Chương 13
Edit: Thịnh Ái Tư Tư
Cuối cùng, sau khi tổng hợp tất cả kiến thức Đông Tây, tôi chọn một bộ áo tắm vừa hai mảnh lại vừa một mảnh, có in hình con vịt Donald với cái mỏ to đùng, lại cong lên rất đáng yêu.
Nhưng thế nào là áo tắm vừa hai mảnh, vừa một mảnh? Điều kì diệu chính là ở chỗ này.
Theo như đám con gái vẫn thì thào với nhau, ở rạp xiếc, áo tắm hai mảnh là một thứ gì đó hấp dẫn, vừa khả nghi, vừa hay ho, vừa cấm kị.
Mở tất cả các sách giáo khoa trên đời cũng chả thấy viết nữ sinh có nên mặc áo tắm hai mảnh hay không và mặc vào lúc nào.
Nhưng mở các tạp chí thì lại thấy đầy rẫy, chả những hai mảnh mà còn mảnh rưỡi cũng nên.
Do vậy, với áo tắm hai mảnh, Ly Cún thú nhận một cách chân thành là vừa thích lại vừa run. Thích vì hình như mặc nó đẹp, run vì hình như mặc nó hư.
Tớ không phải nữ sinh hư, điều ấy chắc chắn, nhưng cũng không phải một kẻ ngoan đến mức lờ đờ. Cho nên tớ chọn một thứ áo tắm có hai mảnh chính, nhưng lại nối với nhau bằng ba bốn sợi dây. Gọi là hai mảnh rưỡi cũng được mà gọi là một mảnh thừa cũng xong.
Quá thông minh, quá xuất sắc. Ly Cún phải tự khen mình.
-Bao nhiêu tiền hả chị?
Cô bán hàng âu yếm khua dao:
-Một triệu hai trăm ngàn em ạ.
Ly Cún ch.ết cứng. Đóng băng. Đờ đẫn. Trời ơi, sao mắc vậy chị?
Cô gian ác giảng giải:
-Đây là mẫu mã ngoại, nguyên liệu ngoại hoàn toàn. Vải của Hàn Quốc, dây kéo của Nhật Bản, còn lót của Pháp.
Nghe chẳng biết đâu mà lần. Nếu cô ta có nói vải của Ma-rốc, dây kéo của Angola, còn lót của Thổ Nhĩ Kì cũng chịu ch.ết.
Nhưng một triệu hai trăm ngàn đắt quá. Không thể chịu nổi. Đừng có mơ.
Ly là một cô gái đẹp, nhưng không phải công chúa, con vua. Ly luôn luôn được mẹ cho tiền để đủ ăn một đĩa cơm tấm, có thể kêu thêm một miếng chả, nhưng hai đĩa đã hơi khó khăn rồi. Giết ai ra một triệu đồng?
-Thế có bộ nào y chang mà rẻ hơn không chị?
Cô bán hàng hạ dao xuống, nhấc kéo lên:
-Có. May bằng nguyên liệu Trung Quốc. Chắc giá năm trăm.
Tôi nhìn thấy hai bộ giống hệt nhau, kể cả cái mỏ vịt. OK.
Nhưng năm trăm vẫn là quá nhiều, làm sao để đủ tiền bây giờ? Mượn ai đây? Giết ai đây?
Suy tính một hồi, tôi phóng về nhà. Không mượn cũng không giết. Xin ba.
Chả hiểu các bạn ra sao, chứ Ly Cún này sống mười bảy năm trên đời đã rút ra kết luận: Điểm học tập xấu tiết lộ với Mẹ. Cần tiền tiết lộ với Ba. Thích ai tiết lộ với bạn bè.
Chỉ có đứa ngốc mới xin tiền Mẹ, nhất là khi tiền đó hơi nhiều. Mẹ lập tức tr.a hỏi, Mẹ lập tức căn vặn, và Mẹ thường tin chắc con gái đang bị đứa bán hàng lừa.
Mệt!
Còn Ba thì khác. Ví dụ như Ba tôi.
Ly Cún chạy vào phòng ba. Việc đầu tiên là ôm cổ, sau đó là khen Ba đẹp, Ba ngoan.
