Chương 112: Giao thừa 6
Sau đó là khoảng thời gian Trần Lãng thực sự bắt đầu chuyến du lịch hành hương của mình tại đảo Phổ Đà. Dựa trên tinh thần “bắt nhầm còn hơn bỏ sót”, cô kéo Bao Huân đi khắp mọi nơi trên đảo, ngoài những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Phổ Tể, chùa Pháp Vũ, chùa Tuệ Tể, Nam Hải Quan Âm… với hương khói nghi ngút, cô còn đến cả những ngôi chùa nhỏ thậm chí chưa biết tên, có thể nói là cứ thấy chùa là vào, cứ thấy Phật là vái. Cơm trưa thì nhân tiện mời Bao Huân ăn luôn cơm chay được miễn phí trong chùa rồi khẩn trương tiếp tục hoàn thành đại nghiệp khấn vái của mình. Việc này khiến cho người đang bị suy giảm thể lực khá nhiều như Bao Huân cực kỳ hối hận, lời cam đoan ban nãy đã không được viên mãn.
Bao Huân rảnh rỗi không có nơi gửi gắm tinh thần bắt đầu nghiên cứu dáng vẻ dâng hương của Trần Lãng. Đứng từ bên cạnh nhìn sang, lúc thắp hương Trần Lãng luôn gật đầu nhắm mắt, miệng lẩm nhẩm, mãi đến khi xong xuôi vẫn đứng thẳng lưng, chưa thấy cô khom lưng bao giờ. Thấy vậy Bao Huân rất khó hiểu. Từ chùa Pháp Vũ đi ra, anh tranh thủ hỏi: “Lần nào cô cũng phải ngẫm nghĩ thật lâu, ít nhất phải một phút, rồi mới dập đầu. Cô lúc đó đang nghĩ gì vậy?”
Trần Lãng nhìn Bao Huân bằng ánh mắt như muốn nói “đến việc này mà anh cũng không biết ư?” rồi nói: “Tất nhiên tôi nghĩ đến đủ thứ. Với lại họ hàng thân thích nhà tôi đông như vậy, liệt kê hết ra cũng mất nhiều thời gian, dĩ nhiên là không nhanh được.”
Giờ Bao Huân mới hiểu ra. Một người nặng tình cảm như Trần Lãng hy vọng Phật tổ sẽ phù hộ cho cả gia đình nên cố gắng làm việc này một cách tốt nhất. Anh liền nói giọng trêu chọc: “Kiềm chế chút đi. Cô cũng phải cho Phật tổ thở đã chứ, Phật tổ còn bận tính toán làm sao cho lãi nhiều, đừng làm Phật tổ mệt như vậy.”
Trần Lãng hoàn toàn không để ý đến anh nhưng vẫn cố khuyên người luôn giữ thái độ bất kính với Phật ngay trên đất Phật này: “Đây là ngôi chùa cuối cùng rồi. Lát nữa chúng ta trở về Thẩm Gia Môn luôn, anh nên vào thắp nén nhang đi, cũng hay mà.”
Bao Huân hả một tiếng: “Tôi không thích thắp hương gì hết. Nhưng cô đang ngược đãi nô lệ đấy hả? Ác vừa thôi chứ, tôi còn chưa được dạo bờ biển Phổ Đà mà, cô định cứ thế mà về sao?”
Trần Lãng nhìn đồng hồ. Đã bốn giờ chiều rồi, cô đành bất đắc dĩ nói: “Năm rưỡi là chuyến ca-nô cuối cùng, tranh thủ thời gian chắc vẫn kịp, vậy ra bờ biển chơi một lúc đi.”
Bãi biển gần chùa Pháp Vũ nhất có tên là “cát dài ngàn bước”. Họ nhanh chóng đến nơi, bãi cát trải dài, màu cát vàng óng ánh. Cả hai cởi giày rồi đi trên cát, quả nhiên mặt cát bao la bằng phẳng, hạt cát nhỏ mà mịn. Người ra biển mùa đông không nhiều, nếu có cũng chỉ là vài cặp đôi trẻ tuổi, hoặc là nô đùa trên bờ biển, xây lâu đài cát, hoặc là dựa sát vào nhau thong thả dạo bước trên cát.
Còn Bao Huân và Trần Lãng, trong một buổi chiều mùa đông ấm áp như thế này, dưới ánh nắng chiếu rọi, họ cũng cười rất vui vẻ. Hai người vừa đẩy nhau vừa cười, đi chân trần bên bờ biển để cảm nhận cảm giác được nước biển mơn man, còn thi xem ai đứng dưới nước lâu hơn. Trước mắt là biển xanh mây trắng, bên tai là tiếng sóng vỗ rì rào.
Bao Huân cuối cùng thua trong tay Trần Lãng. Anh chạy ra xa, đến một nơi mà sóng biển không thể vỗ vào rồi tìm chỗ ngồi, rúc chân vào lớp cát ấm áp nhờ ánh nắng, vừa ho vừa cười với Trần Lãng: “Thôi thôi, nước ở đây lạnh ch.ết đi được.”
