Chương 34
Tôi vẫn giữ một số ảnh của cha, chụp trong khoảng thời gian trước khi cha rời Mỹ để đi tìm thầy Rossi, dù suốt thời thơ ấu, khi lần đầu tiên thấy chúng, tôi hoàn toàn không biết chúng cho thấy những gì sau này. Vài năm sau, tôi đã đóng khung và lồng kính một trong các tấm hình đó và bây giờ nó được treo phía trên bàn làm việc của tôi, một tấm hình đen trắng của thời kỳ ảnh đen trắng đang trên bờ vực thoái trào vì ảnh màu. Tấm hình chụp cha từ khi tôi còn chưa ra đời. Cha nhìn thẳng vào máy chụp ảnh, cằm hơi ngước lên tựa như sắp đáp lại điều gì đó mà người chụp đang nói. Có lẽ tôi không bao giờ biết người chụp bức ảnh đó là ai; tôi cũng quên hỏi xem cha còn nhớ hay không. Không thể là Helen, nhưng có lẽ là một người bạn khác, một người bạn nghiên cứu sinh nào đó. Năm 1952 - chỉ có thời điểm chụp được chính tay cha ghi lại ở mặt sau tấm hình - cha đã là nghiên cứu sinh được một năm và bắt đầu nghiên cứu về các thương gia Hà Lan.
Trong hình, có vẻ như cha đang đứng kế bên một tòa nhà, căn cứ vào công trình xây dựng bằng đá theo phong cách Gothic ở hậu cảnh nên có thể nói đây là một phần kiến trúc của trường đại học. Cha gác một chân lên chiếc ghế băng dài, mặt tươi cười, cánh tay đặt trên lưng ghế, bàn tay buông điệu đàng gần đầu gối. Cha mặc áo sơ mi trắng hoặc có thể là một màu sáng nào đó và thắt cà vạt có sọc chéo, quần màu sậm may theo kiểu xếp li, đi đôi giày da bóng láng. Vóc dáng cha vẫn giống y như trong ký ức của tôi về cha sau này - cao trung bình, vai rộng trung bình, ăn mặc chỉnh tề, vẫn có vẻ dễ gần và không quá nổi bật, một đặc điểm cha chưa bao giờ đánh mất suốt thời trung niên của mình. Trong tấm hình, mắt cha màu xám và sâu thẳm chứ không xanh thẫm như ngoài đời. Cùng với cặp mắt trũng sâu và hàng lông mày rậm rịt, xương gò má cao, chiếc mũi to, hai cánh môi dày nở thành một nụ cười, vẻ mặt cha khá giống với loài linh trưởng - nét mặt của một loài thú thông minh. Nếu là một tấm hình màu, mái tóc rủ xuống trán của cha hẳn phải có màu đồng dưới ánh mặt trời; tôi biết chắc như vậy vì có lần cha đã miêu tả cho tôi về màu tóc đó. Khi tôi sinh ra, ngay từ lúc bắt đầu biết nhận thức, tóc cha đã bạc trắng.
“Đêm hôm đó ở Istanbul, cha mới cảm nhận trọn vẹn thế nào là một đêm mất ngủ. Một phần vì nỗi kinh hoàng khi nhớ lại giây phút đầu tiên nhìn thấy gương mặt một người đã ch.ết chợt sống lại và cố hiểu điều mình đã chứng kiến - chỉ riêng khoảnh khắc đó cũng khiến cha không thể nào chợp mắt. Phần khác là vì cha cảm thấy vô cùng lo lắng cho những giấy tờ tài liệu đang cất giữ trong cặp vì trước khi biến mất tên thủ thư đã ch.ết ấy cũng đã thấy cha. Hắn biết Helen và cha có bản sao tấm bản đồ kia. Việc hắn xuất hiện ở Istanbul là do hắn theo dõi chúng ta, hay là vì bằng cách nào đó hắn đã tự suy đoán được bản chính của tấm bản đồ có ở đây? Hoặc, nếu hắn không tự giải đoán được thì liệu hắn có được một nguồn kiến thức nào khác mà cha chưa biết giúp đỡ hay không? Hắn đã xem những tài liệu trong bộ sưu tập của Quốc vương Mehmed ít nhất một lần. Liệu có phải hắn đã nhìn thấy và sao lại mấy tấm bản đồ gốc ấy không? Cha không thể trả lời được những câu hỏi hóc búa trên, và chắc chắn không dám ngủ - dù là chỉ chợp mắt - khi nghĩ đến sự thèm khát của gã thủ thư đầu sai kia đối với bản sao tấm bản đồ của chúng ta, cái cách mà hắn nhảy bổ vào bóp cổ Helen trong kho sách thư viện lúc còn ở Mỹ. Ở đó, hắn đã cắn Helen, và có lẽ từ hành động này đã quen mùi cô. Thực tế này lại làm cha càng cảm thấy thêm rối trí.
