Chương 23: Ân trả, nghĩa đền
Khai-quốc vương cho mời Vũ Thiếu-Nhung ra. Vương kính cẩn nói:
- Phu nhân. Tại hạ cứu phu nhân khỏi cảnh tù đầy, nhục nhã, lát nữa đây đưa phu nhân về gặp đại phu cùng tiểu thư, công tử. Không biết phu nhân nghĩ sao?
Vũ Thiếu-Nhung quì mọp xuống khấu đầu:
- Vương gia, thiếp biết tội quá nhiều. Chỉ mong vương gia mở lòng từ bi cho thiếp được gặp mặt chồng con, rồi thiếp chịu ngựa xé, voi dày.
Vương phất tay, đỡ bà dậy:
- Phu nhân bị hành hình, ch.ết là hết, phần của phu nhân coi như xong. Phu nhân nghĩ sao khi thiên hạ đàm tiếu người sống? Đại phu thân bại danh liệt vì phu nhân. Tiểu thư hiện là một vị cô nương sắc nước hương trời, võ công, y đạo quán chúng. Công tử tuy chưa trưởng thành, nhưng tài năng phát triển, hơn hẳn bất cứ thiếu niên nào đồng tuổi. Không lẽ phu nhân để hai con bị người đời đàm tiếu vì bà mẹ ô danh thất tiết sao?
Thiếu-Nhung run run:
- Thiếp mong vương gia chu toàn cho. Thân này nguyện làm trâu ngựa báo đáp công ơn.
Vương thở dài:
- Tốt hơn hết chúng ta dấu biệt. Nói dối tuy xấu, nhưng nói dối mà cứu được người, ta nề quản gì? Chúng ta chỉ nói cho đại phu biết, phu nhân bị giam dưới hầm kín, tr.a khảo nơi dấu Thiên-vương mật dụ. Phu nhân nhất định không khai. Thế thôi.
- Thiếp không còn muốn sống nữa!
- Phu nhân có phải loại người ɖâʍ đãng, muốn thất tiết đâu? Phu nhân phải chiều lão Nhật-Hồ, vì muốn cho chồng con khỏi bị hại mà! Được, coi như phu nhân phạm trọng tội đi. Trong Hình-thư có khoản Bát-nghị. Phu nhân vì xã tắc làm một việc quan trọng, có thể lấy công ấy mà chuộc tội.
- Xin vương gia cho biết thiếp phải làm gì? Dù nhảy vào miệng cọp thiếp cũng xin tuân lệnh vương gia.
- Điều này cũng dễ thôi. Phu nhân không được nói ra sự thực với đại phu. Cũng không được tự tử. Đó là hai điều giản dị tại hạ yêu cầu.
Thiếu-Nhung cảm thấy vị vương gia trước mặt thực hào sảng. Lúc đầu nghe vương nói phải làm hai điều ích quốc lợi dân, bà tưởng điều đó khó khăn thế nào. Hóa ra hai điều chỉ thu về một mối tha tội cho bà.
Vũ Thiếu-Nhung chắp tay:
- Vương gia thực là đại anh hùng.
Khai-quốc vương đứng dậy hô:
- Đem kiệu ra mau!
Đêm mười tháng tám, trăng sáng tỏ như ban ngày. Dân chúng trong thành Thăng-long treo đèn, kết hoa. Trai thanh gái lịch chen chúc nhau thưởng trăng tết Trung-thu. Chỗ này múa sư tử, chỗ kia hát xướng. Lại có chỗ trai gái họp nhau hát trống quân đối đáp.
Thông thường Khai-quốc vương hành sự rất kỳ bí, ít khi phô trương. Vương đi đâu, cũng chỉ có sư phụ Huệ-Sinh với đạo sư Nùng-Sơn tử là quá, không bao giờ vương dùng nghi vệ như các quan khác.
Hôm nay, trường hợp đặc biệt, Long-thành người nghẹt trên đường, nếu không dùng nghi vệ, e khó có thể đưa Vũ Thiếu-Nhung đến hồ Tây vào trước nửa đêm. Vương phải dùng đến một kỵ mã đi phía trước kiệu của Vũ Thiếu-Nhung. Phía sau ba ngựa. Đó là ngựa của Khai-quốc vương, Thiệu-Thái, Tôn Đản. Họ đi về phía hồ Tây. Khi tới chỗ đóng trại của phái Sài-sơn, viên kỵ binh hô lớn:
- Có Lý Long-Bồ phái Tiêu-sơn, cầu kiến Hồng-Sơn đại phu.
Tiếng nói của viên kỵ binh rất lớn. Hồng-Sơn đại phu đang ngồi ngắm trăng cùng Lâm Huệ-Phương với các đệ tử, ôn kế hoạch sắp phải làm những gì. Nghe tiếng hô, đại phu kinh hoảng:
- Tên Lý Long-Bồ là anh hùng đời nay. Y đang cầm đại quyền triều Lý. Ngày mai này mình sẽ cùng cha con hắn tranh dành lại ngôi vua. Đêm hôm, hắn đến đây làm gì?
Lâm Huệ-Phương nghe Khai-Quốc vương đến, mặt nàng đỏ hồng lên. Hình ảnh vương ôm nàng lên giường, tay cởi nút áo lại hiện ra. Nàng nói với chồng:
- Người ta lấy lễ võ lâm xin cầu kiến. Anh nên gặp xem sao. Em tạm lánh mặt.
Đại phu cùng các đệ tử ra ngoài đón. Thấy Khai-quốc vương uy nghi, phong tư tiêu sái khác thường, ông chắp tay:
- Đêm hôm mà vương gia còn gía lâm, chắc có điều chi dạy bảo.
Vương chắp tay chỉ vào kiệu phía sau:
- Không có việc gì khẩn, đâu dám phiền đại phu giữa đêm trăng đẹp thế này. Tại hạ nhân truy lùng trộm cướp, gặp một mệnh phụ phu nhân, dung nhan không kém Mỵ-Châu, ôn nhu e chẳng thua Hoàng Thiều-Hoa thời Lĩnh-nam. Ngặt vì vị phu nhân đêm nhớ ngày mong gặp chồng con, mà thành bệnh. Tại hạ phải đưa đến cầu đại phu trị cho.
Đại phu mời Khai-quốc vương vào lều, truyền pha trà. Phân ngôi chủ khách. Thiệu-Thái, Tôn Đản khoanh tay đứng hầu sau lưng vương. Hồng-Sơn đại phu chưa gặp Tôn Đản bao giờ. Còn Thiệu-Thái, ông đã trị bệnh cho. Ông nhìn chàng:
- Tiểu huynh đệ. Người thực có tiền duyên, tiền nghiệp tốt lành vô cùng. Người mới bằng này tuổi, mà đã được thọ lĩnh Thiền-công tới mức tối cao, thực hiếm có. Ta nghĩ trước đây chỉ có đại hiệp Trần Tự-Viễn mới có thể luyện tới mức này mà thôi.
Trần Tự-Viễn sáng lập ra phái Đông-a, được ngài Pháp-Hiền truyền Thiền-công. Nhưng ông lại chính là tổ sư ngoại công phái Tiêu-sơn.
Ông tiếp:
- Tiếc rằng người tuy thọ lĩnh Thiền-công cao, nhưng lại chưa luyện Thiền-công bao giờ, thành ra không biết xử dụng. Cũng giống như đứa trẻ, được hưởng một kho vàng, mà không biết tiêu. Trước đây, người học võ công Tây-vu. Võ công Tây-vu cũng một thứ võ công có sát thủ kinh người. Khi xử dụng, nhãn pháp phải như muốn ăn tươi nuốt sống địch thủ. Ý tưởng phải như muốn làm đối thủ tan thây nát thịt. Trong khi đó nội công của người thuộc Thiền-công cần bỏ ra ngoài nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý. Người phải nhớ giữa cái sắc tướng của ngoại công Tây-vu với cái không tướng của nội công Tiêu-sơn trái ngược. Vì vậy khi người phát chiêu Tây-vu bằng nội công Tiêu-sơn, chưởng không ra là thế.
Hồng-Sơn đại phu chợt nhớ ra:
- Như vậy tiểu huynh đệ với Bảo-Hòa liên hệ thế nào?
Thiệu-Thái gật đầu:
- Hôm Bảo-Hòa về Thăng-long gặp vãn bối. Em nó nhắc đến đại phu luôn. Nó nhớ quý tiểu thư cùng quý công tử ngày đêm.
Khai-quốc vương thấy Hồng-Sơn đại phu chỉ nhìn tướng đi của Thiệu-Thái mà biết rõ nội công trong người, vương phục vô cùng:
- Ông này nổi tiếng một trong Đại-Việt ngũ long có khác. Kiến thức võ công quả siêu phàm.
Hồng-Sơn đại phu nhìn Tôn Đản:
- Tiểu huynh đệ, người quả xứng đáng hậu duệ của Bắc-bình vương Đào Kỳ. Tuổi người bất quá mười lăm, mười sáu, mà đã học được tuyệt nghệ của võ công Cửu-chân.
