Chương 3
Cô Mori tiếp nhận lời đề nghị nói chuyện của tôi với vẻ lịch sự đến kỳ lạ. Cô ta đi theo tôi. Phòng họp trống trơn. Chúng tôi vào đó ngồi.
Tôi bắt đầu bằng một giọng nhẹ nhàng và dứt khoát:
- Tôi từng nghĩ chúng ta là bạn bè. Tôi không thể hiểu nổi.
- Cô không hiểu cái gì?
- Cô có chối việc đã tố cáo tôi không?
- Tôi chẳng có gì phải chối cả. Tôi đã thực hiện đúng nội quy.
- Với cô nội quy quan trọng hơn tình bạn của chúng ta sao?
- Tình bạn nghe hơi quá. Tôi thấy nên nói là “quan hệ tốt giữa đồng nghiệp” thì hơn.
Cô ta thốt ra những lời khủng khiếp này với vẻ bình tĩnh, ngây thơ và nhã nhặn.
- Tôi hiểu rồi. Vậy cô có nghĩ là quan hệ của chúng ta sẽ vẫn tốt đẹp sau cái thái độ của cô không?
- Nếu cô xin lỗi thì tôi cũng sẽ chẳng khó khăn gì.
- Cô thật có khiếu hài hước, Fubuki à.
- Tuyệt lắm. Cô xử sự như thể cô là người bị tấn công trong khi cô đã phạm một sai lầm hết sức nghiêm trọng.
Tôi trả miếng:
- Lạ thật. Tôi cứ tưởng người Nhật khác với người Trung Quốc kia đấy.
Cô ta nhìn tôi không hiểu. Tôi nói tiếp:
- Phải. Không phải dưới thời cộng sản việc tố giác mới trở thành việc nên làm ở Trung Hoa. Cho đến tận bây giờ, người Singapore gốc Trung Hoa chẳng hạn, vẫn khuyến khích con cái họ tố giác bạn bè chúng. Tôi những tưởng người Nhật có ý thức về danh dự.
Tôi cứ tưởng sẽ trả miếng được hay ho, nhưng tôi đã nhầm. Hẳn tôi đã chạm tự ái của cô ta, một sai lầm chiến lược.
Fubuki mỉm cười:
- Cô nghĩ mình xứng đáng rao giảng đạo đức cho tôi sao?
- Fubuki này, theo cô thì vì sao tôi đề nghị nói chuyện với cô?
- Do vô thức.
- Cô không nghĩ được là vì tôi mong muốn được hòa giải với cô ư?
- Được. Cô xin lỗi đi và chúng ta sẽ lại bình thường. Tôi thở dài:
- Cô thông minh và tinh tế. Sao cô lại vờ như không hiểu nhỉ?
- Cô đừng tự phụ. Cô rất dễ chạm tự ái.
- Thế càng tốt. Vậy là cô đã hiểu sự phẫn nộ của tôi.
- Tôi hiểu và tôi không tán thành. Chính tôi mới là người có lý do để phẫn nộ bởi thái độ của cô. Cô đã mưu đồ một sự thăng tiến mà cô không có quyền.
- Cứ cho là vậy đi. Tôi không có quyền. Nhưng điều đó gây hại gì cho cô nào? May mắn của tôi không làm tổn hại gì đến cô cả.
- Tôi hai mươi chín tuổi, cô mới hai mươi hai. Tôi mới giữ vị trí này từ năm ngoái. Tôi đã phải giành giật suốt bao năm trời mới có được vị trí này. Vậy mà cô tưởng sẽ với tới một vị trí tương đương chỉ trong vài tuần sao?
- Hóa ra là vậy! Cô muốn tôi cũng phải chịu khổ. Cô không thể chịu nổi khi thấy người khác may mắn. Thật quá ư trẻ con!
Cô ta nhếch mép cười khinh bỉ:
- Và tự làm trầm trọng thêm hoàn cảnh của mình như cô đang làm thì là minh chứng của sự chín chắn ư? Tôi là cấp trên của cô. Cô cho mình có quyền ăn nói xấc xược như thế với tôi hả?
