Chương 101: Bản lĩnh của phương trượng
Đả tự: Vạn Kiếm Chi Vương | bachngocsach.com
Thấy đạo sĩ này thần kỳ như vậy, lại có người khác tiến tới coi. Quả thật lão đạo sĩ cũng chỉ coi cho mỗi người một quẻ, đại đa số chính xác linh nghiệm, thậm chí ứng nghiệm ngay tại chỗ.
Tỷ như lão coi cho một người hôm nay có tai ương đổ máu, kết quả người kia đi mới vài bước liền ngã lộn đầu, rách da cánh tay chảy máu.
Chuyện như vậy càng ngày càng nhiều, mọi người truyền tai nhau chuyện về vị đạo sĩ thần kỳ này, rất nhanh tin tức đã truyền lên núi Thiếu Thất.
Khi Nhất Trần chạy tới báo cáo với Hoắc Nguyên Chân, Hoắc Nguyên Chân đang đi tới đi lui bên trong phòng, thấy Nhất Trần tới bèn nói:
- Đệ không cần phải nói, ta đã biết được chuyện dưới chân núi, vị đạo sĩ này là tới để thăm dò, chúng ta hãy xuống núi gặp lão một phen.
Nhất Trần nói:
- Phương trượng, sự để có một đề nghị.
- Đệ nói đi.
- Nếu như đối phương tới để phá chùa đập miếu, tự nhiên chúng ta có thể dùng võ lực phản kích, hiện tại lão bày bàn coi bói dưới chân núi, mặc dù nói là ở trước sơn môn, nhưng dù sao cũng là bên ngoài sơn môn, nghiêm khắc mà nói đã không thuộc về địa giới Thiếu Lâm ta.
- Nếu như chúng ta dùng sức mạnh đương nhiên cũng có thể đuổi lão đi, nhưng làm như vậy sẽ để lại cho người ta ấn tượng rằng chúng ta ỷ mạnh ngang ngược. Huống chi lão đạo sĩ coi bói bên ngoài sơn môn đã làm cho rất nhiều người tin phục, nếu như chúng ta tỏ ra cứng rắn, e rằng bất lợi cho danh tiếng Thiếu Lâm.
- Vậy chẳng hay để cho rằng nên làm thế nào?
- Sư đệ cũng không có biện pháp gì hay, nhưng theo đệ biết thông thường các đạo sĩ coi bói giang hồ đều là hạng người giỏi về xem mặt mà bắt hình dong, lại thông một ít lý số Chu Dịch, tự nhiên có thể coi trúng tới bảy tám thành. Nhưng rất nhiều chuyện cũng là căn cứ các loại kết luận mà suy đoán ra, không thể hoàn toàn chính xác được.
- Nếu như chúng ta có thể đánh bại lão về phương diện này, khiến cho người ta nhìn rõ chân tướng của lão, vậy không còn gì tốt bằng. Như vậy vừa có thể đuổi lão đi, vừa có thể lộ ra bản lãnh cao thâm của Thiếu Lâm ta.
- Vậy đệ có biết coi bói hay không?
- Lão nạp không biết.
Nhất Trần đáp một câu, lại nói:
- Mặc dù lão nạp không biết, nhưng lão nạp cho là phương trượng sư huynh nhất định biết.
Hoắc Nguyên Chân cảm thấy buồn cười, hỏi lại:
- Vì sao đệ cho rằng ta biết?
- Sư đệ không biết, bất quá ở trong mắt sư đệ, phương trượng sư huynh không có chuyện gì là không làm được.
- Nói bậy, tối thiểu ta cũng không thể sinh con.
Nhất Trần cũng bật cười:
- Nếu như phương trượng sư huynh chịu hoàn tục, nhất định thê thiếp thành đoàn, con cháu đầy nhà.
Sau khi nói đùa vài câu với Nhất Trần, Hoắc Nguyên Chân chợt nghiêm sắc mặt nói:
- Bần tăng cũng không biết coi bói, nhưng cũng biết chơi đùa với lão đạo này một phen. Chúng ta xuống núi kiến thức lão mũi trâu này một chút, để cho lão biết nếu không có bản lĩnh, đừng lên núi Thiếu Thất.
