Chương 67: Thì xe anh hãy cùng đem lại
- Sổ tơ vàng?
Ân phu nhân đầu tiên là ngây ngốc, kế đó là lửa giận trong ngực hừng hực bốc lên. Vốn là ý định có bao nhiêu hoàn mỹ nhưng bây giờ lại thành ra thế này! Sổ tơ vàng kia từ đầu đến cuối đều là muốn cho Tố Mẫn, nha đầu Tố Hoa kia xứng sao?
Ân phu nhân phẫn nộ thì phẫn nộ nhưng bà cũng không thể nào mở miệng nói với Từ thứ phụ “Ta chưa từng muốn đem sổ tơ vàng cho Tố Hoa, năm trước nói như vậy là vì muốn để Tố Mẫn gả thay.” Lời trong lòng này nếu để Từ thứ phụ biết, há chẳng phải sẽ tổn thương tình cảm phu thê sao?
Ân phu nhân nén giận, nhã nhặn giải thích với trượng phu:
- Sổ tơ vàng chỉ có một cái thôi. Vốn định gả Tố Hoa trước, nào ngờ lại thành Mẫn nhi xuất giá trước? Tất nhiên là phải cho Mẫn nhi, sau đó lại nghĩ cách tìm cho Tố Hoa một cái khác.
Sổ tơ vàng này không phải thứ bỏ tiền ra là có thể mua được, là vật có thể gặp nhưng không thể cầu. Năm đó Ân lão đại cũng là do cơ duyên may mắn mới được một cái này, mình không nỡ dùng nên định cho tôn nữ bảo bối.
Mình nghĩ cách tìm, mình nhất định sẽ làm chuyện này, thật nghiêm túc đi tìm! Chẳng qua là, nếu Tố Hoa cùng sổ tơ vàng không có duyên phận, tìm cũng tìm không thấy thì không liên quan đến mình. Ân phu nhân nhanh chóng tính toán và đưa ra chủ ý.
Từ thứ phụ lắc đầu:
- Không thể nói như vậy. Lời của phu nhân đã ra khỏi miệng thì không có đạo lý nuốt lời, sổ tơ vàng chỉ có thể cho Tố Hoa. Phu nhân, chuyện này cả nhà từ trên xuống dưới đều biết, chúng ta sao có thể thất tín?
Ân phu nhân thấy Từ thứ phụ khăng khăng như vậy thì sốt ruột:
- Thế Mẫn nhi thì sao? Sổ tơ vàng kia không những giá trị liên thành, mà chỉ có một cái thôi! Nếu muốn mua nữa thì khó lắm!
Từ thứ phụ khẽ cau mày:
- Lúc nãy phu nhân không phải nói cho Tố Mẫn trước rồi lại tìm cho Tố Hoa sao? Nếu khó mua như vậy thì phu nhân đi đâu tìm cho Tố Hoa? Phu nhân, đạo lý này vi phu không hiểu, xin phu nhân tỉ mỉ nói rõ ta nghe.
Ân phu nhân hối hận. Mình sao không biết lựa lời mà lại nói sổ tơ vàng kia khó mua? Lẽ ra nên nói mua sổ tơ vàng tốn thời gian hơi lâu, ngày cưới của Mẫn nhi đến trước, thời gian không còn nhiều nên không mua kịp.
Những uẩn khúc trong chuyện này Ân phu nhân sao có thể nói rõ ra, bà cảm thấy rất uất ức, lau nước mắt:
- Ta nói rồi thì sao? Ta nói rồi thì sao? Lúc đó Mẫn nhi còn là nữ nhi khuê các!
Ta không lường trước được mọi chuyện, không suy tính chu toàn thì thế nào? Thế nào? Ân phu nhân càng nghĩ càng uất ức, không chỉ lau nước mắt mà còn bi thương khóc ra thành tiếng, đau khổ vạn phần.
Không giữ chữ tín là không giữ chữ tín, nói nhảm nhiều như vậy làm gì! Từ thứ phụ vô cùng khó chịu. Phụ nhân vô tri, gặp chuyện chỉ biết khóc lóc ăn vạ, không thể nào có cùng nhận thức với các nàng, đành coi như xong vậy. Không phải là Từ Tiết ta không có bản lãnh, đến Khổng thánh nhân cũng hết cách với nữ tử mới phải thở dài “Chỉ có nữ tử và tiểu nhân là khó nuôi”.
