Chương 64: Khó khăn
Mặt móc khóa hình hamster thoạt trông rất đơn giản, nhưng đến lúc làm xong, thì cũng là chuyện của mấy cuối tuần sau rồi.
Nhiếp Chấn Hoành ôm mục đích bồi dưỡng tình cảm với Lâm Tri, trong quá trình dạy bé con làm đồ thủ công, anh tuân theo quy tắc “hoàn hảo hết mức có thể”, một khi có tí tẹo tì vết là phải làm lại ngay. Mà hiển nhiên, cậu ngố của anh cũng cảm thấy làm vậy chẳng có vấn đề gì, vẫn cực kỳ ngoan ngoãn, nghiêm túc vô cùng để kệ cho anh cầm tay dạy dỗ, cho đến khi cả hai cùng làm ra một đôi thú bông gần giống nhau như lột.
Nhiếp Chấn Hoành treo chúng lên chùm chìa khóa của mỗi người.
Bé hamster mới tinh bông xù thay thế chú hổ cũ kỹ, không chỉ mượt mà sờ sướng tay, mà bóp còn mềm mại đàn hồi hơn trước. Lâm Tri cầm là thích mê không nỡ bỏ xuống, cứ mân mê trong lòng bàn tay, sờ sờ cọ cọ mãi.
Mỗi khi con hamster lắc lư, hạt cười có nhét chuông trong lòng nó cũng sẽ lắc theo, thi thoảng lại phát ra tiếng chuông leng keng, vang vọng khắp tiệm sửa giày tĩnh lặng.
Tiếng động ấy nhẹ nhàng, giòn tan, không ồn ào chút nào. Ngược lại, trong thời tiết nóng bức trốn không nổi này, Nhiếp Chấn Hoành còn thấy nhẹ nhàng thư thái hơn.
Nụ cười vương bên khóe môi, Nhiếp Chấn Hoành vừa dọn dẹp thu gom đống dụng cụ, vừa tiện thể treo mấy cục bông lên cái giá ở bức tường trong cửa hàng. Cục lông ấy là sản phẩm thất bại mà Lâm Tri làm thử lần đầu tiên, tròn lông lốc, không nhìn ra hình thù gì, chỉ là một cục xù bông lông chia chỉa. Dù những đường may xiên xẹo đã bị giấu bên trong, thì vẫn chẳng ra làm sao.
Nhưng cũng có lẽ vì tình nhân trong mắt hóa Tây Thi, nên Nhiếp Chấn Hoành nhìn kiểu gì vẫn thấy chúng đáng yêu. Sau khi tự tay vớt vát lại, anh quyết định khâu chúng vào móc, treo chung với đám đồ linh tinh bán trong tiệm.
Bán được thì bán thôi.
Dù gì bé họa sĩ nhà anh cũng muốn kiếm thật nhiều tiền mà.
Nhiếp Chấn Hoành nghĩ thầm, nếu có người mua thật, nhất định anh sẽ lại được thấy đôi má lúm ngọt ngào của bé con nhà anh lần nữa.
“Tiểu Nhiếp, chú có ở tiệm không?”
Anh đang ngẫm ngợi dở chừng, thì bỗng có một người gõ lên cánh cửa của tiệm sửa giày. Nhiếp Chấn Hoành nghiêng đầu qua nhìn, phát hiện hóa ra đấy là bà chủ Tôn Mạn Cầm của tiệm may đầu đường, đang dắt Cam Khả Khả qua bên này.
“Có chuyện gì vậy chị Tôn?”
Nhiếp Chấn Hoành nương ánh sáng quan sát vẻ mặt Tôn Mạn Cầm, vội bỏ việc đang dở tay xuống.
“Giờ chị tính ra ngoài một chuyến,” Tôn Mạn Cầm muốn thể hiện mình không có vấn đề gì, chẳng qua hàng lông mày đang cau lại của dì vẫn để lộ chút cảm xúc, “Nên chị đưa Khả Khả qua đây nhờ chú chăm hộ.”
“Khả Khả ngoan nhé,” dì cúi xuống vuốt ve mái tóc tết bím hai bên của cô bé, “Lát dì về đón con.”
