Chương 5: Bức thư thứ năm
Rome, ngày 29 tháng mười, năm 1903.
Ông thân ái,
Bức thư ông gửi ngày 29 tháng tám đã tới tay tôi tại Florence, và bây giờ, sau hai tháng trời biền biệt, tôi mới nhắc tới bức thư đó. Xin ông thứ lỗi cho sự chậm trễ này, sở dĩ thế là vì tôi không thích viết thư khi lên đường. Vì muốn viết thư, đối với tôi, không phải chỉ cần vật dụng cần thiết thôi mà lại cần cả đôi chút im lặng biệt lập và một giờ thuận tiện cho tinh thần kết nụ.
Chúng tôi đã đến Rome cách đây sáu tuần lễ vào một mùa mà thành phố hãy còn trống trải, nóng bức, như bị trời phạt vạ vì phải cơn sốt thiêu đốt. Những hoàn cảnh như thế, lại thêm những sự khó khăn gian nan trong việc thu xếp ăn ở cho an ổn, đã khiến chúng tôi phải lao xao chộn rộn không ngừng. Rồi lại chơ vơ lạ nước lạ non, đất khách quê người đè nặng chúng tôi với lòng sầu viễn xứ. Cũng nên thêm rằng thành phố Rome (khi mình chưa quen biết nó lắm) xô đẩy khách lạ mấy ngày đầu vào trong một nỗi sầu tiêu sái, một ý chí tiêu trầm thoát ra từ hơi hám nhạt nhẽo khô ch.ết, bốc ra từ những bảo tàng viện, thoát ra từ bao nhiêu quá khứ của thành phố mà người ta khai quật và lưu tồn một cách gian nan (hiện tại tầm thường nuôi sống từ đó), thoát ra sự đánh giá quá cao mà những nhà bác học thông thái khảo cổ đã đặt vào những sự vật hư nát, và theo đuổi họ là những du khách truyền thống của Ý đại lợi. Tất cả những sự vật này thực ra chỉ là những tàn tích xuất hiện ngẫu nhiên ở đó, thuộc vào một thời đại khác, vào một đời sống khác hẳn đời sống chúng ta và không thể là đời sống của chúng ta được. Sau cùng, trải qua bao tuần chịu đựng ở thế thủ, mình mới tìm lại con đường trở về nội tâm mình, dù hơi bỡ ngỡ sửng sốt đôi chút. Lúc ấy mình mới tự nhủ: không, ở đây, nơi thành phố này, cũng chẳng có gì đẹp hơn nơi khác. Tất cả những di phẩm ở đây, mà bao nhiêu thế hệ liên tiếp đã sùng bái ca tụng, mà bao nhiêu tay thợ đã vá víu tu bổ, thực ra chúng chẳng có ý nghĩa gì cả, chẳng có đời sống gì cả, không hồn, không giá trị gì hết. Nếu ở đây có nhiều cảnh tượng đẹp đẽ thì ở mọi nơi khác cũng có nhiều cảnh tượng đẹp đẽ như vậy.
Nước chảy lai láng, tràn trề sự sống, chảy đến thành phố qua những thủy lộ lâu đời, nhảy múa trong những vành đựng nước bằng đá trắng trên vô số công trường của thành phố, chảy lan ra trong những chậu nước rộng và sâu. Tiếng nước chảy róc rách ban ngày dâng lên thành bài ca vất vưởng vào ban đêm khuya khoắt, ở nơi thành phố này đêm trở nên linh trọng và trời đầy sao, đêm dịu dàng mơn trớn dưới sự vuốt ve nhè nhẹ của những cơn gió thoảng qua. Nơi đây có những khuôn trang, những lối đi khó quên, những bậc thang do Michel Ange thai nghén tạo thành rập theo hình thể của dòng nước chảy xiết, ào ạt đổ trào, mỗi một bước thang thoát ra từ một nấc thang khác, như từng cơn sóng lũ lượt thoát từ cơn sóng khác. Nhờ những xúc động cảm khái kia mình mới thu phối được tâm tư, thu lòng, tập trung tinh thần lại để thoát khỏi đám đông xâm lấn ba hoa ồn ào (ở Ý đại lợi này, đám đông ba hoa, ăn nói huyên thuyên quá đỗi!) Chầm chậm dần hồi mình bắt đầu tập nhận ra những sự việc vô cùng hy hữu mà Thiên Thu còn trì cửu, mà mình có thể thương yêu lưu luyến, mình tập nhận ra nỗi cô đơn mà chúng mình có thể tham dự vào đó trong niềm im lặng khơi vơi. Tôi vẫn còn đang ở trong thành phố, trên điện chiến thần Capitole, không xa kỵ mã tượng đẹp nhất mà nghệ thuật La Mã còn truyền lại cho chúng ta: đó là bức tượng Marc-Aurèle. Trong vài tuần nữa tôi sẽ di chuyển đến một chỗ ở đơn giản tĩnh lặng, ngôi nhà mùa hạ nằm hút tận lòng một công viện to lớn, đóng kín mất khỏi những tiếng ồn ào động đậy của thị tứ. Tôi sẽ sống suốt mùa đông ở đó, thụ hưởng niềm im lặng mênh mông, chờ đợi tặng phẩm của những giờ phút tràn đầy thơ mộng…
Sống nơi đó, tôi sẽ cảm thấy thoải mái hơn, sẽ viết nhiều hơn nữa cho ông và tôi sẽ trả lời tiếp về bức thư cuối cùng của ông. Hôm nay tôi cần cho ông biết (đáng lẽ ông cho tôi biết sớm hơn) rằng tác phẩm ông nói trong thư, gồm một số sáng tác của ông, chưa tới tay tôi. Có lẽ người ta đã hồi lại ông từ Worpswede (vì họ không thể gửi lại theo địa chỉ mới của người nhận ở hải ngọai), Nếu họ đã hồi lại ông thì quí biết bao, tôi muốn ông xác nhận cho tôi rõ điều ấy. Tôi mong rằng nó không lạc (bưu điện Ý đại lợi thì đáng ngờ lắm, thực là không may).
Tôi rất sung sướng khi nào nhận lại được tác phẩm kia, cũng như nhận được bất cứ sáng tác nào của ông; về những vần thơ ông làm sau đó, tôi cũng thích thú đọc chúng nếu ông phó thác chúng cho tôi, tôi sẽ đọc lại chúng, sống với chúng bằng tất cả chân tình của lòng mình.
Chào mến chúc.
Thân ái,
RAINER MARIA RILKE