Chương 33: Phần 2
Thư Cầm nhìn anh qua tấm kính, thấy anh đã nói điện thoại xong, nhưng vẫn tựa vào lan can không động đậy. Nhìn từ phía sau, rõ ràng là một người đàn ông cao lớn nhưng lại cô độc như một đứa trẻ bị cả thế giới bỏ rơi. Không biết tại sao, trực giác mách bảo cô rằng, lúc này đây chắc chắn anh đang nhớ tới người bạn gái cũ. Chỉ khi nhớ tới người ấy lưng của anh mới toát lên vẻ đơn độc hoang liêu đến vậy.
Đàm Tĩnh cầm điện thoại trở lại phòng bệnh, Vương Vũ Linh đã hỏi ngay: “Bác sĩ Nhiếp nói sao?”
“Anh ấy nói ca mổ hủy rồi, bảo chúng ta làm phẫu thuật thông thường.”
“Ai dà.” Vương Vũ Linh chau mày, “Chắc chắn là vì hôm qua Tôn Chí Quân gây chuyện nên bệnh viện tức điên lên, không muốn phẫu thuật cho Bình Bình nữa.”
“Không phải đâu.” Đàm Tĩnh chỉ đáp ngắn gọn. Tôn Bình đã tỉnh lại, hôm qua Đàm Tĩnh không ngủ cùng con thì Tôn Bình lại tỉnh. Sáng nay đến thăm, thấy con đã tỉnh, cô không giấu được nỗi bất ngờ và vui sướng. Tinh thần Tôn Bình cũng tốt hơn nhiều, còn nhõng nhẽo đòi ăn canh trứng nên Vương Vũ Linh xuống nhà ăn mua cho bé. Lúc kiểm tr.a phòng, y tá trưởng cũng nói Tôn Bình hồi phục khá tốt, xem ra tình hình trước khi mổ cũng ổn định, bảo bọn họ mau mau tranh thủ thời gian tiến hành phẫu thuật.
Đàm Tĩnh bị cảm, phải đeo khẩu trang, chỉ có thể ở đến hết thời gian thăm bệnh, rồi phải nhờ Vương Vũ Linh ở lại trông Tôn Bình. Tuy không nỡ xa mẹ nhưng Tôn Bình cũng không quấy khóc, mãi đến chiều mới không kìm được, buột miệng nói: “Cô Vương, cháu muốn về nhà, cháu muốn về với mẹ.”
Trẻ con vẫn là trẻ con, nằm mấy ngày trên giường là không chịu nổi, Vương Vũ Linh an ủi: “Ngoan nào, bác sĩ nói chúng ta chưa về nhà được, còn phải theo dõi vài ngày.”
“Nhưng cháu nhớ mẹ…”
Tôn Bình ủ rũ cúi gằm mặt xuống, ông già nằm giường bên thấy vậy chép miệng nói: “Nhìn cháu bé đáng thương thế kia, hay là cho nó đến phòng Vui chơi bên khoa Nhi chơi một chút, ở đó có rất nhiều trẻ con, chưa biết chừng nó thích.”
Vương Vũ Linh thấy ý kiến này cũng không tồi, lập tức đi hỏi y tá trưởng, y tá trưởng nói: “Chị đưa cháu đi chơi một chút cũng được, nhưng chỉ cho cháu ngồi một chỗ đọc truyện tranh gì đó thôi, đừng vận động, càng không được chạy nhảy đâu đấy.”
“Vâng, tôi biết rồi.”
Vương Vũ Linh bế Tôn Bình ra thang máy đến khoa Nhi, ở đó có phòng Vui chơi cho trẻ em lớn nhất bệnh viện. Chiều chiều, những bệnh nhi bệnh tình không quá nghiêm trọng đều đến đây chơi, còn có vài ba đứa nhỏ tới phục hồi chức năng sau gãy xương, tất cả gộp lại tới hơn chục đứa, cũng rất đông vui.
Tôn Bình ngồi đó xem hoạt hình một lúc đã bắt quen được mấy người bạn đồng lứa. Bạn nhỏ Mạnh Tiểu Viên nằm ở khoa Nhi bị gãy tay vì chơi trượt ván, giờ vẫn phải bó thạch cao. Bạn nữ Kỳ Kỳ nằm ở khoa Huyết học, cha mẹ rất lo lắng, lúc nào cũng theo sát bên cạnh. Còn một bạn nam tên là Phong Phong, ai cũng yêu mến, cách đây không lâu mới chuyển từ phòng Chăm sóc đặc biệt về phòng bệnh thường, lần nào cũng ngồi xe lăn đến đây, theo lời bác sĩ nói thì vẫn chưa đi được.
