Chương 54: Đậu tình
HÓA RA MƯỜI MẤY NĂM NAY, MÌNH SỐNG MÀ KHÔNG BIẾT BẢN THÂN LÀ ĐOẠN TỤ!!!
Hồng Khiêm cứ cắm đầu khổ học như thế, chợt bảo muốn dắt con gái ra ngoại thành cưỡi ngựa giải khuây, Tô tiên sinh cân nhắc một lúc, cũng không ngăn cản. Hồng Khiêm bèn ra ngoài thuê hai thớt ngựa, dắt theo bọn Bổng Nghiên, Tiểu Trà và Đóa Nhi đã buộc gọn tóc, hầu Ngọc Tỷ xuất thành.
Đã đến tháng tư, trời nóng dần, đi lại bên ngoài chỉ có sáng sớm và sập tối là thoải mái được đôi chút, thế là tinh mơ hôm ấy, Hồng Khiêm thức dậy ăn vài miếng điểm tâm một bát cháo, đoạn gọi Ngọc Tỷ dậy thu xếp hành trang cùng ra khỏi thành. Một là vì trời mát, hai là do Ngọc Tỷ đã lớn, lộ mặt ở chốn đông người thì không trang nhã lắm. Cưỡi ngựa, lại không thể trùm khăn. Bèn làm thế này, Hồng Khiêm dắt Ngọc Tỷ ra ngoài, sau một canh giờ, Trình Thực ở nhà sẽ thuê một chiếc kiệu ra ngoại thành chờ, Ngọc Tỷ cưỡi ngựa xong sẽ đến họp mặt, lên kiệu về nhà.
Vậy là không còn sơ hở.
Ngọc Tỷ dậy sớm, Tiểu Trà đem áo tay bó chuẩn bị sẵn hôm qua đến thay cho Ngọc Tỷ, Đóa Nhi xách hài đến, nàng ngồi trước bàn trang điểm, Tiểu Trà hầu nàng buộc tóc trùm khăn. Ngọc Tỷ cũng không dùng hoa tai cầu kỳ, bảo Đóa Nhi đeo cho một đôi khuyên vàng đơn giản. Sửa soạn đâu ra đấy thì sang dùng bữa với Hồng Khiêm, bên ngoài ngựa đã được dẫn đến, hai cha con dắt theo tôi tớ, ra ngoại thành. Tú Anh ở nhà dặn với theo: “Đi sớm về sớm, đừng để tới lúc trời nóng lên, ta sẽ bảo mợ Viên làm nước mơ chua ướp lạnh chờ hai người.”
Hồng Khiêm hứa sẽ về sớm, ra khỏi cửa.
Đám Bổng Nghiên Tiểu Trà đều mong mỏi giờ khắc này, dẫu sao vẫn còn tâm tính trẻ con, quanh năm chỉ ở trong thành, được dịp ra ngoài giải khuây, đương nhiên muốn đi. Có là Đóa Nhi thuở bé lớn lên dưới quê cũng phải buồn khi không được đi cùng. Cha con Hồng Khiêm bèn thỏa lòng bọn nó, đem tất cả theo.
Trong thành không tiện giục ngựa nhanh, bảo Bổng Nghiên và Lai An mỗi người dắt một thớt, hai cha con ngồi trên ngựa, đủng đỉnh ra khỏi thành. Hè đến ngày dài, cổng thành mở rất sớm, đã có nhiều người từ khắp nơi lục tục kéo vào thành bán buôn, ai nấy vội vàng hấp tấp, kẻ thì bán cải, người thì bán trứng, có cả bán gà vịt thịt cá các loại, người qua kẻ lại, đều chỉ chú ý tới việc làm ăn của mình, không quá để mắt tới hai cha con.
Qua khỏi cổng thành, đi thêm dăm ba dặm nữa, đám Tiểu Trà ngồi đợi một chỗ, hoặc tán gẫu hoặc bứt hoa cỏ dại nô đùa, Hồng Khiêm dắt Ngọc Tỷ đến một nơi gần đấy gióng ngựa phi nhanh. Ngựa không phải loại tốt ngày phi ngàn dặm, Hồng Khiêm không dám để con gái phi nước đại, nhưng bốn chân vẫn nhanh hơn hai cẳng. Giục mãi, dần cảm thấy gió thoảng qua người, tựa lướt mây cưỡi sương.
Mấy ngày nay, nếu bảo trong lòng Ngọc Tỷ không khó chịu thì là nói dối, song thấy cha mẹ yêu thương, Tiểu Trà trung thành, hôm nay cha còn vì lo mình buồn bực mà buông sách xuống dẫn đi chơi, thì dù những thứ khác có trái ý mình nhiều hơn nữa, Ngọc Tỷ cũng tạm vứt đi. Chuyện xảy ra mấy ngày trước không khiến nàng tổn thương, thế nên khó chịu cũng chỉ ở một mức nào đó mà thôi. Giờ đây thúc ngựa phi nhanh, chỉ cảm thấy nỗi bực bội trong lòng cũng theo gió mát tản đi chẳng sót chút gì, đầu mày cuối mắt lại đầy ý cười.
