Chương 6-1: Tôi cũng rất nhớ anh ấy
Đã đến tháng Bảy, thời tiết càng nóng bức. Ngày tám tháng Bảy, Tân Ý Điền kết thúc công việc rất sớm. Chưa hết giờ làm cô đã tan sở, đến cửa hàng hoa mua một bó to hoa cát cánh, bắt xe đến nghĩa trang ở ngoại thành. Nơi đây cây tùng bách ũ rũ, cỏ thơm um tùm, bởi vì cảnh vật chung quanh vô cùng trang nghiêm, yên tĩnh, lại thêm tiếng giày cao gót gõ nhịp trên nền đá lát thành một đường mòn nhỏ, một bước lại một bước, âm thanh rõ nét quanh quẩn bên tai, khiến tâm tình người không khỏi khẩn trương, hoảng loạn.
Cô theo trí nhớ từng bước đi sâu vào trong nghĩa trang. Từng tấm bia đá thẳng dọc hai bên khiến tim cô đập mạnh loạn nhịp: những người này khi còn sống hình dạng ra sao? Người thân của họ có thường đến thăm họ không?
Thời gian cách trở xa xôi, cô chỉ nhớ đại khái phương hướng, đến khi cô rốt cuộc tìm được phần mộ Tạ Hậu, đã có người đến sớm hơn cô một bước. Tạ Đắc nghiêng nửa người dựa vào mộ, vùi đầu trên cánh tay như là đang ngủ. Không biết cậu đến lâu chưa, trước mộ đặt một bó cúc còn có một vỏ chai rượu.
Cậu nghe được tiếng bước chân, chậm rãi ngẩng đầu lên, đôi mắt thoáng trống rỗng hư không.
Tân Ý Điền không biết làm sao. Sở dĩ cô đợi trễ thế này mới tới, là muốn tránh những người khác, để khỏi phải xấu hổ, nhưng hết lần này tới lần khác đụng phải cậu. Cô do dự một hồi, vẫn là nên đi qua, đem hoa nhẹ nhàng để trên mặt đất.
“Chị còn nhớ rõ ngày giỗ của anh tôi?” Cậu dường như tỉnh táo lại, ngồi thẳng người hỏi.
“Mấy hôm trước nghe người khắc nhắc đến anh ấy, nên mới nhớ lại. Vừa lúc ở Thượng Lâm, nên đi thăm mộ một chút.” Tân Ý Điền như vậy mà qua loa giải thích việc cô đến đây.
“Tình bạn học hai người cũng có phần quá sâu nặng đi.” Giọng cậu nghe có vẻ như đâm chọc.
Cô không nói gì. Nếu một người đang lúc bạn mười sáu tuổi và anh ấy cũng mười sáu tuổi không hề báo trước mà bỏ đi, bất kể đối với ai mà nói, đều là loại chấn động trong tâm linh. Cho dù loại chấn động này theo thời gian trôi đi sẽ dần dần suy yếu, nhưng mà lần đầu tiên ý thức được sự ảnh hưởng của việc sống ch.ết vô thường đối với bản thân lại từ đầu đến cuối xuyên suốt toàn bộ sinh mệnh của bạn.
“Thật ra không phải năm nào tôi cũng đến, có lúc bận họp, xã giao, sau đó thì quên mất. Tôi còn nhớ nhiều năm trước đây, lần đầu tiên tới, cũng là một bó hoa cát cánh như thế này, lẳng lặng đặt ở một góc không ai để mắt tới.Khi đó anh ấy mới đi, còn có rất nhiều thân thích bạn bè đến viếng, hoa mọi người tặng đều là hoa cúc, cho nên vẫn nhớ rõ chuyện này. Khi đó rất muốn biết là ai mà không có kiến thức như thế — “
Khi đó cậu còn nhỏ, vẫn chưa chính thức gặp cô.
“Bây giờ câu đố rốt cuộc đã có lời giải–” Tạ Đắc ngẩng đầu, ngược hướng ánh sáng nhìn cô, hỏi: “Tại sao chị tặng cát cánh? Bởi vì anh ấy thích?”
“Chẳng vì sao, tiện tay đem thôi.” Cô không có giải thích nhiều, chỉ nói một câu. Dạo quanh mộ một vòng, thở dài nói: “Người quản lý nghĩa trang không được nha, cậu xem, cỏ mọc đầy khe đá cũng mặc kệ.”
Cậu ngồi xổm xuống nhổ từng cọng cỏ dại, nhàn nhạt nói: “Mười một năm rồi, mấy đứa trẻ thế hệ sau này nhà họ Tạ thậm chí không biết từng có người như anh ấy tồn tại, nhớ lại cũng không muốn nhớ.”
