Chương 27: Dòng giống Việt Thường
Võ lâm Đại-Việt đều biết rõ ràng rằng trước đây tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ triều Lê là Lý Công-Uẩn, đệ tử của Bồ-tát Vạn-Hạnh, con nuôi của Bồ-tát Lý Khánh-Vân cùng thủ lĩnh 207 khê động Bắc-biên Thân Thiệu-Anh kết huynh đệ.
Khi vua Lê Đại-Hành băng, các hoàng tử chém giết lẫn nhau. Người ch.ết, kẻ bại tẩu trốn ra ngoại quốc. Có người mai danh ẩn tích. Lê Long-Đĩnh lên làm vua, tàn ác cùng cực. Cuối cùng khi băng hà, con còn nhỏ dại, triều đình tìm một hoàng tử con vua Đại-Hành lên thay thế, nhưng không thấy. Vì vậy họ định tôn Lý Công-Uẩn lên làm vua. Bấy giờ võ quan trấn ở ngoài, cầm đại quân trong tay, muốn đem quân về triều tranh dành, mượn cớ Khuông phò chính thống, phù Lê. Trước tình thế có thể xẩy ra nội chiến. Trong triều, Đào Cam-Mộc giữ chức tiết độ sứ, tổng trấn Trường-ỵên và kinh thành Hoa-lư vội thư cho Thân Thiệu-Anh. Thân Thiệu-Anh tập trung quân Bắc-biên, gửi thư đi các trấn doạ rằng, kẻ nào đem quân về kinh đô Hoa-lư, ông sẽ tiêu diệt.
Đứng trước hoàn cảnh đó, Vạn-Hạnh thiền sư, viết thư triệu tập các đại tôn sư võ học cùng các chưởng môn nhân, bang trưởng, động chủ về họp, để tìm lấy quyết định chung. Bấy giờ phái Sài-sơn, Đông-a thân triều Lê, muốn lập ấu quân, con Lê Long-Đĩnh lên làm vua. Phái Mê-linh, Tản-viên muốn lập Lý Công-Uẩn. Phái Tiêu-sơn coi như trung lập, vì Vạn-Hạnh thiền sư là sư phụ của Lê Hoàn cũng như Lý Công-Uẩn. Ngài đưa ra một đề nghị tạm để Lý Công-Uẩn lên ngôi vua. Nếu trong vòng mười năm, không tìm thấy hoàng tử con vua Lê, mà họ Lý làm cho nước giầu dân mạnh, sẽ để nhà Lý cai trị dân luôn.
Sau khi lên ngôi vua, Lý Công-Uẩn lấy niên hiệu là Thuận-Thiên, gả con gái đầu lòng, công chúa An-Quốc cho Đào Cam-Mộc, rồi tổ chức nền cai trị đặt cơ sở trên nhân trị của Nho-gia, từ bi hỉ xả của Phật-gia. Vì vậy, sau mười năm, nước Đại-việt đang từ một quận huyện, do sứ quân cai trị, trở thành nước giầu có. Dân chúng no ấm, trong lịch sử chỉ thua có đời vua Hùng. Anh hùng không ai nhắc đến triều Lê nữa. Cho đến nay Thuận-Thiên hoàng đế làm vua đã mười tám năm.
Hôm nay, võ lâm anh hùng thấy Hoàng Liên đưng lên tranh dành chức chưởng môn của sư thái Tịnh-Tuệ, tố cáo sư thái Duyên-Tịnh ám hại sư phụ , mà nguồn gốc ám chỉ thuộc triều đình. Quần hùng kinh ngạc vô cùng.
Hoàng Liên chỉ vào sư thái Tịnh-Huyền:
- Nguyên do Duyên-Tịnh ám toán sư phụ là người này. Người này tên Lý Mỹ-Duyên tước phong công chúa Hồng-Châu, em gái Lý Công-Uẩn, đổi tên, nhập phái Mê-Linh, được Duyên-Tịnh thu làm đệ tử. Người này dùng tiền bạc mua chuộc Duyên-Tịnh, xui Duyên-Tịnh ám toán sư phụ, chỉ vì, sư phụ vẫn nuôi ý định tái lập Lê triều.
Công-chúa Hồng-Châu được gả cho Thân Thiệu-Anh, anh hùng thiên hạ đều biết. Sau con của Thiệu-Anh với công chúa Hồng-Châu là Thừa-Quý lại được gả công chúa Lĩnh-nam Bảo-hòa, được tôn làm vua Bà vùng Bắc-biên. Ai cũng tưởng Tịnh-Huyền ni sư đạo cao đức trọng, đi tu từ nhỏi, không ngờ bà lại là công chúa Hồng-Châu. Vậy ai kết hôn với Thân Thiệu-Anh, sinh ra Thân Thừa-Quý? Người người đều kinh ngạc, đưa mắt nhìn sư thái Tịnh-Huyền.
Tịnh-Huyền đứng lên hướng vào các anh hùng nói lớn:
- Thưa các vị. Bần ni tục danh Lý Mỹ-Duyên, trước đây được phong công chúa. Bần ni đã cùng huynh trưởng đánh Đông, dẹp Bắc. Bần ni thấy cuộc đời này đều hư không, vô thường, nên tâm nguyện theo cửa Bồ-đề tìm lẽ giải thoát. Dịp may, bần ni gặp sư phụ, được lão nhân gia cho thọ giới. Nhân, huynh trưởng gả bần ni cho vị anh hùng Bắc-biên Thân Thiệu-Anh. Bần ni nghĩ, trái mệnh huynh trưởng, mất chữ hiếu. Tuân mệnh thì lại lăn mình vào thế tục. Vì vậy trên đường vu qui, bần ni được một người em kết nghiã thuận thay thế làm dâu họ Thân. Do đó bần ni mới được tiêu dao cửa Bồ-Đề bấy lâu.
Nghe Tịnh-Huyền nói, anh hùng thiên hạ trấn động. Người thì cho công chúa Hồng-Châu hạnh phúc như thế mà bỏ đi tu thực uổng. Người cho rằng công chúa có hạnh Bồ-tát, mới giác ngộ tìm nguồn vui trong cửa Bồ-đề.
Tịnh-Huyền tiếp:
- Việc bần ni theo sư phụ, qui nhập phái Mê-linh, không có gì đáng cấm kị, luật võ lâm cũng không cấm. Tại sao vị tiền bối Hoàng Liên lại nêu ra như một tội?