Trần Lãng bước đến với phong thái của người chiến thắng. Cô ngồi xuống cạnh Bao Huân rồi tự nhiên thở dài bảo: “Nếu ngày nào cũng được thế này, không phải đi làm, được hưởng thụ ánh nắng, ngắm biển, ngẩn ngơ thì hạnh phúc biết bao.”
Bao Huân cười đùa: “Cô trong mắt tôi là hình tượng nữ cường điển hình. Đừng tự phá hủy bản thân!”
Trần Lãng ặc một tiếng: “Ai chẳng thích ra ngoài chơi. Tôi cũng vậy, trước kia vì bận quá nên không có cơ hội thôi.”
Bao Huân khẽ ừ một tiếng rồi cố tỏ vẻ: “Thôi được. Sau này sẽ khác, tôi sẽ đưa cô ra ngoài chơi.”
Mặt Trần Lãng đỏ lên một cách thầm kín. Không hiểu sao nhưng Trần Lãng không muốn làm mất đi không khí thoải mái tự tại lúc này, câu “Ai cần anh đưa đi chơi” tuy đã ra đến cổ họng nhưng vẫn bị nuốt vào một cách khó hiểu. Tốt nhất là nên giữ im lặng.
Bao Huân hồi hộp rất lâu mà không nghe thấy câu từ chối đã cảm thấy may mắn lắm rồi, tinh thần anh hùng nhất thời dâng lên cao, anh kéo Trần Lãng đứng dậy: “Tôi nghỉ đủ rồi. Chúng ta thi phát nữa.” Tay nắm tay, hai người vui vẻ chạy về phía biển.
Đó là một buổi chiều vui vẻ, trong sáng và ấm áp. Nhiều năm về sau, cảnh tượng buổi chiều hôm đó vẫn đọng lại trong trí nhớ của cả Bao Huân lẫn Trần Lãng, tựa như một khúc nhạc dịu êm, dịu êm đến mức khiến trái tim hai người rung động. Chỉ là trước khi kết thúc buổi chiều tươi đẹp, tình huống bất ngờ vẫn xảy ra. Bao Huân thể lực đã cạn kiệt, giọng anh ngày càng khàn đặc, híp mắt nói với người ngồi bên cạnh: “Trần Lãng, tôi mệt quá, cho tôi mượn vai ngả một lúc nào.”
Thấy bộ dạng mệt đến kiệt sức của Bao Huân, Trần Lãng cũng biết không khỏi liên quan đến mình. Tuy đã ừ nhưng cô vẫn hầm hừ đe dọa: “Một lúc là bao lâu? Tôi phải tính thời gian mới được!”
Bao Huân ngả đầu lên vai Trần Lãng rồi nói rất khẽ: “Cô cứ tính đi, tôi chỉ ngả một lúc, một lúc thôi.”
Trần Lãng ngồi lặng im tại đó để gió biển tùy ý thổi lên mặt mình. Thấy ánh chiều tà dần buông, trong lòng cô miên man suy nghĩ rồi trở nên rối bời. Thế giới này thật quá diệu kỳ, thường xuất hiện những tình huống không theo quy luật. Rõ ràng cô trước đây chẳng ưa gì Bao Huân, không ngờ bây giờ đã dễ dàng chấp nhận những hành động đến gần của anh, thậm chí nhịp đập con tim còn ảnh hưởng bởi những hành động đó. Còn Du Thiên Dã, đã lâu rồi cô không nhớ đến anh, nhưng thi thoảng nghĩ đến cái tên đó vẫn khiến nơi sâu thẳm trong lòng Trần Lãng đau nhói. Cô không thể hiểu lòng mình nên chỉ biết xem đồng hồ rồi hẩy nhẹ vào người Bao Huân, giục: “Dậy mau, dậy mau kẻo không kịp lên ca-nô về Thượng Hải.”
Bao Huân chỉ nhích người một cái rồi than vãn: “Cho tôi ngủ thêm tí nữa, một tí nữa thôi, không kịp ca-nô cũng được, tối nay có tàu mà.” Rồi thoải mái ngả vào vai Trần Lãng tiếp tục ngủ say.
Trần Lãng hết sức khinh thường kiểu giả tội nghiệp này của Bao Huân. Nhưng khinh thường thì khinh thường, Trần Lãng vẫn chẳng thể làm gì được. Trời ngày càng tối, gió ngày càng mạnh, tóc Trần Lãng bị thổi rối tung, sao trời rõ mồn một, chúng đang tha hồ nhìn ngắm hai kẻ ngồi trên bãi biển. Trần Lãng không biết chuyến tàu muộn nhất là mấy giờ nên sau khi không đánh thức được Bao Huân, cô vẫn rất bối rối và lo lắng. May mà thấy một bóng người qua lại trước mặt, bèn hô to: “Ông ơi, xin hỏi ông có biết chuyến tàu muộn nhất mấy giờ chạy không?”
