Chương 27

Đêm Giao thừa đông vui, náo nhiệt quả là một thời điểm thích hợp cho cậu ấm Phan Tuệ Minh với niềm đam mê chụp hình cầm máy lên và đi ra ngoài “hành nghề”. Ngay từ những ngày còn nhỏ, Tuệ Minh thường cùng bố lên trên cầu Long Biên chạy bộ mỗi sáng sớm, dần dà đó trở thành một thói quen đến tận bây giờ của cậu sinh viên năm hai ấy. Theo năm tháng, cầu Long Biên lịch sử cũng vì thế mà trở nên gắn bó và là một trong những thứ quan trọng nhất với Minh. Hai mươi năm qua, đêm 30 nào Minh cũng đón khoảnh khắc chuyển giao tại nơi đây, cùng cây cầu bước thêm một tuổi mới. Bạn bè vẫn thường rủ Minh sang bờ hồ Hoàn Kiếm ngắm pháo hoa để “đổi gió”, chứ năm nào cũng đứng lì trên cầu chụp hình thì làm sao tìm được cảm hứng mới được, họ nói: 


“Ông chụp ở đây mãi mà không thấy chán à? Ảnh Giao thừa năm sau giống y đúc năm trước, chả có gì khác cả.” 
Minh chỉ cười và đáp: 
“Khác nhiều. Cái mặt ông ở thì tương lai đương nhiên là khác ở thì quá khứ rồi. Cầu cũng thế thôi, thêm tuổi thêm khác.” 


Tuệ Minh quả là một nhà nhiếp ảnh “có tâm”, những tấm hình do anh chụp lúc nào cũng rất “chất” và đầy tính nghệ thuật, bất kể không gian, thời gian và đối tượng. Đến cả mấy quả pháo “xịt” trong màn bắn pháo khi nãy qua ống kính của Minh cũng lung linh rực rỡ lên mấy phần, chẳng những thế mà còn có nét ngộ ngộ hài hài khó quên. Rồi thì cái bộ dạng hăm hở gặm xương, bộ dạng lén lút khi đứng tè bậy vào chậu cây quý của chú chó tên An ở nhà bỗng chốc trở nên vô cùng đáng yêu trong những tấm hình Minh chụp, hút mắt người xem đến lạ. 


Pháo đã hết, Tuệ Minh theo dòng người dần dần đi xuống chân cầu và tiếp tục đam mê của mình. Anh say sưa đến quên cả giá lạnh và mệt mỏi, dù rằng từ tối đến giờ Minh chưa bỏ bụng thứ gì. Tuy ngoài trời đã lất phất cơn mưa xuân, thời tiết càng thêm phần rét mướt nhưng chẳng thể nào làm nguội được tinh thần nghệ thuật đang rạo rực trong Minh. Cơ mà thằng em trai loắt choắt đi cùng lại chẳng ham hố gì công việc này, cậu ta đói và liên tục kêu gào: 


“Em không chịu được nữa đâu Minh ơi. Cả người em đang run lẩy bẩy vì đói và buốt đây này. Anh định giết em trai mình ngay khi vừa bước sang thềm năm mới hả? Đi về cái quán kia thôi, mấy ông trong xóm đang đợi mà, có khi giờ cũng đánh chén xong mấy con gà rồi ý chứ.” 


Vốn hôm nay mấy anh em con trai trong khu phố nhà Minh tụ tập lại tại một quán nhỏ ngay gần chân cầu, cùng nhậu nhẹt và thực hiện chuyến đi chơi “xuyên năm”. Thay vì phải đứng ngoài đường gió rét và đông đúc người xe để xem pháo hoa, họ thích cùng nhau ngồi trong một quán ấm áp rồi chiêm ngưỡng pháo hoa toàn quốc qua màn ảnh nhỏ hơn, nên đã có mặt ở đây từ sớm. Chỉ có mỗi Minh chung thủy, không bao giờ bỏ rơi người bạn tri kỷ kia, mặc gió mặc rét quyết tâm ra ngoài đón Giao thừa cùng bạn. Cậu em Kiến Lâm từ nhỏ đã có thói quen “bám đuôi” anh trai, Minh không ở đấy, cậu ta cũng chẳng ngồi lại làm gì, đành bấm bụng chịu lạnh đi theo. 