Ông chau mày:
- Ừ, người học được hết căn bản võ công Cửu-chân xưa. Chứ võ công Cửu-chân truyền đến nay cho phái Mê-linh không thể so sánh với người. Nhưng tiếc quá. Tiếc quá!
Tôn Đản cung kính:
- Xin đại phu chỉ dạy cho cháu những chỗ sai lầm.
- Sai lầm thì không có đâu. Nếu người học được thuyết âm-dương hỗ căn. Sau đó tìm cho ra nội công âm nhu của phái Long-biên xưa mà hợp lại, công lực người sẽ cao thâm khôn lường.
Ông thở dài:
- Không biết nội công Long-biên xưa, nay phái Mê-linh có còn lưu truyền được hay không?
Chợt ông nhớ ra:
- Phải rồi! Hôm trước lão phu thấy quận chúa Bảo-Hòa có luyện được nội công này.
Ông quay lại nói với Khai-quốc vương:
- Xin cho tôi gặp bệnh nhân.
Màn kiệu mở ra. Vũ Thiếu-Nhung oà lên khóc. Bà ôm lấy chân đại phu:
- Đại phu! Thiếp còn sống về hôm nay, nhìn thấy đại phu đều nhờ vương gia đây.
Hồng-Sơn đại phu vốn thông minh tuyệt đỉnh. Hôm trước nghe Tự-Mai, Mỹ-Linh bảo có thể cải tử hoàn sinh vợ ông. Ông đã nghi. Hôm nay, thấy người vợ ch.ết đã bốn năm ngồi trước mặt, đó là điều ông kinh ngạc đến ngẩn người ra. Ông đỡ bà dậy hỏi:
- Phu nhân. Rõ ràng chính tay ta liệm phu nhân, mà sao phu nhân lại còn sống?
Phía sau màn, Thiếu-Mai, Lê Văn chạy ra ôm lấy mẹ.
- Mẹ! Mẹ còn sống đấy à? Hôm trước Mỹ-Linh, Tự-Mai qua đây nói rằng sẽ cải tử hoàn sinh cho mẹ. Bố không tin. Không ngờ lại là sự thực.
Thiếu-Nhung ôm lấy hai con, khóc òa lên:
- Con ơi! Mẹ ch.ết đi trăm lần, mà sống lại được, đều nhờ vương gia đây. Các con mau tạ ơn vương gia đi.
Thiếu-Mai, Lê Văn đã cùng Hồng-Sơn đại phu luận bàn suốt năm qua về việc phục hưng nghiệp cũ của nhà Lê. Trước mắt hai người, Thuận-thiên hoàng đế là cường thần, tặc tử. Khai-quốc vương cầm đại quân trong tay, ông trở thành đệ nhất đối đầu của nhà Lê. Thế mà nay, mẹ nàng được vương cải tử hoàn sinh. Bà bảo hai người lạy tạ, sao có thể chối được? Hai người vội quì gối hành đại lễ. Khai-quốc vương phất tay, xử dụng một chiêu trong Tiêu-sơn tượng đầu chưởng, đỡ hai người dậy:
- Công tử, tiểu thư không nên đa lễ. Huống hồ hai vị với Thanh-Mai có tình sư huynh, sư đệ đồng môn.
Cả nhà đầy nước mắt. Thiếu-Mai đưa mẹ vào trong lều. Ngoài này Hồng-Sơn đại phu vỗ tay vào nhau:
- Lý vương gia! Ta thua người một trận ân tình nặng quá. Nhưng ta chỉ lùi bước trước người, chứ không lùi bước trước họ Lý đâu. Ta chịu ơn vương gia. Bảo rằng vương gia cứu tiện nội, mà ta bỏ đại nghiệp của tổ tiên ta không bỏ đâu.
Khai-quốc vương bưng chung trà uống:
- Đại phu! Giữa việc tại hạ cứu phu nhân với công việc phục hồi Lê triều hoàn toàn khác nhau. Tại hạ cứu phu nhân không phải để đòi đại phu phải thế này, thế nọ. Tại hạ đến đây không phải Khai-quốc vương triều Lý để gặp Nam-quốc vương triều Lê. Mà là đệ tử của phái Tiêu-sơn, gặp đại phu chưởng môn phái Sài-sơn.
Nghe Khai-quốc vương nói, Hồng-Sơn đại phu cảm thấy thẹn trong lòng. Ông tự chửi thầm:
- Mình mới ra quân lần đầu, đã bị con trai Lý Công-Uẩn đánh cho đại bại rồi. Hôm trước mình bắt Bảo-Hoà, Mỹ-Linh phải chối bỏ họ Lý, mới trị bệnh cho. Hai đứa trẻ thà ch.ết, chứ không chịu điều kiện đó. Mình giam lỏng chúng tại Vạn-thảo sơn trang. Rồi chúng tự trị lấy bệnh. Lại nữa, mình trị bệnh cho Thân Thiệu-Thái, bắt y với Mỹ-Linh không được chống lại phái Sài-sơn, với ý nghĩ rằng ngày mai này, thế nào cũng có cuộc long tranh, hổ đấu. Hai đứa đó không thể giúp Lý Công-Uẩn chống mình. Thế mà bây giờ tên Lý Long-Bồ, bằng cách nào đó cải tử hoàn sinh cho vợ mình. Nó lại không đòi hỏi gì cả. Mình thực không bằng nó. Hà... mình thua nó một trận đậm quá.
Đại phu thở dài:
- Phàm làm anh hùng, phải lấy lòng mà đãi nhau. Vương gia đã lấy hiệp nghĩa giúp ta, trong khi ta đang chống đối họ Lý. Ta không muốn ngồi mát ăn bát vàng. Ta có đưa cho Mỹ-Linh ba tượng của Thiên-vương. Vương gia có thể xử dụng. Mỗi tượng, vương gia được yêu cầu ta làm một việc.
Khai-quốc vương trịnh trọng mở chiếc hộp bằng gỗ trầm. Trong bọc có ba tượng của Phù-đổng Thiên-vương, mà Hồng-Sơn đại phu trao cho Mỹ-Linh. Vương đặt lên bàn:
- Mỹ-Linh là con gái của huynh trưởng tại hạ. Nó vốn mồ côi, tại hạ lại chưa nạp mỹ nữ, nên nhận nó làm con. Tại hạ bận rộn, ít thời giờ dạy dỗ cháu, vì vậy nó mới vô phép, nhận ba tượng này của đại phu. Tại hạ nhân danh bố nuôi, giáo bất nghiêm, lỗi ở tại hạ cả. Xin đại phu xá tội.
Vương đứng lên xá ba xá, tỏ ý tạ lỗi.
Hồng-Sơn đại phu tiếp lấy ba tượng, rồi hỏi:
- Tôi nghe đồn, Khai-quốc vương chưa nạp bất cứ phi tần nào, có đúng không? Phải rồi, hẳn vương chưa tìm được giai nhân vừa ý đó thôi.
Khai-quốc vương ngửa mặt nhìn trăng:
- Đã hai lần phụ hoàng tuyển cho tại hạ được hai đệ nhất giai nhân. Sắc đẹp có một không hai trên đời. Một người kiến thức quảng bác, võ công vào loại hiếm có. Tại hạ mới thấy đã tự cảm ơn Trời, Phật ban cho đóa hoa trân quí trên trần gian.
Hồng-Sơn đại phu ngạc nhiên:
- Thế nay giai nhân đó đâu?
- Nói dấu gì đại phu... Trong lúc tại ha say men tình, đến nỗi như người trong giấc mơ. May đâu giai nhân thố lộ cho biết nàng đã có ý trung nhân. Tại hạ tỉnh người dậy, tạ lỗi với nàng, giúp nàng vàng bạc, đi tìm người yêu.
Trong màn, Vũ Thiếu-Nhung, Thiếu-Mai, Lê Văn cùng bật lên tiếng kinh ngạc « ui chà », « ái chà ». Còn Lâm Huệ-Phương biết vương nhắc đến truyện nàng hồi trước. Mặt nàng đỏ lên, chân tay run run, tim đập liên hồi.
Bên ngoài Hồng-Sơn đại phu nghĩ thầm:
- Người này quả thực xứng danh đại anh hùng, mới có thể dứt bỏ dục vọng, giữ đại nghĩa như vậy. Ta thực không bằng.
Đại phu tiếp:
- Thế còn người thứ nhì?
- Nàng xuất thân đệ nhất đanh ca Long-Thành. Sắc đẹp hoa khôi thiên hạ. Khi nàng về với tại hạ, nàng cũng thố lộ tâm tư rằng trước đây, trong một đêm trăng, nàng du ngoạn trên sông Hồng, bị bang Hồng-hà toan bắt cóc. May nhờ một võ lâm cao thủ cứu thoát. Từ đấy trong tâm nàng đã có bóng dáng tình quân. Tại hạ lại cho nàng vàng bạc, đi tìm người tình. Hiện nàng đang sống hạnh phúc bên chồng.
Hồng-Sơn đại phu giật mình:
- Hoa khôi Long-thành à? Tại hạ nghe nói Long-thành có ba hoa khôi. Một tên Yên-Hoa đã làm thứ phi của Dực-thánh vương. Hai tên Lê Mai đã làm phu nhân đô nguyên soái họ Đàm. Ba tên Đào Hà-Thanh. Không lẽ là nàng đó?
