Chương 16: Thư viện khoa học giả tưởng

HENRY: Matt và tôi đang chơi trốn tìm trong các giá sách ở khu vực sách đặc biệt. Cậu ấy tìm tôi vì chúng tôi phải tổ chức buổi Show ‘N Tell thư pháp cho ủy viên quản trị Newberry và câu lạc bộ các quý bà thư pháp của bà ấy. Tôi trốn cậu ấy vì đang cố mặc quần áo đầy đủ vào người trước khi cậu ấy thấy tôi.


“Thôi nào, Henry, họ đang đợi.”, Matt gọi vọng ra từ đâu đó trong khu vực sách một mặt. Tôi kéo quần lên trong khu vực sách nghệ thuật Pháp thế kỉ 20. “Đợi một chút, tớ muốn tìm thứ này đã”, tôi gọi với ra. Tôi tự nhủ sẽ phải học thuật nói bụng phát ra những âm thanh nghe như thể của một người đang ở xa cho những trường hợp như thế này. Giọng Matt đang tiến lại gần hơn, “Cậu biết bà Connelly sẽ rất lo lắng nếu chậm trễ, quên thứ cậu đang tìm đi, ra đây...” Matt thò đầu vào đúng lúc tôi đang cài cúc áo. “Cậu đang làm gì đấy?”


“Sao cơ?”
“Cậu lại trần truồng mà chạy lông nhông hả?”
“Có lẽ vậy.” Tôi giả đò thờ ơ.


“Vì Chúa, Henry, đưa xe đây.” Matt túm lấy chiếc xe chất đầy sách và bắt đầu kéo về phía phòng đọc. Cánh cửa kim loại nặng nề mở ra rồi đóng lại. Tôi đi tất, xỏ giày vào, thắt cà vạt, phủi bụi trên áo khoác và mặc lên người. Rồi tôi bước vào phòng đọc, đứng đối mặt với Matt qua chiếc bàn học dài vây quanh bởi các quý bà trung niên giàu có, và bắt đầu diễn thuyết về những cuốn sách viết tay của thiên tài thư pháp Rudolf Koch. Matt trải lớp nỉ rồi mở hồ sơ và những món đồ thông thái về Koch ra. Đến cuối buổi, cậu ấy tỏ ra có vẻ sẽ không giết ch.ết tôi lần này. Các quý bà hạnh phúc bỏ đi ăn trưa. Matt và tôi đi quanh bàn, nhét sách trở lại hộp của chúng và vào xe đẩy.


“Tớ xin lỗi vì sự chậm trễ”, tôi nói.
“Nếu không phải vì cậu có tài”, Matt đáp, “thì chúng tôi đã thuộc da cậu và dùng để đóng Bản tuyên ngôn của Chủ nghĩa Khỏa thân rồi.”
“Chẳng có cuốn sách nào như thế cả.”
“Cược không?”


“Không.” Chúng tôi đẩy xe trở lại các giá sách và bắt đầu xếp chúng lên. Tôi khao Matt bữa trưa ở Beau Thai, và mọi chuyện được xí xóa, nhưng không được quên.
Thứ Ba, 11/ /1995 (Henry 31 tuổi)


available on google playdownload on app store


HENRY: Có một dãy cầu thang ở thư viện Newberry mà tôi rất e ngại. Nó nằm cuối hành lang dài chạy qua suốt bốn tầng, ngăn cách phòng đọc khỏi những dãy giá sách. Nó không hùng vĩ như cầu thang chính với những bậc thang cẩm thạch và chấn song chạm trổ. Nó không có khoang hở. Nó được lắp đèn huỳnh quang, tường bê tông xỉ than, bậc thang bê tông sơn các dải an toàn màu vàng. Cửa kim loại không cửa sổ ở mỗi tầng. Nhưng đây không phải là những điều khiến tôi ái ngại. Điều tôi sợ ở dãy cầu thang này là cái lồng.


Cái lồng cao bốn tầng ở giữa trung tâm cầu thang.


Mới nhìn, nó trông hệt như lồng thang máy, nhưng không có thang máy, trước đây cũng không. Không ai ở Newberry biết cái lồng này dùng để làm gì, hay tại sao nó được lắp ráp. Tôi đoán chắc để ngăn người ta khỏi nhảy xuống cầu thang và đáp xuống đất trong hình hài bầy nhầy một đống. Cái lồng được sơn màu vàng be. Nó được làm từ thép.