Hồng Khiêm vẫn luôn theo bên cạnh, thấy Ngọc Tỷ như thế, cũng an tâm hơn, ghìm cương: “Rốt cũng đã cười.”
Ngọc Tỷ cũng siết ngựa lại, trong tiếng cười lẫn tiếng thở dốc rất khẽ, ngoảnh mặt bảo: “Cha lại oan uổng con rồi, có ngày nào mà con không cười đâu?”
Hồng Khiêm ngửa cổ nhìn mây bay ngang trời, miệng thì lẩm bẩm: “Có một con bé xem cha mình là đồ ngốc, cười thật cười giả không nhận ra, miễn cưỡng cười đùa cũng không biết.”
Ngọc Tỷ nghe mà phỉ phui thầm một tiếng, hất đầu giơ roi lại tiến lên: “Xem ai đến gốc cây đó trước.” Hồng Khiêm cố ý nhường nàng mấy bước, mới ra roi thúc ngựa phóng tới. Tuy Ngọc Tỷ xuất phát trước, nhưng kỹ thuật của Hồng Khiêm lại cao hơn một bậc, vượt qua Ngọc Tỷ một thân ngựa, đến đích trước. Ngọc Tỷ ngồi trên ngựa, cũng không cáu, cười nhìn Hồng Khiêm nhảy xuống. Đám Tiểu Trà thấy hai người đã dừng lại, cũng vội vàng đi đến. Bọn nó cũng thuê lừa xanh cỡ to, tấm bố, trà quả, khăn tay, thau rửa mặt, đến cả khăn trùm dùng lúc về của Ngọc Tỷ cũng gói cả lại buộc lên lừa. Bổng Nghiên đến bên sông múc nước tới, Tiểu Trà vắt khăn lau mặt cho Ngọc Tỷ.
Hồng Khiêm dắt Ngọc Tỷ ra ngoài vốn là để giải khuây, giờ Ngọc Tỷ đã vui vẻ trở lại, ngựa có cưỡi hay không cũng thế. Hồng Khiêm ngồi xếp bằng, Ngọc Tỷ uốn chân bó gối, ngắm con châu chấu mà Đóa Nhi vừa dùng cỏ bện ban nãy. Về khoản thêu thùa thì Đóa Nhi hơi kém so với Tiểu Trà, nhưng mấy thứ đan bện này lại khá khéo. Lúc thì bện châu chấu, lúc thì bện cún con. Hồng Khiêm trông cũng khen: “Khéo tay thật, bện thêm vài con đem về cho Kim Ca chơi.”
Ngọc Tỷ thấy Đóa Nhi không nói lời nào, cứ một mực vùi đầu vào làm, tay chân lại khẩn trương hơn mới bảo: “Tỉ mỉ không phải chỉ lúc này mới cần, đừng để xước tay, đau đấy.” Đóa Nhi tầm ngầm: “Dạ dạ.” hai tiếng xem như đáp lời, nhưng tay vẫn không thả lỏng. Ngọc Tỷ thấy nó quá thật thà thì bật cười, bảo Tiểu Trà: “Ta lại đi cưỡi một lúc, chị trông em ấy, chốc sau cho trà quả xơi, đừng để bị mệt.” Tiểu Trà vâng lời, Đóa Nhi bấy giờ mới ngẩng đầu lên đáp: “Mấy chuyện vụn vặt này, không mệt được đâu ạ.” Rồi lại vùi đầu bện tiếp.
Hồng Khiêm thầm nhủ, có tôi tớ trung thành thế này là phúc của Ngọc Tỷ, cũng là phúc của nhà họ Hồng. Bên kia Ngọc Tỷ đã trở người lên ngựa, Hồng Khiêm trông mà giật thót, vốn lúc khởi hành từ nhà thì ngoài cửa có viên đá lót, dùng để kê lúc lên ngựa. Còn ở chỗ đồng không mông quạnh này, tìm đá ở đâu? Hồng Khiêm vốn đang định đỡ con gái lên ngựa, không ngờ con bé lại nhanh nhảu hành động trước rồi. Lúc ở nông thôn Ngọc Tỷ đã học cưỡi ngựa nhưng vẫn chưa rành lắm, giờ lại tự ý phóng đi, Hồng Khiêm sao lại không sợ cho được? Cũng tót lên ngựa, đuổi theo Ngọc Tỷ.
