Chương 48
Triệu Thái thú vâng lệnh bắt tặc nhân
Lên Côn Sơn mời thỉnh Tế Hòa thượng
Tần Thừa tướng nhìn lên vách, bài thơ của tặc nhân để lại ràng ràng. Thơ rằng:
Càn nguyên vũ trụ đáng anh hùng,
Khôn đao một lưỡi mặc hoành tung,
Đạo lấy gia tài quan tà nịnh,
Thử chạy khắp nơi sướng vô cùng.
Hoa nhật trời quang ở chánh trung,
Vân du bốn biển tỏ hào hùng,
Long thiên thần thánh luôn phò hộ,
Trộm phá gian thần giận nổi khùng.
Bên cạnh còn có bốn câu thơ ngắn:
Đan đao một ngọn dắt bên lưng,
Đích thị Vân Long vượt núi rừng,
Thừa tướng muốn nom người hiệp nghĩa,
Lâm An thái thú cứ sai trưng.
Thừa tướng xem xong lập tức vào thư phòng sai người giả nhái theo chữ viết lại rồi mới phái người đến mời Thái thú Lâm An đến. Không bao lâu, Triệu Phụng Sơn đến thư phòng, thưa:
- Thừa tướng cho đòi ty chức có đều chi sai bảo?
- Ta mời Thái thú đến nhà ta để kiểm nghiệm. Tối vừa rồi có một tên giang dương đại đạo đến trộm lấy ngọc báu truyền gia của nhà ta gồm có một đôi vòng thấu thể Bạch ngọc, một chiếc phụng quan thùy châu đính 13 viên bửu bối. Khi đi còn để lại hai bài thơ.
Thái thú nghe như vậy hồn bay ngàn dặm, nói:
- Ty chức lập tức sẽ phái người tuần tr.a ngày đêm, chỗ đế đô dân cư đông đúc rất dễ cho kẻ gian ẩn nấp! Xin Thừa tướng gia ân, ty chức trở về sẽ phái sai nhân đi bắt giặc ngay.
- Ta hẹn cho ông ba ngày phải bắt cho được tên trộm ấy, thu hồi của báu truyền gia lại cho ta.
- Xin tuân lệnh dụ.
Quan Thái thú chẳng biết làm cách nào hơn đành phải nói thế rồi cầm bản sao bài thơ của tên trộm cáo từ về nhạ Về đến nha môn cấp tốc sai người mời quan hai huyện Tiền Đường, Nhơn Hòa và các quan viên sở thuộc trấn hổ sảnh đến. Trước mọi người, Triệu Phụng Sơn nói:
- Hiện giờ tướng phủ bị trộm mất đôi vòng ngọc và phụng quan, tướng gia truyền lệnh hẹn cho ta ba ngày phải bắt cho được kẻ trộm, các ông về nha của mình phải gấp rút phái người tầm nã. Nếu có ai bắt được trộm thì một phủ hai huyện thưởng chung số bạc là 1.200 lượng. Các ông trở về làm gấp việc cho xong đi. Nếu để lâu, kể trộm trốn mất thì ta và các ông không có đất nẻ nào để chui xuống tránh trốn cơn thịnh nộ của Thừa tướng.
Mọi người trở về nhiệm sở sai ngay người đi bắt giặc. Ba ngày làm sao bắt được? Tri huyện Tiền Đường nguyên là người lưỡng bảng xuất thân, tâm tình rất chánh trực. Khi trở về nha liền sai 8 tên sai dịch: Triệu Đại, Vương Nhị… đi dò xét. Huyện Nhơn Hòa cũng phái bọn Điền Lai Báo, Vạn Hằng Sơn ra đi, phải hết lòng ra sức với phần hưởng rất hậu. Ba ngày chưa thấy tông tích giặc. Quan Thái thú phải đến phủ Thừa tướng xin gặp mặt để được gia hạn ba ngày nữa. Lại ba ngày nữa, bóng giặc biệt tung, huyện Nhơn Hòa lại nhờ Kinh doanh điện soái xin giùm Thừa tướng ba ngày nữa. Rồi phủ huyện cũng nhờ lục bộ, cửu khanh một khoa ba đạo đến gặp mặt Thừa tướng xin triển hạn ba ngày nữa. Lần lượt xin gia hạn như vậy hai tháng trôi qua mà giặc vẫn chưa bắt được. Một hôm, quan Thái thú đến xin với Thừa tướng gia hạn. Thừa tướng nói:
- Trước kia ta cho ông thời hạn ba ngày, nhưng vì mọi người theo năn nỉ, nể mặt nhau mà gia hạn mãi đến nay đã hơn hai tháng rồi mà giặc vẫn chưa bắt được. Đó là do các thuộc hạ bỏ bê nhiệm vụ, ngày mai ta phải xử nặng ông mới được.
- Xin tướng gia đặc cách thi ân chọ Bọn ty chức đang phái người đi rước Tế Công trưởng lão ở chùa Linh Ẩn về. Chỉ cần lão nhân gia trở về đây là việc bắt giặc dễ như trở bàn tay, không cần phải phí sức mất thì giờ nữa.