Nghe đến đây chắc nhiều đứa giật mình. Trong nhà chúng chỉ có cha mẹ khen con gái ngoan là hết. Hãy thử thay đổi di. Hãy thỉnh thoảng khen Ba và Mẹ ngoan đi. Sẽ có lợi vô cùng.
Đây này, vừa được khen ngoan, Ba tôi lập tức mỉm cười:
-Chắc sắp xin tiền phải không? Mua gì?
-Dạ, mua áo bơi. Đẹp lắm ba ơi.
Này các bạn.
Là một nữ sinh thông minh, Ly Cún thông minh tới từng chữ một.
Mua áo tắm thì khác. Mua áo bơi thì khác. Áo bơi cha mẹ dễ nghe hơn. Mặc dù cả hai món là một.
Đó, thấy chưa. Ba tôi đang với tay lấy cái bóp trên bàn:
-Bao nhiêu? Gái yêu.
Khi cha ta gọi ta gái yêu, đấy là lúc ta nên vòi vĩnh. Đừng để lỡ thời cơ.
Nhưng tôi vẫn hơi run:
-Dạ, năm trăm ngàn.
Và tôi vô cùng kinh ngạc khi thấy ba tỏ vẻ ngạc nhiên:
-Năm trăm ư? Hơi rẻ đấy. Áo tắm là thứ không nên mua rẻ.
Ly Cún đã loáng thoáng nghe các bạn gái thì thầm về điều đó. Vì ham rẻ, mua áo tắm ở chợ, đã khối đứa bị tai nạn rồi.
Đứa thì vừa nhảy xuống nước áo bỗng trở nên méo mó, không ôm vào người mà ôm ra tứ phía lung tung.
Đứa thì vừa vung tay vung chân, bơi một vòng thì áo bỗng tuột ra, nổi lềnh bềnh như bèo trôi trước mặt.
Kinh khiếp nhất, nghe đồn có áo chế tạo bằng vải giấy, xuống nước lập tức tan ra, thế là cô nữ sinh cứ ngâm mình dưới bể đến trọn đời!
Nhưng chắc chắn đây không phải thứ Ly Cún mua. Năm trăm ngàn cơ mà? Nếu dùng để ăn quà ngoài cổng trường khéo đến hơn thế kỉ.
Cho nên tôi nói:
-Ba yên tâm. Con hiểu mà.
Rồi vớ lấy tiền, hăm hở lao đi.
Rước bộ áo tắm in hình con vịt về, tôi lên phòng mình nhìn trước nhìn sau, đóng cửa lại như tên ăn trộm.
Để làm gì?
Để thử áo chứ làm gì nữa. Không một thiếu nữ nào khi mua áo tắm dù đã mặc thử ở tiệm, lại không về mặc thử lần nữa ở nhà.
Bởi chỉ có trong nhà ta mời thoải mái, tự do chạy nhảy, đi lại, vung tay vung chân ra mọi nơi, nhìn trước nhìn sau một cách toàn diện, để kiểm tr.a thứ trang phục nguy hiểm ấy một lần cuối cùng.
Ly Cún cũng cài chặt cửa phòng, mặc nghiến con vịt vào người, nhảy lên nhảy xuống, trồng cây chuối, lộn ba vòng, đá lung tung và lao vụt qua cửa sổ.
Đẹp. Bền. Chắc chắn. Yên tâm.
Ngày thứ bảy hồng.
Nói vậy thôi các bạn ơi, ở cái tuổi mười bảy của bọn ta, làm gì có ngày thứ bảy xám, ngày thứ bảy đen, ngày thứ bảy màu cháo lòng.
Thứ bảy luôn luôn hồng, còn hôm nay, hồng rực.
Tôi đến đúng 7 giờ 30. Tôi mặc một cái áo trắng chấm bi, tóc kẹp một cái kẹp màu hổ phách, tay xách cái túi xanh hình con cú, bên trong con cú có bộ đồ bơi và chai sữa tắm, chai dầu gội đầu.
Tôi bận một cái váy ngắn xòe.
Bà con ơi. Các bạn trai trẻ ơi.
