Chương 30: Hồi thứ ba mươi
Hoa Phổ Phương thấy Dương Hồ giận truyền quân chém Ngưu Cao vội quỳ tâu:
- Tên Ngưu Cao này chính là anh em kết nghĩa với Nhạc Phi. Nhạc Phi vốn là người nghĩa khí lắm, theo ngu ý, ta hãy giam Ngưu Cao lại và dùng hắn làm con mồi khuyên Nhạc Phi đầu hàng. Được như vậy ta sẽ có binh lính của Nhạc Phi hiệp sức, chúng ta sẽ cùng Nhạc Phi đi đánh Tống thì có lo chi thiên hạ nhà Tống không về tay Chúa công?
Dương Hổ nghe nói cho là phải liền truyền đem quần áo khô ra cho Ngưu Cao thay rồi lấy y giáp của Ngưu Cao nhập vào kho.
Sở dĩ Dương Hổ là quân ăn cướp mà có cung điện như vậy là vì Dương Hổ võ nghệ cao cường nên mới chiếm được Động Đình sơn. Trên núi ấy lại có thánh đế điện, Dương Hổ sửa sang lại làm vươnng điện rồi đốn cây, xẻ đá xây thêm ra nào cung, nào phủ, nha môn, kho đụn cũng chẳng thiếu chi.
Ngưu Cao bị giam vào ngục, hôm sau Hoa Phổ Phương sai kẻ tùy tùng mang rượu thịt vào bảo:
- Hãy cho tên tù Ngưu Cao ra đây ta dạy việc.
Quân sĩ vâng lệnh chạy vào ngục nói với Ngưu Cao:
- Hoa nguyên soái muốn gọi Ngưu gia đến ra mắt.
Ngưu Cao mắng lớn:
- Loài cẩm đầu bọn chó má, sao nó chẳng vào đây mà lại bảo ta phải ra mắt nó?
Quân sĩ chẳng biết làm sao phải ra bẩm lại. Hoa Phổ Phương cũng phải chiều lòng đi thẳng vào ngục. Đến nơi vái Ngưu Cao làm lễ, sai tả hữu mở xiềng cho Ngưu Cao rồi nói:
- Tiểu đệ ngưỡng mộ tài của huynh đã lâu, nay thấy tính tình khí khái của huynh nên tiểu đệ lại càng thán phục hơn nữa và muốn kết nghĩa kim bằng, chẳng biết huynh trưởng nghĩ sao?
Ngưu Cao nói:
- Lẽ ra ta không bằng lòng song xét ra ta cũng là ăn cướp xuất thân nên ta có kết bạn với ngươi cũng chẳng hại chi.
Hoa Phổ Phương kính Ngưu Cao làm anh rồi bước lại ngồi kế bên thỏ thẻ:
- Nếu đại ca không chấp nể kết nghĩa cùng đệ thì sớm tối xin đại ca dạy bảo thêm võ nghệ.
Ngưu cao gật đầu:
- Ấy là lẽ tất nhiên.
Hoa Phổ Pương vội gọi quân mang rượu thịt vào rồi tự tay rót mời Ngưu Cao uống.
Rượu được vài tuần, Ngưu Cao nói:
- Nay đệ đã kết nghĩa với ta, ta muốn đem chánh đạo nói với đệ. Đệ nên biết rằng bây giờ Khương Vương đã lên ngôi tại Kim Lăng rồi, người là một vị hoàng đế rất tốt. Còn Nhạc đại huynh của ta quả là bậc anh hùng hiếm có trên đời, lại thêm bọn anh em đều là anh hùng vô địch, chẳng bao lâu đây sẽ đánh thốc qua Huỳnh Long phủ rước Nhị đế về triều. Kẻ làm tôi hễ còn sống thì phòng thê ấm tử, bằng ch.ết rồi thì danh để muôn đời, chứ như tên Dương Hổ của đệ đây bất quá là một tên ăn cướp vô danh có làm chi nên việc, sao đệ không bỏ chỗ tối đi tìm chỗ sáng? Hãy nghe lời ta về đầu Tống Triều đi để lập công dựng nghiệp làm vinh quang cho con cháu chẳng hay hơn sao? Đệ phò tá cho quân cắp gà trộm chó vậy phỏng có ích gì? Một mai có sơ sẩy điều gì có phải mang tiếng muôn đời không? Đấng anh hùng như đệ mà để mai một đi thật là uổng lắm.