“Ông của Phong Phong tốt lắm, hôm nào cũng đến thăm bạn ấy, còn mang theo rất nhiều đồ chơi nữa.”
“Bọn tớ đều được ông của Phong Phong tặng đồ chơi, ai cũng thích ông.”
“Đó không phải là ông của bạn ấy. Là ông nuôi thôi. Ông của bạn ấy qua đời lâu rồi, ông này là người đã cứu bạn ấy.” Kỳ Kỳ dù sao cũng là con gái, miệng lưỡi lanh lợi, nói năng đâu ra đấy, trơn tru như đọc thuộc lòng vậy.
“Nhìn kìa, ông của Phong Phong đến rồi.”
Vương Vũ Linh không biết mặt ông Nhiếp Đông Viễn. Ngày nào ông cũng đến phòng Vui chơi cho trẻ em, hôm nay, như thường lệ, ông lại mang tới rất nhiều đồ chơi, vui vẻ bảo hộ lý của mình chia cho các bạn nhỏ: “Nào, mỗi cháu một con, robot biến hình mới nhất đấy.”
Mấy bé gái chu môi: “Ông thiên vị! Bọn cháu không thích robot biến hình!”
Ông Nhiếp Đông Viễn cười nói: “Ông biết các cháu không thích, đó là cho các bạn nam, của các cháu đây, thỏ con nhé!” Những con thú bông trắng phau, mềm mượt khiến các bé gái reo lên vui sướng, mỗi bé ôm một con chơi.
Ông Nhiếp Đông Viễn ngồi xuống nhìn các bé trai chơi robot, bé nào cũng rất vui vẻ. Ông ngồi nói chuyện với Phong Phong một lúc, khiến Phong Phong rất vui, còn định chia một nửa phần cơm cho ông. Ông Nhiếp Đông Viễn cười từ chối: “Ông có bệnh, bác sĩ không cho ông ăn cái này.” Quay đầu lại, thấy Tôn Bình ngồi trong góc, ông liền hỏi, “Ồ, hôm nay có cháu mới đến à? Cháu tên gì? Bao nhiêu tuổi rồi?”
Tôn Bình vốn không thích nói chuyện, chỉ giương đôi mắt đen láy nhìn ông rồi lại nhìn sang Vương Vũ Linh. Vương Vũ Linh thấy con người Nhiếp Đông Viễn rất thân thiện, vừa đến đã tặng bọn trẻ đồ chơi, lại thấy Phong Phong gọi là ông, đoán chắc là người nhà của Phong Phong, bèn nói: “Bình Bình, phải lễ phép chứ, ông hỏi cháu kìa.”
Lúc này Tôn Bình mới rụt rè nhìn ông Nhiếp Đông Viễn, nói nhỏ: “Cháu là Tôn Bình, năm nay sáu tuổi.”
Ông Nhiếp Đông Viễn thấy Tôn Bình nói nhẹ nhàng như con gái, liền cười nói: “Cháu đến lấy đồ chơi chơi đi, robot đấy, có thích không?”
Nào ngờ Tôn Bình lắc đầu, khẽ đáp: “Mẹ cháu bảo không được nhận đồ chơi của người khác.”
“Ồ, rất có khí chất. Không sao, các bạn ở đây ai cũng có, ông còn mua dư ra mấy con, tặng hết cho các cháu.”
Tôn Bình lại nhìn Vương Vũ Linh, thấy cô gật đầu, mới tiến lại nhận lấy đồ chơi từ tay hộ lý, nói: “Cháu xin”, rồi quay lại nói với ông Nhiếp Đông Viễn: “Cháu cảm ơn ông.”
“Thằng bé này ngoan thật.” Nhiếp Đông Viễn đưa tay ra định xoa đầu bé, nào ngờ Tôn Bình nghiêng đầu tránh. Ông thoáng sững người, thu tay lại, cười hỏi Vương Vũ Linh: “Cô là mẹ cháu à?”
“Không, tôi là cô của cháu. Mẹ cháu bị cảm, sợ lây nhiễm nên không vào viện trông.”
