Chương 5

Cấp ba là khoảng thời gian đẹp nhất của tuổi học trò. Nó đối với tôi cũng giống như một chén mắm trong bữa ăn gia đình vậy, không bữa ăn nào tôi không ăn, lần nào ăn cũng ít mà vẫn thấy đủ mặn mà.


Lớp tôi vốn là lớp ban D lắm bê đê nhiều gái đẹp. Có điều, gái đẹp lớp tôi chẳng thấy đâu, chỉ thấy một đống nam không ra nam, nữ không ra nữ. Hiếm hoi có đứa nào đẹp lắm, được mấy đứa ngoài lớp mê thì cũng bị lũ khỉ bựa còn lại làm cho mất hình tượng. Mà vốn dĩ lớp tôi từ lâu đã chẳng có tí hình tượng nào trong mắt bạn bè đồng chuồng rồi.


Khoảng thời gian mới đầu phân lớp, ai ai cũng thẹn thùng, ai cũng không dám nói chuyện với ai. Đến cả mấy đứa đã từng học chung với nhau cũng hồi hộp đến mất quên luôn cả việc chúng nó biết nhau. Đến khi thầy chủ nhiệm đã phân xong chỗ ngồi, chúng nó mới chỉ mặt nhau mà quát “Ủa, mày cũng học lớp này hả???”.


Lũ bại não!!!


Học chung được khoảng sau một tuần thì các bạn trẻ bắt đầu chơi thân với nhau hơn, nói chuyện thoải mái với nhau hơn và trên hết là bắt đầu để lộ bản chất thật của mình nhiều hơn. Tổ của tôi là tổ ba, không hiểu sao lại là tụ điểm tập hợp của những nhân vật lợi hại nhất lớp trong cái khoản bày trò mất dợi. Cụ thể, vào tuần thứ 2, tuần thứ 3, chúng tôi đã bắt đầu bày trò ranh với mấy đứa trong lớp. Lớp tôi vốn là lớp khối chiều nên cũng ít bị gò bó bởi luật rừng à lộn, luật trường hơn khối sáng. Vậy nên, chúng nó rất hay đi học trễ. Một ngày đẹp trời, một cô bạn trong lớp đi học trễ vừa mới đặt chân vào trong lớp liền nghe thấy tiếng gào rú rừng rậm của mấy đứa lớp mình. Sau đó, bất kể mất hình tượng ra sao, nguyên một lũ con gái lớp tôi bu vào bưng bê cô ấy ra ngoài hành lang...


...
...
…ném vào thùng rác.
...

Mô phật!
Thiện tai!


available on google playdownload on app store


Thùng rác đầu giờ chiều cũng sạch lắm, các đồng chí không cần phải xoắn như vậy đâu. Chuyện này đại khái xảy ra cũng thường xuyên nên cô bạn ấy chẳng tức gì nhiều, chủ yếu là mở miệng quát lớn: “*beep* tụi bây *beep* cái *beep* mà *beep* rồi *beep* cũng vậy thôi *beep* *beep*!!!!”. Ban đầu, mấy đứa lớp khác còn chạy ra nhiều chuyện, sau lại thấy trò này ngày nào cũng làm, riết lại thấy quen mắt. Về sau, lớp tôi còn chơi nhiều trò trội hơn. Tỉ như chuyện biểu tình với cô giám thị xinh xắn của khối chiều, chơi nhảy dây chắn hành lang của các bạn học cùng tầng, làm cho các bạn phải đi lòng vòng mới được vào lớp. Hay cả chuyện xé giấy gấp máy bay thả khắp sân trường. Về chuyện này, đương nhiên là chúng tôi chủ động tự dọn rác rồi. Chẳng qua là lớp tôi muốn nghiên cứu xem việc quăng máy bay từ dãy D qua dãy A có tỉ lệ thành công là bao nhiêu để sau này quăng thư khủng bố lũ học sinh khối sáng cho dễ thôi ấy mà. Nhờ có những chuyện như vậy, các lớp khác cứ quen miệng gọi lớp tôi là “Cái lớp D6 ấy”.




Có lẽ vậy. Khà khà…


Lớp tôi rất khác các lớp cùng ban khác trong khối. Khác chỗ nào thì hẳn là các bạn đã quá rõ, thành viên lớp tôi “men” quá mức được khinh bỉ. Con gái lớp tôi nói chuyện rất *beep*, con trai lớp tôi vốn đã rất *beep*, so với lớp khác thì lớp tôi chẳng khác gì cái động tâm thần phân liệt giữa khuôn viên sở thú cả. Cảm xúc của tôi thế nào ư?




Thật nhục.


