xa, không quay lại đây nữa.” An Tâm nói thật lòng mình.


Chiều hôm đó, sau khi chia tay người trông coi nhà xác có tâm hồn lương thiện đó, An Tâm lại lên tàu hoả, bắt đầu chuyến đi thực sự của đời mình. Sau ba ngày ba đêm chen chúc mệt mỏi trên tàu, vào một buổi sáng trời mưa lất phất, em chính thức đặt chân xuống thành phố Bắc Kinh.


Bắc Kinh, thành phố đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng em. Ở đây, em đã có một tuần trăng mật đáng nhớ. Em không kỳ vọng Bắc Kinh sẽ mang đến cho em một sự nghiệp lẫy lừng, vì một cô gái có số phận bất hạnh, lai lịch không rõ ràng, lại mang theo con nhỏ như em, để có thể tồn tại được ở vùng đất này thì quả không phải là chuyện dễ dàng. Em lựa chọn đến Bắc Kinh vì trên mọi phương diện, nó đều rất xa lạ với em. Chỉ cần tìm được chỗ ở, có việc để làm và kiếm tiền thì em tin là mình có thể quên được quá khứ, sẽ biến thành một con người khác. Chính vì vậy, đối với An Tâm, Bắc Kinh có một ý nghĩa vô cùng sâu xa, đó là nơi để em trốn chạy khỏi đau thương, mang đến cho em hi vọng về một cuộc sống khác. Ngoài ra, em đến Bắc Kinh còn vì ở đây có người quen của em. Người đó trước đây từng làm thầy dạy Taekwondo cho em. Lần đến Bắc Kinh nghỉ tuần trăng mật, em cũng có ghé thăm ông ta.


An Tâm thuê một căn phòng rộng sáu, bảy mét vuông của một gia đình nông dân để ở, tiền thuê phòng mỗi tháng tám trăm tệ, bao gồm cả tiền thuê chủ nhà trông con hộ. Sau khi ổn định chỗ ở, em mới đi tìm nhà của người thầy dạy võ. Nhưng đến nơi em mới biết ông ta đã dọn nhà đi chỗ khác, không rõ là đi đâu. Em lại đi khắp nơi hỏi thăm thêm ba ngày nữa mới hay tin, thầy bị bệnh ung thư, con trai thầy đã đón thầy về ở cùng, hiện tại thầy đang ở bệnh viện An Hiền.


Nếu ngồi taxi thì rất dễ tìm, vì tài xế nào cũng biết địa chỉ bệnh viện, nhưng An Tâm lại không có tiền đi taxi, nên em hỏi đường, vừa đi bộ vừa đi xe buýt, mất hai tiếng đồng hồ mới đến được bệnh viện An Hiền. Trong một căn phòng nhỏ tại tầng ba của bệnh viện, em đã gặp lại người thấy dạy võ đang trong tình trạng gần đất xa trời của mình. Không thể xin sự giúp đỡ, em đến chỉ để thăm thầy lần cuối cho trọn nghĩa thầy trò. Cũng may mà thầy của An Tâm còn tỉnh táo, có thể viết một bức thư gửi cho một học trò của mình, ngờ người đó tìm giúp An Tâm một công việc. Khi thầy giáo trao cho An Tâm bức thư, An Tâm đã bật khóc, em cảm thấy mình còn rất may mắn, cuộc đời em gặp được quá nhiều người tốt.


Ra khỏi bệnh viện, An Tâm đứng trên vỉa hè, nhìn địa chỉ ghi trên góc phong bì, thầy giáo còn viết chỉ dẫn bắt xe buýt thế nào nữa. Em tìm đến địa chỉ được ghi, đó là một tòa nhà lớn có cổng sắt kiên cố, trên tấm biển trước cổng ghi “Trường dạy võ Kinh Sư”.


Hai tháng sau, vào một buổi chiều nắng vàng rực rỡ, An Tâm một tay cầm giẻ lau, tay kia xách xô nước, bước đi dọc hành lang. Trong phòng tập, những ánh mắt hiếu kỳ và thích thúc đang dõi theo từng bước đi của em, trong đó có ánh mắt của tôi và Lưu Minh Hạo.






Truyện liên quan