Chương 11

Edit: Thịnh Ái Tư Tư
Thầy cầm cuốn sách giáo khoa giơ cao:
-Các em, đây là sách Sử lớp 11. Dày 156 trang. Nặng chừng 236 gờ gam và giá là chín ngàn bốn trăm đồng. Các em biết điều đó chứ?


Tất cả sững sờ. Không, Ly Cún không biết, Mai Tồ không biết, Việt Béo không biết, Sơn Bóng không biết, Tuyết Sướt mướt cũng không biết. Tiền sách toàn do bố mẹ mua. Số trang cũng chả khi nào buồn nhìn, và toàn thân mình chưa biết nặng bao nhiêu gờ gam, nói chi tới thân sách vở. Nhưng chúng tôi biết rõ một cái bánh mì do bà Ba bán ở bên kia đường giá bao nhiêu tiền, cũng biết chắc chắn dĩa đu đủ xanh có tương ớt rắc thịt bò khô ngoài hàng rào bao nhiêu tiền. Thế mới vui.


Thầy tiếp:
-Nhưng các em đừng lo. Hôm nay Thầy sẽ không nhìn tới sách.
Thầy giáo vừa nói vừa nhét cuốn sách vào ngăn bàn.
Cả lớp ngó nhau. Có chuyện gì đây.


Từ bé tới giờ. Ly Cún và các bạn chưa thấy một giáo viên Sử nào vào lớp không mở sách. Chưa kể có nhiều thầy, cô còn nói giống hệt trong sách, đến mức lắm học sinh không muốn chép bài. Thế mà hôm nay? Thế mà phút này?


Thầy giáo thong thả đi xuống lối giữa hai dãy bàn, nói những lời khiến chúng tôi kinh ngạc:
-Thưa các nam sinh thông minh. Thưa các nữ sinh xinh đẹp. Lịch sử không chỉ nằm trong sách giáo khoa. Lịch sử là một thứ có ở khắp nơi, trong nhà các em, trong túi các em, ngoài đường phố, trong các cửa hoàng, trên mỗi ngọn cây.


Mai Tồ rụt rè đứng lên:
-Thưa Thầy, thế trong quà rong có không ạ?
-Có chứ - Thầy khẳng định, chắc nịch, không chút bối rối.
Toàn thể con gái lớp 11A ô lên, khoan khoái đến từng sợi tóc.


available on google playdownload on app store


Quà rong có Lịch sử? Nghĩa là kem, xí muội, me dầm, khế chua, trứng cút, xôi đậu xanh có Lịch sử. Vậy là ăn quà rong sẽ được điểm 10. Một phát minh chấn động!


Việt lại đứng lên. Nó là đứa có lý luận nhất trong đám con trai. Bọn trai gọi nó là Giáo sư, cũng như bọn con gái cũng có lúc gọi tôi là Ma Ma tổng quản.
-Thưa Thầy, làm sao khi ăn quà vặt, ví dụ như ăn kem, ta có thể biết lúc nào phát xít Đức tấn công Ba Lan?


Trời ơi, rõ ràng là một câu hỏi chí lý, chắc Thầy hết cách trả lời. Đừng nói xơi kem, xơi bất cứ cái gì cũng không thể biết ngày Ba Lan bị Đức xâm chiếm được!
Nhưng thầy giáo đẹp trai tuyệt diệu của tôi không hề bối rối chút nào:
-Cám ơn em. Một câu hỏi rất hay.


Đúng. Ăn kem không thể giúp ta biết ngày Đức tấn công , mở màn của chiến tranh thế giới. Nhưng Lịch sử đâu phải chỉ có chiến tranh. Thầy tin chắc, còn nhiều thứ quan trọng hơn chiến tranh nữa.
Khi ăn kem ta cảm thấy lạnh dưới không độ. Cái lạnh này không có ở Việt Nam. Nó phải mang từ bên ngoài vào.