Nếu tất cả những điều này không đủ làm cho cha phải mở mắt thao láo suốt đêm, trong lúc thời gian cứ trôi qua, càng lúc càng tĩnh lặng, thì vẫn còn thêm một điều nữa - có một gương mặt đang ngủ say không cách xa cha quá - nhưng cũng không quá gần. Cha đã cố ép Helen ngủ trên giường, còn cha thì ngồi trong chiếc ghế bành ọp ẹp. Nếu có đôi lần nào mí mắt cha sụp xuống, thì một cái liếc nhìn về gương mặt mạnh mẽ kiên nghị ấy lại làm dậy lên trong cha một cơn lo lắng, làm cha bừng tỉnh như bị dội một gáo nước lạnh. Helen đã muốn ở lại trong phòng cô - xét cho cùng, bà quản lý nhà trọ sẽ nghĩ gì, nếu phát hiện được việc thu xếp này? - nhưng cha đã thúc ép cho đến khi cô đồng ý, dù có chút cáu kỉnh, nằm ngủ dưới đôi mắt canh chừng của cha. Cha đã xem quá nhiều phim ảnh, đã đọc quá nhiều tiểu thuyết, đến độ luôn lo sợ rằng một phụ nữ ở một mình vài giờ ban đêm có thể trở thành nạn nhân kế tiếp của lũ ma quỷ. Helen ngủ vùi vì quá mệt, cha có thể nhìn thấy những vết thâm quầng dưới mắt cô, và mơ hồ cảm thấy cô cũng sợ hãi. So với tiếng khóc nức nở vì khiếp sợ của một người đàn bà khác, cơn sợ hãi xuất phát từ cô sẽ làm cha kinh hoàng và tạo ra chút cafein tỉnh táo trong mạch máu. Cũng có thể là vì có điều gì đó u sầu và mềm yếu ẩn chứa dưới cái vẻ bình thường vẫn ngang ngạnh, cứng nhắc của cô, dưới cá tính kiên quyết, mạnh mẽ của cô, đã làm cha không tài nào nhắm mắt được. Cô nằm nghiêng, một bàn tay lót dưới gối, những lọn tóc như càng đen nhánh hơn trên nền vải trắng.
“Cha không thể nào viết hoặc đọc gì được. Chắc chắn cha không mong muốn phải mở cái cặp xách mà cha đã nhét dưới giường Helen đang ngủ. Nhưng thời gian vẫn cứ trôi qua mà chẳng có tiếng sột soạt bên ngoài hành lang, không có tiếng thở nào ở lỗ khóa, chẳng có chút sương mù nào len lén luồn qua dưới cánh cửa, không có tiếng vỗ cánh bên khung cửa sổ kia. Cuối cùng, một tia sáng yếu ớt đã ngập ngừng chiếu vào căn phòng mờ mờ tối, và Helen thở hắt ra tựa như cảm nhận được ngày mới đã đến. Rồi một chùm ánh sáng chiếu qua khung cửa chớp, cô cựa quậy trở mình. Cha lấy áo khoác, nhẹ nhàng hết sức kéo cái cặp xách ở dưới giường ra để không gây ra tiếng động nào, và tế nhị lánh đi, chờ cô ở lối ra vào dưới lầu.
“Chưa đến sáu giờ nhưng từ đâu đó mùi cà phê đậm đã tỏa ra thơm ngát cả căn nhà, cha ngạc nhiên khi thấy tiến sĩ Turgut đang ngồi ở một trong các ghế dựa bọc vải thêu, một cặp hồ sơ màu đen đặt trên lòng. Ông có vẻ vô cùng tươi tắn và tỉnh táo, khi cha bước vào ông gần như bật dậy để bắt tay cha. ‘Chào buổi sáng, anh bạn. Tạ ơn Chúa đã cho tôi gặp anh ngay.’