Nhục thay cho một cô gái nổi tiếng lương thiện, dịu dàng, đáng yêu không ai thèm biết đến như tôi. Từ khi sa chân rơi vào cái lớp ấy, tôi đã hoàn toàn bị đồng hóa thành cái thể loại người không ra người, thú không ra thú, ăn rồi chỉ biết rú, ngoài rú chỉ biết ăn, ăn đã rồi ngủ lăn, không được lăn sẽ cúp học. Thầy điểm danh lớp học thêm thường gọi tôi và bốn con bạn khác là “cái lũ yêu nhền nhện”, ăn rồi chỉ biết quấy rối bạn “Đường Tăng” ngồi cùng bàn, không cho bạn tập trung “thỉnh kinh”, mang lại tiền đồ cho đất nước. Tôi khóc không ra nước mắt. Chính tôi là người ngồi cạnh Đường Tăng chứ ai. Từ hồi đầu năm học chung, ngồi chung đến lúc dứt quần ra đi, Đường Tăng chỉ nói với tôi một câu duy nhất: “Ê, cho mượn tập đi bạn”.



Tôi buồn.
Tôi buồn lắm.
Tôi buồn da diết.
Buồn quá trời buồn.


Buồn bực ấy!!!!!!!!! Ai đời học sinh ngồi cạnh nhau gần cả năm, học chung với nhau gần cả năm, nhìn mặt nhau, nhổ vào mặt nhau cả năm thế mà những kỉ niệm duy nhất có được với nhau chỉ là một câu nói chứ. Cũng may, Đường Tăng chỉ là một chấm nhỏ trong số những chấm vô cùng cực kì nhỏ bé khác lướt qua đời học sinh của tôi, tôi quan tâm cũng được, không quan tâm cũng vậy. Chỉ là tôi cảm thấy có chút buồn bã nên tự tình vậy thôi.


Đường Tăng khốn!


Nói đến chuyện học thêm, tôi bỗng thấy nhức hết cả đầu. Thật ra, từ bé đến giờ, tôi rất ít học thêm. Đến năm lớp 11, tôi mới lần đầu bỡ ngỡ bước chân vào lớp học thêm do bị con bạn cùng bàn dụ khị. Nó nói: “Lớp tui học có mấy bạn đẹp trai lắm”. Tôi chỉ cần nghe đến đấy là đã hùng hổ đập bàn quát lớn: “Bố học”. Phụ huynh người ta nói: đã vào cấp ba thì phải tranh thủ đi học thêm để chuẩn bị cho việc thi đại học đi là vừa. Tôi thì không thấy vậy. Thật ra, phụ huynh bây giờ chỉ cố cho con mình đi học thêm để có cớ mắng chửi chúng nó nhiều hơn mỗi khi chúng nó có kết quả học hành không tốt mà thôi. Phụ huynh có con đi học thêm sẽ hét: “Mẹ cho mày học thêm, tốn quá trời tiền mà học hành như *** vậy hả con?!!”, trong khi những người không cho con học thêm chỉ có thể bất lực quát: “Mày học hành như *** vậy”. Đương nhiên, những đứa không đi học thêm có lợi thế rất nhiều so với những đứa có đi học thêm. Đối với phụ huynh, chúng nó nói: “Mẹ chấp cái lũ đi học thêm làm gì, tụi nó học trước hết cả rồi. Học như con mới là học này, học đâu hiểu đấy, không hiểu thì thôi”, còn đối với bạn bè, chúng nó sẽ “bị” nói: “Mày coi con bạn mày không đi học thêm mà học giỏi quá trời không? Mày đúng là cái đồ vô dụng”.


Phụ huynh… đúng là… phụ huynh. Kiểu gì cũng đem con người khác vào cuộc đối thoại của mình với con mình cho bằng được. Tôi mà biết được thằng khốn “Con nhà người ta” là thằng nào, tôi trùm bao bố đem lên lớp xử liền. Thằng khốn! Dám để mẹ tao biết mày là ai.…


Xin lỗi, tôi lại nói quá xa rồi.

Việc học thêm vào năm lớp 11 đối với tôi cũng không hiệu quả lắm. Trong lớp học thêm của tôi, người đẹp cũng nhiều mà tên nào cũng cúi đầu chép bài như bị nhập vậy, làm tôi cũng thấy đuối theo. Vậy nên, trong suốt phần lớn khoảng thời gian học thêm, tôi ngủ.


Quá bảnh con chó cảnh luôn. Khà khà…

Cho đến năm lớp 12, tôi bị triệu tập vào lớp VIP.


Vâng, là lớp VIP – cái lớp thần thánh chỉ dành cho học sinh học yếu đến mức thầy cô không buồn đày đọa nữa nên mới tống vào cho bõ tức mà thôi. Tôi bị triệu tập hết thảy hai môn: toán và lý. Nhọ vỡ lọ. Nói đến lý do của cái việc học hành bỗng dưng trượt dốc không phanh ấy, hẳn là các bạn đã biết quá rõ lý do là gì.


Quả báo.
Chỉ có thể là quả báo.