Nguyên Hoa Phổ Phương có ý định đến dụ Ngưu Cao chẳng dè lại bị Ngưu Cao dụ lại làm cho mở miệng không nói lên lời nên phải gắng gượng nói:
- Hôm nay anh em ta cứ việc ăn uống thôi, còn việc chi khác xin hãy để cho đệ thượng nghĩ đã.
Nói rồi hai người cụng chén uống mãi. Hoa Phổ Phương nghĩ thầm:
- Để ta dò xem thế lực của hắn thế nào.
Nghĩ đoạn lên tiếng hỏi:
- Ngưu huynh mới vừa đề cập đến Nhạc Phi, chẳng hay người ấy tướng mạo ra sao? Còn những tướng thủ hạ như Ngưu huynh vậy ước đặng bao nhiêu người?
Ngưu Cao nghe hỏi, nghĩ thầm:
- Thằng này nó muốn dụ ta chẳng dè nó bị ta dụ lại, bây giờ chắc nó không dám dụ ta đầu hàng nữa nên nó muốn dò hỏi binh tình ta xem thế nào. Thôi để ta cho nó thất kinh chơi.
Nghĩ rồi Ngưu Cao nói:
- Đệ chưa thấy Nhạc Phi đại huynh ta sao? Tướng mạo người như thiên thần, tài năng hùng vĩ lẫm lẫm oai phong, nay mới vừa mọc ba sợi râu. Lúc trước người đâm ch.ết Tiểu Lương Vương tại võ trường thiên hạ đều nghe danh. Vừa rồi tên Thiên tử phong người làm nguyên soái, nay mai đây thế nào người cũng đến đây quét sạch cái sơn trại này. Hiền đệ phải đề phòng cho lắm mới được. Còn như phó tướng Thang Hoài thường hay mặc đồ trắng cũng học được đường thương như Nhạc đại huynh ta vậy, tướng mạo chẳng khác bao nhiêu chỉ khác là người chưa có râu thôi. Còn Trương Hiển thì mình cao sức mạnh hay dùng câu tiêm thương cũng đứng vào bậc thần kiêng quỷ sợ. Lại còn Vương Quái thì cưỡi ngựa thường cầm kim đao đã từng giết bọn đầu đảng Thái Hành sơn là Vương Thiên ai lại không nghe danh? Ngoài ra còn có Thi Toàn, Châu Hưng, Triệu Vân, Lương Hưng, Kiết Thanh và nhiều con cháu của những anh hùng Lương sơn cũ như Trương Quốc Tưởng, Đổng Phương và Nguyễn Lương đều là những bậc dũng mãnh phi thường. Nói về binh lính thì dư mười vạn quân tinh nhuệ người ta thường gọi là “chiến thắng quân” vì chưa từng biết thua trận là gì!
Còn sức lực như anh đây chưa bì được với hai tên: Mã Tiền Trương Bảo và Mã Hậu Vương Hoành của đại huynh anh thì làm sao dám bì với những người anh đã kể trước.
Hoa Phổ Phương nghe nói nửa tin nửa ngờ, nghĩ thầm:
- Ngưu Cao là tay hảo hán lẽ nào lại nói dối.
Phổ Phương cũng giả vờ khen ngợi ít lời rồi đứng dậy tỏ lời kiếu từ:
- Hôm nay nhờ huynh dạy bảo, lúc rảnh đệ sẽ đến thăm.
Ngưu Cao nói:
- Ta rất cảm ơn.