Hoàng Liên cười nhạt:
- Ta không nói mi nhập bản phái là một tội. Mà ta muốn nói, Lý Công-Uẩn cho mi nhập bản phái làm gian tế. Mi cùng với Duyên-Tịnh bỏ thuốc độc ám hại sư phụ ta. Rồi Duyên-Tịnh chiếm quyền chưởng môn. Nhưng việc làm của y thị với mi trời không dung, nên chỉ được mấy năm, y thị ch.ết. Đáng lý ra Duyên-Tịnh ch.ết, Tịnh-Tuệ phải tổ chức đấu kiếm. Ai có kiếm thuật cao nhất lên kế vị. Thế nhưng Tịnh-Tuệ bỏ luật lệ của tổ tiên, tự tiếm quyền chưởng môn. Hôm nay, ta trở về đây, để thanh lý môn hộ.
Sư thái Tịnh-Tuệ hướng vào anh hùng các nơi:
- Thưa các vị đại tôn sư. Thưa các vị chưởng môn nhân. Vị tiền bối Hoàng Liên này đã bỏ pháp danh của sư môn, từng bẻ kiếm thề không trở lại môn phái nữa. Từng thiết lập bang Hoàng-Liên. Thế mà hôm nay còn trở về đây, gây rối trong ngày giỗ anh hùng thời Lĩnh-Nam. Đã vậy còn bịa truyện, bôi xấu tiên sư. Xin các vị cho biết Hoàng Liên tiền bối có còn tư cách đệ tử phái Mê-linh không?
Từ phía phái Tiêu-sơn, Nguyên-Hạnh đứng lên chắp tay hướng vào quần hùng:
- Bần tăng Nguyên-Hạnh, trị sự trưởng chùa Sơn-tĩnh.
Quần hùng nghe đến tên Nguyên-Hạnh, đều ồ lên. Nguyên-Hạnh xuất thân phái Tiêu-sơn, đệ tử của Bố-đại hoà thượng, đương thời truyền khẩu ngài là Phật Di-Lặc giáng sinh. Từ khi vào trị sự chùa Sơn-tĩnh, đã xiển dương đạo pháp, võ học, tiếng tăm vang lừng tới Trung-nguyên. Nguyên-Hạnh lại lập ra lực lượng thiếu niên Hồng-hương, có đến mấy vạn người, giúp đỡ xã ấp phòng trộm cướp. Trên từ triều đình, đến quan địa phương đều kính phục.
Tôn Đản chửi thề:
- Quần hùng nhìn vào bề ngoài Nguyên-
Hạnh tưởng y đạo cao, đức trọng, trong lớp áo cà sa, nên y phân giải, ắt nghe theo. Chúng ta phải lột mặt nạ y cho rồi.
Thanh-Mai nói sẽ vào tai sư đệ:
- Không nên. Cứ để xem y làm gì đã. Đỗ phu nhân hiện có mặt tại đây. Bà có cách trị hắn.
Nguyên-Hạnh đợi cho anh hùng bớt ồn ào. Y tiếp:
- Thưa các vị anh hùng. Chúng ta tụ hội nơi đây với mục đích suy tôn anh hùng thời Lĩnh-Nam. Anh hùng đều là những người đi trước chúng ta. Vì vậy chúng ta nên tôn kính các bậc tiền bối. Chúng ta không thể vì danh vọng, cũng không thể vì chức vị bề ngoài mà thiếu lễ nghi với bậc tiền bối. Như tại bản tự, nếu dùng chức vị trị sự trưởng, ắt bần tăng là người được lên đài dâng hương. Nhưng trong bản tự còn các vị đại sư mang chữ Sùng, cao hơn tiểu tăng một bậc. Thành ra tiểu tăng không thể lên đài.
Nguyên-Hạnh chỉ vào phái Mê-linh:
- Xét về địa vị, sư thái Tịnh-Tuệ đương nhiệm chưởng môn, người uy quyền nhất. Nhưng xét về địa vị tôn kính, sư thái Hoàng Liên vai vế cao hơn, xứng đáng lên đài dâng hương.
Quần hùng thấy Nguyên-Hạnh lý luận mạch lạc, y lại đưa ra đường lối hòa giải: Tịnh-Tuệ vẫn là chưởng môn. Có nghĩa y bác bỏ lời vu cáo của Hoàng Liên rằng sư thái Duyên-Tịnh ám toán sư phụ. Y công nhận Hoàng Liên lên địa vị tôn sư của phái Mê-linh, có nghĩa mụ vẫn còn ngôi cao nhân phái này.
Đặng Đại-Khê đứng lên đặt vấn đề:
- Từ hơn hai chục năm nay, vị tiền bối Hoàng Liên này đã làm nhiều điều ô danh võ lâm như gian ɖâʍ với nam đệ tử. Lại đưa ra lối luyện công ác độc, bắt thiếu niên giao hoan. Giao hoan xong, cắt lấy quả cật, hấp thuốc mà ăn. Hành động như vậy, có còn xứng đáng con người nữa không, chứ đừng nói cao nhân.
Nguyên-Hạnh chắp tay xá Đại-Khê:
- Đặng chưởng môn nói vậy thực phải. Sư thái Hoàng Liên, Tịnh-Tuệ cũng như bần tăng đều là đệ tử nhà Phật. Việc sư thái Hoàng-Liên tác ác, không có chứng cớ rõ ràng, chỉ nghe nói. Nghe nói, sao đúng cho được? Giả như sư thái Hoàng Liên có làm những việc đó chăng nữa, nay người sám hối, cũng tha thứ được. Kinh Phật nói rằng : « Buông dao mổ heo, tức thị thành Phật ». Võ đạo phái Mê-linh luôn đề cao việc hối lỗi. Vì vậy sư thái Hoàng Liên có mặt hôm nay, cũng đủ chứng tỏ người hối lỗi rồi.
Bề ngoài ai cũng tưởng Nguyên-Hạnh công tâm đứng ra giải quyết mối tranh chấp của phái Mê-linh. Đâu có ai ngờ tới, y đưa ra những lời biện luận trên bênh vực cho Hoàng Liên, để đặt thành tiền lệ, nếu lỡ sau này ai khám phá ra vụ y đã có vợ, có con, cũng như y giam vợ, gian ɖâʍ với thiếu nữ lương gia, bấy giờ y có thể phủi tay tự biện hộ rằng phái Mê-Linh đã có trường hợp Hoàng Liên. Như vậy y vẫn còn chỗ đứng trong võ lâm.
Nguyễn Chí đứng lên, y hướng vào quần hùng nói lớn:
- Tại hạ, đệ ngũ trưởng lão, trong hội đồng giáo vụ trung ương Hồng-thiết giáo, xin có ý kiến.
Cách đây năm mươi năm, Nguyễn Chí được Nhật-Hồ lão nhân ủy cho trông coi việc phát triển Hồng-thiết giáo từ vùng Thanh-Hóa vào Nam, bao gồm cả Chiêm-thành, Lão-qua. Y kiến tạo thế lực Hồng-thiết giáo cực kỳ mạnh. Bất cứ quan nha, võ lâm, ai tỏ ý chống đối, y giết ch.ết liền. Trong suốt mấy năm, giáo chúng của y giết người có hàng mấy vạn. Cho nên giang hồ nghe đến tên y đều kinh hồn táng đởm.
