Chương 52: Hồi thứ năm mươi hai
Khi Ngưu Cao về đến Đàn Châu thẳng vào soái phủ, ra mắt Nhạc Nguyên soái.
Nhạc Nguyên soái mừng mừng, tủi tủi hỏi:
- Lâu nay Ngưu đệ trú ngụ ở đâu?
Ngưu Cao đáp:
- Đệ đi hết đông tây, đi cùng các xứ nhưng không xứ nào dung thân được nên mới trở về đây, rồi đem việc Dư Thượng Văn bị chàng đánh ch.ết và dâng thủ cấp lên.
Nhạc Nguyên soái nghe nói lòng nghi hoặc, bèn viết một phong thư sai Ngưu Cao đem qua trao Hàn Nguyên soái và dặn:
- Ngưu đệ hãy sang đó tạm giúp cho Hàn Nguyên soái ít ngày, lúc nào có việc ta sẽ gọi về.
Ngưu Cao nhận bức thư, từ giã Nhạc Nguyên soái lên ngựa thẳng qua thủy trại ra mắt Hàn Nguyên soái và dâng thư.
Hàn Nguyên soái mở thư ra xem mới hay Nhạc Nguyên soái muốn nhờ mình dò hỏi xem thời gian qua, Ngưu Cao đi đâu và làm gì cho biết, vì vậy Hàn Nguyên soái vội sai quân sĩ dọn tiệc rượu khoản đãi Ngưu Cao.
Sau đó Hàn Nguyên soái nói với Ngưu Cao:
- Ta xem tướng quân đáng mặt anh hùng nghĩa khí nên muốn kết nghĩa đệ huynh, xin tướng quân chớ chối từ.
Ngưu Cao đáp:
- Tôi đâu dám?
Hàn Nguyên soái nắm tay nói:
- Người cùng Nhạc Nguyên soái vẫn là anh em, thì ta đây cũng vậy, khiêm nhường làm chi?
Nói rồi sai tả hữu dọn bàn hương án ra kết nghĩa cùng Ngưu Cao, đoạn Hàn Nguyên soái bằng giọng thân mật hỏi:
- Vì lý do gì Ngưu đệ lại bỏ đi một thời gian lâu như vậy? Trong thời gian ấy Ngưu đệ có gặp được kỳ duyên gì không?
Ngưu Cao đem việc đập ngư tửu, bị Nhạc Nguyên soái đuổi đi rồi được gặp thần tiên thu làm học trò, cho bảo bối, đầu đuôi kể hết cho Hàn Nguyên soái nghe.
Hàn Nguyên soái nói:
- Ngưu đệ nói vậy ta cũng đệ hãy thực hiện cho ta xem thử.
Ngưu Cao liền lấy đôi giày rơm mang vào rồi cùng đi với Hàn Nguyên soái ra khỏi trại nhẩy xuống sông, quả nhiên Ngưu Cao đi chạy trên mặt nước như đi trên đất bằng. Hàn Nguyên soái mừng rỡ nghĩ thầm:
- "Nay Tống Triều có một dị nhân như vậy thì lo chi không phá nổi Dương Ma?"
Rồi Hàn Nguyên soái viết thư phúc đáp cho Nhạc Nguyên soái hay.
Sáng hôm sau Ngưu Cao vào bẩm với Hàn Nguyên Đệ đến đây chưa có công lao gì mà ở không hoài không chịu nổi, xin Nguyên soái cho đi tuần hồ.
Hàn Nguyên soái chấp thuận cho đi; Ngưu Cao ngồi trên chiếc thuyền nhỏ với mười hai tên quân đi tuần tiễu dọc theo mé hồ. Vừa gặp đạo thủy quân của Dương Ma là Nguyên soái Cao Lãnh Long dẫn ba chiến thuyền đang đi tuần hồ.
Ngưu Cao ngó thấy liền lấy đôi giày rơm mang vào nhảy xuống nước chạy thẳng tới gần thuyền giặc.
Cao Lãnh Long thấy Ngưu Cao đi trên mặt nước thì ngỡ là thần Hồ linh hiển, vội quì xuống trước mũi thuyền, cúi đầu vừa lạy vừa vái:
- Đệ tử là Cao Lãnh Long, ngửa trông thần minh phù hộ, xin sẽ lập đàn cúng tế!
Ngưu Cao trầm giọng nói:
- Để ta phò hộ cho.
Vừa nói, vừa vung giản đánh nát đầu Cao Lãnh Long rồi ra sức đánh ch.ết vô số quân thủy thủ vứt quăng xuống nước. Mấy chiếc thuyền phía sau thấy vậy hoảng hốt quay về phi báo, còn Ngưu Cao thì kêu quân thủy thủ của mình đoạt mấy chiến thuyền của địch chèo thẳng về trại báo công.
Hàn Nguyên soái mừng rỡ, ghi công cho Ngưu Cao rồi sai người tin cho Nhạc Nguyên soái hay. Nhạc Nguyên soái nghĩ thầm:
- "Nếu để hắn ăn quen, rủi quân giặc nó dùng súng bắn ch.ết thì nguy".
Nghĩ rồi, sai người qua thủy trại kêu Ngưu Cao về.
Nói về quân sĩ của Cao Lãnh Long hớt hải chạy về phi báo với Dương Ma:
- Nguy tai rồi đại vương ôi? Cao Nguyên soái đi tuần hồ đã bị Tống tướng đánh ch.ết rồi.