“Thằng bé này giống hệt con trai tôi hồi còn nhỏ, không thích người khác chạm vào người.” Ông Nhiếp Đông Viễn có vẻ rất thương cảm, “Hồi đó con trai tôi cũng chỉ lớn từng này, thế mà đã rất ngang ngạnh, chớp mắt hơn hai chục năm rồi. Nhanh quá đi mất…” Ông ngắm kỹ Tôn Bình, cười nói, “Đứa trẻ này thật sự giống con tôi hồi nhỏ, mắt to, lông mi dài. Hồi nhỏ cái gì nó cũng giống tôi, chỉ mỗi mắt và lông mi là giống mẹ nó, lông mi dài đến nỗi đặt được cả cây bút chì lên, cứ như con gái vậy. Mỗi lần tôi bảo nó giống mình, nó lại chỉ vào lông mi hỏi: ‘Bố có lông mi dài thế này không?’ Tôi trêu nó: ‘Lông mi dài thì có ích gì?’, nó bảo, ‘Đẹp mà, có thể chắn bụi.’”
Vương Vũ Linh nghe ông kể, nghĩ bụng chắc ông cũng là người cô đơn. Tôn Bình chỉ mím môi cười, đặc biệt khi nghe bảo lông mi dài có thể chắn được bụi, bé cười tít mắt lại rất đáng yêu. Ông Nhiếp Đông Viễn chợt thấy lòng ấm áp, nhớ hồi Nhiếp Vũ Thịnh bé như vậy, cũng chính là lúc anh ỷ lại ông nhiều nhất, mỗi lần về nhà lại lao vào lòng bố, vòng tay quanh cổ nũng nịu hỏi: “Bố không đi làm có được không?”
Sự tin tưởng và ỷ lại hoàn toàn, tình cảm thân mật giữa hai bố con hồi đó, dường như đã thành chuyện kiếp trước. Ông Nhiếp Đông Viễn không ngăn được tiếng thở dài, nhìn dáng vẻ ngây thơ của Tôn Bình, ông hỏi Vương Vũ Linh: “Tôi bế cháu được không?”
“Được ạ.”
Ông Nhiếp Đông Viễn bế Tôn Bình lên, bé khá gầy nên ông bế rất dễ dàng. Tôn Bình một tay cầm đồ chơi, một tay quàng cổ ông. Khi những ngón tay măng sữa mềm mại của Tôn Bình quàng qua cổ, ông Nhiếp Đông Viễn bỗng cảm thấy mọi chuyện hệt như buổi hoàng hôn nhiều năm trước, khi Nhiếp Vũ Thịnh lao vào lòng ông, trái tim ông thật sự sắp tan chảy. Nhìn vào đôi mắt đen láy của Tôn Bình, không hiểu sao ông thấy nhói lòng, liền hỏi Vương Vũ Linh: “Cháu bị bệnh gì vậy?”
“Cháu bị tim bẩm sinh.”
“Ồ, bệnh tim? Con trai tôi ở khoa Tim, bảo nó khám xem sao, nó là bác sĩ giỏi nhất trong số bác sĩ trẻ ở đây đấy. Bác sĩ điều trị chính cho cháu là ai?”
“Bác sĩ Nhiếp Vũ Thịnh ạ.”
“Ồ, đó là con trai tôi. Cô yên tâm, nó giỏi lắm.” Ông Nhiếp Đông Viễn nói, vẻ rất đắc ý.
Đúng lúc ấy Phong Phong phụng phịu: “Ông, cháu cũng muốn bế.”
“Được được, ông bế hết.” Ông Nhiếp Đông Viễn rất vui, vừa lúc đó Nhiếp Vũ Thịnh đến. Sau khi Thư Cầm về, anh nghĩ nên đến bệnh viện thăm bố một lát, ai ngờ phòng bệnh vắng tanh, thấy bảo ông đã đến khoa Nhi chơi với bọn trẻ, anh bèn tìm đến đây.
Từ xa anh đã thấy ông Nhiếp Đông Viễn được các cháu bé vây quanh,cười nói rất vui vẻ. Trong lòng anh hiểu, thật ra ông rất mong anh kết hôn để có cháu bế, nhưng việc đó không phải một chốc một nhát mà thực hiện ngay được. Anh tiến lại, gọi:
“Bố.”