Nghĩ tới việc mình không có biện pháp với thê tử nói không giữ lời, nghĩ tới việc lại phải thất tín với trưởng tử thêm lần nữa, Từ thứ phụ trong lòng buồn bực, cũng mặc kệ Ân phu nhân đang khóc lóc ầm ĩ, liền đứng dậy phẩy tay áo bỏ đi.
Từ thứ phụ trở lại thư phòng, trong lòng thầm tính: “Của hồi môn vốn định thêm cho Tố Mẫn, toàn bộ đều đem cho Tố Hoa. Phu nhân nói không giữ lời, thay đổi thất thường, ta dù sao cũng phải thay bà ấy bù đắp lại, không thể làm Sâm nhi lạnh tâm.”
Ngày hôm đó chi thứ ba đổi thành Từ tam gia ngây ngốc, sau khi về phòng thì bắt tam phu nhân:
- Cắn ta một cái, nhanh, cắn ta một cái!
Tam phu nhân liếc ông:
- Ta chê thịt ông cứng, không muốn!
Nói rồi bà dùng hết sức véo ông một cái.
Từ tam gia đau nhe răng nhếch miệng nhưng lại rất vui vẻ:
- Xem ra không phải là mơ rồi. Phu nhân, cửa hàng tơ lụa, tú trang, quán ăn, điền trang Đại Hưng, ôn tuyền thôn trang Xương Bình nhà chúng ta, phụ thân toàn bộ đều giao cho ta quản!
Triều đình tuy có luật lệ, quan viên từ ngũ phẩm trở lên không được buôn bán, nhưng trên thực tế nào có quan viên dựa vào bổng lộc mà sống? Nhà nào cũng có các thứ như cửa hàng, thôn trang hoặc tú trang, chức phường gì đấy. Cơ bản mà nói, quan viên có buôn bán thì còn giữ vững thanh liêm, không có buôn bán thì là quan nghèo, cuộc sống gia đình cực khổ, nếu không thì chính là tham ô nhận hối lộ.
Thuần An tri huyện Hải đại nhân nổi danh thiên hạ là đại thanh quan, người một nhà áo vải cơm rau, dựa vào bổng lộc ít ỏi sống qua ngày. Có một ngày Hải đại nhân mua hai cân thịt heo mà đến nỗi ông chủ bán thịt ngửa mặt lên trời thở dài:
- Không ngờ đời này ta còn có thể làm ăn với Hải đại nhân.
-----Đủ thấy bổng lộc của quan viên là rất thấp.
Tam phu nhân kinh hãi há to miệng, hồi lâu không nói được lời nào. Cửa hàng tơ lụa, tú trang, quán ăn, điền trang Đại Hưng, ôn tuyền sơn trang Xương Bình, thu nhập mỗi năm là bao nhiêu chứ, tam gia nếu quản lý toàn bộ thì cuộc sống của chi thứ ba chẳng phải sẽ giàu đến chảy mỡ sao? Tam phu nhân sau khi sửng sốt thì khoa tay múa chân, mừng rỡ như điên.
Từ tam gia so với tam phu nhân thì mạnh hơn một chút, tuy cũng vui mừng khôn xiết nhưng chưa vui đến váng đầu. Ông vui vẻ nghĩ: “Lần này chi thứ ba lại được ăn hôi của ai đây? Sẽ không phải lại là phu nhân và chi lớn chứ, còn ta thì được lợi? Phu nhân, kính nhờ kính nhờ, tiếp tục làm, tiếp tục giày vò đi để ta tiếp tục ngư ông đắc lợi.”
Hai ngày sau Ân phu nhân mới nghe nói chuyện này, bà cực kỳ tức tối. Lão gia luôn không thích chi thứ ba thứ xuất, nay sao trúng tà gì mà trước tiên là kiên quyết cho thê tử lão tam quản việc nhà, kế đó lại cho lão tam quản những cửa hàng, điền trang này, vội vàng muốn đưa bạc cho chi thứ ba?
Đôi phu thê chi thứ ba này trời sinh đã nhỏ nhen, ích kỷ, quả thật là bùn loãng không thể trát tường, cất nhắc bọn chúng làm gì? Ân phu nhân nghĩ đến đau đầu cũng không hiểu được dụng ý của Từ thứ phụ.