available on google playdownload on app store


Lâm quả đúng là nhân chứng sống cho câu thành ngữ “Người gầy, thầy cơm”. Nguyên ngày hôm nay, từ khi mở mắt thức dậy cho tới trước lúc ra khỏi nhà, cái miệng của Lâm luôn hoạt động hết công suất, không một giây ngừng nghỉ. Ăn rất nhiều nhưng hấp thụ chẳng được bao nhiêu,mãi mà người Lâm vẫn cứ còi dí còi di, đến mức mẹ cậu ta phải ngao ngán than lên rằng “Nuôi mày tốn cơm, tốn gạo quá con ạ.” 


Nhìn gương mặt nhăn nhăn nhó nhó đến tội của Lâm, Minh đành thở dài bất lực đồng ý. Anh gõ vào đầu cậu em mấy cái, lên giọng giáo huấn: 


“Làm như ai cũng giống mày ý, mới từ bấy tới giờ sức đâu mà nuốt trọn mấy con gà. Đúng là cái đồ mỏ khoét, cái mồm mày cả ngày cứ ướt nhoen nhoét vì ăn thôi, chả có tí dáng dấp của một thằng con trai gì cả. Thôi đi, nghe mày lèo nhèo nhiều anh cũng tụt hết cả cảm xúc để chụp.” 


Thực hiện nghĩa vụ dạy dỗ, uốn nắn lại cậu em trai xong, Tuệ Minh thản nhiên đút tay túi áo đủng đỉnh bỏ đi, chẳng mấy quan tâm đến gương mặt Lâm đang hầm hì phía sau. Cậu ta đứng đó, vùng vằng giận dỗi và hét với theo bóng lưng cao kều của ông anh trai. 


“Đùa, đầu năm đã sỉ nhục nhau rồi. Đợi đấy, khi nào về nhà em sẽ... em sẽ... mách mẹ.” 
Vừa thấy hai anh em bước vào quán, đám con trai đang cụm chén đã nhao nhao lên hết cả: 
“Thế nào nghệ sĩ, chụp được nhiều chưa? Làm chén cho nóng người.” 


Một cậu bạn ngồi đó đưa chén rượu cho Minh mời mọc, không quên hất hàm với Lâm đứng ngay bên cạnh. 
“Mày ở đây là ít tuổi nhất, cấm uống. Mày phải tỉnh để lát nữa bọn anh say còn có người vác về.” 


Minh phì cười với câu nói của ông bạn, anh nhận lấy chén rượu và đưa lên miệng, nốc sạch một lèo. Đặt mông xuống ghế và vớ lấy miếng đùi gà nóng hổi, Lâm nhồm nhoàm cãi lại: 


“Em cũng học lớp mười hai rồi đấy, bé bỏng gì nữa. Yên tâm, cứ uống tẹt ga đi, say thì em xin bác chủ cái dây thừng dài dài, buộc vào cổ mỗi ông rồi kéo về cả thể.” 
Lời Lâm vừa dứt, cũng là lúc mà hàng tá giấy bẩn, xương gà và vỏ chanh bay về phía cậu. 


“Bọn tao là con An nhà mày đấy à? Đừng tưởng đầu năm mà không bị ăn đòn nhá.” 
Dù biết là mấy ông anh chỉ nói đùa thôi nhưng Lâm vẫn ngoan ngoãn cười trừ đầy ăn năn, hối hận, còn tự tay rót rượu vào chén để chuộc lỗi nữa chứ. 


Tuệ Minh nãy giờ chỉ cắm mặt vào húp tô cháo nóng, từ khi bước vào tới giờ tuyệt nhiên chưa nói câu nào. Nếu không lấp đầy cái bụng trống tuếch trống toác này ngay tức khắc, Minh e rằng huyết áp sẽ tụt xuống tận gang bàn chân và anh sẽ lăn đùng ra đất mất thôi. Đang cật lực lấp đầy dạ dày, Minh nghe có giọng nói ai đó quen quen vang lên nơi cửa quán: 


“Cho cháu hai tô cháo bác ạ.” 


