Chương 6
Vẻ mặt tự tin, cô ta chỉ cho tôi một cách rất chuyên nghiệp, những cử chỉ hành động mà từ nay tôi sẽ làm y như vậy. Đó là thay cuộn vải “khô và sạch” khi cuộn này đã được dùng hết để lau tay; đó là thay những cuộn giấy vệ sinh vào trong các ngăn vệ sinh - Và để làm việc này, cô ta giao cho tôi những chiếc chìa khóa quý báu của một cái kho là nơi cất chứa giấy vệ sinh khỏi mọi sự thèm muốn, đây là những món đồ kỳ diệu mà nhân viên nào của công ty Yumimoto cũng cần đến.
Đỉnh điểm của tấn hài kịch xảy ra khi người đẹp nhẹ nhàng cầm chiếc bàn chải cọ nhà vệ sinh để giải thích cho tôi, hết sức nghiêm túc, về cách sử dụng - Cô ta cho là tôi không biết cách dùng chắc? Tôi có lẽ chưa bao giờ có thể tưởng tượng được rằng mình lại có cơ hội trông thấy vị nữ thánh này cầm một dụng cụ giống như vậy. Cho dù với lý do hết sức chính đáng là chỉ cho tôi ngôi vị mới của mình.
Tôi vô cùng sửng sốt hỏi:
- Tôi làm thay cho ai?
- Không thay cho ai cả. Các bà tạp vụ làm việc này buổi tối.
- Thế họ xin thôi việc rồi sao?
- Không. Đơn giản là cô phải biết họ làm đêm cũng không đủ. Không hiếm khi ban ngày chúng ta chẳng còn vải khô để lau tay, hoặc nhiều phòng vệ sinh không còn giấy, hoặc một cái bệ xí bị bẩn tới tận tối. Thật bất tiện, nhất là khi chúng ta có khách tới Yumimoto.
Trong khoảnh khắc, tôi tự hỏi là đối với một nhân viên, cái bệ xí bị khách bên ngoài công ty làm bẩn thì có gì bất tiện hơn là bị đồng nghiệp làm bẩn. Tôi chưa kịp tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi này thì Fubuki đã kết luận với nụ cười dịu dàng:
- Từ bây giờ, nhờ có cô, chúng ta sẽ không phải chịu những điều khó chịu này nữa.
Xong cô ta bỏ đi. Tôi còn lại một mình ở cái nơi vừa được bổ nhiệm. Ngỡ ngàng, tôi đứng bất động, hai cánh tay buông thõng. Vừa lúc đó thì cánh cửa lại mở ra. Như trong kịch, Fubuki quay lại để nói với tôi về cái điều đẹp đẽ nhất:
- Tôi quên mất, tất nhiên là cô phải dọn cả bên nhà vệ sinh nam nữa đấy.
Để xem nào. Hồi nhỏ, tôi từng mơ ước trở thành Thượng đế. Nhưng rồi tôi hiểu ra ngay lập tức rằng đó là đòi hỏi quá đáng và tôi đã rót thêm một chút nước thánh vào cốc rượu lễ của mình: tôi sẽ là Chúa Jesus. Rồi tôi lại nhanh chóng nhận thức ra cái tham vọng quá thể của mình và chấp nhận lớn lên sẽ “làm” người tử vì đạo.
Khi trưởng thành, tôi quyết tâm bớt hoang tưởng tự đại và xin vào làm phiên dịch trong một công ty Nhật. Hỡi ôi, như thế là quá tốt đối với tôi, vậy nên tôi phải hạ một cấp để trở thành kế toán. Nhưng từ đó thì không gì ngăn nổi vị trí xã hội của tôi cứ tụt dốc dài dài. Vậy là tôi đã bị thuyên chuyển sang chẳng làm gì. Vô phước thay - lẽ ra tôi phải biết trước điều đó chứ - Chẳng làm gì vẫn còn là quá tốt đối với tôi. Và thế là tôi nhận lần bổ nhiệm cuối cùng: lau chùi nhà vệ sinh.