“Ồ, con đến rồi.”
Nhìn thấy Tôn Bình đang rụt rè bám trên vai ông Nhiếp Đông Viễn như một chú Koala nhỏ, anh trách: “Bác sĩ bảo bố không được làm gì mệt nhọc, bố lại còn bế trẻ con.”
“Bố mới bế thôi, nhẹ không ấy mà.” Ông Nhiếp Đông Viễn rất không vui, “Hồi nhỏ anh chỉ thích bố bế, giờ lại không chịu sinh cháu cho bố, bố đành bế con của người khác thôi.”
Nhiếp Vũ Thịnh không thích Tôn Bình lắm, rất ít khi nhìn thẳng vào thằng bé. Dường như cũng cảm nhận được điều gì đó, Tôn Bình vừa thấy anh liền sợ hãi, ôm chặt lấy cổ ông Nhiếp Đông Viễn, vùi đầu vào sau tai ông.
Ông Nhiếp Đông Viễn vỗ nhẹ lên lưng Tôn Bình: “Không tiêm đâu, cháu không thấy chú ấy không mặc áo bác sĩ sao? Hôm nay chú ấy không có ca trực, hiện giờ không phải bác sĩ, chỉ là chú Nhiếp thôi, chú ấy không tiêm đâu mà.”
Nhiếp Vũ Thịnh lạnh nhạt nói: “Bố phải về phòng đo huyết áp“Được rồi, thì về.” Ông Nhiếp Đông Viễn nựng nịu Tôn Bình không nỡ buông ra: “Cháu biết không, chú này hồi nhỏ giống cháu lắm, sợ tiêm, cứ thấy bác sĩ là khóc nấc lên. Hì hì, giờ giỏi rồi, làm bác sĩ rồi. Cháu lớn lên cũng làm bác sĩ, đi tiêm người khác, được không?”
Bấy giờ Tôn Bình mới thò đầu ra cười. Nhiếp Vũ Thịnh sầm mặt xuống, nhưng ông Nhiếp Đông Viễn vẫn nói tiếp: “Nhìn thấy cháu, ông lại nhớ đến chú hồi nhỏ…” Ông quay sang nhìn con trai đang sa sầm mặt mày, lại nhìn Tôn Bình, nói, “Đúng là hơi giống… Vũ Thịnh, khi nào về bố lấy ảnh hồi nhỏ ra cho anh xem, hồi nhỏ anh cũng thế này này. Nhưng thằng bé này gầy hơn, hồi nhỏ anh vừa béo vừa tròn, bố cứ lo anh bị béo phì…”
Ông Nhiếp Đông Viễn từ khi bị bệnh rất thích trẻ con, còn lo hết tiền thuốc thang, viện phí cho đứa trẻ bị ngã trong công trường. Có lẽ vì đã có tuổi, lại bị bệnh nên ông đặc biệt quý trọng sinh mạng, thích những đứa trẻ hoạt bát đáng yêu, ngày nào cũng đến phòng Vui chơi của lũ trẻ chơi cùng chúng, làm ông già Noel tặng quà chúng để vơi bớt nỗi cô đơn. Nhưng hôm nay, không hiểu sao Nhiếp Vũ Thịnh cứ cảm thấy có gì không ổn, dường như chuyện gì đó sắp xảy ra, nhưng là chuyện gì mới được chứ? Anh nghĩ mãi không ra được. Đó chỉ là dự cảm, giống như khi thuyền đi qua dưới gầm cầu vậy, bóng chiếc cầu đổ xuống bao trùm lấy cả con thuyền, cảm giác vô cùng nặng nề, ngột ngạt.
Anh đưa ông Nhiếp Đông Viễn về phòng bênh, đợi y tá đo huyết áp, nhiệt độ cho ông xong thì cũng đến giờ ăn trưa. Ông Nhiếp Đông Viễn giữ anh lại ăn cơm, nhưng anh nói: “Con đi xem phòng bệnh.”
“Hôm nay anh nghỉ cơ mà?” Ông Nhiếp Đông Viễn kìm nén mãi, cuối cùng cũng phải lên tiếng hỏi, “Mặt anh sao thế? Còn tay nữa, sao lại băng bó vậy? Đánh nhau với ai à?”
“Không ạ.”
“Thế sao cằm sưng lên thế kia?”