Lúc Hoắc Nguyên Chân cùng Nhất Trần đi tới chân núi, trước mặt gian hàng này đã xúm lại rất nhiều người.
Vốn là thấy phương trượng Nhất Giới tới, mọi người muốn hắn lên trước bèn rối rít nhường đường cho hắn, để cho phương trượng lên trước coi một quẻ. Nhưng Hoắc Nguyên Chân lại khoát tay ra hiệu không sao, bảo mọi người tiếp tục coi bói, còn hắn chỉ ở chỗ này quan sát.
Đạo sĩ kia cũng thấy Hoắc Nguyên Chân nhưng không nói chuyện với hắn, chỉ thấy lão khẽ nhếch môi cười, cũng không biết trong lòng đang nghĩ gì.
Lúc này một thiếu phụ đi tới, ngồi xuống ghế.
- Đạo trưởng, phu quân ta vào kinh đi thi, hôm nay hắn sẽ trở lại. Tối hôm qua dân phụ nằm mơ, mơ thấy mấy chuyện chắc là có liên quan với phu quân, xin đạo trưởng giúp một tay giải mộng.
- Nằm mơ thấy cái gì?
- Ta nằm mơ thấy phu quân trồng cải trắng trên đầu tường, lại nằm mơ thấy trời mưa, đầu phu quân đội đấu lạp lại còn che dù. Cuối cùng nằm mơ thấy sau khi phu quân trở về, hai chúng ta lưng tựa lưng mà ngồi, cũng không biết đã xảy ra chuyện gì?
Lão đạo suy nghĩ một chút, sau đó nói với nông phụ:
- Giấc mộng này không được tốt, cải trắng trên tường là chuyện vô ích trắng tay, trời mưa xuống đội đấu lạp còn phải che dù chính là chuyện vẽ vời thừa thãi. Về phần hai người lưng tựa lưng, vậy chỉ sợ là sẽ phải chia lìa.
Nông phụ vừa nghe cảm thấy lão đạo nói có lý, lập tức hết sức đau buồn, không khỏi than vãn khóc lớn:
- Trời ơi! Tên ch.ết băm ch.ết vằm này, đi thi không đậu còn muốn bỏ lão nương! Chờ y trở lại lão nương sẽ lột da y!
Đạo sĩ coi xong cho nông phụ, bèn nói:
- Giải mộng không thể không có tiền, ba mươi đồng.
Mặc dù nông phụ đang tức giận nhưng đã coi xong, cũng chỉ có thể ngoan ngoãn trả tiền.
Đang định trả tiền, Hoắc Nguyên Chân ở bên cạnh đột nhiên nói:
- Vị đại tẩu này, xin nghe bần tăng một lời.
- Phương trượng, có chuyện gì vậy?
Nông phụ nghi hoặc hỏi Hoắc Nguyên Chân.
Hoắc Nguyên Chân nói:
- Bần tăng cũng biết qua lý số Chu Dịch, hơi có nghiên cứu đối với phương diện mộng cảnh, không bằng bần tăng coi cho đại tẩu một phen có được chăng?
- Đa tạ phương trượng.
Nông phụ nghe thấy phương trượng Nhất Giới cũng có thể coi cho mình, cũng không vội đưa tiền cho đạo sĩ. Dù sao uy tín phương trượng Nhất Giới ở dân gian rất cao, mặc dù lão đạo này coi không ít chuyện linh nghiệm, nhưng uy vọng cũng không thể nào cao hơn phương trượng Nhất Giới được.
- Này này, hòa thượng, ngươi muốn làm loạn nơi này sao, người biết coi bói sao?
Lão đạo có vẻ không nhịn được, mặc dù chỗ của lão là trước sơn môn Thiếu Lâm tự, nhưng ra khỏi bên ngoài sơn môn, không thuộc về địa phương Thiếu Lâm tự, lão cũng không quan tâm hòa thượng Thiếu Lâm tới tìm phiền phức.