Cái chặng đường khắc nghiệt từ thần thánh cho tới tận phòng vệ sinh này kể cũng đáng ngạc nhiên thật. Khi một ca sĩ có thể chuyển từ giọng cao sang giọng trầm thì người ta bảo cô có quãng âm rộng. Tôi mạn phép nhấn mạnh là tài năng của mình có quãng âm cực rộng, có thể hát ở mọi âm vực, từ Chúa Trời cho đến bà Nước Tiểu. Cơn sững sờ qua đi, điều đầu tiên tôi cảm nhận là một cảm giác khuây khỏa đến lạ lùng. Cái lợi ở đây là khi ta đã phải lau những bồn xí bẩn, có nghĩa là ta không còn sợ bị hạ thấp hơn được nữa.
Những gì Fubuki đang nghĩ trong đầu có thể tóm tắt thế này: “Ngươi theo ta vào đến tận nhà vệ sinh hả? Được lắm. Ngươi sẽ phải ở lại đó.”
Tôi đã ở lại.
Tôi nghĩ bất kỳ ai ở vào vị trí của tôi đều sẽ xin thôi việc. Bất kỳ ai, trừ phi đó là một người Nhật, cấp trên giao cho tôi công việc này chính là để buộc tôi phải xin thôi việc. Mà xin thôi việc là mất thể diện. Trong mắt người Nhật thì lau chùi nhà vệ sinh không có gì vinh dự, nhưng nó cũng không phải là mất thể diện.
Trong hai điều tồi tệ thì phải chọn điều đỡ tồi tệ hơn thôi. Tôi đã ký hợp đồng một năm. Đến ngày mùng 7 tháng Giêng năm 1991 thì sẽ hết hạn. Hiện đang là tháng Sáu. Tôi sẽ tiếp tục. Tôi sẽ sợ xử y như một cô gái Nhật. Và như vậy, tôi sẽ không tránh được quy luật là mọi người nước ngoài muốn hòa nhập ở Nhật đều phải tôn trọng những lề thói của đất nước này. Tuy nhiên không có chuyện ngược lại đâu nhé: những người Nhật bực mình khi người khác không tuân thủ luật của họ lại chẳng bao giờ thấy khó chịu về chính những vi phạm của họ tới những lề thói khác.
Tôi nhận thức rõ sự bất công này, song lại vẫn phục tùng nó một cách triệt để. Những cách hành xử không thể hiểu nổi trong đời luôn xuất phát từ những ấn tượng dai dẳng có từ thời thơ ấu. Hồi nhỏ, tôi quá ấn tượng với vẻ đẹp của thế giới Nhật tới mức đến giờ tôi vẫn còn sống trên cái kho lưu giữ tình cảm thân thương ấy. Đến giờ, tôi thấy rõ cái hệ thống kinh hoàng đáng khinh bỉ đã bác bỏ tất cả những điều mà tôi yêu mến, tuy nhiên tôi vẫn trung thành với những giá trị mà tôi không còn tin tưởng nữa.
Tôi không mất thể diện. Trong suốt bảy tháng trời, tôi làm công việc lau chùi nhà vệ sinh của công ty Yumimoto.
Vậy là bắt đầu một cuộc đời mới. Dù nghe có vẻ kỳ cục nhưng tôi không có cảm tưởng là bị rơi xuống đáy xã hội. Xét cho cùng thì cái nghề này rõ ràng là không ghê rợn bằng nghề kế toán - ý tôi nói ở đây là công việc kiểm tr.a chứng từ công tác. Giữa việc suốt ngày phải lôi từ cái máy tính ra những con số ngày càng mắc bệnh tâm thần phân liệt và việc lôi từ trong kho ra những cuộn giấy vệ sinh, thì tôi chẳng còn gì phải do dự.
Tôi cảm thấy mình kiểm soát được tình hình trong cái gọi là việc làm của tôi kể từ nay. Bộ óc tàn tật của tôi vẫn hiểu bản chất của những vấn đề được đặt ra cho nó. Không còn phải tìm ra tỉ giá hối đoái đồng Mark của ngày 19 tháng Ba để chuyển đổi sang đồng Yên cái hóa đơn thanh toán tiền khách sạn, rồi đối chiếu các kết quả tính của tôi với kết quả của quý ông và rồi lại tự hỏi tại sao ông ta tính ra được 23
254 còn tôi lại tính ra 499 212. Giờ tôi chỉ cần phải chuyển đổi cái bẩn thỉu thành sạch sẽ và chuyển từ hết giấy sang có giấy.