Hơn hai mươi lăm năm trước, Lê Ba tức Dương Ẩn thấy thế lực của y lên cao, sợ Nhật-Hồ lão nhân truyền ngôi giáo chủ cho y. Lê Ba vu cho Nguyễn Chí tư thông với Hồng-thiết giáo Tây-dương, lật sư phụ. Nhật-Hồ lão nhân tin thực, đem giam Nguyễn Chí vào hầm. Nhưng vì thế lực y lớn quá, lão dối rằng y ch.ết rồi. Sau lão hối hận vào tù thẩm vấn để biết hư thực, rồi thả y ra, lão bị Nhất-Trụ, Lê Ba, Hoàng Văn mưu với nhau, xông thuốc mê giam lão. Bây giờ quần hùng nghe y xưng tên Nguyễn Chí, lập tức nổi lên những tiếng bàn tán.
Đợi quần hùng bàn tán vãn, y tiếp:
- Các vị kết tội sư thái Hoàng Liên về việc giao hoan với thiếu niên, rồi giết đi, lấy cật hầm thuốc để luyện công. Tỷ như sư thái Hoàng Liên có làm truyện đó chăng nữa, theo nhà Phật, tội cũng không nặng hơn các vị. Các vị giết lợn, giết gà, xào, nấu, kho mà ăn, sư thái Hoàng-Liên nấu cật thiếu niên đâu có khác? Theo Phật, dù con gà, con lợn, với con người cũng như nhau. Ở đây, nếu vị nào chưa từng ăn cá, ăn thịt, mới có quyền kết tội sư thái Hoàng Liên.
Hoàng Liên không thèm nhìn đến sư thái Tịnh-Tuệ. Mụ khoan thái bước đến ghế chủ vị ngồi xuống. Sư thái Tịnh-Tuệ thản nhiên về chỗ dành cho chưởng môn ngồi.
Người xướng ngôn tiếp:
- Kính mời đại tôn sư bang Hồng-hà lên đài.
Một lão già, râu tóc bạc như cước, da mặt tươi hồng. Lão mặc bộ quần áo mầu nâu sậm, lưng đeo một cái roi da. Lão từ chỗ ngồi của bang Hồng-hà khoan thai lên đài. Tất cả quảng trường đều trầm trồ khen ngợi:
- Đẹp thực. Đẹp như tiên.
Mỹ-Linh hỏi Thanh-Mai:
- Lão này là ai vậy?
- Lão là Sử Canh, chú ruột Sử Anh. Lão khám phá ra phép quy liễm âm dương, luyện công dưới nước, khiến cho người ta trẻ mãi. Nghe đồn lão đã chín mươi tuổi, mà trông như người sáu mươi vậy.
- Kính mời đại tôn sư phái Tản-viên lên đài.
Đặng Đại-Khê khoan thai từ khán đài dành riêng cho phái Tản-viên, tiến lên lễ đài. Ông hướng vào quần hùng chắp tay hành lễ. Sau khi vái ba vái, ông ngồi vào ghế dành cho mình. Thấp thoáng một cái, trên ghế dành cho ông đã có một người ngồi đó. Người ấy phất tay tấn công ông một chưởng. Ông vung tay đỡ. Bình một tiếng, lễ đài rung động. Người đó lộn đi một vòng đứng dậy. Còn ông, ông phải thoái lui hai bước.
Quần hùng la hoảng. Vì Đại-Khê là một trong Đại-Việt ngũ long. Công lực cao thâm không biết đâu mà lường. Thế mà dường như bị người kia đánh bại.
Đại-Khê nhìn lại, người chiết chiêu với mình không ai khác hơn Đỗ Xích-Thập, người sư thúc hữu tài, vô hạnh của ông. Ông bình tĩnh chắp tay:
- Thì ra Đỗ sư thúc. Lâu nay sư thúc vẫn bình an chứ?
Đỗ Xích-Thập cười ha hả:
- Đặng Đại-Khê, người nên xuống đài đi thôi. Ta đã có mặt hôm nay, người đừng hy vọng gì xưng hùng xưng bá nữa. Bàn về địa vị lãnh đạo, người là chưởng môn, cao hơn hết. Bàn về vai vế, ta mới là người đáng ngồi vào chỗ này.
Đại-Khê hỏi:
- Sư thúc, trước đây người phạm môn quy, bị đuổi khỏi môn hộ. Nay người lại muốn trở về để ngồi vào chỗ cao quý của bản phái ư?
- Phái Mê-linh đã chịu cho sư thái Hoàng Liên ngồi vào ghế đệ nhất tôn sư, tại sao phái Tản-viên không cho ta vào địa vị này? Vả lại khi xưa tổ Sơn-Tinh chế ra ba mươi sáu chiêu Phục-ngưu thần chưởng dạy cho đệ tử. Phàm ai lên ngôi chưởng môn mới được truyền hết. Bản phái truyền đến vua Trưng làm chưởng môn. Khi ngài tuẫn quốc rồi, đệ tử phiêu bạt khắp nơi. Cho đến cách đây hai trăm năm, năm đại tôn sư họp lại, tái lập môn phái, định rằng: « Hễ ai tìm được đủ ba mươi sáu chiêu Phục-ngưu, sẽ được giữ chức chưởng môn. Còn không ai có võ công cao nhất tạm quyền chưởng môn». Ta đến đây không tranh chức chưởng môn của mi, mà chỉ ngồi vào ghế tôn sư mà thôi.
Đặng Đại-Khê là đại tôn sư, liệt vào hàng Ngũ-long Đại-Việt. Ông đã tiến tới chỗ thoát tục. Nên tuy bị Xích-Thập ngăn trở, nhớ lời sư đệ Nùng-Sơn tử cho biết theo kế hoạch của Trần Kiệt phái Đông-a, các phái tạm nhường cho bọn Nhật-hồ đắc chí, để chúng ra mặt đấu với bọn Tống. Vì vậy ông thản nhiên:
- Sư thúc! Sư thúc muốn ngồi vào ghế đệ nhất tôn sư của bản phái cũng được. Nhưng xin sư thúc tuyên thệ cho ba điều. Một, dùng võ đạo bảo vệ đất nước. Hai, phải dùng võ công tru diệt bọn tà ma, ngoại đạo. Ba, luôn bảo vệ môn quy.