Hoa Phổ Phương vừa lui ra, bỗng quân quỳ xuống bẩm với Ngưu Cao:
- Bẩm ngài chỉ vì nhiệm vụ của chúng tôi, xin ngài miễn chấp.
Ngưu Cao nói:
- Ta hiểu rồi, hãy đem xiềng lại đây.
Quân sĩ đem xiềng đến còng tréo hai tay Ngưu Cao lại y như cũ. Đây là chuyện Ngưu Cao bị nạn tại Động Đình sơn.
Lại nói đến việc Nhạc nguyên soái chống lãnh đại binh đi sau, chẳng mấy ngày đã đến Thái Hồ, bọn Thang Hoài hay tin vội vã ra nghênh tiếp. Nhạc nguyên soái thấy vắng mặt Ngưu Cao trong lòng sinh nghi nhưng mới đến chưa có thì giờ hỏi han nên truyền lệnh quân sĩ an dinh hạ trại.
Sau khi có ba tiếng pháo nổ vang, quân sĩ đâu đó lập dinh trại xong. Nguyên soái vào chốn trung quân ngồi, các quan địa phương đều đến lạy mừng, chư tướng đứng hai bên. Lúc bấy giờ Nhạc nguyên soái mới lên tiếng hỏi:
- Ngưu Cao đâu sao ta chẳng thấy?
Thang Hoài đáp:
- Thưa đại huynh, Ngưu đệ say rượu ngã xuống sông bị bọn cướp Thái Hồ bắt về sơn trại rồi.
Sau đó Thang Hoài kể hết đầu đuôi việc đi tuần thám dưới hồ cho Nhạc Phi nghe. Nhạc nguyên soái nghe nói trong lòng lo lắng không yên, bèn bỏ ra dinh sau ngồi ngẫm nghĩ hồi lâu, đoạn sai Trương Bảo đi mời Thang Hoài đến.
Trương Bảo vâng lệnh ra mời Thang Hoài vào dinh sau. Nhạc nguyên soái nói:
- Ngày mai ta muốn cải trang giả đệ sang dinh đối phương để dò xem tin tức Ngưu đệ ra sao. Vậy hiền đệ ở nhà phải thay thế ta giữ soái ấn. Nếu ai có hỏi cứ bảo: vì ta không được khỏe nên chưa ra bàn việc quân được.
Thang Hoài nói:
- Không được đâu, đại huynh là rường cột của triều đình sao lại đem thân vào hang hổ nguy hiểm như vậy?
Nhạc nguyên soái nói:
- Hiền đệ cứ yên tâm, ta ra đi có đầy đủ phương lược không hại chi đâu.
Thang Hoài lặng lẽ trở về dinh, trong lòng lo lắng không yên.
Sáng hôm sau, bình minh vừa ló dạng, Nhạc Phi đã viết xong một bức chiến thư cất giấu vào mình rồi dắt Vương Hoành và Trương Bảo đi xuống mé hồ, xuống chiếc xuồng nhằm sơn trại của Dương Hổ chèo tới.
Vừa đến sơn trại bỗng có bọn lâu la ra đón hỏi:
- Thuyền này từ đâu đến vậy?
Trương Bảo đứng mũi thuyền đáp:
- Đây là thuyền của đô thống Thang Hoài vâng lệnh Nhạc nguyên soái sang đây hạ chiến thư.
Lâu la bảo:
- Hãy đứng lại để ta vào báo cho Đại Vương ta hay đã rồi mới được ghé vào.
Dứt lời lâu la chạy vào phi báo. Quân giữ ải chạy vào trước điện bẩm:
- Nay có Nhạc nguyên soái sai phó tướng Thang Hoài đến hạ chiến thư, chúng tôi bảo hắn hãy ngồi dưới thuyền chờ lệnh của Đại Vương.
Dương Hổ truyền cho vào. Quân lâu la chạy ra mở thủy trại cho thuyền Nhạc Phi vào.