Bóng người dừng bước rồi tiến về phía Trần Lãng. Đến khi người đó đến gần, Trần Lãng mới nhìn rõ, thì ra là nhà sư gặp bên đường buổi sáng. Nhà sư chắp tay nói với cô: “Thí chủ, ở đây cứ một tiếng có một chuyến tàu chạy. Chuyến muộn nhất là 8h.”
À, vẫn còn nhiều thời gian, không gấp gáp lắm. Trần Lãng cảm kích nói với nhà sư: “Cảm ơn sư phụ rất nhiều ạ!”
Nhà sư tỏ ra không có ấn tượng gì về Trần Lãng nhưng lại bất ngờ nói với cô: “Bần tăng thấy diện mạo của thí chủ rất có duyên với Phật, xin được tặng thí chủ mấy chữ.”
Trần Lãng a một tiếng thì đã nghe thấy nhà sư lẩm bẩm: “Trên biển có núi thần, núi nằm trong hư ảo.”
Trần Lãng ngẩn ra một lúc mà vẫn không hiểu hàm ý nằm trong câu này. Đang định hỏi thì nhà sư đã cất bước bỏ đi, khi đã đi được một quãng xa nhà sư lại lớn tiếng ngâm nga hệt buổi sáng: “Đại bi vô lệ, đại ngộ vô ngôn, đại tiếu vô thanh.”
Tiếng tụng kinh lọt vào tai Trần Lãng theo tiếng gió thổi khiến cô không khỏi sửng sốt. Cô vẫn lắc đầu nói: “Đúng là thần tiên.”
Bao Huân vừa nãy còn ngủ say đến bất tỉnh giờ đã động đậy, còn khẽ thì thào: “Thần gì mà thần, một là ngốc nghếch, hai là lừa đảo.”
Trần Lãng lay người Bao Huân, hỏi vẻ khó hiểu: “Tỉnh rồi à?”
Bao Huân vẫn nhắm chặt mắt: “Chưa tỉnh, chỉ thấy nóng thôi.”
Trần Lãng thấy có gì đó không đúng bèn đặt tay lên trán Bao Huân. Trời ơi, trán anh ta nóng quá, bị sốt rồi!
Trần Lãng vô cùng bối rối bèn ra sức lay Bao Huân: “Bao Huân, anh bị sốt rồi, chúng ta mau về thôi.”
Bao Huân cũng tự sờ trán mình: “Đúng là hơi hâm hấp sốt.” rồi ngồi thẳng dậy, lắc đầu thật mạnh để mình tỉnh táo lại, vừa lắc vừa đứng dậy khỏi ghế đá, đi về phía trước: “Không sao không sao, về ngủ một giấc là ổn thôi. Đi nào.”
Trần Lãng lo lắng đuổi theo, kéo Bao Huân lại: “Tôi đỡ anh nhé?”
Bao Huân đẩy tay Trần Lãng ra: “Tôi vô dụng thế sao? Tôi khỏe lắm, cứ yên tâm đi.” Trần Lãng đành nhắm mắt đi theo sau.
Nhưng Bao Huân mới mạnh miệng chưa được hai phút thì đã á lên một tiếng rồi ngã xuống đất.
Trần Lãng vội chạy đến rồi hết nói nổi. Chẳng biết ban ngày kẻ nào thiếu đạo đức đào một cái hố rất to, lại còn lấp cát lên hòng phi tang. Hay lắm, chân Bao Huân bị trẹo, mắt cá lập tức sưng vù. Giờ đây, con người đã trở thành tướng bại trận như anh dù không muốn để Trần Lãng đỡ cũng không được.
Tình huống bất ngờ này hoàn toàn phá hỏng kế hoạch mà hai người đã lập.
Sau khi trở lại Thẩm Gia Môn, Bao Huân tự dưng lên cơn nhất quyết không chịu ở lại đây mà nhất quyết đòi thuê taxi đi suốt đêm về Thượng Hải. Trần Lãng khuyên mãi mà anh không chịu nghe. Hết cách, Trần Lãng đành đến xin Đinh Hoa thuốc cảm và hạ sốt rồi cùng Bao Huân trở về.
Sau đó Trần Lãng vô số lần nói với Bao Huân: “Anh có biết vì sao lại bị trẹo chân không? Đó là vì anh dám bất kính với Phật lúc ở đảo Phổ Đà đấy. Trước khi tha cho anh về dinh, Phật tổ chắc chắn phải cho anh một bài học.”
Bao Huân không bao giờ chịu thua: “Nếu đúng như em nói thì ông Phật tổ mang tiếng là phổ độ chúng sinh cũng quá nhỏ mọn. Hẹp hòi đến mức ấy sao? Anh thấy em dập đầu nhiều lần như vậy cũng chẳng có tác dụng quái gì. Để Phật tổ làm việc anh thật không yên tâm!”