- Cô là cấp trên của tôi, đúng vậy. Tôi không có quyền gì hết, tôi biết. Nhưng tôi muốn cô biết tôi đã thất vọng tới mức nào. Tôi vốn rất quý mến cô.
Cô ta cười lịch sự:
- Tôi thì lại không thất vọng. Tôi chẳng quý mến gì cô.
Sáng hôm sau, tôi vừa đến công ty Yumimoto thì cô Mori báo ngay cho tôi công việc mới:
- Cô không phải thay đổi bộ phận, vì cô vẫn sẽ làm ở đây, tại phòng kế toán.
Tôi suýt bật cười:
- Tôi làm kế toán ư? Sao không phải là diễn trò nhào lộn nhỉ?
- Kế toán là nói hơi to tát thôi. Tôi không tin cô có thể làm kế toán, - Mori mỉm cười nói vẻ thương hại.
Cô ta chỉ cho tôi một ngăn kéo rất to bên trong chất đống hóa đơn của những tuần vừa qua. Rồi cô ta chỉ cho tôi một cái tủ bên trong xếp những cuốn sổ kế toán to tướng và mỗi cuốn có đề chữ cái đầu của mười một bộ phận của Yumimoto.
- Không còn việc gì có thể đơn giản hơn nữa đâu, nó hoàn toàn vừa sức với cô, - cô ta giải thích theo kiểu sư phạm. Đầu tiên cô phải sắp xếp hóa đơn theo thứ tự ngày tháng. Sau đó, cô xác định xem mỗi hóa đơn thuộc bộ phận nào. Lấy ví dụ như hóa đơn này: mười một triệu cho pho mát Emmental của Phần Lan - mà này, một sự tình cờ thú vị thật, hóa đơn của bộ phận sản phẩm sữa đấy. Cô lấy sổ hóa đơn DP rồi sao chép lại vào cột ngày tháng, tên công ty, tổng số tiền. Sau khi đã chép lại và sắp xếp hết các hóa đơn thì cô xếp chúng vào trong ngăn kéo ở đằng kia.
Phải thừa nhận là công việc này không khó. Tôi tỏ ra ngạc nhiên:
- Sao không làm việc này trên máy tính?
- Có chứ: đến cuối tháng, ông Unaji sẽ qua nhập các hóa đơn vào máy tính, ông ấy chỉ cần sao chép lại công việc của cô là đủ: như thế không phải mất nhiều thời gian.
Những ngày đầu tiên, thi thoảng tôi hơi lưỡng lự về việc chọn một vài sổ hóa đơn. Tôi hỏi Fubuki, và cô ta trả lời tôi với vẻ khó chịu nhưng vẫn lịch sự:
- Reming Itd là cái gì?
- Kim loại không chứa sắt. Bộ phận MM.
- Gunzer GMBH là gì?
- Sản phẩm hóa học. Bộ phận CP.
Chẳng mấy chốc tôi đã thuộc lòng tất cả các công ty và các bộ phận liên quan đến chúng. Công việc xem ra ngày càng dễ dàng với tôi. Công việc nhàm quá mức, nhưng tôi không thấy chán, bởi vì nó cho phép tôi để đầu óc vào việc khác. Chẳng thế trong khi ghi lại các chứng từ, tôi luôn ngẩng đầu lên mơ màng ngắm nhìn khuôn mặt đẹp tuyệt vời của người phụ nữ đã tố giác tôi.
Nhiều tuần nữa trôi qua và tôi ngày càng trở nên bình tĩnh. Tôi gọi công việc này là sự thanh thản kiểu chứng từ. Chẳng có gì khác biệt nhiều giữa nghề thầy tu sao chép thời Trung cổ với nghề của tôi: suốt bao nhiêu ngày tôi chỉ làm mỗi việc là chép lại những chữ cái và con số. Cả đời mình, bộ não của tôi chưa bao giờ ít được vận động tới mức như thế và nó thanh thản tuyệt vời. Đó là việc thiền quán bằng những cuốn sổ kế toán. Tôi ngạc nhiên khi thấy mình nghĩ rằng dù phải cống hiến tới bốn mươi năm cuộc đời cho trạng thái u mê thú vị này thì cũng chẳng thấy phiền.
