Chương 1-1: Mở đầu
Thiệu Huyền ngồi trên chiếc xe buýt đã được cải tiến lại, ngắm dãy núi trùng điệp bên ngoài cửa sổ. Vừa mới qua hạ chí, trên núi tràn ngập một màu xanh đầy sức sống, một người sống trong thành phố đã lâu nay được nhìn thấy phong cảnh này, quả thực khiến cho tâm trạng buồn bã vì sự nghiệp không thuận lợi cũng được nguôi ngoai đôi phần. Ban đầu Thiệu Huyền định rủ một vài người bạn đi chơi xa để giải tỏa tâm lý, nào ngờ giữa đường lại gặp một người bạn cùng quê đồng thời cũng là bạn học cũ học ngành khảo cổ tên là Thạch Kỳ, thế là bị người bạn ấy rủ cùng đi khảo cổ.
Lần này họ sẽ đi đến một sơn thôn nhỏ khá xa xôi, nghe nói nơi ấy phát hiện ra một đồ vật từ thời kỳ đồ đá, đã có một nhóm người đến đó rồi, đây là nhóm thứ hai.
Thiệu Huyền lắng nghe người bạn của mình nói từ việc xương đầu của người tiền sử đến các công cụ bằng đá rồi đến các bức bích họa trong hang động, lại còn lôi hình ảnh ra giảng giải, người làm nghiên cứu chính là như thế, bị cuốn vào là không thể dứt ra được, Thiệu Huyền tuy nghe không hiểu, nhưng vẫn nể mặt cố gắng lắng nghe.
Trên giấy toàn là hình ảnh của các bức bích họa đã từng được các nhà khảo cổ nghiên cứu, Thiệu Huyền nhìn một hồi, cảm giác thấy chúng còn chẳng bằng mấy bức tranh mà mấy đứa cháu của mình vẽ khi học mẫu giáo.
Những nét vẽ trong các bức họa ấy khá đơn giản, đại khái có thể nhìn ra có mấy người cầm công cụ gì đó để săn thú, rồi còn có hình vẽ các loài động vật, một số bức còn lại thì không nhìn ra rốt cuộc là cái gì.
“Cái này là vẽ dê sao? Nhưng mà con dê này vẽ to quá rồi.” Thiệu Huyền chỉ vào một bức ảnh rồi nói.
Bức họa trong tấm ảnh ấy vẽ một loại dê có sừng cong dài rất lớn, bên cạnh còn có người đang giương cung tên, nhưng mà tỉ lệ ấy nhìn thật sự không bình thường, đầu người chỉ cao đến lưng dê. Mấy bức ảnh đằng sau cũng như thế, hình dáng của thỏ to như sư tử vậy, còn bức vẽ người cưỡi ngựa bên cạnh nữa chứ, đuôi ngựa vẽ cũng có vẻ hơi ngắn.
Đương nhiên, không phải tỉ lệ của bức họa nào cũng như thế, các bức bích họa phát hiện ở các thời kỳ khác nhau ở các khu vực tỉnh thành khác nhau cũng có phong cách khác nhau, phía sau là một vài bức họa có tỉ lệ thực tế hơn một chút, trên đó còn nhìn thấy một đám người dẫn chó đi săn.
Tiếp tục lật ra phía sau là vài bức ảnh in màu, trông càng rõ hơn nữa.
“Ha, bức này vẽ khoa trương quá, sừng hươu này to quá rồi, còn người này nữa, người trong bức họa lúc nãy chỉ đến lưng dê, còn người trong bức này thì chỉ cao hơn sừng hươu một chút... rồi còn góc phải bên dưới là cái gì thế? Cá sấu có tám chân ư?” Thiệu Huyền thật sự không thưởng thức nổi phong cách hội họa của người tiền sử.
“Người tiền sử thật sự chưa chú trọng phương diện này lắm.” Thạch Kỳ giải thích.