Khi tôi mới đến làm việc ở Newberry, Catherine đã dẫn tôi đi khắp mọi ngóc ngách. Cô ấy tự hào chỉ cho tôi các dãy giá sách, phòng phân loại và phòng chưa đem vào sử dụng ở phía đông, nơi Matt tập hát, phòng ngủ nhỏ bừa bộn đến kinh ngạc của McAllister, phòng làm việc cá nhân của nhân viên, phòng ăn. Lúc Catherine mở cửa cầu thang, khi trên đường đến phòng thảo luận, tôi đã bị hoảng loạn trong giây lát. Tôi liếc nhìn đống dây nhợ lòng thòng của cái lồng và khựng lại, như một con ngựa bất kham.


“Đó là cái gì vậy?” Tôi hỏi Catherine.
“Ồ, đó là cái lồng”, cô ấy trả lời.
“Lồng thang máy?”
“Không, chỉ là một cái lồng thôi. Tôi không nghĩ nó có chức năng gì cả.”
“Ồ.” Tôi bước lại gần, nhòm vào trong. “Có cửa ở dưới không?”


“Không. Không thể vào trong đó được.”
“Ồ.” Chúng tôi bước lên cầu thang và tiếp tục chuyến tham quan.
Kể từ đó, tôi đã tránh không sử dụng cầu thang. Tôi cố không nghĩ đến cái lồng; tôi không muốn bày vẽ chuyện. Nhưng nếu tôi hiện hình trong đó, sẽ không có cách nào thoát ra.


Thứ Sáu, 9/ /1995 (Henry 31 tuổi)


HENRY: Tôi hiện hình trên sàn nhà vệ sinh nam dành cho nhân viên ở tầng bốn thư viện Newberry. Tôi đã đi mấy ngày trời, lạc ở năm 1973, đâu đó vùng quê Indiana. Tôi mệt, đói và râu ria lởm chởm; tệ nhất là, mắt tôi thâm tím và tôi không thể tìm thấy quần áo của mình. Tôi đứng dậy và đóng cửa buồng vệ sinh, ngồi xuống nghĩ. Trong lúc tôi đang nghĩ, có người bước vào, kéo khóa quần và làn nước tiểu chảy ra. Sau khi xong việc, anh ta kéo khóa và đứng yên trong vài giây, ngay lúc đó tôi hắt hơi.


“Ai đó?” Roberto nói. Tôi ngồi im. Qua khe hở dưới cửa, tôi thấy Roberto đang từ từ cúi người xuống và nhìn vào chân tôi.
“Henry?” ông ấy nói. “Tôi sẽ bảo Matt mang quần áo cho cậu. Vui lòng mặc vào rồi đến văn phòng tôi.”


Tôi lẻn vào văn phòng Roberto và ngồi xuống đối diện ông ấy. Ông ấy đang có điện thoại, nên tôi lén nhìn vào tờ lịch trên bàn. Đang là thứ Sáu. Đồng hồ phía trên chỉ 2 giờ 17. Tôi đã biến mất hơn 22 tiếng. Roberto từ tốn đặt ống nghe xuống và quay sang tôi. “Đóng cửa lại”, ông ấy nói. Đây đơn thuần chỉ là hình thức, vì các bức tường của văn phòng của chúng tôi không thực sự cao kín tới trần nhà, nhưng tôi vẫn làm theo lời ông ấy bảo.


Roberto Calle là một học giả lỗi lạc về thời kì Phục Hưng Ý và là chủ nhiệm của phòng sưu tập đặc biệt. Ông ấy là một người đàn ông trung niên hồng hào, râu quai nón, và rất thân thiện; ông ấy đang nhìn tôi buồn bã sau cặp kính cận và nói, “Thư viện không thể chấp nhận chuyện này được, cậu hiểu chứ?”


“Vâng, tôi hiểu.”
“Tôi có thể hỏi làm sao mắt cậu lại thâm quầng ấn tượng thế chứ?”
“Tôi nghĩ tôi đã va vào cây.”