Làm sao có thể tin nổi tôi thật dại vì đã học đại học. Tuy nhiên, chẳng có gì kém tri thức hơn trí não tôi khi nó xem ra có vẻ thích thú với những công việc ngớ ngẩn lặp đi lặp lại. Giờ thì tôi biết mình có xu hướng thích ngắm nghía viển vông. Thật hạnh phúc khi được vừa ghi chép các con số vừa chiêm ngưỡng những điều đẹp đẽ.
Fubuki nói rất phải: tôi đã lầm đường với ông Tenshi. Tôi đã soạn bản báo cáo về bơ chẳng để làm gì. Đầu óc tôi không thuộc loại của kẻ chinh phục, mà giống những con bò chăn thả trong bãi cỏ hóa đơn đợi đến lúc được hóa kiếp, sống khiêm tốn và ngờ nghệch mới sướng làm sao. Tôi ngủ đông.
Đến cuối tháng, ông Unaji tới nhập các số liệu của tôi vào máy vi tính, ông ta mất hai ngày để sao chép lại những cột chữ số của tôi. Tôi cảm thấy tự hào một cách lạ kỳ rằng mình là một mắt xích hiệu quả trong dây chuyền.
Không biết vì tình cờ - hay là số phận đã xui khiến ông giữ lại cuốn sồ hóa đơn CP đến lúc cuối. Cũng như với mười cuốn sổ kế toán đầu tiên, ông ta bắt đầu gõ uể oải lên bàn phím mà không hề nhúc nhích. Được ít phút, tôi nghe thấy tiếng ông ta thốt lên!
- Không thể tin được! Thật không tin nổi!
Ông Unaji lật qua các trang mỗi lúc một mạnh hơn. Rồi ông ta rú lên cười sằng sặc như bị kích động. Tiếng cười chuyển dần thành những tiếng rú khe khẽ giật cục từng hồi. Bốn mươi nhân viên trong căn phòng làm việc khổng lồ nhìn ông sửng sốt.
Tôi cảm thấy khó chịu.
Fubuki đứng dậy và chạy lại chỗ ông ta. ông Unaji vừa chỉ cho cô ta rất nhiều đoạn của hóa đơn vừa rú lên cười. Fubuki quay lại chỗ tôi. Cô ta không cười bệnh hoạn như ông bạn đồng nghiệp mà tái mặt gọi tôi.
- Cái gì đây? - cô ta hỏi tôi giọng khô khốc, tay chỉ vào một dòng chữ vừa bị kết tội.
Tôi đọc:
- Thì, đấy là một hóa đơn của GMBH đề ngày...
- GMBH ư? GMBH! - cô ta nổi giận.
Cả bốn mươi nhân viên của bộ phận kế toán phá lên cười. Tôi chẳng hiểu gì cả.
- Cô có thể giải thích cho tôi GMBH là gì? - cấp trên của tôi khoanh tay đề nghị.
- Đấy là một công ty hóa học của Đức mà chúng ta vẫn thường xuyên giao dịch.
Tiếng cười rú lên càng to.
- Cô không nhận thấy từ GMBH luôn đứng trước một hoặc nhiều cái tên à? - Fubuki tiếp tục.
- Có chứ. Tôi nghĩ đấy là tên các chi nhánh khác nhau của nó và chẳng cần đưa hết vào sổ kế toán làm gì cho rườm rà.