Thuyền cập bến, Nhạc Phi để Vương Hoành lại coi thuyền rồi dắt Trương Bảo lên bờ vừa đi vừa liếc xem địa thế hai bên. Quả nơi đây núi non hiểm trở, phía trên thì lấp đá xây làm quan ải rất kiên cố, hai bên lâu la đứng sắp hàng canh phòng nghiêm ngặt.
Nhạc Phi vào đến cửa điện, bảo Trương Bảo đứng tại cửa chờ, một mình bước vào cung điện quỳ xuống nói:
- Tôi là Thang Hoài vâng lệnh nguyên soái Nhạc Phi mang thư đem dâng cho Đại Vương.
Dương Hổ nói:
- Ngươi cũng là một viên phó tướng, vậy ta cho phép ngươi ngồi nói chuyện.
Nhạc Phi tạ ơn rồi ngồi một bên, Dương Hổ vội mở chiến thư ra xem, đoạn lật ra phía sau phê:
- Năm ngày nữa sẽ giao phong.
Phê xong, Dương Hổ gấp lại toan giao chiến thư trả lại nhưng không biết nghĩ sao lại ngắm kỹ Nhạc Phi từ đầu đến chân hồi lâu rồi thầm nghĩ:
- “Hình như người này ta có gặp đâu đây một lần rồi, xem đi xem lại hình như là Nhạc Phi, người đâm ch.ết Tiểu Lương Vương tại võ trường năm nọ, sao hôm nay hắn lại có râu? Hay là y mới để râu chăng? Nay gặp đây chẳng lẽ bỏ qua”
Nghĩ đoạn lén sai người vào ngục dẫn Ngưu Cao ra. Trong lúc chờ đợi, Dương Hổ tìm lời tr.a vấn Nhạc Phi. Nhạc Phi cũng tùy cơ ứng đối cho qua chuyện.
Chỉ mấy phút sau đã thấy quân dắt Ngưu Cao vào trước cửa điện. Trương Bảo thấy vậy cả kinh, vội bước đến quỳ gối nói:
- Xin chào gia gia.
Vừa thấy Trương Bảo, Ngưu Cao lên tiếng hỏi:
- Ngươi đi đâu đây?
Trương Bảo nói:
- Tôi đi theo Thang Hoài lão gia qua đây hạ chiến thư.
Ngưu Cao làm thinh đi thẳng vào điện xem thấy Nhạc nguyên soái đang ngồi, trong lòng thất kinh bước tới trước điện hỏi Dương Hổ:
- Ngươi muốn gọi lão gia ra đây làm gì?
Dương Hổ nói:
- Nay có một người bên dinh mi qua đây, cho nên ta gọi mi ra nhận, mi hãy gửi thư về bảo chúng đầu hàng cho sớm để khỏi bị tru diệt.
Ngưu Cao giả vờ hỏi:
- Người ấy ở đâu?
Lúc ấy Nhạc Phi ngồi bên kia thấy Ngưu Cao trong lòng lo lắng sợ lộ việc, ngờ đâu Ngưu Cao lại nhìn Nhạc nguyên soái nói:
- Ủa, Thang nhị ca đến đây rồi! Nhị ca đến đây làm gì vậy? Lúc nào nhị ca về dinh xin hãy nói dùm với Nhạc nguyên soái rằng đệ kính lạy. Nhạc đại huynh chớ có lo lắng đến Ngưu Cao làm gì. Tuy bị quân ăn cướp bắt được song có ch.ết cũng được ghi trên thanh sử để tiếng ngàn năm. Còn Nhạc nguyên soái có bắt được tên nghịch tặc Dương Hổ hãy giết nó đi để báo thù cho đệ.
Vừa nói vừa chỉ Dương Hổ mắng tiếp:
- Ta đã gửi thư rồi đó, ngươi hãy giết ta đi cho rồi.
Dương Hổ sai quân dẫn Ngưu Cao vào giam lại như cũ rồi nói với Nhạc Phi:
- Thang tướng quân hãy về nói với Nhạc nguyên soái rằng tuy Ngưu Cao bị ta bắt song chưa giết, nếu nguyên soái của tướng quân chịu đầu hàng, tất nhiên sẽ được trọng dụng, bằng muốn giao phong, ta e bị thảm bại mà ăn năn không kịp nữa, vậy nên thương lượng trước là hay hơn.