Dương Ma nghe báo thất kinh than thầm:
- "Nay Tống Triều bỗng nhiên mọc ra một dị nhân như vậy biết liệu sao bây giờ?"
Lúc ấy có phó quân sư là Dương Thượng Kính bước ra tâu:
- Tôi có phép đằng vân giá vũ, để đêm nay tôi qua Đàn Châu lấy đầu Nhạc Phi đem về đây để báo thù cho anh tôi và làm cho chúa công đỡ buồn phiền!
Dương Ma mừng rỡ chấp thuận ngay. Đêm ấy Dương Thượng Kính lấy ra một tấm điều phách trải dưới đất rồi ngâm nước làm phép, đoạn đứng lên đọc thần chú lâm râm; tức thì tự nhiên bay bổng lên không trung nhắm Đàn Châu thẳng tới.
Dương Thượng Kính đến Đàn Châu trời vừa sẩm tối gặp lúc Ngưu Cao vừa ở bên dinh Hàn Nguyên soái mới về. Trong bóng tối lờ mờ chàng nhìn lên trời trông thấy một vầng mây bay qua lượn lại, chàng nghĩ thầm:
- "Lạ thật, nếu quả là mây trước gió thì bay đi một lèo chứ sao lại bay qua lượn lại? Hay là có người đằng vân như lời thầy ta bảo chăng? Thôi để ta thử mũi tên "xuyên vân tiễn" này xem sao".
Nghĩ rồi rút tên ra ném đại lên không trung, tức thì một tiếng rú thất thanh vang lên rồi một xác người rớt xuống đất. Ngưu Cao nhảy đến rút mũi tên lại, thấy người ấy còn sóng liền xách cổ đem vào nạp cho Nhạc Nguyên soái.
Nhạc Nguyên soái hỏi ra mới biết là Dương Thượng Kính, vội sai quân đem ra ngoài thành chém đầu bêu lên làm lệnh. Bên kia, quân thám tử trông thấy chạy về báo với Dương Ma.
Dương Ma kinh hãi, nhóm hết chư tướng thương nghị. Khuất Nguyên Công tâu:
Xin chúa công hãy cho triệu Trường Sa Vương La Diên Khánh về, vì tôi đã lập sẵn một trận đồ chỉ chờ cho đủ mật chư tướng là quyết hơn thua một trận.
Dương Ma nghe tâu liền hạ chỉ điều động binh mã các nơi về rất đông đảo.
Nhắc lại chuyện Vương Tá, từ ngày đem gia quyến về, trong lòng cảm niệm tấm lòng tốt của Nhạc Nguyên soái nên định sang Tây Nhĩ Mộc trại rủ Nghiêm Kỳ đến đầu Tống để đáp đền ân nghĩa cho Nhạc Nguyên soái.
Khi sang đến nơi, ra mắt xong rồi, Vương Tá bắt đầu vào chuyện.
- Ta xét thấy Nhạc Phi đáng bậc anh hùng nghĩa khí, còn Dương Ma là kẻ tiểu nhân tàn bạo chắc chắn y không làm gì nên sự nghiệp. Chi bằng chúng ta cùng đầu Tống theo Nhạc Nguyên soái có lẽ tương lai chúng ta xán lạn hơn, chẳng biết ý kiến tôn huynh" nghĩ sao?
Nghiêm Kỳ nói:
- Chính ta cũng nhận thấy như vậy, chắc chắn Dương Ma không làm nên nghiệp lớn, nếu theo y sẽ có ngày mang hại, còn Nhạc Phi biết kính sĩ, đãi hiền ta cũng nghe danh đã lâu, nếu theo được người ấy thì hay làm.
Nói chưa dứt lời, bỗng có một viên tướng tay cầm cặp Bát Lăng tử kim chùy tướng mạo oai phong bước ra vái một cái. Người này chính là con trai Nghiêm Kỳ, tên Nghiêm Thành Phương mới mười bốn tuổi mà sức mạnh
phi thường.
Nghiêm Thành Phương nói lớn:
- Xin cha chớ nghe lời Vương thúc mà lung lay chí khí của người. Con cũng có nghe nói Nhạc Phi có một người con tên Nhạc Vân cũng dùng cặp song chùy sức mạnh đánh muôn người nhưng con chưa tin, vậy để ngày mai con ra tỷ thí với Nhạc Vân, nếu quả nó hơn con thì cha con mình tình nguyện qui hàng, bằng không thì nhất.định con sẽ ra sức đánh Nhạc Phi không còn mảnh giáp.
Nghiêm Kỳ gật đầu nói với Vương Tá:
- Lời con trẻ nói cũng có lý đấy, vẫn biết Nhạc Phi là người nghĩa khí cũng nên đầu hàng, nhưng không thể để cho thủ hạ của Nhạc Phi coi thường mình.
Vương Tá nghe vậy liền từ biệt ra về rồi lén qua Đàn Châu kêu quân giữ thành xin vào ra mắt Nhạc Nguyên soái.
Quân sĩ chạy vào phi báo, Ngưu Cao đứng một bên, vừa nghe qua nổi giận mắng lớn:
- Loài thất phu ấy đã mấy phen đến đây lừa gạt chúng ta, hôm nay còn đến làm gì nữa? Để tôi ra bắt hắn chặt làm bảy tám khúc cho đã giận.
