Chương 2: Đại huynh
Ta khẽ nhíu mày, đã là ngày thứ tám, muộn mất rồi! Tuy nghĩ vậy nhưng cũng tiến về phía chuông đồng xem người đó là ai. Không ngờ vẫn là Ngô Chân Lưu. Bên cạnh anh ta còn có một người, đang bất tỉnh nửa nằm nửa ngồi dựa vào một gốc cây gần đó. Ta lập tức hiện thân, hỏi han sự tình.
Ngô Chân Lưu quỳ rạp xuống:
- Thưa Đại Tiên, đệ tử đang trên đường xuống núi thì bắt gặp cô nương này bất tỉnh nằm giữa đường. Đệ tử gọi mãi nhưng cô nương vẫn không tỉnh lại. Bất đắc dĩ, đệ tử đành phải cõng cô ấy lên đây. Đệ tử vướng phải tội “nam nữ thụ thụ bất thân”, xin Đại Tiên trách phạt.
Ta xua xua tay:
- Cứu mạng người là quan trọng, há phải để tâm đến tiểu tiết đó. Ngươi cứ quay về đi!
Ngô Chân Lưu nghe lời lại tiếp tục xuống núi. Ta làm phép gọi mây đỡ cô gái lên, thì ra là một sơ tiên, gốc là loài chuồn chuồn kim; bắt qua mạch thì thấy nàng ta bất tỉnh do kiệt sức liền đưa về am Uyển.
Minh Sương đón ta trước cửa, nhìn thấy ta mang theo một người đang bất tỉnh trở về, chưa kịp hỏi gì, lập tức kêu người soạn sửa một phòng trống rồi giúp ta đỡ cô gái lên giường. Ta bắt mạch kỹ hơn. Cha và anh ba đều là lang y có tiếng tăm nên đối với một số bệnh nhẹ, ta không đến nỗi vô dụng. Ngoài việc bất tỉnh do kiệt sức, kinh mạch của cô nương này còn bị nhiễu loạn. Ta sai Đào nấu nước nóng rồi trở về phòng lấy một ít dụng cụ. Vừa ra đến cửa liền thấy mấy người học viên khác đang tiến đến. Mãng Thương Xà nhìn thấy ta lập tức lên tiếng:
- Hồ Thiên Ly, ta nghe nói ngươi mang người lạ vào am có đúng không?
Ta gấp gáp:
- Nàng ta bị trọng thương! Cứu người đã rồi nói sau!
Nghe nói liên quan đến tính mạng, mấy người kia thôi không gặng hỏi nữa. Báo Hồng Hoa nói với theo ta:
- Chữa trị xong, ngươi đến Hương Xá giải thích cho rõ ngọn ngành đi!
Ta lấy hộp kim châm cứu làm từ gai cây hoàng ngưu mộc được anh ba Nhật Ly điều chế riêng. Sau khi nhúng kim vào nước nóng, ta truyền một ít nội lực vào từng cây kim rồi châm cứu ở các huyệt mạch chủ cho cô gái. Sau nửa canh giờ mới rút kim châm ra, kiểm tr.a thấy kinh mạch đã ổn định, ta thu dọn đồ nghề rồi tiến về phía Hương Xá. Đó là nơi mà các học viên bọn ta hay tọa thiền hoặc luyện pháp. Ta đến nơi thì thấy mọi người đã có mặt đông đủ, ngoại trừ Trà Ngạn My vừa xuống núi để làm một số việc cho sư phụ. Minh Sương nhìn thấy ta, chạy ngay lại, khuôn mặt hớn hở như sắp được xem kịch hay, đúng là bạn tốt. Ta lên tiếng trước khi bị mấy người kia tr.a hỏi:
- Trên đường về am thì ta gặp cô nương này bị bất tỉnh, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. Bất đắc dĩ mới phải mang về am Uyển để cứu người.
Mãng Thương Xà nói to:
- Sư phụ đã lệnh không được đưa người lạ vào am, sư phụ hiện không ở nhà nên ngươi làm trái lệnh người sao?
- Lúc đó việc cứu mạng người là quan trọng nhất, đâu có thời gian nghĩ được nhiều như thế!
Báo Hồng Hoa giọng nghiêm khắc:
- Ngươi cũng biết lệnh sư ẩn thân ở nơi hoang vu này đã lâu, không muốn nhiều người biết đến để tránh bị làm phiền. Ngươi làm việc không suy nghĩ trước sau, ảnh hưởng đến việc tu luyện của sư phụ, ngươi không có gì để nói sao?
