Chương 2: Viếng thăm ma quỷ
Mười ba hôm trước.
Qua khe mành mành cửa sổ, anh thoáng nhìn đã nhận ra Na Lan, đang băng qua làn mưa bụi giăng giăng.
Trên con đường rộng rãi trước khu điều trị nội trú, người qua lại như mắc cửi, rất đông bác sĩ, y tá và người nhà vào thăm bệnh nhân, ai nấy giương ô màu đen, màu ghi, màu xanh… nhưng anh nhận ra Na Lan ngay!
Với mỹ nữ, khuôn mặt và vóc dáng chỉ là hình ảnh hai chiều, chính phong độ và khí chất mới là nét đặc sắc khiến họ trở thành báu vật lập thể đa chiều.
Nhờ nhạy cảm với khí chất của Na Lan, bên Ba Du Sinh đỡ được bao nhiêu mệt mỏi vất vả trong việc tìm cô giữa đám đông. Thiếu nữ thời nay cho rằng mình mặc áo mỏng hai dây, hơ trên hở dưới hở lưng thì sẽ rất bắt mắt; đúng thế thật, không ai nghi ngờ gì, nó rất bắt mắt đàn ông nhưng đó chỉ là sức hút ở tầm thấp mang tính bản năng động vật, sự hấp dẫn mong manh ấy sẽ chỉ thoáng qua rồi tan nhanh.
Trình độ và hiểu biết của Ba Du Sinh đã vượt trên mặt bằng thẩm mỹ của “số đông”. Cũng đừng hiểu lầm ánh mắt ngưỡng mộ của anh khi nhìn Na Lan là sự thèm khát trỗi dậy. Không còn bồng hột như thời trai trẻ nữa, anh đang đầy mình bệnh tật và chẳng biết lúc nào sẽ bị ông trời “gọi đi”; anh chỉ muốn hoàn thành tâm nguyện sau cùng, biểu diễn một lần cuối, để lại ấn tượng sâu sắc cho thế giới này.
Sau đó, hạ màn, rời sân khấu.
Cho nên lần trình diễn này anh không được phép đọc nhầm một lời thoại hay làm nhầm một động tác nào. Cũng may vì Ba Du Sinh xưa nay luôn theo đuổi sự hoàn mỹ cho nên sự tự tin của anh là có căn cứ, anh dường như đã nghe thấy tiếng vỗ tay nhiệt liệt của khán giả.
Đúng giờ, Na Lan bước vào khu buồng bệnh. Tất cả đều diễn ra như sắp đặt của anh.
Bệnh viện Phổ Nhân nằm ngay trung tâm thành phố, là một trong những bệnh viện hàng đầu trực thuộc Đại học Y khoa Số 2 Giang Kinh, khu buồng bệnh vừa được trùng tu năm kia, có mái vòm cong cong, thảm sàn và giấy dán tường dùng màu ấm áp, giúp bệnh nhân giảm bớt cảm giác nặng nề. Bên ngoài khu nhà, cuộc chiến giữa gió lạnh và khí ấm chưa phân thắng bại; nhưng trong nhà, nhớ hệ thống sưởi nên mùa xuân nhân tạo vẫn đang ngự trị..
Thế mà khi bước vào khu buồng bệnh, Na Lan vẫn hơi rùng mình.
Có phải do tác động tâm lý không?
Na Lan là nghiên cứu sinh Khoa Tâm lý Đại học Giang Kinh, chính cô đã trải nghiệm và khám phá ra vụ án “năm xác ch.ết”, vụ hung sát bằng ma túy trong khu nhà tuyết miền đông bắc[1] , cô đã vận dụng hết mọi khả năng mà mình có, sau đó nhà trường và cảnh sát cùng ép cô chấp nhận mấy lần phỏng vấn. Nhà trường muốn xây dựng hình ảnh một trí thức trẻ tiêu biểu, cảnh sát thì muốn xây dựng hình ảnh một công dân tốt dũng cảm cộng tác với cảnh sát. Na Lan đã trả lời phóng viên nhiều lần, rằng tôi không phải đóa hồng bằng thép hay không biết sợ là gì; trái lại, cô rất sợ xem phim kinh dị, cô cực ghét ra đường một mình ban đêm.
[1] Đã được miêu tả lần lượt trong Hồ tuyệt mệnh và Tuyết đoạt hồn.
Lần đầu Na Lan tiếp xúc với tội ác là bảy năm về trước, khi cha cô bị hại. Kể từ lúc tận mắt nhìn thấy thi thể của cha, cảm giác sợ hãi luôn ám ảnh thậm chí bám riết lấy cô. Nhưng cảm giác sợ hãi cũng rèn luyện bồi đắp cho cô khả năng quan sát nhạy cảm đối với sự vật và con người.
Hôm nay cô lại nắm tay nỗi sợ hãi, nắm tay “người bạn cũ” vẫn sáng chiều đeo bám ấy.
Nguồn cơn của nỗi sợ hãi nằm ngay trong khu buồng bệnh đang cố trở nên đầm ấm này.
Hiện đang là lúc vào thăm bệnh nhân tấp nập nhất, thang máy khá chật, có ba y tá hộ lý và năm sáu người nhà bệnh nhân mà vẻ mặt của họ nặng nề hơn cả trời mưa gió; đứng trước bệnh tật, họ phãi chịu đựng tổn thất về sức khỏe, thời giơ, tiền bạc thậm chí cả người thân của mình.