Ai là người đã mang cái máy làm lạnh đến đây đầu tiên, ai là người đã đặt chúng ở sân trường từ những năm nào và bao nhiêu thế hệ đã ăn kem, đã trả bao nhiêu loại tiền và kem ngày xưa khác kem bây giờ ra sao, tất cả những thứ ấy cũng là Lịch sử. Nếu New-ton có thể tìm ra một định luật vật lý khi nhìn quả táo rơi, em Việt cũng có thể nhìn ra thời quá khứ nhờ suy nghĩ lúc ăn kem. Thầy tin như thế.


Sơn Bóng gào lên phấn khích:
-Đúng rồi.
Có hai lý do để Sơn Bóng hô vang. Một vì nó hồn nhiên. Hai vì nó luôn ăn kem và mời các bạn nữ ăn kem. Hôm nay, nhờ thầy giáo, Sơn phát hiện ra ăn kem hóa ra cũng là bác học.
Nhưng Thầy đã nói những câu nói khiến Sơn Bóng lắng xuống:


-Tất nhiên, cũng có người ăn kem cả đời hoặc ăn quà vặt cả đời nhưng chả hiểu chút nào về Lịch sử hết. Bởi vì họ ăn mà không suy nghĩ, ăn như vậy chả mang lại chút kiến thức, mà chưa chắc mang lại dinh dưỡng nếu như thức ăn được nấu cẩu thả.


Cả lớp bò lăn ra cười. A, các bạn ơi, lớp 11A ít cười lắm. Phần lớn là căng thẳng hoặc buồn ngủ hay uể oải cho qua. Cười tập thể vô cùng ít ỏi.
Thầy giáo chờ khi tiếng cười giảm xuống rồi mới nói tiếp. Không khi nào học sinh đang cười Thầy lại xen ngang.


-Thầy biết phần lớn các em từ trước tới nay ăn để mà no, ăn để mà vui hay ăn vì được mời. Nhưng Thầy hy vọng từ giờ phút này, chúng ta sẽ ăn để mà học.


Trời ơi, còn vĩ đại hơn. Như tôi đã nói, thời khóa biểu sẽ hấp dẫn vô cùng nếu kết hợp với xem phim. Còn khi nâng cao hơn, kết hợp với ăn, chẳng hạn:
-Thứ hai: Xôi - Văn - Phim - Sử - Chè
-Thứ ba: Bánh tráng trộn - Vật lý - Đạo đức - Phim - Bún bò


-Thứ tư: Hóa học - Tiếng Anh - Xoài chấm muối ớt - Ngữ văn - Phim
-Thứ năm: Ổi cắm que - Thể dục - Bánh da heo - Địa lý - Lịch sử
Nếu thời khóa biểu được cải tiến đến tuyệt đỉnh như vậy thì tốt nghiệp phổ thông làm gì? Cứ ở mãi trong trường mới hạnh phúc.
Nhưng kìa, thầy giáo lại giảng:


-Thầy xin long trọng tuyên bố, kể từ giờ phút này, toàn thể các em phải đắm chìm, phải nhảy múa, ca hát, ăn uống, bơi lội tung tăng trong Lịch sử chứ không phải ngồi trên bàn nhăn nhó và đau buồn mở sách giáo khoa.


Cả lớp cười như điên dại. Có những đứa con trai còn đập đầu xuống bàn. Chỉ có Lý Cún tức Ki Ki hơi giật mình. Tại sao lại bơi lội tung tăng? Hay Thầy ám chỉ giây phút ở bể bơi. Hôm đó ta có bơi đâu. Ta ngồi như khúc gỗ kia mà.


Nhưng kìa, Thầy lại quay lại bàn giáo viên, cầm cuốn sổ lớp lên, mở ra:
-Bây giờ Thầy kiểm tr.a bài theo một phương pháp mới. Một em khi được gọi tên sẽ nói về một đồ vật có giá trị lịch sử nhất trong nhà mình. Nào, bắt đầu: Lê Sĩ Long.