Ngẩng mặt lên, Minh mới biết đấy chính là cô bé mà anh đã phải lòng ngay từ ngày đầu tiên chạm mặt. Nhớ lại hôm đó, chú chó tên An nằm ngủ ngon lành bên hiên nhà mát rượi hiu hiu gió, hai chân trước còn ôm khư khư đôi giày mới tinh của Minh như một vật báu. Và trong giấc nồng buổi ban trưa, chú ta hẳn là đã mơ thấy bản thân được thưởng thức món gì đó ngon lắm nên mới mộng du mà cắn nát tươm một chiếc giầy. Vẫn biết rằng chú chó An quả thực không cố ý gây ra lỗi lầm này nhưng vì để có được đôi giày đó, cậu chủ của nó đã phải phơi mặt hứng bụi đường làm chân giao hàng cho một cửa hàng gà rán ròng rã suốt một tháng trời nên An nghiễm nhiên là chạy không thoát tội. Nó bị bắt phạt đứng im bất động trước cổng nhà trong vòng mười lăm phút, đối với một chú chó tăng động như An thì hình phạt này quả thực kinh khủng biết mấy. Nuôi nấng và dạy dỗ An từ những ngày nó còn nhỏ, Minh hiểu chú ta là chúa hay “lách luật”, chỉ cần anh quay lưng đi một lúc chắc chắn nó liền nhảy tưng tưng phía sau lên cho xem. Minh phải ngồi đối mặt để trông chừng chú ta. Chấp hành án phạt được một lúc, An bắt đầu quay người sang hướng khác, bỏ ngoài tai mấy tiếng quát mắng của chủ, nó cứ gầm gừ gầm gừ rồi dần dần di chuyển khỏi vị trí ban đầu. Đến khi nó chạy vút đi đâu đó Minh mới bắt đầu đứng dậy và lao lại phía cổng xem xét. Thì ra An đang đuổi theo một nữ sinh trung học. Minh vốn định chạy ra đó lôi An về ngay tức khắc nhưng màn “đấu khẩu” giữa cô bé kia và chó của mình khiến Minh thích thú biết mấy. Anh không muốn mình trở thành ông đạo diễn thiếu chuyên nghiệp, bỗng dưng hô “Cắt” khi diễn viên đang nhập vai khúc cao trào nên đành đứng đó làm vị khán giả có văn hóa, yên lặng quan sát. Chỉ tới khi An hung hăng ngoạm được tà áo dài trắng của cô học sinh tội nghiệp, Minh mới vội vàng lao ra diễn cảnh “Anh hùng cứu mỹ nhân”, trong bụng thầm cười đắc chí. Nhưng đời không như mơ, trớ trêu thay chó nhà anh với cô bé đó lại trùng tên mới thật đắng lòng. Báo hại anh chẳng những không được nghe tiếng cảm ơn, lại còn bị chính “đối tượng” của mình quát tháo thẳng mặt, cơ hội làm quen cũng vì thế mà đi tong. 


Từ sau cái buổi trưa định mệnh ấy, Minh đã bị “ám” bởi gương mặt cau có và thái độ cấm cảu của cô bé tên An. Mặc cho mưa nắng gió bụi, ngày nào Minh cũng chôn chân trước cổng ngóng chờ bóng dáng người con gái đó. Thậm chí, ngay khi đám học sinh cấp ba bước vào năm học mới, Minh đã bùng bao nhiêu buổi lên lớp chỉ để đứng canh trước cổng từng trường một mong có thể tìm ra An. Nhưng đợi hoài mà nào có thấy, lại chẳng thể trốn học thêm được nữa, Minh đành phải buông tay bỏ cuộc. Cho tới ngày gặp lại An trong căn-tin bệnh viện, Minh đã vui sướng tới suýt chút nữa thì hú lên giống như chú chó của mình vẫn thường làm mỗi khi nó phấn khích. Biết An định mua bánh bao, Minh liền gây ấn tượng bằng cách nhanh tay ‘cướp’ sạch số bánh trước mắt con bé. Đúng như những gì Minh dự đoán, An ngay sau đó bèn hầm hầm bỏ đi, bấy giờ chỉ cần Minh hào phóng ra tặng lại bánh cho An rồi nhân cơ hội lân la làm quen là xong, kế hoạch sẽ kết thúc trong viên mãn. Tuy nhiên, một lần nữa may mắn đã từ chối Minh. Anh nhập viện do bị tiêu chạy cấp và bằng cơ duyên nào đó, ông “Tào Tháo” lại ghé thăm Minh chính vào cái giây phút quyết định ấy. Minh nhăn nhó mấy hồi rồi liền gồng mình chịu đựng. Cố giữ dáng vẻ bình thường nhất có thể, Minh chỉ kịp vội vội vàng vàng dúi cái bánh vào tay An và thông báo số phòng cho con bé biết, hy vọng An sẽ vì cảm động mà tới thăm anh. Thế cơ mà… 


