Quyển 3 - Chương 14: Xử lý rắc rối

“Sau khi được trải qua một số chuyện, tôi rút ra được hai điều:


Nửa đêm Minh gọi cho tôi, khóc lóc hết nửa tiếng mới nói ra được một câu: “Tao với Nam chia tay rồi.” Vậy là tôi chạy xe từ công ty về nhà Minh, vỗ về cô ấy mà không nói lời nào. Tôi không có khái niệm động viên an ủi ai, cũng không biết làm những điều tương tự. Tôi gọi cho Dim nói qua loa về việc ở lại nhà Minh rồi ngồi im nghe cô ấy khóc. Minh than thở, trách móc rồi chửi rủa đủ mọi điều cho mối quan hệ hơn mười năm của cô ấy, và cả Nam.


Ngay từ đầu tôi đã không thích Nam. Cậu ta là thành viên trong câu lạc bộ bóng rổ mà Minh phụ trách, mang ngoại hình công tử con nhà giàu nhưng sự thật thì cậu ta chỉ mang loại dáng dấp giàu có chứ không hề thuộc tầng lớp đó. Bởi vậy dù cậu ta không nhiều tiền thì vẫn có rất nhiều cô gái thích cậu ta, trong đó có Minh. Khi Nam tán tỉnh Minh, tôi cũng phản đối, nhưng không nhiều bởi tôi biết, những người khi đã yêu say đắm thì chẳng ai ngăn cản được. Khi đó tôi cũng không biết nhiều về tình yêu nên để Minh và cậu ta tự do đến với nhau và cũng là làm khổ nhau. Mỗi lần hai người họ chia tay, Minh đều khóc lóc còn tôi thì ngồi im bên cạnh, đợi cho tới khi cô ấy ngừng khóc, dẫn cô ấy đi ăn kem và bảo mọi chuyện chẳng có gì là không ổn.


Họ chia tay, họ quay lại, trong hơn mười năm diễn ra hàng chục lần. Nhưng lần nào thấy Minh khóc, tôi cũng đau lòng không nguôi. Chỉ có điều, tôi không đau lòng ra bên ngoài, không khóc cùng cô ấy hay khen vài ba câu cho cô ấy vui. Tôi của mười năm trước, lạnh lùng đến vô tâm. Cảm xúc của người khác chẳng bao giờ có thể ảnh hưởng đến tôi. Còn tôi của bây giờ, tuy vẫn không biết tới cảm xúc của người khác nhiều nhưng vẫn bị cảm xúc của người khác làm cho bị ảnh hưởng. Người ảnh hưởng đến tôi nhất là Dim. Anh ấy vui thì tôi sẽ thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản. Anh ấy buồn tôi sẽ lo lắng và đau lòng. Nhưng bởi vì anh ấy ít khi thể hiện việc anh ấy buồn rầu nên tôi luôn phải quan sát tâm tư tình cảm của anh ấy, tránh làm anh ấy suy nghĩ nhiều.


- Giờ tính sao? Ăn kem hay khóc tiếp để tao đi mua giấy về cho lau nước mũi?
Tôi đưa tờ giấy cuối cùng cho Minh lau mũi, hỏi thật lòng.
Cô ấy xì mũi, ngẩng khuôn mặt tèm lem vì khóc, nhìn tôi.
- Tất nhiên là ăn kem. Ngu gì đâu mà khóc tiếp. Mệt quá, ăn đã rồi tính tiếp.


Minh lục tìm ví rồi kéo tôi đi ra siêu thị gần đó mua đồ.
Minh vẫn vậy. Kể cả cô ấy có khóc to đến đâu, đau lòng tới mức nào thì cô ấy vẫn có thể điềm nhiên làm việc khác ngay sau đó mà không mảy may rằng mấy phút trước cô ấy đã vật vã như thế nào.


available on google playdownload on app store


Trên đường về hai chúng tôi đi bộ, nhìn nhau chán chê rồi tôi mở lời.
- Nam dọn ra khỏi nhà rồi à? Cậu ta bảo gì?
Minh bật nắp lon bia, uống cạn một hớp rồi trả lời.


- Dọn từ đầu tuần. Bọn tao cãi nhau được nửa tháng rồi mới quyết định chia tay. Anh ta nói đồ gì của tao, tao cứ giữ. Đồ gì của anh ta, anh ta sẽ mang đi hết. Cũng may ban đầu tao nghe lời mẹ tao, không đồng ý để anh ta trả chung tiền mua nhà, không thì giờ đến cái nhà anh ta cũng bắt tao xẻ đôi mất.
Tôi cười phá lên.


- Thật là một người sòng phẳng!
Minh gật đầu tán thành.
- Đúng vậy! Nhìn cái cách anh ta chia tài sản, tao thấy giống như một đứa con nít chia đồ chơi. Chia xong lại còn tự vỗ tay khen ngợi mình tài giỏi, ngứa mắt không chịu nổi.