Hai cha con giong một hồi, Ngọc Tỷ bảo: “Chỉ tiếc không mang cung tên, lần sau tới đây, con sẽ cầm theo.” Trước giờ Hồng Khiêm vẫn luôn chiều con gái, nghe Ngọc Tỷ bảo thế bèn đồng ý: “Mấy ngày nữa chúng ta lại đến.” Ngọc Tỷ đáp: “Cha còn phải ôn bài, con chỉ thuận miệng nói vậy thôi.”
Hồng Khiêm bảo: “Không sao, cha con liệu trước rồi.” Thì ra là do Hồng Khiêm và Tô Trường Trinh chung đụng với nhau đã lâu, Tô Trường Trinh cũng tận tâm dạy bảo, nhưng vẫn có lúc không nhịn nổi mà chế giễu đôi câu. Mà hứng thú của Tô Trường Trinh với “Dịch” lâu ngày không giảm, bỗng dưng lại bắt đầu thích chuyện nhà chuyện cửa. Lúc châm biếm người ta, lại thêm mấy từ chợ búa. Hồng Khiêm chỉ cảm thấy nếu còn ở chung với Tô Trường Trinh nữa, chàng sợ mình nhịn không nổi sẽ bóp ch.ết lão bán tiên ch.ết tiệt này. Song Tô bán tiên tận tâm tận sức dạy dỗ con gái, cũng hết lòng chỉ bảo chàng, lại là người đứng đắn, tuy mắng người nhưng vẫn đúng lý hợp tình, chàng không thể giết lão bán tiên này thật, đành phải thỉnh thoảng đi khuất mắt gột rửa tâm hồn, cũng là để bảo vệ mạng sống của Tô Trường Trinh, để người đời khỏi dèm pha bảo mình là “lấy oán trả ơn”, cũng đỡ phải làm lỗi với tấm lòng của cụ Trình.
Ngọc Tỷ nghe cha nói thế, cũng không ép buộc, trong lòng đã quyết định, lát hồi về nhà lén đến hỏi thầy Tô, xem xem nếu cha đi chơi cùng mình thì có cản trở việc học không. Trong lòng nàng đương nhiên muốn đi chơi cùng cha, nhưng cũng chẳng muốn làm lỡ tiền đồ của người.
Hồng Khiêm ghìm cương, ra roi bảo: “Đi đến đằng kia.” Ngọc Tỷ vội đuổi theo.
•••••
Giang Châu ít núi đồ sộ bề thế, chỉ có vài ngọn núi nhỏ xinh, ngoài ra thì chỉ còn vài nơi nhấp nhô nhẹ, tục gọi là “đồi nhỏ”, chỉ là một mô đất gồ ghề chẳng thể gọi là núi. Nơi này tuy là đồi, nhưng cũng có vài nhánh cây ngọn cỏ, từ xa trông lại một màu xanh biếc. Hồng Khiêm và Ngọc Tỷ giong ngựa đến nơi, vừa tới chân đồi thì sau đồi thình lình xuất hiện một người!
Hồng Khiêm quen người này, Ngọc Tỷ chăm chú nhìn lại, cũng cảm thấy là người mình từng gặp, vắt óc nghĩ, đây chẳng phải người vớt bà ngoại ra khỏi sông – Thịnh tiểu tú tài Thịnh thế thúc thì còn là ai? Không ngờ lại gặp mặt ở đây, Ngọc Tỷ vội vàng trở người xuống ngựa. Nàng đã sắp trưởng thành, lại kinh qua vụ Triệu Tín, bèn khá để tâm đến chuyện khác nhau giữa nữ quyến và đàn ông bên ngoài. Nhưng dù có chào hỏi hay không, nàng vẫn phải xuống ngựa.
Bên kia, Hồng Khiêm cũng không ngờ Thịnh Khải vào giờ phút này lại ra ngoại ô, cũng xuống ngựa, kéo cương tiến đến chào Thịnh Khải. Ngọc Tỷ nghe Hồng Khiêm hỏi: “Ta dắt con gái ra ngoài dạo, thế huynh vì sao lại ở đây?” thì cũng dắt ngựa bước tới chờ lễ chào Thịnh Khải, nghĩ lại thì mình cũng đã gặp người tên Thịnh Khải này lúc dưới quê, không thể bỏ lễ ở đây.
Thịnh Khải vốn đang phiền lòng việc nhà, dù ở trong trường hay ngoài phố, người biết mặt hắn không ít, không thể yên tĩnh, bèn thừa lúc sớm ngày mát mẻ, chuồn ra ngoài giải khuây. Từ lúc thành danh đến giờ, có rất nhiều người muốn hắn trở thành con rể của họ, chẳng may ông nội qua đời, chuyện cưới gả tạm hoãn lại. Đến khi cả nhà về thành, Thịnh Khải mãn tang, liền có người nhao nhao trước mặt cha mẹ hắn, muốn đề thân. Những người ngại chuyện cha Thịnh chưa xả tang như Thân thị, có lẽ cũng chiếm một số. Xuân này mãn tang, càng nhiều người đến bàn chuyện ấy.