Lúc ấy Hoa Phổ Phương vừa sang tây Động Đình vận lương mới về, vào yết kiến Đại Vương chờ lệnh, Dương Hổ nói:
- Nhạc Phi có sai một viên phó tướng tên Thang Hoài đến đây hạ chiến thư, nếu nguyên soái về sớm chút nữa đã gặp y rồi.
Hoa Phổ Phương hỏi:
- Chẳng hay Thang Hoài nhân phẩm ra thế nào?
Dương Hổ tả hết diện mạo hình dạng ra cho Hoa Phổ Phương nghe. Hoa Phổ Phương vỗ đùi đáp:
- Nếu quả như vậy thì chắc là Nhạc Phi giả dạng Thang Hoài qua đây thám thính rồi.
Dương Hổ nói:
- Chính ta cũng nghi như vậy nên cho Ngưu Cao ra tr.a hỏi, nhưng khi gặp nhau lại thấy Ngưu Cao gọi y là Thang Hoài nên ta không nghi nữa.
Hoa Phổ Phương nói:
- Chúa công chưa rõ đấy, tôi chắc Nhạc Phi có đem người theo và tìm cách báo cho Ngưu Cao chưa biết chừng. Quả như vậy thì chắc là Nhạc Phi giả dạng Thang Hoài qua đây thám thính rồi. Nay nó chưa đi xa để tôi theo bắt lại.
Dương Hổ nói:
- Đúng đấy, bất luận thât hay giả, nguyên soái cứ việc bắt lại xem sao.
Hoa Phổ Phương lĩnh mệnh xuống thẳng thủy trại lấy một chiếc thuyền lớn ba buồm, hối quân kéo buồm rượt theo.
Khi theo gần kịp, Hoa Phổ Phương đứng trước thuyền gọi lớn:
- Bớ nhạc Phi, mi chạy đi đâu cho thoát, có ta là Hoa Phổ Phương theo đây.
Nhạc nguyên soái quay lại thấy thuyền địch đã đến gần bèn kêu Trương Bảo lấy cung đạn đem ra rồi nhìn sang thuyền địch nói lớn:
- Hoa Phổ Phương, mi hãy xem thần đạn của bổn soái đây này.
Vừa nói vừa bắn ra một viên đạn nhằm trúng cột buồm đứt tiện ngã gục xuống giữa thuyền khiến con thuyền quay ngang trên dòng sông.
Rồi Nhạc Phi sai Vương Hoành lấy hỏo tiêu ra và kêu Hoa Phổ Phương nói:
- Mi hãy xem hỏa tiêu của ta đây.
Nhạc Phi bắn ra một phát làm cho mấy chiếc buồm cháy rực lên. Nhạc Phi lại gọi:
- Hoa Phổ Phương, ngươi hãy xem viên đạn này, ta chỉ muốn bắn cho lọt tròng con mắt bên phải của ngươi thôi.
Hoa Phổ Phương thất kinh nhảy trái qua phía sau lái thuyền ẩn nấp, đồng thời hối quân ngả buồm xuống để chữa lửa.
Khi chiếc thuyền lớn của Hoa Phổ Phương vừa dập hết lửa thì ba thầy trò Nhạc Phi đã chèo đến bờ hồ trở về dinh một cách an toàn.
Chư tướng thấy Nhạc nguyên soái đã về, mừng rỡ xúm lại hỏi thăm. Nhạc Phi đem hết mọi việc thuật lại, chư tướng nói:
- Xin Nhạc nguyên soái hãy ra quân cho sớm để cứu Ngưu tiên phong mới được.
Nhạc Phi nói:
- Ta xem địa thế sơn trại hắn rất kiên cố và là hiểm trở, nếu chúng kiên trì cố thù thì chúng ta cũng khó mà phá gấp được.