“Ý của cậu muốn nói người tiền sử khi vẽ tranh thì tỉ lệ sẽ không phải tả thực, mà là áp dụng biện pháp khoa trương đúng không?” Thiệu Huyền hỏi.
“Có lẽ thế,” Thạch Kỳ xoa đầu: “Dù gì thì con người thời ấy vẫn chưa chú trọng mặt thẩm mỹ, có thể đơn giản chỉ là mang ý nghĩa tượng trưng, cũng như có một nhà nghiên cứu khi nghiên cứu bích họa đã từng suy đoán, con người thời đó vẽ những hình ảnh săn bắt lên hang động hoặc nham thạch, có thể là để cho các thợ săn trước khi đi săn đến xem và có sự chuẩn bị tâm lý, hoặc cùng có thể có nghi thức gì đó mà chúng ta chưa biết. Nhất là những bức họa do ‘thầy phù thủy’ vẽ ra.”
“Phù thủy sao...?” Trong đầu Thiệu Huyền hiện ra hình ảnh của một người ăn mặc vô cùng kỳ quái.
“Này, biểu cảm đó của cậu là sao? Tôi nói nghe nhé, ‘thầy phù thủy’ trong bộ lạc thời ấy có địa vị không hề thấp đâu, mà ngược lại còn khá cao đấy.”
“Biết rồi, giả thần giả quỷ mà.” Thiệu Huyền gật đầu.
Thạch Kỳ lắc lắc ngón tay, lấy ra một tập hồ sơ trong đó có một vài bức ảnh scan, chỉ tay vào một vài bức ảnh và dòng chữ trên đó rồi nói với Thiệu Huyền: “Nếu nói ý thức tô-tem (1) chính là sự nhân cách hóa của con người đối với thiên nhiên, thể hiện tính thống nhất tập thể của bản thân, vậy thì, quan niệm thuật phù thủy lại biểu hiện sự tự nhiên hóa của con người, nghề nghiệp ‘thầy phù thủy’ thật ra đã xuất hiện rất lâu từ thời kỳ đồ đá rồi...”
Thạch Kỳ cứ ngồi đó tự biên tự diễn về tiến triển của nghề thầy phù thủy từ cổ chí kim, dùng bao nhiêu từ chuyên ngành lại còn dẫn cả điển tích, khiến Thiệu Huyền nghe mà đau cả đầu.
Thiệu Huyền không hiểu nhiều về lĩnh vực này, cũng không thấy hứng thú gì, nếu không phải có người bạn cùng quê cũng là bạn học cũ học khảo cổ này thì Thiệu Huyền cũng không muốn tìm hiểu làm gì, lúc trước nghe người ta nói đến khảo cổ thì liền nghĩ ngay đến những món đồ cổ có giá trị không nhỏ, nhưng hướng nghiên cứu của Thạch Kỳ lại còn cổ hơn cả mớ đồ cổ đó, cổ đến mức không mấy ai có hứng thú. Mấy hôm trước còn nghe trên mạng có cuộc thảo luận rốt cuộc là “Thuyết tiến hóa của Darwin” đúng hay là “Giả thiết người ngoài hành tinh tạo nên mọi vật” mới là đúng? Thiệu Huyền rảnh rỗi cũng lao vào nghe thử xem sao, nghe xong thì để ở đó, chẳng quan tâm đến nữa.
Ngược lại, Thiệu Huyền biết rõ người bạn này của mình rất có hứng thú với người cổ xưa, ngày trước khi còn học trung học, cậu ấy thường hay thảo luận về các sự kiện di tích hóa thạch người tiền sử mất dấu đã lâu được khai quật ra.
“Nói từ chuyên ngành cậu cũng không hiểu, để tôi nói đơn giản vậy. Đây!” Thạch Kỳ dùng ngón tay chỉ vào một bức ảnh, rồi chỉ vào một chỗ bên trên đó: “Thuật phù thủy đều từng được nhắc đến trong Bốc Từ và Kim Văn, nhưng mà là thế này.”