Thằng Long hốt hoảng đứng dậy. Nó xưa nay là một học sinh dốt toàn diện và việc lên được lớp 11 khiến cho chính nó cũng ngạc nhiên. Nó chưa từng tâm sự với Ly Cún sau này định làm nghề quay heo sữa, tiếp quản từ gia đình. Nghề ấy chẳng cần hiểu Địa lý, Văn học và tất nhiên, Sử học. Long chắc mẩm điều này.


Ôi thôi, Long tội nghiệp đã sai lầm. Long sắp bị quay. Quay đến chín vàng. Quay đến giòn tan.
Long run. Mặt xanh như tàu lá, xanh như một cái bánh cốm.
-Em Long, em hãy kể cho cả lớp nghe về một đồ vật có giá trị lịch sử trong nhà em?
Long ấp úng:
-Thưa Thầy, em không biết ạ.


-Đừng vội vã. Hãy kể trong phòng em có món gì?
Long nghĩ ngợi lung tung. Mắt đảo qua đảo lại:
-Dạ, có cái ti vi, một vi tính cũ, bốn chai nước, một cái chổi, một cái quạt bàn gãy cổ, hai dôi dép và nửa cái bàn.
Cả lớp xôn xao:
-Tại sao lại nửa cái bàn?
Long nhăn nhó:


-Dạ thưa Thầy, vì nó bằng gỗ, dùng lâu quá, gãy rồi.
-Gỗ gì? - Thầy hỏi ngay - Và cái bàn ấy ba mẹ em mua ở đâu?
-Thưa Thầy, gỗ xoan. Mà không phải mua. Có sẵn trong nhà.
Thầy từ tốn:


-Cây xoan không có ở miền Nam. Nó được trồng phần lớn ở đồng bằng Bắc bộ. Vậy gia đình em trước kia ở miền Bắc, đúng không Long?
Long reo:
-Vâng, thưa Thầy. Quê em ở Hà Tây.
Thầy giáo tiếp tục:


-Xoan không phải loại gỗ đắt tiền, chả ai thuê thợ đóng, cái bàn ấy chắc cha em tự làm. Như vậy ông khá giỏi nghề mộc.
Mắt Long sáng lên:
-Đúng ạ. Cha em thường đóng hoặc tự sửa chữa đồ gỗ trong nhà.


-Có phải cả gia đình em hai chục năm trước đã chuyển vào Sài Gòn bằng xe vận tải đúng không?
-Dạ, sao Thầy biết?
-Vì nếu đi xe lửa thì không thể mang theo chiếc bàn gỗ xoan.
Long hân hoan:
-Đúng ạ.
Thầy giáo vẫn chưa thôi:
-Em hãy cho biết trên mặt bàn có dấu vết gì?
Long ngẫm nghĩ:


-Dạ, một vết mực tím đã mờ.
-Như vậy chắc chắn em có một người anh hoặc chị gái hơn em nhiều tuổi. Bởi chỉ có học sinh nông thôn ngày xưa mới dùng mực tím. Chúng ta lúc này toàn dùng bút bi.
Long nhìn Thầy, bàng hoàng:
-Dạ vâng, chị gái hơn em tới mười lăm tuổi.
Thầy giáo khoát tay:


-Mời Long ngồi. Các em thấy đó, chỉ một đồ vật, rất đơn giản, nhưng nếu nhìn kỹ nó, chúng ta có thể đọc ra rất nhiều chi tiết của quá khứ. Đấy không phải lịch sử là gì?
Chao ôi, Ly Cún chỉ có thể phát biểu một câu: Tuyệt.
Mời em Đỗ Mai Hoa.


Mai Hoa lù lù đứng lên. Tôi thề với các bạn, chưa ở đâu có một nữ sinh to đến thế lại thật thà đến thế. Nếu bất kỳ ai đến bảo nó: Này, anh Đan Trường yêu cậu đấy, nhưng không dám nói, thì nó cũng vội tin. Ngày mai đứa khác đến bảo: Cậu không viết thư cho Đan Trường, khiến anh ấy buồn, lấy vợ rồi. Nó cũng tin nốt. Tính thật thà của Hoa nổi tiếng tới độ không học sinh nào dám nói đùa vì nó sẽ nghĩ là thật. Ví dụ như ai bảo nó: Này, Ngô Kiến Huy muốn gặp cậu nhưng lại sợ Mỹ Tâm thì thế nào nó cũng tìm tới Mỹ Tâm để thanh minh.