“Dĩ nhiên rồi. Tôi mới ngớ ngẩn làm sao khi không nghĩ ra chuyện đó.” Chúng tôi ngồi và nhìn nhau. Roberto nói, “Hôm qua tôi tình cờ nhìn thấy Matt ôm một chồng quần áo đi vào văn phòng của cậu. Vì đây không phải là lần đầu tiên tôi nhìn thấy Matt đi loanh quanh với quần áo trên tay, nên tôi hỏi cậu ấy đã lấy đâu ra chỗ quần áo đó, và cậu ấy nói rằng cậu ấy nhặt được nó trong phòng vệ sinh nam. Tôi lại hỏi vì sao cậu ấy cảm thấy cần phải chuyển đống quần áo đó tới văn phòng của cậu, và cậu ấy bảo vì chúng trông như những gì cậu đã mặc, và đúng vậy. Và vì không ai có thể tìm thấy cậu, nên chúng tôi đã để chồng quần áo lên bàn của cậu.”


Ông ấy dừng lại như thể đáng ra tôi phải nói gì, nhưng tôi không thể nghĩ ra điều gì hợp lí để nói. Ông ấy tiếp tục, “Sáng nay Clare gọi điện và báo với Isabelle rằng cậu bị cúm, không thể đi làm.” Tôi tựa đầu vào tay. Mắt tôi đang giật liên hồi. “Cậu tự giải thích đi”, Roberto nói.


Tôi rất muốn được nói, Roberto ạ, tôi bị mắc kẹt ở năm 1973 và không thể trở lại. Tôi đã ở Muncie, Indiana, suốt mấy ngày trời và phải sống trong chuồng gia súc. Tôi đã bị thụi bởi gã chủ chuồng gia súc đó vì hắn nghĩ tôi đang tính giở trò đồi bại với con cừu của gã. Nhưng dĩ nhiên tôi đã không nói vậy. Tôi nói, “Tôi thực sự không thể nhớ được gì, Roberto ạ. Tôi xin lỗi.”


“Thôi thì, có lẽ Matt đã thắng.”
“Thắng gì cơ?”


Roberto mỉm cười, tôi nghĩ có lẽ ông ấy sẽ không đuổi việc tôi. “Matt cược rằng cậu sẽ không thèm giải thích. Amelia đặt tiền vào cửa bắt cóc bởi người ngoài hành tinh. Isabelle cược cậu có dính líu đến đường dây ma túy quốc tế, đã bị bắt cóc và bị giết bởi xã hội đen.”


“Catherine thì sao?”
“Ồ, Catherine và tôi tin rằng tất cả những chuyện này là do sở thích ȶìиɦ ɖu͙ƈ kì quái lập dị không thể nói ra có liên quan đến thoát y và sách.”
Tôi hít một hơi dài. “Nó giống chứng động kinh hơn”, tôi nói.


Roberto có vẻ hoài nghi. “Động kinh? Cậu biến mất trưa ngày hôm qua. Cậu bị thâm tím một bên mắt và trầy xước khắp tay lẫn mặt. Tôi đã sai bảo vệ đi tìm cậu khắp mọi ngóc ngách của tòa nhà; họ bảo tôi rằng cậu có sở thích cởi quần áo giữa những giá sách.”


Tôi nhìn chằm chằm vào móng tay của mình. Khi tôi ngẩng lên, Roberto đang đăm chiêu nhìn ra cửa sổ. “Tôi không biết phải làm gì với cậu, Henry ạ. Tôi rất ghét nếu phải thiếu cậu; khi cậu ở đây và ăn vận đầy đủ, cậu khá... xuất sắc, hữu ích. Nhưng cứ thế này thì không được.”


Chúng tôi ngồi và nhìn nhau trong vài phút. Cuối cùng Roberto nói, “cam đoan với tôi chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra nữa.”
“Tôi không thể. Tôi ước nếu tôi có thể.”


Robert thở dài, rồi xua tay về phía cửa. “Đi. Đi phân loại bộ sưu tập Quigley đi. Nó sẽ giữ cậu tránh xa khỏi phiền toái một thời gian.” (Bộ sưu tập Quigley, vừa được hiến tặng, là tuyển tập Victoria gồm hơn 2.000 bản, chủ yếu là kịch dài tập). Tôi gật đầu vâng lời và đứng dậy.


Lúc tôi mở cửa, Roberto nói, “Henry, nó tệ đến mức cậu không thể kể cho ta nghe?”


Tôi ngập ngừng, “Phải”, rồi nói. Roberto im lặng. Tôi đóng cửa lại và đi về văn phòng. Matt đang ngồi sau bàn của tôi, chép lịch của cậu ấy sang của tôi. Cậu ấy ngước lên nhìn lúc tôi bước vào. “Ông ấy có đuổi việc cậu không?” Matt hỏi.
“Không”, tôi đáp.
“Tại sao không?”
“Chịu.”