“Dạ!” Cam Khả Khả gật đầu, không phản đối tẹo nào. Bé ngọt ngào chào “Chú Nhiếp”, rồi tự quen cửa nẻo chạy vào trong tiệm, đến cạnh anh trai mà bé rất thích, tò mò nói chuyện ríu rít với Lâm Tri.
Ngập tràn vẻ ngây thơ vô tội của đám trẻ tuổi này.
Nhiếp Chấn Hoành thấy thế thì bước ra, đứng ngoài cửa hàng, thì thầm hỏi Tôn Mạn Cầm, “Chẳng lẽ bà Cam gặp chuyện gì rồi ạ?”
Lần trước anh với Nhiệt Hợp Mạn qua tiệm may thăm bà cụ, Tôn Mạn Cầm cũng ở đấy. Lúc đó họ thấy tình hình bà Cam vẫn ổn, mỗi tội có vẻ hơi uể oải, nên họ đã khuyên hay là bà cụ đi khám bác sĩ xem sao. Nhưng bà Cam chỉ xua tay như chẳng có việc gì, nói mình già rồi nên thi thoảng ngủ hơi nhiều, không có vấn đề gì cả, khỏi phải phí tiền đi bác sĩ.
Họ cũng chẳng thuyết phục nổi bà cụ cố chấp, đành phải hỏi han thêm mấy câu rồi thôi. Hôm nay chỉ mình Tôn Mạn Cầm đưa Cam Khả Khả qua bên này, không thấy bóng dáng bà Cam đâu, Nhiếp Chấn Hoành đã hơi lo lo rồi.
“Chẳng thế thì sao! Chị phải lên bệnh viện đây này!”
Ban nãy vì muốn giấu Khả Khả nên Tôn Mạn Cầm mới nói úp mở. Giờ Nhiếp Chấn Hoành hỏi, dì cũng thẳng thắn kể hết sự thực.
“Hôm nay bà Cam dậy sớm một buổi hiếm hoi, nên đi giặt quần áo ở phòng sau. Chị đã nhắc bà cụ mấy lần, quần áo của hai bà cháu có mấy chiếc đâu, không có vấn đề gì, bà cứ để đấy khỏi cần giặt đâu. Dù gì tiệm cũng có máy giặt, quẳng vào là xong chuyện.
“Nhưng chú cũng biết tính bà Cam rồi đấy, ai nói gì cũng chẳng chịu nghe. Bà ấy luôn thấy mình làm phiền chị quá, nên cứ cố đấm ăn xôi đòi tự giặt bằng được, chị cản không nổi, nên vào phòng ở mặt tiền làm việc.
“Nào ngờ chưa được bao lâu, chị đã nghe thấy tiếng rầm rầm vọng ra từ đằng sau!” Giờ nhắc tới chuyện này Tôn Mạn Cầm hẵng còn hãi hùng, “Nhà vệ sinh lênh láng nước, không rõ lúc giặt quần áo xong bà Cam bị mất thăng bằng hay váng đầu mà ngã dúi dụi ra đất, làm chị sợ điếng người!”
“Thấy bà ngã sao chị không đỡ bà dậy,” Nhiếp Chấn Hoành nhíu mày, “Bà cụ bị thương ở đâu hở chị?”
“Ầy, chị còn chưa kịp đỡ bà, thì bà đã tự túm then cửa run rẩy đứng dậy rồi!” Tôn Mạn Cầm giậm chân, “Chú nói xem sao bà cụ này lại ngoan cố vậy chứ!? Còn bảo không sao đâu, cuối cùng có đứng vững được đâu!
“Chị sợ bà ngã lại bị làm sao, nên vội vàng gọi điện kêu thằng con xuống, cùng đưa bà lên bệnh viện.”
Dì vừa dứt lời, thì mấy chủ quán đang đứng tán dóc ở nhà bên đều liếc qua đượm vẻ quan tâm. Đến cả Trương Thúy Phương và Vương Kim Bảo cũng thò đầu ra khỏi tiệm tạp hóa của mình.