“ ‘Tôi cũng vậy, cám ơn ông đã đến đây,’ cha đáp rồi ngồi xuống chiếc ghế cạnh ông. ‘Nhưng điều gì khiến ông đến đây sớm vậy?’
“ ‘À, tôi không chờ được khi có thêm tin tức cho anh.’
“ ‘Tôi cũng có tin tức cho ông đây,’ cha nghiêm nghị nói. ‘Nhưng ông nói trước đi, tiến sĩ Bora.’
“ ‘Gọi tôi là Turgut thôi,’ ông chỉnh lại, vẻ lơ đãng. ‘Anh xem đây này.’ Ông bắt đầu tháo dây cột chiếc cặp hồ sơ. ‘Như đã hứa với anh, đêm qua tôi đã xem lại cẩn thận số giấy tờ tài liệu của mình. Tôi đã cho sao các tài liệu của trung tâm lưu trữ, như anh thấy, và tôi cũng sưu tập nhiều bản báo cáo các sự kiện xảy ra ở Istanbul suốt thời sinh tiền của Vlad và thời gian tiếp theo ngay sau cái ch.ết của hắn.’
“Ông thở dài. ‘Một số trong các tài liệu này đề cập đến những sự cố bí ẩn xảy ra trong thành phố, những cái ch.ết, lời đồn về ma cà rồng hút máu. Tôi cũng thu thập bất kỳ thông tin nào có thể từ các cuốn sách liên quan đến Giáo đoàn Rồng ở Wallachia. Nhưng đêm qua, tôi chẳng tìm được điều gì mới từ những nguồn đó. Sau đó, tôi đã gọi cho một người bạn tên Selim Aksoy. Anh ta không làm việc tại trường đại học - chỉ là chủ một cửa hàng - nhưng kiến thức rất rộng. Anh ta rành về sách vở hơn bất kỳ người nào khác ở Istanbul, nhất là sách nói về lịch sử và huyền thoại của thành phố chúng tôi. Cũng là người rất tốt bụng, anh ta đã dành gần như suốt cả buổi tối để dẫn tôi xem qua thư viện riêng của anh ta. Tôi đã nhờ anh ta tìm kiếm dấu vết của một người quê quán ở Wallachia nhưng được an táng ở Istanbul vào cuối thế kỷ mười lăm, hoặc tìm mọi manh mối có thể có về một ngôi mộ ở đây, nhưng có liên quan đến xứ Wallachia, Transylvania, hoặc Giáo đoàn Rồng. Tôi cũng đưa ra cho anh ta - cũng chẳng phải lần đầu tiên đâu - bản sao các tấm bản đồ, cuốn sách có hình con rồng của tôi, và giải thích cho anh ta biết giả thuyết do anh đưa ra, theo đó những hình ảnh đó mô phỏng một vị trí, địa điểm hầm mộ của Vlad Dracula, Kẻ Xiên Người.’
“ ‘Chúng tôi đã cùng nhau lật qua nhiều, rất nhiều trang sách về lịch sử Istanbul, xem xét những bản in cổ, những cuốn sổ ghi chép vô số điều mà anh ta đã khám phá ra được tại các thư viện và viện bảo tàng. Selim Aksoy rất cần mẫn. Anh ta không có vợ, không có gia đình riêng, không có đam mê nào khác. Lịch sử thành phố Istanbul hầu như ngốn hết thời gian và sức lực của anh ta. Chúng tôi đã làm việc rất khuya, thư viện riêng của anh ta đồ sộ đến mức anh ta chưa bao giờ đọc thấu đáo hết sách trong đó, cũng như không chắc chúng tôi có thể khám phá ra được gì ở đó không. Sau cùng, chúng tôi phát hiện một vật kỳ lạ - một lá thư - được in lại trong một cuốn sách về các thư từ trao đổi qua lại giữa các vị thượng thư trong triều đình Quốc vương Hồi giáo với các tiền đồn của Đế quốc vào thế kỷ mười lăm và mười sáu. Selim cho biết anh ta mua cuốn sách đó từ một người bán sách ở Ankara. Cuốn sách được in vào thế kỷ mười chín, do một trong các nhà sử học của chúng tôi ở Istanbul sưu tập và biên soạn, ông ta là người quan tâm đến tất cả những sổ sách ghi chép của thời kỳ đó. Selim nói anh ta chưa bao giờ thấy một bản thứ hai cuốn sách đó.’
