Chương 19 : Mái tóc của Lê Quýnh
Khi vua Chiêu Thống theo Tôn Sĩ Nghị chạy sang Tầu thì Lê Quýnh đương mắc bệnh, phải về tĩnh dưỡng tại quê nhà ở làng Đại Mão (Kinh Bắc).
Bệnh khỏi, Quýnh định củ hợp nghĩa binh để mưu việc khôi phục thì chợt có tin Phúc Khang An đòi đến Nam Ninh để bàn về việc cất quân.
Quýnh vội vã cùng với mấy đồng chí là Lê Doãn Trị, Lý Bỉnh Đạo, Nguyễn Mậu Nhĩ, Trịnh Hiền và Nguyễn Hiền lên đường. Tháng Tám năm Kỷ Dậu, bọn Quýnh tới Nam Ninh. Sực nhớ đến việc sang xin viện binh năm trước, Quýnh làm ra bài dưới này:
Khứ niên kim nhật đại Đông dương,
Thảm vũ sầu vân mãn thủy hương.
Giá đoạn quy trình vân vạn trục,
Vọng hồi khứ lộ thủy thiên quang.
Kim niên thử nhật Minh giang phố,
Nguyệt lãng phong thanh yên vạn hộ.
Tào tạp nha tê khuyến thưởng thu,
Phân mang quốc sự nan thành thú.
Phong tiền nguyệt hạ uổng thương bi,
Khốc tự tán đình đối khấp nhi.
Thí ngã chung tiêu song tận lệ.
Tư quân nhât nhật thập đa thì,
Tưởng lai tại tích Thiên hương các.
Quân tể tiêu ung hòa thả lạc,
Quân niệm dân gian tối khả lân,
Thân ngân binh sự nan giao độ.
(Ngày dầy năm trước ở Đông dương,
Gió thảm mưa sầu rất thảm thương.
Lối cũ dặm nghìn mây khói phủ,
Đường về trông lại nước mênh mang.
Ngày nay lưu lạc ở Minh giang,
Gió mát trăng trong trong cảnh rỡ ràng.
Eo óc người khuyên ta thưởng nguyệt,
Bộn bề việc nước thưởng sao đang.
Gió đấy trăng kia khóc cũng thừa,
Tân đình nào khác chuyện năm xưa.
Đôi hàng lệ nhỏ ta rầu rĩ,
Ngày trọn lòng ta những nhớ vua.
Nhớ xưa khi ở Thiên Hương các,
Vua tôi vui hưởng thú xum họp.
Vua lo dân khốn tình nên thương,
Nghĩ việc quân cơ khó nỗi lường.)
Bọn Lê Quýnh hội kiến với Phúc Khang An ở Ngô Châu. Khang An nói cho Quýnh biết là vua tôi nhà Lê đã cắt tóc dịch phục rồi khuyên Quýnh cũng theo gương ấy. Quýnh quát lớn:
- Ngài cho đòi chúng tôi nghìn dặm lại đây, tưởng truyền bảo được điều gì. Không ngờ chỉ khuyên có cắt tóc với đổi ăn mặc theo người Tầu. Xin nói để Ngài biết rằng đâu chúng tôi có thể cắt được, chứ tóc chúng tôi không thể cắt được.
Phúc Khang An dỗ dành Lê Quýnh không được, tức giận cho giải cả bọn lên Yên Kinh. Bọn Quýnh đi đến Sơn Đông thì gặp vua Càn Long đi tuần đến tỉnh này. Vua Tầu cho đòi Quýnh đến Thái An hành cung truyền:
- Các ngươi không vì sự thịnh suy mà một lòng theo chủ, lòng trung nghĩa thật đáng thương. Trẫm không bao giờ nỡ làm tội các ngươi cả. Theo như lời tâu của Quân cơ đại thần[19] thì tiến, các ngươi không thể làm được như Bao Tư mà thoái thì tất bị Nguyễn Huệ làm hại. Vậy để khi nào Trẫm trở về kinh sẽ xét mà khu xử cho các ngươi[20].
Tới Bắc Kinh, bọn Lê Quýnh bị giữ lại Lôi thần miếu. Được ít lâu, vua Thanh lại cho quan đến bảo:
- Chủ các ngươi đã cắt tóc, đổi áo và nhận một chức quan tam phẩm rồi. Nhà vua định cho các ngươi làm quan ngũ, lục phẩm gì đó, nếu các ngươi cũng cắt tóc và đổi áo như vua các ngươi. Các ngươi có bằng lòng không?