Rồi lần thứ ba gặp lại, Minh tự hạ quyết tâm không thể để vụt mất cơ hội quý giá ấy. Thấy An ăn hăng hái như thế, Minh nghĩ kem hẳn là món khoái khẩu của con bé. Với quan niệm “Anh yêu kem, em yêu kem, hai đứa mình yêu nhau”, Minh đã gọi tất cả những loại có mặt trên bàn con bé. Theo những gì tính toán trong đầu lúc ấy, sau khi giải quyết xong đống kem khổng lồ kia, Minh sẽ giả vờ đi ngang bàn An rồi ngạc nhiên thốt lên rằng “Thật trùng hợp, anh và em gọi chung một thực đơn này.” Và sau đó tất nhiên là chớp lấy thời cơ mà làm quen rồi. Nhưng chỉ bởi cái tính đú đởn học đòi hút thuốc của chàng trai trẻ mà kế hoạch ngay lập tức đã phá sản trong nỗi tiếc nuối vô bờ bến. 


Sau ba lần thất bại thảm hải, lần này Minh thề sống ch.ết nhất định phải làm quen An bằng được. Anh cẩn thận kiểm tr.a lại “mình mẩy” trước khi “xuất trận”. Không xong rồi, mồm toàn mùi rượu thôi, thế này người ta lại cho rằng mình là tên nát rượu thì hỏng. Minh cầm lấy chai nước lọc, tu một hơi đầy và súc ùng ục. Tìm mãi không thấy chỗ để nhổ, anh đánh liều nhổ toẹt vào cái bát bên cạnh. Xong xuôi liền nghe tiếng cậu em ré thẳng vào tai: 


“Uầy, Minh ơi. Bát súp em đang ăn dở mà.” 


Mặc kệ, đối với Minh bây giờ việc ăn uống của cậu em còi cọc không quan trọng, cái chính là bản thân anh phải thật hoàn hảo trong mắt của An. Kể từ sau lần bại trận ở quán kem, Minh đã dứt khoát đoạn tuyệt với thuốc lá nhưng không hiểu sao bây giờ cái áo len của anh lại khét lẹt mùi thuốc thế này? Minh nhăn mặt khóc thầm vì nhận ra rằng đây chính là cái giá phải trả khi ngồi giữa một đám con trai nghiện hút thuốc. Đến cái áo khoác ngoài vắt ở ghế cũng bị ám mùi mất rồi, cực chẳng đã Minh buộc phải lột luôn cả cái áo len ra, rồi co ro trong chiếc sơ mi trắng mỏng tang tiến đến chiếc bàn ngay sát cửa quán, chính thức chào hỏi và đặt vấn đề với người con gái đã khiến anh tương tư lâu nay. 


Tuệ Minh đã phải khổ cực là thế, từ thể xác cho tới tinh thần, mới có thể đứng trước mặt An và giới thiệu một tràng dài như vừa rồi. Cơ mà con bé cứ ngồi đờ người ra thế kia, gương mặt lại còn toát lên vẻ nghi hoặc cho rằng anh là một tên lừa đảo, thế có khổ thân Minh không cơ chứ? Mà giờ Minh mới để ý, sao lại có một thằng nhóc con ngồi cùng bàn với An thế này? Là anh em trai? Bạn thân hay bạn… trai đây? Mà mặc kệ, có là người yêu thì Minh cũng nhất định “cướp” An về làm dâu họ Phan. Nhưng trước tiên, Minh phải khiến con bé tin tưởng mình đã. Anh bắt đầu mở ví và lôi toàn bộ giấy tờ tùy thân ra, “trình” trước mặt An như để chứng minh cho con bé thấy anh là một công dân tốt, một chàng trai đáng tin cậy. 


