Chương 16
Edit: Thịnh Ái Tư Tư
Ôm nhau! Ôm nhau! Ôm nhau! ch.ết rồi.
Bảo rằng Ly chưa từng ôm một bạn trai nào thì không đúng. Có chứ. Nhưng nhanh thôi, rất nhanh. Và ôm khi mặc áo khoác to xù hay áo sơ mi kín cổ.
Còn ở đây ôm lúc bận bikini? Hai mảnh? Một mảnh rưỡi.
Tôi thét:
-Ở đâu ra?
Mai cáu:
-Mày phải biết chứ?
Ừ, đúng. Tôi biết chứ. Biết quá đi chứ. Biết rõ hơn mọi trời đất quỷ thần.
-Đây là thứ bảy tuần trước ở bể bơi. Tớ với thầy đi bơi.
Các bạn đừng ngạc nhiên. Khi kêu “tao” Ly Cún ngang hàng với Mai. Bề trên Mai. Khi kêu “tớ” Ly Cún đang năn nỉ, cầu cạnh Mai.
-Có hai người thôi à? - Mai gằn giọng.
-Sao lại hai? Cả trăm người ấy chứ!
Ý Mai hỏi sao không kêu nó đi cùng. Nhưng Ly Cún vờ ngu. Vờ ngu cũng là một cách chứng tỏ mình khôn đấy ạ.
-Giữa hàng trăm người, hai anh chị ôm nhau? - Mai chán nản lắc đầu. Kiểu lắc đầu khi bà ngoại gặp cháu gái hư.
Tôi hét:
-Không có ôm.
-Thế hình gì đây?
-Thầy không biết bơi. Thầy bị đuối nước, phải nhờ cứu hộ đưa lên. Tớ đâu có ôm. Tớ vác thầy.
Tôi vừa nói vừa suy nghĩ. Đúng rồi, lúc ở dưới nước lên có đoạn tôi nhào tới bên Thầy cạnh những anh cứu hộ. Không thể nhớ được nhào bao lâu, nhào kiểu gì, nhưng rõ ràng phải nhào sát. Như ôm.
-Thế đứa nào tung những hình này ra? - Tôi quát.
Mai lắc đầu:
-Không biết. Bể bơi ấy thiếu gì học sinh. Cả cậu, cả Thầy giáo đều nổi tiếng ở trường này. Ai cấm nó quay phim và đưa hình lên tứ phía?
Phải quá. Hình nhạy cảm phát tán khắp nơi. Cao Thái Sơn bị, Minh Hằng bị, Hương Tràm bị, Mai Phương Thúy bị, cớ gì Ly Cún không bị?
Mai chua chát:
-Mày thành ngôi sao rồi đấy, Ly ơi.
Ô hô, từ bé tới giờ vẫn mơ trở thành ngôi sao, đâu có ngờ thành công nhanh thế!
-Nhưng ai nhận được các hình này? - Tôi run rẩy hỏi.
-Cả làng. Đứa nào không có máy cũng biết.
Rõ ràng. Nếu lớp 11A có chợ Bến Thành, những lớp khác đều có chợ Vườn Chuối, chợ An Đông và chợ Cầu Ông Lãnh. Không bán gì toàn cá với tôm, mà những bức ảnh này đắt tựa tôm càng.
-Phải làm sao bây giờ? - Mai hỏi.
Tôi nhăn nhó:
-Không biết.
Làm sao mà biết. Khi đọc tin ví dụ như Hương Tràm ảnh nóng, ta háo hức chờ cô ấy nói. Nhưng chính khi ta bị, ta đâu biết phải nói ra sao? Ly Cún luôn hiểu mình có thể bị giật túi xách, mình có thể bị đụng xe, thậm chí đang đi ngoài đường bị một con chim tè trúng vào đầu. Nhưng đâu hình dung có ngày mình bị tung ảnh nóng.
Đã vậy còn là ảnh nóng với Thầy!
Chuông reo. Tới giờ vào lớp. Giờ Toán.
Ly Cún là một học sinh giỏi Toán. Đối với nàng các con số không khô khan mà như biết hát ca. Giờ Toán có thể trôi qua như giờ ca nhạc.
Nhưng hôm nay, chỉ cần bước vào lớp đã thấy cực hình.
Cả lớp 11A chả ai nói gì mà đều như muốn nói gì. Cả lớp 11A đều nhìn Ly Cún nhưng nếu Ly Cún nhìn lại thì quay đi chỗ khác.
Thật đáng bực mình. Tôi dần dần chuyển từ tâm trạng hoảng sợ, sang tâm trạng âu lo, rồi tâm trạng cáu kỉnh tới. Cáu kỉnh tới điên cuồng.
Cô giáo Toán vừa ra cửa, tôi đã nhảy vô chợ, hét lên:
-Ê, đứa nào coi hình tao?
Việt tủm tỉm cười:
-Đứa nào không coi mới hiếm.
Ngọc gật gù:
-Ông bà nom đẹp đấy.
Thế là chúng nó nhao lên, không còn kiêng dè gì nữa:
-Nhìn giống Lê Hiếu với Văn Mai Hương.