- Ông đề cử Tế Điên Hòa thượng chính là thế tăng của bản các đấy. Ta đang nghĩ đến người đây mà người hiện ở đâu?
- Hiện ở nhà em tôi để trị bệnh đau mắt cho bà thím. Tôi đã cử người đi thỉnh rồi.
- Thôi, ta nể mặt Tế Công gia hạn cho ông vài ngày nữa. Ông phải mau mau thỉnh Tế Công về đây cho ta.
Triệu Thái thú vâng dạ lãnh lệnh về nha môn sai phái Sài Nguyên Lộc và Đỗ Chấn Anh mang theo lộ phí đến Côn Sơn rước Tế Điên. Tế Điên đang ở trong thư phòng nói chuyện vớI Triệu Phụng Minh thì có gia nhân vào thưa:
- Bên ngoài có hai vị Ban đầu ở nha môn Thái thú Lâm An là Sài Nguyên Lộc và Đỗ Chấn Anh đến xin gặp mặt.
- Bảo họ vào đây.
Giây lát hai vị Ban đầu theo gia nhân vào phòng vái chào Tế Công trước rồi mới thi lễ nhị viên ngoại. Thi lễ xong mới đem việc ở Lâm An kể lại tỉ mỉ. Tế Điên nói:
- Việc này Hòa thượng ta phải quan tâm mới được. Thôi, đã đến lúc cáo từ nhị viên ngoại đây.
Triệu Phụng Minh nói:
- Thưa sư phó, để ngày mai hãy đi, có việc gì gấp đâu?
- Ta có việc không thể ở nán lâu được.
Triệu Phụng Minh kêu dọn tiệc rượu tiễn hành và tặng lộ phí hai vị Ban đầu. Tế Điên và hai vị Ban đầu từ biệt mọi người theo đường cái trở về Lâm An. Cứ ngày đi đêm nghỉ, đói ăn khát uống, chẳng mấy chốc còn cách Lâm An ba dặm. Tế Điên hỏi:
- Sài đầu, Đỗ đầu này, hai ông có muốn bắt kẻ trộm vòng ngọc và phụng quan không?
- Khoái quá đi chứ!
- Hai ông muốn bắt tên giặc ăn trộm đó thì hãy mau mau chạy đến cửa Tiền Đường, dòm vào đầu hẻm bên trong cửa có một người mặc áo xanh đang đứng. Hai ông hãy bắt người ấy lại, chính hắn đó! Các ông cứ đưa hắn về nha môn của huyện mà lãnh 1.200 lượng bạc thưởng.
Hai người nghe nói mừng quá, cho là vụ án hôm nay chắc xong bèn nói:
- Bọn tôi chạy trước nhé.
Cả hai người lật đật chạy đến trước cửa Tiền Đường nhìn vào đầu đường hẻm, quả nhiên có thấy một người mặc áo xanh đang đứng đó. Người này hai mắt trợn trừng đang nhìn tới nhìn lui. Đỗ Chấn Anh thấy vậy mừng quá, nói:
- Sài đại ca, phen này chắc bọn mình thành công, nhiệm vụ hoàng thành, về nha môn lãnh thưởng, bọn mình chia hai nhé!
Nói rồi đi đến gần, rút dây cầm tay trói nghiến người ấy lại. Đỗ Chấn Anh nói:
- Này anh bạn, phen này đến trước huyện đường sẽ rõ. Bộ việc này anh làm mà anh không biết à?
Người kia thất kinh day lại hỏi:
- Hai vị sao lại trói tôi? Có ai tố cáo tôi làm điều gì à?
Đỗ Chấn Anh, Sài Nguyên Lộc nhìn lại, té ra người ấy là chưởng quỹ của dựa than trong cửa Tiền Đường. Sài đầu, Đỗ đầu đều chưng hửng. Người ấy hỏi:
- Hai vị công sai, sao lại trói tôi?
Hai vị Sài, Đỗ không biết phải trả lời sao, thời may Tế Điên cũng vừa tới kịp, hỏi:
- Hai vị bắt được rồi hả?
- Hòa thượng bảo tôi bắt người áo xanh đây nè!
Người kia hỏi:
- Tại sao Hòa thượng lại bắt tôi?
- Ta mua than ông không chịu bán than tốt, cứ bán than khói ung hè.
Sài đầu nghe nói biết là không phải, bèn hỏi:
- Sư phó, người này không phải là kẻ trộm vàng ngọc, phụng quan phải không?
- Không phải! Ta đùa một chút mà thôi!
Sài đầu lật đật mở dây trói ra, nói:
- Sư phó, đừng nên đùa cợt như thế, vô cớ trói người ta, may mắn gặp người hiền, nếu không họ chẳng để mình yên đâu?
- Đâu phải ta xui các ông làm bậy, tại các ông chạy mau quá thành ra giặc trộm chưa kịp ra. Bây giờ các ông với ta phải đi nữa mới gặp.