- Vâng, đúng nàng.
Hồng-Sơn đại phu nghĩ thầm:
- Ta nghi tên này bịa truyện hoang đường. Chứ đời nào có người thấy hoa đẹp vào tay, lại trao cho người khác? Huống hồ... Ta phải lật mặt nạ hắn mới được.
Ông hỏi:
- Vương gia nói lạ. Lòng dạ vương gia quảng đại thì ta tin. Nhưng phàm vợ do bố mẹ cưới, đâu có thể nhượng cho người khác. Huống hồ vợ một vị vương, cao quí biết mấy, mà trả về với tình lang, e chính vương gia làm đảo lộn Hoàng-thành. Tội đó nhẹ, mất thì tước vương, đuổi ra ngoài dân dã. Nặng, thì bị mất đầu. Nếu vương gia tỏ ra rằng những điều vương gia nói, có chứng cớ, ta nguyện cắp gươm theo hầu, hai tay dâng sự nghiệp lên vương gia.
Khai-quốc vương nhìn trăng:
- Đại phu không tin, tại hạ cũng đành vậy thôi.
- Khi nào vương gia chứng minh được những điều vương gia vừa kể, lão phu xin lùi bước, trao giang sơn cho vương gia. Trao giang sơn cho vương gia, không phải lão phu đánh cuộc đâu. Tại sao vậy? Tại hạ muốn tranh lại thiên hạ, chỉ cũng với mục đích mưu hạnh phúc cho dân. Nay vì đất nước này có người anh hùng hào sảng đến thế, hỏi tại hạ còn muốn làm vua chi nữa cho khổ thân? Để vị anh hùng đó cai trị dân, mới mong nước mạnh, dân an.
Lâm Huệ-Phương nghe chồng nói vậy, nàng nghĩ rất nhanh:
- Chồng ta có làm vua, cũng không sướng bằng địa vị hiện tại. Ta khuyên hoài, mà người không nghe. Người đang đi vào con đường tà, do bọn Tống gài bẫy. Nhân dịp này, ta phải kéo chàng về thực tại.
Nàng mở màn bước ra, quì gối trước Khai-quốc vương:
- Tiện thiếp ở trong màn, nghe tiếng nói của vương gia, lúc đầu nghi không phải. Bây giờ đích thực là vương gia rồi. Tiện thiếp kính xin vương gia nhận cho bốn lạy ân tình này.
Nói rồi nàng lạy liền bốn lạy. Khai-quốc vương để cho nàng lạy xong. Vương hỏi:
- Huệ-Phương, sao nàng cũng có ở đây, mà không đi tìm tình quân?
Nước mắt Huệ-Phương dàn dụa:
- Thiếp đã tìm thấy tình quân. Tình quân chính là đại phu đây. Hơn năm nay, thiếp ngụp lặn trong hạnh phúc cũng nhờ lượng cả của vương gia.
Hồng-Sơn đại phu hỏi:
- Huệ-Phương, thế này ta không hiểu nổi.
Lâm Huệ-Phương dàn dụa nước mắt nói:
- Hôm em tìm đến anh, em đã thuật rằng khi tuyển cung, em được gả về làm phi tần cho một vị thái tử. Thái tử thấy em khóc, hỏi tại sao. Em thưa rằng em yêu anh, mà nay làm vương phi, nợ tình bao giờ trả hết ? Vị thái tử bảo em: « Nếu ta giữ nàng, ta thành đồ cường hào cướp vợ người. Mà cho nàng về với tình quân, phụ hoàng có thể chặt đầu ta. Thôi ta thà chịu làm ma không đầu, chứ không muốn bất nghĩa".
Rồi thái tử đó cho em vàng, bạc đi tìm anh. Anh hỏi em tên thái tử. Quả thực em không muốn nói cho anh biết. Hôm nay duyên may dun dủi, ngồi trong màn, trộm nghe tiếng vương gia, em mới biết mình có đại phúc được gặp lại ân nhân.
Hồng-Sơn đại phu nắm tay Huệ-Phương, ngửa mặt lên trời than:
- Ta nổi danh một trong Ngũ-long Đại-Việt. Mà chính thê bị cướp bắt giam, không cứu ra được, để người cứu cho, chịu ơn người. Kế thất, lại được người vì đại nghĩa nhường lại. Than ôi! Tài ta thua Long-Bồ. Nghĩa Long-Bồ cao hơn núi Hồng-lĩnh. Ta chịu thua!
Ông nhìn Huệ-Phương, Vũ Thiếu-Nhung, các con, rồi nhìn Khai-quốc vương, chưa biết phải nói gì.
Huệ-Phương chợt nhìn Tôn Đản, nàng hỏi:
- Thiếu hiệp! Tuổi ta đáng chị của thiếu hiệp. Ta muốn nói với thiếu hiệp mấy câu.
Tôn Đản kính cẩn chắp tay:
- Phu nhân cứ dạy. Tiểu bối xin rửa tai nghe lời.
Huệ-Phương mỉm cười. Môi nàng hồng mọng, mắt nàng chiếu ra tia sáng ngời. Dưới ánh trăng, nàng đẹp lộng lẫy như một bông hải đường mới nở:
- Dạy thiếu hiệp thì không có đâu. Ta coi tướng thiếu hiệp, thấy tốt quá, nhịn không được, nên phải nói ra mà thôi.
Tôn Đản đã nghe Thanh-Mai, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh kể về tài xem tướng của Huệ-Phương. Nay được bà xem cho, điều nó cầu mà không được:
- Tiểu bối mong phu nhân coi tướng, rồi dạy cho những điều nên, những điều không nên.
Huệ-Phương nói:
- Tướng của thiếu hiệp thuộc tướng cực kỳ quý. Tuy không làm đế, làm vương. Nhưng sự nghiệp đối với đất nước e không nhỏ. Kìa, lông mày giống lông mày hổ, ắt can đảm, trường thọ, nhưng ít anh em. Hay tuy nhiều anh em mà phải ly tán. Mắt lại giống mắt rồng. Ắt sau gặp đấng minh quân. Mũi giống mũi sư tử, thì danh vang bốn biển. Miệng vòng cung, trọn đời phú quý. Tổng kết, sự nghiệp thiếu hiệp thực kinh thiên động địa. Nhưng hai tay thiếu hiệp nhỏ như tay khuê nữ, ắt hay bị dèm pha. Chung cuộc không trọn vẹn.
Tôn Đản hiên ngang nói:
- Tiểu bối chỉ mong sau này làm được bất cứ việc gì cho đất nước. Việc đó dù nhỏ, dù lớn không cần thiết. Còn ngoại giả nếu có vị quốc vong thân, cũng chẳng lấy thế làm buồn.
- Tuổi trẻ khí khái, lập chí đáng phục. Ta tặng thiếu hiệp câu này để làm bùa hộ thân: Mũi nhọn dễ gẫy , để khi gặp việc, chớ cương quyết quá. Hoặc giả bỏ đi tu thì không sao.
- Đa tạ phu nhân. Tiểu bối xin ghi lòng.
Khai-quốc vương đứng dậy tạ từ:
- Non xanh còn đó. Xin cáo từ đại phu.
Hồng-Sơn đại phu đứng lên tiễn Khai-quốc vương. Sau ông, hai vợ, cùng hai con. Cả bốn người cùng cúi đầu tiễn đưa vương.
Về tới Khu-mật-viện, vương hỏi Tạ Sơn:
- Mỹ-Linh đâu rồi?
Tạ Sơn lễ phép:
- Công chúa đưa vương phi Đông-chinh vương về phủ. Sau đó đưa vương phi Khai-thiên vương đi. Không rõ đi đâu.
Khai Quốc vương giật mình:
- Hỏng rồi. Sao sư đệ không cản lại?
Tạ Sơn ngơ ngác:
- Tại sao lại cản?
Vương lắc đầu:
- Từ lúc Mỹ-Linh khám phá ra Hoàng Văn là trưởng lão Hồng-thiết giáo. Mà tên Hoàng Văn không hề biết y bị lộ hình tích. Sư huynh cố kiềm không cho Mỹ-Linh về phủ. Mục đích cho tên Hoàng Văn hành động, hầu mình biết những ai trong phủ Khai-Thiên theo Hồng-thiết giáo. Nay cho Mỹ-Linh đưa vương mẫu về, e hỏng hết.
Tạ Sơn chỉ về hướng Đông:
- Công chúa vừa ra khỏi xong, kiệu đi chưa xa đâu. Mau đuổi theo may ra kịp.
Vương bảo Thiệu-Thái:
- Cháu theo cậu đi ngay. Gọi Đỗ phu nhân, nữa.
Vương cầm bút viết lệnh rồi bảo Tạ Sơn:
- Sư đệ sai chim ưng đi tìm Mỹ-Linh, đưa thư này khẩn cấp, vì lỡ ra ta không đuổi kịp.
Bốn người lấy ngựa lên đường. Phủ Khai-Thiên vương nằm phía Đông Thăng-long, trong khi Khu-mật-viện nằm ở phía Tây. Vì vậy ngựa phải băng ngang qua thành. Tới cổng phủ, vương xuống ngựa, hỏi tên võ sĩ canh cổng:
- Công chúa Bình-dương về chưa?