Đỗ Xích-Thập suy nghĩ một vài khắc, rồi y dơ tay thề như Đặng Đại-Khê nói. Đặng Đại-Khê hướng vào đệ tử phái Tản-viên:
- Chư đệ tử nghe đây. Mấy chục năm trước Đỗ sư thúc phạm môn quy bị đuổi ra khỏi môn phái. Người bỏ theo Hồng-thiết giáo, làm không biết bao nhiêu điều ác độc. Nay người hối lỗi, xin trở về với bản môn. Người đã tuyên thệ như vậy. Nhân danh chưởng môn, ta thu nhận người trở lại. Người không còn dính líu gì đến Hồng-thiết giáo nữa. Nếu người còn liên hệ tới giáo phái này, đệ tử toàn thể môn phái phải xúm vào tru diệt người.
Nói rồi ông khoan thai xuống đài. Một người từ dưới đất vọt lên cao. Còn ở trên không, y phóng chưởng tấn công Đặng Đại-Khê. Chưởng của y hùng hậu không thể tưởng tượng được. Các đệ tử phái Sài-sơn đứng dưới đài tấu nhạc, bị sức ép phải lùi ra xa. Đặng Đại-Khê chuyển tay phát chiêu Ác ngưu nan độ đỡ. Ầm một tiếng. Hai chưởng chạm nhau. Người kia bay vọt lên cao. Ở trên cao, y giáng xuống một chưởng. Đại-Khê phát chiêu Lưỡng ngưu tranh phong. Bình một tiếng. Người kia lại bay lên không. Đến đây kình lực của y hết. Trong khi đó Đại-Khê chuyển chưởng hướng lên trời. Ở trên không người kia kêu thét lên. Nếu chưởng đó trúng y, ắt xương thịt y nát ra mà ch.ết.
Từ chỗ Hồng-thiết giáo, một người bịt mặt vọt lên đài. Người chưa tới, chưởng đã tới, hướng vào ngực Đại-Khê. Quần hào bật lên tiếng la, vì đó là chiêu Đông hải lưu phong của phái Đông-a.
Đặng Đại-Khê quay tròn tay trái, chưởng đang hướng lên trời, đổi chiều hướng vào người bịt mặt. Bình một tiếng, người bịt mặt loạng choạng lui lại một bước. Trong khi đó người trên không tà tà đáp xuống cạnh đài.
Đặng Đại-Khê cảm thấy khí huyết đảo lộn. Ông đưa mắt nhìn kẻ trên cao rơi xuống. Y là Phạm Trạch. Đại-Khê cười nhạt:
- Thì ra đệ thất trưởng lão Hồng-thiết giáo Phạm tiên sinh đấy. Không hiểu tại hạ có lỗi gì, mà trưởng lão lại tấn công như vậy?
Ông nhìn người bịt mặt:
- Các hạ là hai? Coi thân thủ các hạ, e tài không kém các trưởng lão Hồng-thiết giáo. Hà cớ phải bịt mặt? Các hạ đánh tại hạ, cứ dùng võ công Hồng-thiết giáo. Tại sao lại dùng võ công Đông-a?
Người bịt mặt im lặng không trả lời. Đặng Đại-Khê cười nhạt:
- Các hạ không nói, tại hạ cũng biết rồi. Các hạ muốn gây chia rẽ giữa Tản-viên với Đông-a đây. Nhưng này các hạ, chiêu vừa rồi của phái Đông-a, phải dùng Thiền-công hoặc nội công chính phái, đánh ra mới có uy. Đây, các hạ dùng nội công Hồng-thiết giáo một thứ nội công ma quỷ thì sao có lực?
Gã bịt mặt vẫn im lặng, không lên tiếng.
Phạm Trạch lườm lườm nhìn ông:
- Hôm nay, đại giá giáo chủ của ta hiện diện, cùng giáo chúng đông đảo. Thế mà mi dám nhục mạ bản giáo, mi to gan thực. Mi không còn muốn sống nữa ư?
Đặng Đại-Khê vẫn ung dung:
- Xin trưởng lão cho biết tại hạ nhục mạ Hồng-thiết giáo bao giờ? Nhục mạ như thế nào?
Phạm Trạch đưa hai cái môi vều đen to như hai quả chuối ra:
- Rõ ràng mi vừa nói: « Người bỏ theo Hồng-thiết giáo làm biết bao nhiêu điều ác độc ». Mi còn chối ư?
Đại-Khê cười ha hả. Tiếng cười của ông rung động quảng trường, làm nhiều người ù tai, chóng mặt. Ông nói lớn:
- Thưa chư vị anh hùng Đại-việt. Hồng-thiết giáo chủ trương không trời, chẳng Phật. Thánh, thần, tổ tiên, cho đến anh hùng dân tộc đều không thờ kính, đi ngược lại với truyền thống dân tộc như vậy không ác ư? Lại nữa, trong suốt bao năm qua, Hồng-thiết giáo dạy con giết cha, vợ bỏ chồng. Hủy diệt tình sư môn, nghĩa chủ tớ. Như vậy không là ác ư? Lại khi Hồng-thiết giáo theo giúp các sứ quân, giết người có hàng ức vạn. Như vậy không là ác ư? Nói đâu xa, ngay việc luyện công, xui giáo chúng nam nữ giao hoan bừa bãi. Khi có thai, phá thai, lấy bào thai chưng lên ăn, gọi là con sâm. Bắt phụ nữ lương gia về giam lại hàng tháng hút kinh nguyệt, hàng ngày lấy nước tiểu luyện công. Gọi phụ nữ khốn nạn đó là cây thuốc. Như vậy không ác ư?
Người bịt mặt cười khành khạch. Y cất tiếng nói lớn:
- Chính các người mới thực ác nhân. Các người thờ trời. Vậy các người có thấy trời không? Trời có đem lại cơm áo cho người không? Các người cầu Phật. Phật chẳng qua là khúc gỗ, miếng đồng, các người tạc ra, đúc ra, rồi xì xụp lạy. Thực quá trò hề. Còn thánh, thần, tổ tiên, ch.ết rồi, làm sao biết ăn, mà các người cúng? Tổ tiên ư? Người ch.ết xương mục là hết, việc gì phải thờ, phải cúng?
Quảng trường nghe y nói đều la hét, chửi rủa. Tiếng la hét vang dội. Lập tức giáo chúng Hồng-thiết giáo cùng hô lên nhịp nhàng, cùng với tiếng trống, tiếng kèn, tiếng thanh la:
Giáo chủ Hồng-thiết,
Danh trấn giang hồ.
Uy trùm hoàn vũ.
Đức sánh kim ô.
Nào Phật, nào thánh,
Nào tiên, nào thần.
Nào vua, nào chúa,
Đều phải vâng lời.