Tam phu nhân trước giờ chưa từng quản việc nhà, vừa mới nhận việc, liền gây ra không ít chuyện chê cười. Ân phu nhân than vãn với Từ thứ phụ thì ông ấy vẫn không có động tĩnh gì:
- Dạy bảo con dâu vốn là chức trách của phu nhân, thê tử lão tam có chỗ nào không tốt thì phu nhân nên chỉ bảo nhiều hơn.
Ân phu nhân không còn cách nào khác, đành phải áp chế cơn giận, sai Từ nhị phu nhân:
- Nên dạy nàng ta cái gì thì dạy hai câu, đừng để người ngoài chê cười.
Quả thật nếu hoa viên lộn xộn hoặc lúc trong phủ mời khách mà không kịp nấu cơm thì cũng không phải một mình nàng ta bị mất mặt.
Dạy tam phu nhân vô dụng quản việc nhà cũng thôi đi, còn phải để cho đồ phế vật như lão tam quản công việc! Ân phu nhân vừa nghĩ đến thu nhập của cửa hàng tơ lụa, tú trang và quán cơm thì dạ dày liền đau, đã là thứ kiếm ra tiền thì đều nên thuộc về chi thứ hai!
Đây chỉ là bắt đầu.
Từ thứ phụ là điển hình của thói xấu văn nhân, luôn luôn không để ý đến tiền bạc, Ân phu nhân quản gia nhiều năm, vốn riêng hết sức phong phú. Từ sau sự kiện sổ tơ vàng, Từ thứ phụ đầu tiên là phân công chi thứ ba quản lý không ít chuyện nhà, chưa được mấy ngày lại căn dặn quản sự ở ngoại viện đem sổ sách Từ gia đến thư phòng, sau khi đích thân kiểm tr.a thì chọn ra hai nghìn mẫu ruộng tốt phì nhiêu ở Uyển Bình, Xương Bình, kể cả hai gian cửa hàng ở đường lớn Định Phủ và hai gian nhà xưởng ở Bá huyện gom hết cho Tố Hoa làm của hồi môn.
Đám người Ân phu nhân và Từ nhị phu nhân tức sắp hôn mê. Ruộng là ruộng tốt, cửa hàng là cửa hàng phát đạt, lão gia chọn những sản nghiệp đáng giá nhất Từ gia cho nha đầu nông thôn chi lớn kia! Những điền trang, cửa hàng này trước nay đều do chi thứ hai quản lý, rõ ràng là sản nghiệp của chi thứ hai, sao có thể được lợi cho chi lớn?
Từ nhị phu nhân giận mà không dám nói, Ân phu nhân sai người mời Từ thứ phụ đến, rơi lệ đòi công đạo:
- Những thứ này cho Tố Hoa, vậy các tôn tử làm sao đây, Mẫn nhi làm sao đây? Lão gia không phải chỉ có mỗi Tố Hoa là tôn nữ, sao không chịu nghĩ cho các hài tử khác?
Từ thứ phụ nhẹ nhàng mà kiên nhẫn trả lời kế thất:
- Nam nhi phải tự mình cố gắng, các tôn tử phải tự kiếm lấy gia nghiệp. Về phần Mẫn nhi, con bé không phải có sổ tơ vàng sao? Đủ làm kinh diễm nhà chồng rồi.
Từ thứ phụ sắc mặt bình tĩnh nhìn Ân phu nhân, trong lòng hơi thương xót. Bà ấy đúng là không biết nói chuyện, cho dù chỉ là vẻ bề ngoài thì cũng nên nhắc tới Tố Lan và Tố Phương chi thứ ba chứ. Dù là nữ tử thứ xuất thì chúng cũng là tôn nữ chính thức của Từ gia ta.
Hóa ra là vậy! Ân phu nhân suýt hộc máu. Hóa ra bởi vì mình không chịu cho sổ tơ vàng, ông liền đền bù cho Tố Hoa bằng rất nhiều sản nghiệp! Ông, ông là cố tình tức ch.ết ta! Ân phu nhân ngồi ngây ngốc, khóc không ra nước mắt.
Từ thứ phụ điềm tĩnh tính toán:
- Lúc Sâm nhi thành thân, đồ cưới của mẫu thân nó để lại toàn bộ cho hai vợ chồng nó. Đồ cưới ban đầu của phu nhân phong phú, thê tử Sâm nhi kinh doanh thỏa đáng, mấy năm gần đây được không ít lãi, rất khả quan.