-Không, nhìn giống Cường Đô La với Hà Hồ.
-Bậy nào, giống Phạm Văn Mách , Phương Linh.
Tôi xỉa xói. Tôi chợt hiểu lúc này cần xỉa xói, chứ quỳ lạy chúng cũng không tha:
-Tao đi bơi với Thầy giáo thì sao? Chúng mày thường đi với ai?
Bọn tôm cá lần lượt gân cổ lên:
-Tớ không bơi. Tớ tắm một mình.
-Hôm nay bơi với thầy dạy Sử, ngày mai bơi với thầy dạy Văn, cuối cùng bơi với thầy Hiệu trưởng không chừng.
-Nếu có bơi cũng không té nước với nhau.
-Nếu có bơi, cũng không cười lộ răng nhiều ra đến thế.
Mai bênh tôi. Y như Trư Bát Giới bênh Tôn Ngộ Không trước mặt Đường Tam Tạng:
-Chúng mày không biết gì hết. Hôm ấy Thầy bị đuối nước, Ly nó cứu, nó làm hô hấp chứ chả ai ôm nhau.
Cả lũ gào lên:
-Sao biết?
Mai kiêu hãnh:
-Tao ở đó mà.
Hoan hô Mai. Tôi muốn ôm lấy nó và khóc. Nó không phải Trư Bát Giới, nó là cô Tiên.
Việt phân tích theo kiểu giáo sư:
-Hành động này chắc chắn có nhiều phức tạp, có thể gây ra những tác động tiêu cực, cần nghiên cứu thêm một cách nghiêm túc, phân tích vấn đề toàn diện nhằm tìm ra các giải pháp đứng đắn để khắc phục hậu quả.
Vừa nói, nó vừa gật gù như ông trên tivi vẫn đọc diễn văn khiến nhiều đứa lăn ra và khoái chí.
Đúng rồi. Khi ta gặp tai nạn, bao giờ chả có vài kẻ khoái chí ngầm hoặc khoái chí công khai.
Chưa kể bọn tôm cá này đa số tôm cá khô , đến tắm hàng ngày còn lười biếng, nói gì tới việc bơi lội tung tăng? Ngâm mình xuống dòng nước xanh thăm thẳm.
Thằng Long đưa ra một ý kiến đáng giật mình:
-Nhưng chúng mày từ sáng tới giờ có thấy Thầy giáo đâu không?
Nga tủm tỉm cười:
-Có thể đang học bơi với nữ sinh lớp khác.
Tôi ch.ết điếng nhưng bỗng ngoài cửa có tiếng reo lên:
-Xin chào các em.
Cả bọn hốt hoảng quay ra. Thầy dạy Sử tươi cười đi đến, mặt mày rạng rỡ, sáng ngời.
Xưa nay, hầu như chả bao giờ có giáo viên xuất hiện tại lớp khi không phải tiết của mình. Đã thế Thầy còn tới ngay phút này mới kì diệu và gây cấn.
-Ly, nghe nói hôm em và Thấy tập bơi có hình được cả trường khen ngợi và khâm phục. Vui quá, thế mà chưa ai chịu gửi đến Thầy. Cho mượn điện thoại nào.
Tôi chưa hết bàng hoàng thì Giáo sư Việt đã nhanh nhẹn đưa máy của nó ra.
-Dạ thưa Thầy, đây ạ.
Tên này làm vậy đâu phải vô tư. Ý nó muốn báo Thầy rằng những hình ảnh kia toàn bộ học sinh đều có.
Thầy cầm lấy, bấm mở màn hình.
Chợ Bến Thành Sài Gòn lúc nào cũng ầm vang, náo nhiệt. Còn chợ Bến Thành trong lớp 11A lúc này im phăng phắc nhìn Thầy.
Chả ai phải đợi lâu.
Ngay từ tấm hình đầu tiên Thầy đã reo to:
-Trời ơi, đẹp quá.
Cả đám giật mình.
Thầy chìa từng tấm hình ra, phấn khởi:
-Coi nè các em, tấm này bạn Ly rất đẹp, mặt chan hòa ánh sáng, tóc thì gió thổi tung bay. Còn Thầy cũng chả xấu tí nào, mũi nhìn nghiêng quá thẳng.
Ô, điều đó quá rõ ràng. Chả cứ nhìn nghiêng, nhìn tứ phía mũi Thầy đều thẳng.
-Còn tấm này nữa, các em coi đi. Những giọt nước trên vai có tuyệt không? Chụp hình bể bơi đều quan trọng nhất là làm sao miêu tả được sự long lanh của nước trong không khí và sự gợi cảm của nước trên thân thể. Nhiếp ảnh gia đã chụp quá xuất sắc.
Thầy vừa nói, vừa kéo màn hình cho những chi tiết lớn lên. Ơ, đúng thật.
-Hôm ấy Thầy và Ly bơi giữa trưa nắng, cho nên phải làm thế nào để nhân vật không bị nheo mắt, và bầu trời không trắng toát do quá sáng, điều đó khó vô cùng mà người chụp ảnh vẫn làm được, thật đáng khen ngợi.
