Chương 107: Hồi mười bốn (6)
Cấm vệ và Liễu Thăng được lệnh dẫn hai cha con Hồ Nguyên Trừng và Tạng Cẩu vào cung trước. Nơi này cách hoàng cung một đoạn cũng khá xa, không cẩn thận có khi còn lạc cả đường, mất vài ngày may ra mới đến nơi. Thành thử ba người phải vào cung từ sớm, đợi sẵn chỉ việc chờ Chu Đệ hạ chỉ là lên bảo điện diện thánh mà thôi.
Phiêu Hương là một bé gái, một thân một mình ở nhà cũng không ổn, nên được dẫn theo.
Tạng Cẩu lại lén lút đưa hết số bạc nó trộm của tên quan lớn họ Lại cho cô bé câm, dặn mấy ngày tới phải chăm sóc cho hai mẹ con cô bé bán tò he. Cô bé gật đầu, coi như là đồng ý.
Đoàn người rồng rắn lên đường.
Bây giờ trở lại với tên quan lớn Lại.
Tên quan lớn họ Lại vừa phát bạc xong, đang định ôm cục tức về nhà, thì bỗng thấy đoàn cấm quân theo đường cũ quay về.
Trùng hợp thế nào, hắn lại quay lại nhắm đúng lúc Tạng Cẩu với Phiêu Hương đi ngang qua.
Trông thấy “ kẻ thù ” ngang nhiên đi cùng với đoàn cấm vệ, tên quan lớn Lại vừa mừng, vừa hốt.
Hắn kéo áo một cấm vệ đi sau cùng lại, lợi dụng tay áo che chắn dúi ngay một nén bạc lớn vào tay y. Trông thấy món hời, tên cấm vệ cũng đứng lại, lẹ làng nhét nén bạc vào ngưc áo.
“ Tiểu ca cho ta hỏi, mấy vị được hộ tống kia là ai thế? ”
Gã cấm vệ nói:
“ Ta cũng là hạng thấp kém, không biết nhiều cơ mật. Nhưng hình như là cựu thái thượng hoàng, và cựu tả tướng quốc của đám An Nam. Thôi, ta đi nhé, thủ lĩnh gọi rồi. ”
Đám người khuất dần nơi chân trời.
Miệng tên quan lớn họ Lại toét ra rộng ngoác, cơ hồ khoé miệng hắn như muốn rách toác ra. Một điệu cười phô hàm răng tởm lợm đã cắn không biết bao nhiêu là mỡ máu của bá tánh.
“ Hà hà, ra là thế. Hai con tiểu yêu, chúng mày có chạy đằng trời! ”
Tên quan lớn họ Lại tức tốc chạy vào cung. Gặp thái giám, y lập tức giơ ra một tấm lệnh bài bằng vàng có chữ “ Hà ”.
Thái giám nọ như đã quen việc, gật đầu một cái, dẫn y vòng qua mấy lần cửa lách đường mòn.
Đi không lâu, tên họ Lại đến vườn thượng uyển.
Chu Đệ đang nằm trong lầu, hóng gió thưởng hoa vô cùng nhàn nhã. Cảnh lặng yên, nhưng lòng người thì dậy sóng.
Ngôi lầu ấy từng có bóng hình của một giai nhân.
“ Nghĩa Hoa, nàng ở dưới đó vẫn mạnh giỏi chứ? ”
Chu Đệ lẩm nhẩm tự nói, rồi tưới một chén rượu xuống đất. Y vắt ngang cánh tay qua trán, che đi đôi mắt của mình.
“ Bệ hạ, có Lại đại nhân cầu kiến. ”
Lí công công thấy Chu Đệ đang chìm trong tâm trạng, vốn dĩ không muốn làm phiền. Nhưng Lại Bố Y kia lại cũng là hồng nhân của hoàng thượng, nên chỉ đành tặc lưỡi vào thông báo một tiếng.
Chu Đệ vẫn không nhúc nhích.
Y hãy còn chìm đắm trong hồi ức, một dòng hồi ức viễn phương.
Trong đoạn hồi ức đó, có một nhà đại phú hộ trong thôn, tiền muôn bạc vạn. Theo tục lệ cũ, khi phú ông mất đi, con trưởng thừa kế toàn bộ gia tài.
Gã con thứ, vốn tài năng xuất chúng, không cam lòng…
Y mới tụ họp hương thân, gia nô trong làng, đánh vào toan cướp lại ruộng nương điền sản đáng lẽ thuộc về mình.
Thuở đầu, y bị đánh cho không còn manh giáp.
Có một thiếu nữ đã thay y khoác chiến bào, ra trận chấn hưng sĩ khí tam quân.
Gã con thứ đó có được tất cả, công của nàng không hề nhỏ.