Không thể có cái sạch sẽ thể chất mà lại thiếu trong sạch tinh thần. Tôi chắc phải nói thế này với những ai thấy sự phục tùng của tôi với quyết định đê hèn này là không đáng: trong suốt bảy tháng trời làm việc này, chưa có một giây nào tôi cảm thấy nhục nhã.
Ngay khi nhận được lệnh bổ nhiệm ngoài sức tưởng tượng này, tôi bước vào một thế giới khác: thế giới của thứ chẳng ra gì, thuần khiết và đơn giản. Tôi nghĩ mình đã bị xô đẩy tới mức ấy là do phản xạ: để có thể chịu nổi bảy tháng trời ở đó, tôi phải thay đồi những cơ sở quy chiếu, phải đảo ngược lại những thứ trước đây vẫn là điểm mốc với tôi.
Và nhờ có bản năng sinh tồn trong khả năng miễn dịch của tôi mà sự đảo ngược bên trong này xảy ra ngay tức thì. Chẳng mấy chốc, trong đầu tôi, cái bẩn trở thành sạch, nỗi nhục thành vinh quang, kẻ tr.a tấn thành nạn nhân và sự bần tiện thành khôi hài.
Tôi nhấn mạnh đến điều cuối cùng này: tôi đã sống ở đó (đây là lúc để nói điều này), giai đoạn hài hước nhất trong cuộc đời mình, tuy đã từng trải qua những cảnh nực cười khác. Buổi sáng, khi tàu điện ngầm đưa tôi đến tòa nhà của công ty Yumimoto, tôi đã bắt đầu thấy buồn cười khi nghĩ tới điều đang chờ mình. Và ngay khi yên vị trong nhiệm sở là tôi phải gắng lắm mới ngăn mình khỏi cơn cười như hóa dại.
Trong công ty, có khoảng một trăm người làm việc thì chỉ có năm phụ nữ, trong đó Fubuki là người duy nhất đạt tới vị trí lãnh đạo. Vậy là còn lại ba nhân viên làm việc ở các tầng khác: mà tôi thì chỉ được giao phụ trách nhà vệ sinh của tầng thứ bốn mươi tư. Bởi vậy, phòng vệ sinh nữ của tầng bốn mươi tư có thể nói là vương quốc dành riêng cho tôi và cô sếp của tôi.
Nói thêm một chút là ranh giới địa lý của tôi ở tầng bốn mươi tư chứng tỏ, nếu cần, cái việc bổ nhiệm của tôi là hoàn toàn vô nghĩa. Nếu những vết bẩn mà bên quân đội lịch sự gọi là “vệt phanh” là một điều phiền đối với khách, thì tôi không hiểu chúng có đỡ khó chịu hơn ở tấng thứ bốn ba hay bốn lăm không.
Tôi không đi kiểm chứng lập luận này. Nếu tôi làm thế thì chắc chắn người ta đã nói với tôi: “Chính xác. Từ bây giờ, những chỗ ở tầng khác cũng sẽ thuộc phạm vi công việc của cô.” Tham vọng công việc của tôi bằng lòng dừng ở tầng thứ bốn mươi tư.
Sự đảo lộn mọi giá trị của tôi không thuần là ảo ảnh. Fubuki rõ ràng cảm thấy nhục nhã bởi cái điều mà chắc cô ta đã diễn giải như cách thể hiện tính cứng đầu của tôi. Rõ ràng cô ta mong tôi đệ đơn xin thôi việc. Tôi đã chơi cô ta một vố khi quyết định ở lại. Cô ta bị bẽ mặt.
Chắc chắn, sự thất bại này không thể nói ra miệng. Tuy nhiên tôi có những chứng cứ.
