Chương 5 : Kiêu binh nổi loạn
Anh em Lê Duy Khiêm được thoát khỏi cái đời u tối ở nơi ngục thất mà trở về ánh sáng mặt trời là do tình cờ. Nhưng chỉ là tình cờ nhỏ bị bao hàm trong một tình cờ lớn nó đã đẩy nước Việt Nam vào một cuộc loạn ly ròng rã tới một phần tư thế kỷ.
Đầu mối của nó là cuộc đảo chính mà người đương thời gọi là “loạn kiêu binh”.
Kiêu binh chính tên là ưu binh, hoặc cũng gọi là “lính Tam phủ” là hạng lính được ưu đãi hơn lính các nơi khác (các trấn), vì chúng là lính mộ ở hai xứ Thanh, Nghệ, nơi phát tích của hai họ Trịnh và Lê. Vì hai xứ này đã có công lớn trong việc phục hưng và sáng nghiệp của vua Lê và Chúa Trịnh, nên lính hai xứ ấy được coi như chân tay của nhà Vua và nhà Chúa.
Ưu binh được bổng hậu hơn lính các trấn. Số công điền mà họ được hưởng cũng nhiều hơn. Và, trong lúc lính cách trấn phải đi “thú” nghĩa là lên đóng ở các tỉnh thượng du để chịu cái khổ lam sơn chướng khí và
Chặt tre đẵn gỗ trên ngàn,
Hữu thân hữu khổ, phàn nàn cùng ai.
Thì ưu binh được sống một đời nhàn nhã ở Thăng Long, công việc hàng ngày của họ không có gì nặng nhọc hơn là canh giữ các điện Vua và phủ Chúa.
Lính Tam phủ cũng như hầu hết các quân nhân khác thường là thất học. Khi được ưu đãi như vậy thì không những chúng không hiểu là một cái ơn riêng, cần phải dè dặt mà chúng lại còn trở nên kiêu căng, không coi ai ra gì cả.
Dân Bắc Hà vì ghét lính Tam phủ nên đặt cho chúng một tên chung là kiêu binh.
Vì được nhàn rỗi nên kiêu binh thường họp nhau ở ngoài phố mà uống rượu và chòng ghẹo đàn bà con gái. Túng tiền thì chúng đi cướp phá của các nhà bình dân.
Quan lại, hãn hoặc có người nghĩ cách trừng trị chúng thì chúng dọa giết, phá nhà.
Về đời Tây vương Trịnh Tạc, hai quan Tham tụng (tể tướng) là Phạm Công Trứ và Nguyễn Quốc Trinh mật xin với Chúa Trịnh đàn áp bọn kiêu binh. Chúng nghe biết, liền kéo đến phá nhà hai ông này. Nguyễn Quốc Trinh bị chúng giết ch.ết, Phạm Công Trứ máy trốn thoát.
Tây vương tr.a ra việc này, liền mang mấy tên thủ xướng ra chém, nên bọn kiêu binh từ đấy mới chịu nhụt đi chút đỉnh.
Đến đời Ân vương Trịnh Doanh, kiêu binh lại phá nhà quan Tham tụng là Nguyễn Công Thái. Chúng lại bị trừng phạt rất nghiêm. Nhưng đến cuối đời Tĩnh vương Trịnh Sâm thì chính sự của Vua và Chúa đều đổ nát quá rồi.
Vua Chúa yếu, lẽ tự nhiên là kiêu binh lại mạnh. Nhưng lính Tam phủ có lẽ cũng chưa thành một mối họa lớn cho Bắc Hà, nếu không có một cuộc tranh giành rất khốc hại xảy ra ở ngay trong nội bộ nhà Chúa.
Nguyên khi về già, Tĩnh vương rất say mê một người vợ lẽ tên là Đặng Thị Huệ, tục gọi là “bà Chúa Chè”. Vương tuy đã có một con trai lớn là Trịnh Khải, nhưng vì ghét Khải là con vợ cả nên không lập làm Thế tử, mà định truyền ngôi cho con trai Thị Huệ là Trịnh Cán, một đứa trẻ quặt quẹo ngày từ lúc mới đẻ và không thuốc thang nào chữa được.