“Cửa tủ tài liệu đóng không chặt, con không cẩn thận bị đập phải.”
“Còn tay?”
“Cầm cặp nhiệt độ không cẩn thận làm gãy, bị đứt tay.”
“Lớn từng này rồi mà vẫn phải lo lắng cho anh như trẻ con.” Dường như ông Nhiếp Đông Viễn đã tin lời anh. “Bất cẩn như thế sao chữa cho bệnh nhân được. Cứ thế này Chủ nhiệm Phương còn dám cho anh đứng bàn mổ nữa không?”
“Thế nên chủ nhiệm bảo con nghỉ hai ngày.”“Thế anh đến phòng bệnh làm gì?”
“Phòng bệnh có hơn mười bệnh nhân của con, dù không trực ban cũng phải tới xem thế nào.”
“Đi đi.” Ông Nhiếp Đông Viễn đổi chủ đề, “Tuần sau anh cùng bố đến Hồng Kông đấy.”
“Việc này phải chờ lãnh đạo của con đồng ý đã.”
“Bố đã nói việc này với Phó viện trưởng rồi, ông ấy nói không vấn đề gì, sẽ có lời với Chủ nhiệm của anh.”
Nhiếp Vũ Thịnh định nói gì đó nhưng thấy bố xua tay anh bèn kìm lại. Thư Cầm nói đúng, đây là bố anh, cần nhân viên y tế bay cùng, anh nên đi cùng ông một chuyến, cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm của kẻ làm con.
Nhiếp Vũ Thịnh trở về phòng bệnh, hai ngày hai đêm không trực, nửa đêm hôm qua lại nhận được ca cấp cứu, nên bệnh án tích lại một đống, sáng mai còn có bệnh nhân phải ra viện. anh đang suy nghĩ xem có nên làm thêm giờ hay không, thì vừa hay y tá trưởng đi qua: “Tiểu Nhiếp, sao lại đến đây? Chủ nhiệm Phương mà thấy sẽ nổi giận đấy.”
Nhiếp Vũ Thịnh đáp: “Tôi còn nhiều việc chưa làm lắm.”
“Việc thì làm sao hết được? Đúng rồi, vợ anh Đổng vừa sinh trưa nay, mọi người trong khoa đều sang hết khoa Sản thăm rồi, cậu cũng đi đi.”
“Tốt quá, chắc Đổng sư huynh vui lắm.”
“Lại chẳng, nhóc con ba cân ba, anh ấy cười đến không khép nổi miệng. Chủ nhiệm Phương cũng qua thăm rồi, còn bế cháu nữa.”
Bình thường vị Đổng sư huynh này chăm sóc anh rất chu đáo, giờ anh ấy có con trai, đương nhiên phải đi thăm, nghĩ vậy Nhiếp Vũ Thịnh dọn dẹp một lát rồi ra cửa mua một phong bao lì xì, nhét vào đó chút tiền mừng, đi thăm vợ chồng anh Đổng.
Anh Đổng đang tất bật cho con ăn sữa, bé sơ sinh còn chưa to bằng phích nước, bọc kín trong chăn, chỉ lộ ra gương mặt nhỏ như chiếc bánh bao. Nhiếp Vũ Thịnh đưa bao lì xì cho anh Đổng, rồi quay sang trò chuyện cùng vợ anh. Vợ anh Đổng than vãn: “Cậu nhìn xem anh ấy cứ bế con khư khư, như sợ ai cướp mất ấy. Y tá bảo rồi, ngày đầu tiên sau khi sinh, trẻ ngủ là bình thường, nhưng anh ấy cứ bốn tiếng lại bón 15ml sữa. Con không tỉnh dậy thì anh ấy cứ làu bàu mãi…”
“Anh muốn con thải hết chất thải trong người ra mà.” Anh Đổng quyệt mồ hôi trán, “Tiểu Nhiếp, cậu ngồi đi. Cậu nhìn này, con trai cóôi không?”
Nhiếp Vũ Thịnh nhìn gia đình ba người họ hạnh phúc, ngắm đứa trẻ đang say ngủ, cười nói: “Giống lắm.”