- Biết hay không, coi một lần khắc biết.
Hoắc Nguyên Chân không có lý tới lão đạo, mà là nói với nông phụ:
- Dựa theo những lời mới vừa rồi đại tẩu nói, bần tăng lại có kiến giải khác hẳn. Cải trắng trên tường cao hẳn có nghĩa là đỗ cao.
Nông phụ vừa nghe lập tức mừng rỡ:
- Phương trượng, ngài nói tướng công ta có thể đỗ cao được sao?
- Chuyện này rất nhanh sẽ có tin tức. Còn chuyện trời mưa đầu đội đấu lạp lại còn che dù, chứng tỏ tướng công của nàng có chuẩn bị đầy đủ, lần ứng thí này hắn không làm khó được y, đại tẩu cứ việc chờ tin tức tốt.
Nông phụ nghe vậy càng như mở cờ trong bụng, gật đầu lia lịa, lại hỏi Hoắc Nguyên Chân:
- Vậy điềm cuối cùng, ta nằm mơ thấy ta cùng tướng công lưng tựa lưng là có ý gì đây?
- Không biết thường ngày ở nhà đại tẩu, là địa vị của nàng cao hơn hay địa vị của tướng công nàng cao hơn?
Nông phụ có vẻ hơi xấu hổ đáp:
- Chuyện lớn ta nghe theo y, chuyện nhỏ y nghe ta.
- Ha ha…
Hoắc Nguyên Chân cười một tiếng:
- Nhưng phải chăng là trong nhà chưa từng phát sinh qua chuyện lớn?
Nông phụ gật đầu một cái, những người bên cạnh cũng phải bật cười.
- Điểm cuối cùng có vẻ không tốt lắm, lưng tựa lưng ngụ ý sắp trở mình, mà hiển nhiên bây giờ người muốn trở mình là tướng công của nàng. Đại tẩu, nàng cần phải có chuẩn bị tư tưởng, sợ rằng địa vị gia đình của nàng không bằng trước kia.
Hoắc Nguyên Chân nói xong, nông phụ mừng rỡ nói:
- Chỉ cần y đỗ, hết thảy đều nghe theo y.
Bên này lại còn chưa dứt, bên kia lão đạo cảm thấy không vui, nói với Hoắc Nguyên Chân:
- Này hòa thượng, ngươi nói nửa ngày, ai biết tướng công của nàng ta có thể thi đỗ hay không, vạn nhất không đỗ thì sao, người trả tiền coi của nàng cho ta có được chăng?
Hoắc Nguyên Chân nhìn lão nói:
- Đạo trưởng không cần nóng lòng, lão cứ việc coi tiếp ở chỗ này. Nếu như trong vòng một canh giờ còn chưa có tin tức của tướng công nàng ta, bần tăng sẽ trả số tiền kia.
- Được, hòa thượng, đây là người nói, đến lúc đó mất mặt xấu hổ chớ trách bần đạo.
Lão đạo tiếp tục hỏi:
- Có còn ai muốn coi bói nữa không?
Lúc này lại một nông dân trung niên đi tới, nói với đạo sĩ:
- Đạo trưởng, bây giờ là mùa Thu, lương thực ta phơi ở bên ngoài, chỉ sợ trời mưa. Ta muốn ngài coi giúp xem sắp tới có thể trời mưa hay không?
Lão đạo sĩ khoát tay áo một cái:
- Đây là lúc nào mà trời mưa chứ, không có mưa, yên tâm phơi đi!
Nông dân đang muốn nói cảm tạ rời đi, Hoắc Nguyên Chân đột nhiên lên tiếng:
- Vị thí chủ này, mau mau thu dọn lương thực của ngươi đi, trong vòng một canh giờ trời sẽ mưa.
Nông dân còn chưa nói gì, lão đạo sĩ đã cười như điên:
- Trời cao mây nhạt, mưa từ đâu tới? Hòa thượng này yêu ngôn hoặc chúng, nếu như một hồi không có mưa, bần đạo xem ngươi ăn nói thế nào?