Phạm Trạch dơ tay làm hiệu, lập tức chiêng trống im bặt. Người bịt mặt tiếp:
- Các người hiện diện hôm nay, đều thuộc võ lâm Đại-việt. Đã là võ lâm, phải biết lẽ phải trái chứ? Hà cớ các người sợ ta nói. Để ta tiếp. Cha, mẹ là gì? Chẳng qua một cặp vợ chồng hú hí với nhau, đẻ ra con. Đẻ con rồi nuôi cho lớn hầu sai bảo, về già chúng nuôi dưỡng. Ích kỷ. Toàn một bọn ích kỷ bóc lột. Cho nên bản giáo chủ trương cha mẹ cũng như mọi người mà thôi. Khi cha mẹ phạm tội với Hồng-thiết giáo, người đầu tiên phải cầm dao giết sẽ là con. Vợ phạm tội chồng giết. Chồng phạm tội vợ giết.
Y cười ha hả mấy tiếng, rồi tiếp:
- Tình sư môn ư? Bản giáo chủ trương, mọi người phải trung thành với giáo chủ. Chỉ hiếu với giáo chủ mà thôi. Những ai tôn sùng sư phụ, sư mẫu mình đều đáng chém đầu. Còn việc nam nữ giao hoan, giống như đói ăn, khát uống. Việc gì phải cưới hỏi lôi thôi. Thích nhau, thì ôm lấy nhau. Những gì thằng Khổng, thằng Mạnh dạy, hãy liệng xuống sông hay cho vào chuồng hôi là tiện nhất.
Hồi đầu, người bịt mặt nói, quần hùng còn la hét, chửi bới. Nhưng càng nghe y nói, họ càng hiểu rõ ra rằng, từ xưa đến giờ họ học đạo lý Văn-lang, Âu-lạc, Lĩnh-nam đã quen. Còn Hồng-thiết giáo là đạo lý của Mã Mặc, Lệ Anh. Khi giáo chúng học đạo lý đó, sẽ coi đạo lý Văn-lang là thứ tà ma ngoại đạo. Bởi vậy, họ tàn sát những người theo đạo lý cổ truyền của người Việt, của Thích, của Khổng cũng không có gì lạ.
Trong khi người bịt mặt nói, Đặng Đại-Khê, Phạm Trạch đã rời lễ đài về khán đài ngồi.
Xướng ngôn viên tiếp tục:
- Trân trọng kính mời tôn sư phái Cửu-long lên lễ đài.
Kim-Sinh từ khán đài khoan thai lên lễ đài. Ông hướng vào quần hùng chắp tay hành lễ, rồi tiến tới ghế dành cho phái Cửu-long. Xướng ngôn viên tiếp:
- Kính thưa chư vị anh hùng. Khi vua Bà tuẫn quốc, anh hùng Cửu-chân tiếp tục kháng chiến. Hơn năm sau, bọn Mã Viện, Lê Đạo-Sinh mới đổ bộ theo đường biển, từ Nhật-nam đánh lên. Trước thế nguy tận diệt, Cửu-chân vương Đô Dương bàn cùng đại tư mã Đinh Đại rằng dù chiến đấu, cũng tốn xương máu vô ích. Chi bằng đem đệ tử trốn ra hải ngoại nuôi chí phục quốc. Đại tư mã Đinh Đại đem theo đại đệ tử của Cửu-chân vương Đào Thế-Kiệt là Trần Dương-Đức cùng hơn trăm đệ tử Cửu-chân vượt biển vào Chiêm-quốc. Nhưng giữa đường gặp bão, thuyền lạc đến Chân-lạp. Để tránh sự tỵ hiềm, Đinh Đại cùng Trần Dương-Đức lập ra phái võ khác, nhưng không biết sẽ đặt tên là gì?
Xướng ngôn viên ngừng lại, rồi tiếp:
- Thưa quý vị. Tại Chân-lạp có con sông rất lớn, chảy từ Bắc, xuống Nam, rồi quẹo sang Đông, đổ vào biển. Con sông này chưa làm chín khúc như chín con rồng, cho nên ngài Đinh Đại đặt tên là sông Cửu-long. Thấy con sông có nhiều linh khí, ngài sai đệ tử ngược giòng sông tiến lên Bắc. Sau đó tìm ra con sông này chảy từ Bắc Lão-qua, xuống Nam, đổ vào Chân-lạp. Vượt qua Bắc Lão-qua, thấy con sông đó phát nguyên từ đất Tượng-quận. Vì vậy mới đặt cho con sông tên Cửu-long và phái võ tên Cửu-long. Trải qua hơn nghìn năm, hôm nay các đệ tử thuộc Chân-lạp trở về nguồn gốc tổ sư, để tưởng niệm liệt tổ phái Cửu-chân cũ.
Tiếp theo, tôn sư phái Phật-thệ Chế Ma-Thanh. Tôn sư phái Vạn-tượng Phủ-Vạn. Tôn sư phái Trường-sa Trần Uy thứ tự lên đài. Xướng ngôn tiếp:
- Kính mời tôn sư bang Quảng-nguyên lên đài.
Nùng Dân-Phú từ khán đài khoan thai bước lên lễ đài. Mỹ-Linh nói nhỏ với Thanh-Mai:
- Tên này nhận sắc phong của bọn Tống. Lát nữa đây không biết y sẽ có hành động ra sao với bọn Nhật-hồ, khó mà biết trước. Chính mắt em thấy y quỳ gối nhận sắc phong Kiểm hiệu thái bảo,tiết độ sứ, thực ấp tam thiên hộ. Thực phong nhất thiên hộ. Bây giờ y lên đài lễ trước bàn thờ, tuyên thệ trung thành với Đại-việt. Thực là trò hề.
Dân-Phú hướng vào quần hùng hành lễ, rồi ngồi vào ghế của mình. Xướng ngôn viên tiếp:
- Kinh thưa quý vị anh hùng. Quảng-nguyên là một trong 207 khê động Bắc-biên. Quảng-nguyên hiện có nhiều mỏ vàng, mỏ kim cương. Thống thuộc Quảng-nguyên còn có các châu Tư-lãng, Thảng-do, Hạ-long, Hoàng-sơn, Ôn-nhuận, Quy-hóa, tiếp giáp với châu Ung của Trung-quốc. Phái Quảng-nguyên được thành lập từ hơn trăm năm nay. Chưởng môn hiện là đại hiệp Nùng Tồn-Phúc. Đại tôn sư là lão sư Nùng Dân-Phú.
Tiếp theo tôn sư của phái Lâm-ấp Đoàn Huy. Tôn sư của bang Đông-hải Hùng Cơ lên đài. Xướng ngôn viên tiếp:
- Kính mời vua Bà Bắc-biên, thống lĩnh anh hùng 207 khê động lên lễ đài.