“Nhận ra tính chu đáo kỹ lưỡng của tiến sĩ Turgut, cha kiên nhẫn chờ đợi, cảm nhận tầm quan trọng của tất cả thông tin cần thiết này. Từ một học giả chuyên về văn chương kinh điển, ông ta phút chốc đã trở thành một sử gia có hạng.
“ ‘Selim chưa từng thấy bản in nào khác của cuốn sách, nhưng anh ta tin những tài liệu in lại trong đó không phải là - người ta gọi là gì nhỉ? - những thứ giả mạo, bởi anh ta đã nhìn thấy bản gốc của một trong số những lá thư đó, trong một bộ sưu tập tương tự mà chúng tôi đã xem ngày hôm qua. Anh ta cũng rất say mê trung tâm lưu trữ kia, anh biết đấy, tôi thường gặp anh ta ở đó.’ Ông mỉm cười. ‘Vâng, khi mắt chúng tôi hầu như muốn sụp xuống vì mệt mỏi, và bình minh cũng sắp đến, chính trong cuốn sách đó, chúng tôi đã tìm thấy một lá thư có lẽ là có ý nghĩa đối với cuộc tìm kiếm của anh. Người sưu tập đã in cuốn sách kia tin rằng lá thư có nguồn gốc từ cuối thế kỷ mười lăm. Đây này, tôi đã dịch nó sang tiếng Anh cho anh.’
“Turgut rút trong cặp hồ sơ ra một trang giấy vở ghi chép. ‘Đáng tiếc là lá thư trước đó, mà lá thư này đề cập đến, lại không có trong cuốn sách. Có trời chứng giám, có khi nó còn chẳng hề tồn tại ở bất kỳ nơi nào, nếu không thì anh bạn Selim của tôi đã tìm được ra nó lâu rồi.’
“Ông hắng giọng trước khi đọc to. ‘ “Kính gửi Ngài Rumeli Kadiasker vô cùng kính mến…” ’ Ông dừng lại. ‘Anh biết đấy, đó là vị tổng trấn đại phán quan của vùng Balkan.’ Tất nhiên là cha không biết, nhưng ông gật đầu và tiếp tục. ‘ “Thưa Ngài, tôi đã tiến hành điều tr.a kỹ lưỡng hơn như Ngài yêu cầu. Một số tu sĩ đã hợp tác tích cực nhờ số tiền chúng ta đã thỏa thuận, và đích thân tôi đã khảo sát ngôi mộ. Điều họ đã báo cáo cho tôi trước đây là có thật. Họ không giải thích gì thêm, chỉ nhắc đi nhắc lại rằng họ rất sợ hãi. Tôi đề nghị tiến hành một cuộc điều tr.a khác về vấn đề này ở Istanbul. Tôi đã cắt cử hai vệ binh ở lại Snagov để canh chừng động tĩnh. Điều khó hiểu là không có báo cáo gì về dịch bệnh ở đó cả. Nhân danh đức Allah, tôi mãi thuộc về Ngài.” ’
“ ‘Còn tên người viết thư?’ cha hỏi ngay. Tim cha đập dồn dập; cha đã tỉnh hẳn dù sau một đêm không ngủ.’
“ ‘Không có chữ ký. Selim nghĩ rằng có lẽ chữ ký đã bị rách khỏi bản chính một cách ngẫu nhiên hoặc bị cố ý xé đi để bảo vệ cuộc sống riêng tư của người viết lá thư đó.’
“ ‘Hoặc có thể vì lý do bảo mật, ngay từ đầu lá thư đã không có chữ ký,’ cha đưa ra giả thiết. ‘Không còn lá thư nào khác trong cuốn sách đề cập đến vấn đề này sao?’
“ ‘Không. Chẳng có thư trước mà cũng chẳng thư sau gì cả. Lá thư đó là một mảnh rời rạc, nhưng Rumeli Kadiasker là một nhân vật rất quyền thế, vì vậy chuyện này phải là một vấn đề hệ trọng có thực. Chúng tôi đã lùng sục rất kỹ và lâu trong những cuốn sách và tài liệu khác của Selim nhưng vẫn không tìm được gì có liên quan đến lá thư. Anh ta bảo, theo những gì anh ta có thể nhớ, là chưa bao giờ thấy chữ Snagov trong bất kỳ tư liệu tường thuật về lịch sử Istanbul nào. Vài năm trước, anh ta đã đọc những lá thư này một lần - chính vì tôi đề cập với anh ta giả thuyết về địa điểm mà phe đảng Dracula chôn cất hắn mà khi xem xét qua mớ giấy tờ tài liệu anh ta mới lại lưu ý đến địa danh đó. Nên có thể là thực ra anh ta đã nhìn thấy nó ở đâu đó nhưng không thể nhớ lại được.’
