Chương 3
Taxi lừa
Sân bay là bộ mặt của thành phố. Theo một bài báo tôi vừa đọc xong, từ đầu năm đã có hơn 2.400 trường hợp xe taxi vi phạm an ninh trật tự tại sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có tới gần 1.450 trường hợp đón khách sai quy định và 236 trường hợp từ chối chở khách đi gần – chưa kể đế các trường hợp chưa phát hiện và các trường hợp phát hiện rồi chìm ngay. Bộ mặt hơi đỏ.
Tôi ít bị taxi lừa, ít bán đường cho các anh thèm của ngọt. Tôi học cách đi taxi ở Hà Nội, nơi các trò lừa đảo bốn bánh phát triển bậc nhất. Thậm chí tôi còn biết lừa đảo taxi lừa đảo. Thấy đồng hồ có vấn đề, tôi không vội trả tiền mà bấm điện thoại giả vờ gọi cho “bố người yêu” là phó giám đốc Công an Giao thông Hà Nội (tôi thuộc hết tên đầy đủ các vị đó).
“Cháu chào chú ạ!” tôi nói cho riêng anh taxi nghe. “Cháu lại gặp trường hợp như hôm kia chú ạ. Chú có thể bảo đội điều tr.a chạy sang số 1 Hai Bà Trưng được không? Mã xe 2889, công ty Matiz me, lái xe tên Lại Anh Núi, sinh năm 88. Vâng, cháu cảm ơn chú rất nhiều! À, Chủ nhật này hai chú cháu mình vẫn đi câu cá như bình thường phải không ạ?”
Tôi mở cửa bước ra là anh taxi chạy mất bánh, không dám cãi, không dám đánh. Một ông Tây rành tiếng Việt mà lại hằng tuần đi câu cá với ông phó giám đốc Công an Giao thông Hà Nội – thế mới sợ!
Công bằng mà nói, đa số người lái xe taxi có đạo đức. Ở Việt Nam, lái taxi không phải nghề kiếm nhiều tiền (hơi giống nghề báo), lại phải chịu sự quản lý của một hệ thống mơ hồ (rất giống nghề báo), làm việc từ sáng sớm đến tối muộn – thậm chí cả đêm – mong kiếm đủ tiền để con học nhiều, vợ nói ít. Mặc dù vất vả như thế nhưng có nhiều anh và một số chị làm việc rất đúng quy định, thật thà, lịch sự, để lại ấn tượng tốt với khách nước ngoài lẫn khách Việt Nam.
Vấn đế ở đây, cũng như ở rất nhiều lĩnh vực khác, là hệ thống quản lý không xử lý nổi các con sâu làm rầu nồi canh. Việt Nam là nơi có văn hóa. Từ khi mới sang Hà Nội tôi đã rất ấn tượng với cách đối xử tình cảm và nhã nhặn của những người tôi có cơ hội quen biết. Bạn bè, đồng nghiệp, giáo viên… hầu hết đều thể hiện ứng xử văn hóa cao, thậm chí hơi cao quá so với một chàng Tây ăn mặc lôi thôi như tôi.
Canh ngon quá – thế mà các con sâu vẫn cứ nhảy vào thoải mái, bơi ngửa, bơi trườn, bơi ếch, bơi bướm, bơi chó, bơi đủ các kiểu… Không phải con sâu lớn (không phải các trùm mafia) mà các con sâu nhỏ, đốt nhẹ nhưng để lại cảm giác rất khó chịu.
Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết họ đã tính đến phương án bắt nguội, giả làm hành khách để bắt quả tang các tài xế vi phạm. Tôi rất ủng hộ nhưng tôi thắc mắc không hiểu vì sao họ chỉ “tính đến” mà chưa “thực hiện”. Vì sao họ không tính đến cách đây 15 năm, thực hiện cách đây 10 năm?
Vừa không hiểu thì rất hiểu. Chuyện cũ như mây bay, bài viết về nó thì nhiều như hạt mưa. Nhưng tôi vẫn lên tiếng. Thứ nhất vì tôi thấy nhiều người Việt nghĩ các con sâu đấy đang làm rầu hình ảnh của đất nước trong mắt bạn bè thế giới. Xin thay mặt thế giới, điều đó không đúng. Thế giới (ít nhất bộ phận khiêm tốn cho phép tôi đại diện cho nó) rất hiểu. Nếu thế giới là phố ẩm thực thì nhà hàng nào cũng đều bị sâu tấn công. Có một số chú đầu bếp nhiệt tình lấy ra rồi vứt đi, nhưng chưa chú nào tìm ra và tiêu diệt tận ổ sâu.
Thứ hai, trong vấn đề này, việc lên tiếng không giống việc thử gõ mật khẩu để vào trang facebook của người yêu – kết quả không như mong muốn thì phải chấp nhận thất bại, chuyển sang phương án khác. Trong vấn đề này, việc lên tiếng giống việc làm chuyện ấy – làm đi làm lại, lần nào cũng như lần nào, rồi bỗng một buổi sáng sẽ có tin vui.