Viên võ sĩ kính cẩn hành lễ quân cách:
- Khải tấu vương gia chưa.
- Người vào khải với Thiên-vương rằng có ta cầu kiến.
Viên võ sĩ vào trong một lát, Khai-thiên vương Phật-Mã ra. Vương thấy đêm khuya mà em mình đi với đứa cháu gọi bằng cậu, cùng người nô bộc giỏi y khoa, mà vương gặp trong Long-hoa đường một lần. Vương kinh ngạc:
- Chú hai. Có việc gì khẩn không?
Khai-quốc vương nắm tay anh:
- Dĩ nhiên có, việc vui. Vui lắm. Đợi tý nữa anh sẽ thấy.
Hai anh em, dắt tay nhau vào phủ. Khai-Quốc vương ghé tai Thiệu-Thái dặn nhỏ mấu câu, rồi nói lớn:
- Cháu với Đỗ phu nhân chờ đây. Thấy Bình-Dương về dẫn vào gặp cậu ngay.
Trong phủ Khai-thiên vương đang bầy
tiệc, cỗ Trung-thu. Các thế tử, quận chúa, gia tướng, nô bộc đều tề tựu. Có một cỗ bỏ trống chưa ai ngồi. Khai-Quốc vương hỏi:
- Sao vương huynh biết đệ đến mà bầy cỗ sẵn?
- Không! Cỗ này đâu phải cỗ của chú. Cỗ của chú phải có rượu chứ. Cỗ này bầy để chờ Mỹ-Linh đấy.
Khai-quốc vương đến trước ba bà chị dâu cúi đầu hành lễ:
- Vì bận quốc sự, em ít có thời giờ vấn an anh cùng các chị, cũng như thăm các cháu.
Các bà phi của Khai-thiên vương biết ông em chồng đang được phụ hoàng sủng ái cực kỳ. Ngài định truyền ngôi cho vương. Nhưng vương lại không muốn làm vua. Vương chỉ sủng ái Mỹ-Linh, Mỹ-Linh được phong công chúa liền. Vương dạy dỗ Mỹ-Linh mới hai năm, mà Mỹ-Linh đã có tài vương bá. Nếu như con các bà cũng được vương sủng ái, sau này ắt được lên ngôi vua. Các bà vội sai bầy một bàn tiệc cạnh bàn của Khai-Thiên vương mời vương ngồi.
Khai-quốc vương nói:
- Xin các chị cho một bàn nữa cạnh bàn của anh. Vì có một nhân vật quan trọng sắp đến dự tiệc. Nhân vật này ngang vai với anh. Một bàn cho cháu Thiệu-Thái, một bàn cạnh các tướng trong phủ cho Đỗ phu nhân, là gia khách bên em.
Mai phi hỏi:
- Ai đến đây nữa? Công chúa An-quốc chăng?
Khai-quốc vương bảo bầy tiệc cho Triệu Liên-Phương, nhưng vương không muốn tiết lộ sớm, nói lơ mơ:
- Một giai nhân mà anh sủng ái cùng cực.
Mai phi định hỏi xem giai nhân đó là ai, song thấy mặt ông em chồng quá nghiêm nghị, bà không dám hỏi nữa.
Đinh phi con gái Đinh Ngô-Thương, tổng trấn Thanh-hóa, hỏi:
- Chú hai này. Bình-Dương đâu?
- Cháu sắp về. Nó sẽ mang một lễ vật lớn dâng phụ vương nhân tết Trung-thu.
Khai-quốc vương thấy đứa cháu trai tên Nhật-Tôn, em của Mỹ-Linh tuy nhỏ tuổi, nhưng đã tỏ ra chững chạc, đang chắp tay đứng hầu anh. Vương không thích lễ giáo khắt khe của anh, đưa hai tay ra bế bổng nó lên, rồi hôn lên má nó:
- Cháu học võ chưa? Học văn đến đâu rồi? Có bị bố đánh đòn không?
Quận chúa Hồng-Phúc là con Đinh phi xen vào:
- Nó học văn tạm được. Còn học võ, ôi chao mềm xèo, chưa đi đến đâu cả. Chú hỏi chi cho thêm nhục.
Khai-Quồc vương đưa con mắt nghiêm khắc nhìn Hồng-Phúc. Hồng-Phúc kinh sợ, vội im miệng, về chỗ ngồi.
Khai-quốc vương hỏi sẽ anh:
- Tên quản gia Hoàng Văn đâu rồi?
- À, mẫu thân y bị bệnh. Y xin về báo hiếu đã bốn ngày. Lát nữa y sẽ đến chúc tết anh. Chú tìm y có việc gì vậy?
- Anh có nghĩ rằng y trung thành với anh không?
- Y rất trung thành. Đến độ anh cho tiền bạc gì y cũng không nhận. Y làm việc suốt ngày suốt đêm. Có chuyện gì không?
- Trong phủ của anh, ai thân với y nhất? Y ghét ai nhất? Từ khi đến đây, y đã đưa những ai vào làm việc? Xin sa thải những ai?
Thấy em đặt câu hỏi, Khai-thiên vương mới chợt nhớ lại, từ khi vào phủ, Hoàng Văn rất được lòng Đinh phi. Y đề nghị với vương phi cho về dân dã hơn hai mươi cung nữ đến tuổi hai mươi, để chúng có thể lấy chồng, rồi chính y tuyển hai mươi cung nữ trẻ tuổi xinh đẹp vào thay thế.
Khai-Quốc vương hỏi:
- Bọn cung nữ trẻ đâu rồi?
- Hôm qua, y xin với ta cho chúng về thăm nhà nhân dịp tết Trung-thu.
- Ngoài nhiệm vụ quản gia, anh có dùng y vào việc khác không?
- Lúc đầu y chỉ làm quản gia. Sau ta thấy y có kiến thức, việc trong nước, việc võ lâm, không việc gì y không thạo. Vì vậy ta dùng y như một tham tướng. Y liệu địch, hành binh rất giỏi.
Một lát sau Mỹ-Linh vào cùng Thiệu-Thái, Đỗ Lệ-Thanh, Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm. Cả năm hành lễ trước Khai-thiên vương và các bà phi. Khai-thiên vương thấy Hà Thiện-Lãm, Lê Thuận-Tông lạ mặt, vương hỏi em:
- Chú hai! Hai thiếu niên này là ai.
- Lê Thuận-Tông là đệ tử của cô mẫu Tịnh-Huyền, coi như ngang vai với chúng ta. Còn Hà Thiện-Lãm là đệ tử của Nùng-Sơn tử. Cả hai cùng kết huynh đệ với đệ. Thôi vương huynh cứ coi chúng như Mỹ-Linh.
Hồng-Phúc thấy Mỹ-Linh đeo kiếm thì nói mỉa:
- Không biết học được mấy cái múa, mà đeo kiếm làm như ta đây đệ tử danh gia võ học không bằng.
Mỹ-Linh nhìn em mỉm cười tha thứ, rồi về chỗ ngồi. Nàng nghĩ thầm:
- Mình đọc sử Trung-quốc thường thấy khi một người lên làm vua, thường tàn sát anh em đến thản khốc. Có lẽ cũng bắt nguồn từ sự ghen ghét kèn cựa kiểu Hồng-Phúc mà thành. Nếu mình không may mắn theo chú hai ra ngoài, để thấy những ưu tư quốc sự to lớn, có lẽ cũng không hơn Hồng-Phúc làm bao. Mình phải làm một cái gì để mở mắt cô em này ra mới được.
Nghĩ vậy nàng nói nhỏ:
- Người sau hơn người trước, nhà mới khá được. Chị bao giờ cũng mong các em hơn chị.
Hồng-Phúc được thể:
- Dĩ nhiên ta hơn người. Chẳng lẽ người hơn ta?
- Chị muốn em phải hơn nữa...nữa kia. Như vậy chưa đủ.
- Người cứ chờ, sẽ biết.
Mỹ-Linh không muốn nghe cô em nói nữa, nàng im lặng, mỉm cười tha thứ.
Lê Thuận-Tông ngồi bên quận chúa Kim-Thành. Hà Thiện-Lãm ngồi cạnh quận chúa Trường-Ninh. Họ cùng một lứa tuổi, nên gặp nhau dễ thân mật, truyện trò như pháo nổ.
Khai-thiên vương cầm ly rượu lên mời em rồi nói:
- Hôm nay trong phủ có cuộc đấu võ. Hồi nãy các gia tướng đấu xong rồi. Bây giờ tới hàng quận chúa. Nào mời gia sư.
Gia sư tức võ sư thay vương phụ trách việc luyện võ cho các gia tướng cùng thế tử, quận chúa. Trong phủ Khai-thiên vương, các thế tử tuổi còn nhỏ, nên chưa tập võ. Chỉ có bốn quận chúa. Lớn nhất là Mỹ-Linh đã ở bên phủ Khai-quốc vương, vì vậy chỉ có ba quận chúa Kim-Thành, Trường-Ninh và Hồng-Phúc.