“ ‘Lạy Chúa,’ cha kêu lên, không phải vì nghĩ đến cái khả năng hiếm hoi rằng Aksoy đã nhìn thấy cái từ Snagov kia ở một nơi nào khác mà vì mối liên hệ kỳ lạ giữa thành phố Istanbul đang vây quanh chúng ta với xứ sở Rumani xa xôi kia.
“ ‘Vâng.’ Turgut bật cười vui vẻ tựa như ông và cha chỉ đang bàn bạc về thực đơn bữa điểm tâm. ‘Mấy viên quan điều tr.a được người Balkan cử đi thám thính ấy đã lo lắng về một chuyện gì đó ở đây, ở Istanbul này, lo lắng đến độ phải phái người, hai vệ binh, đến hầm mộ của Dracula ở Snagov.’
“ ‘Nhưng, quái quỷ thật, họ đã phát hiện cái gì chứ?’ Cha đấm lên thành ghế. ‘Mấy tay thầy tu ở đó đã báo cáo chuyện gì? Và tại sao bọn họ lại sợ hãi?’
“ ‘Đó cũng chính là điều làm tôi bối rối,’ Turgut nói như an ủi cha. ‘Nếu Vlad Dracula nằm ch.ết yên ổn ở đấy, tại sao ở cách xa hàng trăm cây số, ở Istanbul, người ta lại lo lắng về hắn ta? Và nếu hầm mộ của Vlad thực sự ở Snagov và vẫn luôn luôn ở đó, tại sao những tấm bản đồ chỉ dẫn lại không khớp?’
“Cha chỉ biết khâm phục sự chính xác của các câu hỏi của ông ta. ‘Còn một điều nữa,’ cha nói. ‘Anh có nghĩ thực sự có khả năng Dracula được chôn cất ở đây, ở Istanbul này? Phải chăng việc đó giải thích sự lo lắng của Quốc vương Mehmed về Dracula ngay cả sau khi hắn ch.ết, và về tình trạng người và vật bị hút máu từ thời kỳ đó trở đi?’
“Turgut đan hai tay vào nhau, tựa cằm lên ngón tay cái. Đúng là một câu hỏi quan trọng. Chúng ta sẽ cần sự giúp đỡ để giải đáp nó, và có lẽ anh bạn Selim của tôi sẽ là người giúp chúng ta trong vụ này.’
“Chúng ta - những người bạn mới quen gặp nhau vì một chuyện cổ xưa - im lặng ngồi nhìn nhau một lúc trong căn phòng khách sáng nhờ nhờ của khu nhà trọ, mùi cà phê bốc lên ngào ngạt. Rồi Turgut lên tiếng. ‘Rõ ràng, chúng ta phải nghiên cứu nhiều hơn, sâu hơn nữa. Selim nói sẽ dẫn chúng ta đến trung tâm lưu trữ tư liệu ngay khi anh sẵn sàng. Ở đó, anh ta biết nhiều nguồn tư liệu từ thế kỷ mười lăm về Istanbul mà bản thân tôi cũng chưa xem xét gì nhiều vì chúng khá xa so với các mối quan tâm của tôi về Dracula. Chúng ta sẽ cùng xem xét chúng. Nếu tôi gọi điện, chắc chắn ông Erozan sẽ vui vẻ chuẩn bị sẵn tất cả những tài liệu đó cho chúng ta trước giờ làm việc. Ông ta sống gần trung tâm lưu trữ và có thể mở cửa cho chúng ta trước giờ Selim phải đi làm. Nhưng cô Rossi đâu rồi? Cô đã thức dậy chưa vậy?’