“Bác sĩ bảo sao hở chị?” Nhiếp Chấn Hoành hỏi vấn đề mà mọi người đều quan tâm.
“Bảo là bị thương ở xương đùi gì đấy, phải chụp chiếu mới biết nghiêm trọng ra sao được!”
Tôn Mạn Cầm cũng không hiểu mấy thuật ngữ y học lắm, chỉ lo lắng ra mặt, “Sáng nay chị đi vội quá, làm thủ tục cho bà nhập viện rồi về luôn. Cho Khả Khả ăn trưa xong, chị lấy mấy thứ giấy tờ chứng nhận, rồi mới qua bệnh viện coi tình hình thế nào.
“Sáng nay chị về, bà Cam còn kêu gào đòi xuất viện ấy…” Tôn Mạn Cầm thở dài, “Chắc bà cụ cũng không yên tâm để Khả Khả ở nhà một mình.”
“Có lo mấy thì cũng không thể lơ là sức khỏe của mình được ạ,” Nhiếp Chấn Hoành biết tình hình thì vội nói với Tôn Mạn Cầm, “Chị cứ lên viện trước đi, để em chăm Khả Khả cho, chị yên tâm.”
“Hầy, chị còn chưa kể thật với con bé,” Tôn Mạn Cầm lo lắng liếc bé gái trong phòng, thì thầm với Nhiếp Chấn Hoành, “Chị sợ con bé lo, nên chỉ bảo bà nó đi nhập hàng.”
“Vâng, chị cứ lên gặp bác sĩ tìm hiểu tình hình rõ ràng, tính xem tiếp theo sắp xếp làm sao, rồi hẵng xử lý chuyện con nít con nôi chị ạ.”
Hai người lại chuyện trò mấy câu, rồi Tôn Mạn Cầm mới xách túi vải, vội vàng chạy về phía trạm xe bus.
“Nói khí không phải chứ, người già mà ngã, thì không phải chuyện nhỏ đâu đấy!”
Trương Thúy Phương và chồng đang ngồi bật quạt xem TV, bấy giờ họ cũng bỏ xem, mang ghế ra nói chuyện với Nhiếp Chấn Hoành, “Người già xương giòn, bất cẩn tí thôi là nứt gãy như chơi. Mấy năm trước bà cô thứ nhà Vương Kim Bảo cũng ngã trong nhà, không dậy nổi nữa, cấp cứu phải qua bế đi, chẳng bao lâu sau đã nghe tò tí te rồi!”
Chị Uông chủ quán quà sáng cũng thò sang bồi thêm một câu, “Lại chả! Bố chồng em cũng đi đời vì thế đấy!”
“Hầy, mấy bà đừng có nói giựt gân kiểu đấy nữa đi!” Chủ tiệm kim khí kế cửa hàng sửa giày ló đầu ra, bất mãn bảo, “Gì mà nghiêm trọng thế!? Năm ngoái tôi qua nhà khách sửa đồ, bất cẩn ngã từ thang xuống, gãy tay, nhưng cũng chỉ bó bột 3 tháng thôi!”
Bác ta vung tay lên xoay mấy vòng, “Nhìn xem, giờ ngon lành cành đào còn gì!”
“Lão Trương, bà Cam mà so được với ông à? Ông mới ngoài 50, bà Cam thì già khú rồi!”
“Sao tôi nhớ bà Cam không già hơn tôi bao nhiêu nhỉ?” Trương Hưng Toàn quệt mái tóc muối tiêu, nói, “Tôi còn nhớ như in là hồi con trai con dâu bả mất, bả còn trẻ lắm mà, cùng lắm cũng chỉ hơn 60 thôi chứ?”
“Suỵt —— Khả Khả vẫn ở bên trong đấy, be bé cái mồm thôi!”
“Nhưng Lão Trương nói phải đấy, em cứ tưởng bà Cam già lắm rồi, trông như người 70-80 tuổi, nhưng ngẫm lại… Ôi, người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, làm sao không già mau cho được?”
