Chương 3
Tiếng cổng sắt chà trên nền xi măng báo hiệu đã có người về. Dù không thể chợp mắt và sự mệt mỏi vẫn đeo bám nhưng Khánh ngồi dậy nhanh chóng. Lại là cái dáng lanh lợi của con nhỏ. Nó bước vào nhà, nhìn mâm cơm còn nguyên và miếng thịt bị nhè ra, nụ cười tắt ngấm.
- Ê nhỏ... tôi đói! – Chính xác là rất đói.
- Cơm trưa có sao không ăn? – Con bé vẫn cố tỏ ra mến khách.
- Nấu dở thế ai ăn nổi! - Còn Khánh, tính tình thẳng thắn không dễ gì sửa đổi, anh chẳng bao giờ lo sẽ mất lòng người nghe khi lên tiếng.
Nhỏ cắn môi ném về phía vị khách vô ý một ánh nhìn như muốn nuốt chửng, vất cặp sang bên rồi chạy ra vườn hái mấy quả ổi.
- Ổi này ngon lắm! - Nó đưa cả rổ gần chục quả chín thơm lựng cho Khánh, tay lượm một quả cắn miếng rõ to.
- Ổi? - Cũng đã lâu lắm anh chưa ăn ổi, chả còn nhớ vị của nó thế nào - Không rửa sạch, gọt vỏ thì sao ăn?
- Dùng răng cắn! - Con bé ngồi ở giường bên, không định thực thi câu nói đầy vẻ ra lệnh đó. Nó bắt đầu mất đi vẻ nhiệt tình với vị khách từ thành phố về chơi. Nom anh ta đẹp mã thế kia mà cách cư xử chẳng đẹp chút nào. Thế là để mặc cho người đó loay hoay với miếng hoa quả, nhỏ xắn quần tới bắp, nhảy chân sáo ra vườn tìm việc làm, chẳng thèm quan tâm nữa.
- Chán quá! - Sau khi nhồi ba quả ổi vào bụng, Khánh quyết định đi một vòng xung quanh làng quê. Ở thành phố nhâm nhi cốc café lạnh, làm bạn với Facebook, hay tán gẫu cùng mấy người trong nghề đã hết toi cả buổi chiều, thế mà ở đây thời gian cứ như bị mắc kẹt tại một xó xỉnh nào đó.
Không còn nắng, áng mây lờ đờ trên nền trời màu xanh biếc, tiếng lá tre xào xạc trong làn gió man mác, không khí mới thật trong lành làm sao! Trái ngược mấy con đường trung tâm thành phố giờ này đang còi xe inh ỏi, tắc đường dài dài.
Xa xa đường chân trời có cánh chim ngang qua. Hương lúa phảng phất như thổi sức sống cho tâm hồn mỗi người. Khánh tìm một chỗ ngồi và lặng im ngắm nhìn cánh cò bay về phía chân trời. Bóng anh đổ dài, in trên nền đất sỏi. Những bông lau rung rinh nổi bật giữa đám cỏ xanh thấp lè tè, cảm giác êm ái, thanh bình lan tỏa trong anh, nhưng ngay sau đã bị gián đoạn bởi cái đuôi của con bò ngu ngốc nào đó quật qua quật lại.
- Đồ…con bò! - Anh bật dậy nhanh chóng, vội vàng lấy tay phủi áo, tránh xa con bò to lù lù. Đi được vài bước thì bắt gặp đàn vịt lạch bạch người ta thả cho tự do bơi lội. Khánh nhanh chóng tránh xa ngay vì sợ bẩn đôi giầy đắt tiền. Cái dáng người đi nép một bên nhường đường cho vịt chạy y như đám săn ảnh dàn hàng cho người nổi tiếng đi qua.
*
Khánh trở về nhà đúng lúc gia đình con nhỏ đã đi làm về. Họ có mặt ở ngoài ruộng gần như cả ngày nên khoảng chập tối là thời gian gia đình quây quần. Vừa thấy anh, họ chào đón rất niềm nở, bằng đúng tình cảm quê hương mộc mạc, chất phác. Cái vỗ vai của bố con bé khiến anh phải khụy người.
- Mong cậu không chê người nhà quê chúng tôi!