“Cuộc nói chuyện này đã khơi dậy trong cha một loạt những ý nghĩ lẫn lộn, cha không biết phải chú tâm vào vấn đề nào trước. Việc giáo sư Turgut đề cập đến người bạn thủ thư làm cha bất chợt nhớ đến tay thủ thư kẻ thù của mình, cha hầu như quên bẵng gã vì quá phấn khích trước lá thư Turgut cho xem. Bây giờ, cha phải đối mặt với nhiệm vụ đặc biệt là cảnh cáo tính nhẹ dạ cả tin của Turgut bằng cách thuật lại việc mình đã nhìn thấy một người đã ch.ết xuất hiện trở lại, mặc dù chắc rằng niềm tin của ông về ma cà rồng có thật trong quá khứ có thể mở rộng thành niềm tin về ma cà rồng có thật trong thời đại hôm nay. Nhưng câu hỏi của ông ta về Helen làm cha nhớ là đã sơ suất, một cách không thể tha thứ được, vì đã để cô lại một mình trong một thời gian dài. Cha muốn để cô được riêng tư khi thức giấc, và rất mong cô theo cha xuống dưới nhà càng sớm càng tốt. Nhưng vì sao đến bây giờ cô vẫn chưa xuất hiện? Turgut vẫn tiếp tục nói. ‘Vì vậy Selim - anh ta không bao giờ ngủ - đang đi uống cà phê sáng, vì không muốn làm anh ngạc nhiên ngay - a, anh ta đây rồi!’
“Chuông cửa nhà trọ reo lên và một người đàn ông mảnh khảnh bước vào, khép cánh cửa lại sau lưng. Cha tưởng mình sẽ gặp một nhân vật lớn tuổi bệ vệ trong bộ cánh trịnh trọng của một doanh nhân, nhưng Selim Aksoy gầy và trẻ trung, mặc quần tây màu sậm đã sờn và áo sơ mi trắng rộng thùng thình. Anh ta bước nhanh về phía chúng ta, vẻ mặt vừa hăm hở vừa căng thẳng, mỉm cười ngượng ngập. Không phải đến lúc bắt chặt bàn tay xương xẩu kia cha mới nhận ra đôi mắt xanh và chiếc mũi dài khoằm của anh ta. Cha đã nhìn thấy gương mặt anh ta, mới gần đây thôi. Phải mất một thoáng để định thần, cha mới nhớ lại được bàn tay thanh mảnh đã trao cho cha một cuốn sách của Shakespeare. Anh ta là người bán sách trong khu chợ nọ.
“ ‘Chúng tôi đã gặp nhau rồi!’ cha reo lên, cùng lúc anh ta cũng thốt lên mấy tiếng tương tự, pha trộn vừa tiếng Thổ vừa tiếng Anh. Turgut sững người hết nhìn rồi lại nhìn cha, rõ ràng là không hiểu gì cả, bật cười khi cha giải thích nhưng vẫn lắc đầu tựa như vẫn còn ngạc nhiên. ‘Thật là ngẫu nhiên,’ ông ta chỉ nói vậy.
“ ‘Các bạn sẵn sàng lên đường chưa?’ Aksoy gạt phăng cử chỉ mời ngồi xuống của Turgut.
“ ‘Chưa đâu,’ cha trả lời. ‘Nếu các anh không phiền, tôi sẽ đi xem cô Rossi đang ở đâu, để xem liệu khi nào thì cô ấy có thể đi với chúng ta.’
“Giáo sư Turgut khẽ gật đầu, có vẻ hơi quá vô tư.
“Cha suýt va đầu Helen ở cầu thang - theo đúng nghĩa đen, trong lúc đang nhảy ba bậc thang một. Cô phải chụp lấy tay vịn để khỏi bị ngã. ‘Ui cha!’ cô thốt lên, giọng cáu kỉnh. ‘Trời ơi, anh làm cái gì vậy?’ Cô xoa xoa khuỷu tay, cha thì cố không cảm thấy bộ áo váy màu đen và bờ vai rắn chắc của cô đang cọ vào cánh tay mình.
“ ‘Đi tìm cô,’ cha đáp. ‘Xin lỗi - cô có bị đau không? Tôi hơi lo vì đã để cô ở lại trên đó một mình quá lâu.’
“ ‘Tôi ổn mà,’ cô nói, giọng đã hòa nhã hơn. ‘Tôi vừa nghĩ ra vài ý. Bao lâu nữa giáo sư Bora mới đến?’
“ ‘Ông ấy đã ở đây rồi,’ cha nói, ‘và có một người bạn theo cùng.’