Vậy là, xui khiến thế nào tôi gặp ông Haneda bằng xương bằng thịt ở trong phòng vệ sinh nam. Cuộc gặp gỡ này khiến cả hai chúng tôi đều hết sức ấn tượng: với tôi thì quả là khó tưởng tượng nổi lại gặp Thượng đế ở một nơi như vậy; còn với ông ấy thì chắc chắn là vì ông chưa được tin về sự thuyên chuyển của tôi.
Trong một thoáng, ông mỉm cười vì cho rằng tôi đã nhầm phòng vệ sinh do bản tính lơ đễnh vụng về. Song ông đã ngừng cười khi thấy tôi tháo cuộn vải lau tay vừa ướt vừa bẩn và thay vào đó một cuộn mới. Ông hiểu ra ngay lập tức và không dám nhìn tôi nữa. Ông có vẻ rất bối rối.
Tôi không hề mong đợi sự việc này sẽ thay đổi số phận tôi. Ông Haneda là một chủ tịch quá tốt bụng nên sẽ không xem xét lại lệnh do những nhân viên cấp dưới của ông ban ra, nhất là khi mệnh lệnh đó lại là của nữ cán bộ duy nhất trong công ty của ông. Dấu vậy, tôi vẫn có những lý do để nghĩ rằng Fubuki sẽ phải giải thích với ông về việc thuyên chuyển tôi.
Quả thực, hôm sau, lúc ở trong phòng vệ sinh nữ, cô ta ung dung nói với tôi:
- Nếu cô có những lý do để phàn nàn, thì cô phải nói với tôi.
- Tôi chẳng phàn nàn với ai hết.
- Cô thừa hiểu tôi muốn nói gì.
Tôi không hiểu tới mức thế. Tôi phải làm gì để không có vẻ phàn nàn nhỉ? Trốn ngay khỏi phòng vệ sinh nam để cho mọi người tin là tôi đã nhầm phòng thật sao?
Tuy nhiên, tôi rất khoái câu của sếp tôi: “Nếu cô có những lý do để phàn nàn...” Cái mà tôi thấy hấp dẫn nhất trong câu này là từ “nếu”: có nghĩa là tôi chẳng có lý do gì để phàn nàn cả.
Phân cấp thứ bậc cho phép hai người nữa có thể lôi tôi ra khỏi chỗ đó: ông Omochi và ông Saito.
Chẳng có chuyện ông phó chủ tịch lo lắng cho số phận của tôi đâu. Mà trái lại ông ta còn là người thấy khoái chí nhất trong việc chuyển đổi công việc của tôi. Lúc gặp tôi ở phòng vệ sinh, ông ta còn hân hoan nói:
- Có việc là tốt, đúng không?
Ông ta nói điều này mà không hề có ý mỉa mai. Chắc chắn là ông ta nghĩ rằng chỉ trong công việc này tôi mới tìm được sự phát triển cần thiết. Dưới mắt ông ta, việc một người vụng về như tôi cuối cùng cũng có một chân trong công ty đã là một việc tích cực. Vả lại, ông ta hẳn phải thở phào nhẹ nhõm là đã trả công tôi không phải để tôi ngồi chơi xơi nước.
Nếu có người chỉ cho ông ta thấy việc thuyên chuyển công việc này là một sự sỉ nhục với tôi thì ông ta chắc sẽ thốt lên:
- Còn sao nữa hả? Việc đó không tương xứng với cô ta sao? Cô ta phải thấy mừng vì được làm việc cho chúng ta mới phải.
Trường hợp của ông Saito thì lại khác hẳn. ông có vẻ thực sự thấy buồn vì chuyện này. Tôi thấy ông ta sợ phát khiếp trước Fubuki: cô ta chứng tỏ hơn sức và cao quyền hơn ông ta tới bốn mươi lần. Cho nên chẳng vì cớ gì mà ông ta dám can thiệp vào.
Khi ông gặp tôi trong nhà vệ sinh, nét căng thẳng lộ rõ trên khuôn mặt gầy guộc của ông. Fubuki quả là có lý khi cô ta nói với tôi về tính nhân đạo của ông Saito. Ông ta là người tốt bụng nhưng nhút nhát.