Gia sư hỏi:
- Khải tấu vương gia, công-chúa Bình-Dương chưa từng tập võ, vì vậy không dự cuộc đấu này. Xin vương gia rút thăm cho các quận chúa đấu với nhau.
Khai-thiên vương bốc ba trong hai cái thăm. Quận chúa Hồng-Phúc, đấu với quận chúa Trường-Ninh. Hồng-Phúc tự tin mình thắng chị, nàng mỉm cười hỏi gia sư:
- Thưa gia sư, trong cuộc đấu này chỉ được dùng võ công Tiêu-sơn hay muốn dùng võ công nào cũng được?
Gia sư đưa mắt hỏi ý kiến Khai-Thiên vương, thỉnh ý. Vương hỏi Khai-Quốc vương:
- Chú nghĩ sao?
Khai-Quốc vương từng nghe Mỹ-Linh thuật về cuộc đấu võ giữa Hồng-Phúc với Kim-Thành trước đây. Vương nghi trong phủ của anh mình tàng chứa một cái gì bí ẩn sau cái ch.ết của thân mẫu Mỹ-Linh. Sau này nảy ra vụ Hoàng Văn làm trưởng lão Hồng-thiết giáo. Bây giờ thấy Hồng-Phúc đưa ra câu hỏi, vương muốn để cho Hồng-Phúc lộ hết chân tướng võ công ra. Vương đáp:
- Võ là gì? Là phương pháp thắng địch. Khi đấu võ cũng như ra trận, muốn dùng chiêu thức nào cũng được, không nhất thiết phải dùng võ công một phái. Các cháu có bản lĩnh gì cứ dở ra, không giới hạn.
Hai quận chúa bái tổ, hành lễ trước hai vương rồi thủ thế.
Hồng-Phúc phóng liền ba chiêu hồi phong cước, người nàng quay tròn như cơn gió lốc. Liếc nhìn qua lối xuất chiêu của Hồng-Phúc, Mỹ-Linh đã biết những chiêu đó không phải võ công Tiêu-sơn. Nàng đưa mắt nhìn Đỗ Lệ-Thanh. Cả hai cùng lắc đầu.Vì đó là võ công Hồng-thiết giáo. Trường-Ninh trầm người xuống tránh khỏi, tay thủ kín môn hộ, đúng qui củ võ công căn bản Tiêu-sơn.
Cuộc đấu giữa hai quận chúa đang diễn, trong phòng thêm một người nữa bước vào. Y chính là Hoàng Văn. Hoàng Văn đến trước hai vị vương hành lễ, rồi về chỗ ngồi.
Có tiếng Khai-Quốc vương dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai Mỹ-Linh:
- Mỹ-Linh, Thiệu-Thái nghe đây. Phải chú ý theo dõi tên Hoàng Văn. Hễ thấy chú ra hiệu, kiềm chế y liền bằng chiêu thức vũ dũng nhất. Nếu y phản công, cần đánh liên tiếp như sóng vỗ, bằng không y dùng độc chưởng, khó thủ thắng.
Nhận được tiếng chú hai, Mỹ-Linh đưa mắt nhìn Hoàng Văn. Y tỏ vẻ lơ đễnh, không chú ý đến mọi người xung quanh.
Ngoài đấu trường, thình lình Hồng-Phúc phóng ra một chiêu quyền đánh vào trước ngực Trường-Ninh. Trường-Ninh trầm người xuống, tay trái gạt tay phải Hồng-Phúc, tay phải chém một bàn tay vào cổ đối thủ. Không ngờ Hồng-Phúc vọt người lên cao. Từ trên cao, hai tay nàng dùng hổ trảo chụp xuống đầu Trường-Ninh. Trường-Ninh uốn cong người, vọt ra xa. Hồng-Phúc rơi xuống đất, phát một chưởng đến vèo một cái. Chưởng phong rất quái dị.
Khai-Thiên vương thấy cuộc đấu có thể đi đến tai nạn. Vương định can thiệp, Trường-Ninh đã xuống xà-tấn phát một chưởng Tiêu-sơn Tượng-đầu đỡ. Binh một tiếng. Cả hai đều bật lui.
Mặt Hồng-Phúc nhăn nhó, tỏ vẻ đau đớn, nàng quay tròn hai tay, rồi đẩy ra một chiêu nữa. Trường-Ninh lùi một bước, bước xéo sang trái, đẩy một chưởng vào giữa chưởng của em. Bộp một tiếng. Cả hai bật lui lại. Trường-Ninh cảm thấy tay đau nhói, nàng đưa tay lên coi, lòng bàn tay có mấy giọt máu chảy ra.
Khai-Quốc vương quát lớn:
- Ngừng tay!
Miệng hô, vương nhảy vào giữa hai cháu, mỗi tay vương túm cổ áo một cháu nhấc bổng lên, liệng ra xa. Vương nói:
- Trường-Ninh thua rồi. Hồng-Phúc thắng.
Hồng-Phúc tươi nét mặt, tỏ vẻ đắc chí. Khai-Quốc vương kéo Hồng-Phúc lại gần, cầm lấy tay xem qua, rồi hỏi:
- Ai cho cháu cái nhẫn này?
Hồng-Phúc chỉ Đinh phi:
- Vương mẫu ban cho cháu sáng nay.
Khai-Thiên vương đã nhìn thấy chiếc nhẫn kim cương trên tay con. Mọi chiếc nhẫn, hạt kim cương thường có nhiều cạnh, và mặt trên bằng. Chiếc nhẫn này, trên mặt nhọn như cái đinh. Vì vậy trong khi giao chưởng, tay Trường-Ninh mới bị thương.
Đỗ Lệ-Thanh đến trước Khai-Quốc vương quì gối:
- Vương gia, tiểu tỳ muôn vàn tội lỗi. Mong vương gia đại xá.
Khai-Quốc vương đỡ bà dậy, hỏi:
- Có việc gì vậy. Phu nhân cứ nói ra. Đây là phủ của anh ta, cũng như phủ của ta.
Đỗ Lệ-Thanh chỉ tay của Trường-Ninh:
- Quận chúa bị trúng độc nặng, phải trị mau, để lâu e nguy đến tính mạng. Vết thương tuy nhẹ, nhưng độc tố không tầm thường.
Khai-Thiên vương hỏi:
- Con ta bị trúng độc gì?
Đỗ Lệ-Thanh chỉ cái nhẫn của Hồng-Phúc:
- Trên nhẫn của quận chúa có chất độc. Khi nhẫn cắt tay quận chúa Trường-Ninh, nọc độc theo vết thương nhập cơ thể. Nếu không chữa mau, ắt trong ba ngày chân tay phù lên, rồi ch.ết.
Đinh phi nổi cơn thịnh nộ:
- Con mụ già điên kia, ở đâu đến đây, buông lời láo lếu. Bằng chứng nào mi dám bảo trên nhẫn con ta có chất độc? Mi muốn nói rông nói càn gì, cứ nói, ta cấm mi bịa truyện như vậy?
Đỗ Lệ-Thanh được Khai-Quốc vương coi như một tân khách, kính trọng mụ khác thường, tuy mụ vẫn xưng tôi tớ. Đối với Đinh phi, mụ không coi vào đâu cả. Mụ thản nhiên nói:
- Thưa vương gia, chất độc này không do cây cỏ, không ở trong Đại-Việt. Nó là độc chất do giáo chúng Hồng-thiết giáo chế ra. Nếu vương gia muốn thử nghiệm, cứ lấy bát nước mưa pha muối, rồi ngâm cái nhẫn vào trong chất độc tan ra, thành mầu xanh.
Khai-Thiên vương tháo chiếc nhẫn trên tay Hồng-Phúc, truyền lấy nước mưa, pha muối đem vào. Vương cầm cái nhẫn nhúng trong bát. Bát nước hoá ra mầu xanh da trời ngay.
Mặt Đinh phi, Hồng-Phúc tái như gà cắt tiết.
Đỗ Lệ-Thanh tiếp:
- Bây giờ đem bát nước này cho chó uống vào, sẽ biết sự tác dụng mạnh mẽ của nó.
Trong vương phủ không thiếu gì chó. Một con chó được đem ra. Mỹ-Linh cản lại:
- Thôi, như vậy đủ rồi, chẳng nên giết con vật dễ thương này.
Nàng ôm con chó vào trong lòng, tỏ ý không muốn nó khỏi bị làm thí nghiệm. Đinh phi nổi cơn thịnh nộ:
- Con Mỹ-Linh kia, mi phải bỏ con chó ra, mới phân biệt được trắng đen trong vụ này.
Mụ chạy lại giật con chó, bóp miệng nó, đổ bát nước vào. Con chó vừa uống xong bát nước, lập tức quay tròn đi mấy vòng, rồi nằm lăn ra kêu oăng oẳng, tỏ vẻ đau đớn.
Mỹ-Linh ôm lấy nó vuốt ve. Đỗ Lệ-Thanh mỉm cười, chỉ Thiệu-Thái:
- Công chúa trao nó cho thế tử. Đã có thế tử đây, lo gì.