Lê Quýnh nhất định khước từ và xin cho được về nước để phụng dưỡng cha mẹ, nhưng vua Thanh làm ngơ đi, giam luôn bọn Lê Quýnh ở Thận hình ti dòng dã tới mười năm, tuy thỉnh thoảng vẫn khuyên cắt tóc và đổi áo, nhưng Quýnh không chịu. Nói về thân thế của mình, Tràng Phái hầu có gửi cho bạn một bài thơ, trong có hai câu:
“Thân khốn thập niên hoài tố tiết,
Mệnh tùy nhất phát biểu đan trung.”
(Mười năm giữ tiết cam tù tội,
Một tấm lòng son gửi tóc tơ.
Hay là:
Thân khốn mười năm, tròn một tiết,
Mệnh treo mái tóc, rãi lòng son.)
Sau khi đã phong cho Nguyễn Huệ làm An Nam Quốc vương rồi, người Tầu nghĩ lưu vua tôi Chiêu Thống ở Quảng Tây cũng vô ích nên cho đưa cả lên Yên Kinh để biệt hẳn đi một nơi.
Nhà Vua và Thái hậu khởi hành từ Quế Lâm ngày hai mươi mốt tháng Hai năm Kỷ Dậu, đến mùng năm tháng Năm mới tới Bắc Kinh trú tạm tại phía ngoài cửa Chính Dương.
Sáng ngày mồng bảy, người Tầu cho xe ngựa đến đưa Thái hậu, vua Chiêu Thống và Nguyên tử đến ngụ tại ngõ Hồ Đồng cạnh Quốc tử giám về phía cửa Tây Định, thành Bắc Kinh. Chỗ này người Tầu gọi là “Tây An Nam doanh”. Các bề tôi tòng vong thì họ cho ở cửa Đông Trực, gọi là “Đông An Nam doanh”. Họ lại cấp lương cho ăn, việc đi lại thăm nom nhau được tùy ý.
Được ít lâu, vua Chiêu Thống nghe tin vua Càn Long sắp lên hành cung Nhiệt Hà nghỉ mát. Nhà Vua liền họp các bề tôi lại, thảo biểu xin viện binh và nhờ đức Đô thống Nhượng hoàng kỳ là Kim Giản tâu lên giúp.
Kim Giản với Hòa Thân và Phúc Khang An vốn cùng một bọn nên đã tự tiện chữa biểu văn hoặc tâu khác hẳn lời trong biểu đi để bưng mắt vua Thanh và đánh lừa vua Chiêu Thống, nên khi vua tôi vua Chiêu Thống quỳ phục ở vệ đường để đón, xa giá vua Thanh có ngừng lại một lát và một quan thị thần truyền xuống:
- Hoàng đế có chỉ ban khen, cho lậy tạ mà về kinh.
Một lúc sau, Kim Giản đến giao sắc phong cho vua Lê chức Lĩnh thôi, đời đời được tập phong quan chức và mũ áo tam phẩm. Vua Lê miễn cưỡng phải nhận.
Mấy hôm nữa lại có quan trong Nội phủ ra vời nhà vua vào Định đình, ban cho bốn trăm lạng bạc và truyền cho người trong Nhượng hoàng kỳ phải cung cấp cho vua tôi vua Chiêu Thống tất cả những vật cần dùng. Các bề tôi đi theo thì mỗi người được hưởng 500 đồng tiền và mọi việc mừng, phúng đều theo tục người Mãn Châu cả.
Sang tháng Tám, Kim Giản phụng chỉ vua Thanh (ở Nhiệt Hà về) đến thăm nom vua Chiêu Thống và lấy Phan Khải Đức làm Khiêu kỵ hiệu, Đinh Nhạ Hành, Phạm Đình Thiện làm Lĩnh thôi. Các bề tôi khác thì được ban cho mỗi người ba khẩu phần lương, tháng ba lạng bạc và một thạch gạo. Không bao lâu vì Phan Khải Đức phạm tội bất kính với vua Chiêu Thống nên bị truất, lấy Đinh Nhạ hành lên thay làm Khiêu kỵ hiệu.