Ngay đến ông Saito vốn là người rất kín tiếng cũng phải cười phá lên rất to. Còn Fubuki thì vẫn không cười. Mặt cô ta lộ vẻ giận dữ bị dồn nén khủng khiếp nhất. Nếu có thể tát tôi thì chắc cô ta đã làm rồi. Fubuki nói với tôi bằng một giọng sắc lạnh như dao:
- Đồ ngu! Phải biết GMBH là viết tắt của từ trách nhiệm hữu hạn trong tiếng Đức giống như Itd trong tiếng Anh, và S.A. trong tiếng Pháp. Các công ty mà cô đã xếp chung một cách xuất sắc dưới tên gọi GMBH không hề dính dáng gì tới nhau cả! Cái đó cũng hệt như việc cô dùng Itd để chỉ tất cả các công ty của Mỹ, Anh và úc mà chúng ta đang có quan hệ làm ăn! Chúng tôi phải mất bao nhiêu thời gian đề sửa lại những nhầm lẫn của cô đây?
Tôi chọn cách bảo vệ ngốc nghếch nhất:
- Chả hiểu sao người Đức lại có ý chọn chữ dài thế không biết chỉ để nói trách nhiệm hữu hạn.
- Thế đấy! Nếu cô ngu ngốc thì đó là lỗi của người Đức à?
- Bình tĩnh lại đi, Fubuki, làm sao tôi có thể biết được...
- Cô không thể biết ư? Đất nước cô có biên giới với Đức, mà cô thì lại không thể biết điều mà chúng tôi sống ở phía bên kia quả địa cầu lại biết?
Tôi suýt thốt ra một điều khủng khiếp mà ơn Chúa, tôi đã kịp giữ lại cho mình: “Đúng là nước Bỉ có biên giới với Đức, nhưng Nhật Bản trong cuộc chiến tranh vừa rồi còn có chung với Đức nhiều thứ hơn kia!”
Tôi đành cúi đầu, chịu thua.
- Đừng có đứng ỳ ra đấy! Đi tìm những hóa đơn mà cô đã có sáng kiến xếp vào mục hóa học từ hơn một tháng nay đi!
Lúc mở ngăn kéo, tôi suýt bật cười khi nhận thấy rằng nhờ sự sắp xếp của tôi, cái tập hồ sơ sản phẩm hóa học đã chiếm một phần đáng kể trong ngăn kéo.
Ông Unaji, cô Mori và tôi bắt tay vào công việc. Chúng tôi phải mất ba ngày để sắp xếp lại đúng trật tự mười một tập hóa đơn. Sau đó thì không ai ưa nổi tôi nữa khi nổ ra một sự kiện còn nghiêm trọng hơn.
Dấu hiệu đầu tiên là hai bờ vai đồ sộ của ông Unaji kiên cường rung lên: điều đó chứng tỏ ông ta bắt đầu cười. Cơn rung lan dần xuống ngực rồi lên cổ họng ông ta. Cuối cùng thì tiếng cười bắn ra, còn tôi thì sởn gai ốc.
Fubuki lập tức tái mặt vì giận, hỏi:
- Cô ta còn làm cái gì nữa hả?
Ông Unaji chỉ cho cô ta cái hóa đơn và cuốn sổ kế toán.
Cô ta lấy hai tay ôm mặt. Tôi buồn nôn khi nghĩ tới điều đang chờ đợi mình.
Sau đó hai người lật tiếp các trang và đánh dấu vào nhiều hóa đơn khác nhau. Cuối cùng thì Fubuki nắm lấy cánh tay tôi: chẳng nói chẳng rằng, cô ta chỉ cho tôi những con số mà nét chữ viết tay không thể bắt chước của tôi đã sao chép lại.
- Cứ có hơn bốn số không liên tiếp là cô không thể chép lại cho đúng! Mỗi lần như thế cô lại bỏ bớt hoặc thêm vào một con số không!
- Ừ nhỉ.
- Cô thấy không? Giờ thì chúng tôi phải mất bao nhiêu tuần mới tìm ra và sửa hết những chỗ nhầm này hả?
- Bao nhiêu số không liền tù tì thế này thì chẳng dễ mà...
- Cô im đi!
Thế là cô ta kéo cánh tay tôi lôi ra ngoài. Chúng tôi đi vào một phòng làm việc trống và cô ta khép cửa lại.