Ta bình tĩnh đáp lại:
- Ta tự biết việc mình làm ảnh hưởng đến sư phụ. Nhưng lúc đó tình thế nguy kịch! Đến khi sư phụ trở về, nếu người trách phạt, ta sẽ tự mình chịu trách nhiệm.
Mấy người kia lập tức vây lại, mỗi người nói một câu trách móc ta:
- Ngươi đừng ỷ lại được sư phụ yêu thương mà lộng hành!
- Sư phụ không ở nhà nhưng còn có chúng ta, dù sao cũng là đệ tử của người, có trách nhiệm bảo vệ nơi tu luyện của sư phụ được thanh sạch.
- Ta thấy ngươi được sư phụ nuông chiều quá nên không coi ai ra gì rồi!
…
Lúc này, Minh Sương mới lười biếng ngáp một cái sau đó lên tiếng giải vây cho ta:
- Được rồi, Thiên Ly nàng ta cũng đã nói sẽ tự mình chịu toàn bộ trách nhiệm. Mấy người nói nhiều thế để làm gì?
Các học viên khác tuy không thích Minh Sương, nhưng dù sao nàng cũng là con nuôi của sư phụ nên có mấy phần kiêng dè. Nàng ấy đã lên tiếng, mấy người kia biết ý im lặng, tự động giải tán kéo nhau về phòng. Chuyện tưởng như xong nhưng ta thừa biết, khi sư phụ trở về mấy người đó sẽ tha hồ mà bới móc, nói xấu ta. Minh Sương cùng ta quay về phòng của cô nương chuồn chuồn kim, nhìn ta bắt mạch cho cô nương đó, hờ hững nói:
- Cũng không đến mức bị nguy hiểm tính mạng như ngươi nói, sao phải lo lắng cho cô ta đến vậy?
Sau khi bắt thấy kinh mạch của cô nương kia vẫn ổn định, ta mới kéo tay Minh Sương lại ngồi tại bộ bàn ghế trong phòng, kể cho nàng ta nghe chuyện Ngô Chân Lưu đã cõng cô nương đó từ dưới chân núi lên như thế nào. Lúc đó ta hoàn toàn có thể sai người đi tìm cha hoặc anh ba đến mang cô ấy về để chữa bệnh, nhưng lại bị cảm động trước sự lương thiện của Ngô Chân Lưu. Anh ta một lòng cứu người, vậy thì đích thân ta sẽ chữa trị cho cô gái. Minh Sương nghe xong, thở dài buông một câu:
- Nhà sư kia cũng thật là, một mình lên núi đã mệt muốn ch.ết còn ngu ngốc vác theo cô nương kia làm cái gì? Đi qua nhìn thấy, không gọi dậy được thì ném lại một cái bánh bao là xong rồi. Chốn núi rừng hoang vu này, bất đắc dĩ phải tự sinh tự diệt thôi!
Ta lườm cho nàng ta một cái:
- Thầy Uyển Như cũng thật là, sống một mình đang bình yên, sao còn phải nhận ngươi về làm con nuôi để làm gì? Chốn núi rừng hoang vu này, bất đắc dĩ phải tự sinh tự diệt thôi!
Minh Sương cười ha hả, đá tung cửa đi về phòng. Trước khi về còn buông một câu:
- Ngươi cứ chờ đi, sư phụ về chắc chắn sẽ trách phạt ngươi!
Nàng ta trước giờ vốn khẩu xà tâm Phật, ta cũng chẳng buồn nói lại làm gì.
Ta dự tính ba ngày sau cô nương đó sẽ tỉnh lại, không ngờ chưa đến hai ngày, nàng ta đã mở tròn mắt nhìn ta và Minh Sương đang nói chuyện cạnh giường, lập tức ngồi dậy đòi hành lễ:
- Xin cảm tạ ơn cứu mạng của ân nhân!
- Không cần đa lễ, bọn ta không phải là ân nhân của ngươi!
Ta ghì cô nương đó nằm xuống giường cho đỡ choáng váng. Nàng ta lại hỏi:
- Xin hỏi hai vị, đây là nơi nào ạ?
- Đây là am Uyển trên núi Bạch Vân Sơn, nơi tu luyện ngàn năm của thượng thần Uyển Khuyên Bạch Như.