Tân Ý Điền cũng ngồi xổm xuống hỗ trợ, vô cùng xúc động nói: “Mười một năm rồi sao, khi đó tôi mười sáu tuổi, học lớp 11, chỉ chớp mắt biến thành cái dạng bây giờ. Thời gian tựa như một cây đao, đao đao thúc giục người già đi.”[13]
“Tới bây giờ tôi vẫn chưa nghe chị nói chuyện thời học sinh giữa chị và anh ấy. Anh ấy trong mắt chị như thế nào?” Cách nói của Tạ Đắc trái ngược với sự lạnh nhạt thường thấy, xa cách, khó có được sự ôn hòa, bình tĩnh.
Tân Ý Điền cố sức lục lọi trong trí óc những ấn tượng còn sót lại: hình dáng một thiếu niên mặc đồng phục ngồi trong lớp học dần dần hiện ra trước mắt–, “Thanh tú, bình thản, ít cười. Thành tích tốt, thích vẽ tranh, thể dục hình như cũng không tệ. Có nhiêu đây thôi, hết rồi.”
“Vậy ở trường học anh ấy ắt hẳn rất được hoan nghênh?”
“Hình như vậy, nhưng anh ấy dường như rất phiền não, mỗi lần nhận được quà tặng hoặc lời mời, lúc nào cũng là bộ dáng không biết nên làm gì. Bây giờ nhớ lại còn thấy mắc cười.” Tân Ý Điền chìm đắm trong hồi ức, “Tôi và anh ấy từ cấp hai trở đi bắt đầu học cùng lớp, ba năm hai người nói chuyện với nhau không quá mười câu, không nghĩ đến lên cấp ba còn chung lớp. Khi đó tôi rất hướng nội, rất mắc cỡ, một lần nữa trở thành bạn cùng lớp cũng không có chủ động nói chuyện với anh ấy một câu. Cứ như vậy khoảng nửa học kỳ. Có một lần thi cuối tháng làm bài xong, anh ấy hỏi tôi thi thế nào. Riêng lần đó tôi thi rất kém, mà anh ấy đột nhiên đến nói chuyện với tôi, tôi bị hoảng sợ, chưa nói câu nào, quay đầu chạy đi. Tôi không rõ mình lúc đó sao lại mất lịch sự như vậy, thế cho nên sau đó hai người trong nửa học kỳ sau cũng không nói câu nào.”
Tạ Đắc hỏi: “Vậy sau đó làm sao mà nói chuyện lại được?”
“Đó là vì lên lớp 11, chúng tôi ngồi cùng bàn rồi, dù sao cũng không thể lại không nói gì hết!”
“Chị biết anh ấy trong mắt tôi ra sao không?” Tạ Đắc theo sự xúc động của cô chậm rãi hé mở cánh cửa hồi ức, từng hình ảnh lúc còn bé dần hiện lên trước mắt. Cậu thì thầm: “Anh ấy đang ở trong sân vẽ tranh, còn tôi ở trong sân giết ếch, sau đó đem hai tay dính đầy máu ịn trên bức tranh anh ấy vừa vẽ xong. Anh ấy muốn đánh tôi, tôi bỏ chạy, bị ngã sấp xuống, gào khóc, quấy rầy đến ba tôi. Tôi thêm mắm thêm muối méc tội anh ấy, ba tôi tức giận vung tay đánh một trận vào mông anh ấy. Tôi áy náy, khóc xin ba đừng đánh nữa, ngược lại được một cái đùi gà làm phần thưởng. Cuối cùng anh ấy bị phạt quỳ, tôi cùng anh ấy, có điều ngồi xổm trước mặt anh ấy gặm đùi gà. Có lúc ý tốt đột phát chia cho anh ấy một nửa, nhưng đến khi hai người chia đồ ăn, tôi lại nhắc anh ấy đưa tôi nửa đùi gà của anh ấy, sau đó anh ấy đành phải đem phần của mình chia ra một nửa đưa tôi. Loại chuyện này cứ cách một thời gian lại diễn ra, chủ yếu mỗi lần đều do tôi gây sự, anh ấy xui xẻo.”
Tân Ý Điền nhịn không được muốn nói “Hèn chi cậu lại thành công như vậy, thì ra từ nhỏ đã có tư chất gian thương thiên bẩm”, sợ cậu phát cáu trở mặt, đổi thành trách móc: “Tại sao lại muốn làm chuyện tàn nhẫn đi giết ếch như vậy?”
“Thì để nướng ăn! Tôi không biết trẻ con có thiên tính tàn nhẫn hay không, dù sao những thứ gọi là nhân nghĩa lễ trí tín đều là sau này mới được dạy dỗ. Khi đó chỉ cần là đồ sống, không có gì là không bị tôi ăn, đại loại như chim sẻ, ve sầu, rắn nước, cóc, chuột, châu chấu, thằn lằn vân vân, ngay cả con tê tê tôi còn ăn, mùi vị rất ngon đó.”