-Hoa, xin em cho biết trong cặp của em, ngoài sách vở có gì?
Hoa vui vẻ:
-Thưa Thầy, có một cái bánh bao ạ.
Cả lớp cười ầm. Thấy chưa, đã nói Hoa thật thà mà. Bánh bao mà cũng khai.
Nhưng thầy giáo chả hề cười:
-Cho tôi mượn cái bánh được không?
-Dạ, được chứ ạ. - Hoa lôi ra một chiếc hộp gỗ.


Thầy giáo đỡ lấy:
-Xin các em chú ý. Tất cả bánh bao ở ngoài đường khi bán đều đựng trong hộp xốp. Nhưng bánh bao bạn Hoa đựng trong hộp gỗ rất vừa. Chứng tỏ đây là loại hộp dành riêng, chuyên dụng. Chỉ những ai hay ăn bánh bao mới có loại này.
Chí lý.
Hoa gật đầu:
-Dạ, em hôm nào cũng ăn.


Thầy giáo mở hộp:
-Các em quan sát kỹ cái bánh. Nó đục chứ không hề trắng, nghĩa là bột bánh không trộn thuốc tẩy. Cho nên đây là thứ bánh không phải để bán, mà để nhà ăn.
Hoa ồ lên một tiếng.
Thầy vẫn chưa thôi:


-Các bánh bao hiện nay cũng phần lớn hấp bằng nồi “inox”. Riêng bánh của Hoa hấp bằng nồi có lát vỉ tre. Dấu vết của nan tre in dưới bánh, càng chứng tỏ đây là loại bánh gia đình!
-Vâng, thưa Thầy. Má em làm.
Thầy lấy hẳn cái bánh ra:


-Các em để ý sẽ thấy cái bánh này dẹp chứ không phồng lên. Nghĩa là nhân bên trong ít? Vì đó là nhân ngọt, nhân ngọt không khi nào nhiều.
Thầy bẻ đôi cái bánh ra. Ôi đúng vậy. Nó có đậu xanh và đường màu đỏ.
Thầy nếm thử:


-Xin phép Hoa nhé. Cái bánh của em tuyệt ngon. Dân tộc nào có truyền thống bánh bao ngon? Đó là dân Trung Quốc. Thầy nghĩ em là người Việt gốc Hoa.
Hoa gật đầu:
-Dạ thưa Thầy, đúng ạ.
Tưởng như thế đã tận cùng. Không, Thầy nói tiếp:


-Trung Quốc có nhiều trường phái bánh bao. Nhưng bánh vùng Tứ Xuyên luôn nhỏ và có nhân cay ngọt. Nên gia đình em có gốc Tứ Xuyên?
Hoa choáng váng:
-Đúng luôn, thưa Thầy.


-Các em thấy chưa. Chỉ một cái bánh đơn sơ, nhưng nếu chúng ta xem xét kỹ, có thể biết lịch sử một gia đình. Một quốc gia cũng vậy thôi, lịch sử vĩ đại của một quốc gia có thể được tìm ra từ một vật nhỏ bé.
Các bạn ơi, Ly Cún ch.ết rồi. ch.ết hẳn rồi.


Từ đầu truyện tới giờ, Ly Cún luôn nói yêu Thầy giáo vì đẹp trai. Và chỉ vậy thôi. Nhưng hóa ra Thầy còn thông minh nữa.
Bà con cứ bảo con gái đẹp phải ngốc. Họ đồn như thế cũng có lý do. Chả thấy cô hoa hậu nào đậu tiến sĩ cả.






Truyện liên quan