“Đây là chứng minh thư của anh, An xem đi. À còn bằng lái xe này, có luôn cả vé tháng xe buýt nữa, hề hề lâu rồi anh không đi nên chưa dán vé. Rồi thẻ thành viên câu lạc bộ bóng rổ này, thẻ thành viên hội ghi-ta này, luôn cả thẻ thành viên câu lạc bộ nhiếp ảnh nữa.” 


An vẫn bối rối chưa biết xử lý ra sao, nhận lời cũng không được mà từ chối cũng không nỡ. Vì nhìn gương mặt lúng túng của anh chàng trước mặt bây giờ, An thấy tội quá, lại cả đám bạn của anh ta ngồi đằng kia liên tục cười cợt nữa chứ. Quả thật, trời không phụ người có tâm, ngay sau khi Minh đưa tấm thẻ sinh viên ra, thái độ của An liền có chuyển biến. 


“À đây rồi, thẻ sinh viên nữa. An nhìn mà xem, tất cả đều là của một người. Là anh đấy.” 
“Anh là sinh viên khoa tiếng Anh trường đại học Ngoại ngữ ạ?” 


An cầm tấm thẻ và reo lên đầy vẻ ngưỡng mộ. Đây chính là trường đại học mà An ngày đêm nỗ lực để có thể thi đỗ vào đấy. An ao ước mình được đeo tấm thẻ kia biết mấy. Nắm được cơ hội, Minh hai mắt sáng ngời, gật đầu liên hồi: 


“Ừ đúng. Sinh viên khoa tiếng Anh trường đại học Ngoại ngữ là anh. Chính anh là sinh viên khoa tiếng Anh trường đại học Ngoại ngữ đây mà.” 


Bảo An phì cười trước bộ dạng hấp tấp, vội vàng của Minh. Thấy vậy, gương mặt căng thẳng của anh cũng giãn ra mấy phần. Quên cả cái lạnh đang bao bọc xung quanh, Minh ưỡn ngực và tự tin nói: 


Ôi, cái điệu bộ lúng túng của Minh sao mà đáng yêu quá vậy? Khiến cho An kia muốn tỏ ra sang chảnh cũng chẳng được, con bé bật cười khanh khách và chấp nhận lời đề nghị của Minh. Hoài Phong ngồi đồi diện nãy giờ bỗng chốc thành người dưng trong câu chuyện của hai kẻ mà vừa gặp đã ngỡ thân quen lắm. An và Minh tưởng cậu là cái bóng đèn chắc? Nếu đã vậy thì Phong “tỏa sáng” cho bõ ghét, cậu hắng giọng và đều đều lên tiếng: 


“Về đây.” 
Dứt lời, Phong đứng phắt dậy rồi thản nhiên lách ngang qua người An và Minh. Biết chắc Hoài Phong lại lên cơn giận dỗi, An nhanh tay để lại số điện thoại cho Minh và chạy đuổi theo cậu bạn khó tính. 
Tuệ Minh vừa quay lại bàn liền bị cả đám con trai chửi rủa không thương tiếc: 


“Thằng phá hoại, mày làm tan nát mối tình của người ta rồi kia kìa.” 
“Đồ phản bội, mày định bỏ rơi bao nhiêu anh em vẫn đang ế chỏng ế chơ để đi theo một đứa con nít đấy à?” 
“…” 


Minh chẳng nói chẳng rằng, chỉ ngồi tủm tỉm cười và nhìn chăm chăm vào dãy số đang hiện hữu trên màn hình điện thoại, đầu óc vừa sung sướng vừa đầy băn khoăn: 