“Kì lạ. Mà này, tớ đã thay cậu giảng buổi thuyết trình cho Những Người Thợ Đóng Sách Chicago rồi đấy.”
“Cảm ơn. Đãi cậu bữa trưa mai đền đáp nhé?”


“Được thôi.” Matt ghi vào cuốn lịch trước mặt. “Chúng ta có buổi Show ‘N Tell cho lớp Lịch sử Nghệ thuật In máy từ Columbia trong 45 phút nữa.” Tôi gật đầu và lục tìm trên bàn của mình danh sách ấm phẩm chuẩn bị phải đưa ra. “Henry?”
“Sao?”
“Cậu đã ở đâu?”
“Muncie, Indiana. 1973.”


Matt đảo mắt và cười mỉa mai. “Coi như tớ chưa hỏi.”
Chủ Nhật, 17/12/1995 (Clare 24 tuổi, Henry 8 tuổi)


CLARE: Tôi đến thăm Kimy vào buổi trưa Chủ Nhật đầy tuyết tháng Mười Hai. Tôi đã ra ngoài mua sắm cho Giáng Sinh, và giờ đang ngồi trong căn bếp của Kimy uống sô-cô-la nóng, sưởi ấm hai bàn chân trên chiếc lò sưởi ốp sát chân tường, kể cho bà nghe những câu chuyện về đồ trang trí và giá cả. Kimy chơi bài một mình trong lúc chúng tôi nói chuyện; tôi ngưỡng mộ cách xào bài điêu luyện của bà, cách bà đập quân bài đỏ lên bài đen. Nồi thịt hầm đang sôi trên bếp. Có tiếng động trong phòng ăn; một chiếc ghế đổ xuống. Kimy ngẩng đầu lên, quay người.


“Kimy”, tôi thì thầm. “Có một cậu bé dưới bàn ăn.”


Có tiếng khúc khích. “Henry?” Kimy hỏi với ra. Không có tiếng trả lời. Bà đứng ở ngưỡng cửa. “Này, anh bạn. Thôi ngay đi. Mặc quần áo vào.” Kimy đi vào phòng ăn. Tiếng thì thầm. Tiếng khúc khích. Im lặng. Bỗng nhiên có một cậu bé trần truồng đang đứng ở cửa nhìn tôi chằm chằm, và bất ngờ như khi đến, cậu bé biến mất. Kimy quay trở lại, ngồi xuống bàn và tiếp tục chơi bài.


“Ôi”, tôi nói.
Kimy mỉm cười. “Gần đây những việc như vậy không còn diễn ra thường xuyên nữa. Giờ mỗi khi nó đến, nó đều đã trưởng thành. Nó không thường đến như trước.”
“Cháu chưa từng thấy anh ấy đi xuôi dòng thời gian như vậy, tới tương lại.”


“Thì cháu đâu đã có nhiều tương lai với nó.”


Mất một vài giây tôi mới hiểu ý bà. Tôi tự hỏi tương lai đó sẽ như thế nào, và rồi tôi nghĩ đến tương lai nới rộng, dần dần mở ra đủ nhiều để Henry đến với tôi từ quá khứ. Tôi uống sô-cô-la và nhìn đăm đăm ra khu vườn đóng băng của Kimy.
“Bà có nhớ anh ấy không?” tôi hỏi.


“Có, ta nhớ. Nhưng giờ nó đã lớn. Mỗi khi nó đến chỗ ta trong hình hài một đứa trẻ, nó giống như một bóng ma vậy. Cháu hiểu không?” Tôi gật đầu. Kimy kết thúc ván bài, gom bài lại. Bà nhìn tôi mỉm cười. “Khi nào các cháu định sinh con, hả?”


“Cháu không biết nữa, Kimy. Cháu không chắc bọn cháu có thể.”
Bà đứng dậy, đi về phía bếp và khuấy nồi thịt hầm. “Không nói trước được”
“Phải.” Không biết trước được.