“Hừ, vợ tôi còn nói không giống. Bác sĩ đỡ đẻ vừa bế nó ra, mẹ tôi liền bảo: ‘Đây chắc chắn là con cháu nhà ta rồi, không lẫn vào đâu được, giống hệt con hồi nhỏ, cứ như một khuôn đúc ra ấy! Nhìn mí mắt này, cái lông mi này…’”
Trong khoảnh khắc ấy, Nhiếp Vũ Thịnh sực nhớ lại lần ông Nhiếp Đông Viễn bế Tôn Bình, cuối cùng cũng nghĩ ra không ổn ở điểm nào, một ý nghĩ đáng sợ vụt lóe lên trong đầu anh, như ánh trăng ló ra sau tầng mây đen, xé toang màn đêm u ám nặng nề. Nhiếp Vũ Thịnh bị suy đoán đáng sợ đó đánh gục, xưa nay anh chưa bao giờ nghĩ theo chiều hướng đó, nhưng hôm nay, vào giây phút vừa rồi, anh lại đột nhiên nghĩ tới. Toàn thân anh run bắn lên, lẩy bẩy đứng dậy. Anh Đổng thấy sắc mặt anh tái nhợt, hai tay siết lại thành nắm đấm, cả người run rẩy, bèn ngạc nhiên hỏi: “Tiểu Nhiếp, cậu sao vậy?”
Nhiếp Vũ Thịnh ngơ ngẩn nhìn anh, dường như không biết mình đang làm gì. Anh Đổng lại hỏi: “Cậu sao thế?” Lúc này anh mới định thần lại, đáp: “Tôi sực nhớ ra, có bệnh nhân tôi kê nhầm đơn rồi.”
Anh Đổng nghe thấy thế cũng cuống lên: “Ai da, vậy mau đi sửa đi, nhanh lên!”
Nhiếp Vũ Thịnh không nói gì thêm nữa, vội vàng ra khỏi khoa Sản. Anh cuống cuồng chạy đến thang máy, nôn nóng ấn nút đi lên, cuối cùng thang máy cũng đến nơi. Đứng trong thang máy, anh thấy mỗi phút mỗi giây đều như bị tr.a tấn. Khó khăn lắm mới lên đến phòng bệnh khoa Tim, anh vội vội vàng vàng đi tới bên ngoài phòng bệnh, nhưng rồi lại chần chừ mãi không bước vào.
Đàm Tĩnh không có ở đó, Vương Vũ Linh đang dỗ Tôn Bình ăn cơm, Tôn Bình rất nghe lời, tự mình cầm thìa xúc cơm. Từ ngoài cửa chỉ nhìn thấy nửa bên mặt nhìn nghiêng của đứa bé, trông rất giống Đàm Tĩnh. Nhiếp Vũ Thịnh đứng ở cửa một lúc lâu, đầu óc hoàn toàn trống rỗng, chẳng thể nhớ nổi chồng Đàm Tĩnh trông như thế nào, rốt cuộc đứa trẻ kia giống ai hơn. Anh đột nhiên cảm thấy mình không còn dũng khí đến gần đứa trẻ ấy nữa, đành quay ra chỗ y tá. Y tá trực ban thấy anh cũng rất ngạc nhiên: “Bác sĩ Nhiếp, anh không khỏe à? Sắc mặt anh kém quá, có phải vết thương bị viêm không?”
Nhiếp Vũ Thịnh nghe thấy giọng nói sượng sùng của mình: “Mẫu máu của bệnh nhân giường 39 còn không?”
“Chắc còn một mẫu ở phòng Hóa nghiệm, không biết họ đã hủy chưa.”
Cô y tá còn chưa dứt lời, Nhiếp Vũ Thịnh đã sải bước đi thẳng. Y tá trực ban kinh ngạc, bình thường bác sĩ Nhiếp tuy không thích nhiều lời nhưng vẫn vô cùng lịch sự, hỏi chút chuyện nhỏ cũng cảm ơn, vậy mà hôm nay anh chẳng nói chẳng rằng bỏ đi mất, hơn nữa còn có vẻ hồn bay phác lạc, cứ như cháy nhà vậy.
Bác sĩ Nhiếp lúc nào cũng bình tĩnh, các y tá trong phòng mổ đều nói, bác sĩ Nhiếp Vũ Thịnh khoa Ngoại Tim mạch thật quá bình tĩnh, bất cứ tình huống nào anh cũng ứng phó được, dù trời có sập anh vẫn cầm nhíp chống trời lên tiếp tục mổ. Nhưng hôm nay bác sĩ Nhiếp sao vậy?