Vừa nói vừa rút song giản hầm hầm chạy ra quyết giết ch.ết Vương Tá.
Nhạc Nguyên soái thấy thế gọi giật lại:
- Hiền đệ chớ nên nóng nảy, sở dĩ ta chịu lầm hai phen đại nạn cũng chỉ vì muốn lấy đức chinh phục hắn đấy thôi. Vả lại hắn cũng là người chứ đâu phải vật vô tri? Hôm nay hắn đến ra mắt ta nhất định là điềm lành chứ không phản trắc như những lần trước nữa đâu, cứ để hắn vào xem sao.
Nói rồi truyền cho quân sĩ mời Vương Tá vào. Ngưu Cao vô cùng bất bình trước thái độ nhân đức của Nhạc Nguyên soái, nhưng không dám nói ra, chỉ hầm hầm đứng một bên chờ xem.
Vương Tá vào đến soái phủ, lễ phép quì trước mặt Nhạc Nguyên soái, nói:
- Đã hai phen tôi làm cho Nguyên soái khó dễ, tội đáng muôn lần ch.ết, mà Nguyên soái vẫn lấy đức nhân từ đối đãi với tôi thật ơn ấy ví bằng trời bể.
Nhạc Nguyên soái ôn tồn nói:
- Hiền đệ hãy đứng dậy, ấy cũng là lẽ thường "ai vì chúa nấy"", có tội chi đâu? Hôm nay hiền đệ đến đây có điều chi dạy bảo hay có mưu kế chi nữa không?
Vương Tá nói:
- Thưa tôn huynh, tôi đây là người chứ đâu phải loài cầm thú? Chỉ vì tấm lòng đại nhân đại độ của tôn huynh mà đệ chịu ân sâu không biết lấy chi báo đáp, nên đã đến ước hẹn với Tây Nhĩ Vương Nghiêm Kỳ để đi qua đầu Nguyên soái, ngặt vì con hắn Nghiêm Thành Phương tuổi còn nhỏ song thật mười phần mạnh mẽ, y còn muốn thử lực cùng công tử Nhạc Vân, nếu Nhạc Vân hơn y thì cha con y mới chịu đầu hàng, vì vậy đệ mới đến đây tin cho tôn huynh rõ.
Nhạc Nguyên soái mừng rỡ nói:
- Vậy thì hiền đệ hãy về đi, để mai ta sẽ sai Nhạc Vân ra thành tỷ thí với Nghiêm Thành Phương.
Vương Tá từ biệt ra thành trở về trại.
Sáng hôm sau, Nhạc Phi gọi Nhạc Vân dặn bảo:
- Con hãy đêm quân ra thành tỉ thí với Nghiêm Thành Phương, nhớ phải biết nắm thời cơ mà hành sự chớ nên khinh xuất.
Đô thống Thích Phương bước ra bẩm:
- Đã mấy phen Vương Tá thi hành độc kế, tôi e lần này hắn có biến trá chi không? Vậy xin Nguyên soái cho tôi đi theo công tử để hộ vệ.
Nhạc Nguyên soái chấp thuận, Thích Phương cùng công tử Nhạc Vân kéo quân ra thành đóng dinh chờ Nghiêm Thành Phương đến tỷ võ. Ngờ đâu Dương Ma mắc ở thủy trại thao luyện binh mã, cho nên Nghiêm Thành Phương chưa ra được. Vì vậy Nhạc Vân chờ đợi đã hai ngày không thấy tăm dạng Nghiêm Thành Phương đâu cả.
Vương Tá thấy vậy e Nhạc Vân nóng nảy có thể cho mình là kẻ nói sai lời nên sai con là Vương Thành Lượng lên ngựa qua dinh Tống kêu quân sĩ nói:
- Ta là đại công tử Đông Nhĩ Mộc Đông Thành Hầu đây hãy mời Nhạc công tử ra đây cho ta nói chuyện.
Quân sĩ chạy vào dinh phi báo, Thích Phương nói với Nhạc Vân:
- Để tôi ra trước xem thử hắn có mưu kế chi không đã.
Nới rồi dẫn binh ra khỏi dinh, Vương Thành Lượng hỏi:
- Ngươi là ai?
- Ta là thủ hạ của Nhạc Nguyên soái tên Thích Phương, còn ngươi là ai?
Vương Thành Lượng đáp:
- Ta là con lớn của Đông Thành Hầu tên Vương Thành Lượng, nhân vì Nghiêm Thành Phương mắc thao diễn binh mã tại thủy trại chưa về, nên cha ta sai qua đây tin cho Nhạc công tử hay, hãy chờ đợi thêm vài ngày nữa, chớ nên lui binh.
Vương Thành Lượng không đề phòng, vừa nói đến đây bị Thích Phương thình lình chém sả một đao té nhào xuống ngựa rồi nhảy xuống cắt lấy thủ cấp đem về dinh ra mắt Nhạc Vân và nói:
- Tướng ấy là con của Vương Tá tên Vương Thành Lượng bị tôi chém ch.ết, thủ cấp hắn đây này!
Nhạc Vân thấy thế liền kinh hãi nói:
- Nguy tai! Sao chú lại giết nó đi? Nếu cha tôi hay được chắc tôi bị xử trảm, biết làm sao bây giờ?
Thích Phương nói:
- Cha hắn đã lừa gạt Nguyên soái mấy phen suýt nữa bỏ mạng, hôm nay biết đâu hắn lại lập kế gì nữa? Chi bằng giết quách cho xong, tội tôi chịu cho, công tử hãy an tâm.
