Chương 1: Tựa
Năm 1949, bọn tôi tình cờ đọc được một mẩu tin ngăn ngắn in chữ nhỏ li ti đăng trên tờ Thiên nhiên cơ quan của Hàn lâm Viện Khoa học. Bản tin tiết lộ là trong công tác khảo cổ khai quật một vùng sông Kolyma người ta đã tìm ra một lớp băng nằm dưới mặt đất nguyên là một con suối, một nhánh sông đông lạnh mà trong đó còn nguyên vẹn một số sinh vật tiền sử, cỡ vài chục ngàn năm. Cá hay thằn lằn cũng còn tươi nguyên, tươi đến nỗi những người có mặt lúc bấy giờ hăm hở phá vỡ lớp băng, đào lên KHOAN KHOÁI đớp ngay tại chỗ.
Độc giả tập san Thiên nhiên có bao nhiêu xong chắc chắn họ phải kinh ngạc không ngờ cá đông lạnh có thể giữ tươi nguyên lâu đến vậy. Tuy nhiên mấy ai đã thấu hiểu ý nghĩa đích thực của mẩu tin sơ hở, vụng về nói trên?
Bọn tôi, trái lại hiểu ngay tức khắc. Bọn tôi còn tưởng tượng ra đầy đủ từng chi tiết nhỏ của công tác khai quật kia. Bọn tôi biết người ta đào lớp băng hăng hái cỡ nào, tranh nhau như thế nào… Khỏi khảo cổ, nghiên cứu cá cua gì hết, thấy cá tiền sử cũng đào lên, xé ngay ra cho lên bếp lửa nướng đớp liền.
Bọn tôi hiểu vì bọn tôi cũng thuộc một lớp người với đám người đào băng đó – cũng là dân ZEK với nhau mà! Những thằng ZEK [1] thì quá đông quá nhiều và có thể nói là thế gian này chỉ có chúng là những thằng người duy nhất dám đớp cả cá tiền sử một cách SUNG SƯỚNG.
Bọn tôi cũng không xa lạ gì Kolyma, một hòn đảo lớn nhất trong cái hệ thống gọi là QUẦN ĐẢO GULAG [2]. Xét về mặt địa lý thì GULAG là cả một nhóm đảo ở rải rác, khắp nơi nhưng xét về tâm lý thì đây lại là một đại lục gắn chặt một khối, một vùng đất vô hình bí hiểm, đất sống của những thằng ZEK.
Đại lục ngục tù đó nằm trong lãnh thổ Liên bang Xôviết, nằm rải rác như bày trên một bàn cờ khổng lồ, nằm xen kẽ, nằm chen vào giữa các đô tỉnh thị. Chỗ nào cũng có nó, vậy mà dân Nga tối đại đa số, mù tịt, rất nhiều người chỉ nghe nói mù mờ… chỉ những tháng từng ở bên trong mới biết rõ sự thực.
Bọn họ biết hết nhưng dĩ nhiên họ phải câm nín, không hé mồm về sự thực bên trong GULAG.
Vì một tình cờ trớ trêu của lịch sử, một phần sự thực được phép công bố – dù chỉ một phần nhỏ nhoi, có nghĩa. Những bàn tay mới đây còn nắm cứng tay chúng tôi để viết còng cho chặt thêm… chính những bàn tay ấy giờ đây chia ra hoà giải: “Thôi dĩ vãng đã qua để nó qua luôn… gợi nhớ làm chi? Cứ nhìn về quá khứ hoài dám mất một mắt!”. Đồng ý. Tuy nhiên tục ngữ đất nước chúng tôi lại có câu: “Có quá khứ mà quên đi là mù cả hai mắt”.
Mấy chục năm đã qua rồi, bao nhiêu ung nhọt ghẻ lở đang lành lặn dần. Cùng thế gian đó trong quần đảo GULAG mấy hòn đảo đã sụp đổ tan tành, bị tràn ngập dưới lớp sóng lãng quên của biển Bắc cực. Biết đâu chừng một ngày nào đó thế hệ sau chúng tôi chẳng khai quật được một hòn, tìm ra được vết tích GULAG cùng với mớ xương tàn của một thằng ZEK còn nằm nguyên vẹn trong lớp băng như một con thằn làn tiền sử nói trên?
Tôi đâu dám liều lĩnh viết lại lịch sử quần đảo GULAG, xét vì có được ghé mắt đọc một tài liệu nào đó về nó đâu. Sợ rằng sau này cũng chẳng ai có cơ hội đọc được vì những người không muốn gợi nhớ lại, muốn quên phứt nó đi cho rồi đã có thừa quá nhiều thời giờ – họ sẽ còn nhiều thời giờ nữa – để thủ tiêu bằng hết tài liệu!
Bản thân tôi thì qua 11 năm ròng rã trong QUẦN ĐẢO GULAG tôi cảm thấy tuyệt nhiên không nhục nhã oán hờn mà trái lại còn có phần thương mến cái thế giới bao la vĩ đại đó, mà sau một loạt những biến chuyển tốt đẹp tôi còn được đón nhận khá nhiều tin tức, tài liệu, thư từ mới về nó. Nhờ đó may ra tôi có thể kể lại phần nào chứng tích thịt xương của chính con thằn lằn may mắn thay còn sống sót.