Chương 4
Edit: Thịnh Ái Tư Tư
Tôi trợn mắt:
-Làm bằng cách nào?
Mai tươi tắn:
-Tớ sẽ chờ Thầy đi từ phòng giáo viên ra. Tớ sẽ khóc thút thít. Không một chàng trai nào không dừng lại hỏi khi thấy một cô bé xinh xắn khóc thút thít. Tớ sẽ bảo em vừa bị giật điện thoại không gọi được về cho mẹ. Thầy chắc chắn sẽ cho mượn máy. Tớ sẽ gọi cho cậu. Thế là có số. Xong!
Tôi bàng hoàng nhìn cô bạn ngốc. Đơn giản thế sao tôi nghĩ không ra? Nhục. Hơn con cá nục.
Tôi giục, giọng van lơn:
-Bao giờ cậu làm?
Mai cong cớn:
-Ngày mai. Sau khi Mai được Ly mời ăn gỏi cuốn.
Trời ơi, trời ơi. Vậy mà đòi là bạn gái thân! Vậy mà là học sinh giỏi của lớp “11A”, bán mình lấy vài thanh gỏi cuốn, bên trong toàn rau sống và củ sắn chứ bổ béo gì.
Nhưng tôi vẫn phải khao nó. Tình yêu đòi hỏi sự hy sinh!
Âm mưu thành công mỹ mãn. Còn thành công hơn “Âm mưu giày gót nhọn” tới cả chục lần.
7 giờ 30 phút sáng, Mai bé bỏng, Mai ngây thơ, Mai khờ khạo giả vờ khóc thút thít trước cửa phòng giáo viên, chờ Thầy dạy Sử đẹp trai khủng khiếp đi qua.
7 giờ 36 phút, máy điện thoại của tôi reo vang. Mai gọi:
-Bà Nội ơi. Chiều nay con về.
A, nó dám kêu mình là bà nội. Ám chỉ mình già. Nhưng không sao. Chịu đựng. Tôi giả giọng khàn khàn:
-Con lấy điện thoại của ai số lạ vậy?
-Dạ, điện thoại thầy giáo Lịch sử cho mượn.
Tôi cười khà khà:
-Ờ. Nói Thầy, Nội gửi lời cám ơn nghe con.
Rồi tôi cúp máy. Lưu ngay cái số điện thoại vàng đó vào, dưới dòng chữ: LSL. Tại sao lại là ba chữ đấy, tôi cần giải thích một chút cho những cái đầu thiếu trí tưởng tượng hiểu.
Mọi nữ sinh đều phải có thần tượng. Một ngày có thể không ăn bánh mỳ, không gội đầu chứ không suy nghĩ về thần tượng là ngày ấy vô nghĩa. Đã xuất hiện câu tục ngữ “Cho ta biết thần tượng của Mi là ai, ta sẽ hiểu Mi là người như thế nào?”.
Nhưng Ly Cún khác với phần lớn mấy đứa ngốc khác ở chỗ nó không dại gì thần tượng một người. Vì lấy đâu ra một người vĩ đại, ôm cả nhân gian. LSL là tên viết tắt của La Chí Cường, Sơn Tùng và Leonardo DiCaprio. Ta sẽ không giải thích tại sao thần tượng là những người đẹp trai này vì thần tượng không cần giải thích, thần tượng không phải hình học để một cô nữ sinh hiện đại phải đứng trên bảng chứng minh cho cả lớp những mệnh đề kiểu “hai thần tượng song song không thể cắt nhau” hoặc “một thần tượng và một đường thẳng sẽ tạo thành một mặt phẳng”. Tuy nhiên, một nữ teen sành điệu phải có thần tượng cả quốc nội lẫn quốc tế. Đấy là lý do giải thích tại sao Leonardo DiCaprio được chọn, mặc dù tuổi chàng đã khá cao.
Có số điện thoại của Thầy rồi, Ly Cún phải làm gì?
Có nhiều phương pháp để nhắn tin làm quen với một chàng trai. Nếu bạn tân kỳ, bạn có thể dùng những tin như sau:
-Hê lô. Có sợ ch.ết không? Nếu không sợ cùng đi ăn kem với tớ.