“Lưu là gì giờ?”Ngoài trời đã ngớt mưa, trên đường phố người đi lại cũng vãn đi đôi chút, trong những ngôi nhà còn sáng đèn, nhạc xuân vẫn được phát lên, náo nức không nguôi. Đôi bạn trẻ song song dạo bước cùng nhau, một người thì nói liền mồm liếng thoắng, người còn lại gương mặt cau có khó coi vô cùng. Hoài Phong thật không hiểu nổi, cái anh chàng công tử bột da trắng bóc kia có gì hay mà An vừa gặp đã tíu tít được ngay thế. Chơi bóng rổ thì sao chứ? Ngày trước Phong chơi chuyền cùng với Hoài An hơi bị siêu đấy, lần nào cũng tung được quả bóng lên rõ cao, túm được rõ lắm que, mỗi tội khi bóng rơi xuống thì đều… bắt trượt thôi. Còn nữa, biết đàn ghi-ta thì ghê gớm chắc? Hoài Phong tuy không đàn được ghi-ta nhưng bù lại, cậu biết chơi cùng lúc hai loại nhạc cụ cơ. Một là sáo mồm, hai là kèn lá. Tuyệt vời! Lại cả thú vui nhiếp ảnh nữa à? Chẳng ích lợi gì, quá là lãng phí tiền cho một quả máy cơ, Hoài Phong cực kỳ không ham hố mấy trò vô bổ đó. Phải biết tiết kiệm tiền cho những việc lớn lao to tát trong tương lai thì mới xứng là một thằng con trai. Về việc Minh giỏi tiếng Anh và là sinh viên của một trường đại học có tiếng thì Phong chỉ có thể cười khẩy và tự nhủ rằng “Ra Tết, mình cũng phải chăm hơn mới được.” 


Bào chữa là thế nhưng sao Phong vẫn thấy ấm ức, bứt rứt đến phát điên lên mất. Nếu viết câu chuyện giữa cậu, An và tên con trai đó thành một quyến tiểu thuyết ngôn tình thì suy đi tính lại, Phong vẫn thấy Minh rất thích hợp cho vị trí nam chính. Đẹp trai, nhà giàu lại đa tài và hết mực ga lăng, nhiệt tình với người con gái mình yêu, Minh đích thị là chàng soái ca mà đám con gái lớp cậu vẫn thường hay ca ngợi rồi. Còn Phong thì chỉ là một nam phụ không hơn không kém, là thứ gia vị tăng thêm độ lôi cuốn cho mối tình giữa An và Minh. Đắng! 


Về ngay sát cổng nhà, An lay lay người Phong, định bàn cái chuyện to lớn mà con bé đã chuẩn bị nãy giờ: 
“Này Phong ơi…” 


“Cái gì? Lải nhà lải nhải từ nãy đến giờ không mỏi mồm à? Tao thì điếc hết cả lỗ tai rồi đây này, vác cái đống chuyện trên trời dưới biển của mày đến mà kể cho anh Minh nghe.” 


Bình thường dù ai đó có lớn hơn Phong đến chục tuổi nhưng nếu không phải là người mà cậu tôn trọng thì có đánh ch.ết cậu cũng sẽ không gọi là anh, là chị. Rõ ràng hai tiếng “anh Minh” được Phong nhấn mạnh với đầy ngữ khí mỉa mai, châm biếm. Tự dưng bị quát, An tủi phát khóc lên được. 


“Tớ chỉ muốn hỏi xem cậu đã chuẩn bị bao lì xì để lát nữa về thì mừng tuổi bà với bố mẹ và An thôi chưa mà? Liên quan gì tới anh Minh chứ?” 


Nghe ra chuyện mà An muốn nói, Phong cũng thấy có chút ăn năn hối hận. Nhưng so với cục tức to đùng mà cậu phải ôm nguyên si nãy giờ thì thành ý của An đúng là chưa đủ để đền bù cho Phong. Cậu nhẹ giọng xuống và nói: 


“Tiền thì vẫn còn nhưng bao lì xì thì không có. Cảm… cảm ơn đã… đã quan tâm.” 