Một hồi trống, chiêng cử nhã nhạc vang lừng. Tiếp theo, ba hồi tù và inh tai nhức óc. Một đoàn hơn nghìn chim ưng từ xa bay lại, lượn trên bầu trời khu lễ đài. Một thiếu nữ cầm cờ đỏ phất lên ba cái, một đàn cọp hơn năm trăm con, một đàn voi hơn ba trăm con rống lên rung chuyển trời đất. Thiếu nữ phất cờ trắng ba cái, tiếng voi, tiếng cọp im bặt. Bấy giờ, công chúa Lĩnh-nam Bảo-hoà khoan thai lên lễ đài.
Xướng ngôn tiếp:
- Kính mời tôn sư phái Đông-a lên lễ đài.
Trần Tự-An vừa đứng dậy, tiếng hoan hô, tiếng vỗ tay rung chuyển quảng trường. Nguyên tổ sư phái Đông-a Trần Tự-Viễn, nhân học lóm Thiền-công của phái Tiêu-sơn, rồi dùng Thiền-công chế ra những bộ quyền chưởng danh tiếng như Ưng-xà quyền, Hầu-quyền, Hổ-quyền, đem dạy cho các tăng sĩ phái Tiêu-sơn. Có thể nói ông là đệ tử về nội công của Tiêu-sơn, nhưng lại là tổ sư ngoại công của phái này. Ông về quê ở Thiên-trường lập ra phái Đông-a. Trải hơn bẩy trăm năm, võ công phái Đông-a ngày càng tiến. Đệ tử đông đến hàng vạn. Chủ trương võ đạo phái Đông-a lấy việc bảo vệ giang sơn làm lẽ chính. Vì vậy khi vua Lê chống quân Tống. Chưởng môn Trần Trí-Đức đang đem đệ tử từ Thiên-trường về Hoa-lư đánh vua Lê... lập tức đổi lập trường, quay đánh Tống, khảng khái nhận nhiệm vụ diệt quân Tống trên sông Bạch-đằng.
Sau khi thắng Tống, vua Lê phong ông làm Đại-Việt, nghĩa dũng bình Bắc đại vương. Ông từ chối, chỉ nhận mấy cân trà của nhà vua, pha nước cùng đệ tử mừng chiến thắng. Huân công đó khiến anh hùng thiên hạ kính phục phái Đông-a vô cùng.
Nay chưởng môn Trần Tự-An là con Trần Trí-Đức kế tiếp phụ thân. Ông nổi danh cùng với quốc sư Minh-Không phái Tiêu-sơn. Chưởng môn phái Tản-viên Đặng Đại-Khê. Chưởng môn phái Sài-sơn Hồng-Sơn đại phu. Chưởng môn phái Mê-linh sư thái Tịnh-Tuệ, thành Đại-Việt ngũ long. Năm trước đây, vua Tống sai sứ sang mời Trần Tự-An làm Đô nguyên soái, đem quân đánh Tây-hạ. Ông khẳng khái từ chối.
Ông hướng vào quần hùng hành lễ, rồi ngồi vào ghế.
- Kính mờì tôn sư phái Sài-sơn lên lễ đài.
Đạo-sĩ Dương Ẩn khoan thai lên đài. Y hướng vào quần hùng hành lễ.
Mỹ-Linh nói nhỏ với Thanh-Mai:
- Từ trước đến nay, em thấy thiên hạ ca tụng Đại-việt ngũ long, cứ tưởng rằng các vị là đại tôn sư võ công cao cường. Dần dà, cho đến hôm nay em mới hiểu, thiên hạ kính trọng các vị về võ đạo, về kiến thức và về cách hành xử.
Tôn Đản tán thành ý kiến Mỹ-Linh:
- Em cũng thấy như vậy. Sư thái Tịnh-Tuệ chắc đắc đạo thành Bồ-tát rồi. Cho nên ngài biết mụ Hoàng Liên làm trưởng lão Hồng-thiết giáo. Mục đích của mụ đến đây vì bọn Tống. Thế mà sư thái nhịn nhục, để cho mụ tác oai tác quái, hầu hoàn thành kế hoạch của sư thúc Trần Kiệt. Cho đến chưởng môn phái Tản-Viên, người nhịn nhục tên đại ma đầu Đỗ Xích-Thập. Hồng-Sơn đại phu mới thực là người chế tâm cực kỳ cao siêu. Người biết tên Dương Ẩn thành đại ma đầu Lê Ba, người kiên tâm không lột mặt nạ y đã là cao. Khi người biết y bắt giam phu nhân bấy nhiêu năm, đen trắng rõ ràng, người vẫn để cho y ngồi ghế tôn sư, hầu kế hoạch của sư thúc Trần Kiệt được vẹn toàn.
Xướng ngôn tiếp:
- Kính mời đại tôn sư của Hồng-thiết giáo lên lễ đài.
Tiếng xướng vừa dứt, trăm cỗ xe cùng hướng ống đồng lên cao. Mỗi ống phóng một pháo thăng thiên. Pháo bay lên cao, rồi nổ tung. Tiếng nổ làm mọi người inh tai nhức óc. Mỗi cây pháo toả ra một mầu đẹp vô cùng.
Tiếp theo tất cả giáo chúng đều cất tiếng hát. Bài hát ngụ ý ca tụng Nhật-Hồ lão nhân là đấng chí tôn, sinh ra để cứu trăm họ Đại-việt, Chiêm-thành, Lão-qua, Chân-lạp.
Bài ca dứt, lão đã lên trên đài, an toạ.
Tiếng xướng ngôn tiếp:
- Kính mời Đại tôn sư phái Tiêu-sơn lên lễ đài.
Minh-Không thiền sư, tay chống thiền trượng khoan thai lên đài. Trái với khi xướng tên Trần Tự-An, quần hùng hoa hô vang dậy. Bây giờ khắp quảng trường có đến mấy vạn người, mà không một tiếng động. Người ta cùng im lặng, để được chiêm ngưỡng một vị Bồ-tát đương thời. Minh-Không bồ tát là đệ tử truyền tâm ấn của Vạn-Hạnh bồ tát. Ngài còn là sư huynh của đức Thuận-thiên hoàng đế. Không ai biết võ công của ngài đến trình độ nào. Khi nói đến ngài, người ta chỉ bàn về đạo đức, cũng như công đức tế độ chúng sinh của ngài mà thôi.
Sư thái Tịnh-Tuệ là người đứng ra tổ chức buổi lễ, lên đài nói:
- Thưa các vị đại tôn sư. Đúng như thể lệ của Đại-việt, người chủ lễ hôm nay phải có đạo cao đức trọng nhất trong các tôn sư. Thường năm do vị tôn sư phái Tiêu-sơn. Không biết năm nay các vị có gì thay đổi không?
Đại hiệp Trần Tự-An nói:
- Thưa các vị. Cứ như mọi năm, bàn về đạo cao, đức trọng thì ai bằng quốc sư? Năm nay chúng tôi kính mời quốc sư ngồi vào ghế chủ vị.
