Chương 31
Ở Sicily, nếu không có tiền thì cũng đừng hy vọng chôn người thân của mình trong lòng đất. Đó là sự thua thiệt cuối cùng của những thằng khố rách. Và, ngay cả ở đất Sicily mà cũng còn phải chịu trách nhiệm về quá nhiều nỗi tủi nhục. Vậy mà ở nghĩa địa lại đầy những phiến đá xinh xinh hay những nhà mồ có cổng vào bằng sắt uốn éo hoa mỹ. Có những ngôi còn để ngỏ, có ngôi đã gắn xi – măng. Có ngôi dành chung cho cả gia đình.
Giáo sư Hector Adonis đã chọn một ngày chủ nhật đẹp trời sau khi Aspanu ch.ết để viếng nghĩa địa thị xã Montelepre. Ông Trùm Croce cũng sẽ đến đó gặp ông, để cùng với ông cầu nguyện bên mồ của Guiliano. Vì họ có việc phải bàn với nhau. Và có nơi nào tốt hơn để làm nơi gặp gỡ của những con người không còn kiêu căng khoe khoang, để tha thứ cho những nguyền rủa đã qua, để đào sâu những suy tính khôn ngoan?
Và có nơi nào tốt hơn để chúc tụng, khen ngợi người bạn đồng sự đã làm được một điều tốt? Nhiệm vụ của Ông Trùm là phải loại bỏ được thằng Pisciotta. Nó quá bép xép và có trí nhớ quá tốt. Ông Trùm đã chọn giáo sư Adonis làm đạo diễn. Tờ giấy luồn vào ngực thằng Pisciotta – là một trong những cử chỉ tế nhị nhất của Ông Trùm. Điều ấy làm cho giáo sư Adonis rất mãn nguyện. Và, một vụ mưu sát chính trị được ngụy trang dưới hình thức một cuộc trả thù rất lãng mạn, thì còn gì hay bằng. Đứng trước cửa nghĩa địa, ông giáo sư nhìn người tài xế và vệ sĩ đỡ Ông Trùm xuống xe. Những năm gần đây – thân xác Ông Trùm vốn đã phát phì – đã lại tăng trọng thêm nữa. Cứ như thể thân xác lão phát triển theo nhịp với sự phát triển quyền lực của lão.
Cả hai bước qua cổng nghĩa địa. Vòng cung phía trên cổng có hàng chữ uốn bằng sắt: “Trước kia chúng tôi cũng giống như quý vị - sắp tới, quí vị cũng giống như chúng tôi”. Ông Adonis mỉm cười vì cái câu vừa bi thương vừa chua chát giễu cợt đó. Nhưng, ở dưới mồ, chắc là Pisciotta đang gào thét, la lớn câu đó.
Ông Adonis không còn cảm thấy ghét cay ghét đắng cái thằng Pisciotta khốn kiếp đã sát hại thằng con đỡ đầu cưng của ông. Ông đã báo thù được cho nó. Ông nghĩ, có lẽ giờ này hai đứa lại đang chơi với nhau cái trò kẻ cướp như hồi còn nhỏ.
Ông Trùm nhìn tấm hình Guiliano:
- Thằng nhỏ thiệt ngon, chúng ta ai nấy đều yêu thương nó. Nhưng làm sao chúng ta có thể sống được với nó. Nó cứ muốn thay đổi cả thế giới này. Nó yêu con người. Nhưng thử hỏi, có mấy ai giết người nhiều hơn nó? Nó tin Chúa, nhưng lại bắt cóc đức Hồng y giáo chủ.
Giáo sư Adonis đăm đăm nhìn vào hình Guiliano. Tấm hình chụp năm hắn mười bảy tuổi. Ôi, cái vẻ đẹp tột cùng của Địa Trung Hải. Sự dịu dàng trên khuôn mặt khiến ta phải yêu thương hắn. Nhìn khuôn mặt ấy, ta không thể nào ngờ rằng hắn đã ra lệnh giết hàng ngàn người và đẩy hàng ngàn người xuống địa ngục.
Ơi Sicily! Hỡi ơi Sicily! Người đã hủy hoại những đứa con tuấn tú nhất của Người và đã biến chúng thành tro bụi. Những đứa con đẹp hơn cả thiên thần, đã lớn lên trên đất người và đã trở thành quỷ dữ. Quỷ dữ tràn lan trên đất Người, nhiều như cỏ, như cây! Vậy mà, tại sao một người như Croce lại đến đặt vòng hoa trên mộ Guiliano?