Còn đang mải bàn luận bỗng có quân vào báo có hai người dân chài đến tìm ra mắt.
Nhạc Phi đoán chắc bọn dân chài đến ra mắt tất nhiên phải có duyên cớ chi đây, nên truyền cho vào ngay.
Hai người dân chài vào cúi đầu, Nhạc Phi xem thấy cả hai đều mày to mắt lớn, vai rộng mình cao vội hỏi:
- Hai người tên họ chi đến đây có việc gì?
- Thưa hai anh em tôi tên Cảnh Minh Sơ và Cảnh Minh Đạt nhà cửa ở gần Thái Hồ, làm nghề đánh cá nuôi miệng. Trước đây một năm, có tên Dương Hổ tụ tập bọn lâu la chiếm cứ Động Đình sơn, lại không cho dân chài đánh cá trong hồ ấy. Vì vậy anh em tôi phải đánh lại nó, ngặt vì Dương Hổ võ nghệ cao cường, anh em tôi không hơn nó được mà nó cũng không làm gì nổi bọn tôi. Nó bèn kết làm anh em với chúng tôi và cho một mình anh em tôi được đánh cá trong hồ mà thôi. Đã nhiều phen nó cho người gọi anh em tôi đến đó nhập bọn nhưng chúng tôi lấy cớ có mẹ già từ chối không đi. Nay nhân có nguyên soái cầm quân đi trừ khử Thái Hồ. Chúng tôi muốn tìm đường xuất thân nên đến đây xin theo nguyên soái. Nếu được nguyên soái thu dụng, dù có được làm tiểu tốt cũng vui lòng.
Nhạc nguyên soái nói:
- Thế thì hai người cũng là trang tuấn kiệt, hiểu biết thời thế đấy.
Nguyên soái liền gọi tả hữu dắt hai người ra sau dinh thay đổi y phục. Hai anh em họ Cảnh tạ ơn rồi theo quan ra sau dinh ngay.
Thay đổi y phục xong hai người trở vào làm lễ ra mắt, Nhạc nguyên soái bước xuống đỡ dậy nói:
- Nay hai người đã lên đây góp sức với triều đình, cùng chung một lý tưởng với ta, khỏi phải làm đại lễ làm gì. Hai ngươi hãy nhìn chư tướng kia, họ đều kết nghĩa anh em với ta cả, vậy hai anh em ngươi cũng phải kết nghĩa với ta mới được.
Hai anh em họ Cảnh thấy Nhạc nguyên soái quyền cao chức trọng không dám nhận nên từ chối mãi. Chư tướng thấy vậy nói:
- Chúng tôi cũng vậy, xin nhị vị chớ có e ngại.
Hai người buộc lòng phải lạy đối với Nhạc Phi kết nghĩa tình huynh đệ, rồi làm lễ ra mắt từng người một.
Nhạc nguyên soái truyền dọn tiệc ăn mừng, chư tướng ăn uống vui vầy. Rượu vừa ngà ngà, nguyên soái hỏi Cảnh Minh Sơ:
- Nhị vị hiền đệ đã kết bạn với Dương Hổ thì chắc biết rõ cách dùng binh của nó, chẳng hay nó giỏi thế nào mà chiếm cứ được Thái Hồ và làm cách nào chống giữ khiến quan quân triều đình không làm gì nó nổi?
Cảnh Minh Sơ đáp:
- Nguyên soái chưa rõ đó chứ Dương Hổ đánh bộ giỏi lắm và nhất là đánh thủy thì không ai bì kịp. Tướng thủ hạ của nó có nguyên soái Hoa Phổ Phương, tiên phong Hứa Tân. Hai người này lợi hại lắm còn bao nhiêu cũng tầm thường . Đặc biệt hắn có bốn đạo binh thuyền vô cùng lợi hại nên quan binh không tài nào thắng nổi. Lúc nguyên soái giao phong với hắn phải đề phòng lắm mới được.