Một thiếu nữ mặc váy ngắn đã tuyệt rồi, nhưng chưa là gì cả. Một thiếu nữ mặc váy ngắn xòe, bà con chỉ còn nước ch.ết mà thôi.
Nhìn xa, cái váy xòe như một đóa hoa sen, nở ra nhưng không bao giờ nở hết, nhìn cứ bum bum, cứ trẻ trung và hấp dẫn làm sao.
Nhìn gần, cái váy xòe như cái nấm lùn, đã thế nấm lại còn biết đi, thử hỏi trai nào không ch.ết?
Đã thế váy của Ly Cún không phải xòe lung tung, xòe vớ vẩn, mà xòe nhịp nhàng theo mỗi bước chân, lúc ụp lúc xòe mới dễ thương ghê không chứ?
Ơ, Thầy kia rồi. Ngồi một mình dưới cây dù màu cam (Lại cam!). Không có chị Trà My. Hay tuyệt. Cũng như hôm nay, Ly Cún không có Mai Tồ.
Mặc dù đã từng khẳng định Ly là Tôn Ngộ Không, Mai Tồ là Trư Bát giới, cả hai luôn sát cánh bên nhau trên đường tiêu diệt yêu quái.
Nhưng hôm nay làm gì có yêu quái, chỉ có thầy giáo đẹp trai.
Đôi lúc gặp trai đẹp ta không nên mang theo bạn gái, bất kể bạn đó có đẹp hay không. Mọi nữ sinh khôn ngoan đều hiểu rõ điều này.
Hôm nay đừng nên cho Mai Tồ biết, đừng nên cho bất cứ đứa nào biết. Tôi cảm thấy rõ ràng cần như thế. Vậy thôi.
Thầy đứng lên, reo:
-Chào em, Ki Ki.
Tôi hớn hở:
-Chào Thầy.
Nếu các bạn để ý, các bạn sẽ thấy từ đầu truyện tới giờ tôi chưa hề nói thầy giáo Lịch sử tên gì.
Đơn giản vì tôi không biết. Và cũng thấy chả hề cần biết.
Tất cả đều gọi thầy cô theo môn bọn họ dạy. Cô Toán, thầy Lý, cô Văn, thầy Đạo đức... Thế là quá đủ rồi.
Còn bên ngoài, Ly Cún chả hiểu tại sao một số chàng cứ phải ra sức lấy tên cho phức tạp.
Nào Noo Phước Thịnh, nào David Trí, nào Tony Nguyễn, nào Philip Tèo, hay Henry Que.
Điều ấy chỉ gây ấn tượng với những con ngốc mà thôi. Tất nhiên, ở đâu lũ ngu ngốc cũng nhiều. Ví dụ như đám nữ sinh lớp 11A mà nổi cơn học đòi, đổi thành Mary Mai, Teresa Ngọc, Angela Thu, Nini Vân béo, Catherine Tuyết gầy hoặc Tina Thắm thì Ly Cún ch.ết mất.
Nếu có biệt danh, hãy biệt danh cho đáng, cho dễ thương, không đụng hàng, ví dụ Mai Cà rốt, Ngọc Bắp cải, Trâm Chích bông, hoặc Hoa răng sún.
Thiếu gì những danh hiệu dễ thương, gần gũi, việc gì phải chôm của Tây của Tàu?
-Ki Ki uống gì nào?
-Dạ nước cam.
Thầy vẫy anh phục vụ:
-Cho một nước cam tươi. Với một ly Yogurt dâu.
Ngạc nhiên chưa? Chị Trà My kêu bia ướp lạnh, uống nguyên chai, còn thầy kêu Yogurt dâu? Thế gian quay cuồng đảo lộn.
-Ki Ki có thường đến bể bơi không?
-Dạ, cũng nhiều ạ, còn Thầy?
-Tôi rất ít bơi. Đó là điều tệ vô cùng.
Ối chào, con trai thiếu gì những đứa đi bơi thường xuyên mà vẫn tệ.
-Vậy chắc em bơi khá lắm?
-Dạ, vâng. Em sẽ không ch.ết nếu tàu Titanic bị chìm.