Na Lan hiểu hơn ai hết cảm giác bị mất người thân. Người cha thân yêu của cô sớm ra đi ở tuối tráng niên, bạn trai mối tình đầu của cô vùi thây trong núi tuyết. Vết thương lòng của cô không những không lành mà ngày càng nhức nhối không biết khi nào mới nguôi.
Cửa thang máy mở, tầng thứ 11. Trong vòng mấy phút mà như đã trải đủ mấy mùa nóng lạnh, Na Lan nhanh chóng gạt bỏ những ý nghĩ rối bời, mỉm cười, đưa tay chào Ba Du Sinh đang đứng ờ hành lang đón cô.
“Áy náy quá, hôm qua anh giao cho cô cả đống bài tập.” Ba Du Sinh nói. “Cô luôn là học trò giỏi, chắc cô đã xem hết rồi?”
Ba Du Sinh thông minh, từng trải, nhiều chất thư sinh hơn là viên chức cảnh sát, là một trong những nguyên nhân khiến cô thích giao thiệp với anh. Cô mỉm cười, “Bài tập ở tổ trọng án của thầy Ba Du Sinh, em đâu dám lơ là? Nhưng em vẫn còn mấy vấn đề nhỏ muốn hỏi thêm.” Ba Du Sinh là một trong những người hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho Na Lan, mỗi lần gặp anh, cô cũng hay gọi là “thầy”.
Không hiểu tại sao hôm nay vẻ mặt anh nặng nề khác hẳn mọi ngày, thậm chí nét lo âu hiện lên rất rõ. Anh gật đầu nói, “Ta cứ vào gặp lão đã. Có vấn đề gì cô để đấy hỏi anh sau.”
Cả hai dừng chân trước căn phòng thuộc khu vực theo dõi bệnh nhân nặng. Tuy dành riêng cho bệnh nhân không còn khả năng chữa trị nữa nhưng cơ sở vật chất vẫn y hệt như các khu vực khác, vẫn giữ gam màu ấm, sáng sủa, tường dán giấy màu xanh da trời, treo những bức tranh sơn thủy êm đềm nhẹ nhõm, ánh sáng đầy đủ mà không chói mắt.
Ba Du Sinh nhìn qua cửa kính, nói, “Lão ấy kìa, giường giữa.”
Trên cái giường trắng là một ông già vóc người khô héo đang nằm, cái chụp thở ô xi gắn vào mũi là sợ dây cuối cùng duy trì sự sống của ông ta.
Na Lan nói nhỏ, “Thoáng nhìn, em đã có được câu trả lời đầu tiên.”
“Thế à?”
“Em vốn định đến để các định bệnh nặng đến mức nào và có đủ tiêu chuẩn để được ra bệnh viện dân sự điều trị không, nhưng dù không có chuyên môn y khoa em cũng nhận ra rằng bệnh tình của ông ta đã rất nguy kịch.” Na Lan nói.
Ba Du Sinh, “U não, bệnh động mạch vành khá nặng, tắc nghẽn động mạch phổi, bệnh liệt rung Pac-kin-sơn, tiểu đường… đủ cả…”
“Và tâm thần phân liệt nặng nữa.”
“Ừ nhỉ, trước mặt cô, anh không dám múa rìu qua mắt thợ, suýt nữa quên béng điều đó! Bị ngần ấy bệnh nặng, xét đến vấn đề nhân quyền và nhân đạo, đều nên được đưa ra điều trị ở bệnh viện dân sự…”
“… dù rằng phạm tội cưỡng ɖâʍ và giết người bất thành!” Na Lan thở dồn khi nhìn cẳng tay gầy đét như que củi thò ra ngoài chăn. “Có điều, với tội phạm nguy hiểm, hình như pháp luật kiểm soát rất chặt việc điều trị dân sự.”
Ba Du Sinh gật đầu, “Nhưng lão ốm quá nặng, bệnh viện nhà tù không đủ điều kiện chữa chạy thì lão phải được chuyển ra ngoài. Để đảm bảo, bên anh đã xin phép tòa án, đồng thời tổ chức giám sát lão một cách thỏa đáng. Tình trạng như lúc này, lão rất ít có khả năng gây ra mối nguy gì. Các bác sĩ cũng đều nhận định rằng sự sống của lão chỉ có thể tính từng ngày.”
“Bệnh nặng như vậy mà còn hứng thú chuyện phiếm với em à!” Na Lan hiếm khi dùng giọng châm biếm thế này, nhất là trước mặt Ba Du Sinh. Nhưng chẳng biết hôm nay cô bị rơi vào từ trường kỳ quái nào mà không giữ được khả năng tự kiểm soát. Hay là, phạm nhân đang nằm chờ bảo lãnh kia chính là một nguyên nhân?
“Lão nằng nặc đòi gặp cô.”
“Vì liên quan đến vụ án ‘ngón tay khăn máu’?” Na Lan bỗng cảm thấy nói ra mấy chữ “ngón tay khăn máu” nghe thật cải lương, mà cũng thật ghê rợn.
Ba Du Sinh hơn do dự, gật đầu, “Ít ra thì… chính lão đã gọi như thế.”