Nhạc Vân bèn sai quân sĩ đem thủ cấp của Vương Thành Lượng trả cho Vương Tá, Vương Tá khóc rống lên một hồi, song chẳng biết cớ chi con mình bị giết nên đành ôm lòng mà chịu, đem thây về chôn cất.
Sau khi Nhạc Vân thu binh về, liền vào phủ ra mắt Nhạc Nguyên soái và dập đầu bẩm:
- Thưa cha, tội con đáng chém.
Nhạc Nguyên soái không biết gì vội hỏi:
- Việc chi đó? Hay là con đánh không lại Nghiêm Thành Phương chăng?
Nhạc Vân nói:
- Con vâng lời cha đem quân ra ngoài thành đóng dinh chờ tỷ võ với Nghiêm Thành phương, song chờ mãi không thấy. Nay Vương Tá sai con là Vương Thành Lượng sang cho hay rằng Nghiêm Thành phương còn mắc thao dượt binh mã nơi thủy trại chưa qua được. Chẳng dè Thích lão thúc thình lình chém một đao, Lượng ch.ết tươi nên con về đây xin chịu tội.
Nhạc Nguyên soái nói:
Nếu là Thích Phương giết thì có can hệ gì đến con?
Nói rồi hô quân sĩ đè Thích Phương xuống đánh ba chục côn trị tội. Rồi Nhạc Nguyên soái lại kêu Trương Bảo vào dạy:
- Ngươi hãy đem Thích Phương qua Đông Nhĩ Mộc trại nói cho Vương lão gia hay rằng Thích Phương giết lầm công tử, ta đã đánh ba chục côn để trừng trị rồi nên phải đem đến cho ngươi nghiệm xét và hỏi tội.
Trương Bảo vâng lệnh dắt Thích Phương qua Đông Nhĩ Mộc trại, quân sĩ vào dinh bẩm rõ đầu đuôi, Vương Tá kêu Trương Bảo vào nói:
- Ngươi hãy về bẩm với Nhạc Nguyên soái rằng chỉ vì số mạng của con ta như vậy chứ không can gì đến Thích Phương cả. Còn Nghiêm Thành Phương hiện mắc thao diễn thủy binh hãy ráng chờ đợi vài ngày nữa, ta liệu thế nào việc ấy cũng xong.
Trương Bảo từ biệt Vương Tá dắt Thích Phương trở về chờ lệnh. Nhạc Nguyên soái kêu Thích Phương vào trong giải thích:
- Đã hai phen bổn soái qua bên địa phận địch quân chịu nạn, chỉ vì bổn soái muốn chinh phục Vương Tá; đến nay mới thành công mà ngươi làm như vậy có phải công trình ta vứt bỏ hết đi không? May mà hôm nay Vương Tá thấu hiểu bỏ qua cho việc này, nếu không thì hỏng hết việc cả của ta rồi. Thôi ngươi hãy về dinh mà dưỡng bệnh.
Thích Phương vâng lệnh trở về dinh an dưỡng, còn Nhạc Vân dẫn binh ra thành đóng dinh chờ Nghiêm Thành Phương.
Nghiêm Thành Phương ở tại thủy trại thao dượt binh mã hơn mười ngày mới về, Nghiêm Kỳ nói:
- Cũng vì con ở thủy trại lâu quá nên Nhạc Vân chờ đợi mãi, Vương Thành Hầu sai con qua dinh Tống báo tin bị Thích Phương giết lầm rồi. Vậy con phải lập tức đi tỷ thí để phân rõ thấp cao mới có thể quyết định đầu hay không.
Nghiêm Thành Phương vâng lệnh xách chùy lên ngựa, dẫn quân đến trước dinh Nhạc Vân, kêu lớn:
- Ta là Nghiêm Thành Phương đây, Nhạc Vân đâu hãy ra đây giao phong với ta cho biết tài cao thấp.
Quân sĩ chạy vào báo, Nhạc Vân vội vã xách chùy lên ngựa xông ra trước trận, trông thấy Nghiêm Thành Phương đầu đội thúc phát kim quang, có giắt đôi lông trĩ mình mang ngư lân ngân giáp, tay cầm cặp kim chùy, dáng điệu mười phần uy nghi. Còn Nghiêm Thành Phương trông thấy Nhạc Vân đầu đội song phụng ngân khôi, mình mang đường nghê bửu giáp, tay cầm cặp ngân chùy cỡi con ngựa xích thố, tướng mạo hiên ngang như thiên thần giáng thế. Cả hai đều mừng thầm.
Nghiêm Thành Phương nói lớn:
- Tiểu đệ nghe danh tôn huynh đã lâu, nên hôm nay đến đây thỉnh giáo vài đường chùy cho biết.
Nói rồi hai người xáp lại giao phong, đánh hơn tám mươi hiệp vẫn chưa phân thắng bại. Nhạc Vân giả vờ nhảy dang ra ngoài, nói:
- Chùy ngươi giỏi thật, ta chịu thua ngươi đấy.
Nói rồi giục ngựa chạy dài. Nghiêm Thành Phương giục ngựa đuổi theo hét lớn:
- Nếu như hôm nay ta không bắt được ngươi thì ta không phải là người hảo hán.