“Hầy, số bà cụ cũng khổ thật…”
Nhiếp Chấn Hoành ngồi nghe ngoài rìa, không khỏi càng lo lắng thêm. Anh nhớ tới việc dạo này bà cụ ngủ nghê kém, lại vội vàng gọi điện cho Tôn Mạn Cầm, dặn dì nhờ bác sĩ khám luôn cả chuyện ấy.
Tới giờ cơm tối, Tôn Mạn Cầm vẫn chưa quay lại từ bệnh viện. Nhiếp Chấn Hoành chuẩn bị đưa cả Lâm Tri lẫn Khả Khả ra ngoài ăn cơm. Nào ngờ vừa ra tới cửa, anh đã bị Trương Thúy Phương cản bước lại.
“Còn ra ngoài làm gì nữa, ăn tạm một bữa bên nhà chị đi!” Trương Thúy Phương kéo phắt Khả Khả tới bên mình, cười tủm tỉm xoa đầu cô bé, lại thì thầm với Nhiếp Chấn Hoành, “Cứ ở yên đây thôi, nhỡ đâu Mạn Cầm đưa bà Cam về, không thấy ai, bà cụ lại lo lắng cho xem.”
Nói đoạn, thím gọi ông chồng Vương Kim Bảo mang bàn ra ngoài, đồng thời gào vào trong nhà, “Vương Tiểu Bảo, xới cơm đi!”
Ánh đèn rực rỡ bắt đầu soi sáng khu tập thể cũ, mùi hương thức ăn lan tỏa từ mỗi hộ gia đình, người qua đường đi thành tốp. Ở ngay ven con đường gạch, một chiếc bàn gỗ bị mẻ góc được bê ra, những chiếc bát sứ to nhỏ khác nhau cũng được bày lên bàn.
Nhiếp Chấn Hoành nhìn cảnh tượng này, lại liếc mắt qua hai đứa nhóc một lớn một nhỏ đang hướng mắt vào bàn cơm ở cạnh mình, cũng chẳng chối từ nữa.
“Dạ, vậy tối nay chúng em xin ăn chực nhà chị vậy.”
Anh cười kéo Lâm Tri sang ngồi xuống bàn. Cam Khả Khả thì đã được Trương Thúy Phương bế tới cạnh mình để chăm lo rồi, nên anh khỏi cần nhọc lòng nữa.
“Chực chiếc gì chứ! Hàng xóm với nhau cả, chú tính khách khí với chị đấy à?” Trương Thúy Phương bực bội mắng, “Nhà chị cũng ăn không của chú nhiều còn gì!”
Câu này ý là bình thường quán tạp hóa hỏng tủ, phải thay chìa, hoặc cặp sách sút khóa kéo, Nhiếp Chấn Hoành cũng chẳng bao giờ lấy tiền sửa của nhà họ. Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, trong mắt Trương Thúy Phương, đấy đều là những chuyện vụn vặt, khách khí lại đâm ra khó xử.
“Vâng vâng, em lỡ lời ạ.” Nhiếp Chấn Hoành vội vàng xin tha.
Lâm Tri ngồi nghe ngoài rìa, hơi nghi hoặc gãi mu bàn tay người đàn ông, như thể đang hỏi anh lỡ làng ở đâu.
Nhiếp Chấn Hoành biết có lẽ bé con không hiểu được thói xã giao bình thường, nên thì thầm bảo cậu tối về anh sẽ giải thích, thế là Lâm Tri gật đầu không hỏi nữa. Nhiếp Chấn Hoành thấy cậu ngoan như thế thì nhân lúc có bàn che, anh không kìm được lòng mình mà nắm lấy những ngón tay thon dài trong tầm với của mình, xoa nắn chúng trong lòng bàn tay anh.
“Tuần trước chị về quê, xách nhiều đặc sản lên lắm, ăn mãi chưa hết!” Trương Thúy Phương ngồi đối diện, tán dóc với họ, “Còn có con gà quê, chị vốn định nuôi nó mấy hôm ở nhà vệ sinh trên lầu, nghĩ bụng nuôi vài bữa rồi tính. Nào ngờ thằng lỏi ch.ết toi nhà chị cứ rảnh hơi chọc gà suốt ngày, còn suýt bị gà mổ vào mông!”