Hoàng Liên cười lên the thé:
- Theo lão ni, cần phải có sự thay đổi. Ở đời, tất cả đều vô thường. Năm nay có mặt Nhật-Hồ lão nhân, xin để lão nhân làm chủ vị.
Tôn sư phái Trường-sa là Trần Uy nhăn mặt:
- Đạo cao, đức trọng của Đại-Việt, mà để một lão ma đầu ngồi chủ vị ư?
Lão vừa dứt lời, người bịt mặt, từ chỗ Hồng-thiết giáo vọt mình lên khán đài tấn công Trần Uy một chưởng. Mọi người kinh hoàng, vì đó là chiêu Kình-ngư thăng thiên của phái Đông-a. Chưởng phong bao trùm một vùng rộng lớn. Trần Uy nhảy vọt lên cao tránh. Nùng Dân-Phú đứng sau Trần Uy vô tình bị hứng tất cả kình lực. Y quay tay một vòng phóng, chưởng cắt đôi chiêu chưởng của người bịt mặt. Bình một tiếng, người bịt mặt bay ngược xuống dưới đài. Nùng Dân-Phú chắp tay:
- Thực đắc tội.
Trên khán đài phái Đông-a, Trần Kiệt quay lại hỏi Thanh-Mai, Mỹ-Linh:
- Này, mấy con bé cứng đầu, có nhận ra chân tướng tên bịt mặt không?
Mỹ-Linh lắc đầu:
- Ngay từ lúc hắn lên đài tấn công Đặng chưởng môn, cháu thấy lưng y quen quen mà nhận không ra.
Thanh-Mai cau mày suy nghĩ, rồi lắc đầu hỏi Tự-Mai:
- Em thử đoán xem nó là ai?
Tự-Mai cười, ngồi rung đùi:
- Từ xưa đến giờ bố vẫn bảo chị thông minh bậc nhất, không ai qua mặt nổi. Bây giờ làm « thài lài » rồi thành ra lú lẫn.
Mỹ-Linh ngơ ngác kéo tai Tự-Mai:
- Thài lài là cái gì vậy?
Tự-Mai, rời chỗ. Trước nó ngồi cạnh Thanh-Mai, bây giờ ngồi cạnh Mỹ-Linh:
- Em phải ngồi đây cho an toàn, rồi mới dám trả lời chị. Nếu không bà chằng tinh « đục » thủng đầu.
Nó làm bộ nói vào tai Mỹ-Linh, nhưng nói rất lớn:
- Tục ngữ nói : Gái phải trai, như thài lài phải cứt chó. Trai phải gái như cò bợ phải nước mưa. Cây thài lài, mà gặp cứt chó sẽ lớn mau vô cùng. Còn cò bợ phải nước mưa lại ủ rũ như ch.ết rồi vậy.
Tôn Đản dọa Tự-Mai:
- Tự-Mai dám bảo anh cả là cứt chó hả? Thôi nói đi, tên bịt mặt gốc tích ra sao, ta không mách anh cả.
Nghe đến Lý Long, Tự-Mai không dám đùa nữa. Nó nói sẽ:
- Tên bịt mặt chính là gã Đặng Trường, quản gia ở trang nhà mình đó.
Thanh-Mai tỉnh ngộ:
- Đúng rồi. Sau khi Mỹ-Linh, Thiệu-Thái cứu Nhật-Hồ lão nhân ra. Anh cả thấy nếu giết lão đi, bọn đệ tử chia năm sẻ bẩy, ẩn hiện khắp nơi, thực khó mà diệt hết. Chi bằng thả cho lão ra, rồi cho người của Khu-mật viện ẩn trong lớp áo giáo đồ tìm lão, giúp lão vào ngục cứu Nguyễn Chí, sau tìm bọn Lê Ba. Trong khi bọn Lê Ba nhận được thư mời của phái Mê-linh về dự đại hội. Tất nhiên y đưa thư cho lão. Lão sẽ kéo giáo đồ về dự, với mục đích khống chế quần hùng.
Sư thái Tịnh-Tuệ nói với Nhật-Hồ lão nhân:
- Tiên sinh! Mong tiên sinh bảo các vị trưởng lão không nên động võ trước bàn thờ tiền nhân.
Nhật-Hồ vuốt râu hướng vào giáo chúng:
- Các người không được dụng võ.
Sư thái Tịnh-Tuệ hướng vào các tôn sư:
- Thưa các vị, từ hơn năm mươi năm qua. Bao giờ chủ vị trong các ngày giỗ Bắc-bình vương, anh hùng đều tôn vị chưởng môn phái Tiêu-sơn làm chủ vị. Năm nay, sư thúc Hoàng Liên lại muốn tôn Nhật-Hồ lão nhân. Ở đây chúng ta có mười hai môn phái, bốn đại bang. Tốt hơn hết chúng ta cùng đề cử.
Hoàng Liên nhảy lên choi choi:
- Như vậy mới công bằng.
Nói xong mụ biết rằng mình hớ. Vì trong mười lăm người trên đài, phe Hồng-thiết chỉ có Dương Ẩn, Đỗ Xích-Thập, và Nhật-Hồ. Tuy biết hớ, mụ vẫn nói cứng:
- Nào, chúng ta cùng đề cử.
Sư thái Tịnh-Tuệ tiếp:
- Chúng ta có hai vị được đề cử. Vậy ai đồng ý cho Nhật-Hồ tiên sinh ngồi vào chủ vị xin đưa tay lên.
Bà chỉ tay đếm:
- Phái Tản-viên, phái Mê-linh, phái Sài-sơn, phái Phật-thệ, phái Vạn-tượng, phái Tha-nôm, bang Nhật-hồ, bang Quảng-nguyên. Tất cả tám vị. Còn vị nào nữa không ?
Bà quay lại hỏi:
- Vị nào đồng ý thỉnh Minh-Không đại sư ngồi vào ghế chủ vị?
Bà chỉ tay đếm:
- Phái Đông-a, phái Tây-vu, phái Thiên-tượng, phái Trường-sa, phái Cửu-long, bang Hồng-hà, bang Đông-hải, phái Tiêu-sơn. Minh-Không đại sư cũng được tám vị đề cử.
Bà hỏi cử tọa:
- Hai vị cùng được tám cao nhân đề cử. Phải làm sao đây?
Minh-Không đại sư chắp tay:
- A-di-đà Phật. Bần tăng đức bạc, tuổi kém Nhật-Hồ lão tiên sinh. Bần tăng xin cử lão tiên sinh. Như vậy lão tiên sinh đa số hơn bần tăng. Xin lão tiên sinh ngồi vào chủ vị cho.
Sư thái Tịnh-Tuệ phất tay một cái, chiêng trống cử bản nhạc Động-đình ca, đây là bản nhạc cổ từ thời Lĩnh-nam. Nhật-Hồ lão nhân tiến tới trước bàn thờ, dâng hương trước. Sau đó, tôn sư các phái, các bang theo thứ tự tuổi tác lên dâng hương.