Trên khuôn mặt không biểu cảm của Từ thứ phụ hơi có chút ý cười:
- Nếu Tố Hoa gả cho nhà bình thường thì chỉ riêng đồ cưới của tổ mẫu con bé để lại cũng đủ dùng. Chẳng qua là, Tố Hoa có phúc, gả đi thật tốt, không chỉ là đích thê chính thất của Ngụy quốc công mà nhà chồng lại đặc biệt coi trọng con bé, sính lễ vô cùng long trọng.
-..........
- Như vậy, đồ cưới tổ mẫu con bé để lại khó tránh hơi ít. Ta là tổ phụ, về tình về lý đều phải cho thêm chút ít, để con bé mười dặm hồng trang xuất giá.
Ân phu nhân trong lòng gào thét: “Cửa hàng ở đường lớn Định Phủ, nhà xưởng ở Bá huyện, còn có điền trang Đại Hưng, điền trang Uyển Bình, ôn tuyền thôn trang Xương Bình, đây mà là chút ít hả? Cái này sao chỉ là chút ít chứ?”
Một tràng mưu kế cuối cùng lại dẫn đến kết quả như vậy, Ân phu nhân đã có tuổi, thật sự chống đỡ không được, bị bệnh nằm trên giường. Theo như ý định của mình thì tốt đẹp biết mấy, Tố Mẫn gả đến Ngụy quốc công phủ, vừa qua cửa thì chính là nhất đẳng quốc công phu nhân, trượng phu trẻ tuổi tuấn tú anh hùng, cùng trải qua cuộc sống thần tiên.
Sao lại nhảy ra một Thanh Dương, sao lại hứa gả Tố Mẫn cho tiểu tử Vu gia thích nam phong đó chứ? Cuối cùng, bởi vì một sổ tơ vàng mà được lợi cho chi thứ ba quản gia, càng được lợi cho chi lớn rất nhiều sản nghiệp, chỉ có chi thứ hai là cái gì cũng không có, không có thiên lý.
Sau khi Ân phu nhân ngã bệnh, các con dâu và tôn nữ đương nhiên phải hầu hạ bà dưỡng bệnh. Từ thứ phụ tự mình căn dặn:
- Thê tử lão đại vẫn mỗi mười ngày thỉnh an một lần, hôn sự của Tố Hoa quan trọng hơn, phu nhân dù đang bệnh vẫn nhắc hoài, con lo liệu hôn sự của Tố Hoa cho chu toàn, đó chính là hiếu thuận với phu nhân. Thê tử lão nhị cũng giống vậy, lo liệu đồ cưới cho Tố Mẫn. Thê tử lão tam là phiền con nhiều nhất, quản lý việc nhà, chăm sóc phu nhân đều giao cho con.
Từ tam phu nhân vui sướng. Sau khi trở về phòng, tam phu nhân hưng phấn trò chuyện cùng Từ tam gia:
- Chi thứ ba cũng có khuê nữ xuất giá, tại sao cha chồng không hề nói tới chuyện đồ cưới? Ông ấy cũng biết chi thứ ba không có bạc, không phải sao, để ta quản gia chính là để ta danh chính ngôn thuận tích cóp đồ cưới cho khuê nữ!
Ân phu nhân bị dọa, bệnh chưa đến hai ngày đã tuyên bố “khỏe, hoàn toàn khỏe rồi”. Mình nếu còn dám bệnh nữa thì không chừng chi thứ ba sẽ khoét sạch Từ gia. Hai vợ chồng nghèo kiết xác đó bỗng nhiên quản lý công việc cũng giống như người nghèo chợt giàu, còn không phải là tận lực vơ vét sao.
Lúc Từ thứ phụ giao sản nghiệp cho Từ Sâm, Từ Sâm sợ hết hồn:
- Phụ thân, ngài không phải là định cho Tố Hoa thư họa của danh nhân, đồ cổ gì đó thôi sao, sao lại cho nhiều như vậy?
Từ thứ phụ mỉm cười:
- Vi phụ nếu không thêm thì con lo nổi cho Tố Hoa không?
Phụ thân cho thêm còn không phải là vì bị sính lễ kia của Trương gia ép sao.
Từ Sâm rất ngại ngùng:
- Có chút lo không nổi. Phụ thân, đồ cưới mẹ để lại, cộng thêm toàn bộ đồ cưới của thê tử cũng không đủ. Nhà bên đó không chỉ đưa tới kim ngân châu báu, mà ngay cả biệt viện, xưởng đường, sơn lâm gì đó cũng không ít.