Thiệu Huyền nhìn vào chỗ ngón tay của Thạch Kỳ, đó là một ký hiệu, trông có vẻ như hai chữ “Công” được ghép ngang dọc lại với nhau mà thành.
“Trên những hình người vẽ trên đồ gốm cổ xưa được khai quật đều thấy có xuất hiện ký hiệu hai chữ Công này. Có nghĩa là, phù thủy đã can thiệp vào tất cả các phương diện săn bắt, cầu nguyện, chữa trị... từ một góc độ nào đó mà nói, thầy phù thủy được xem là nhà khoa học thời đó. Nhưng đây cũng chỉ là suy đoán, cho dù là những ghi chép thời xưa thì cũng chưa chắc là thật, dù gì thì người thời đó cũng thích khoa trương, không phải có một câu nói là “Lịch sử mãi mãi không có chân tướng” sao? Khảo cổ chẳng qua cũng chỉ là đào ra được một góc thôi, còn việc sự thật như thế nào thì ai mà biết chứ.”
“Hang động phát hiện lần này cũng có liên quan đến phù thủy, chính là những bức ảnh mà cậu nhìn thấy cuối cùng, nhóm người thứ nhất đến đó đã gửi về các hình ảnh, trong hang động đó cũng phát hiện ký hiệu hai chữ công, cho nên suy đoán có thể là nơi ở của một thầy phù thủy nào đó. Tháng trước ở thôn ấy từng xảy ra một trận động đất nhỏ, có lẽ vì thế mà mới khiến hang động này bị lộ ra, chứ trước nay chưa từng có ai biết.”
Nói đến đây, Thạch Kỳ đóng tập hồ sơ lại, cẩn thận quan sát xung quanh, khi nhìn thấy giáo sư và các đàn em khác đều không chú ý bên này, mới hạ giọng nói một cách hết sức bí ẩn với Thiệu Huyền: “Nghe nói người phát hiện ra hang động đó là một đứa bé, hơn nữa, nghe một đàn em bên đó báo tin lại nói rằng, người phát hiện ra hang động đó nhìn thấy từ trong các viên đá trong tường nhà mình đột nhiên bò ra các con sâu kỳ lạ to bằng quả dưa hấu, nó sợ hãi, vội lần theo những con sâu đó, cuối cùng những con sâu đó đều biến mất ở ngay chỗ hang động, nó vội vàng về báo cho mọi người, từ đó mới phát hiện ra hang động.”
“Sâu to bằng quả dưa hấu sao?” Thiệu Huyền cảm thấy kỳ lạ, bất kỳ ai mới nghe lần đầu cũng đều cảm thấy khó tin: “Đứa bé đó có nói dối không?”
Thạch Kỳ lắc đầu: “Càng kỳ lạ hơn chính là, theo lời của nhóm người thứ nhất đến đó, thì trong tảng đá tường nhà đó có những hóa thạch của sinh vật cổ.” Nói đến đây, Thạch Kỳ chợt rùng mình, xoa xoa da gà nổi trên cánh tay, rồi tiếp tục nói: “Đứa bé đó chỉ cho mọi người xem những tảng đá xuất hiện các con sâu to bằng dưa hấu, đều thấy có hóa thạch sinh vật cổ, nhưng mà không hoàn chỉnh, đều thiếu đi một bộ phận, nhưng mà, theo chuyên gia suy đoán, nếu sinh vật đó vẫn còn sống thì thật sự sẽ to bằng quả dưa hấu, hơn nữa bề ngoài cũng sẽ không khác gì so với những gì đứa bé đó mô tả.”
“Nghe cũng ảo diệu đấy, nhưng mà, chỉ có mỗi nó nhìn thấy, người khác không nhìn thấy có sâu bò ra từ tường nhà nó sao?” Thiệu Huyền cảm thấy có chút hứng thú.
Thạch Kỳ lắc đầu: “Không biết, chờ đến đó rồi hỏi thêm vậy, dù sao cũng sắp đến rồi.”