Cha của gã… tên Chu Nguyên Chương.
Còn cô gái, là Từ Nghĩa Hoa, con gái của Từ Đạt.
Cũng là hoàng hậu duy nhất trong cuộc đời Minh thành tổ Chu Đệ.
“ Cho hắn vào đi. ”
Chu Đệ vẫn không nhúc nhích, nhưng y lên tiếng.
Mở lời chung quy vẫn tốt hơn là im lặng.
Lí công công vội vàng vâng dạ, rồi dẫn Lại Bố Y vào diện kiến Chu Đệ.
Tên quan lớn Lại quỳ mọp xuống trước Vĩnh Lạc mà khấu đầu hành lễ:
“ Nô tài khấu kiến hoàng thượng. Hoàng thượng vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế. ”
Y tự xưng là “ nô tài ” mà không phải “ hạ thần ” cũng có lí do cả.
“ Ừm. Lại Bố Y đúng không? Ta từng nghe kể, phụ mẫu nhà ngươi tứ danh cho ngươi là Bố Y, mong sao về sau ngươi không phải mặc đồ vải xô như họ nữa. Đến gặp trẫm có chuyện gì? ”
Chu Đệ nheo mắt, hỏi với giọng từ tốn.
Lại Bố Y không vào chuyện chính ngay, mà bắt đầu kể lể công lao khổ lao:
“ Muôn tâu hoàng thượng, nô tài làm đúng như lời người căn dặn, mấy năm nay gom góp tài lực dân gian, chuẩn bị khởi công Đại Vận Hà. Không có công lao, cũng có khổ lao bệ hạ à. ”
Chức quan thất phẩm của Lại Bố Y, chẳng qua cũng là thuật che mắt. Trên đời có ai làm ra tiền muôn bạc vạn mà không dùng? Lại Bố Y cũng phải dùng, mà đám quan lại phú hộ khắp nơi có con cháu trong nhà ắt cũng có nhu cầu.
Tức là y không phải quan lại làm việc cho Chu Đệ, y chẳng qua là một cái kho giữ tiền.
Thế nên, Lại Bố Y tự xưng là “ nô tài ”.
“ Nói chuyện chính. ”
Chu Đệ trầm giọng lại.
Y biết tỏng Lại Bố Y sắp nhờ mình chuyện gì đấy.
Họ Lại vội vội vàng vàng tâu:
“ Bệ hạ minh xét, nô tài vẫn luôn vì đại nghiệp của bệ hạ mà làm việc hết mình. Ấy… thế mà lại bị một đám An Nam nhục mạ, đánh đập ngay ngoài sông Tần Hoài. Xin bệ hạ minh xét. ”
Chu Đệ nheo mắt, không nói gì hết.
Lại Bố Y vẫn quỳ bên dưới, nhưng lưng ướt đẫm mồ hôi.
Chẳng lẽ y nhìn nhầm
“ Người đánh ngươi vừa được cấm quân hộ tống vào cung cùng với hai cha con Hồ Nguyên Trừng, nên mới đến tìm trẫm? ”
“ Bệ hạ tuệ nhãn như đuốc. ”
Lại Bố Y cúi thấp đầu, khéo miệng vương một nét cười.
Hắn đã đoán đúng.
Chu Đệ dùng cấm quân hộ tống không phải vì coi trọng, mà là muốn dằn mặt đám An Nam. Còn chuyện của y, chẳng qua cũng vừa vặn là một cái cớ Chu Đệ đang cần mà thôi.
Cả hai cùng là người thắng, một công đôi việc. Họ Lại thì hả dạ vì rửa được cừu, Chu Đệ thì có thể quang minh chính đại hỏi tội hai cha con Hồ Quý Li.
Lại Bố Y là một kẻ rất biết điều, rất thức thời. Bình thường hắn không làm chuyện khiến bản thân chịu lỗ lã.
Đó cũng là lí do Chu Đệ thưởng thức hắn.
“ Chính ngọ ngày mai vào cung đối chất. Cho lui. ”
“ Nô tài đội ơn bệ hạ. ”
Chu Đệ ngẩng đầu nhìn mảnh trăng vắt vẻo nơi vòm trời. Hai mắt y mở trừng lên, như muốn tranh sáng cùng vầng nguyệt trên đầu.
Ngày mai sẽ là một ngày rất thú vị.
Cực kì thú vị.
Mô Độ
Lê Thận và Lê Hổ uống với nhau một chầu say mèm, đến khi mặt trời lên quá ngọn tre mới tỉnh lại nổi.
Chủ quán rượu nói:
“ Đến chịu với thanh niên các chú. Thôi ra đình mau đi kẻo muộn. Tôi cũng đóng cửa đi bây giờ đây. ”
Hai người nhìn nhau, cả hai đều ngơ ngác không hiểu gì.
