Chương 120: Hồi mười sáu (3)
Tạng Cẩu cứ ngồi chờ, chăm chú nhìn ông thiền sư.
Rốt cuộc, thiền sư Tuệ Tĩnh nói:
“ Con cứ đưa bạn về nghỉ ngơi trước, kẻo vết thương lại chuyển xấu. Còn một đêm nữa, ông sẽ cố một mình. ”
“ Sách nhiều như thế này, làm sao một mình ông đọc hết cho nổi? Để con đưa Hương về, rồi quay lại đây. Thầy con là Quận Gió, con đi nhanh lắm… ”
Tạng Cẩu loay hoay cõng bạn lên, rồi bước về phía cửa.
Thiền sư Tuệ Tĩnh thở dài, đành phải nói thẳng:
“ Đâu có dễ dàng thế? Hôm nay Minh thành tổ bị ám sát hụt, giờ cả hoàng cung đang giới nghiêm, canh phòng rất gắt. Con đi ra khỏi đây có khi còn khó, huống gì là quay trở lại ”
“ Nhưng… ”
Tạng Cẩu trộm nghĩ: [ Vua Minh bị ám sát, chắc là để cướp bản vẽ rồi. Chứng tỏ bác Trừng không sao, chỉ có Phiêu Hương là hơi đáng ngại. Nhưng mình cứ vừa đọc vừa dùng nội lực bảo vệ, ắt giữ được tính mạng. Cùng lắm là chữa thêm mấy lần nữa. ]
Nó chưa kịp nói những gì đang nghĩ ra thành lời, thì Tuệ Tĩnh thiền sư đã cắt ngang:
“ Mạng người quan trọng. Có lẽ đây là ý của thánh tổ. Huống hồ con chưa sõi mặt chữ, ở lại cũng không giúp được nhiều. Con đi mau đi. ”
Tạng Cẩu nghe, biết ông có lí, chỉ đành cụp đầu xuống lách mình ra khỏi Ngự Thư phòng.
Với khinh công và nội lực của nó, cõng Phiêu Hương về phòng nghỉ ngơi chắc chắn không thành vấn đề.
Tuệ Tĩnh thiền sư bước ra ngoài, Ngự Thư Phòng vắng tanh vắng ngắt này chẳng mấy nữa sẽ lố nhố không biết bao nhiêu cấm quân, cẩm y vệ.
Chỉ cần tin tức Lý công công giả truyền ra ngoài, Chu Đệ ắt sẽ cho binh mã vây bủa chốn này, e là con kiến cũng không lọt nổi ra ngoài.
Cái xác không hồn còn kia, nhưng bản vẽ chẳng thấy đâu. Tuệ Tĩnh thiền sư e là khó tránh khỏi liên can.
Song…
Ông chậm rãi quay vào, lặng lẽ ngồi xuống bên chồng sách vở.
Sách vở về cuộc bắc tiến của thánh tổ Khổng Lồ - Lý quốc sư Nguyễn Minh Không – chính bản thân Tuệ Tĩnh thiền sư cũng tìm mỏi mắt mấy năm ròng rã, Tống sử Nguyên sử tìm về chất đầy chật cả nhà. Tiếc là không có manh mối gì, thậm chí chẳng biết phải bắt đầu từ đâu.
Bản lưu trữ trong Ngự Thư Phòng, quả như ông nghĩ, được chép đầy đủ cẩn thận hơn những bản lưu truyền trong dân gian nhiều. Song… cái tên Nguyễn Minh Không huyền thoại vẫn như đá chìm đáy biển, kim chui trong bọc. Tìm mãi, tìm mãi đến mòn đôi mắt díp hàng mi, mà vẫn không thấy tăm hơi.
Đêm không đèn, nhưng trăng sáng soi xuống qua cửa sổ, rọi lên vai ông thiền sư già cỗi.
Tuệ Tĩnh thiền sư vừa lần từng dòng chữ, tìm kiếm cái tên Nguyễn Minh Không trong vô vọng, vừa thầm nhủ.