Ta lườm Minh Sương, một mực trách ta mang người lạ về am nhưng nàng lại khai vanh vách địa điểm tu hành của sư phụ. Minh Sương biết mình lỡ lời, vội im bặt. Cô nương kia lại bật dậy, hỏi giọng gấp gáp:
- Xin hỏi trong hai vị ai là thượng thần Uyển Khuyên?
Ta ngạc nhiên ấn cô ta nằm xuống giường:
- Sư phụ bọn ta hiện không ở tại am. Ngươi tìm người có việc gì sao?
- À không!
Cô nương đó nói giọng đầy luyến tiếc.
Cô nương tên Lệ Kim, không còn ai thân thích ruột thịt. Lý do tại sao Lệ Kim bị bất tỉnh nằm giữa rừng thì cô không nói, ta cũng không hỏi. Tên người ân nhân trực tiếp cứu mạng, cô không hỏi, ta cũng không nói. Mấy ngày sau ta bắt mạch, thấy khí huyết Lệ Kim đã ổn định, nhưng cô liên tục bị choáng đầu và đi lại không vững. Ta có gợi ý việc nhờ người đi mời lang y đến nhưng cô nương Lệ Kim có vẻ không đồng ý, nói nghỉ ngơi vài ngày khỏi rồi sẽ rời đi không làm phiền bọn ta nữa. Bất đắc dĩ, ta đành phải để cô ở lại am. Mấy người học viên khác tỏ ý không bằng lòng nhưng cũng bận rộn nên chưa nói gì. Thêm mấy ngày trôi qua, sư phụ vẫn chưa về. Ta còn nhiệm vụ thực hiện nguyện vọng của cha Ngô Chân Lưu, nếu không làm sớm e là ông ta sẽ đầu thai sang kiếp khác mất. Ta bàn bạc nhờ Minh Sương để ý cô nương Lệ Kim đó cho ta vài ngày, nàng ta làu bàu một lúc rồi cũng đồng ý. Buổi chiều, ta ghé qua dặn dò Lệ Kim về việc nghỉ ngơi và uống thuốc, cô nghiêm túc gật gù nhưng có vẻ không để tâm đến lời của ta cho lắm. Khi ta bước ra từ phòng Lệ Kim, Mãng Thương Xà đang hớt hải chạy đến, nhìn thấy ta mắt sáng rỡ, thân thiết nói:
- Thiên Ly, mau ra ngoài, có người đến am tìm ngươi!
Thái độ lạ kỳ như vậy làm ta mơ mơ hồ hồ tiến ra phía đình ngoài hay tiếp khách. Quả thật thấy thấp thoáng một vạt áo trắng, dáng người cao cao nhưng rất uy nghiêm, mái tóc đen dài được buộc hờ hững sau đầu, tay phải cầm quạt, tay trái đặt sau lưng. Dáng người quen thuộc này? Người đó quay lại, nở một nụ cười ấm áp, gọi tên ta:
- Tiểu Thiên!
Ta tròn mắt ngạc nhiên, suýt thì nhảy cẫng lên vì vui mừng:
- Đại huynh Quang Ly, sao huynh lại ở đây?
Mấy ngàn năm không gặp, huynh cả nhíu mày, câu thứ hai nói với ta là:
- Sao muội lại phát tướng như thế này?
Được rồi, huynh cứ thử suốt ngày ăn, ngủ và ở một chỗ không di chuyển xem có bị béo ra như muội không. Ta không thèm để ý, lôi xềnh xệch vạt áo của huynh ấy vào chỗ bàn đá trong đình. Ta ngồi xuống rót trà, còn huynh ấy đứng yên khẽ phe phẩy quạt nhìn ta từ trên xuống dưới. Ta nói giọng bất mãn:
- Huynh không phải nhìn, muội bị người nhà của chúng ta bỏ rơi nên mới ra nông nỗi này!
Quang Ly khẽ thở dài, xoa xoa đầu ta, hỏi một câu:
- Tiểu Thiên, muội sống ở đây có tốt không?
Ta gật đầu, vốn không phải người yếu đuối, vậy mà sống mũi bỗng cay cay:
- Tốt!
- Thượng thần Uyển Như có tốt với muội không?
Ta nghĩ ngợi, ngoại trừ lúc thầy nghiêm khắc thì nói chung cũng được, liền gật đầu:
- Cũng tốt!