-Trai đẹp đấy à? Có dám gặp gái đẹp hơn mình không?
-Cà phê Ngựa Hoang. 5 giờ chiều. Không tới đừng có tiếc!
-Bạn gái mới. Muốn làm quen. Muốn trao đổi về bài vở. Về cuộc sống. Về tình yêu. Hứa không hãm hại.
Nếu bạn sến, bạn có thể dùng các tin sau:
-Trà sữa không? Kẹo dẻo không? Gấu bông không? Nhí nhảnh không?
-Sài Gòn mưa. Buồn quá. Cô đơn quá. Sao mình không nói chuyện nhỉ, bạn trai. Ký tên: Bạn gái nơ hồng.
Hoặc ghê hơn nữa:
-Chú lùn ơi, Bạch Tuyết đây. Chú lùn cứu em với, có mụ phù thủy dụ em ăn quả Táo nè. Chú lùn có ăn chung không?
Đấy, đại loại bọn gái sến và bọn gái làm ra vẻ văn minh sẽ soạn những tin như thế, hoặc nhiều tin còn khiếp vía hơn. Nhưng Ly Cún không sến, tất nhiên, và hiện đại đến mức vượt qua tất cả sự hiện đại thông thường. Nên Ly Cún đã soạn một tin như thế này gửi vào máy Thầy: “Nữ sinh trẻ trung. Thông minh. Táo bạo. Cao ráo. Tự lập. Chưa khi nào buồn. Muốn hẹn Thầy ra bể bơi Rùa Tím lúc 8 giờ sáng thứ bảy. Im lặng là đồng ý. Tới nơi nhá máy. Rất vui”.
Đọc xong cái văn bản hoành tráng này, Mai xanh cả mặt:
-Không được. Không được. Con gái lần đầu tiên không thể hẹn con trai ở bể bơi được.
Ôi, Mai ơi. Mai Tồ bé bỏng, tội nghiệp, ngây thơ ơi. Mai còn trẻ mà đã già rồi. Tại sao con gái cứ phải hẹn con trai ở quán trà chanh, ở kem dâu tây, ở tiệm sinh tố hoặc nhà sách Tuổi Ngọc thì mới ngoan? Đó là tư duy theo kiểu cứng đờ. Cún đây là một thiếu nữ phi thường. Cún sẽ hẹn ở bể bơi, ở phòng tập tạ, ở sở thú bên cạnh chuồng sư tử hoặc ở cửa trại giam. Thì đã sao nào? Xem phim Titanic đi. Người ta yêu nhau đến ch.ết vì hẹn nhau ở con tàu đang chìm kia kìa.
Tôi ngạo nghễ nói:
-Như thế mới ấn tượng. Thầy mới đến.
Mai khóc:
-Cậu định mặc bikini để ra mắt Thầy đấy à?
Tôi lấp lửng:
-Có thể!
Dừng lại
Các bạn thân mến của tôi, chắc các bạn đều hiểu bikini đối với con gái phức tạp như thế nào.
Không ai buồn nói tới quần đùi của bọn con trai. Dù chúng may bằng lụa, bằng sa tanh hay dệt bằng bao tải. Thậm chí, nếu con trai có mặc quần đùi dây, hoặc thêu trên ấy chim công, chim phượng, chim họa mi, chim chích chòe thì cũng chả có báo nào đăng hay bàn tán.
Nhưng con gái thì khác. Con gái có thể mặc một nghìn thứ chả ai để ý, nhưng hễ mặc bikini là thiên hạ nháo lên. Thiên hạ toát mồ hôi hoặc xanh tái mặt mày.
Bikini là gì? Là hai mảnh vải bé, bé đến mức nếu dùng để lau nhà thì không khi nào sạch. Trên bikini không có in văn học, lịch sử hay địa lý gì cả. Rõ ràng nó không chứa đựng kiến thức. Vậy tại sao phải quan tâm nhiều như thế? Phải lo lắng và lên án nhiều như thế? Thiếu gì những đứa con gái hư cả đời chưa hề mặc bikini và thiếu gì gái ngoan mặc bikini mà vẫn sáng như trăng rằm như Ly Cún này chẳng hạn.