Thấy người Tầu không có ý gì cất quân cả và chỉ tìm cách lừa dối mình, vua Chiêu Thống buồn rầu làm nên mấy thiên đường luật sau này:
Cố hương thiều đệ tín âm diêu,
Nhất phú mao khâu bách cảm chiêu.
Xương tuyết na kham phi cố quốc,
Phongba thùy dữ cộng kim chiêu,
Bất tu đối khấp tăng trù trướng.
Thả phú phiêu vân đa bất trắc,
Khả tương tung tích hỗn ngư tiều.
Tin nhà bằn bặt cách trời mây
Một khúc gò Mao mấy đắng cay.
Xót nỗi tuyết sương nơi đất lạ,
Ai cùng sóng gió cuộc ngày nay?
Chi trò “đối khóc” càng thêm tủi,
Này phú “lên lầu” hãy tạm khuây.
Mây trở, khôn lường đời lật lọng,
Thôn chài, xóm củi, liệu qua ngày.
(Nhất soang tâm sự hữu thùy trí,
Uất khí không hoài úy đẩu, kỵ,
Thân thế thán như triều đăng rạng,
Hành tàng tiếu tự liễu ly phi.
Khuyến quân thả tửu Tân đình lệ,
Đãi ngã hoàn ngâm Trung lộ thí.
Thử khứ hảo bằng tam xích kiếm,
Khẳng giao tha thí độc tiên thi.
Một tấm lòng son tỏ với ai?
Khi căm như muốn phá mây trời,
Gập ghềnh thân tựa trào sô đập.
Lang chạ đời như liễu tả tơi,
Giọt lệ Tân đình ngươi vẩy thử.
Câu thơ Trung lộ tớ ngâm chơi,
Chuyến này chỉ cậy gươm ba thước.
Há trận đòn thân chịu kém người?)[21]
Liệu biết chờ đợi mãi cũng chỉ đến tổn thì giờ vô ích, mùa đông năm ấy, nhà Vua cùng với bọn Hoàng Ích Hiểu, Phạm Như Tùng, Lê Hân, Nguyễn Quốc Đống, Nguyễn Viết Triệu, Lê Văn Trương, Lê Quý Thích, Lê Tùng, Nguyễn Đình Cẩm, Lê Thức, tất cả mười người, uống máu ăn thề, quyết dâng biểu xin viện binh; bằng không được thì cũng xin lấy hai tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên để giữ việc tế tự và nếu có xảy ra điều gì bất trắc đi ngữa thì sống ch.ết cũng có nhau.
Biểu thảo xong, vua tôi đến nói lót với Kim Giản, Kim Giản từ chối, vua tôi liền phục xuống đất kêu khóc, nhất định không về. Bất đắc dĩ Kim Giản phải mời vào, pha trà đãi tọa và dỗ:
- Nhà Vua cứ về ngụ sở mà an nghỉ, để tôi còn thương lượng.
Một tháng sau, có lại dịch đến bảo nhà Vua:
- Hoàng thượng đã xuống chỉ cho ở Khâm Châu, sang xuân này khởi hành cũng không muộn.
Vua tôi Chiêu Thống tuy không dám tin, nhưng không làm thế nào khác được, đành cứ ngong ngóng ngồi chờ. Tháng Ba năm sau chợt có lại dịch đến bảo:
- Hoàng thượng đã xuống chỉ cho nhà Vua về ở Tuyên Quang. Các bề tôi phải lập tức đội mũ mặc áo theo quốc vương vào lậy tạ.
Mọi người vội vã theo lại dịch đến chờ ở ấn phòng. Không ngờ Hòa Thân đã ngầm sai người lấy khóa sắt khóa cửa ấn phòng lại, rồi bắt cả bọn lên xe trâu mà đầy ra ngoài ba trăm dặm:
Hoàng Ích Hiểu đi Y Lê;
Phạm Như Tùng lên Hắc Long Giang;
Lê Hân đi Phụng Thiên;
Nguyễn Quốc Đống, Cát Lâm;
Nguyễn Viết Triệu, Lê Văn Trương đi Trương Gia Khẩu.
Duy có Phạm Đình Thiện được lưu lại Bắc Kinh với vua Chiêu Thống, Thái hậu và Nguyên tử.
Tại sao Hòa Thân lại có cử chỉ tàn nhẫn như vậy?