Mấy hôm nay lại có người nhắc trước mặt mẹ, hắn ít nhiều gì cũng hóng được đôi lời, gia đình nghĩ hắn tiền đồ như gấm, không muốn cưới gả ngay bây giờ, sợ người không xứng lại nhục nhã hắn, lời ăn tiếng nói phần nhiều là bới móc. Tuy không dèm pha trước mặt hắn, nhưng nhà cửa chật hẹp, hắn lại có hai đứa em, trẻ con không hiểu gì, không khỏi xem chuyện là bí mật rồi kể cho hắn, hòng đòi quà anh trai. Thịnh Khải vừa lo chuyện thi cử vừa phiền chuyện cưới xin, sao có thể không buồn bực?
Nào ngờ hắn đã đi xa đến thế, vẫn chạm mặt người quen. May mà Hồng Khiêm thức thời, cũng không ba hoa, Thịnh Khải vái chào chàng: “Hồng huynh dạo này khỏe chứ? Trong thành buồn phiền, tôi đành ra ngoài dạo.” Hồng Khiêm bèn hiểu rằng Thịnh Khải không muốn luyên thuyên, chỉ gọi Ngọc Tỷ lên chào rồi tạm biệt Thịnh Khải.
Thịnh Khải quen hai người, cũng do có tý ngọn nguồn với gia đình này, chung quy vẫn phải chào hỏi Ngọc Tỷ rồi mới cáo từ. Trong lòng hắn muốn đi gấp, nhưng khi ngẩng đầu lên nhìn, không khỏi ngẩn ngơ. Ngọc Tỷ vận một bộ đồ tay bó đỏ thẫm, đến cả khăn trùm cũng đỏ, giữa sắc biếc bao la, quả đúng là “Muôn vạn thắm xanh nhấn đóa hồng“. Lần trước gặp mặt, nàng vẫn còn là một cô bé, giờ đã lớn hơn đôi chút. Càng thêm phần mi mày như vẽ, giong ngựa một hồi, trên mặt lấm tấm mồ hôi, vừa khéo nom tựa giọt sương trên nền hoa kiều diễm, tươi tắn đến độ khiến dạ ai bồi hồi.
Thịnh Khải vốn chỉ xem nàng là trẻ con, không dè vừa nhìn lại, đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp rạng ngời, khẽ tựa vào con ngựa xám tro, càng khiến trong mắt hắn chỉ còn mỗi mình nàng. Bên kia, Ngọc Tỷ buông cương bước nhanh đến, lễ chào hắn, miệng gọi “Thế thúc”. Thịnh Khải vẫn chưa hoàn hồn, đến tận khi con ngựa của Ngọc Tỷ phì mũi một tiếng, phả đầy hơi nóng vào mặt hắn, hắn chỉ cảm thấy cả người như bị luồng hơi nóng ấy luộc chín, y chang cua vụ thu trong lồng hấp, đầu đỏ người đỏ, đến cả càng cũng đỏ nốt.
Chuyện gái trai, ánh mắt đầu tiên, vẻ ngoài luôn là quan trọng nhất. Thịnh Khải sụp hố rồi. Nhưng Ngọc Tỷ vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nàng gọi tiểu tú tài này là thế thúc, ấy là trưởng bối rồi. Chào hỏi xong, Thịnh Khải cũng đã bị con ngựa phì mũi hoàn hồn lại, dốc sức nhịn không nhìn mặt Ngọc Tỷ nữa, cũng trả lại nửa lễ cho nàng. Lại chắp tay với Hồng Khiêm, lắp ba lắp bắp: “Tôi, tôi, cha con hai người cứ tự nhiên, tôi đi đây.” Chân bước như bay.
Lúc đã ra xa, loáng thoáng nghe thấy tiếng cười trong trẻo vờn theo gió: “Hình như vị thế thúc này không tập trung.” Lòng chợt thắt lại.
Hồng Khiêm há lại không nhận ra Thịnh Khải có gì đó là lạ? Thoạt đầu vị tiểu tú tài này nóng lòng muốn đi riêng, sau lại đỏ cả mặt! Nếu vẫn không nhận ra thì Hồng Khiêm sống phí ba mươi mấy năm rồi, may mà Thịnh Khải vẫn còn biết lễ nghĩa, hiểu rằng chuyện không thỏa, bèn trốn trối ch.ết. Hồng Khiêm ngoảnh đầu trông đứa con gái xinh như hoa lại rực rỡ tựa lửa của mình, lòng thầm đắc ý, thấy con người Thịnh Khải tạm ổn, chỉ tiếc cha và em gái nhà hắn rách việc. Thấy Ngọc Tỷ hãy còn chưa biết, Hồng Khiêm cũng chẳng nói ra làm gì. Có con gái tốt như thế, chàng vẫn muốn giữ lại vài năm, ngàn lựa vạn chọn.
