Chương 32: Thuận Thiên Kiếm tiền truyện - Hồi một (2)
“ Lục Bình xin cảm ơn đức của tướng quân, nhưng ta chỉ là một tiểu tốt thấp cổ bé họng tầm thường, trong triều chẳng có chút ảnh hưởng nào. Có Lục Bình hay không, đối với thái thượng hoàng và Lê đại nhân mà nói không quá quan trọng. Lục Bình xin cảm ân tướng quân đã ưu ái, song việc này là đại sự liên can hệ trọng, không dám tuỳ tiện nhận quàng nhận xiên. ”
Phạm Lục Bình tuy chỉ là một tiểu binh trong quân ngũ, song cũng nhận thức được giá trị của bản thân không nằm ngoài mấy chữ “ hậu duệ danh tướng Phạm Ngũ Lão ”.
Nhận một chức tiểu binh tầm thường là do y muốn dựa vào chính sức lực tài năng mình tìm kiếm công doanh, quyết không sống dưới cái bóng của tổ tiên.
Trần Khát Chân khoát tay, nói:
“ Không vội, không vội… Lục Bình cứ từ từ suy ngẫm. Chỉ xin nhắc một câu là nợ Tang Bồng còn vay chưa trả, xin đừng làm phụ ơn Thái Sơn, lòng Đông Hải của gia phụ. ”
Phạm Lục Bình nói lời từ tạ, tiễn Trần Khát Chân ra tới tận cổng mới trở vào. Vừa đi, y vừa nghĩ, thân làm nam nhi chẳng lẽ cứ mãi an phận với cái chức tiểu binh quèn quèn này hay sao? Như thế liệu có xứng đáng với thần kiếm Thư Hùng hay không? Thất thần, khiến Lục Bình vấp ngay vào bậc thềm, đầu đụng vào cánh cửa đánh cộp một tiếng.
Phạm phu nhân đã ngồi chờ sẵn trên phản, vừa têm trầu vừa thưởng một ấm trà. Thấy Lục Bình, bà bèn cất tiếng:
“ Trần tướng quân nói sao? ”
“ Ông ấy muốn con tham gia cùng chống đối, lật đổ Lê Quý Li. ”
Phạm phu nhân chậm rãi:
“ Thái thượng hoàng Nghệ Tông rất tin họ Lê, còn từng trao cho y thanh kiếm và lá cờ ghi “ văn võ toàn tài, quân thần đồng đức ”. Thế nên có thể kẻ muốn giết Quý Li ắt không phải thái thượng hoàng. ”
Phạm Lục Bình cau mày, hỏi:
“ Thế thì để con từ chối Trần tướng quân. ”
“ Chớ có hành động lỗ mãng. Mẹ nói là có thể, chứ không phải là chắc chắn. Không loại trừ khả năng chuyện lá cờ thanh kiếm chỉ là kế đấu dịu, hoà hoãn thời gian của Nghệ Tông. Mà kể cả không phải, thì con cũng không thể ngay mặt từ chối Trần tướng quân, bằng không có thể sẽ bị trừ khử. ”
Phạm phu nhân chậm rãi cất lời, vừa nói vừa châm chè vào chén. Phạm Lục Bình ngồi yên chờ đợi, nhưng mãi mà phu nhân chẳng lên tiếng một lần nào nữa.
“ Mẹ, hôm nay đột nhiên người nói nhiều chuyện đại sự như thế là có ý gì? ”
Phạm phu nhân đặt chén nước chè xuống phản, đáp:
“ Mẹ là người đàn bà số khổ, goá bụa từ sớm. Còn con thì không có đôi vai bảo vệ của người cha. Lục Bình, trước khi khuất núi cha con có để lại một bức thư. Kể từ đó đến giờ đã gần chục năm trôi qua, mẹ chưa hề mở ra đọc dù là một chữ. Nay giao lại cho con. Quyết định ra sao là quyền của con. Thôi, hai anh đang đợi dưới bếp, xuống tiếp chúng nó đi. ”
Lục Bình nâng phong thư cất vào áo, vái chào mẹ rồi mới lui ra sau bếp. Hiện giờ Hồ Xạ Hồ Đỗ đã chuẩn bị xong mồi nhắm. Đĩa lạc rang với khoanh bánh chưng trong bếp là đủ để ba người chén tạc chén thù một chặp, ít nhất là uống thấy đáy hai vò rượu Tết còn thừa.