Chính xác là vào cái khoảng thời gian mà tôi bị gãy tay. Khi ấy, đối với tôi, chuyện học hành như uống sữa đậu nành vậy. Vào lớp chào giáo viên, điểm danh có mặt rồi lăn ra ngủ như thật trên bàn. Đối với một đứa bó bột nguyên bàn tay phải như tôi, đến cả cầm muỗng múc đồ ăn còn khó chứ đừng nói đến cầm bút chép bài. Tập vở của tôi trước đó đều đã được phân phối khắp tổ, cả tổ mười một đứa, mỗi đứa một môn, chép mệt, nghỉ. Tôi còn nhớ lúc ấy, thầy cô găm tôi dữ thần lắm. Học sinh, học trò gì đâu mà vào lớp chỉ biết ngủ, kêu lên bảng làm bài thì lại đập nguyên cái tay bó bột vào mắt mình, làm mình chỉ có thể cho nó ra đứng lớp hoặc kệ bà nó mà thôi. Tôi khoái chí lắm. Nhiều lúc, tôi còn tưởng ông trời đang giúp mình. Nếu loại bỏ tất cả những yếu tố bất lợi tôi mắc phải lúc ấy, ông trời giúp tôi thật. Lúc ăn vặt chỉ cần há miệng một phát là có đứa dọng cho một họng liền, lúc cần lấy đồ thì có thể thoải mái dùng chân mà khều, đứa nào dám ý kiến thì bắt nó lấy hộ.


Tóm lại, bị gãy có ngón út thôi mà đời tôi thay đổi quá trời quá đất.
Tuy nhiên, khi bạn bỗng dưng gặp may, hết cái may ấy, bạn chắc chắn gặp vận xui. Lần ấy, thứ tôi gặp không chỉ là xui, nó phải là “đại hung” mới đúng.


Tôi bị gãy tay ngay đúng lúc kì thi học kỳ đã đến gần. Bài vở nhiều, bài học nhiều, bài giảng nhiều mà tôi chẳng tiếp thu, học hành được bao nhiêu cả. Có lời đồn phong phanh đâu đây là trường hợp gãy tay như tôi có thể làm đơn xin thi sau. Chỉ có điều, thi lại sau thì chỉ có mình tôi thi. Một mình một phòng, năm giám thị, có cho tôi cả núi tiền tôi cũng chẳng dám liều. Vậy nên, tôi xin mẹ đưa tôi đi bệnh viện cắt bột. Khi cầm cưa cắt bột, bác sĩ nhìn cái tay tôi mà phán: “Sao cục bột dơ dữ thần vậy cháu?”. Tôi toát cả mồ hôi lạnh, chẳng dám trả lời. Đối với thầy cô, bạn bè tôi, cục bột ấy như của lạ hiếm thấy, ngày nào cũng đè ra mà kho lộn, mà vẽ bậy lên. Lũ bạn thì vẽ nào là cục phân, nào là sở thú, thầy, cô giáo thì nào kí tên, nào ghi công thức, cái khỉ khỉ gì đó lên, cục bột ấy nhìn không thấy gớm mới lạ. Lúc cục bột đã rơi ra khỏi tay mình, tôi nhìn nó mà tha thiết muốn ôm chân bác sĩ cho mình đem về nhà treo tường làm kỉ niệm. Chỉ tiếc, nó bốc mùi quá, làm cả tôi và ông bác sĩ đều phải bịt mũi quăng nó vào xô rồi chạy biến. Tôi thở dài. Cuộc hành trình ăn vạ bạn bè, thầy cô và gia đình đến đây là kết thúc.


Ngày thi học kì cuối cùng cũng đến. Tôi và lũ bạn hí hửng xách bút đi thi dù biết rất rõ bản thân chưa học hành gì ráo. May thay, tôi học cũng không đến nỗi tệ, bị lũ bạn đè đầu ra nhồi kiến thức cho vài ngày là nắm được tình hình đại khái, sơ sơ, đủ xài rồi. Đề phát ra, tôi nhìn nó mà cười đến độ khiến người khác muốn đá ra ngoài vì gây mất trật tự, trị an phòng thi. “Đề dễ, đủ sức làm” – tôi đã cảm thánh như vậy đấy.


Chỉ tiếc…
Thật chỉ tiếc…
Khi dò kết quả với lũ bạn, đáp án của tôi với chúng nó khác nhau một trời một vực dù cách làm hoàn toàn giống nhau. Sau một hồi ngồi vừa ngẫm vừa nghĩ đến teo cả óc, một đứa mới hào hứng nói: “Tao biết rồi. Con Trang viết sai dấu”.
Tôi “…”


Một đề toán.
Năm bài toán.
Sai dấu hết ba bài.

Đậu má!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!! Tôi gãy tay chứ có gãy mắt đâu!!!!!!!!!!!!!






Truyện liên quan