An biết ngay mà, cậu bạn vô tâm này có bao giờ chịu nghĩ tới và chuẩn bị những việc như thế đâu cơ chứ. Mà như thế cũng tốt, đây chính là lúc để An “ghi điểm” với gia đình nhà chồng tương lai. Con bé hí hửng lôi tập lì xì đỏ ra và đặt vào tay Phong, cẩn thận dặn dò: 


“Đây, cho cậu đấy. Lát nữa về thể nào cậu cũng là người đầu tiên xông đất nên phải mừng tuổi mọi người. Mà phải đưa tận tay, chúc đàng hoàng đấy, nhớ chưa?” 


Nhìn An lúc này mới đáng yêu, chứ như khi nãy tí ta tí tởn với cái lão Minh đấy, thật là đáng ghét. Hoài Phong bấy giờ mới nở nụ cười ấm áp: 
“Rồi, nhớ rồi. Thôi vào nhà đi, muộn lắm rồi đấy. À, chúc mừng năm mới nhé. Chúc mày… ừm… giống như mày chúc tao.” 


“Nếu vậy tớ sẽ chúc cậu ngày càng xinh gái.” 
Biết chẳng thể cãi lại An nữa, Phong đấm nhẹ vào miệng An một cái và giục con bé vào nhà. 
“Thôi vào đi. Nhanh lên còn trả áo cho tao. Tao lạnh.” 


Tâm trạng ám xị của Phong đã khấm khá lên đôi chút nhờ sự quan tâm chân thành của An. Phong yêu đời trở lại, vừa đi vừa thể hiện tài năng chơi nhạc cụ “sáo mồm” cực xuất chúng. Có tiếng điện thoại vang lên, là của Trí. Phong đoán giờ này ông bạn thân gọi tới hẳn để chửi rủa cậu thêm lần nữa đây mà. Nhưng không sao, tâm trạng đang tốt thế này có là câu chửi thì qua tai Phong cũng hóa lời đường mật hết. Phong bắt máy, giọng nói vô cùng phấn khởi: 


“Sao? Không có anh các chú không vui à?” 
“Thằng dại gái, mày bận xong chưa? Đến đây đi, bọn tao vừa mới bắt đầu ‘tăng hai’ thôi.” 


Hồi sáng, Trí có tr.a khảo thế nào Phong cũng nhất quyết không nói ra lý do vì sao cậu bỏ rơi anh em, bạn bè. Phong chỉ ậm ừ trả lời qua loa rằng có việc bận nên đành thất hứa. Nhưng trên cương vị là người bạn thân cận và với kinh nghiệm ở bên Phong suốt bao nhiêu năm qua, hơn ai hết Trí hiểu rõ chữ “bận” ở đây hẳn phải liên quan tới một đứa con gái. 


Bạn bè đã bỏ qua chuyện cũ, sẵn lòng chào đón mình lần nữa, Phong chẳng có lý do gì để từ chối cả. Cậu nhẩm lại số tiền còn trong ví và tặc lưỡi đồng ý: 
“Rồi, nhớ quá thì anh đến một lát cho mấy chú đỡ nhớ vậy. Mà ở đâu?” 


“Cái quán ‘Cháo gà chú Dậu’ ấy, đến đây mấy lần rồi còn gì. Nhanh lên không bọn tao cho mày ăn xương đấy.”


Gương mặt tươi tắn rạng ngời của Phong bỗng chốc đen kịt. Cái quán đó chính là cái quán mà cậu và An vừa rời khỏi mà. Giờ đến đó đồng nghĩa với việc sẽ lại chạm mặt Tuệ Minh, dù cho anh ta có về rồi thì Phong cũng không muốn đến đấy nữa. Bàn tay kia đã sớm nắm chặt thành quả đấm, cậu bực tức đáp lại: 


“Chúng mày hốt nốt cả xương đi. Không đến.” 
Quả thật bây giờ Phong rất ngứa chân ngứa tay, chỉ muốn đấm đá loạn xạ cho hả hê cõi lòng. Đánh người thì không thể được rồi, Phong đành kìm nén cục tức, lao phầm phập về nhà để… đánh gối. 


(Hix...hix... mọi người cho xin ít like với ạ...) 






Truyện liên quan