- Cô không xấu hổ à?
- Tôi rất lấy làm tiếc, - tôi nói vẻ khổ sở.
- Không, cô không hề cảm thấy như vậy! Cô tưởng bịp được tôi hả? Cô cố tình nhầm lẫn quá đáng như thế là đề trả thù tôi!
- Tôi thề với cô không phải vậy đâu!
- Tôi biết rõ mà. Cô cay cú tôi đã tố giác cô với ông phó chủ tịch về vụ sản phẩm sữa nên cô đã biến tôi thành trò cười trước thiên hạ chứ gì?
- Tôi đã biến mình thành trò cười chứ không phải cô.
- Tôi là cấp trên trực tiếp của cô và ai cũng biết rằng chính tôi đã giao cho cô vị trí này. Vậy chính tôi là người chịu trách nhiệm về những hành động của cô. Mà cô thừa biết điều đó. Cô cư xử còn tệ hơn cả những người phương Tây khác: cô coi tính kiêu căng cá nhân của cô còn hơn cả lợi ích của công ty. Chỉ vì muốn trả thù thái độ của tôi đối với cô mà cô không ngần ngại phá hoại bộ phận kế toán của Yumimoto, trong khi thừa biết rằng những sai lầm của cô sẽ lại rơi vào đầu tôi!
- Tôi không hề biết và không cố tình gây ra những nhầm lẫn này!
- Được! Tôi không phải không biết cô kém thông minh. Nhưng không ai có thể ngớ ngẩn tới mức nhầm lẫn như vậy!
- Có chứ: có tôi.
- Thôi đi! Tôi biết là cô dối trá.
- Fubuki này, tôi xin thề danh dự với cô là tôi không cố tình chép nhầm.
- Danh dự! Cô thì biết gì về danh dự hả?
Cô ta cười khinh bỉ.
- Cô nên biết rằng danh dự cũng tồn tại ở phương Tây.
- Chà! Và cô cho là việc khẳng định không ngượng ngủng rằng mình là người ngu cuối cùng là đáng vinh dự sao?
- Tôi không nghĩ mình ngu đến thế.
- Thế thì nên biết; hoặc cô là một kẻ lừa lọc, hoặc là người chậm phát triển trí tuệ. Không có khả năng thứ ba.
- Có đấy, tôi là khả năng thứ ba đây. Có những người bình thường nhưng lại không thể sao chép các cột chữ số.
- Ở Nhật không có loại người này.
- Ai dám nghĩ tới việc đưa ra tranh cãi sự ưu việt của người Nhật cơ chứ? - tôi nói vẻ hối tiếc.
- Nếu cô thuộc loại người có đầu óc tật nguyền, thì lẽ ra cô phải nói với tôi, chứ không nên để tôi giao cho cô nhiệm vụ này.
- Tôi không biết là mình thuộc loại người này. Trong đời tôi chưa bao giờ sao chép những cột chữ số.
- Cái chứng tật nguyền này kể cũng lạ. Chẳng cần thông minh chút nào để sao chép lại những con số này.
- Nói chính xác thì tôi nghĩ đó là vấn đề của những người thuộc loại của tôi. Nếu sự thông minh không được cầu viện tới thì bộ óc của chúng tôi sẽ ngủ yên. Và vì thế mà xảy ra nhầm lẫn.
Vẻ mặt Fubuki đang từ hung hăng chuyển sang ngạc nhiên vui thích:
- Trí thông minh của cô mà phải cầu viện tới sao? Thật kỳ quặc!
- Thì cũng bình thường thôi mà.
- Thôi được rồi. Tôi sẽ tìm một công việc cần tới trí thông minh, - cấp trên của tôi nhắc lại và có vẻ khoái chí với câu nói vừa rồi.
- Trong khi chờ đợi, tôi có thể qua giúp ông Unaji sửa những chỗ sai?
- Không được! Cô gây thiệt hại chừng đấy là đủ rồi!