Hồ Đỗ thấy tâm tình của thằng em kết nghĩa sa sút hẳn so với hồi sáng, bèn vỗ ngực, oang oang:
“ Nào nào, hôm nay đang ngày vui thắng trận phải uống một chầu cho đã chứ! Mặt xưng mày xỉa, anh chấp chú mày với tên hay nói chữ một phe, chúng ta trước dùng tửu lượng so tài, sau luận võ mấy trăm hiệp! ”
Hồ Xạ thấy Lục Bình không nói chẳng rằng, còn tưởng y lo lắng về cuộc đấu tối hôm ấy. Xạ bèn trước là lấy rượu rót đầy ba chén hạt mít, sau lại lên tiếng tiếp lời:
“ Hồ Đồ ơi là Hồ Đồ, chuẩn bị sẵn tinh thần để mà đứng đi vào nằm đi ra là vừa. Lục Bình, hai chúng ta lên xử hắn! ”
Phạm Lục Bình cười khổ, đón chén rượu:
“ Tối nay còn cái hẹn giao đấu, hai anh đừng có quá chén. Nếu không lương bổng ba tên lính quèn chúng ta đi tong hết. Cả cân bạc trắng đấy, không đùa được đâu. ”
Hai gã anh trai gật gù bảo cứ yên chí, đoạn cả ba dốc cạn chén. Người xưa dạy “ nhất tuý giải thiên sầu thật chẳng sai ”. Nhờ có men rượu nồng, bao nhiêu phiền muộn trong lòng Phạm Lục Bình bị cuốn phăng đi gần hết.
Uống non nửa bữa rượu, hai người Đỗ Xạ thì không làm sao chứ Lục Bình đã ngà ngà say. Y nấc lên một cái, nói:
“ Bọn người hồi trưa là đệ tử sơn trang Bách Điểu tận trấn Thái Nguyên. Bảo vật trấn trang của chúng là loại ám khí tên Khổng Tước Linh, nên đệ tử sơn trang ném ám khí cũng rất có nghề. Tối nay hai bên giao đấu, phải hết sức đề phòng.
Thứ móng vuốt chúng dùng hồi trưa gọi là Kê trảo, ấy là đặc sản của phái ấy đấy. Sơn trang Bách Điểu lại có một món quyền pháp để phối hợp với binh khí độc môn là võ gà. ”
Hồ Đỗ cười khẩy, nói:
“ Chú cứ khéo lo, phượng hoàng anh còn vặt lông nữa là bốn con gà nhép. ”
Hồ Xạ trông cái mặt phơn phởn đáng ghét khi ba hoa chích choè của y bèn thụi luôn cho một cú vào lưng. Gặp lúc Hồ Đỗ mới nốc một hớp, ngụm rượu chưa kịp nuốt xuống họng đã bị đấm cho phun tung toé.
“ Hồ Đồ, tỉnh ngủ chưa? Nói mày bao nhiêu lần cái tội ngạo mạn mà không chịu chừa. Lục Bình là hậu duệ của danh tướng, lại chịu khó học hành từ bé, kiến thức ắt vượt xa anh em mình. Nó đã nhắc chứng tỏ đối thủ chẳng dễ xơi đâu. Đã nghe câu mắc xương gà, sa cành khế chưa? ”
Hồ Đỗ gãi gãi gáy, rồi ngồi im ru gà rù chờ nghe Lục Bình nói tiếp.
“ Hai anh chớ thấy võ dựa trên hình dáng loài gà mà coi thường. Trong ngũ hình quyền nước Nam hiện tại phía đông là chó, tây là gà, nam là ngựa, bắc là trâu còn chính giữa là lợn. Võ gà đã được truyền thừa từ đời nhà Lí đến giờ. Nó mạnh ở chỗ nhanh nhẹn, uyển chuyển, biến hoá khôn lường, lấy yếu thắng mạnh. Xét ra thì quyền chiêu ảo diệu, quyền lí cao thâm chẳng thua kém gì võ hạc của Thiếu Lâm tự nước người ta đâu.