“Helen cũng nhận ra anh chàng bán sách trẻ tuổi, cả hai ngập ngừng trò chuyện với nhau trong khi Turgut điện thoại cho ông Erozan, nói như hét vào ống nghe. ‘Trời đang mưa dông,’ ông quay sang ba người chúng ta, giải thích. ‘Tín hiệu điện thoại ở khu vực thị trấn này thường bị nhiễu khi trời mưa. Ông bạn tôi có thể gặp chúng ta ngay tại trung tâm lưu trữ. Thực ra, nghe giọng ông ta có vẻ không khỏe, có lẽ là một cơn cảm lạnh, nhưng ông ta nói sẽ đến ngay. Cô dùng cà phê chứ, thưa cô? Tôi sẽ mua cho cô vài cái bánh mì vừng trên đường đi.’ Cha chẳng thích chút nào khi ông ta hôn tay Helen. Rồi tất cả chúng ta vội vã lên đường.
Trong khi đi, cha muốn kéo Turgut ra sau để kể riêng cho ông ta nghe sự xuất hiện của gã thủ thư gớm ghiếc kia; cha nghĩ không nên giải thích chuyện này trước mặt một người xa lạ, đặc biệt đối với người mà Turgut từng mô tả là chẳng mấy mặn mà với chuyện săn ma cà rồng. Nhưng chúng ta còn chưa đi hết một con phố, Turgut và Helen đã chuyện trò thân mật, cha cảm thấy khổ sở bội phần khi nhìn thấy cô tặng cho ông ta nụ cười vốn rất hiếm hoi và vì biết mình đang giữ cái thông tin đáng lẽ phải cho ông ta biết ngay. Anh chàng Aksoy đi bên cạnh cha, thỉnh thoảng lại liếc nhìn cha, nhưng phần lớn thời gian anh ta có vẻ như chìm trong suy tư đến độ cha cảm thấy không nên cắt ngang dòng suy nghĩ của anh bằng những nhận xét vu vơ về vẻ đẹp của đường phố vào buổi sáng.
“Chúng ta nhận ra cửa ngoài của thư viện không khóa và im lặng bước vào - Turgut nói kèm theo một nụ cười, rằng ông ta biết bạn mình sẽ đúng hẹn, rồi lịch sự nhường Helen đi trước. Hành lang dẫn vào vắng tanh, với ngăn quầy khảm chạm xinh đẹp và cuốn sổ đăng ký mượn sách để mở, sẵn sàng cho những vị khách trong ngày. Turgut đẩy cánh cửa bên trong cho Helen, cô bước hẳn vào gian sảnh yên tĩnh và tối lờ mờ của thư viện trước khi cha kịp nghe cô thở hắt ra và thấy cô đột ngột khựng lại làm ông bạn Turgut gần như ủi vào người cô. Trước khi có thể nhận ra chuyện gì đang xảy ra, tóc gáy cha đã dựng đứng lên, ngoài ra còn một cái gì đó khác khiến cha phải nhào đến, một cách thô bạo, vượt qua ông giáo sư đến bên cạnh Helen.
“Viên thủ thư đứng bất động giữa phòng, chờ đợi, quay mặt về phía chúng ta, vẻ nôn nóng. Tuy nhiên, đó không phải là dáng hình thân thuộc như chúng ta mong đợi, cũng không mang sẵn ra cái hộp mà chúng ta hy vọng được xem lại, cũng chẳng có chồng bản thảo bụi bặm về lịch sử của thành phố Istanbul nào. Mặt gã tái nhợt, tựa như đã bị hút sạch sinh khí - chính xác là như bị hút sạch sinh khí. Đó không phải là người bạn thủ thư của giáo sư Turgut, mà là gã thủ thư mà cha biết, đôi mắt láo liên và sáng quắc, cặp môi đỏ rực dị thường, ánh mắt đói khát nhìn xoáy về hướng chúng ta. Ngay lúc đó, ánh mắt hắn dừng lại trên cha, cha cảm thấy bàn tay đã từng bị hắn bẻ quặt trong kho sách thư viện trường đại học của cha ở Mỹ run lên. Hắn đang khao khát một cái gì đó. Nhưng dẫu có đủ bình tĩnh để phỏng đoán nỗi khát khao đó là gì - dù đó là sự thèm khát có được tri thức ở đây hay là điều gì khác - thì cha cũng không có thời gian để suy nghĩ. Trước khi cha kịp đứng chặn giữa Helen và sinh vật ghê tởm kia, cô đã rút trong túi áo khoác ra một khẩu súng và bắn thẳng vào hắn.”