Từ thứ phụ trong lòng thoải mái, mặt mày giãn ra:
- Hôn sự này kết không tệ. Sính lễ đưa qua thì về sau rõ ràng hợp pháp là của Tố Hoa. Sâm nhi, nhà chồng hào phóng như vậy không gặp nhiều đâu. Đủ thấy họ rất coi trọng hôn sự này.
Sính lễ không sai là có thể mang về nhà chồng nhưng sẽ được ghi lại trong danh sách đồ cưới của tân nương, thuộc về tài sản riêng của tân nương. Trên hôn thư của danh môn vọng tộc và danh sách đồ cưới của tân nương thường ghi chú rõ “điền trang này chỉ truyền cho đích trưởng tử” hoặc “cửa hàng này chỉ truyền cho đích tử đích nữ”, như vậy nhà chồng sẽ không thể tùy tiện động vào.
Từ Sâm cười nói:
- Hôm trước Trọng Khải đến từ giã, con đã mắng nó một trận. Tiểu tử này không phải là cố ý muốn làm khó nhạc phụ sao.
Từ thứ phụ cũng vui vẻ, tươi cười vuốt râu:
- Trọng Khải nói thế nào?
Bởi vì sính lễ quá nhiều quá long trọng mà bị nhạc phụ mắng, Trương Mại đứa con rể này cũng khó làm.
Từ Sâm cười toét miệng:
- Nó còn không phải là nói mấy lời dễ nghe gì đó sao. Nó nói, cho dù hai tay dâng lên toàn bộ Ngụy quốc công phủ cũng sợ không xứng với Tố Hoa.
Nhắc tới chàng rể Trương Mại này, Từ thứ phụ và Từ Sâm đều mang vẻ mặt tươi cười, rất có cảm giác hài lòng. Chẳng qua Từ thứ phụ vẫn còn tiếc nuối:
- Trọng Khải nếu có thể ở lại kinh thành thì cũng là một trợ lực cho Từ gia.
Từ Sâm cười theo:
- Phụ thân và huynh trưởng nó đều nhậm chức ở kinh thành, để tránh hiềm nghi, ra ngoài vẫn tốt hơn.
Vợ chồng Từ Sâm từ nhỏ đã nuông chiều A Trì, cũng không muốn nữ nhi bảo bối của mình quanh năm suốt tháng ở lại Ngụy quốc công phủ đọ sức với một đám thân tộc. Còn có mấy người kế phu nhân và Từ Tố Mẫn cũng phải tránh không kịp.
Từ thứ phụ tuy cảm thấy đáng tiếc nhưng cũng không miễn cưỡng. Trương Mại nếu có thể ở lại kinh thành nhậm chức thân vệ chỉ huy sứ, dĩ nhiên là có không ít tiện lợi; nhưng nếu đi Nam Kinh thì cũng không hại gì. Dù sao Từ gia cùng Bình Bắc hầu phủ và Ngụy quốc công phủ đã kết thông gia, những thân vệ kia bình thường vốn không dễ giao thiệp nay trở nên rất nhiệt tình.
Tâm trạng phụ tử hai người đều rất tốt, buổi tối cùng nhau uống rượu. Từ Sâm kể chuyện vui náo nhiệt của hai tiểu nhi tử cùng đủ loại chuyện lý thú của Từ Tốn và A Trì, Từ thứ phụ khẽ cười trách:
- Con nếu quay về ở thì ta ngày nào cũng được thấy bọn nhỏ rồi.
Từ Sâm có rượu vào, lời nói to gan hơn so với bình thường, oán trách nói:
- Con từ nhỏ đến lớn, cha lúc nào cũng bận công vụ, có chăm sóc con được mấy lần? Bọn nhỏ nếu thật sự trở về, cha cũng chẳng quan tâm.
Từ thứ phụ cười nói:
- Đáng đánh! Càng lớn càng không ra gì, dám oán hận bố mày!
Từ Sâm giả vờ sợ hãi:
- Chạy, mau chạy thôi, không thể chịu đòn được.
Từ thứ phụ càng cười phá lên.
Sau khi tận hứng, Từ Sâm cáo từ. Từ thứ phụ căn dặn ông:
- Đi đường cẩn thận.
Từ Sâm mang theo chút men say, cười vô tư như đứa trẻ:
- Trọng Khải để lại ít hộ vệ cho con, phụ thân, con có hộ vệ đấy.