Hoắc Nguyên Chân không để ý tới đạo sĩ kia, mà là ngó nông dân:
- Thí chủ đi nhanh đi, bây giờ còn kịp, nếu không ngươi sẽ phải bị tổn thất.
Nông dân do dự một hồi, quyết định vẫn nên nghe theo phương trượng, chạy vào nhà thật nhanh.
Một ít người trong nhà đang phơi lương thực cũng vội vàng chạy về.
Nhưng rất nhiều người đều ở lại nơi này chờ xem kết quả cuối cùng xem thử là phương trượng vẫn thần kỳ như thường lệ, hay là lão đạo sĩ từ bên ngoài tới này thần kỳ hơn.
Đạo sĩ lại hỏi mấy lần, đã không ai muốn coi gì nữa.
Lúc này Hoắc Nguyên Chân lại nói:
- Đạo trưởng, bần tăng cũng coi cho lão một quẻ có được chăng?
Lão đạo khinh thường nhìn Hoắc Nguyên Chân:
- Sợ rằng ngươi không có bản lãnh này.
- Có bản lãnh hay không, cứ nghe bần tăng nói một chút, Ấn Đường lão u ám dường như chuyến này không thuận, ánh mắt mơ hồ hiện ra vẻ đờ đẫn, chính là điềm báo trước sắp bị đánh, lời nói không mạch lạc là biểu tượng sắp sửa chịu nhục. Bần tăng xin khuyên đạo trưởng ngàn vạn chớ có báo ra danh hiệu môn phái, nếu không ngày sau tất thành trò cười cho người khác.
Lão đạo không khỏi bật cười to:
- Tiểu hòa thượng, ngươi không khỏi tự đại tới mức nực cười, bần đạo coi bói ở chỗ này đã được mọi người tán đồng, không phải người chỉ bôi bác mấy câu là có thể được việc.
Hoắc Nguyên Chân chợt nhìn ra sau lưng lão đạo:
- Đạo trưởng, bần tăng cũng khát, lão có thể cắt cho bần tăng một miếng dưa hấu giải khát được chăng?
- Đây là chuyện nhỏ.
Sau lưng lão đạo còn có ba quả dưa, là mua từ ruộng dưa gần đó mang tới, lấy ra một quả đặt lên bàn.
Đang muốn bổ ra, đột nhiên Hoắc Nguyên Chân khoát tay áo một cái:
- Quả dưa hấu này ta thấy không tốt, đổi một quả khác đi.
Lão đạo ngẩn người một chút, trên mặt dâng lên vẻ cảnh giác, nhưng vẫn lấy ra một quả dưa hấu khác.
Hoắc Nguyên Chân lại lắc đầu:
- Ta thấy quả dưa hấu cuối cùng không tệ, lấy quả ấy đi.
- Tiểu hòa thượng, ngươi không khỏi quá mức kén chọn, cho ngươi ăn dưa hấu đã là may phước…
Lão đạo cáu kỉnh quát, giọng điệu có vẻ hung tàn bạo ngược.
Đúng vào lúc này, đột nhiên bên ngoài có vài con khoái mã chạy tới, trên con khoái mã đầu tiên có một người kêu lên từ xa:
- Nương tử, nương tử có ở chỗ này không?
Theo tiếng kêu của y, nông phụ mới vừa coi bói ánh mắt sáng rực, vội vàng kêu lên:
- Ta ở chỗ này!
Người chung quanh rối rít quan sát, thì ra là trượng phu nữ nhân này vào kinh đi thi trở lại.
Nam tử cỡi ngựa chạy tới, tất cả mọi người lấy làm kinh hãi.
Tên thư sinh ngày thường này hôm nay lại thân mặc hồng bào, đầu đội mão quan, là một thân trang phục Trạng Nguyên.
Nam tử chạy tới trước mặt nông phụ, nhưng lại không có lập tức xuống ngựa, mà là lộ vẻ vui mừng nói:
- Nương tử, phu quân nàng đã vượt qua thi Đình, đương kim Thánh thượng bổ nhiệm ta là kim khoa Trạng Nguyên, sắp sửa đi Giang Nam nhậm chức, nàng mau theo ta lên đường đi!