Nhiếp Vũ Thịnh đến phòng Hóa nghiệm nhờ người quen tìm mẫu máu, rồi đến thẳng Trung tâm Kiểm tr.a sức khỏe, nói rằng mình hơi sốt, muốn xét nghiệm máu xem thế nào. Rút xong máu, anh lại nói để tự mình đưa đến phòng Hóa nghiệm. Đương nhiên người ở đó không có ý kiến gì, anh liền cầm hai mẫu máu đến viện Y học, tìm người bạn từng du học cùng bên Mỹ. Người này không cùng chí hướng với anh, nên sau khi về nước bèn đến viện Y học nghiên cứu về di truyền.
“Bạn của bố tôi nhờ tôi giám định DNA giùm, giao cho người khác tôi không yên tâm.”
Người bạn đó biết bạn bè của bố anh không giàu có thì quyền chức, hẳn rất coi trọng bí mật riêng tư, chuyện này cũng không phải chưa từng có, vì thế còn đùa: “Ồ, người khác có chuyện sao mặt cậu khó coi thế?”
Nhiếp Vũ Thịnh hoàn toàn không có tâm trạng đùa cợt, chỉ nói: “Có kết quả thì gọi ngay cho tôi nhé, bất cứ lúc nào cũng được, người ta đang cần rất gấp.”
“Không vấn đề gì, tôi tăng ca, cùng lắm là bốn tiếng, mười sáu locus[1], được chứ? Đủ xứng với mối ân tình này của cậu rồi chứ?”
[1] Locus: Vị trí gen trong nhiếm sắc thể.
Nhiếp Vũ Thịnh không ăn không uống không ngủ chờ đợi, anh chưa bao giờ thấy thời gian trôi qua chậm chạp thế này. Hằng ngày, lúc làm việc, hễ anh đứng vào bàn mổ là phải đứng liền bốn tiếng đồng hồ, cảm thấy thời gian trôi như tên bắn, từ lúc mở lồng ngực cho đến khi khâu lại cũng chỉ như một cái chớp mắt. Nhưng bốn tiếng này còn dài hơn bốn ngày, thậm chí bốn tháng, nhiều lần anh muốn gọi ngay cho Đàm Tĩnh, hoặc tới gặp thẳng cô, nhưng gặp thì có ích gì? Nếu thật sự có làm vậy, cô sẽ không nói thật với anh. Mồ hôi lạnh đầm đìa, anh không ngừng đi đi lại lại trong phòng. Anh nhớ lần đầu tiên khi nhìn thấy Tôn Bình ở bệnh viện, anh đã nói gì? Anh châm chọc rằng, đó là báo ứng. Còn Đàm Tĩnh chỉ nhìn anh với đôi mắt mọng nước. Anh không dám tưởng tượng, nếu như mình đoán đúng thì tâm trạng Đàm Tĩnh khi đó thế nào, chắc chắn trái tim cô đã tan nát thành từng mảnh vụn. Anh không thể ngồi yên được nữa, anh cảm thấy phải lập tức đi gặp Đàm Tĩnh, nhưng gặp rồi sẽ nói gì đây? Nhỡ anh đoán sai thì sao? Sao kết quả DNA ch.ết tiệt kia vẫn chưa có?
Đúng lúc anh sắp suy sụp thì điện thoại đổ chuông, giọng anh bạn kia vang lên đầy thích thú: “Ông bác của cậu thảm rồi, RCP 99,99%. Cậu biết đấy, RCP đạt 99,73% là đã có thể khẳng định quan hệ cha con, cũng có nghĩa là, hai mẫu máu này có quan hệ cha con.”
Nhiếp Vũ Thịnh chỉ thấy trước mặt tối sầm lại, tai ù đi, nhất thời mất hết mọi tri giác. Toàn thân anh như thể rơi xuống hố băng, cảm giác lạnh lẽo như hàng nghìn hàng vạn mũi kim đâm vào người, khiến máu huyết toàn thân cơ hồ đông cứng lại, bản thân chỉ có thể nghe thấy tiếng máu ào ạt chảy trong tĩnh mạch phía sau tai. Trong khoảnh khắc ấy, Nhiếp Vũ Thịnh cảm thấy mình không còn sức nhấc nổi dù là một ngón tay. Anh không biết người bạn kia nói gì nữa, chỉ khó nhọc ngắt máy theo bản năng.