Tôi không biết người đồng nghiệp bất hạnh của tôi phải mất bao nhiêu thời gian mới sắp xếp lại được đống hồ sơ kế toán đã bị tôi làm biến dạng đi một cách rất chỉn chu. Nhưng cô Mori thì phải mất hai ngày mới tìm được công việc mà cô ta cho là vừa sức với tôi.
Một cặp hồ sơ to tướng đợi tôi trên bàn làm việc.
- Cô phải kiểm tr.a chứng từ các chuyến công tác, - cô ta nói với tôi.
- vẫn việc kế toán à? Tôi đã báo cho cô biết những yếu kém của tôi rồi mà.
- Chẳng liên quan gì. Công việc này sẽ đòi hỏi tới trí thông minh của cô, - cô ta cười ranh mãnh.
Fubuki mở cặp hồ sơ.
- Lấy ví dụ đây là hồ sơ chứng từ của ông Shiranai đã nộp để xin thanh toán chi phí cho chuyến công tác của ông ta ở Dũsseldorí. Cô phải tính lại từng chi tiết những tính toán của ông ta và kiểm tr.a xem kết quả của cô có khớp với ông ta không, tính theo tiền Yên. Và vì phần lớn các hóa đơn đều ghi bằng tiền Mark Đức, nên cô phải tính ra đồng Yên, dựa vào tỷ giá hối đoái tiền Mark Đức vào ngày tháng ghi trên hóa đơn. Cô nên nhớ là tỷ giá mỗi ngày khác nhau.
Thế là bắt đầu một trong những cơn ác mộng khủng khiếp nhất đời tôi. Ngay giây phút nhận nhiệm vụ mới này, khái niệm thời gian đã biến khỏi đời tôi để nhường chỗ cho nỗi thống khổ vĩnh hằng. Chưa một lần tính toán nào, thật chưa được một lần, tôi ra được kết quả trùng khớp hay ít ra là so sánh được với những con số mà tôi phải kiểm tr.a liên tục. Ví như, nếu ông Shiranai tính là Yumimoto phải thanh toán cho ông ta 93 327 yên, thì tôi ra kết quả 15 211 yên, hoặc 172 045 yên. Và ngay lập tức nhận ra những tính toán sai đều là của tôi.
Vào cuối giờ của ngày đầu tiên làm công việc mới này, tôi nói với Fubuki:
- Tôi nghĩ mình không làm được việc này.
- Thì đây là việc phải đòi hỏi tới trí thông minh mà, - cô ta đáp lại, vẻ gay gắt.
- Tôi không tài nào làm nổi, - tôi khổ sở thú nhận.
- Cô sẽ quen thôi.
Tôi không quen được. Rốt cuộc thì tôi không thể làm được, cho dù đã vật lộn hết sức với những phép tính.
sếp tôi giật lấy cặp hồ sơ để chứng tỏ cho tôi thấy công việc dễ đến mức nào. Cô ta cầm một hồ sơ và bắt đầu bấm chiếc máy tính nhỏ của cô ta với tốc độ chóng mặt mà chẳng cần nhìn phím bấm. Chưa đầy bốn phút, cô ta kết luận:
- Tôi tính ra số tiền giống của ông Saitama, theo tiền Yên.
Và cô đóng dấu của mình lên hồ sơ.
Tôi một lần nữa lại là nạn nhân của sự bất công của tự nhiên. Tôi tiếp tục công việc nặng nhọc của mình. Nhưng dù làm tới mười hai tiếng tôi vẫn không giải quyết được việc mà Fubuki làm như chơi trong ba phút năm mươi giây.
Tôi không biết bao nhiêu ngày đã qua khi cô ta nhận ra tôi vẫn chưa hợp thức hóa được một hồ sơ nào.
- vẫn chưa được cái nào! - cô ta thốt lên.
- Vâng, - tôi nói và đợi trừng phạt.
Cô ta đành chỉ tờ lịch trước nỗi khổ của tôi:
- Nhớ là cuối tháng phải xong hết cặp hồ sơ này đấy.