Nhạc nguyên soái lại hỏi:
- Binh thuyền của hắn thế nào gọi là lợi hại?
Cảnh Minh Sơ đáp:
- Đạo thứ nhất của hắn gồm năm mươi chiếc gọi là “Hỏa luân thuyền”. Thuyền nào cũng có trang bị súng ống, cung ná khi giáp trận bắn vãi ra một lượt khó mà ngăn đỡ. Đạo thứ hai gọi là “ Nổ lầu thuyền” cũng gồm có năm mươi chiếc, trước mũi sau lái đều có bánh xe nước, bốn phía có rào che chắn. Trên cao nó nổ lầu, quân ở đây chuyên bắn cung rất tài tình, phía trước có đoàn quân tay phải cầm trường đao, tay trái cầm thuẫn bằng da trâu. Mỗi khi gặp thuyền địch chúng đạp bánh xe, thuyền chạy như bay đến giáp chiến nên quan quân triều đình thường bị thảm bại.
Nhạc nguyên soái lại hỏi:
- Còn đạo thứ ba thì sao?
- Đạo thứ ba cũng gồm năm mươi chiếc gọi là “Thủy quỷ thuyền”. Quân thủy quỷ ấy toàn là người trên hải đảo Chương Tuyến Châu được Dương Hổ đem về dùng. Bọn này có thể nấp dưới nước suốt bảy ngày đêm, bắt cá ăn sống. Đợi khi giao chiến chúng lặn qua thuyền địch đục thuyền cho chìm, chính đạo quân này lợi hại hơn hết. Nếu trừ được thì đạo thứ tư do Dương Hổ thống lãnh không đáng lo.
Nhạc nguyên soái nói:
- Nếu chẳng có nhị vị hiền đệ thì làm sao bổn soái biết được việc ấy mà đề phòng, thật là phúc lớn cho thiên tử lắm.
Tiệc rượu vui vẻ, chuyện vãn với nhau mãi đến khuya mới tan. Nhạc nguyên soái truyền dọn chỗ cho anh em họ Cảnh nghỉ ngơi rồi một mình ra sau ngồi lo kế.
Sáng hôm sau nguyên soái vừa ra sau dinh, anh em họ Cảnh vội ra nghênh tiếp, mời ngồi rồi hỏi:
- Nguyên soái đến với anh em tôi sớm như vậy chẳng hay có việc chi cần kíp không?
Nhạc nguyên soái trầm giọng tỏ vẻ quan trọng:
- Ta có một việc cơ mật muốn nhờ hai hiền đệ chẳng biết có vui lòng không?
Anh em họ Cảnh đồng thanh đáp:
- Chúng đệ mang ơn nguyên soái rất dày, nếu nguyên soái có điều chi sai khiến, dầu cho phải vào chỗ nước sôi lửa bỏng cũng không dám từ nan.
Nhạc nguyên soái kề tai nói nhỏ với hai người:
- “Chư đệ phải đến thân thiện và xin theo Dương Hổ. Để Dương Hổ không nghi ngờ hãy nói với chúng là thấy quân Nhạc Phi đến vây đánh Động Đình hồ, anh em đệ xin đến phò tá Dương Hổ. Đợi khi nào hắn ra binh đánh với ta, chư đệ xin hắn ở lại giữ trại. Khi Dương Hổ ra binh rồi, chư đệ lập tức thả Ngưu Cao ra để hắn giúp một tay. Lại phải bắt cho hết gia quyến của Dương Hổ song chớ nên giết. Bạc vàng gấm nhiễu cũng phải thâu dọn rồi mới châm lửa đốt hết sơn trại của hắn đi.
Anh em họ Cảnh lĩnh mệnh thay đổi y phục dân chài như cũ, từ biệt nguyên soái bước xuống thuyền nhỏ nhắm Động Đình sơn chèo tới. Bên tai hai người còn văng vẳng lời Nhạc nguyên soái: “ Nếu làm được như ta nói thì công trạng của chư đệ rất lớn”