Từ thứ phụ phì cười:
- Sâm nhi thật oai phong, có hộ vệ đó.
Nhìn theo bóng trưởng tử đi xa dần, Từ thứ phụ cảm thấy rất phiền muộn. Khó trách nó thà làm trái ý người cha ruột này cũng phải định ra hôn sự với Trương gia, đứa con rể như Trương Mại quả thật là hiếm thấy.
Từ Sâm trở lại đường lớn Đăng Thị Khẩu, đem tất cả khế đất giao cho Lục Vân:
- Của phụ thân cho.
Lục Vân hơi không dám tin:
- Có phần trịnh trọng quá.
Cho nhiều như vậy thật là ngoài dự liệu.
Từ Sâm ngà ngà say, mơ mơ màng màng nói:
- Phụ thân là yêu thương con cháu. Ông ấy yêu thương ta, ta biết, ta từ nhỏ đã biết.
Giọng nói càng lúc càng mơ hồ, ông dựa trên giường ngủ thiếp đi.
Nhìn vẻ mặt trượng phu ngủ đơn thuần như trẻ nhỏ, Lục Vân khẽ thở dài. Ông ấy có thể như vậy cũng tốt, nếu cứ phải giãy giụa giữa phụ thân và nữ nhi thì chẳng phải thống khổ sao.
Từ Sâm an ổn ngủ một giấc, hôm sau tinh thần sảng khoái đi vào triều. Từ thứ phụ cho tôn nữ thêm nhiều đồ cưới như vậy, chứng tỏ là đã sớm không còn giận nữa; cùng nhi tử chuyện trò vui vẻ, chứng tỏ là đã không còn để bụng. Trong lòng Từ Sâm nhảy nhót hưng phấn, khó nói nên lời.
Lục Vân tiễn chồng và nhi tử đi rồi thì ngồi trong phòng xem sổ sách, sắp xếp việc nhà, A Trì ngồi bên cạnh giúp đỡ. Tuy không giúp được gì nhưng mấy chuyện bưng trà đưa nước gì đó, nàng vẫn có thể làm được.
Lục Vân tranh thủ lúc rảnh rỗi trêu ghẹo A Trì:
- Khuê nữ của ta giàu quá, nhìn đi, ngồi ôm bao nhiêu là sản nghiệp.
A Trì đến gần nhìn, tươi cười lấy lòng:
- Mẹ, Phùng tỷ tỷ và Trình tỷ tỷ sắp xuất giá, con có thể tặng chút lễ vật quý không?
Bạn tốt khuê phòng sắp thành thân, tiền quà phải nhiều một chút. Đồ cưới của con nhiều như vậy, có thể chi ra chút ít chứ nhỉ.
Phùng Thù sớm đã định hôn với ấu tử của Quảng Ninh hầu Đường Đăng, ngày cưới là hai mươi chín tháng ba năm nay. Trình Hi mùa hè năm ngoái mới định hôn, vị hôn phu là nhi tử của một người đỗ cùng khóa với Trình ngự sử, thứ tử của Lại bộ Văn tuyển ti Hồ Vinh, Hồ Duy Trung.
Phùng gia ở kinh thành có tộc nhân, có nhà cũ, phụ thân và huynh trưởng của Phùng Thù đích thân đưa nàng ấy lên đây, hiện đang ở tại nhà cũ của Phùng gia đợi gả. Trình gia ở kinh thành không có cơ sở gì nhưng có thân thích là Bình Bắc hầu Trương Tịnh, cho nên ở nhờ biệt viện của Trương gia. Trình ngự sử tuy mang công vụ trong người, nhưng quan viên Nam Kinh nhàn hạ nên cũng xin nghỉ, đích thân đưa nữ nhi lên kinh.
Phùng Thù và Trình Hi sau khi lên kinh thì chỉ ở trong nhà, không được ra ngoài. A Trì cũng là cô nương đợi gả nhưng rất tự do, mang theo Trần Lam, Trần Đại tiền hô hậu ủng đi đến Phùng trạch và biệt viện thăm họ vài lần.
Làn da A Trì trắng mịn, vốn đã rất đáng yêu, lúc này tươi cười nịnh nọt lại càng làm người ta ưa thích. Lục Vân không nhịn được véo khuôn mặt của nàng:
- Được, tặng đi, dù sao cũng là đồ của con, cho con dùng thoải mái. A Trì, ngoại trừ bạn tốt khuê phòng, còn có đại tẩu bên nhà chồng nữa, con cũng nghĩ xem nên tặng cái gì.