Thiệu-Thái đỡ lấy con chó. Chàng để bàn tay lên bụng nó, rồi vận khí hút. Khoảng hơn mười tiếng đập tim, con chó hết kêu la. Con vật có linh tính. Nó biết Mỹ-Linh che chở cho nó. Nó chui vào lòng nàng tìm chỗ ẩn thân, mắt ngơ ngác nhìn Đinh phi.
Bàn tay Trường-Ninh sưng vù lên, đỏ như mầu máu. Máu đen ri rỉ chảy ra. Nàng nghiến răng vận công chống độc, mồ hôi vã như tắm.
Hà Thiện-Lãm cầm tay nàng hỏi:
- Quận chúa đau lắm ư?
Trường-Ninh gật đầu.
Hà Thiện-Lãm nghĩ:
- Mình phải làm gì bây giờ? Hôm trước nghe sư phụ nói, phàm trúng độc, phải hút độc tố ra, mới hy vọng cứu Trường-Ninh.
Nghĩ là làm. Hà Thiện-Lãm cầm tay Trường-Ninh đưa chỗ vết thương lên miệng mà hút. Nó hút được ba cái, máu đen hết, máu đỏ bắt đầu ra. Nó hút thêm năm sáu lần nữa, Trường-Ninh đã bớt đau. Nàng dụt tay lại:
- Anh Thiện-Lãm, đừng hút nữa. Anh hút như vậy, chất độc nhập vào người e khó sống.
Đến đó, Thiện-Lãm cảm thấy trong ruột như bị muôn nghìn con dao đâm vào. Nó ôm bụng nghiến rằng không kêu một tiếng. Mồ hôi vã ra.
Mỹ-Linh nắm tay Thiện-Lãm:
- Sư đệ! tại sao sư đệ lại làm vậy. Nguy hiểm quá. Làm sao bây giờ?
Khai-Quốc vương thở dài:
- Đỗ phu nhân. Phu nhân cứu Trường-Ninh với Thiện-Lãm một phen.
Đỗ Lệ-Thanh chỉ Thiệu-Thái:
- Thưa vương gia, chỉ tiểu chủ của thần mới cứu được quận chúa mà thôi.
Khai-Thiên vương vốn không ưa Thiệu-Thái, nhưng bất đắc dĩ vương phải ra lệnh:
- Thiệu-Thái, cháu mau cứu em Trường-Ninh với Thiện-Lãm đi.
Trường-Ninh ôm tay đến trước Thiệu-Thái. Thiệu-Thái nắm lấy chỗ huyệt Nội-quan của nàng, vận khí hút. Tay nàng đang tím xanh, từ từ chuyển sang trắng, rồi hồng. Đỗ Lệ-Thanh lấy cao dán vết thương cho nàng.
Thiệu-Thái để tay vào huyệt Trung-uyển của Thiện-Lãm, rồi vận khí hút. Một lát, Thiện-Lãm cảm thấy bao nhiêu cái đau biến mất. Nó nói:
- Đa tạ đại huynh cứu mạng.
Khai-Thiên vương đưa con mắt nghiêm khắc nhìn Đinh phi:
- Vì lý do nào, người muốn giết Trường-Ninh?
Đinh phi run run:
- Thiếp không có ý đó.
Mỹ-Linh đến trước phụ vương quỳ mọp xuống:
- Phụ vương đừng vội nóng nảy. Truyện đâu còn đó. Đinh phi muốn giết Trường-Ninh, ắt có nhiều cách khác kín đáo hơn. Chứ đâu lại mượn tay Hồng-Phúc, để gieo vạ cho Hồng-Phúc? Con thấy Đinh phi vô tội. Nếu Đinh phi chủ tâm giết Trường-Ninh, thì đời nào lại hăm hở đổ nước độc vào miệng chó để tự tố cáo mình?
Từ trước đến nay Đinh phi thường ganh tỵ với Mỹ-Linh. Từ ganh tỵ, đến xui Hồng-Phúc làm nhục nàng. Bây giờ giữa lúc lâm nguy, Mỹ-Linh đứng ra bênh vực cho mình. Đinh phi phóng con mắt biết ơn nhìn nàng, gật đầu, tỏ thiện ý.
Đỗ Lệ-Thanh cầm cái nhẫn xem xét thực kỹ, rồi nói:
- Cứ như ý tiểu tỳ, thì Đinh vương phi, cũng như quận chúa Hồng-Phúc đều vô tội. Người định dùng cái nhẫn này hại Đinh vương phi. Vì nhẫn được ngâm vào chất độc, rồi phơi khô, sau đó ngâm nữa. Cứ như vậy nhiều lần. Nếu Đinh phi đeo nhẫn, chất độc ngấm dần vào da. Hoặc giả vương phi rửa mặt, chất độc ngấm vào da mặt, đến trình độ nào đó, bệnh mới phát. Vương phi nào biết nhẫn có chất độc, ban cho quận chúa. Quận chúa cũng không biết, vô tình đả thương chị. Nay sự việc hiện ra, cứu được vương phi, lẫn quận chúa Hồng-Phúc.
Khai-thiên vương hất hàm hỏi Đinh phi:
- Ai tặng vương phi chiếc nhẫn này?
Đinh phi đưa mắt nhìn Hoàng Văn. Hoàng Văn bình tĩnh đến trước vương quỳ gối:
- Vương gia, tiểu nhân có chiếc nhẫn gia bảo từ mấy đời. Do lòng trung thành với vương gia, tiểu nhân kính dâng vương phi. Khi tiểu nhân dâng vương phi, nào có chất độc gì?
Thình lình y chỉ vào Đỗ Lệ-Thanh:
- Chính mụ kia đã bịa truyện để hại thần. Khi mụ cầm lấy chiếc nhẫn, tay mụ đã quệt chất độc vào. Hơn mười năm nay, thần theo hầu vương gia, trước sau như một. Tấc lòng trung kiên này vương gia đã biết cho từ lâu. Không ngờ bây giờ mụ quái quỉ kia xuất hiện hại thần. Có lẽ gian tế đã bôi thuốc độc vào nhẫn của quận chúa, rồi sai mụ kia đến đây hí lộng quỷ thần hại thần. Mụ chính là người của Hồng-thiết giáo.
Khai-Thiên vương xua tay, tỏ ý tin tưởng Hoàng Văn:
- Hoàng tiên sinh không nên để tâm. Trong thế gian này, tiên sinh không trung thành với ta thì ai trung thành đây? Chắc có âm mưu ám hại tiên sinh. Tiên sinh cứ về chỗ ngồi.
Vương hỏi Khai-quốc vương:
- Chú hai, mụ kia có phải là người của Hồng-thiết giáo không? Tại sao chú lại dùng y thị để hại quản gia của ta? Đằng nào phụ hoàng cũng truyền ngôi cho chú rồi. Việc gì chú phải vu hãm ta?
Có tiếng Khai-quốc vương dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai Mỹ-Linh:
- Cẩn thận. Con phải ôm lấy Nhật-Tôn bảo vệ cho nó. Bằng không bọn Hồng-thiết có thể bắt nó làm con tin, hầu ta buông tha cho chúng đi.
Khai-Thiên vương chưa biết giải quyết sao, Khai-Quốc vương vẫy tay:
- Hoàng quản gia, Đỗ phu nhân. Hãy ngừng cãi nhau. Ta muốn Mỹ-Linh dâng phụ vương món quà lớn nhất. Ta dám quyết trên thế gian này, không có món quà nào quý hơn. Nào, Mỹ-Linh chuẩn bị đi.
Mỹ-Linh đứng lên vỗ tay, hai thiếu nữ khoẻ mạnh khiêng vào một cái kiệu, để xuống giữa sân.
Mỹ-Linh vẫy tay:
- Nhật-Tôn, em lại đây với chị.
Từ lúc thấy Mỹ-Linh, Nhật-Tôn định chạy lại bên chị, nhưng trước thế uy nghiêm của buổi lễ, nó không dám. Bây giờ được chị gọi, nó lại ôm lấy chân nàng. Mỹ-Linh bế em vào lòng rồi mỉm cười:
- Phụ vương, xin phụ vương mở kiệu ra. Cam đoan đây là món quà phụ vương vui lòng không bút nào tả siết.
Trong đại sảnh đường có hơn trăm người, đều im lặng, mở to mắt nhìn vào cỗ kiệu. Ai cũng tưởng trong đó ắt có một mỹ nhân, sắc bước hương trời. Đinh phi, Mai phi, Vương phi đều cau mày khó chịu.
Khai-Thiên vương bước đến trước kiệu mở màn. Vương giật bắn người lên, như trong giấc mơ. Người ngồi trong kiệu chính là vương phi Triệu Liên-Phương, mà vương sủng ái cùng cực, qua đời đã hơn hai năm. Vương không còn giữ được vẻ nghiêm trang, ôm lấy vương phi, bồng ra ngoài.
Cả sảnh đường cùng trợn mắt lên nhìn. Rõ ràng Triệu vương phi qua đời, sau bốn mươi chín ngày đau đớn khủng khiếp, rồi ch.ết. Thế mà bây giờ vương phi bằng xương, bằng thịt đang khóc như mưa như gió.