[ Có lẽ cũng nên đi rồi. Xác này đành học Lý Ông Trọng bỏ lại nơi đất khách vậy. ]
Hối hận? Tiếc nuối? Phàm là người, sinh ra đã có những cảm xúc này. Bản thân Tuệ Tĩnh thiền sư cũng không phải là chưa từng hối tiếc, chính trong lúc này ông cũng đang tiếc nuối đây, chỉ là không thừa nhận.
Đời người chỉ cầu không hối hận… lí nào khó đạt thành đến thế ư?
Cốc. Cốc.
Tiếng gõ cửa.
Dòng suy nghĩ của ông thiền sư bị âm thanh bất ngờ ấy cắt ngang. Lòng mang hồ nghi, Tuệ Tĩnh thiền sư đứng dậy, đi ra phía cửa.
Cánh cửa được mở hé, thiếu phụ sắc mặt tái xanh tái trắng đã đứng bên ngoài chờ. Cứ nhìn xiêm áo lụa là gấm vóc, trang sức ngọc quý vàng ròng trên thân, lại thêm khí chất đường hoàng trang trọng là đủ thấy thân phận bà ta tôn quý đến mức nào.
“ Thiền sư không nhận ra ta sao? Ta chính là Huệ thục phi. ”
“ Ra là quý phi. Bần tăng thất lễ rồi. ”
Tuệ Tĩnh thiền sư vái chào, không quên khép cửa lại. Mùi tanh nồng của máu và huyết khí không tốt cho người bị thương mới khỏi.
Lúc ấy ông chỉ mải cứu người, thậm chí không có thời gian xem kỹ Huệ Thục phi trông ra làm sao, chỉ biết là vợ của hoàng đế. Huệ Thục phi khẽ nhún mình trả lễ. Chỉ một động tác đơn giản thế thôi cũng khiến bà loạng choạng muốn ngã sõng soài ra đất, thiền sư Tuệ Tĩnh phải dùng tay giữ lại. Ông lại dùng chút chân khí mới hồi phục kiểm tr.a bắt mạch cho, thấy quả nhiên là thương thế hồi sáng của Huệ Thục phi còn chưa lành hẳn.
Huệ Thục phi nói:
“ Thiền sư là ân nhân của bản cung, bản cung phải hành lễ với ngài mới đủ đáp đền ơn tái tạo. Nhận lễ của ngài thất đức lắm.”
“ Trị bệnh cứu người vốn là trách nhiệm của người học y, quý phi chớ để trong lòng. Huống gì bây giờ ngọc thể còn bất an, xin đừng lễ tạ gì cả. ”
“ Đại sư nói phải, bản cung mà ngã ra đây nữa, lại phải làm phiền đại sư ra tay cứu chữa. Chỉ có chút lòng thành, mong đại sư nhận cho. ”
Huệ Thục phi đáp, đoạn tự mình tháo miếng hương ngọc ở thắt lưng xuống, đưa tặng.
Tuệ Tĩnh thiền sư vốn dĩ muốn từ tạ, chợt phát hiện trên miếng ngọc thơm có khắc một chữ “ Dương ”, thành thử giọng ông gấp gáp hẳn lên:
“ Quý phi họ Dương? ”
“ Đúng vậy. Bản cung vẫn biết đại sư chẳng để tiền tài binh thường vào mắt, thế nên mới kinh tặng miếng ngọc gia bảo này, coi như là vật đi thay người. ”
Tuệ Tĩnh thiền sư hiển nhiên chẳng thể vì miếng ngọc này mà bận lòng. Nếu không, chỉ cần một cái gật đầu chấp thuận ra làm quan của ông, Chu Đệ sẽ ban thưởng gấp trăm gấp ngàn.
Mà Huệ Thục phi, thân là quý phi của hoàng đế, châu báu lụa là có thiếu gì? Nếu đã mang miếng ngọc này kinh tặng, ắt là kỷ vật vô giá. Mà phàm những thứ liên can đến ký ức thân nhân, giá trị không phải tiền bạc có thể đo được.