Rượt theo độ chừng mười dặm, đột nhiên Nhạc Vân quay nhanh ngựa dùng thế "Lưu Vân cản nguyệt" nhắm ngay chùy Nghiêm Thành Phương đánh bổ xuống, Phương không kịp đề phòng bị một cú chùy quá mạnh làm rách cả hổ khẩu bàn tay, chùy văng xuống đất. Nghiêm Thành Phương cũng ngã xuống ngựa.
Nghiêm Thành Phương vội vàng chồm dậy quỳ dưới ngựa nói:
Công tử anh hùng tiếng đồn chẳng sai, tiểu đệ tình nguyện hàng xin công tử thu dụng.
Nhạc Vân nhảy xuống ngựa hai tay đỡ dậy nói:
- Chính tôi cũng nghe danh đại công tử đã lâu, hôm nay gặp nhau đây thật là vạn hạnh, nếu công tử bằng lòng quy hàng để cùng chung phò xã tắc, thì tôi xin tình nguyện kết tình anh em, chẳng hay ý công tử thế nào?
Nghiêm Thành Phương nói:
- Tôi cũng muốn vậy, ngặt vì kẻ thấp người cao tôi đâu dám?
Nhạc Vân mỉm cười nói:
- Nếu đã thuận tình thì cứ việc thi hành còn khiêm nhường làm gì?
Sau đó hai người bốc đất làm hương, thề nguyền với nhau, Nhạc Vân lớn hơn một tuổi làm anh, hai bên lạy lẫn nhau rồi chia tay lên ngựa, ai về dinh nấy.
Nghiêm Thành Phương về đến Đông Nhĩ Mộc trại ghé vào ra mắt Vương Tá, đem việc kết bạn với Nhạc Vân thuật lại. Vương Tá mừng rỡ đi với Nghiêm Thành Phương sang Tây Nhĩ Mộc trại ra mắt Nghiêm Kỳ, hai bên mật kế với nhau.
Còn bên này Nhạc Vân cũng thu binh về thành, vào soái phủ tỏ bày mọi việc cho Nhạc Nguyên soái nghe, Nhạc Nguyên soái mừng rỡ, chưa kịp nói gì đã nghe quân sĩ vào báo:
- Có Trường Sa Vương là La Diên Khánh đến ngoài thành khiêu chiến.
Dương Tái Hưng đứng một bên nghe báo liền bước ra bẩm:
- La Diễn Khánh là người rất mật thiết với tôi,vậy để tôi ra đó khuyên y về đầu thì hay hơn hết.
Nhạc Nguyên soái chấp thuận ngay, Dương Tái Hưng, lên ngựa vung thương dẫn binh ra thành lướt tới giữa trận kêu lớn:
- Ta là Dương Tái Hưng, ai dám đánh với ta hãy ra đây?
Vừa dứt lời đã nghe tiếng pháo nổ vang, bên kia một tướng xông ra nhìn thấy Dương Tái Hưng rồi giả vờ hét lớn:
- Chớ khoe tài, có La Diên Khánh đây.
Vừa nói vừa múa cây kim thương nhắm ngay hông Tái Hưng đâm tới, Dương Tái Hưng cùng vung cây côn ngân thương ngăn đỡ, rồi hai người giả vờ đánh với nhau hơn mười hiệp. Dương Tái Hưng giả thua giục ngựa chạy thẳng vào rừng. La Diên Khánh giục ngựa đuổi theo, ước chừng bốn năm dặm đến chỗ cụm rừng rậm vô cùng vắng vẻ, Dương Tái Hưng dừng ngựa lại nói:
- Anh em ta xa cách nhau đã lâu, không ngờ hiền đệ lại ở chỗ này, nay anh đã quy thuận Nhạc Nguyên soái rồi; thánh thượng phong cho anh chức Ngự tiền Đô Thống, Nhạc Nguyên soái lại kết nghĩa anh em với anh, quả thật người là trang nghĩa khí, đãi anh như ruột thịt, anh khuyên em nên cải tà qui chánh đầu thuận Tống triều, lập được chút công danh thì ngôi công hầu không khó chi đâu.
La Diên Khánh nói:
- Lời huynh trưởng dạy, đệ đâu dám chẳng nghe, muốn sẵn dịp đây đệ tình nguyện làm nội ứng, đợi lúc giao tranh đệ giết giặc lập công để làm lễ tấn kiến thì tiện hơn.
Dương Tái Hưng mừng rỡ đáp:
- Nếu vậy thì hay lắm, bây giờ cứ chạy trở lại đường cũ và cũng rượt theo để cho thiên hạ khỏi nghi ngờ.
Nói rồi quay ngựa trở về, Diên Khánh giục ngựa đuổi theo, vừa đến chỗ chiến trường lại giả vờ đánh với nhau ba bốn hiệp nữa, Dương Tái Hưng giả thua chạy vào thành, còn La Diên Khánh thu quân trở về trại.
Khi Dương Tái Hưng vào thành, lập tức đến soái phủ ra mắt Nhạc Nguyên soái đem câu chuyện La Diên Khánh muốn qui hàng nhưng hứa làm nội ứng, nói rõ cho Nhạc Nguyên soái nghe. Nhạc Nguyên soái cả mừng liền ghi công cho Dương Tái Hưng.
Nói về Khuất Nguyên Công thao luyện binh mã xong rồi vội ra lệnh điều động binh mã các xứ kéo về lập ra trận thế gọi là "Ngũ Phương trận" quyết hơn thua với Nhạc Phi một phen.