Trương Kình mồng sáu tháng ba đón dâu, cả nhà tân nương Phó Vanh cũng đã lên kinh.
Nói đến Phó gia, đó cũng là một gia đình thú vị. Gia chủ Phó Thanh là người tập võ, cao to lực lưỡng, dũng mãnh cường tráng, nữ chủ nhân Lạc thị lại là nữ tử Giang Nam yểu điệu như nước, làn da trắng nõn, dáng người mảnh mai, bà mở miệng nói chuyện lại là giọng điệu nhẹ nhàng, êm tai dễ nghe.
Đôi nhi tử và nữ nhi Phó Tranh, Phó Vanh, Phó Tranh hiển nhiên là một bản sao của phụ thân, còn dung mạo Phó Vanh lại giống mẹ, uyển chuyển như một bài thơ, một bức họa. Nhưng khi nàng động thủ thì như thỏ chạy, như du long, nam tử bình thường căn bản không phải đối thủ của nàng.
A Trì thích thú nghĩ: “Đại ca đại tẩu nếu đánh nhau cũng không biết là tình hình gì? Chắc hẳn rất vui. Bá mẫu có lẽ không biết đánh nhau, mình cũng không, phu thê Trương gia đều là võ lâm cao thủ, chỉ có một đôi bọn họ thôi.”
Lục Vân thấy nàng phát ngốc thì sẵng giọng:
- Lại suy nghĩ linh tinh gì đấy?
A Trì phục hồi tinh thần lại, đàng hoàng nói:
- Không phải mẹ bảo nghĩ xem nên tặng đại tẩu cái gì sao. Con đang suy xét, đại tẩu là võ lâm cao thủ, nhất định rất thích binh khí. Con ra ngoài nhé? Đi dạo thử cửa hàng binh khí.
Lục Vân đỡ trán:
- Khuê nữ, con không thể ra vẻ thẹn thùng hay sao.
Làm gì có ai như con, gọi “đại tẩu” mà không có chút do dự nào.
A Trì lý lẽ hùng hồn:
- Nói chuyện với mẹ mà còn phải giả vờ? Con đâu có bất hiếu như vậy. Mẹ, con ở trước mặt người thân là rất thẳng thắn, rất chân thật.
Lục Vân hết cách với A Trì, bà tỉ mỉ khuyên nàng:
- Làm gì có ai thành thân mà tặng binh khí? Thành thân là chuyện vui, không nên thấy binh đao. A Trì, con cứ tìm một món trang sức độc đáo nào đó mà tặng thì tương đối thích hợp hơn.
A Trì khiêm tốn thụ giáo:
- Mẹ nói rất có lý, chính là làm như vậy! Con đi dạo cửa hàng bạc, tìm đồ trang sức.
Lục Vân biết nàng thích ra ngoài, lại có Trần Lam và Trần Đại theo bên cạnh một tấc không rời, cực kỳ an toàn, bà cố tình trầm ngâm chốc lát rồi đáp ứng.
A Trì mỉm cười:
- Mẹ của con tốt nhất!
Nàng nói vài câu nịnh nọt rồi dẫn theo thị nữ vui vẻ ra ngoài. Ba vị tân nương thì phải chọn ba phần quà cưới, gánh nặng rất lớn đó.
Chuyến đi này mãi đến sẩm tối mới về, so với người đi làm như Từ Sâm còn muộn hơn. Ba huynh đệ Từ Tốn, Từ Thuật, Từ Dật, người đến Thái học viện, người đến trường tư thục đều về nhà sớm hơn A Trì. A Trì vừa vào nhà trên thì Từ Dật nghiêm túc chỉ điểm:
- Tỷ, tỷ ham chơi, về nhà quá muộn.
A Trì liếc nó một cái, vung tay, sai người đem chiến lợi phẩm hôm nay trình lên:
- Phụ thân, mẫu thân, ca ca, A Thuật, A Dật, con hôm nay không phải ra ngoài chơi, mà là đi làm chính sự. Mời xem cái kim khôi này. (kim khôi: nón bằng kim loại, thường dùng cho các binh sĩ khi chiến đấu)
Trần Đại tự tay nâng khay, cẩn thận bưng vào. Trong khay là một cái kim khôi lung linh rực rỡ. Kim khôi này dùng vàng mỏng rất nhỏ tạo thành, trên mặt vàng có khắc hai con sư tử nhỏ màu vàng, sinh động hoạt bát, có chút tinh nghịch, sống động như thật, có cảm giác như nó sắp phóng lên thật, làm người ta chỉ biết nhìn mà thán phục.
