Chương 18 : Truyện Nam Chiếu
Nước Nam Chiếu là hậu duệ của Triệu Võ Đế Đà. Xưa thời Hán Vũ Đế, quan Thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia không phục nhà Hán, giết sứ nhà Hán là An Quốc và Vương Lý; Hán Vũ Đế sai Lộ Bác Đức và Dương Bộc đem binh sang đánh, bắt Vệ Dương Vương Kiến Đức và Lữ Gia rồi chiếm luôn cả nước, chia đặt Thú Lệnh.
Họ Triệu mất rồi, con cháu tản mát ra ở khắp bốn phương, hội lại ở Thần Phù, Hoàng Sơ là những nơi hoang nhàn không có người ở, đóng thuyền qua biển, giết quan Thú Lệnh nhà Hán mà xưng làm Nam Việt, lại ngoa truyền là Nam Chiếu. Kịp đến đời Tam quốc, vua Ngô Tôn Quyền sai bọn Đái Lương, Lữ Đại qua làm Thú mục để cai trị.
Nam Chiếu từ mấy chỗ Thiên Cầm sơn, Hà Hoa, Cao Hoàng, Hoành Sơn, Ô thị, Hải Ngạn, Đại Bộ, Trường Sa, Chú Đổ, Cáp Lội Lôi, núi cao biển sâu, sóng gió hiểm trở, tuyệt nhiên không có dấu người, dân chúng Nam Chiếu chiếm cứ mà ở, dần dần càng đông mới đem của cải châu ngọc thông giao với nước Tây Bà Dạ mà cầu làm thân thuộc để cứu trợ nhau.
Cuối đời nhà Tấn, thiên hạ đại loạn, có kẻ Thổ tù tên là Triệu Ông Lý cũng là dòng dõi Triệu Vũ, anh em rất đông, dũng lực hơn người, dân chúng đều kính phục, cũng theo về với Nam Chiếu đông hơn hai vạn người, lại đem bảo ngọc cầu thông với nước Bà Dạ, xin chỗ đất trống ở mé biển mà ở. Bấy giờ, nước Bà Dạ sai lấy đều một nửa từ bờ biển đến tận đầu nguồn chia làm hai lộ, trên tự Quý Châu đến Diễn Châu làm lộ Nhứ Hoàn, dưới từ Cầm Châu đến Hoan Châu làm lộ Lâm An chia cho Nam Chiếu do Ông Lý thống trị.
Khi Ông Lý đắp thành ở Cao Xá châu Diễn Châu, Đông giáp biển, Tây đến Bà Dạ quốc, Nam đến Hoành Sơn tự lập lên làm vua thì nhà Đông Tấn sai Tướng quân Tào Khả đem binh sang đánh. Ông Lý ở chỗ yếu hiểm đầu nguồn, mai phục tượng binh đón đánh, lại xuất quân ra ngoài núi Liên Mạt để tránh, giặc tụ thời tan, giặc tan thời tụ, sớm ra tối vào, qua lại bốn năm năm chưa từng giao chiến. Quân Tấn không hợp lam chướng, tử vong quá nửa, đến lúc kéo quân trở về, Nam Chiếu lại xâm lăng các nơi đô thành Tràng An, quan Thú Lệnh không chế ngự được; đến đời Đường lại càng thịnh vượng.
Vua Ý Tông sai Cao Biền sang đánh; không hơn được, Biền phải trở về. Đến đời Ngũ Đại, Thạch Kính Đường nhà Hậu Tấn sai quan Tư mã Lý Tiêm đem mười vạn quân đánh ở Đồ Sơn; Nam Chiếu rút lui bèn phụ vào với nước Ngô Đầu Mô giáp giới với nước Ai Lao, nay là nước Bồn Man vậy.
Niên hiệu Hàm Thông thứ sáu, vua Ý Tông nhà Đường sai Cao Biền sang làm Đô Hộ đem binh đánh Nam Chiếu, bèn đặt đạo quan Thịnh Hải ở thành An Nam và cho Biền làm Tiết Độ Sứ.
Cao Biền thông hiểu thiên văn địa lý, mới xem địa hình đắp La thành ở phía Tây sông Lô, chu vi ba nghìn bước mà cư trú; có một con sông nhỏ từ Tây bắc chảy qua phương Nam, lại chảy vào sông Cái; mỗi lần trời mưa, nước sông dâng lên rộng lớn. Biền cỡi thuyền đi chơi bỗng thấy một ông già đầu tóc bạc phau, dung mạo kỳ dị đang chơi ở giữa sông cười nói tự nhiên. Biền hỏi ông già tính danh là gì. Ông già thưa:
- Ta họ Tô tên Lịch.
- Nhà ông ở đâu?
- Nhà ở giữa sông này.
Nói đoạn, vỗ tay một cái thì trời đất tối tăm, hốt nhiên không thấy đâu nữa. Biền biết là một vị thần mới đặt tên sông ấy là sông Tô Lịch.
Một buổi trời mới sáng, Biền đứng ở phía đông Nam đô thành, trên bờ sông Lô, trông thấy giữa sông lộng gió, sóng cuộn ầm ầm, mây đen mù mịt, có một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mão tía, tay cầm thẻ vàng bay lên lượn xuống trong ánh sáng; mặt trời đã cao ba sào, khí mây chưa tan và hình người vẫn đứng; Biền rất kinh dị muốn yểm đi nhưng chưa quả quyết; đêm ấy, nằm mộng thấy thần nhân bảo:
- Đứng yểm ta, ta là tinh Long Đậu, trưởng của địa linh, nghe ngươi đến đắp thành ở đây chúng ta chưa được gặp nhau nên ta đến ra mắt, nếu có yểm thì ta cũng chẳng lo gì.
Biền kinh động, sáng ngày thiết đàn làm chay, dùng vàng bạc đồng sắt làm phù phép tụng chú ba ngày đêm, rồi chôn phù mà yểm. Đêm ấy sấm sét ầm ầm, gió mưa dữ dội, trong khoảng chốc lát lại thấy các phù vàng bạc, đồng sắt bị tung lên trời đất, hóa thành tro cháy bay đi mất hết.
Cao Biền than rằng:
- Chỗ này có thần linh dị, không nên ở lâu mà mắc phải hung họa, ta nên gấp trở về Bắc.
Sau Ý Tông triệu Biền về, Biền quả bị giết.