Hơn nữa còn có phép hợp kích Vạ Vịt Chưa Qua Vạ Gà Đã Tới. Bốn đến tám người tổ hợp thành một trận, công kích đan xen nhau liên miên không ngừng, thực sự khó mà công phá nổi. Bốn tên nọ dù tự cao tự đại, nhưng có thể được trang chủ sơn trang Bách Điểu tin cậy phái đến Thăng Long làm việc thì tất phải có chân tài thực học. Thắng thua thì chưa nói trước được, nhưng một trận khổ chiến thì e là điều chắc chắn. ”
Hồ Xạ, Hồ Đỗ nghe Lục Bình thuật lại điểm mạnh của đối thủ mới thu lại ý coi thường, trong lòng cũng có sự đề phòng. Quả thực, biết địch biết ta mới trăm trận trăm thắng.
“ Lục Bình đã biết kha khá về địch, mà địch lại chẳng biết gì về võ công của ba anh em. Phen này lợi thế bất ngờ đã nghiêng về phe ta rồi. Cơm no, rượu say rồi. Anh em ta hãy xách khí giới lên tìm một chỗ luyện tập trước mấy đường. Một là giải rượu, hai để chuẩn bị cho trận chiến đêm nay. ”
“ Được! Đêm nay phải đánh cho cái đám nhãi này biết sự đáng sợ của quân nhân bọn ta. ”
Hồ Đỗ lập tức vỗ vỏ đao đánh chát một cái.
Phạm Lục Bình thì nói:
“ Những gì em biết chỉ có một phần là đọc được trong cổ thư ở nhà, còn lại đều là chuyện giang hồ đồn đại mà thôi. Về phần chiêu số cụ thể của võ gà ra sao thì đành chịu ch.ết. ”
“ Lo gì? Lũ tới thì núi dâng. ”
Ba người cạn nốt chén cuối cùng, đẫy diều đầy dạ rồi mới kéo nhau đến khoảng rừng cây cách làng An Thái – hay làng Giấy – độ nửa dặm.
Ngày xuân, lộc non hứng mưa phùn xanh ngát, kéo ra xa mãi đến ngút tầm mắt. Đất mủn ra tơi và xốp, bám hết cả lên giày đám người Đỗ, Xạ.
Phạm Lục Bình bước lên chừng mười bước, đối diện với hai anh. Y đặt cái hòm gỗ đang khoác xuống, mở nắp lấy thanh Sóc. Kì kiếm hai lưỡi nằm im lìm, một đầu trắng một đầu đen.
“ Hai người cùng lên đi. ”
Hồ Đỗ tuốt đại đao thủ thế, Xạ thì rút luôn mấy mũi tên ra. Song phương không hẹn mà cùng vận công đề khí, nhìn nhau chằm chằm. Chẳng bên nào dám lỗ mãng xuất chiêu trước. Không ai muốn để lộ nhược điểm của bản thân cho đối phương lợi dụng.
Hồ Xạ, Hồ Đỗ bắt đầu nhón những bước ngắn. Một người qua trái, kẻ kia qua phải. Vũ khí không lúc nào rời tay, tầm mắt chưa bao giờ bỏ qua Phạm Lục Bình. Kiếm khách vẫn đứng yên, thanh kiếm hai đầu đen trắng lặng lẽ hứng ánh nắng cuối ngày.
Đỗ xồ tới trước, hoành đao qua nhắm ngay cổ Lục Bình mà chém. Các bắp tay bắp chân hắn căng cứng hết lên, cú phạt đao mạnh như gió táp mưa sa. Như chỉ chờ có vậy, Lục Bình dựng thẳng Thư Hùng kiếm lên, đưa sang ngang. Lưỡi kiếm uốn lượn trắng tinh đặt đúng trên đường di chuyển của tay Hồ Đỗ. Lúc này nếu Hồ Đỗ cứ mặc sức chém, thì cổ tay hắn ắt phải bị phạt đứt trước.