Tôi muốn giá mà cô ta hét lên thì hơn.
Lại thêm nhiều ngày trôi qua. Tôi ở trong địa ngục: hàng dài những con số liên tục ập xuống đầu tôi với biết bao nhiêu dấu phẩy và thập phân. Chúng vỡ ra trong bộ não tôi như một khối nhão dày đặc và tôi thì không thể phân biệt được chúng với nhau nữa. Một bác sĩ nhãn khoa chứng thực rằng không phải thị giác của tôi có vấn đề.
Những con số mà trước đây tôi từng say mê vì vẻ đẹp bình lặng kiểu Pitago nay đã trở thành kẻ thù của tôi. Cả cái máy tính nhỏ cũng muốn gây khổ cho tôi. Trong số những tật về tâm thần vận động của tôi thì có một thứ thế này: mỗi khi tôi phải gõ lên bàn phím hơn năm phút liền là tay tôi bỗng như bị dính nhựa, giống như tôi nhúng nó vào trong một thứ bột khoai tây nghiền đặc quánh và dính nhằng. Bốn ngón tay của tôi cứ đờ ra, không tài nào cứu chữa được; chỉ mỗi ngón trỏ là còn có thể ngọ nguậy được để chạm phải những cái phím, nhưng chậm chạp và lóng ngóng, điều không thể hiểu nổi đối với những người không phân biệt được những củ khoai vô hình.
Và hơn nữa, hiện tượng này lại trở nên càng trầm trọng hơn vì hiếm có ai dốt về số má như tôi. Ai cũng phải ngạc nhiên nhìn tôi loay hoay khổ sở với cái máy tính. Tôi bắt đầu bằng cách nhìn từng con số mới với vẻ ngạc nhiên như khi Robinson gặp một người bản xứ trên vùng đất lạ; sau đó, cái bàn tay cứng đờ của tôi cố sao chép nó lại trên bàn phím. Để làm được việc này, cái đầu tôi phải đưa qua đưa lại liên tục giữa tờ giấy và màn hình, để chắc chắn là không bị lạc một dấu phẩy hay một con số không trên đường đi. Điều kỳ lạ nhất là dù kiểm tr.a hết sức cẩn thận như vậy tôi vẫn để sót những nhầm lẫn khủng khiếp.
Một hôm, khi đang gõ máy tính hết sức khổ sở, tôi ngẩng mặt lên vaò thấy cô Mori đang quan sát tôi, vẻ ngạc nhiên hết sức.
- Vậy vấn đề của cô là sao? - cô ta hỏi tôi.
Để cô ta an tâm, tôi tâm sự về cái hội chứng khoai tây nghiền làm tê liệt bàn tay tôi. Tôi nghĩ là câu chuyện này sẽ làm cô ta nhìn tôi dễ chịu hơn.
Niềm tin tưởng của tôi nhận được kết quả duy nhất là cái kết luận mà tôi đọc được trong đôi mắt tuyệt đẹp của Fubuki: “Lúc này thì mình đã hiểu: đúng là một đứa mắc bệnh tâm thần. Điều này giải thích tất cả mọi chuyện.”
Sắp hết tháng rồi mà hồ sơ trong cặp vẫn chất đống.
- Cô chắc chắn là mình không cố tình làm vậy chứ?
- Chắc chắn là không.
- ở nước cô, có nhiều người... giống như cô không?
Tôi là người Bỉ đầu tiên mà cô ta gặp. Niềm tự hào dân tộc chợt bùng lên khiến tôi phải nói thật:
- Không có người Bỉ nào giống tôi cả.
- Tôi cũng nghĩ vậy.
Tôi bật cười.
- Cô thấy buồn cười à?
- Fubuki, chưa ai nói với cô rằng ngược đãi những kẻ bị tâm thần là hèn à?
- Có chứ. Nhưng người ta lại không báo trước cho tôi biết là tôi sẽ có một cấp dưới bị như vậy.
Tôi lại càng cười nhiều hơn.