Đoàn người đến nơi cũng đã là mười một giờ trưa, Thiệu Huyền và Thạch Kỳ ăn bữa trưa đơn giản, sau đó lại quay về xe.
Thạch Kỳ không thể chờ nổi nữa, ăn xong cũng không nghỉ ngơi, chuẩn bị bắt tay làm việc ngay.
Những việc cần chú ý ở đây Thạch Kỳ đều đã dặn dò Thiệu Huyền cả rồi, những thứ gì không được đụng vào, những nơi nào không được đi, có việc gì thì tìm ai… Thiệu Huyền đều đã hiểu rõ.
“Đợi hôm nay xong việc tôi sẽ báo cậu. Cậu cứ đi dạo trước đi, phong cảnh ở đây cũng đẹp lắm, non xanh nước biếc trời cao, ở thành phố khói bụi lâu rồi giờ ra ngoài rửa phổi chút đi.”
Nói xong Thạch Kỳ liền cầm lấy công cụ đi với thầy của mình. Chỗ đó Thiệu Huyền không thể đi theo được, cũng không có hứng thú muốn đi theo.
Trong xe chỉ còn lại một mình Thiệu Huyền, xe đóng kín cửa và cửa sổ nên khá yên tĩnh. Mấy hôm nay Thiệu Huyền không ngủ được, trên đường đi toàn nghe Thạch Kỳ nói chuyện, giờ yên tĩnh rồi mới thấy buồn ngủ.
Khi tỉnh lại thì đã hơn hai giờ chiều, Thiệu Huyền đang định đi ra ngoài thì nhìn thấy Thạch Kỳ mặc trang phục làm việc đi đến, lên xe lấy một tập hồ sơ, lấy xong lại vội vàng bỏ đi làm việc tiếp.
Nhưng mà, trước khi xuống xe, Thạch Kỳ có lôi từ trong túi ra một viên đá to bằng quả trứng gà đưa cho Thiệu Huyền: “Nhặt được trong hang đấy, lúc không ai để ý tôi đã mang về đây, có lẽ chẳng phải là thứ gì quan trọng, tôi không thể cho cậu ‘đồ cổ’ được, viên đá này dù gì cũng là nhặt được trong hang, nhìn có vẻ khá trơn tru, cứ như có ai vứt ở đó vậy, thôi thì tặng cậu làm kỷ niệm.”
Viên đá này nằm ở gần cửa hang, cách trung tâm hang cũng khá xa, chất liệu đá rất khác so với những thứ được khai quật ở đó, càng không có ký hiệu gì, cho nên nhóm người thứ nhất đến đó chỉ chú trọng đến những thứ “đồ cổ” và bích họa ở thời kỳ đồ đá, không ai chú ý đến viên đá nằm gần cửa hang này, Thạch Kỳ lúc ấy nhìn thấy thú vị, mới tiện tay nhặt bỏ vào túi.
Nhận viên đá, Thiệu Huyền đặt vào trong tay ngắm kỹ càng, bàn tay cảm nhận nó khác hẳn với các viên đá khác, lộ lên ánh xanh đen, hình dạng như quả trứng, bề mặt rất trơn láng, tựa như có người cố tình mài, nhìn cũng không thấy có nét gì cũ kỹ, cũng không thể xem là “đồ cổ” được, nhưng cầm chơi cũng hay, xem như vật trang trí vậy.
Thiệu Huyền cũng không để tâm, cầm viên đá chơi một hồi, cảm thấy viên đá không hề nóng lên, cầm trong tay suốt 10 phút mà vẫn cứ mát rượi, nghĩ một lúc, Thiệu Huyền rút bật lửa ra, dùng lửa nung viên đá một chút, theo lý thuyết, nơi tiếp xúc với lửa chắc chắn phải nóng bỏng tay, nhưng cuối cùng nơi bị nung ấy vẫn cứ mát rượi.