Vừa nói cô ấy vừa uống cạn lon bia, hậm hực vứt nó vào thùng rác gần đó. Chẳng may lon bia không rơi vào thùng rác, lại rơi trúng vào một ai đó đi qua đường nhưng không có lấy một tiếng phàn nàn hay chửi rủa hành động của Minh. Tôi chỉ nhìn thấy một cậu thanh niên trẻ cúi nhặt lon bia, đi lại gần thùng rác và yên lặng vứt nó vào trong đó. Minh đang định đến gần xin lỗi bỗng ngớ người vì hành động của cậu ta. Thấy Minh như vậy, tôi nghĩ là cô ấy đang bất ngờ nên lên tiếng xin lỗi. Cậu thanh niên trẻ gật đầu rất nhẹ, nói không sao rồi đi thẳng vào quán bar gần đó.


Đột nhiên, Minh quay đầu lại, nháy mắt với tôi, cười rất duyên, nói đúng hai tiếng: “Con mồi!” rồi đi theo cậu thanh niên trẻ đó. Bởi vì tôi hiểu Minh, tôi biết cô ấy muốn làm gì nên mỉm cười tạm biệt cô ấy. Nói sao được nhỉ, giống như là cách một người phụ nữ tìm cách thoát khỏi đau khổ và cô đơn. Tình một đêm, có gì đâu mà phải cảm thấy khó hiểu.


Sáng hôm sau tôi cũng gặp phải một chuyện không vui và cực kỳ bất mãn. Chẳng là cái cô con gái ông giám đốc đó đến gặp tôi, nói với tôi những điều kỳ lạ.
- Chị có biết tại sao tôi muốn lấy chương trình của của chị không?
Tôi không để ý tới cô ta, làm việc của bản thân.


Cô ta lại tiếp tục nói, lần này còn lấy ghế ra ngồi cạnh tôi.
- Bởi vì chị không xứng. Tôi thấy chị cái gì cũng không xứng. Chị đã biến mất rồi thì quay lại làm gì? Sao không mất tích luôn đi cho khuất mắt?


Tôi bực mình vì phải nghe những lời nói xua đuổi không đâu vào đâu của cô ta, giữ chút bình tĩnh cuối cùng, gằn giọng nói.
- Đi ra chỗ khác đi trước khi tôi cáu đấy.
Cô ta không biết điều, vắt chân lên, khoanh tay khinh khỉnh.


- Chị cáu đi! Chị nghĩ tôi sợ chị à? Ngoài tuổi già và cái quá khứ rác rưởi đó thì chị có gì để mà tôi phải sợ chứ?
Lần này sự chịu đựng của tôi đã đạt mức cao nhất, tôi mỉm cười.


- Rác rưởi? Cô gọi quá khứ của tôi là rác rưởi? Vậy thì tôi cũng gọi tương lai của cô là rác rưởi đấy. Cô rảnh quá không có việc gì làm thì ngồi nghiên cứu kịch bản đi thay vì kiếm cớ gây sự với tôi, hiểu không?


Ngay lập tức, cô ta vung tay lên tát vào má tôi một cái rất mạnh như thể cô ta đã phải chờ đợi rất lâu cho cái tát này. Cái tát mạnh đến nỗi mặt tôi quay sang hẳn một bên, tóc tai lộn xộn và tiếng rất vang.


Mọi người trong phòng dừng hẳn công việc, nhìn vào tôi và lắc đầu ngán ngẩm trước cơn thịnh nộ của cô ta nhưng không một ai dám ngăn cô ta lại vì cô ta là con gái giám đốc. Tôi hiểu điều này rõ hơn bất cứ ai. Nhưng khi tôi đã tiếp nhận cuộc trò chuyện của cô ta, thì tôi đã chẳng sợ cái mác vàng ngọc gắn trên người cô ta.


Tôi trợn trừng mắt, cho cô ta một cái bạt tai, đáp trả lại hành động vô lễ của cô ta.
- Tôi có một quy tắc thế này: cứ ai đánh tôi một, tôi trả lại mười. Vậy nên đừng có mà dây vào tôi nếu như không chịu tìm hiểu tôi.


Tôi tiếp tục vung tay lên, tát cho cô ta, mỗi bên vài cái. Cô ta cũng phản kháng lại nhưng quá yếu so với tôi. Bởi một khi tôi đã điên lên thì có hai thằng lực sĩ cũng không giữ được tôi lại. Mọi người hốt hoảng, người thì kêu đi gọi giám đốc để xu nịnh, người thì lo giữ tay tôi, kéo tôi ra xa cô ta. Nhưng chỉ đến khi tát đủ cái thứ mười, tôi mới chịu dừng lại.


Khi giám đốc đến nơi, cô con gái của ông ta đang ngồi ôm mặt khóc đau đớn trên ghế. Còn tôi thì đã chỉnh lại quần áo, đầu tóc, ngồi nghiêm chỉnh ở một góc đợi ông ta đến. Ông ta vừa đến đã lớn tiếng quát tháo, hỏi ai làm. Tôi giơ cao tay, vẫy vẫy để gây chú ý ánh nhìn của ông ta, cười quyến rũ.