Quân thám tử về báo cho Nhạc Nguyên soái hay, Nguyên soái chờ trời tối dắt Trương Bảo ra thành bí mật đến điều tr.a trận thế. Đi đến một đám rừng kia, Nhạc Nguyên soái leo lên cây cao để nhìn cho rõ dinh trại của địch. Đột nhiên, không biết từ đâu tên bay tới vùn vụt, có một mũi tên trúng nhằm cạnh sườn Nhạc Nguyên soái thủng sâu hơn nửa tấc. May vì Nhạc Nguyên soái ôm chặt nhánh cây nên mới khỏi ngã.
Trương Bảo vội vàng leo lên ôm Nhạc Nguyên soái đem xuống đất thấy máu loang ra ướt cả áo giáp, mặt mày tái mét. Trương Bảo thất kinh hồn vía cõng chạy thẳng về thành.
Trương Bảo để Nhạc Nguyên soái trên giường, người hôn mê bất tỉnh nhân sự, Nhạc Vân hồn phách rụng rời bèn nhổ mũi tên ra sau đó chư tướng chạy đến hỏi thăm trông thấy chỗ mũi tên máu đen chảy không ngớt còn miệng Nguyên soái thì nước dãi chảy ròng ròng, không nói năng được nữa, trông rất nguy kịch.
Chư tướng liệu cứu không nổi nên ai nấy đều khóc rưng
lên. Ngưu Cao vội chen vào, xô dạt chư tướng ra và nói:
- Mấy chú chỉ giỏi khóc làm rộn cho tôi quên hết đầu đuôi đi thôi. Tôi có thuốc tiên đây, để tôi cứu Nguyên soái cho.
Câu nói của Ngưu Cao gieo vào lòng mỗi người một niềm hy vọng, ai nấy đều nín khóc xúm hỏi. Ngưu Cao lại quát:
- Đừng làm ồn lên, hãy đem nước sôi ra đây cho mau.
Gia tướng lật đật chạy đi rót nước bưng lên, Ngưu Cao liền bỏ linh đơn vào hòa cho tan rồi đổ vào miệng Nhạc Nguyên soái.
Chỉ trong khoảnh khắc đã thấy Nhạc Phi rên la, huyết mạch trong người bắt đầu lưu thông trở lại, quả thật là viên thuốc cải tử hoàn. Chẳng mấy chốc, Nhạc Phi ngồi dậy sắc diện hồng hào như cũ, ai nấy đều mừng rỡ xúm lại hỏi thăm.
Ngưu Cao nói:
- Mũi tên này nhất định không phải của địch quân mà là của quân tướng nội trong dinh ta đây thôi. Để xem thử mũi tên ấy đề hiệu chi cho biết.
Nhạc Phi liền lấy mũi tên ra xem rồi nói:
- Không có đề hiệu chi hết.
Ngưu Cao lại nói:
- Nếu vậy thì phải bảo chư tướng mang hết tên vào đây so thử mũi tên này giống tên của ai, thì biết rõ người lén bắn Nguyên soái.
Chư tướng đều khen ý kiến hay, nhưng Nhạc Phi lại lấy mũi tên bẻ quăng đi và nói:
- Các chư đệ không cần tr.a cứu làm gì, hãy để cho nó tự ăn năn cải hóa là hơn.
Chư tướng đều đồng thanh nói:
- Nguyên soái lấy nhân đức mà đãi người như vậy thật là hiếm có, song kẻ sát nhân lòng dạ hiểm độc như vậy mà không truy cứu thì anh em tôi lấy làm bất bình.
Ngưu Cao tức giận vô cùng, chàng thò vào trong túi lấy viên thuốc còn lại trao cho Nhạc Nguyên soái và nói:
- Nguyên soái hãy cất viên thần dược này để dùng, nếu như ngày sau bị nó bắn một mũi nữa còn cứu được, bằng để nó bắn một mũi thứ ba thì đành chịu ch.ết vậy!
Nhạc Nguyên soái nói:
- Phàm việc gì cũng do mệnh trời, hiền đệ cần gì phải giận dữ làm chi, thôi các chư đệ hãy về dinh mà nghỉ để lo ra sức với triều đình.
Chư tướng từ biệt lui ra ai về dinh nấy. Nhạc Nguyên soái cũng lui vào hậu dinh, Nhạc Vân hỏi cha:
- Con đã biết rõ thủ phạm rồi, sao cha không đem nó ra lấy chánh pháp mà trừng trị?
Nhạc Nguyên soái nói:
- Con chưa rõ đó thôi, chỉ vì nó bảo cha thưởng phạt chẳng minh nên mới hành động như vậy, nay cha lấy nhân đức đối đãi với nó, để nó biết lỗi mà ăn năn.
Đêm ấy, Nhạc Vân ở lại hậu dinh lo phục dịch Nhạc Phi để Nguyên soái nghỉ ngơi cho an giấc.
Nói về Dương Ma hôm ấy thăng điện nói với Khuất Nguyên Công :
- Nay mấy nẻo đại binh tuy đã đến, song việc thắng bại chưa dám tiên đoán, quân sư có kế chi cho được vẹn toàn không?