Thấy mặt trời dần lên cao, Hồng Khiêm bèn gọi Ngọc Tỷ về thành, bảo: “Lần sau lại đến.” Bụng bảo dạ, ăn mặc điểm trang thế này đúng là đòi mạng mấy cậu chàng mà, sau này phải thay nam trang mới được. Để tránh gặp người quen lại bàn ra tán vào, không hay cho danh tiếng của Ngọc Tỷ.
Bên kia, Thịnh Khải vốn muốn tĩnh tâm mới ra ngoài, rốt lại choáng váng mặt mày quay về, trong nhà lại không có ai. Vào thư phòng ngồi, sách cũng lười giở, chỉ ngẩn ngơ như thế. Chợt nghe bên ngoài có tiếng nói, là mẹ dắt em gái hắn về. Thịnh Khải vội vàng tập trung lại, gọi thư đồng đến hỏi mới biết sáng nay họ nhận được lời mời của nương tử phủ quân, bèn đến đấy.
Lại nói Phan thị này sinh được một thằng con giỏi giang, ai nấy đều kính trọng, trong lòng thị, con trai mình đừng nói là tiểu thư khuê các mà đến cả công chúa vẫn còn xứng đôi, thế nên ai đến đề thân thị đều không chịu, thầm chờ đến lúc Thịnh Khải đỗ cao mới chọn dâu hiền. Năm nay mãn tang, nương tử phủ quân cũng cho mời. Phan thị thầm nghĩ, nhà phủ quân là hậu duệ Thiên hoàng, thân phận cũng hợp, gia đình ấy lại sung túc, hẳn sẽ đòi được của hồi môn hậu hĩnh, bèn hơi rục rịch trong lòng. Nào ngờ vừa vào phủ, niềm nở với người dẫn đường, gặp nương tử phủ quân cũng cười khanh khách, song sau khi chào hỏi, lúc trò chuyện lại không tiếp lời thị. Nương tử phủ quân chỉ chăm chăm cười đùa với đám nương tử Hồng tú tài, lại không nói gì với thị, thị bèn ấm ức. Về đến nhà, mặt mày vẫn còn sưng xỉa.
Ai dè đâu bên kia Thân thị chỉ để một mình Tú Anh lại trò chuyện, mặt mũi cũng lạnh lùng: “Gia giáo nhà họ Thịnh, không tốt đúng chăng?” Tú Anh kinh ngạc: “Sao nương tử nhìn ra được?” Thân thị lắc đầu đáp: “Trông con gái thị, con gái con đứa mà láo liên như ăn trộm, ánh mắt bất chính. Cứ mãi chăm chăm vào những thứ rực rỡ này, có thể thấy đã không được dạy dỗ tốt.”
Tú Anh bảo: “Trẻ con không biết gì, thấy thứ mới lạ thì nhìn thêm đôi lần thôi mà.”
Thân thị cười nói: “Em đừng lấy lệ với ta, ánh mắt ấy à, ngắm thứ mới lạ khác, hờn nỗi không thể giữ rịt vào lòng lại khác. Trẻ con đúng là không biết gì, nhưng chưa từng gặp kiểu vừa nhìn thấy đồ tốt đã muốn chiếm như nó. Em xem nó nói những gì? Cha mẹ mãn tang là tốt rồi. Tốt cái gì? Không cần thủ hiếu nữa, có thể đi chơi rồi. Ông nội mất, không đau lòng, lại sợ ông cụ ch.ết sẽ ngăn việc ăn chơi của mình.”
Tú Anh đáp: “Kể ra thì cha của Thịnh tiểu tú tài này…” Bèn thuật lại những lời thường ngày Hồng Khiêm bảo không thích cha Thịnh.
Thân thị thở dài: “Em nhận ra rồi nhỉ, ta vốn vừa ý Thịnh tiểu tú tài, hôm nay gặp họ, cũng đành phải thôi.” Lại nghĩ đến chuyện của Cửu Ca và Ngọc Tỷ, nhưng Ngũ Ca vẫn chưa đính hôn, tuy Thân thị bảo Lệ Ngọc Đường rằng trong đám con trai, gặp được ai thích hợp thì đính hôn luôn, nhưng đúng là không tiện để mấy thằng lớn cô đơn lẻ bóng, lại quyết chuyện của thằng nhỏ trước. Xét đến con gái nhà Tềđồng tri* cũng chẳng đến nỗi nào, có thể gả cho Ngũ Ca. Xong vụ Ngũ Ca thì quyết chuyện Ngọc Tỷ.
[*Phó quan của tri phủ.]