Quan sát xung quanh một hồi, Thiệu Huyền cầm một con dao gọt trái cây trên bàn, lót một mảnh giấy, định dùng dao gọt một ít bột từ viên đá ra rồi đem lên xe đưa cho người ta kiểm tr.a thử. Thế là, Thiệu Huyền cầm dao bắt đầu gọt viên đá, nhưng viên đá lại không hề suy suyển gì, dùng mũi dao đâm vào cũng không hề bị sứt mẻ.
Lửa nung không nóng, dao gọt không sứt… thật là một viên đá kỳ lạ.
Thiệu Huyền cầm viên đá xuống xe, định chờ một lát đưa cho Thạch Kỳ xem xét kỹ.
Nơi xe đỗ cách thôn làng cũng khá gần, có điều đường phía trước không dễ đi.
Thôn dân trong thôn có người đi làm việc, có người rảnh một chút thì đến chỗ hang động mới phát hiện xem thử, thế nên Thiệu Huyền lúc này chỉ nhìn thấy có vài người đi lại.
Xung quanh thôn có một bức tường đá cao hai mét, nghe nói được xây dựng từ mấy chục năm trước để chống thú dữ, các tảng đá được lấy từ trên núi, nhưng do mấy năm nay xung quanh không còn phát hiện dã thú gì nữa nên cũng không còn ai quan tâm bức tường nữa.
Quan sát có thể thấy trên tường là những tảng đá rất to, đã nhiều năm rồi nên trông có vẻ cũ nát.
Thiệu Huyền nghịch viên đá trong tay, mắt thì quan sát các tảng đá trên tường. Nghe nói trong những tảng đá trên tường này cũng phát hiện có hóa thạch cổ sinh vật, Thiệu Huyền liền nhớ lại việc “những con sâu to bằng quả dưa hấu” mà Thạch Kỳ từng kể.
Đang định nhìn đi chỗ khác thì Thiệu Huyền chợt phát hiện trên bức tường đá có một thứ trông như con rắn, đang trườn đi, to như bình nước, hoa văn trên vảy lấy lánh ánh băng, chỉ cách có vài bước khiến Thiệu Huyền nhìn thấy mà dựng hết cả tóc gáy, suýt nữa đã nhảy dựng lên. Nhưng khi Thiệu Huyền chớp mắt thì lại không còn nhìn thấy gì nữa, bức tường đá vẫn chỉ là bức tường đá dầm sương dãi nắng bị gió thổi mòn.
Ảo giác sao?
Thiệu Huyền quan sát những chỗ khác trên tường, sau đó ánh nhìn bị thu hút vào một lỗ hổng trên tường, ở đó có một tảng đá lớn, rơi ra khi khoảng tường chỗ đó bị sập, những tảng nhỏ thì bị thôn dân nhặt về để xây tường nhà mình, còn tảng to thì vẫn để lại đây. Đúng lúc đó Thiệu Huyền nhìn thấy từ tảng đá mọc lên mồi chồi non nhỏ xanh biếc, chồi non nảy mầm mọc cao rất nhanh, vô số cành lá đồng thời cũng vươn ra bốn phía. Lỗ hổng khoảng hơn ba mét lúc đầu chẳng mấy chốc đã bị cành lá ấy phủ kín, mũi dường như còn nghe thấy có mùi của cây cỏ.
Thiệu Huyền lùi về sau vài bước, hít thở sâu, sau khi định thần lại nhìn thì phát hiện cành lá um tùm ấy đã biến mất, bức tường vẫn như cũ, tảng đá dưới đất vẫn cứ trống trơn như lúc đầu.
Đột nhiên phát hiện có thứ động đậy trong bàn tay, Thiệu Huyền giật mình nhìn xuống.
Thì ra chính là viên đá lửa nung không nóng dao gọt không sứt ấy, lúc này đột nhiên tan ra thành cát, rơi hết qua kẽ tay của Thiệu Huyền.
Khi hạt cát cuối cùng rơi xuống, Thiệu Huyền bỗng thấy trước mắt tối sầm.