- Các học viên khác có tốt với muội không?
Ta nhìn nhìn ra mấy cái dáng người đang lấp ló thoắt ẩn thoắt hiện phía sau mấy cây hoa lan, miễn cưỡng gật gật:
- Tốt, tốt, tất cả đều tốt! Muội sống ở đây rất tốt! Ai cũng tốt với muội! Chỉ có điều nhớ gia đình mình đến phát điên thôi.
Đại huynh không có ý kiến, ngồi xuống im lặng uống trà. Ta tự thấy mình xả cục tức không đúng người, huynh ấy chắc cũng lâu rồi không về núi Bạch Mộc. Thật sự rất muốn hỏi huynh ấy đi khắp nơi như vậy, không lúc nào thấy nhớ nhà sao? Vậy mà ta lại hỏi sang một câu khác:
- Tại sao hôm nay huynh lại đến đây?
Đại huynh Quang Ly đặt chén ngọc xuống bàn rồi nói:
- Đợt vừa rồi huynh có ghé về nhà, thấy mẹ nói muội đang tu luyện ở xa nhưng không nói là ở đâu. Mấy ngày trước huynh có việc đi ngang qua đây, nhìn thấy muội đang mang một người bay về phía am này. Lúc đấy có việc gấp phải đi ngay, hôm nay xong việc nên ghé qua đây xem thử, quả nhiên đúng là nơi muội tu luyện.
Ta tỏ ra thất vọng:
- Cứ tưởng là huynh sắp thành thân chứ!
Đại huynh bật cười thành tiếng, rồi lại phất phất tay quạt nhưng không nói gì.
Hai huynh muội bọn ta ngồi nói chuyện một lúc nữa, sau đó đại huynh vội đi, ta cũng phải về nghỉ sớm để sáng mai lên Thiên Đình. Đại huynh nhìn ta thở dài một cái rồi lướt mây đi mất.
Về đến phòng thì thấy Minh Sương đang chờ ngoài cửa. Nàng ấy nhìn ta chằm chằm, ta ngạc nhiên hỏi:
- Chuyện gì?
- Mỹ nam kia là gì với ngươi? Vị hôn phu?
- Đại huynh Quang Ly.
Ta nói năng bình thản mà Minh Sương giật mình như có tiếng sét ngang tai:
- Cái gì?... - Sau đó đổi giọng chì chiết ta. - Tên hồ ly nhà ngươi, trước đến giờ kể cho ta nghe nào là lão huynh già cả năm mươi ngàn tuổi, nào là ông già ham chơi. Ta còn hình dung huynh ấy tóc trắng hơn cả sư phụ, da nhăn nheo hơn cả lão thổ địa trong rừng. Không ngờ huynh Quang Ly lại là một trang nam tử tuấn kiệt như vậy. Ta thật uổng phí đối tốt với một người lừa bịp, dối trá như ngươi…
Ta mặc kệ cái đồ háo sắc ấy đứng lảm nhảm, ngáp dài một cái thay cho tiếng chào rồi đi vào phòng mình. Nàng ta chắc chắn đang hậm hực dẫm chân phía sau lưng.
Sáng hôm sau, ta dậy sớm, nói một tiếng với đám học viên trong nhà sau đó gọi mây bay về phía Thiên Đình.
Ta dừng ở trước cửa cung Nam Tào, không đi vào nhà mà vòng ra phía sau chỗ ao sen. Quả nhiên nhìn thấy hai dáng người trên bàn ngọc dưới cây liễu đang rung đùi đánh cờ. Một người thân hình mảnh khảnh, quần áo lụa là thư sinh, khuôn mặt luôn giữ nét tươi như hoa. Một người thì cao lớn, quần áo kiểu binh giáp võ tướng, khuôn mặt có chút hung dữ. Ta lên tiếng:
- Tào, Đẩu, đã lâu không gặp! Sáng sớm mà có hứng đánh cờ rồi sao?
