Chương 22 : Truyện Sĩ Vương Tiên
Xét Tam Quốc Chí thì Vương họ Sĩ, tên là Nhiếp, người làng Quảng Đức, quận Thương Ngô, Tiên tổ là người Vấn Dương nước Lỗ, gặp loạn Vương Mãng tránh ở chỗ này, đến đời Hoàn Đế nhà Hán thì làm quan Thái thú quận Nhật Nam.
Lúc nhỏ Vương du học Hán kinh, chuyên trị sách Tả Thị Xuân Thu [2], đậu khoa Hiếu liêm, được phong làm Thượng Thư Lang, vì công sự bị miễn chức. Sau đậu khoa Hiền lương Mậu tài, bổ làm quan Lệnh Vu Dương. Đời Hiến Đế thì thiên chuyển làm chức Thái thú Giao Châu. Gặp cuối đời Hán, Tam Quốc phân lập, Sĩ Vương xây đắp Lăng thành (nay là thành Long Biên). Hiến Đế nghe vậy gửi cho Vương một bức tỷ thư, khiến đổng đốc bảy quận và thống lĩnh chức Thái thú Giao Châu như cũ. Vương sai quan Lại là Trương Mân phụng mệnh sang Hán kinh lo chức cống. Vua Hán lại hạ chiếu phong cho Vương làm An Viễn tướng quân, tước Đình Hầu Long Độ. Đến đời Ngô Tôn Quyền gia phong làm Hữu Tướng Quân và tất cả ba con đều được phong chức Lang Trung. Kịp lúc sang cống phương vật, vua Ngô hậu gia thưởng tứ để đáp ủy, lại cho người em tên là Nhất lãnh chức Thái thú Hợp Phố, Vỹ lãnh chức Thái thú Cửu Chân, Vũ lãnh chức Thái thú Nam Hải.
Vương thể mạo khoan hậu, khiêm hư tiếp đãi mọi người, các danh sĩ nhà Hán tránh loạn qua nhờ vả rất nhiều. Dân ta tôn xưng là Vương. Vương Huy nhà Hán gửi thư cho Thượng thư Tuân Úc đại lược nói rằng: "Sĩ Phủ Quân ở Giao Châu học vấn đã ưu bác, lại thấu đạt chính trị, ở trong cảnh đại loạn mà bảo toàn được một phương, hơn ba mươi năm biên cảnh vô sự, dân không bị mất mùa, họ Đậu dù giữ Tây Hà cũng không lấy gì làm hơn được. Huống chi các em của Vương đều làm hùng trưởng liệt quận, đi ra thì xe ngựa đầy đường, người đương thời quý trọng, uy chấn bách man, kìa như Úy Đà cũng không hơn vậy".
Vương thọ chín mươi tuổi, ở ngôi được bốn mươi năm, càng giỏi điều nhiếp nguyên khí, giáo huấn nhân tài.
Vương mất, chôn xuống dưới đất, kể đến cuối đời nhà Tấn thì là một trăm sáu mươi năm; lúc bấy giờ Lâm Ấp vào cướp, khai mả Vương lên thì thấy toàn thể không hư nát, mặt mày như sống; chúng sợ quá bèn chôn cất như cũ. Đời truyền Vương được đạo tiên, lập đền mà thờ phụng.
Niên hiệu Hàm Thông thứ tám nhà Đường, Cao Biền chinh bình Nam Chiếu, đi ngang qua vùng ấy thì thấy một dị nhân, dung mạo tú lệ, y quan nghiêm nhã, liền đón đường nghênh tiếp; Cao Biền thích lắm, rước vào trong màn nói chuyện về thời sự đời Tam Quốc; lúc trở ra, Cao Biền đi đưa chân, hốt nhiên không thấy nữa. Cao Biền lấy làm lạ, hỏi những người trang thôn; họ chỉ mộ Sĩ Vương Tiên mà thưa.
Cao Biền than thở giây lâu bèn ngâm bài thơ rằng:
Sau Hoàng Sơ nhà Ngụy.
Đến đây năm mươi niên.
Đường Hàm Thông thứ tám.
May gặp Sĩ Vương Tiên.
Nhân dân ở các châu huyện gần xa có việc đến cầu đảo đều thấy linh ứng. Triều nhà Trần gia phong Thiện Cảm Linh Ứng Vũ Đại Vương đến nay vẫn là Phúc Thần. Bây giờ đền thờ tại huyện Siêu Loại, xã Thanh Tương, thôn Lũng Triều, uà tại huyện Gia Định, xã Tam Á; hai đền thờ ấy đều được phong là thượng đẳng.
__
1. Quyển này in chữ ngả để phân biệt với hai quyển trên của Trần Thế Pháp (Xem phần Dẫn Nhập).
2. Sách Xuân Thu có ba bản, bản của họ Tạ, tức Tạ Khâu Minh được phổ biến nhiều nhất.