Tú Anh lại nói thêm đôi lời với Thân thị rồi ra về. Nàng lại không biết được rằng, Thân thị nghe nàng bảo nhà họ Thịnh không tốt, cũng đã thầm thở phào nhẹ nhõm. Mà chẳng biết tại sao Thân thị có một cái tật, không thích làm thân với những người có mụn ruồi dưới cằm, không phải loại mụn ruồi nào cũng ghét, nhưng Phan thị kia lại có một nốt ruồi mĩ nhơn dưới cằm, kích cỡ, màu sắc, vị trí đều thuộc phạm trù nàng ghét nhất, Thân thị nhìn mà nhịn tới hết nước hết cái, còn phải cố nhẫn tới lúc tiễn thị về nhà. Giờ thì hay rồi, khỏi phải nghĩ, có một bà sui như thế cả người đều cảm thấy không thoải mái.
•••••
Lúc Tú Anh về đến thì Hồng Khiêm đã dắt Ngọc Tỷ về từ lâu, trả ngựa trả tiền thay quần áo, đang ngồi uống nước mơ chua. Về đến bèn lôi chuyện Thịnh Khải ra nói, than: “Cậu ta rốt vẫn có ơn với nhà mẹ đẻ ta, thế mà lại bị người nhà làm lụy, đáng tiếc thật.” Hồng Khiêm nhướng mày, liếc nhìn vợ con nhưng vẫn ngồi chỉnh tề, nghiêm túc bưng bát uống nước mơ, thoạt như trong bát không phải nước giải khát mà là thuốc cứu mạng.
Bên này Ngọc Tỷ uống xong bèn đến chỗ Tô tiên sinh, lấy một bọc giấy dầu trong tay áo ra: “Đây là món chân gà ngon nhất của tiệm Tần Ký ở phố Tây, nước sốt đậm đà, mang về cho thầy nhắm rượu.” Dứt lời liền đưa cho Minh Trí. Thầy Tô lớn tuổi, hơi háu ăn, nhưng lại giữ nếp dưỡng sinh, không muốn ăn bậy uống bạ, thế cho nên những món thích ăn đều sẽ dùng vào giờ cơm.
Thầy Tô ɭϊếʍƈ môi dưới râu, hắng giọng ho khan, ôn tồn hỏi Ngọc Tỷ: “Vui vẻ thoải mái rồi chứ?” Thầy biết dạo gần đây Ngọc Tỷ buồn phiền, ấy mới không cấm hai cha con ra ngoài chơi. Ngọc Tỷ cười: “Đỡ hơn nhiều ạ. Thầy ới, cha bảo vẫn muốn dắt con đi giải khuây, làm như vậy có trễ nãi bài vở không ạ? Kỳ thi năm sau… có thể đỗ không?” Nói đoạn lén thò tay, ngón cái và ngón trỏ mỗi bàn níu lấy tay áo Tô tiên sinh, lắc khẽ.
Tô tiên sinh nhìn cô học trò xinh xắn đáng yêu này, chợt thấy buồn cười, cố ý xụ mặt đáp: “Trò ấy cố gắng thì sẽ đỗ, còn mà ẩu tả thì đậu bằng trời.” Ngọc Tỷ rầu rĩ dạ vâng. Tô tiên sinh nhìn đã bộ dạng ỉu xìu của nàng rồi, mới bảo: “Cái đạo văn võ, là vừa chăn vừa thả, thỉnh thoảng ra ngoài chơi cũng không sao, nhưng không được quá nhiều. Còn phải tự vấn lòng mình, đầu óc lo ra thì dù có ngồi nghiêm đọc sách cũng vô dụng. Còn nếu có lòng, một tháng ra ngoài chơi vài lần, chỉ cần lúc về chăm chỉ học hành thì không sao.”
Ngọc Tỷ ngẩng phắt đầu lên, tặng một gương mặt tươi cười cho thầy Tô, rạng rỡ nhường kia khiến thầy giật thót, cười mắng: “Trò lại láu cá rồi.”
Được sự đồng ý của Tô tiên sinh, Ngọc Tỷ càng thêm vui vẻ. Hồng Khiêm bàn với Tú Anh, may thêm quần áo nam cho Ngọc Tỷ. Mấy ngày sau, nhân lúc nhìn sợi gân cổ nhỏ xinh của Tô bán tiên là Hồng Khiêm lại cảm thấy ngứa tay lần nữa, bèn dắt con gái ra ngoại thành. Lần này xách theo cả cung tên. Thời bấy giờ cấm võ, nhưng không cấm tất cả các loại vũ khí. Ví như cung nỏ, chỉ cấm nỏ, còn cung thì chỉ cấm những chiếc nặng trên ba thạch, gọi là cấm “cung mạnh nỏ khỏe”. Thực ra thì những chiếc cung ba thạch ấy, phải có sức chừng trăm cân mới có thể kéo nổi, cấm hay không thì với người thường cũng chẳng khác biệt gì mấy. Thứ mà họ đề phòng, chính là tầm bắn của cung ba thạch rất xa, sợ ám sát.