Khen ngợi một lát, Lục Vân cười nhạo A Trì:
- Khuê nữ, đây là đang làm gì vậy?
Thần sắc A Trì vẫn bình tĩnh, không chút bối rối:
- Mẹ không phải muốn tặng quà sao, con đặc biệt đi tìm để mẹ tặng.
Lục Vân vừa vui vừa buồn. Vui vì khuê nữ nhà mình không nhút nhát, có thể chống đỡ được trong các tình huống; buồn vì lúc nó nên xấu hổ thì cũng tự nhiên thoải mái, sau khi nó gả đi, như vậy liệu có tốt không?
A Trì trước tiên là chọn kim khôi cho Phó Vanh, kế đó là chọn hai cái kim quan lộng lẫy, chia ra tặng Phùng Thù và Trình Hi. Hai cái kim quan này khảm vài chục viên châu ngọc đá quý, ánh sáng rực rỡ, chói lọi.
Phùng Thù và Trình Hi đều yêu thích không rời tay.
Phùng gia, Phùng Uyển cũng theo tỷ tỷ tới, thấy kim quan thì nổi lên tính xấu, kéo A Trì lại tính toán:
- Từ tỷ tỷ, sau này muội xuất giá, tỷ cũng phải tặng muội một cái giống hệt, không được ăn bớt ăn xén đó.
A Trì mỉm cười nói:
- Sao có thể giống hệt, ít nhất cũng phải nhiều hơn hai viên đá quý mới được.
Cân nhắc đến yếu tố vật giá leo thang, quà cưới của ba bốn năm sau so với bây giờ đắt tiền hơn một chút mới coi là hợp lý.
Phùng Uyển mừng rỡ. Phùng Thù cười nhạo nàng:
- Chưa thấy ai tự mình đòi quà cưới như muội, Uyển nhi không biết xấu hổ.
Phùng Uyển đỏ mặt, nhào tới trên người Phùng Thù gây rối:
- Có người làm tỷ tỷ như tỷ sao? Muội không chịu!
Các tỷ muội cùng cười.
Trình gia, Trình Bạch mỹ lệ cũng tới. Ánh sáng chói lóa của kim quan làm đau mắt Trình Bạch, đại tiểu thư có phúc như vậy, còn mình thì sao? Phu nhân đánh tiếng cho mình với một vị quan lục phẩm trung niên tang vợ, phụ thân không chịu đáp ứng, di nương lại càng liều mạng không theo, nhưng chuyện sau này ai mà biết được? Có lẽ lần sau phu nhân lại đánh tiếng cho mình với một lão đầu tử tang vợ, chẳng phải lại càng khó chịu hơn sao.
A Trì thấy sự cô đơn giữa chân mày Trình Bạch thì không biết tại sao lại nhớ đến Từ Tố Tâm tội nghiệp. Đương gia chủ mẫu không phải mẹ ruột của các nàng, các nàng đều có nỗi khổ sở và đấu tranh riêng.
Tháng ba mùa xuân đúng là nhiều chuyện vui. Đầu tháng, Trương Kình long trọng lấy vợ Phó Vanh; giữa tháng, Trình Hi gả đến Hồ gia; cuối tháng, Phùng Thù khoác giá y đỏ thẫm, khóc lóc lên kiệu tám người khiêng đến Quảng Ninh hầu phủ.
Trương Đồng thường đến Từ gia tán gẫu với A Trì, từng bất bình nói:
- Lúc nhận thân thích, Ngụy quốc công phủ có mấy lão bà xấu lắm. Bọn họ xem đại tẩu muội là ai mà cũng dám gây khó dễ!
A Trì quan tâm:
- Đại tẩu có chịu thiệt không?
Trương Đồng đắc ý nói:
- Không! Có phụ thân và mẫu thân ở đó, sao có thể để đại tẩu chịu thiệt chứ. Còn có đại ca rất che chở thê tử nữa. A Trì, phụ thân và ca ca nhà muội đều rất che chở cho thê tử!
Nàng mỉm cười nhìn A Trì, trong mắt đều là ý tinh nghịch.