- Là em, sếp nè!
Ông ta lia thấy tôi, đùng đùng tức giận lao tới, sấn sổ.
- Sao cô dám đánh con tôi? Chỉ vì nó muốn công việc đó mà cô ghen tỵ rồi đối xử với nó thế à? Tôi nghĩ cô lớn hơn nó, cô phải biết suy nghĩ. Cô hành động như một kẻ vô học, cô có biết không?


Tôi vẫn mỉm cười, nhét vào tay ông giám đốc một phong bì, nói to.
- Sếp à, em trả phí cho mấy cái tát đó. Sếp an ủi cô ấy, đừng vì một nhân viên quèn như em mà tức giận nhiều, già giống em là dễ hư giống em lắm.


Tôi đi qua chỗ mấy đồng nghiệp. Họ nhìn tôi, nửa cảm thông nửa khinh thường. Tôi chẳng hề đoái hoài vào mấy ánh nhìn vớ vẩn đó, đi ra tới cửa, sung sướng cười to.
Vậy là thoát khỏi cái kiếp trâu bò, bị hai bố con nhà họ đày thật khổ sở.


Cái phong bì đó là đơn xin nghỉ việc tôi đã mất một đêm liền để nghĩ ra nó, viết cho nó toàn lời hay ý đẹp. Tôi có thể tưởng tượng được cảnh hai bố con họ đọc tờ đơn đó, chắc là tức nổ đom đóm mắt thôi. Tôi đây, mọi thứ đều đã từng sợ qua rồi thì chẳng còn gì để sợ thêm nữa.


Ra khỏi tòa nhà làm việc, tôi liền gọi cho Dim, vui vẻ chia sẻ thông tin nóng hổi. Dim đùa tôi.
- Sau này đừng làm anh giận, anh đánh em, em trả lại gấp mười lần như vậy thì anh lỗ lắm.
Tôi hào phóng, trêu lại Dim.
- Được thôi. Thế anh đừng làm em khiến em làm anh giận.
Dim nghe không hiểu, làu bàu than phiền.


- Em nói phải để người khác hiểu chứ. Mà thôi, để ăn mừng em lật đổ chính quyền, anh mời em ăn pizza và gà quay, bia lạnh nữa. Yêu anh hơn không?
Dim xun xoe, yêu cầu được nhận tình yêu của tôi.


Tôi phũ phàng dập máy, từ chối yêu cầu vô cùng lạnh lùng. Và anh ấy nhắn tin cho tôi, nội dung rất ngắn gọn: “Yêu anh là dập máy.”


Dim là kiểu người như vậy, luôn biết tự làm thỏa mãn bản thân. Thay vì nghe tôi trực tiếp nói yêu anh ấy, anh ấy thường tự nghĩ rằng tôi yêu anh ấy vô cùng, hành động gì phũ phàng của tôi đều là yêu anh ấy. Dĩ nhiên, tôi không phủ nhận. Tôi không ghét Dim. Tôi từng thương anh ấy và đã thích anh ấy. Hiện tại, tôi cũng… yêu anh ấy, một chút và nhích dần đều.


Buổi đêm hôm đó, Dim ngủ bên tôi, ôm tôi vào lòng. Lần đầu tiên chúng tôi ngủ bên nhau cho đên sáng mà không phải thức đến tận rạng sáng để chờ tôi đi làm. Tôi nghĩ, bây giờ thay đổi chút thói quen sinh hoạt tuy khó nhưng cũng không phải khổ sở gì. Thay đổi, tôi vẫn luôn nghĩ nó là điều tốt. Chúng tôi sẽ ngủ ngon và khỏe hơn với giấc ngủ trọn vẹn đến sáng. Sao tôi không nghĩ đến việc từ bỏ sớm hơn nhỉ? Đó tuy là công việc tôi yêu thích, nhưng không phải cứ yêu thích là sẽ được như ý muốn. Cuộc sống này, đôi khi phải biết từ bỏ để sống tốt hơn. Tình yêu ngày đó tôi còn từ bỏ được, huống chi là một công việc. Tôi cảm thấy mọi thứ, chỉ cần có Dim là sẽ yên ổn cả. Cuộc sống như vậy, tôi rất hài lòng.


Lúc tôi thức dậy, Dim vẫn đang ngủ. Bàn tay Dim vẫn đặt lên má tôi. Tối qua anh ấy đã xoa má cho tôi để má tôi bớt sưng. Anh ấy nói rằng, sợ tôi lại xấu và già thêm đi nên phải gắng phục hồi tổn thương cho tôi. Nói với tôi, sợ tôi đi bên anh ấy, mấy cô gái thích anh ấy chê cười tôi vì anh ấy đẹp hơn tôi nên anh ấy đẹp thì tôi cũng nên đẹp cùng.


Tôi cảm thấy, dù trên sự thậ, những cái xoa ấy chẳng có tác dụng gì nhưng trong lòng tôi cũng đã rất ấm áp vì những cái xoa má giản đơn đó rồi.






Truyện liên quan