Khuất Nguyên Công nói:
- Trận thế này tôi thao diễn đã thành thuộc rồi, xin Đại Vương hãy truyền chỉ sai Vương Tá qua đó dụ địch chờ cho Nhạc Phi đem binh đến thì Vương Tá chặn đường về của y, còn Thôi Khanh, Thôi An ở phía tả: La Diên Khánh, Nghiêm Thành Phương ở phía hữu, nhị đại vương Dương Phàm thì ở trung quân, bốn phía hợp công. Lại sai Hoa Phổ Phương xuất lãnh chiến thuyền đi trước đánh với Hàn Thế Trung chặn lại không cho Hàn Thế Trung đến ứng cứu Nhạc Phi. Làm như vậy, cho Nhạc Phi có thông thiên đạt địa đi nữa cũng phải bị bắt.
Dương Ma nghe quân sư giải thích lợi hại một hồi cả mừng liền khiến ba quân y theo kế ấy mà làm. Khuất Nguyên Công vâng chỉ lo đi kiểm điểm binh mã.
Dương Khâm bước ra tâu:
- Quân sư bày kế tuy hay, song thủ hạ của Nhạc Phi toàn là những kẻ trí dũng kiêm toàn, chẳng nên coi thường. Nay tôi nguyện liều mình vào hang hổ, qua Đàn Châu ra mắt Nhạc Phi để giảng hòa, nếu y bằng lòng bãi binh thì chẳng những là an nhiên vô sự, lại còn khỏi hao binh tốn của nữa.
Dương Ma nói:
- Ngư đệ đi giảng hòa được càng hay lắm, nếu y bằng lòng lui binh thì ta hứa sẽ dâng nhiều vàng lụa cho khỏi hao binh tổn tướng.
Dương Khâm vừa lãnh chỉ định ra đi, bỗng thấy Ngữ Thượng Chí cũng bước ra tâu:
- Một cây khó làm nên non, nên tôi cũng xin tình nguyện sang dinh Tống góp ba tấc lưỡi giảng hòa cho kỳ được.
Dương Ma nói:
- Nếu có phò mã đi theo thì còn gì tốt cho bằng? Dương Khâm thấy thế nghĩ thầm: "Ta có việc riêng nên mới lo đi như vậy không dè phò mã muốn đi theo ta nữa thì biết liệu sao đây?"
Tuy nói vậy, song việc đã lỡ rồi không biết làm sao nên phải cùng với phò mã thẳng qua Đàn Châu kêu quân giữ thành nói:
- Xin các ngươi vào bẩm báo với Nguyên soái rằng, có Dương Khâm và Ngũ Thượng Chí đến cầu ra mắt:
-Quân sĩ vội vã chạy vào phi báo. Nhạc Nguyên soái bèn truyền lệnh mời vào soái phủ, quân sĩ vâng lệnh ra mở cửa thành mời hai người vào.
Hai người vào làm lễ ra mắt rồi bẩm:
- Hai tôi là Dương Khâm và Ngũ Thượng Chí phụng mệnh Chúa công tôi đến đây xin giảng hòa, nếu Nguyên soái bằng lòng bãi binh thì Chúa công tôi tình nguyện dâng nạp vàng lụa cùng lương thảo để khao quân. Mỗi năm đều nạp công và hứa không dám nhiễu hại nhân dân, chẳng hay tôn ý Nguyên soái thế nào.
Nhạc Nguyên soái cả giận nạt lớn:
- Dương Ma đã gần bị bắt, Động Đình hồ sắp bị phá tan nay mai, chớ nói chi cho nhiều lời.
Nói rồi, kêu kẻ tả hữu vào dặn:
- Hãy bắt hai đứa này giam riêng ra hai phía, để ta bắt được Dương Ma rồi sẽ chém một lượt.
Tả hữu vâng lệnh đem hai người giam riêng ra hai chỗ.
Nhạc Nguyên soái lại bí mật cho đem rượu thịt vào hai nơi mà đãi riêng cho hai người.
Qua đầu canh một, Nhạc Nguyên soái lại sai Trương Bảo mời Dương Khâm ra nơi dinh sau làm lễ ra mắt rồi mời ngồi tử tế, nói:
- Khi nãy tôi có xúc phạm tướng quân vì trước mặt chư tướng không còn cách nào hơn, xin tướng quân bỏ qua. Nay tướng quân đến đây chẳng hay có việc chi dạy bảo?
Dương Khâm nói:
- Nay Khuất Nguyên Công điều động binh mã khắp nơi về, bày ra một trận gọi là "Ngũ Phương trận" tiền hậu, tả hữu đều có mai phục, nên tôi phải đến đây báo tin cho Nguyên soái để chuẩn bị phá trận một cách chu đáo, song tôi còn e một điều là lúc đại binh Nguyên soái kéo đến thì đá ngọc ắt chẳng phân, xin Nguyên soái làm sao cho tôi được bảo toàn gia quyến, tôi cảm đội ơn ấy chẳng cùng.
Nhạc Nguyên soái nói:
- Lúc trước bổn soái cũng nhờ tướng quân có lòng tốt nên mới phá được Xà Bàng sơn, bổn soái định tâu với triều đình phong tặng chức tước cho tướng quân, nay bổn soái đâu dám phạm đến gia quyến tướng quân?
Nói rồi vội sai gia tướng lấy ra một cây cờ nhỏ trao cho Dương Khâm và nói:
- Nếu đại binh có đến đó thì tướng quân cứ việc đem cây cờ này cắm ngay trước cửa nhà, tất nhiên ba quân không dám động đến.