Phải nói sơ qua một chút về hai người bằng hữu này. Họ vốn dĩ được sinh ra trước cả con tiểu hồ ly đầu tiên trong họ tộc ta. Có tố chất và năng lực phù hợp, được Ngọc Hoàng tin cậy và giao cho trọng trách “sinh tử” của dân gian. Nam Tào mặt trắng, mũi cao, tướng mạo tươi vui, hay giữ nét cười nơi đáy mắt được giao nhiệm vụ viết và giữ sổ sinh. Bắc Đẩu thân hình cao lớn, tướng tá có phần hung hăng, thích việc chân tay hơn bàn giấy, được giao viết và giữ sổ tử. Tuy nhiên tâm hồn hai người lúc nào cũng như đứa trẻ con mới lớn, nhất là cái tên mặt mũi hung tợn Bắc Đẩu kia. Vậy cho nên, khi ta được mẹ nuôi đưa về Thiên Đình để nuôi dưỡng một thời gian, bọn họ là hai người mà ta thân thiết nhất. Họ luôn cùng ta bày ra những trò nghịch ngợm của trẻ con. Chúng ta thân thiết như bằng hữu nên cũng không câu nệ thứ bậc và tuổi tác, mặc nhiên xưng hô ngang hàng với nhau.
Hai người nhìn thấy ta, mắt sáng rỡ. Nam Tào vẫy vẫy tay:
- Tiểu Thiên, ngươi mau lại đây phân xử giúp ta ván cờ này, ta và Bắc Đẩu đã chơi từ hôm qua đến hôm nay vẫn chưa xong.
Ta bật cười. Trò chơi cờ này là do ta nghĩ ra. Bọn ta sẽ dựa vào luật cờ tướng có sẵn từ trước đến nay, từ đó thay đổi luật lệ cho dễ hiểu, mỗi ngày nghĩ ra một quy luật mới khiến trò chơi vốn dĩ dành riêng cho các bô lão lại trở thành trò yêu thích của trẻ con. Không ngờ lâu như vậy, hai người bọn họ vẫn tiếp tục duy trì trò này.
- Hai ngươi thật là ấu trĩ, đến giờ này vẫn còn chơi đánh cờ, định mãi không chịu lớn sao?
Nam Tào bĩu bĩu môi:
- Dạo gần đây thiên cơ lỏng lẻo, dưới dương gian người ma lẫn lộn, bọn ta khó kiểm soát sinh tử nên thường xuyên bị mắc sai lầm. Mỗi lần như vậy Ngọc Hoàng lại tức giận giáng tiên vi của chúng ta xuống, làm giảm đến mấy trăm năm tu hành. Sợ là bây giờ số năm còn lại cũng không bằng của ngươi đâu.
Bắc Đẩu gạt đi:
- Tào thối, Tiểu Thiên lâu lắm mới có dịp ghé qua, đừng có than thở chuyện vớ vẩn ấy! Thiên Ly, tại sao lâu như vậy không đến chơi với bọn ta? Hay ngươi gặp phải chuyện gì?
Ta cười:
- Chuyện dài lắm, kể cả ngày chắc cũng không hết. Hôm nay ta sợ là không có thời gian để hàn huyên với hai ngươi, bởi ta đến để nhờ một việc quan trọng.
Nghe nhắc đến công việc, hai người kia lập tức cất đi bộ cờ trên bàn. Nam Tào mặt lúc nào cũng tươi như hoa lại tỏ ra nghiêm túc, ta thật sự nhìn không quen nhưng cố gạt đi cơn buồn cười, kể cho hai người đó nghe chuyện lời ước của Ngô Chân Lưu. Nghe xong hai người kia gật gù hiểu điều ta đang muốn nhờ cậy. Việc đầu tiên chúng ta cần biết là tuổi thọ của Ngô Xương Ngập. Bắc Đẩu nhanh chóng lấy ra một quyển sổ dày cộm có bìa đen. Sau khi xem xong, Nam Tào nói:
- Bây giờ cho ngươi đầu thai xuống dương gian thành một người có liên quan đến cha của hắn thì không khó…
- Nhưng sợ là người đó sẽ không kịp chờ ngươi lớn lên. - Bắc Đẩu tiếp lời còn ta gật đầu. Đó cũng là điều ta lo sợ. Nam Tào nhăn nhó:
- Nếu cho ngươi nhập vào một người nào đó vừa ch.ết đi thì mới to chuyện. Ta sẽ phải trình lên trên và chờ chỉ thị của Ngọc Hoàng, còn Bắc Đẩu phải đi bàn bạc với Diêm Vương.
Ta lắc đầu:
- Như thế cũng lâu lắm.
Bắc Đẩu ɭϊếʍƈ môi:
- Ta có một cách nhanh hơn!