Hai cha con đương nhiên không sử dụng loại cung mạnh như thế, xách theo cung thạch rưỡi, Ngọc Tỷ giương không hết mức nổi. Trên đường cũng chỉ bắn hạ được vài con chim tước, to nhất cũng chỉ đến gà rừng. Về vừa khéo hầm một nồi canh, mang sang hiếu kính cụ Lâm.
Từ bấy lên cơn nghiện, đến lúc trời sắp vào thu, cỏ úa vàng, nàng ngắm ngày càng chuẩn. Săn vài con thỏ mập mạp, đem về vo viên, khá hợp khẩu vị của Tô tiên sinh.Cắn người miệng mềm, thầy Tô lại không thèm để ý đạo lý ấy, thầy chỉ quan tâm “Ăn lộc vua thì lo hộ vua” thôi. Ngọc Tỷ bắt đầu rèn chữ lớn, viết lên tường vôi, viết lớp nào quét lớp ấy. Viết không đẹp, thầy Tô sẽ rầy, bảo nàng phân tâm.
Hồng Khiêm thấy con gái cùng chịu nạn, sự bức bối trong lòng giảm ngay ba phần, bật cười vô lương tâm. Chẳng mấy chốc lại đưa Ngọc Tỷ đi săn, bảo: “Đến mùa đông thì không tiện ra ngoài nữa, thừa dịp này chơi cho đã.”
•••••
Vì cứ cách vài ngày là Ngọc Tỷ và Hồng Khiêm lại ra ngoài chơi, Tú Anh ở nhà rỗi rãi, bèn năng đến tán gẫu với Thân thị, từ lúc hai người làm ăn với khách thương người Hồ thì thu nhập khá hơn, gia sản cũng nhiều lên, hai năm nay đã kiếm được vài ngàn lượng, Tú Anh lại mở tiệm bán kim chỉ và phường thêu, dành dụm được không ít. Dần dà cũng đánh hơi ra được một vài điều, hình như Thân thị có ý với Ngọc Tỷ, nhưng Tú Anh vẫn không dám nghĩ chuyện tốt như thế sẽ xảy ra, lúc Thân thị hỏi thăm Ngọc Tỷ, Tú Anh trả lời thận trọng hơn nhiều.
Nghe Thân thị hỏi đến Ngọc Tỷ, Tú Anh không tiện lấp ɭϊếʍƈ, bèn bảo Ngọc Tỷ ra đến ngoại ô chơi rồi, lại thêm: “Nhà em bảo, con bé này ngày càng lớn, rốt lại vẫn sẽ trở thành con dâu người khác, đương nhiên không như ở nhà. Nhân lúc con bé còn ở nhà thì cho nó thoải mái một chút, gả vào nhà người ta cũng đàng hoàng hơn, sống thật hạnh phúc. Bèn bảo nó thay quần áo để tránh ánh mắt người đời, ra ngoài giải khuây. Chẳng bao lâu sau sẽ phải nhốt ở nhà rồi.”
Thân thị nghe thế thì cũng dễ chịu, hỏi ngược: “Phẩm giá của Ngọc Tỷ nhà em là thế, còn bảo đàng hoàng với chả không gì? Lanh lợi hoạt bát một chút mới tốt, sống cùng người, họ cũng sẽ vui vẻ theo. Nếu cứ bó buộc, thì còn gì là thú vị nữa?” Khiến Tú Anh chẳng hiểu mô tê gì.
Thân thị quả là đang nghĩ tới cậu con trai Cửu Ca quý hóa của mình, người ngợm gì mà nghiêm túc quá thể, đúng là nên lấy một người vợ như Ngọc Tỷ. Càng nghĩ càng thấy hài lòng, lại xét tháng sau đã là ngày đính hôn của Ngũ Ca, lo xong vụ đó thì sẽ bàn chuyện Cửu Ca ngay! Ngọc Tỷ đã lớn dần, cha mẹ hẳn cũng đã muốn con bé có nơi có chốn, nếu không đề thân nữa chỉ sợ không kịp.
Nào ngờ Cửu Ca cục cưng của nàng, lại bị sét đánh.
Cửu Ca nghiêm trang đứng đắn, văn thông võ thạo, chỉ tội nước mặt quá bí xị, Thân thị cũng cảm thấy y như một ông cụ non, bèn bảo tôi tớ thỉnh thoảng đưa ra ngoài giải khuây, “hấp thụ hơi người”. Hôm nay tan học, thúc ngựa ra ngoại ô đi săn, Lệ Ngọc Đường không đi theo, chỉ có anh em bọn họ.