Đinh phi cười nhạt:
- Vương gia cẩn thận, e gian tế giả dạng, chứ có đâu người ch.ết sống lại được?
Hoàng Văn đứng lên, lẳng lặng bước ra khỏi sảnh đường. Khai-Quốc vương vẫy tay gọi:
- Hoàng tiên sinh. Hãy khoan!
Hoàng Văn như không nghe thấy gì, y tiếp tục đi. Bốn võ sĩ cận vệ của phủ Khai-Thiên vương vọt ra chặn y lại. Y chuyển động thân mình, phất tay hai cái. Bình, bình, hai võ sĩ bắn tung đi. Y vung tay, túm hai võ sĩ khác liệng ra sân.
Y nhảy vèo đến chụp Nhật-Tôn trong tay Mỹ-Linh. Thiệu-Thái đẩy ra chiêu chưởng Tiêu-sơn. Binh một tiếng, Hoàng Văn bật lui lại ba bước liền. Trong khi bật lui, tay y chụp Hồng-Phúc kẹp vào nách.
Các gia tướng đồng lọat đứng dậy rút vũ khí bao vây xung quanh Hoàng Văn. Y bình thản như không coi ai ra gì. Y nói với Khai-Thiên vương:
- Vương gia! Nếu vương gia không để cho lão phu rời khỏi đây, thì tất cả đều ch.ết hết. Lão phu chỉ cần kẹp tay lại, quận chúa Hồng-Phúc sẽ bẹp ngực nát đời hoa.
Khai-Thiên vương vẫn chưa hiểu rõ tình hình. Vương thấy trước nay Hoàng Văn không hề luyện võ, cứ tưởng y là một văn nhân. Nay bỗng nhiên thấy võ công y cao cường như vậy, vương kinh ngạc. Điều kinh ngạc vô cùng khi Hoàng Văn trở mặt xưng lão phu, chứ không xưng tiểu nhân nữa.
Hai võ tướng nhảy lại chụp Hoàng Văn. Y trầm người xuống tránh, rồi phóng hai cước. Hai võ tướng bay bổng ra sân, nằm đứ đừ không cựa quậy được.
Khai-Thiên vương vẫy tay cho mọi người lùi lại. Vương xử dụng một ưng trảo bắt y. Y vung tay gạt. Bình một tiếng, vương bật lui ba bước. Trong khi Hoàng Văn chỉ hơi rung động. Vương kinh hoảng hỏi:
- Hoàng Văn, không ngờ võ công mi cao thâm như vậy. Mi ẩn trong phủ ta bấy lâu, mà ta không biết.
Hoàng Văn cười nhạt:
- Khai-Thiên vương có tài cầm quân, nhưng lại nhẹ dạ tin người, bị mắc mưu ta. Ta Hoàng Văn, đường đường một Chiêu-thảo-sứ của thiên triều, tước phong Cổ-loa hầu. Địa vị tôn quý gấp vạn lần mi, mà ta lại làm nô bộc cho mi ư? Lâu nay mi có mắt như mù, để ta qua mặt. Phen này thân bại danh liệt, mi còn dám nhìn võ lâm Đại-Việt nữa không? Ối chao ôi, đấng trừ quân mà ngu như vậy e Đại-Việt tàn đến nơi rồi. Ngôi vua Đại-việt không bao giờ đến cái thứ mặt như mi. Đừng mơ tưởng hão nữa. Vô ích!
Khai-Thiên vương xấu hổ với em cùng vợ con, gia tướng. Vương vận khí tấn công y bằng một chiêu thức Tiêu-sơn. Hoàng Văn cười nhạt, y ra một chiêu rất quái dị phản công vương, miệng cười ha hả:
- Tưởng gì chứ võ công Tiêu-sơn, ta có coi vào đâu.
Hai chưởng gặp nhau, Binh một tiếng, Khai-thiên vương bật lui trở lại, khí huyết đảo lộn. Tai vương kêu lên những tiếng vo vo không ngớt. Vương biết muôn ngàn lần mình chẳng phải là đối thủ của y. Nhưng không lẽ để y ra đi một cách dễ dàng như vậy?
Mỹ-Linh thấy bản lĩnh phụ vương không hơn Tạ Sơn làm bao, địch sao nổi một trưởng lão của Hồng-thiết giáo? Nàng vội trao Nhật-Tôn cho Thiệu-Thái, rồi lạng người đứng trước phụ vương, tay chỉ vào mặt Hoàng Văn:
- Tên Hoàng Văn kia. Mi tưởng mi ẩn thân trong vương phủ ta không ai biết hẳn? Mi ngu lắm. Khu-mật-viện đã biết, phụ vương ta đã biết. Song ý phụ vương ta muốn lợi dụng mi, để theo dõi hành động của bọn Tống cũng như Hồng-thiết giáo.
Khi Mỹ-Linh bước ra, Hồng-Phúc tuy bị Hoàng-Văn kẹp ở nách, nhưng lòng ghen tỵ không kiềm chế được. Nàng khinh bỉ:
- Một cái múa không thông mà dám đứng ra gây gổ với tên phản nghịch. Nó chỉ búng tay một cái là mất mạng. Tiền cổ, có ai chửi ch.ết được giặc bao giờ?
Mỹ-Linh cười nhạt:
- Mi không tin ư? Để ta nói cho mi biết, hầu mi sáng mắt ra, bằng không mi ch.ết đi, lại không hiểu tại sao mình ch.ết. Ta biết gốc gác mi rất rõ. Mi không phải người Việt. Mi người Hoa, sinh trưởng ở vùng Mân-Việt, làm nghề thợ may. Thủa nhỏ học võ với phái Liêu-Đông. Sau mi được Nhật-Hồ lão nhân thu làm đệ tử. Khi Nhật-Hồ rời Trung-quốc về Đại-việt, để mi ở lại. Mi đầu quân theo bọn Tống, lập công lớn, thăng chức thiên tướng, tước Thọ-xương bá. Mới đây mi được bọn Triệu Thành mang sắc sang phong cho mi làm Chiêu-thảo sứ, Cổ-loa hầu.
Hoàng Văn kinh hoảng đến ngẩn người ra, nhưng y chưa tin hẳn. Y hỏi:
- Rồi sao nữa?
- Khu-mật viện nhà Tống muốn mi về đất Việt, tổ chức đội ngũ Hoa-kiều, chờ một ngày kia, quân Tống kéo sang, mi sẽ cùng đám Hoa-kiều làm nội ứng. Nhưng mi không trung thành với Tống, mà trung thành với Hồng-thiết giáo. Mi nói thực mọi truyện với Nhật-Hồ lão nhân. Lão cho mi hoạt động ở Thăng-long. Nhưng mi là tên phản phúc. Mi cùng với tên Vũ Nhất-Trụ, Lê Ba xông thuốc mê giam lão dưới hầm trong vùng Cổ-loa. Cả ba tên đòi lão khai ra phép luyện Hồng-thiết mật công, có thể dùng nội lực hoá giải vĩnh viễn Nhật-hồ độc chưởng, để khỏi mỗi năm phải uống thuốc giải vào tiết Đông-chí. Nhưng lão không khai.
Thế rồi nàng nói chi tiết tất cả những vụ họp ở Cổ-loa, cùng những sự việc dưới hầm sâu. Cuối cùng tới cuộc họp hồi chiều ở Ngọc-lan đình, không thiếu chi tiết nào. Nhưng nàng lờ vụ y bắt giam vương mẫu, sợ y sẽ nói những điều xấu xa của bà ra e thực nhục nhã.
Hoàng Văn cười khinh khỉnh:
- Tuy tên ôn con Lý Long-Bồ biết rõ hành tung của ta. Tình thế hôm nay khiến ta không ở đây được nữa. Ta đi đây. Nào, nếu ai có tài ra chiết chiêu với ta. Bằng không đừng dại, để mất mạng vô ích.
Nói rồi y từ từ bước đi. Y vừa tới sân, thấp thoáng một cái, có người chặn mất lối đi của y. Y nhìn lại, vẫn Mỹ-Linh. Mỹ-Linh nhỏ nhẹ:
- Cổ-loa hầu, Chiêu-thảo sứ nhà Đại-tống. Nếu người muốn đi cũng được. Có điều mi vô phép với phụ vương. Mi phải để lại một tay, một chân chứ?
Hoàng Văn đánh vào ngực Mỹ-Linh một quyền cực kỳ trầm trọng. Mọi người kêu thét lên:
- Ngừng tay!.
- Đồ hèn hạ!
Nhưng không ai kịp ngăn cản. Tất cả những người có mặt, đều nhắm mắt lại, vì không muốn một cô công chúa đẹp như hoa nở phải tan xương nát thịt. Nào ngờ Mỹ-Linh tung người lên cao tránh thoi quyền. Ở trên cao, nàng đá gió một cái, người tà tà đáp xuống. Nàng mặc quần áo lụa trắng, cổ choàng khăn vàng, giây lưng cũng mầu vàng. Dưới ánh trăng huyền ảo, khi lộn trên không, lưng nàng uốn cong, đẹp vô cùng. Mọi người cùng tự hỏi:
- Mỹ-Linh học võ bao giờ, mà khinh công đến dường này?