-Chưa kể chụp hai người thường bị cứng, khó tìm được những khoảnh khắc họ phối hợp hồn nhiên. Tấm này, tấm này... không hề như thế, các em xem đi.
Nghe Thầy giảng giải, thật kì quái, tôi đang từ lo sợ bỗng chuyển sang yêu những tấm hình.
-Các em này, nhiếp ảnh là một môn hay, giúp chúng ta ghi lại những khoảnh khắc quý báu trong đời mà có khi chả bao giờ còn gặp lại. Thầy khuyên các em nên tìm hiểu và học thêm môn nhiếp ảnh, rất hay lại không khó khăn lắm đâu.
Ngạc nhiên chưa? Sững sờ chưa? Khi những tấm hình tung ra có lẽ chả đứa nào nghĩ Thầy giáo không hốt hoảng, thậm chí có thể lo lắng, tránh đến lớp vài ngày. Nhưng không hề. Đã vậy còn làm chúng tôi tự nhiên ham mê hình chụp.
-Các em cần biết, giá trị lịch sử của ảnh rất cao. Có khi chỉ cần nhìn vào một bức hình người ta cũng cảm nhận ra cả một quãng thời gian hoặc trào lên một tình cảm sâu sắc vô cùng với quá khứ. Ở rất nhiều quốc gia, và ở cả Việt Nam, một số hình đã trở nên vô giá, trở thành những cột mốc thời đại không thể nào quên.
Long rụt rè đưa ra câu hỏi:
-Vậy thưa Thầy, ví dụ như nhìn những tấm Thầy chụp với bạn Ly này chúng em cần hình dung ra gì ạ?
A, một câu hỏi thông minh. Rất ít khi phát ra từ mồm Long mà Ly Cún nghe được. Do ghen tị chăng? Do bài giảng của Thầy làm cho cảm xúc trào dâng chăng? Chịu!
-Long ạ, cảm nhận của các em mỗi người có thể một cách. - Thầy từ tốn trả lời. - Nhưng riêng Thầy nhìn vào đây, Thầy thấy vui vì đã có một sáng thứ bảy tươi đẹp bên một người bạn tươi đẹp như Ly.
Nữ sinh ơi, đã ai trong các bạn từng được Thầy giáo gọi là “bạn tươi đẹp” chưa? Ki Ki được rồi đấy. Ki Ki đang chớp chớp mắt đây nè.
Thầy rút máy điện thoại trong cặp ra:
-Việt, gửi cho Thầy những tấm ảnh này ngay nhé. Rất tiếc, không biết được ai chụp để cám ơn. Thầy phải mang về lưu vô ổ cứng, và rửa hình ra kẻo chúng mất đi thì tiếc vô cùng.
Có ai còn gì để nói nữa không?
Chắc chắn thình thoảng các bạn đã đọc tin những tấm hình nhạy cảm được tung lên mạng của ai đó khiến cho họ khốn khổ vô cùng. Họ loay hoay tìm cách thanh minh. Hoặc thề sống thề ch.ết là mình vô tội.
Ngay ở trường An Hòa của tôi, một nữ sinh bên lớp 12 bị ai đó đưa hình hôn bạn trai ở công viên, cũng phải nghỉ học, chuyển trường.
Thế mà chuyện này thầy giáo Lịch sử đã coi như chẳng phiền phức gì, còn hóa thành một kỉ niệm quý báu cần lưu.
Mai Tồ bỗng đưa ra một câu hỏi bất ngờ:
-Thưa Thầy, em cũng muốn được bơi với Thầy thì làm sao ạ?
Thầy dùng ngón tay búng vào mũi nó:
-Em phải có một cái áo bơi in hình con vịt. Nhớ chưa?
Cả lớp cười ầm. Lấy đâu ra bé Mai ngốc ơi. Toàn thành phố chỉ có một cái áo bơi con vịt. Ly Cún vồ rồi. Bé Mai đi mua lúc này, chỉ còn con tắc kè hay con chó sói nhe răng.
Thầy giáo chào cả lớp đi ra. Để lại đám học sinh vừa ngạc nhiên, vừa khâm phục, lại vừa tẽn tò. Và tất nhiên, đám tẽn tò đông nhât. Những tên khoái chí vì tai nạn người khác làm sao lại khoái chí trước nỗi vui mừng?
Chúng chỉ còn cách bó tay. Chịu ch.ết.
Chỉ hai mươi phút trước, Ly Cún còn hốt hoảng. Thế mà bây giờ mặt Ly Cún vênh lên, má Ly Cún vênh lên và mũi Ly Cún cũng vênh lên nốt.
Nữ sinh trường này dùng máy điện thoại chụp hình ở khắp nơi: Trong lớp, ngoài vỉa hè, trong công viên, bên chuồng khỉ. Có đứa còn chụp khi vừa bị té xe hoặc vừa bị giật đồ.
Nhưng ai mặc áo tắm hai mảnh rưỡi chụp với Thầy ở bể bơi tươi cười như Ki Ki xinh đẹp? Không ai và mãi mãi không ai.
Tuy nhiên, chuyện tới đây chưa hết.