Hồ Xạ bất thình lình trầm hông, mũi chân chếch chéo sang tạo thế. Nói đoạn, y vận lực vung tay phóng tiễn, kình lực dào dạt đưa mũi tên văng qua chỗ Phạm Lục Bình đang đứng. Nay nếu y đưa kiếm qua gạt mũi tên, thì cần cổ lại để tơ hơ ra cho đao của Đỗ chém vào.
Song bằng sự quen thuộc với lối đánh của người anh kết nghĩa, Lục Bình đã đoán biết trước được mũi tên sẽ bắn tới vào lúc nào và theo hướng nào. Y đặt tay còn lại lên chuôi kiếm, vặn một chốt mở giấu ở đoạn nối giữa phần bảo hộ với tay cầm.
Thì ra Thư Hùng kiếm vốn là hai thanh riêng rẽ Thư Kiếm và Hùng Kiếm. Chuôi của Thư Kiếm là một thanh đồng đen được đúc rỗng ruột, dùng để tr.a tay cầm của Hùng Kiếm vào. Ở ngay bên dưới phần bảo hộ tay có một chốt giữ chặt chuôi thanh Hùng Kiếm lại.
Phạm Lục Bình vặn eo một góc chín mươi độ, vẩy Hùng Kiếm ra dùng chiêu Phản Công Hàm Tử trong chiêu trong thứ kiếm pháp tổ truyền Đảo Nam Nghịch Bắc của mình. Mũi tên của Hồ Xạ bị bắn ngược về phía sau.
Hồ Đỗ thì đã biến chiêu, đao bén lướt đi theo hình thất tinh bắc đẩu. Đáng lẽ là một đao trảm ngang cổ, thì giờ hoá thành một nhát chém thẳng thắt lưng.
Lục Bình hoành ngược thanh kiếm cản đòn. Hoa lửa bắn tung toé khi hai thanh vũ khí mài vào nhau, tiếng thép rít gào nghe ken két. Hồ Xạ cũng nhảy vào vòng chiến, tay y nắm hai mũi tên hệt như một cặp Nga Mi Thích. Vũ tiễn một đầu bén nhọn đầu kia lại cứng tròn, dùng để đâm chọc hay đả huyệt đều được.
Ba người càng đánh càng hăng, chốc lát đã giao thủ mấy chục chiêu. Lục Bình tuy phải lấy một chống hai, nhưng nhờ có kiếm pháp tổ truyền và kì kiếm nên không hề rơi xuống hạ phong.
Thư Kiếm thì nhanh chóng sắc nhọn, vạch ngang phạt dọc liên hồi. Bóng kiếm cứ xẹt qua xẹt lại như một con rắn vậy. Hùng Kiếm tuy vuông vức, nhưng lại nặng nề, lúc đập ngược bổ xuôi thì mạnh mẽ không tưởng. Lại phối hợp cả kiếm pháp Đảo Nam Nghịch Bắc chuyên môn đảo hướng, đẩy ngược công kích của đối thủ. Thành ra, Hồ Đỗ Hồ Xạ càng đánh càng lâm vào thế bí, không biết phải giải quyết Lục Bình ra làm sao.
Ba người vừa đánh vừa cười vang, mồ hôi tứa đầm đìa, chẳng mấy mà trời dần sụp tối.
Nhận thấy cũng chỉ còn một canh nữa là tới giờ hẹn, Lục Bình bèn ra hiệu để hai anh thu tay ngừng chiến.
Hồ Đỗ ngồi phệt xuống đất, đao cắm ngay cạnh bắp chân mình. Hồ Xạ thì đi nhặt lại mấy mũi tên bị Hùng kiếm đẩy ngược qua hướng khác, còn Lục Bình thì ghép hai thanh kiếm trắng – đen trở lại thành Thư Hùng kiếm, cất vào hạp gỗ cẩn thận rồi mới dâng trà mời hai anh. Có chè xanh, lát giao chiến mới tỉnh táo.