Nguyên trong thời kỳ ở Bắc Kinh, ngày nào vua tôi Vua Chiêu Thống cũng quây quần với nhân để bàn chuyện tiến thủ và xin viện binh. Mỗi lần nhà Vua dâng một tờ biểu vào triều thì Hòa Thân lại mất công bưng bít để khỏi bị vua Thanh nhìn thấy chỗ giả dối. Sau rốt, Kim Giản nghĩ chỉ có cách là đầy mỗi người đi một nơi là khỏi phải ngầy ngà[22] và mới có cơ ăn ngon ngủ yên được.
Vua Chiêu Thống nghe tin trên này, trong lòng bứt dứt không sao chịu được. Nhà Vua lập tức cưỡi ngựa đến nhà Kim Giản, định kêu oan cho bề tôi. Nhưng lại gặp phải lúc Kim Giản vào chầu vua Thanh ở vườn Viên Minh. Nhà Vua vô tình cứ tế ngựa vào vườn, bị quân canh ngăn cản lại. Người đi theo hầu nhà Vua là Nguyễn Văn Quyên kêu rầm lên. Bọn lính canh sợ đến tai vua Thanh, liều kéo nhau ra lôi vua Lê xuống ngựa mà đẩy lên xe, đưa thẳng đến nhà ngục.
Quyên tức giận, quát lớn:
- Bọn chó Ngô kia, sao dám làm nhục đến Vua tao?
Rồi nhặt gạch đá mà ném bừa vào bọn lính canh. Bọn này xô đến đánh Nguyễn Văn Quyên đến nhừ tử, rồi bắt giam. Một tháng sau, Quyên được tha thì vì những vết thương mà ch.ết.
Khi vua Lê đương bị giữ tại Thận hình ti, Hòa Thân sai người đến Tây An Nam doanh bảo Thái hậu viết biểu tâu, trong đó nói quốc vương vẫn tình nguyện ở yên Trung Quốc. Việc xông xáo vào vườn kêu xin viện binh là do bọn bề tôi xúi giục. Đương thảo thì chợt có viên nội giám là Nguyễn Trọng Đặc bước vào, trông thấy, liền giằng lấy biểu xé đi, nói:
- Cứ mắc lừa người ta mãi, để bề tôi ch.ết cả hay sao?
Từ đó Hòa Thân cấm chỉ không cho hai doanh đi lại với nhau nữa. Thành thử chung quanh vua Chiêu Thống chỉ trơ trọi có Thái hậu, Nguyên tử và mấy người hầu. Bị thua trận, bị mất nước, tiếp lại bị người Tầu lừa đối và kinh bỉ, nhà Vua tuy đau khổ, nhưng còn có chỗ để tự yên ủy là san sẻ được cái đau khổ ấy với bọn bề tôi tòng vong. Đến nay thì cái hạnh phúc sau cùng ấy cũng không còn nữa, vì Thanh triều đã đầy ải mỗi người đi một nơi, khiến cho nhà Vua rầu rĩ suốt ngày, mở miệng không biết phàn nàn với ai được.
Để thống mạ[23] cái dã tâm của bọn Hòa Thân, bọn cựu thần nhà Lê đã thảo nên mấy thiên đường luật dưới đây:
“Nhất tâm báo quốc thử thân khinh,
Thác trước ta tai phu tử hành.
Tảo thức đại bang vô tín nghĩa,
Bội thành nhất chiến tử do vinh.”
(Tấm thân báo nước nhẹ lông hồng,
Tính nước cờ lầm hóa uổng công.
Sớm biết đại ban không tín nghĩa,
Đánh liều, có ch.ết cũng hơn không.)
“Ỷ lại tha nhân kế dĩ phi,
Thương lương nhất khứ khứ vô quy.
Tân đình đối khấp thùy ngu ngã,
Hồi thủ hà sơn không tự bi.”
(Nhờ sức người nay kế hỏng rồi,
Quá chân lỡ bước, chuyện về thôi.
Cùng nhau khóc kể mưu phường bịp,
Ngoảnh lại non sông lệ vắn dài.)
__
[19] Hòa Thân.
[20] Dàn xếp phân minh.
[21] Không có biệt tài về nghệ dịch thơ chữ Hán, những bài trên này đều dịch lược để cung một sử liệu cho các độc giả. Nếu có câu nào không lột được hết ý nghĩa của nguyên văn xin các Ngài vui lòng tha thứ và sửa giúp cho.
[22] Trách móc dai dẳng.
[23] Chửi mắng thậm tệ.