“ À. Chẳng là họ của quý phi khiến bần tăng nhớ đến một người, có lẽ có thể giúp đỡ bần tăng trị bệnh nan y. ”
“ Nếu thế bản cung không phiền đại sư nữa. Hồi cung. ”
Đợi đoàn người đi khỏi, thiền sư Tuệ Tĩnh hăm hở quay trở vào Ngự Thư phòng. Nhìn ông guồng chân, nhịp bước càng lúc càng nhanh, tưởng như tiếc nuối từng giây từng phút… Kể cũng lạ. Nếu như lúc này lưng ông quay về phía cửa Ngự Thư Phòng, thì còn dễ hiểu. Trong phòng còn cái xác của Lý công công giả, mà bản vẽ Thần Cơ sang pháo đã chẳng còn tăm hơi. Thiền sư Tuệ Tĩnh muốn không bị liên quan, e cũng khó. Song bấy giờ thị vệ hãy còn chưa quay lại, nếu ông nhanh chân trốn khỏi cung, có lẽ sẽ tránh được chuyện đầu rơi máu chảy, xác vùi đất khách.
Thiền sư đã ngồi xuống bên chồng sách.
Mắt ông bất giác nhìn về phương nam, ngoài cửa sổ, bóng trăng chếch chéo, dương liễu lất phất trong gió đêm.
Xa, rất xa, xa hơn cả những đám mây…
Là giếng nước đầu làng, là gốc đa cuối xóm, là láng giếng tắt đèn tối lửa, là hàng xóm hôm sớm có nhau.
Là quá khứ xa xăm, là tuổi thơ trong trẻo.
Là quê hương.
Trong một khắc ngắn ngủi ấy, Tuệ Tĩnh thiền sư rốt cuộc cũng phát hiện, thì ra bản thân vẫn còn biết hối hận, biết tiếc nuối.
Kể cũng lạ…
[ Đời người chẳng phải chỉ cầu không hối hận hay sao Mình sống một đời này hành y tế thế, cứu người không phải ít, chẳng có gì phải hối tiếc. Cớ sao lúc này vẫn không thể đi nhẹ tựa lông hồng được ]
Tuệ Tĩnh thiền sư trầm tư, mắt vẫn lướt theo những dòng chữ trên sách sử kiếm tìm một cái tên.
Chuyện Huệ Thục phi họ Dương khiến ông bất giác nhớ đến chuyện cũ, xảy ra cách đây cũng nửa thế kỷ rồi.
Ông nhớ về truyền kỳ mình vẫn thường hay được người ta kể cho nghe khi còn ở Đại Việt, lênh đênh trên dòng sông Hoàng giang chốn cố đô Hoa Lư, dưới bóng râm của những lớp tường thành Tràng An.
Thế rồi…
Cũng nhanh như lúc ông phát hiện ra thứ mình đang kiếm tìm, đáp án cho câu hỏi trong đầu bỗng hiện ra ngay trước mắt.
“ Không hối không oán, chữ “ không ” ấy phải chăng cũng là một dạng chấp nhất đấy ư? Người ta sinh ra biết yêu biết hận, biết hối biết tiếc âu cũng là lẽ thường tình? Thế thì vị tất phải chối bỏ chúng? Chung quy cái thứ tình cảm này, là sóng dữ đánh chìm thuyền to, hay nước lành đẩy bè con đến bờ cực lạc… cuối cùng vẫn phải do bản thân mình.
Chấp nhận mới thực sự là buông bỏ, chẳng phải vậy hay sao? ”
Thiền sư lẩm bẩm thật khẽ, thở hắt ra một hơi, lưng tựa lên dải trăng in vào cửa sổ. Lúc này trông ông chẳng còn cái vẻ phờ phạc vì mất sức hồi nãy, mà sáng láng tự nhiên lắm. Da xanh mặt tái, cũng không thắng được cái thần thái trong đôi mắt đang sáng trong như trăng rằm, sâu thẳm như chứa cả thiên hà.
Có lẽ…
Xét cho cùng, lời nói: “ Đời này chỉ cầu không hối hận ”, chẳng qua là một câu sáo rỗng.
Kẻ dũng cảm nhất không phải kẻ không sợ gì, mà là kẻ biết chấp nhận nỗi sợ như một phần tất yếu của bản thân, đối mặt và biết vượt qua nó.
Sợ hãi và tiếc nuối, có lẽ thực tế cũng chẳng khác nhau là mấy.
Bang!!
Cửa Ngự Thư Phòng bị đánh mở toang.