Rồi bữa cơm gia đình ngoài hiên với ánh đèn chập chờn bởi hệ thống phát điện lưới còn nhiều hạn chế, đám ruồi nhặng nhởn nhơ xung quanh nguồn sáng. Khánh ngồi cạnh bố con bé, chú mời rượu và gắp vào bát anh những miếng thịt ngon nhất. Trước sự nhiệt tình của bề trên, anh cũng miễn cưỡng nhấp thử chút rượu nếp. Vị hăng và nồng quá!
Con bé cứ săm soi anh suốt cả bữa, ánh mắt hằm hằm như thể sẵn sàng phóng tia lửa điện khiến anh phải gắng mà nuốt những thứ dở ẹc nó nấu, đến nỗi bỏ vào miệng tức thì phải nhắm mắt nuốt ực luôn, để mặc dạ dày tự co bóp. Nhìn họ ăn ngon miệng thế kia thật chẳng nỡ thay cơm bằng ổi.
- Cậu ngồi xem TV ấy! - Mẹ ra lệnh cho nhỏ bật TV khi kết thúc bữa cơm.
- Dạ! - Con bé với mái tóc buộc bổng cắm phích TV vào ổ điện rồi đưa điều khiển cho anh, sau đó đi rửa bát.
Khánh ngán ngẩm chuyển kênh mấy lượt. Không cáp, không đầu kĩ thuật số nên có TV cũng như không. Anh quăng điều khiển sang bên rồi lôi điện thoại chơi bắn gà. Đám muỗi thấy màn hình sáng lại bâu nhâu xung quanh khiến buổi tối càng trở nên đáng ghét. Bố mẹ con nhỏ người thì đang xay xát lúa, người đặt một cái quạt theo chiều gió ở góc sân và đổ thóc xuống ngay cạnh để gió quạt thổi bay bụi trấu. Nhìn họ khá vất vả, nước da rám nắng và thân hình mảnh khảnh, bộ quần áo sờn cũ, mồ hôi chảy tong tong dọc hai bên thái dương. Hôm nay con bé được miễn việc để tiếp khách quý nên cũng ngoan ngoãn ra chỗ anh dù chẳng ưa gì vị khách kiêu căng này.
- Cho em bắn gà với! - Nó cười toe, xòe tay trước mặt anh. Mái tóc nó vừa gội ướt sũng, chảy ròng ròng cả xuống nền đất, mùi dầu gội hắc hắc khó chịu.
Anh vẫn tiếp tục dán mắt vào màn hình, coi không sự có mặt của nó. Cho nó chơi để anh bầu bạn với lũ muỗi thì chả sáng suốt tẹo nào.
Con bé nghiến răng quay đi, đến bên cái TV và bật kênh truyền thống nhất, VTV , đã thế còn cố tình bật to át cả tiếng trò chơi. Lại có tiếng bạn í ới gọi, nó chạy tót ra ngoài.
Chơi chán anh chuyển sang lướt web, theo dõi thông tin giới showbiz ngày hôm nay. Anh tự nhủ cũng may vì còn có cái điện thoại đi cùng, không thì chắc cũng bị đồng hóa với lũ người nhàm chán ở đây rồi. Vậy nhưng chẳng bao lâu thì điện thoại hết pin. Đối với người luôn có trợ lý theo sau chuẩn bị chu đáo từng chút một như anh thì việc mang theo sạc pin là điều hi hữu, nên đành bấm bụng ngồi không giết thời gian.
Ở quê không được quy hoạch nhà đất như thành phố nên các mái nhà mọc lên không theo thiết kế nào cả, tường sau nhà này áp với vườn tược nhà khác. Có tiếng đám con gái đang ngồi buôn dưa lê bên bờ tường chắn qua hai nhà, anh nghe rõ giọng con nhỏ.
- Cái lão qua nhà tao mấy hôm chảnh thấy ớn!
Và sau đó chúng thay nhau bàn tán xôn xao, đứa này chưa dứt câu đứa khác đã chen vào.
Chả lẽ trong mắt mấy đám chúng một ngôi sao nổi tiếng như anh lại chỉ được có thế thôi ư? Trong khi dân thành thị hầu như ai ai cũng biết tới tên tuổi của Vũ Nam Khánh thì ở đây dường như anh chỉ là một người về quê chơi không hơn. Mà bận tâm đến mấy nhỏ đó làm gì?Anh leo lên giường cố nhắm mắt ngủ cho qua ngày. Cũng như trưa, lũ ruồi nhặng vo ve ngay trên đầu cộng thêm tiếng ếch ộp ngoài bụi cây thi nhau gây phiền hà, mùi ngai ngái của đám cỏ dại đi vào trong hơi thở.