Này, nếu bạn nào đọc truyện này mà chưa xem Titanic thì hãy xem đi. Tôi sẽ còn nhắc đến nó đấy.
Nhưng Thầy giáo đã sửa chữa:
-Ki Ki ạ, trong phim ấy họ ch.ết không phải do không biết bơi, mà do lạnh.
Thú thực tôi chả hiểu Thầy nói thế là sao. Sài Gòn quanh năm nắng chói chang. Muốn hưởng tí lạnh phải lao đầu lên Đà Lạt, mà có ai lên đó ch.ết đâu?
Đồ uống được bưng ra. Tôi không kìm được câu hỏi:
-Thầy thích sữa chua à?
-Ừ. Thầy thích sữa chua. Bởi vì nó mềm mềm.
Thầy teen. Teen đến tận cùng. Teen khéo còn hơn cả Tintin.
-Còn em thích ăn gì, Ki Ki?
-Dạ, em thích bánh mì. Bởi vì nó giòn giòn.
Có tiếng ầm ĩ ở góc bể bơi. Tôi với Thầy quay ra nhìn. Một đám nam nữ vừa té nước vừa hò hét inh ỏi.
Ly Cún nhăn mặt. Tại sao té nước? Cũ mèm.
Và tại sao cứ phải hò hét nhỉ? Tất nhiên bể bơi không phải thư viện, không cần im lặng. Nhưng đâu phải mồm ta cứ rít như còi.
Thầy có vẻ nghĩ khác:
-Vui thật. Đáng lẽ Thầy phải tới đây nhiều hơn.
A, cái đó thì đúng quá. Khắp bể bơi có rất nhiều chàng trai trạc tuổi như Thầy. Nhưng Thầy giáo Lịch sử bao nhiêu tuổi?
Cho tới phút này, tôi chưa hề biết điều đó.
Thầy đẹp trai như Vĩnh Thụy. Mà Vĩnh Thụy thì hình như chưa tới 30. Có thể tr.a dễ dàng chi tiết đó trên Google.
Thầy lại ăn Yogurt dâu. Một món ăn chỉ có teen toàn thân mới có thể dùng.
Còn cách thầy dạy Lịch sử thì chả giống ai. Chả giống trẻ, chả giống già.
Vậy Thầy bao nhiêu? Chịu.
Hình như hiểu được điều thắc mắc ấy. Thầy cười:
-Nhưng Thầy sẽ sửa chữa. Ki Ki. Thầy sẽ bơi thường xuyên. 22 tuổi vẫn sửa chữa được mà.
A, Thầy giáo đã 22.
Còn Ly Cún 17. Một thiếu nữ 17 làm sao biết 22 trẻ hay già. Hình như không già. Hình như là hình như.
Ôi, câu này hay quá đi mất.
Thầy uống cạn ly sữa chua rồi đứng lên:
-Thôi, mình thay đồ xuống bơi, Ki Ki.
-Vâng ạ.
Tôi chạy về phía khu con gái, Thầy đi về phía con trai. Phòng thay đồ bể bơi là một cái chợ náo loạn. Các cô gái vừa xối nước ào ào, vừa bình phẩm đủ thứ, chủ đề chủ yếu là trai trẻ. Từ đấy suy ra, bên phía nam, chủ đề chính chắc cũng không phải bà già.
Tôi mặc đồ tắm phi thường của mình vào, buộc mái tóc lên, sau đó chạy ra bể.
Thầy giáo mặc quần tắm đang đứng chờ tôi. Ly Cún nhìn một thoáng. Đứng tim.
Bảo rằng từ xưa tới giờ, chưa nhìn thấy trai đẹp cởi trần thì như thế là xạo. Ly Cún có nhìn chứ. Nhưng chẳng nhìn kĩ bao giờ. Thân thể trai đâu phải là cái tivi, ta đâu có tiện dừng hình rồi giương mắt lên ngắm kĩ, hay dí sát vào.
Sự dốt của tôi về body cũng chia đều cho cả nam lẫn nữ. Con gái có số đo ba vòng bao nhiêu thì đẹp, còn con trai sáu múi là gì? Con trai là quả khế à, quả bưởi à, mà tính múi? Kỳ.