Thật tệ hại khi đổ lên đầu bikini những tội lỗi mà nó không có, và cũng quá bất công khi giao cho bikini nhiều trách nhiệm nặng nề, kiểu như làm thế nào vừa mặc bikini vừa là con gái e lệ. Tôi, Ly Cún, xin tuyên bố với cả thế giới là tôi không đa tài đến mức đó. Tôi hứa lúc mặc áo dài tôi e ấp còn lúc mặc bikini tôi hấp dẫn. Tôi không thể nào pha trộn cả hai. Mai và những kẻ như Mai căm thù bikini đơn giản vì một cái bánh mỳ không thể mặc bikini. Mai quá mập tròn. Theo như tôi đánh giá, để may một bộ bikini cho nó, phải tốn ít nhất mười mét vải, hoặc hai chục mét dây.
Do vậy, xin bà con tỉnh táo. Đâu là kẻ ghét bikini do muốn bảo vệ nữ sinh, đâu là bọn ghét do không mặc được hoặc mặc quá kinh. Bọn thứ hai luôn luôn đông đảo. Mai của tôi cũng thuộc loại này. Còn các bạn thuộc loại này hãy nghiêm khắc kiểm điểm nhé.
Tiếp tục
Tôi điệu đà bấm số bàn phím. Cái tin nhắn đầy đủ trí tuệ bay vụt đi như chim én mùa xuân, tìm đến máy điện thoại của Thầy giáo đẹp trai rồi nhẹ nhàng đậu lại như bông tuyết tháng Tư. (Ly Cún chưa nhìn thấy tuyết bao giờ, nhưng tưởng tượng ra cảnh đó vì hay xem clip ca nhạc của nhiều ca sĩ teen, chả hiểu sao lúc nào cũng có tuyết khi Sài Gòn đang nắng như thiêu).
Rồi tôi khoái trá bảo Mai:
-Cậu cá không? Thầy sẽ đến.
Ngày thứ bảy hồng.
Đối với học sinh, thứ bảy và chủ nhật là ngày hồng vì không phải đi học, nhưng thứ bảy hôm đó đối với Ly Cún là hồng cánh sen.
Tôi ra bể bơi cùng Mai. Theo kế hoạch, tôi sẽ ngồi ở một bàn, còn Mai ngồi phía xa, quan sát để tổng kết và đánh giá. Nếu có ai đứng đắn đọc truyện này thì đừng lo. Tôi không hề mặc bikini ra đó. Đơn giản vì tôi muốn làm ngược lại. Thiên hạ hẹn nhau ở cà phê máy lạnh, mình hẹn ở chỗ tắm. Thiên hạ mặc áo tắm, mình mặc đầm dạ hội.
Gọi là đầm dạ hội, cho bà con khiếp sợ, chứ đấy chỉ là một chiếc váy bằng vải nhẹ, dài, mềm mại. Tôi cũng không kẹp tóc mà thả cho nó tự nhiên. Vì sao? Vì đã xem một bộ phim Hàn Quốc trong đó có cảnh cô gái ngồi nói chuyện với chàng trai bên bờ sông, gió thổi mạnh khiến chiếc váy cô mặc bay và mái tóc cô cũng bay. Tuyệt đẹp. Cớ gì không bắt chước? Nhất là khi trong phim, chàng trai yêu cô gái đến ch.ết.
A, nếu bạn trai nào đọc tới đây xin đừng lo sợ quá. Tôi không hề bắt bạn phải yêu đến ch.ết vì chính tôi cũng không hứa như thế. Hãy cứ yêu cho tới hết yêu. ch.ết không phải là mục đích của tình yêu. Ly Cún trân trọng tuyên bố.
Bể bơi Rùa Tím vô cùng náo nhiệt. Tiếng trai gái hò reo vang cả góc trời. Tôi chọn một chiếc bàn xinh xắn có cây dù sặc sỡ xinh xắn, tôi gọi một ly kem có cây dù bé xíu cắm ở trên. (Nghe chúng nó thì thầm là loại dù cắm kem này tô bằng phẩm màu độc hại, toàn do Trung Quốc sản xuất. Mặc kệ).