Dương Khâm tiếp lấy cờ rồi tạ ơn Nhạc Nguyên soái Nhạc Nguyên soái bèn sai Trương Bảo đưa Dương Khâm vào phòng khách nghỉ, rồi lại sai Vương Hoành đi mời Ngữ Thượng Chí đến.
Ngũ Thượng Chí theo Vương Hoành vào quì dưới đất nói:
- Hôm trước tôi đã phạm oai hùm, xin Nguyên soái thứ tội. Nhạc Nguyên soái bước xuống đỡ dậy mời ngồi và nói:
- Tài ba của tướng quân thật đáng kính, ngặt vì tướng quân phò chẳng nhằm người, tôi vô cùng lấy làm tiếc, chẳng hay hôm nay tướng quân đến đây có ý chi chăng?
Ngũ Thượng Chí đem chuyện thắng trận về dinh Dương Ma cho làm phò mã thuật lại một hồi rồi nói:
- Công chúa với tôi tuy đã động phòng huê chúc, nhưng nàng chưa bằng lòng chịu động phòng, nàng còn nài cho có Nguyên soái làm chủ hôn mới chịu thành thân.
Nhạc Nguyên soái nghe nói lấy làm lạ cười:
- Dương Ma dùng tướng quân làm phò mã thì có liên quan gì đến bổn soái đâu? Tại sao công chúa lại nài bẩn soái làm chủ hôn là nghĩa gì? Lời ấy tôi nghe có trớ trêu chi chăng?
Ngũ Thượng Chí nói:
- Nguyên là Công chúa ấy không phải con gái của Dương Ma, nàng vốn là người ở tại Đàn Châu, người cha tên Diêu Bình Chương, trọn một nhà đều bị Dương Ma giết sạch. Lúc ấy Công chúa còn nhỏ, Dương Ma nhận làm con.
Nhạc Phi nghe nói thất kinh, suy nghĩ hồi lâu nói:
- Diêu Bình Chương là cậu tôi, thì Công chúa ấy quả là em tôi, vậy biết liệu sao bây giờ?
Ngữ Thượng Chí nói:
- Công chúa có nói với tôi mấy điều kiện, một là vì mối thù mẹ cha chưa chưa trả, hai là vì còn có Nguyên soái là anh, nên tôi phải tìm cách qua đây xin mệnh Nguyên soái cho an lòng Công chúa.
Nhạc Nguyên soái nghe nói vội đứng dậy nói:
- Nếu nói như vậy thì tướng quân là em rể của tôi rồi?
Nói rồi cho gọi công tử Nhạc Vân ra giới thiệu cùng Ngũ Thượng Chí:
- Tiểu tướng này là con tôi, tên là Nhạc Vân đấy.
Nhạc Vân làm lễ mừng chú cháu xong xuôi, Nhạc Nguyên soái lại sai gia tướng đi mời Dương Khâm ra.
Ngũ Thượng Chí nghe nói thất kinh:
- Có ngu đệ ở đây, nếu mời Dương Khâm ra e bất tiện. Nhạc Nguyên soái nói:
- Không can gì đâu, chính người cũng có chuyện nên mới đến đây để thương nghị với ta.
Còn đang chuyện vãn, thì thấy Dương Khâm bước ra. Dương Khâm vừa trông thấy mặt Ngữ Thượng Chí trong lòng sợ hãi chẳng cùng. Nhạc Nguyên soái biết ý, mỉm cười rồi đem hết các việc thuật lại cho Dương Khâm nghe.
Ba người thấu rõ mọi chuyện nên đều cười xòa. Sau đó Nhạc Nguyên soái truyền dọn yến tiệc ăn uống chuyện trò mãi đến khuya mới đi nghỉ.
Sáng hôm sau hai người từ giã ra về. Nhạc Nguyên soái đưa ra khỏi thành mới trở lại. Hai người dắt nhau về ra mắt Dương Ma và tâu:
- Nhạc Phi có ý muốn hòa, ngặt vì chư tướng không bằng lòng nên phải giữ hai chúng tôi lại nơi dịch xá một đêm, rồi sáng ra chư tướng xin lệnh muốn chém hai tôi, nhưng Nhạc Phi lại nói:
- Hai nước đánh nhau không nên chém sứ. Rồi thả hai tôi về đây, chút nữa thì hai tôi làm quỉ không đầu rồi.
Dương Ma nghe nói trong lòng cảm thấy bực tức bèn bỏ đi vào cung còn Ngũ Thượng Chí cũng trở về nói với Công chúa:
- Hôm nay tôi đã ra mắt lệnh huynh và đem hết những lời Công chúa thuật lại cho lệnh huynh nghe, người có hứa rằng: Lúc nào tiễu trừ xong Dương Ma, người sẽ làm chủ lễ cho tôi với Công chúa thành hôn.
Công chúa tạ ơn và nói:
- Nếu tướng quân báo thù được cho cha mẹ thiếp, thì ơn đức ấy ngàn năm chẳng dám quên.
Nói về Nhạc Nguyên soái, đúng như đã ước hẹn với Hàn Nguyên soái, kẻ thủy người bộ cùng hợp sức đánh vào sào huyệt Dương Ma, lại sai Dương Hổ, Nguyễn Lương, Cảnh Minh Sơ, Cảnh Minh Đạt và Ngưu Cao năm người qua giúp Hàn Nguyên soái đi đánh đường thủy, còn mình thì dẫn hết chư tướng ra trận.