Nói đến đây Trương Thúy Phương vừa tức lại vừa buồn cười, “Đành chịu, để cái nhà này được yên ổn, hôm nay chị phải mau mau thịt nó đi. Tối nay mấy đứa ráng ăn nhiều chút nhẽ, tiêu diệt hàng tồn hộ chị với!”
Cu cậu Vương Tiểu Bảo nhà Trương Thúy Phương năm nay tám tuổi, vừa lên lớp 3, nghịch như khỉ. Nhiếp Chấn Hoành nghe vậy cũng chẳng lấy làm lạ, còn nói giỡn, “Xem ra tối nay con gà này được hóa kiếp rồi.”
“Chứ lại chả!”
Trương Thúy Phương đảo mắt bất lực. Thấy thằng khỉ con báo cha báo mẹ vẫn chưa ra, thím ta đập đũa vang trời, “Vương Tiểu Bảo! Mày còn không ra, thì có tin cả kỳ nghỉ Hè này mẹ không cho mày động vào di động không hử!?”
“… Biết rồi ạ, con ra liền ra liền!”
Cu cậu nghiện internet rốt cuộc cũng lẽo đẽo đi ra theo đít bố, đôi tay thằng bé cầm ba cái bát con, cười lấy lòng với mẹ.
“Ngồi xuống! Ăn cơm! Đưa di động ra đây!”
Trương Thúy Phương nghiêm mặt ra lệnh.
“Mẹ ~” Vương Tiểu Bảo sao nỡ nộp điện thoại, nó quay sang cầu cứu bố, “Bố, bố xem mẹ kìa, con chỉ chơi game tí thôi mà!”
Ở trong gia đình, Vương Kim Bảo hiển nhiên cũng chẳng có tiếng nói lắm. Thấy con trai cầu cứu mình, chú ta chỉ xoa bụng bảo, “Ăn cơm trước ăn cơm trước đã, anh đói quá rồi đây!”
“Đưa đây!”
Trương Thúy Phương xòe tay ra, Vương Tiểu Bảo đành lưu luyến nộp chiếc di động đã nóng lên vì bị chơi nhiều cho mẹ.
“Hừ, Khả Khả nhà mình vẫn ngoan nhất!”
Tuy là cục thịt mình rứt ruột đẻ ra, nhưng đôi lúc Trương Thúy Phương cũng phải tức ch.ết vì thằng con nhà mình. Lúc này, đặt lên bàn cân cùng Khả Khả ngoan ngoãn, hai đứa lại càng khập khiễng hơn, “Nào, Khả Khả, nếm thử món gà trống hầm của dì đi, để dì gắp cho con một miếng thịt nhé.”
“Dạ dạ!”
(Gà trống hầm, đặc sản Tứ Xuyên)
Cam Khả Khả liếc cu anh lớn hơn mình một tẹo, suy nghĩ bị đống đồ ăn thơm ngào ngạt choán hết. Bé nhìn chiếc bàn đầy ụ thức ăn với đôi mắt sáng lấp lánh, nước miếng lan tràn khắp khoang miệng. Sau khi thấy Trương Thúy Phương bỏ miếng thịt xé phay vào bát mình, cô bé lập tức cầm thìa lên ăn ngon lành.
Mọi người trên bàn đều bắt đầu động đũa, Vương Tiểu Bảo dẩu miệng tự gắp một miếng đùi gà để gặm. Nhiếp Chấn Hoành thì nhanh tay lẹ mắt gắp một miếng gà có cả da, bỏ vào bát của Lâm Tri.
Nhác thấy bé con của anh và cô bé ngồi đối diện cùng có tướng ăn vừa ngoan ngoãn vừa nghiêm túc như nhau, Nhiếp Chấn Hoành không khỏi sung sướng cười thầm trong lòng.
Trời đất bao la, ăn là quan trọng nhất.
Dù có ra sao, chỉ cần ăn được miếng cơm vào miệng, thì dù ngày tháng có đắng cay thế nào, ta vẫn nhấm ra được vị ngọt.