Dâng hương xong, các tôn sư chia làm hai, ngồi vào hai hàng ghế cạnh bàn thờ trên đài. Buổi tế bắt đầu.
Tế vừa dứt, mặt trời lên cao. Tiếng loa xướng:
- Thuận-thiên hoàng đế, cùng tam công, tể tướng, triều đình tới dâng hương.
Từ khi các môn phái tới, không nhiều thì ít, mỗi môn phái đều có biểu tượng uy nghi. Tựu trung chỉ có vua Bà Bắc-biên với bang Nhật-Hồ khí thế hùng mạnh nhất. Người ta nghĩ tới Thuận-thiên hoàng đế tới, hẳn phải uy nghi gấp mấy lần. Không ngờ khi nghe xướng ngôn, mọi người nhìn ra cổng, chỉ thấy hoàng đế đi đầu, theo sau hơn năm mươi thái giám mang lễ vật, cùng các thái tử, công chúa, phò mã đi theo. Không thấy một tên giáp binh, cũng chẳng thấy voi, ngựa, tướng sĩ.
Bên phải hoàng đế là Vũ-uy vương anh ngài. Bên trái là Dực-thánh vương, em ngài. Tiếp đến phò mã Đào Cam-Mộc, công chúa An-quốc, rồi tới Khai-thiên vương, Khai-quốc vương, Đông-chinh vương, Vũ-đức vương, các phò mã, công chúa.
Trong quảng trường, có mấy vạn người, mà không một tiếng động, không một tiếng nói, không một tiếng cười. Tất cả anh hùng trên những khán đài đều đứng dậy, cúi đầu chắp tay.
Tới lễ đài, ngài hoan thai bước lên. Ban nhạc tấu nhạc. Hết nhạc, ngài quỳ gối lễ tám lễ, rồi hướng vào các bậc tôn sư võ học vái một vái đáp lễ. Ngài nói:
- Hôm nay nhờ vong linh của đại vương xưa, trẫm mới được gặp tất cả anh tài của đất nước.
Trong khi ngài nói truyện với các tôn sư võ học, các thái tử, công chúa theo thứ tự lên đài hành lễ.
Thuận-thiên hoàng đế phán:
- Chiều mai, trẫm kính mời các vị tôn sư, cùng toàn thể các vị chưởng môn, bang trưởng tới điện Càn-nguyên dự tiệc. Hôm nay, trẫm xin tặng mỗi vị một lễ vật, gọi là làm duyên.
Ngài đến trước Nhật-Hồ lão nhân:
- Lão tiên sinh qui ẩn hai chục năm, giáo chúng không hiểu, tưởng người qui tiên, xây lăng thờ cúng. Không ngờ bây giờ người lại xuất hiện, vì vậy trẫm mới được gặp tiên sinh.
Thái giám bưng đến một mâm lễ vật. Nhật-Hồ tiếp lấy mở ra. Bất giác lão mừng đến chảy nước mắt. Trong mâm có năm cặp lộc nhung tẩm thuốc, đựng trong hộp bằng bạc. Cạnh đó mười chai rượu lớn. Trong mỗi chai đều có một củ sâm. Lão vẫy tay. Phạm Trạch nhảy lên đài tiếp lấy mâm lễ vật. Lão chắp tay tạ hoàng đế, rồi chỉ vào Khai-quốc vương:
- Lão phu trăm ch.ết, mới được Quốc-vương cứu sống, lại được bệ hạ ban thuốc. Thành thực đa tạ.
Hoàng-đế đến trước Minh-Không đại sư:
- Sư huynh. Trong suốt thời thơ ấu, đệ ở trong chùa, được sư huynh tận tâm dạy dỗ. Nay sư huynh lại nhận làm quốc sư, giúp đệ làm cho dân giầu nước mạnh. Đệ xin dâng sư huynh món quà này.
Thái giám dâng lên đại sư mâm lễ vật. Đại sư mở ra. Trong mâm có cái mõ, với cái dùi cực lớn. Mõ, dùi bằng gỗ trầm, hương thơm bốc ra ngào ngạt. Trên mõ nạm chữ vàng toàn bộ bài kinh Bát-nhã. Ngài tiếp lấy mõ, dùi, mỉm cười:
- Hoàng đế hiện giờ là người uy quyền, giầu có bốn bể, nhưng cái tâm vẫn trong sáng như thủa xưa quả đại phúc vậy.
Ngài tiến đến trước Đoàn Huy:
- Đoàn huynh! Ngày xưa Quốc-tổ, Quốc-mẫu sinh ra trăm con. Con trưởng được phong làm vua. Còn lại chín mươi chín người, ngài truyền phải đi các nơi, qui dân lập ấp. Vị hoàng tử thứ nhì đến thứ mười được phong ở vùng quanh hồ Động-đình. Vị hoàng tử thứ mười một tới hai mươi được phong ở vùng phía Tây. Sau thành Tượng-quận. Nay là Đại-lý. Vì vậy dù Đại-lý, Đại-việt đều cùng gốc của vua Hùng, vua Trưng. Nhưng anh hùng Thiên-sơn, Tượng-quận nhờ linh khí tổ tiên, nhờ quyết tâm, đã lập được nước Đại-lý. Trẫm xin gửi lời vấn an đến trăm họ cùng hoàng đế bệ hạ Đại-lý.
Khi Đoàn Huy mới tới Đại-Việt, trong lòng y đầy kiêu căng, vì cho rằng họ Đoàn nước Đại-lý anh hùng hơn họ Lý. Nhưng dần dần, đi nhiều, nghe lắm, y thấy vua Lý quả thực minh quân nhân từ. Anh hùng Đại-việt như sao trên trời, Đại-lý y muôn ngàn lần không bằng. Rồi hôm ở Long-hoa đường, y cùng Phạm Văn được Thanh-Mai xả thân cứu mệnh cho. Võ đạo ấy, bên Đại-lý không thể có. Hôm nay nghe Thuận-thiên hoàng đế gửi lời thăm trăm họ trước, rồi mới tới hoàng đế sau. Y càng phục hơn nữa, nghĩ thầm:
- Người này quả thực một minh quân, chỉ biết có dân.
Y kính cẩn mở cái hộp bọc nhiễu đỏ để trên mâm ra. Trong bọc có thanh kiếm cổ. Nhìn mấy chữ triện khắc trên bao kiếm, tuy đã mòn, nhưng vẫn còn đọc được:
Anh hùng Thiên-sơn,
Dĩ đức trị dân,
Nhất kiếm tru tặc,
Vạn cổ lưu danh.
Đọc hết bốn giòng chữ, bất giác y choáng váng.