Thị Huệ muốn có vây cánh trong chính phủ nên liên lạc với tước Huy quận công là Hoàng Tố Lý, một đại thần được Sâm rất tin dùng.
Trong lúc Tĩnh vương yếu nặng, Trịnh Khải xin vào thăm, nội giám – theo lệnh của Huy quận – nhất định không cho vào, Khải buồn bực quay về, mang cái khổ tâm của mình nói ra với bọn gia thần là Thế Vũ, Thẩm Thọ và Đàm Xuân Vực. Bọn này khuyên Khải nên sắm khí giới và một lấy một ít dũng sĩ để trực sẵn trong nhà, đợi khi nào Tĩnh vương mất thì giết Hoàng Tố Lý, hạ ngục Đặng Thị Huệ và Trịnh Cán, rồi tự lập lên làm Chúa. Lại sợ các Trấn không phục mà khởi loạn. Đàm Xuân Vực khuyên Khải nên mật ước với thầy học cũ của Khải là Nguyễn Khản, đốc trấn Sơn Tây và Nguyễn Khắc Tuân đốc trấn Kinh Bắc; hẹn sau này sẽ mang quân về giúp.
Cho lời bàn của Xuân Vực là phải, Trịnh Khải liền y kế thi hành. Ngoài ra lại sai người mang một nghìn lạng bạc lên Lạng Sơn tậu ngựa.
Không may có kẻ biết mưu này, đến báo với Đặng Thị Huệ. Lại gặp lúc bệnh của Tĩnh vương cũng vừa thuyên giảm. Vương nghe tin Trịnh Khải có âm mưu làm loạn thì tức giận vô cùng, lập tức cho đòi Nguyễn Khản, Nguyễn Khắc Tuân và tất cả những người đồng mưu về mà trị tội. Bọn Đàm Xuân Vực ngọt mười người phải chịu tử hình, Nguyễn Khắc Tuân tự tử trong ngục.
Việc này các nhà làm sử gọi là “vụ án năm Canh Tý”.
Trịnh Khải vì là con của Chúa nên được miễn tội ch.ết. Nhưng bị giáng làm quý tử, nghĩa là mất hết quyền nối ngôi cha, làm Chúa Bắc Hà.
Nhân việc này Đặng Thị Huệ xin với Tĩnh vương lập con mình là Trịnh Cán lên làm Thế tử.
Được ít lâu, bệnh của Vương lại phát ra rất nặng và tự liệu là không thể sống được. Vương liền mang việc lập Trịnh Cán làm Chúa mà ủy thác cho Huy Quận công. Nhưng Huy quận cho rằng một mình mình không kham nổi nên xin lập một hội đồng phụ chính trong có bảy người là Nguyễn Hoàn, Trịnh Kiều, Phan Lê Phiên…
Tĩnh vương mất.
Bọn Huy quận theo di chúc lập Cán lên làm Chúa, lấy hiệu là Điện Đô vương.
Trịnh Khải từ vụ án năm Canh Tý vẫn bị giam rất ngặt, nay được nới ra một chút để về phủ chịu tang. Khải nhân cơ hội liên lạc với bọn kiêu binh. Bọn này, phần vì ái ngại cho Trịnh Khải là con trưởng mà không được lập lại bị giam cầm khổ sở, phần khác vì ghét Quận Huy và Đặng Thị Huệ lộng quyền, liền họp nhau lại giết Quận Huy, bắt giam Đặng Thị Huệ, Trịnh Cán và lập Trịnh Khải lên thay, lấy hiệu là Đoan Nam vương.
Đoan Nam vương, vì là người chịu ơn của bọn kiêu binh, nên phải chiều chuộng chúng và mặc ý muốn làm gì thì làm. Kiêu binh nhân đó càng ngày lại càng kiêu thêm. Chúng tin rằng chúng có những quyền hạn vô đối, dù Vua chúa cũng không bằng.
Một hôm nhân họp nhau uống rượu, có kẻ nhắc đến việc Thái tử Duy Vĩ bị ch.ết oan và vợ con bị giam cầm. Thế là chúng nhao nhao lên, rồi chẳng suy nghĩ gì cả, chúng kéo ùa cả đến ngục Đề Lĩnh mà rước mẹ con Duy Khiêm về điện.