Cuối thu trời mát, không cần đi sớm về trễ nữa, mấy anh em rời thành, tản ra săn thú. Thế là Cửu Ca chạm mặt cha con Hồng Khiêm.
Khi ấy Cửu Ca đang đuổi theo một con thỏ béo, khéo thay Ngọc Tỷ cũng nhắm trúng nó, hai người phóng nghiêng về phía này, Cửu Ca cưỡi ngựa ô, con ngựa này là quà của ông nội Ngô vương, khá tốt. Ngọc Tỷ không đuổi kịp bèn giương cung, bắn con thỏ đấy trước. Lúc Cửu Ca đuổi tới, thỏ béo đã có chủ rồi.
Cửu Ca thầm buồn bực, bụng bảo dạ sao người này chả biết điều gì hết, người ta đuổi theo bằng sức mình, cậu lại ăn gian giương cung trước! Mặt lạnh trông sang Ngọc Tỷ. Khéo lại là một thiếu niên tuấn tú. Ngọc Tỷ mặc áo xanh, chéo áo tung bay cùng gió thu, búi chặt tóc, cài trâm ngọc. Quần áo hơi bó sát, càng lộ vẻ mảnh mai. Bấy giờ đã độ cuối thu, khắp nơi cỏ úa, trên cây cũng chỉ có lá vàng, giữa khung cảnh lá vàng phủ tầng không, cỏ úa đầy mặt đất như này, “cậu” nổi bật hẳn lên. Nhìn “cậu” bèn cảm thấy sắc xuân chưa tận, tất cả đều gói gọn trong lần áo xanh biếc ấy, tựa như có thể đâm chồi nảy lộc.
Cửu Ca không giành thỏ nữa, chỉ ngẩn ngơ nhìn Ngọc Tỷ. Ngọc Tỷ lại không quen Cửu Ca, thấy y đứng ngây ra, cũng cảm thấy mình sai sai, chắp tay cất giọng: “Ta có tật sốt ruột, thực sự xin lỗi, là ta không đúng.”
Giọng nhẹ nhàng trong trẻo, quả rất dễ nghe. Cửu Ca lại đờ ra. Ngọc Tỷ thấy chàng thiếu niên này mặt mày lạnh toát, trơ ra như khúc gỗ, lại không nói năng chi, nhủ thầm, người này thật là. Đơm lời: “Ta đã nhận sai, sao cậu lại không đáp một tiếng thế? Dẫu ta có hơi ác, nhưng cậu cũng quá không nể mặt rồi.” Lại lén nhìn Cửu Ca, thấy mặt mày y đoan chính, đôi mắt đen tuyền trong veo, ngồi trên ngựa hiên ngang sừng sững, mồm thì oán trách, nhưng tay chân đã hơi luống cuống.
Cửu Ca chỉ cảm thấy tai mình như rót đầy giọng nói ấy, cơ thể bồng bềnh tựa trên mây, chẳng nghe rõ câu nào. Cửu Ca không đáp lời, Ngọc Tỷ khá là khó xử, nàng biết mình đang giả trai, không thể cứng chọi cứng, nàng hành xử như thế quả thực hơi ẩu tả, nhưng không biết nên thối lui thế nào. May mà Hồng Khiêm đến tìm con gái, ấy mới phá vỡ cục diện tĩnh lặng này.
Cửu Ca và Hồng Khiêm biết nhau, Ngọc Tỷ vừa thấy Hồng Khiêm, đã nói ngay: “Cha, con sai rồi.” Cửu Ca nhác thấy Hồng Khiêm thì đáy lòng đã run lên. Lại là con trai của ông ấy! Thế này thì biết phải làm sao?
May nhờ Cửu Ca có gương mặt không rõ biểu cảm trời sinh, không hớ quá nhiều trước mặt Hồng Khiêm. Hồng Khiêm thấy con gái nhận sai, bảo mình làm liều bắn tên trước, rồi lại nhìn sang nét mặt của Cửu Ca, không thấy có gì bất ổn cả. Lên tiếng xin lỗi Cửu Ca, lần này y đã nghe thấy. Cũng đáp: “Chẳng qua cũng chỉ là du ngoạn, lại không phải thỏ nhà ta nuôi, tiểu lang quân muốn thì cứ cầm. Ta, ta đi tìm các anh, đến chỗ khác đây.” Dứt lời, chạy trối ch.ết.
Lòng chỉ còn một ý nghĩ: Hóa ra mười mấy năm nay, mình sống mà không biết bản thân là đoạn tụ!!!
--------------------
Tác giả có lời muốn nói: Cửu Ca: Hóa ra mười mấy năm nay, mình sống mà không biết bản thân là đoạn tụ!!! T,T (khóc than chạy mất)