- Chúa ơi! – Ông Trùm than – Ước gì con có được một đứa con, chỉ một thôi cũng được, như Turi Guiliano! Và như vậy thì không hiểu con sẽ để lại cho nó một đế quốc như thế nào. Ai biết được nó sẽ đoạt được vinh quang đến mức nào!
Giáo sư Adonis mỉm cười. Đúng, Ông Trùm là một con người vĩ đại. Nhưng lão ta không có khái niệm gì về lịch sử. Thật ra lão có hàng ngàn đứa con sẽ kế tục sự cai trị của lão, sẽ thừa kế sự quỷ quyệt của lão, sẽ cướp phá Sicily cho đến tan hoang ra, sẽ làm cho Rome ung thối ra và chính ông, giáo sư sử học và văn học Palermo cũng là một trong những đứa con ấy.
Ông giáo sư và Ông Trùm quay ra về. Một dãy dài xe lừa kéo đang chờ trước nghĩa địa. Trên mỗi phân vuông của mỗi xe đều sơn màu lòe loẹt, vẽ lại các sự tích của Guiliano và Pisciotta. Nào là cướp tư trang của bà công tước, nào là cuộc hạ sát tập thể tất cả các sếp Mafia. Nào là cuộc sát hại Guiliano do chính tay Aspanu thực hiện. Ông giáo sư dường như đã biết tất cả những sự tích đó. Ông cũng biết rằng, mặc dù là một con người vĩ đại, Ông Trùm chắc chắn sẽ bị chìm sâu trong lãng quên. Rằng, vậy mà Guiliano sẽ sống mãi. Huyền thoại về Guiliano ngày càng lớn lên, càng thêm đậm đà, càng thêm sức lôi cuốn. Đã có vài người tin rằng Guiliano không ch.ết. Hắn còn đang thét vang trên rặng núi Cammarata. Có người tin rằng vào một ngày vĩ đại nào đó hắn sẽ phục sinh để bẻ gãy xiềng xích và đưa Sicily ra khỏi cảnh nghèo đói, áp bức, bóc lột, bất công. Trong hàng ngàn thôn xóm có những ngôi nhà xây bằng đá thô sơ và dơ bẩn, trong những ngôi nhà đó, những đứa trẻ chưa ra đời mà đã biết cầu nguyện cho hương hồn Guiliano và cầu mong hắn phục sinh.
Và, Pisciotta – với cái tâm hồn tinh quái của y – như người ta nói, vì đã không chịu nghe ông Hector Adonis kể chuyện hiệp sĩ Roland và Oliveier, nên đã quyết định đi theo con đường khác? Công bằng mà nói thì lẽ ra Pisciotta cũng phải chìm trong lãng quên. Nhưng vì y đã phạm nhiều tôi ác quá lớn, nên y cũng được đứng bên cạnh Turi yêu quý mãi mãi.
Pisciotta cũng được chôn trong nghĩa địa này. Hai đứa chúng nó sẽ được mãi mãi nhìn ngắm dãy núi thân thiết của chúng. Và cũng chính trên dãy núi ấy có bộ xương con voi của Hanibal. Cũng trên rặng núi ấy còn văng vẳng tiếng tù và của Roland khi hiệp sĩ chiến đấu chống lại quân Hồi. Turi Guiliano và Aspanu Pisciotta ch.ết trẻ. Nhưng chúng còn sống lâu, - nếu không phải là mãi mãi – thì ít ra cũng sống lâu hơn Ông Trùm Croce và lâu hơn cả chính ông, giáo sư Adonis.
Hai người – một cao lớn sồ sề, một thấp nhỏ - đã cùng rời khỏi nghĩa địa. Những thửa ruộng, mảnh vườn bậc thang bám quanh sườn núi như những dải băng xanh. Những tảng đá vôi trắng xóa lung linh dưới ánh mặt trời. Những con ó màu nâu đỏ đang bay lao về phía họ như mũi tên.
.....
Sicily! Ơi hỡi Sicily! Dung nhan của người!
Sicily! Ơi hỡi Sicily! Tâm hồn của người!
Mê hoặc và Huyền bí!
Đạo hạnh và Bạo tàn!