Nông phụ hết sức vui mừng nhưng vẫn còn hơi bất mãn, nói với thư sinh:
- Chàng quả thật đáng ch.ết, vừa đỗ Trạng Nguyên đã ngồi trên ngựa nói với ta, mau xuống!
Thư sinh lạnh lùng hừ một tiếng:
- Tiểu Ngọc, chớ có không biết tốt xấu, muốn theo ta đi Giang Nam vậy phải nhanh lên một chút, bằng không ta cũng không chờ nàng nữa.
Nông phụ lập tức á khẩu nghẹn lời, ý thức được phu quân trước mắt đã không phải là phu quân ngày xưa nữa, vội vàng ngoan ngoãn đi theo.
Trước khi đi, nông phụ còn không quên chào Hoắc Nguyên Chân:
- Phương trượng, ngài thật là lợi hại, quả nhiên lần này phu quân dân phụ đã trở mình.
Mọi người rối rít chúc mừng Trạng Nguyên, đợi đến khi Trạng Nguyên đi rồi, ai nấy đều khâm phục nhìn Hoắc Nguyên Chân, nghĩ thầm phương trượng người ta quá xuất sắc, chuyện gì cũng coi trúng không sai một mảy may.
Lão đạo sĩ ở nơi nào ngẩn hồi lâu, đột nhiên giận dữ hét:
- Không đúng, chuyện này nhất định không đúng! Thiên hạ làm sao có chuyện trùng hợp như vậy, làm sao ngươi có thể tính ra người này có thể đỗ cao, hơn nữa sắp sửa trở lại quê nhà? Nhất định là người đã an bài chuyện này từ trước!
Lão nói như vậy cũng được một ít người tán đồng. Dù sao chuyện này có chút kỳ quặc, Hoắc Nguyên Chân lại có thể biết trước Trạng Nguyên đến, trừ phi hắn có được Thiên Lý Nhãn mới có thể nhìn thấy Trạng Nguyên khi đó vẫn còn ở ngoài hai mươi dặm.
- A Di Đà Phật, người xuất gia không nói lời hư dối, huống chi cho dù là bần tăng an bài, không phải là đạo trưởng cũng coi sai rồi sao?!
- Vậy thì chưa chắc, có lẽ Trạng Nguyên này cũng là giả.
Bên cạnh chợt có thôn dân nói:
- Không phải đầu, người này ta biết, quả thật vào kinh đi thi.
- Hừ, bần đạo không tin lời các ngươi, tất cả đều là hòa thượng này an bài, bần đạo coi bói chắc chắn sẽ không sai.
Đạo sĩ còn đang cãi lại, đột nhiên một giọt nước rơi xuống trên mặt lão.
- Người nào! Người nào dám nhổ nước bọt vào mặt bần đạo?
Lão đạo đang la lên, lại chợt ngây ngẩn cả người, giống như nhớ tới cái gì, chậm rãi ngẩng đầu nhìn trời.
Chẳng biết từ lúc nào, trên bầu trời mây đen giăng đầy, gió lạnh nổi lên, từng giọt nước từ trên trời rơi xuống, mặc dù không phải là rất lớn, nhưng quả thật chính là trời mưa.
Hạt mưa giọt giọt rơi xuống đập lên trên mặt đạo sĩ, nhẹ nhàng mềm mại, nhưng mặt lão lại có cảm giác như lửa đốt.
Đây là tại sao?
Chẳng lẽ con lừa trọc này có thể hô phong hoán vũ hay sao?
Vì sao hắn có thể biết được sắp mưa? Mới vừa rồi còn là trời quang mây tạnh, đám mây đen này tới rất nhanh, nhưng làm sao hắn biết được mây đen sẽ bay về ở phía này?
Vừa có thể biết Trạng Nguyên trở lại, vừa có thể biết đám mây sắp bay tới, chẳng lẽ hắn thật sự có Thiên Lý Nhãn?