Tôi ngại nhất là khi gặp ông Tenshi tuyệt vời trong nhà vệ sinh, ông bước vào và nhìn thấy tôi: nét mặt ông biến sắc. Phút ngạc nhiên ban đầu qua đi, mặt ông đỏ lựng lên. ông thì thầm:
- Cô Amélie...
Ông ngừng lại vì hiểu ra là chẳng có gì để nói. Thế là ông Tenshi có một hành động rất lạ: ông quay ra ngay lập tức và không thực hiện bất cứ chức năng nào đã định sẵn cho nơi này.
Tôi không biết là ông ấy hết nhu cầu hay ông đi vào nhà vệ sinh của tầng khác. Thêm một lần nữa tôi lại thấy ông Tenshi đã tìm ra được giải pháp cao đẹp nhất: cách ông thể hiện sự không đồng tình với số phận của tôi là tẩy chay nhà vệ sinh của tầng bốn mươi tư. Vì tôi không bao giờ thấy ông quay lại đó nữa - dù ông có là thiên thần thì cũng phải có những nhu cầu bình thường chứ.
Tôi nhanh chóng hiểu ra rằng ông Tenshi đã khuyên những người chung quanh ông; chẳng mấy chốc,
không một thành viên nào của bộ phận sản phẩm sữa lui tới sào huyệt của tôi nữa. Và dần dà tôi nhận ra là nhân viên của những bộ phận khác cũng hiếm khi lui tới nhà vệ sinh nam ở tầng này.
Tôi cầu nguyện cho ông Tenshi. Hơn nữa, sự tẩy chay này là một cách trả thù thực sự nhằm vào Yumimoto: những nhân viên chọn cách đi xuống tầng bốn ba phải đợi thang máy nên mất một khoảng thời gian mà lẽ ra họ phải dùng để phục vụ cho công ty. ở Nhật Bản, điều đó bị quy là phá hoại ngầm: một trong những tội ác nguy hiểm nhất ở Nhật, tồi tệ đến nỗi người ta phải dùng tiếng Pháp để gọi tên cái tội ác đó, bởi chỉ có người nước ngoài mới có thể nghĩ ra thứ tội ác hèn hạ đến mức ấy.
Tinh thần đoàn kết của các nhân viên nam tầng thứ bốn mươi tư khiến tim tôi xúc động và khiến tôi càng say mê ngữ văn học: tuy từ “tẩy chay” trong tiếng Anh có nguồn gốc từ họ một địa chủ Ireland là Boycott, song người ta vẫn có thể giả thiết rằng từ nguyên học của cái họ này hàm ý chỉ một cậu con trai (boy). Trên thực tế, chỉ toàn cánh đàn ông tẩy chay nhiệm sở của tôi.
Không có việc phái nữ tẩy chay. Ngược lại là đằng khác, Fubuki hình như lại say sưa đi vệ sinh hơn bao giờ hết. Thậm chí cô ta còn đi vào đó đánh răng hai lần mỗi ngày: khó mà tưởng tượng được những tác dụng có lợi của nỗi căm thù đối với vệ sinh răng miệng của cô ta. Cô ta tức giận vì tôi không đâm đơn xin thôi việc tới mức phải kiếm đủ mọi cớ để đến hạ nhục tôi.
Cách sử xự này khiến tôi thấy thích thú. Fubuki nghĩ là gây rối cho tôi trong khi trái lại, tôi chỉ thấy hết sức vui mừng là có được vô số cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp bão tố của cô ta trong cái chốn phòng the chỉ dành riêng cho hai chúng tôi thế này. Chẳng có chốn khuê phòng nào lại riêng tư như phòng vệ sinh nữ của tầng bốn mươi tư: khi cửa vừa mở ra, tôi đã biết ngay đó là cấp trên của tôi, vì ba người phụ nữ kia làm việc ở tầng bốn ba. Bởi vậy, đây là một nơi khép kín, cứ như phòng tập kịch, nơi hai nữ diễn viên bi kịch thường gặp nhau nhiều lần mỗi ngày để viết tiếp trường đoạn mới cho một vở đầy mâu thuẫn đam mê.
Chú thích:
( ,2) Tên hai thành phố Nhật bị ném bom nguyên tử trong Đại chiến Thế giới lần thứ hai.