Người kia cũng không dám nói gì. Tế Điên dẫn hai vị Ban đầu tiến vào thành. Đi một đỗi không xa, Tế Điên nói:
- Sài đầu ơi, ông dòm coi kẻ can phạm đến kia kìa!
Nói rồi lấy tay chỉ một cái. Sài đầu là người quen bắt trộm cướp, dòm thấy đàng kia có người đi lại, tay ôm gói đồ, cặp mắt láo liêng, Sài đầu thấy người này có dáng điệu khả nghi, bèn lướt tới nói:
- Này anh bạn! Đừng có chạy, anh đã phạm tội rồi đây!
Người kia nghe nói quay mình bỏ chạy qua đường Nam. Sài, Đỗ lật đật đuỗi theo miết qua phía Nam, Tế Điên cũng chạy rẽ theo. Người ấy đến đầu đường Nam quẹo ngoặc sang Đông, rồi tiến qua hai con đường ở phía Bắc; Sài, Đỗ hai vị rượt theo ra cửa Bắc, đáng lẽ chạy qua Đông người ấy lại chạy qua Tây, đâu phải người ấy không biết tính toán lại chạy qua đầu ngõ khác, nào ngờ gặp Tế Điên chực sẵn ở đó lấy tay chỉ, nói:
- Hay a, chớ chạy.
Tế Điên dùng phép định thân giữ cứng tên giặc lại rồi la:
- Mau bắt nó, mau bắt tên giặc!
Quan chức tại chỗ nghe la chạy đến nói:
- Này Hòa thượng, tên này là giặc hả? Thôi, giao nó cho bọn tôi.
- Giao cho các ông, các ông an tâm chớ Hòa thượng ta chẳng an tâm.
Vừa nói tới đó thì Sài Nguyên Lộc và Đỗ Chấn Anh cũng chạy tới nói:
- Sư phụ, lão nhân gia thả ra đi, để bọn tôi trói nó lại.
Quan chức địa phương thấy vậy mới nói:
- Này Sài đầu, ông giao tên này cho tôi nhé!
Sài đầu thấy biết là quan chức địa phương nhưng không biết họ gì, mới hỏi:
- Ngươi họ gì?
- Tôi họ Hòe, còn phổ ky của tôi họ Ngại. Tôi là Hòe Điều, nó là Ngại Diệp.
- Hai người tiếp đưa tên giặc này đến tướng phủ được không? Đem giao cho tướng phủ để chờ Thừa tướng xử lý.
Hai người gật đầu đồng ý, cùng Tế Điên áp giải tên giặc về tướng phủ. Đến cổng tướng phủ, bọn gia nhân gác cổng nhìn biết Hòa thượng vội chạy ra mừng rồi vào báo với Thừa tướng. Thừa tướng lúc đó đang ở tại khách sảnh cùng với hai vị Tri huyện Tiền Đường, Nhơn Hòa và Thái thú Triệu Phụng Sơn đang biện lý việc công. Gia nhân vào bẩm bảo:
- Dạ, bẩm tướng gia, hiện có Tế Công ở chùa Linh Ẩn cùng với hai vị sai nhân thuộc nha môn Thái thú áp tải tên giặc về, đang ở ngoài cổng chờ xin ra mắt.
Thừa tướng truyền thỉnh Tế Công vào. Gia nhân ra ngoài ra, nói:
- Tướng gia chúng tôi xin mời Thánh tăng vào và cung kính chờ đợi ở khách sảnh.
Tế Điên vào thẳng bên trong, Thừa tướng xuống thềm đón tiếp. Triệu Thái thú cung kính cảm tạ việc Tế Điên trị bệnh mắt cho bà thím mình rồi cùng vào bên trong ngồi an vị. Hai vị tri huyện Tiền Đường, Nhơn Hòa không biết Tế Điên là ai, thấy một ông Hòa thượng kiếc tại sao Thừa tướng và Thái thú lại cung kính quá như vậy, trong bụng nghĩ: "Ông Hòa thượng kiếc này có tài năng chi vậy kìa?".
Tế Công và Thừa tướng phân ngôi chủ khách, ngồi xong nói mấy lời khách sáo tỏ tình ly biệt. Thừa tướng hỏi:
- Sư phó, ta nghe nói lão nhân gia trên đường về bắt được tặn nhơn phải không?
- Phải đó, ta nghe nói Thừa tướng bị mất trộm, án tình khẩn cấp nên ta có bắt kẻ tặc mang về đây.
Thừa tướng nghe nói rất mừng, sai gia nhân đem kẻ tặc vào, bên dưới rân chạy ra ngoài hô:
- Tướng gia dạy đem kẻ tặc vào.
Sài Nguyên Lộc, Đỗ Chấn Anh kiểm soát bao đồ của tên tặc thấy có một thanh đơn đao, bèn bỏ lại bên ngoài rồi đưa hắn vào quỳ trước sảnh đường. Thừa tướng hỏi:
- Kẻ quỳ bên dưới là ai? Mau xưng tên họ ra. Ngươi trộm ngọc và phụng quan của ta đem bán ở đâu, hãy tình thật khai ra.