“ Tiên sư, còn ngứa tay quá. Lát phải đánh một chầu thật là đã đời mới được. ”
“ Thằng ngố, có ai uống nước chè mà hùng hục như trâu giống mày không? Chè này là chè ướp theo cách của Phạm lão tướng quân, không phải ai muốn uống là uống được đâu! Đàn gảy tai trâu, đoá hoa nhài cắm bãi phân trâu! ”
Hồ Xạ cầm cái chén nện lên trán Đỗ một cái. Đúng lúc y đánh nhau còn chưa đã ghiền, thế là thụi trả luôn cho Xạ một đấm.
Hai người bắt đầu đánh nhau chí choé, nhác trông còn dữ dội hơn hồi nãy nữa. Cực chẳng đã, Lục Bình mới phải chạy qua can:
“ Thôi! Thôi! Cho em xin! Tức nhau chuyện gì thì lát nữa dồn vào đối thủ ấy. ”
Ba người uống chè nghỉ ngơi thêm một lúc nữa, đang chuẩn bị đi đến chỗ hẹn thì bất ngờ, từ trong rừng chợt vẳng ra một tiếng động.
Tinh!
Thình lình, trong một khoảnh khắc âm thanh ấy vang lên, mọi tiếng động khác trong thế giới dù là nhỏ nhất như đều lắng xuống. Lá cuộn trên cành không nỡ rơi, cỏ co lại chẳng dám cựa mình, gió cũng lặng xuống. Cả thiên nhiên như e thẹn trước âm thanh kì diệu ấy, sợ rằng mình sẽ pha tạp nó.
Một khúc đàn ai gảy vang lên trong đêm thanh vắng. Ánh trăng phủ xuống quyện lấy thứ âm thanh réo rắt và thiết tha ấy. Tiếng đàn như vuốt thẳng lá trên cây, đón nhánh cỏ vươn ra không khí, rước cơn gió đêm về để cùng khiêu vũ… Trong rừng, chim thú hé mắt cả, song chúng không dám ngóc đầu lên, sợ làm đứt đoạn bản đàn. Chỉ có đôi tai là vểnh lên, nghe ngóng.
Ba người thanh niên cũng đắm mình tiếng đàn, cùng ngơ ngẩn đứng đực ra đó. Thời gian quanh họ như cũng bị làn âm kéo dãn ra, dãn ra mãi, đến khi chính bản thân thời gian cũng quên đi sự hiện diện của chính mình.
“ Ai gảy đàn bầu giờ này vậy nhỉ? ”
Phạm Lục Bình tự hỏi. Chưa bao giờ, y muốn tìm được đáp án cho một câu hỏi đến như thế. Tiếng đàn khi trước vốn thanh thót như thể tiếng thầm thì của thần tiên, nay bỗng chuyển mình, hoá thành thiết tha da diết như mối tình hai kiếp của chàng thầy đồ trong tích cổ Duyên Nợ Tái Sinh.
Cả ba người như bị ảnh hưởng theo tiếng đàn, cùng cảm thấy chuếnh choáng như say men tình. Trong tâm khảm họ hiện lên hình ảnh sự rung động đầu tiên của cuộc đời. Đó là bóng hình của nàng hàng xóm nết na nhà bên với khay trầu, của cô đầu ngồi đầu xóm với giọng ca mượt như tơ…
Phạm Lục Bình bất giác cất tiếng, ngâm liền hai câu thơ trong truyện cổ:
“ Kiếp này duyên đã lỡ duyên
Quyết xin giữ trọn lời nguyền kiếp sau. ”
Hồ Xạ cũng đọc một cặp thơ ngũ ngôn chữ Hán, nội dung tương tự hai câu Lục Bình mới ngâm:
“ Thử sinh duyên vị liễu
Nguyện kết hậu sinh duyên. ”
Chỉ có Hồ Đỗ là ù ù cạc cạc, xúc động mà không biết thể hiện ra sao, chỉ đành rút đao khắc tên người mình thích lên một thân cây gần đó.
( Đền bù cho những ai không phải fan Kim Dung và Đông Tà như tác)