Chương 2: Bức thư thứ hai
Viareggio, gần Pisa (Ý đại lợi)
Ngày 5, tháng tư, năm 1903.
Ông thân ái, xin ông tha lỗi cho tôi, vì chỉ hôm nay tôi mới nhớ lại bức thư ngày 24 tháng hai của ông, nhớ lại với lòng tri tạ. Trong thời gian gần đây, tôi đã bị đau bệnh liên miên, bệnh hoạn thì không đúng hẳn, mà lại bị bải hoải mệt mỏi kỳ lạ, có lẽ là do bệnh cúm, xui tôi chẳng làm gì ra hồn cả. Sau rồi chẳng có gì đỡ hơn, tôi lại lên đường đến vùng biển miền nam, nơi trước kia đã từng giúp tôi bình phục khá nhiều. Nhưng bây giờ thì tôi chưa lại sức hẳn. Viết lách là một việc quá khó khăn nặng nề với tôi. Thôi xin tạm đọc đôi dòng này dịp khác viết nhiều hơn.
Trước hết dĩ nhiên ông phải biết rằng những bức thư của ông mang lại cho tôi nhiều sung sướng. Về những sự trả lời này, xin ông cũng khả thứ dung nạp rộng lượng cho. Có thể thường khi những sự trả lời này chẳng đem đến gì cho ông cả, bởi vì, nói cho cùng, những gì chính yếu thâm trầm nhất, đề cập những gì sâu thẳm nhất, chúng ta chỉ im lặng cô độc, cô đơn một cách không thể nói ra được. Muốn khuyên lơn nhau, muốn giúp đỡ nhau phải cần nhiều trùng phùng gặp gỡ, nhiều đúc kết thành tựu. Bao nhiêu là biến cố hội tụ lại mới đưa tới một thành công độc nhất. Hôm nay tôi muốn nói hai điều với ông.
Trước hết xin nói về sự mỉa mai. Xin ông đừng bao giờ để sự mỉa mai chế ngự lòng ông, nhất là những giây phút khô khan nhất. Trong những giây phút sáng tạo, ông có thể cố gắng dùng nó như là một phương tiên nữa để lãnh hội cuộc đời. Khi được dùng một cách trong sạch thì nó cũng trở nên trong sạch; đừng hổ thẹn về nó gì cả. Nếu ông cảm thấy quá bị lôi kéo vì nó, nếu ông sợ hãi quá quen thuộc với nó thì ông hãy qui hướng về những sự việc vĩ đại trang trọng; trước những sự việc trang trọng vĩ đại ấy thì nó trỏ nên nhỏ bé và mất mát đi. Hãy đạt tới những sự thâm trầm sâu sắc: sự mỉa mai không thể nào xuống tới được những nơi đó. Nếu sự mỉa mai rỉa rói vẫn theo đuổi ông cho đến nỗi xâm lấn vào sự việc vĩ đại, lúc ấy ông tìm hiểu xem có phải nó đáp ứng được một đòi hỏi nào đó của tâm chất ông. Dưới tác động của những sự việc trang trọng, hoặc là nó sẽ rời bỏ ông (như thế, nó chỉ là ngẫu phát), hoặc là nó sẽ trở thành dụng cụ quí báu của ông, nếu nó vốn thực là phát từ bẩm chất ông, nếu thế thì nó sẽ giữ vai trò cẩn yếu trong toàn thể phương tiện để ông xử dụng trong việc hun đúc nghệ thuật mình.
Việc thứ hai tôi muốn đề cập là như sau:
Trong tất cả những quyển sách tôi đang đọc, chỉ có đôi quyển thực là cần thiết đối với tôi: chỉ trừ hai tác phẩm luôn luôn tôi mang theo bên cạnh, bất cứ lúc nào ở đâu, tôi cũng mang theo người. Đang lúc tôi viết thư này, hai tác phẩm ấy cũng ở bên cạnh tôi: đó là Thánh kinh và tác phẩm của đại văn hào Đan Mạch Jens Peter Jacobsen. Tiện đây, xin hỏi luôn ông có biết những tác phẩm nào của đại văn hào này không. Ông có thể tìm mua những tác phẩm ấy một cách dễ dàng. Một phần đã được dịch và xuất bản, bản dịch rất hay, trong thư lục Reklam. Ông hãy tìm đọc quyển sách nhỏ nhan đề “Sáu tân truyện” và tiểu thuyết nhan đề “Mogens”. Cả một thế giới sẽ vồ chụp lấy ông: sự hạnh phúc, sự giàu sang phong phú, sự cao lớn hùng vĩ khôn lường của một thế giới. Hãy sống một thời gian trong những quyển sách ấy, học những gì đáng học trong ấy, theo bản tính mình, nhưng trước nhất vẫn là thương yêu những quyển sách đó. Tình yêu ấy sẽ được đáp trả lại ngàn lần; dù đời sống ông có trở thành gì đi nữa, tình yêu ấy sẽ ngự chuyển qua trong canh cửi tổ thành thể chất tâm hồn ông như một tiêm chính yếu hòa lẫn với những tơ sợi của những thử thách cam go, những thất bại chua cay và những niềm vui, những khoái cảm của ông.
Nếu cần nói cho ông biết nhờ ai tôi đã học được đôi điều về thiên chất sáng tạo, nguồn gốc của nó, lề luật vĩnh cửu của nó, tôi phải kể hai tên, chỉ hai tên thôi: đó là Jacobsen, đại, ồ đại thi hào, và Auguste Rodin, điêu khắc gia mà không có một nghệ sĩ nào hiện nay đáng sánh ngang hàng.
Mong ông thành công mọi sự trên những đường ông đi.
Thân ái,
RAINER MARIA RILKE