“ Muộn cái gì mới được hả chú? ”
“ Tôi cũng có biết đâu. Cả làng chẳng ai rõ. Chỉ biết phải có chuyện gì, ông Cơ ông ấy mới mời cả làng cả xã ra. Thôi tôi đi đây. Nghe loáng thoáng thấy bảo ông ấy mổ hẳn hai con trâu khao làng, các chú không đi chỉ có thiệt. ”
Lê Hổ nhìn theo chủ quán lục tục mang cả lá chuối theo để gói thịt, bèn nói:
“ Họ định làm cái chuyện ấy thật rồi. ”
“ Anh thấy liệu chuyến này thành hay là bại ”
“ Phải xem chủ anh là người thế nào đã. Chứ tính cách của Nhật Nam vương, thành thật mà nói khó nên việc lớn. ”
Lê Thận cười khẽ, bảo nhỏ:
“ Tôi cũng không tin chủ tôi lắm. ”
“ Thế thì tại sao anh còn theo Trần Triệu Cơ? ”
“ Triệu Tử Long trước khi theo phò Lưu Bị, cũng từng theo hầu Công Tôn Toản. ”
Lê Thận khẽ nhún vai.
Tướng tài danh sĩ tìm được minh chúa mà theo hầu, âu cũng là cái duyên cái số cả.
Lê Hổ không đáp.
Hai người sóng vai mà bước, chẳng mấy chốc đã đến đình làng.
Trần Ngỗi khoác một tấm chiến bào, eo đeo chéo thanh gươm báu. Mé tả đứng mấy chục người, trông dáng vẻ thư sinh yếu đuối trói gà không chặt, nên đoán chắc là văn quan. Phía hữu cũng có mấy chục người tay chân rắn rỏi, lồng ngực nở nang, nhìn như có sức chín trâu hai hổ đang bưng kiếm đứng hầu. Có lẽ là võ tướng.
Trần Triệu Cơ đứng ngay bên cạnh, nhìn rất có dáng tể tướng.
Quả nhiên là đang tuyên đọc chiếu lên ngôi, dựng cờ dấy nghĩa đánh nhà Minh.
“ Trước họ Hồ làm đảo điên triều chính, bất hiếu bất trung, khiến lòng dân không phục. Sau giặc Minh lại làm loạn nước non, bội tín bội nghĩa, làm trăm họ oán than.
Trẫm thân là con cháu nhà Trần. Ngày thấy chuyện bá tánh phải đi phu đi phen mà đau đớn quên ăn. Đêm mơ cảnh giặc rợ giày mả tổ mả tiên mà xót xa vỗ gối.
Hôm nay lập thệ có trời cao đất dày cha rồng mẹ tiên làm chứng, chỉ cần đánh đuổi được giặc Minh khỏi bờ cõi, Trần Ngỗi có ch.ết cũng cam lòng. ”
Ngày hôm đó Trần Ngỗi lên ngôi ở Mô Độ, lấy niên hiệu là Giản Định. Trần Triệu Cơ cho thuộc hạ đi loan tin này khắp nơi. Hay tin nhà Trần chưa tuyệt hậu, nên dân chúng theo nghĩa quân rất đông. Nổi bật có hai tướng cũ của nhà Hồ là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân.
Cùng ngày, Lê Hổ cũng xin cáo biệt trở về Thiên Trường để dò la tung tích Phạm Ngũ Thư. Cậu đã nhắc đến cái người từng giả làm mình thu hút sự truy sát của sơn trang Bách Điểu, Trần Ngỗi cũng biết khó mà giữ lại.
Ý định ban đầu là chèo kéo Lê Hổ theo mình cũng phải tạm gác lại.
Lê Hổ lại nói:
“ Ngũ Thư bị Quạ tinh của sơn trang Bách Điểu truy sát, tình thế nguy hiểm vô cùng. Một mình tôi sợ không thể cứu được anh ta. Chẳng hay đức vua có thể nể tình Ngũ Thư liều mình cứu giá, phái một người đi theo để trợ lực cho Hổ không? ”
Trước mặt đông đảo bà con chòm xóm, Trần Ngỗi thực không tiện chối từ yêu cầu của Lê Hổ, bằng không sẽ bị nói là bất nghĩa.
Song nghĩa quân đang buổi ban sơ, là thời điểm để kiến công lập nghiệp, ai lại muốn đi theo một đứa nhóc phiêu bạt khắp chốn kia chứ?
Cuối cùng, Lê Thận xung phong đi theo Lê Hổ. Hai người xin Trần Triệu Cơ hai con ngựa, rong ruổi lên phía nam.