Hoàng Văn thấy thế khinh thân của Mỹ-Linh, y không dám coi thường, xuất chưởng tấn công. Chưởng của y chưa ra, mà mọi người đã nghẹt thở. Đám trẻ con, đàn bà phải lùi ra xa để khỏi bị sức ép mà ch.ết.
Sợ Hoàng Văn giết ch.ết Hồng-Phúc, Mỹ-Linh rút kiếm, đẩy một chiêu vào cổ y. Y khinh thường, đùng hai ngón tay kẹp sống kiếm của nàng. Nhưng Mỹ-Linh chuyển động tay một cái, mũi kiếm trúng cùi chỏ trái y, rồi lướt lên chỉ vào thái dương. Tay Hoàng Văn ôm Hồng-Phúc bị trúng kiếm mất lực, y vội tung nàng lên cao, rồi nhảy lùi lại. Mỹ-Linh vọt người tới đỡ lấy em. Tay nàng chĩa mũi kiếm chênh chếch vào đầu y.
Hoàng Văn thấy rõ những chiêu kiếm của Mỹ-Linh rất tầm thường, nhưng có điều nàng xử dụng nhanh quá. Thoáng một cái đã đổi chiêu, y không phản ửng kịp, chỉ biết lộn đầu ra sau hai vòng tránh đòn.
Mỹ-Linh tung Hồng-Phúc cho Khai-Quốc vương, rồi tr.a kiếm vào vỏ đến cách một cái, thái độ ung dung, nhàn nhã, phơi phới như tiên nga.
Hoàng Văn cười nhạt:
- Ta nghe sư đệ Đinh Hiền bị một con nha đầu dùng Mê-linh kiếm pháp đánh bại. Ta không tin, vì y nổi tiếng kiếm thần trong bản giáo. Thì ra con nha đầu đó là mi. Mi chẳng là học trò của Huệ-Sinh ư? Học trò của Huệ-Sinh mà phải dùng Mê-linh kiếm pháp đấu với ta, thực nhục cho sư phụ quá.
Mỹ-Linh muốn thử xem Vô-ngã tướng Thiền-công của nàng có đủ sức khống chế của Nhật-hồ độc chưởng không. Nàng cười:
- Trưởng lão Hoàng Văn! Ta đệ tử của Tiêu-sơn, muốn lĩnh giáo Nhật-hồ độc chưởng của tiên sinh.
Khai-Thiên vương thấy bản lĩnh kiếm thuật của con gái đến chỗ xuất thần đã kinh dị. Bây giờ nàng công khai thách Hoàng Văn dùng Nhật-Hồ độc chưởng giao chiến. Vương kinh ngạc nghĩ:
- Sư phụ ta dạy rằng, Nhật-hồ độc chưởng rút từ Hồng-thiết kinh, võ lâm nghe đến đều kinh tâm động phách. Khi đấu với bọn Nhật-Hồ, lỡ tay giao chưởng với chúng, sẽ bị độc chất nhập cơ thể. Bấy giờ chỉ có nước qui phục Hồng-thiết giáo, hằng năm được thuốc giải. Bằng không mỗi ngày lên cơn một lần khoảng hai giờ, rồi bẩy lần bẩy là bốn mươi chín ngày sẽ ch.ết. Mỹ-Linh đấu chưởng với Hoàng Văn, thực nguy tai!
Vương đưa mắt nhìn em, thấy Khai-Quốc vương thản nhiên ôm Nhật-Tôn trong lòng, tay bưng chung rượi uống, vương mới yên tâm.
Mỹ-Linh xuất một chiêu Tiêu-sơn Tượng-đầu chưởng đánh thẳng vào người y. Chưởng của Tiêu-sơn là dương cương. Trong khi chưởng của Hoàng Văn cũng thuộc dương cương. Hai chưởng gặp nhau, bình một tiếng. Mấy chậu cảnh ở sân bị sức trấn động bay tung lên cao, rơi xuống vỡ tan tành.
Mỹ-Linh vốn xuất thân đệ tử của một cao tăng đắc đạo, lòng dạ từ bi. Giết một con kiến nàng cũng không nỡ. Nhưng nghĩ đến việc Hoàng Văn đánh thuốc độc giam vương mẫu mấy năm nhục nhã có thừa. Nàng không nhân nhượng, tấn công liên tiếp mười chiêu. Binh, binh. Cứ mỗi lần hai chưởng gặp nhau, lại phát ra tiếng kêu lớn.
Đinh phi liếc nhìn Hồng-Phúc. Hai mẹ con nghĩ lại truyện cũ mà rùng mình. Với công lực, bản lĩnh ấy của Mỹ-Linh, e nàng chỉ chọc một ngón tay, mẹ con bà đã tan xương nát thịt. Thế mà Hồng-Phúc tát nàng, chửi nàng, làm nhục nàng, mà nàng vẫn tươi cười. Võ đạo Mỹ-Linh cao đến như thế thực khó kiếm.
Hoàng Văn tấn công tới tấp. Cứ trung bình mười chiêu Mỹ-Linh mới trả đòn được một chiêu. Mỗi khi hai chưởng gặp nhau, lại phát ra tiếng kêu lớn, làm sức ép trong sân tăng lên.
Khai-Quốc vương hỏi anh:
- Vương huynh! Vương huynh thấy võ công của Hoàng Văn thế nào?
- Không ngờ bọn Hồng-thiết giáo đứa nào cũng ghê cả. Võ công của y thuộc phái Liêu-Đông. Nhưng y lại luyện thêm võ công trong Hồng-thiết kinh của Tây-dương, thành ra rất phức tạp.
Vương nhìn con gái đấu với Hoàng Văn, rõ ràng nàng dùng võ công Tiêu-sơn. Những chiêu nàng xử dụng vương đều biết cả, có điều nội lực nàng cao thâm khôn lường mà thôi. Bất giác vương hỏi em:
- Này chú hai, chú hai hay thực. Chú dạy Mỹ-Linh có hai năm mà võ công đã đến trình độ này rồi. Ta lấy làm lạ rằng võ công của ta do sư phụ truyền dạy, ta luyện tập ngày đêm, mà cũng chỉ ở trình độ trung bình. Còn Mỹ-Linh luyện tập cách nào mà mau như thế?
Khai-Quốc vương lắc đầu:
- Nội công Mỹ-Linh học là Vô-ngã tướng Thiền-công. Cháu gặp được cơ duyên đặc biệt rồi luyện thành. Đệ cũng gặp may, cũng luyện như cháu. Chứ đệ không dạy cháu.
Ngoài sân, cuộc đấu mỗi lúc một gay go. Mỹ-Linh đã quen dần với lối xuất thủ của Vô-ngã tướng Thiền-công. Cứ năm chiêu nàng trả đòn được ba bốn chiêu.
Khai-thiên vương truyền võ sĩ vây kín sân, đề phòng tên Hoàng Văn bỏ chạy. Vừa quan sát trận đấu, vương vừa hỏi vương phi về việc cải tử hoàn sinh. Triệu Liên-Phương ngậm ngùi nói:
- Hồi ấy, trong đêm thiếp bị người ta đánh lén một chưởng vào lưng. Sau đó ba ngày, lên cơn đau nhức khổ sở vô cùng. Thiếp đau đến ngày thứ ba, ban đêm có người đột nhập vào phòng nói rằng, thiếp phải gia nhập Hồng-thiết giáo, sẽ được trao thuốc giải. Thiếp biết nhập giáo phái này, là đi vào đường tà đạo, phải phản họ Lý. Thiếp từ chối, thà ch.ết chứ không phản chàng.
Bà ngừng lại, vì hai chưởng của Mỹ-Linh với Hoàng Văn chạm nhau, khiến cát bụi bay tung. Bà lau mặt, rồi tiếp:
- Thế rồi đến ngày thứ bốn mươi chín, người thiếp như mê đi. Trong cơn mê thiếp thấy vương cùng các con khóc, liệm thiếp vào quan tài. Thiếp muốn hét lên, mà hét không được. Thiếp mê mê tỉnh tỉnh trong quan tài, đến đêm có người cậy quan tài đem thiếp ra, rồi đậy lại như cũ. Người đó bỏ thiếp lên cái xe, chở đi. Y bỏ vào miệng thiếp ba viên thuốc, thiếp tỉnh lại. Sau y cho thiếp uống thuốc bổ, sức khoẻ phục hồi như cũ. Chúng giam thiếp dưới hầm Ngọc-lan đình từ hồi đó đến giờ, rồi Mỹ-Linh vào cứu ra.
Đến đó bà ngừng lại, vì Mỹ-Linh đánh liền ba chưởng, đẩy Hoàng Văn tới góc sân. Tuy vậy nàng vẫn phải tấn công dồn dập, vì sợ y dùng độc chưởng.
Khai-thiên vương nghe vương phi thuật, nhưng ông không tin. Ông vẫy tay gọi một gia tướng lại dặn nhỏ. Gia tướng đó vội vã lên đường liền.
Thiệu-Thái đứng ngoài thủ sẵn, hễ thấy Mỹ-Linh sơ xuất là chàng nhập cuộc giết ch.ết tên Hoàng Văn.