“Í…cậu thật đúng là cái gì cũng dám ăn” Tân Ý Điền nghe thế liên tục lắc đầu.
“Hai đứa tôi đã trải qua một lần trốn nhà. Khi đó tôi khoảng năm tuổi, anh ấy cũng rất nhỏ.Tôi làm hư chiếc tivi màu ở trong nhà mới mua– tôi đã nói qua với chị, từ nhỏ tôi rất thích chơi mấy thứ như ôtô đồ điện, nếu như không phải kế thừa công ty, tôi sẽ đi học chuyên ngành điện tử. Khi đó tivi trắng đen rất hiếm, huống chi là tivi màu. Anh ấy cũng rất sợ, sợ ba mẹ về nhà la mắng. Không biết ai đưa ra đề nghị trốn nhà, hai đứa lưng đeo cặp sách trốn ra ngoài, lại không biết phải đi đâu. Sau đó chúng tôi bàn bạc một hồi, quyết định ngồi xe lửa đến nhà người cô ở Chiết Giang.”
“A? Hai đứa trẻ cậu thật là trốn nhà đi bụi sao?” Tân Ý Điền vô phương tưởng tượng chuyện như thế này. Từ nhỏ cô là cô bé ngoan ngoãn, ngay cả tuổi dậy thì ngỗ nghịch nhất chỉ là cả ngày một mình buồn bực không thèm nói chuyện, phớt lờ mọi người. Mẹ đã từng mắng cô là “quả hồ lô không có miệng”.[14]
“Còn chưa đi đến trạm xe lửa thì bị người quen biết chặn lại. Trời đã tối, ba mẹ khua chiêng gõ trống đi khắp nơi tìm chúng tôi, gấp đến độ thiếu chút nữa báo cảnh sát. Về đến nhà bởi do anh ấy làm anh trai nên bị ba tôi dạy dỗ rất thảm, chỉ là viết giấy kiểm điểm một trăm lần. Còn tôi thì không bị gì hết, mẹ tôi còn cố ý ra đầu ngõ mua mì thịt bò cho tôi ăn. Chuyện phá hư tivi màu cũng không ai nhắc đến.”
Tân Ý Điền ước ao nói: “Wow, có người anh như vậy thật tốt.”
“Sẽ không còn có ai như anh ấy thay tôi chịu đòn chịu mắng nữa, che mưa chắn gió nữa.” Cậu quay đầu nhìn thẳng vào đôi mắt cô, sóng to cũng không sợ hãi mà hỏi: “Chị còn yêu anh ấy sao?”
Ngay từ đầu đã trải qua rối ren lộn xộn, Tân Ý Điền hít một hơi thật sâu để mình bình tĩnh lại, nghiêm túc suy nghĩ câu hỏi mà cậu đưa ra, mỗi chữ mỗi câu trả lời rất chậm, “Nói như thế nào đây? Không thể nói là yêu, chỉ có thể xem như thầm mến thôi, bởi vì đối phương vốn không biết. Hơn nữa chưa kịp chuẩn bị tâm lý một chút nào, bất thình lình một người đã đi mất, cho nên, vẫn khó có thể quên. Chỉ là như thế này mà thôi.”
Nhưng mà tình cảm của Tạ Đắc so với cô phức tạp hơn. Cậu lẳng lặng nhìn cô, hỏi lại một câu: “Phải không?”
Cô đứng lên, cúi đầu phủi sạch sẽ cỏ dại bụi đất bám trên người, khẽ nói: “Tôi phải đi rồi, còn cậu?”
“Tôi muốn ở lại một lát.”
Cô đi vài bước, ngoảnh đầu, do dự một hồi nói: “Cậu phải chú ý sức khỏe, không nên quá mệt mỏi, dù sao, sức khỏe là quan trọng nhất.”
Giống như pha quay chậm, Tạ Đắc ngồi xổm trên đất quay đầu lại, với thái độ ngưỡng mộ nhìn người con gái trước mắt, người cậu yêu mà không được. Sau lưng cô là bầu trời bao la mênh mông, cùng với gió núi hùng vĩ oai nghiêm.
Vì do ánh sáng và khoảng cách, Tân Ý Điền nhìn không được rõ biểu hiện trên mặt cậu. Nhưng không thể tả được, cô bỗng nhiên cảm thấy tim đập mạnh một trận, tựa như mưa mùa hè, không có lý do mà kéo tới, không có giải thích mà đi mất. Cô không biết nên nói câu gì, mang theo tâm tình kích động bước nhanh rời đi.
——————
[13] trích từ bài hát “Hí mộng” do Lâm Chí Dĩnh trình bày
[14] ý nói một người không thích nói chuyện hoặc rất ít nói.