Lát sau, Henry và tôi nằm trên giường của mình. Tuyết vẫn đang rơi; chiếc lò sưởi phát ra những tiếng cục cục yếu ớt. Tôi quay sang Henry, anh ấy nhìn tôi và tôi nói, “Hãy cùng tạo ra em bé nào.”
Thứ Hai, 11/ /1996 (Henry 32 tuổi)


HENRY: Tôi đã tìm được bác sĩ Kendrick; ông ấy đang làm việc ở bệnh viện Đại học Chicago. Hôm nay là một ngày tháng Ba lạnh và ẩm ướt. Tháng Ba ở Chicago giống như sự cải thiện của tháng Hai, nhưng đôi khi không phải vậy. Tôi bước lên tàu điện và ngồi ngược chiều đi. Chicago trôi qua sau lưng chúng tôi và không lâu sau chúng tôi đã ở đường 59. Tôi xuống tàu và vật lộn dưới cơn mưa tuyết. Đang là chín giờ sáng, thứ Hai. Mọi người ủ rũ, khự nự lại với thực tế phải bước vào một tuần làm việc mới. Tôi thích công viên Hyde. Nó khiến tôi có cảm giác như đã thoát ra khỏi Chicago và bước vào một thành phố khác, Cambridge chẳng hạn. Các tòa nhà bằng đá xám xịt u ám dưới cơn mưa và những rặng cây khô nhỏ từng giọt nước nặng nề xuống lữ khách qua đường. Tôi cảm thấy như vừa vượt qua cơn bão tôi sẽ thuyết phục được Kendrick, cho dù tôi đã thất bại nhiều lần khi thuyết phục nhiều bác sĩ khác. Ông ấy sẽ là bác sĩ của tôi, vì trong tương lai ông ấy là bác sĩ của tôi.


Tôi bước vào một tòa nhà nhái phong cách Mies bên cạnh bệnh viện. Tôi đi thang máy lên tầng ba, mở cánh cửa bằng kính có treo bảng tên màu vàng khắc chữ Bác dĩ C.P Shane và Bác Sĩ D.L Kendrick, báo tên cho lễ tân và ngồi xuống một trong những chiếc ghế bọc màu hoa oải hương. Phòng đợi có màu hồng và tím, có lẽ để làm an dịu bệnh nhân. Bác sĩ Kendrick là nhà nghiên cứu di truyền học, và không ngẫu nhiên, là một triết gia; vế sau chắc hẳn để bù đắp cho thực tế khắc nghiệt của vế trước. Hôm nay không có ai ở đây ngoài tôi. Tôi đến sớm mười phút. Giấy dán tường hình sọc có màu giống hệt của Pepto-Bismol. Nó đối lập với bức tranh cối xay nước chỉ độc màu xanh và nâu trước mặt tôi. Nội thất theo phong cách giả thuộc địa, nhưng có một tấm thảm khá đẹp, một loại thảm Ba Tư mềm, và tôi cảm thấy tiếc thay cho nó, bị mắc kẹt ở đây, trong phòng chờ rùng rợn này. Lễ tân là một người phụ nữ trung niên có vẻ ngoài hiền hậu với những nếp nhăn từ nhiều năm tắm nắng; da bà ấy rám nắng, giữa tháng Ba, ở Chicago.


Đúng 9 giờ 35, tôi nghe có tiếng người trong hành lang và một phụ nữ tóc vàng bước vào phòng chờ cùng với một cậu bé ngồi trên xe lăn. Cậu bé có vẻ bị mắc chứng liệt não hay gì đó tương tự. Người phụ nữ mỉm cười với tôi; tôi mỉm cười đáp lại. Khi cô ấy quay người, tôi nhận ra cô ấy đang có mang. Lễ tân nói, “Cậu có thể vào, cậu DeTamble”, và tôi mỉm cười với cậu bé trong lúc đi ngang qua. Đôi mắt to của cậu bé nhìn tôi đáp, nhưng cậu bé không cười lại.


Lúc tôi bước vào văn phòng của bác sĩ Kendrick, ông ấy đang viết ghi chú vào hồ sơ. Tôi ngồi xuống và ông ấy vẫn tiếp tục viết. Ông ấy trẻ hơn tôi nghĩ; cuối ba mươi. Tôi đã luôn nghĩ bác sĩ phải là những người già. Đó là kết quả của tuổi thơ không ngừng gặp bác sĩ. Kendrick có mái tóc đỏ, mặt mảnh dẻ, râu quai nón và cặp kính dầy cộm có dây đeo. Ông ấy trông hơi có chút giống D.H Lawrence. Ông ấy đang mặc một bộ vét màu xám than và cà vạt xanh xẫm nhỏ, kẹp cà vạt cá hồi. Một chiếc gạt tàn đầy tràn dưới khuỷu tay; căn phòng ngập khói thuốc, cho dù lúc này ông ấy không hút. Mọi đồ vật trông rất tân thời: các ống thép, vải dệt màu be, gỗ vàng. Ông ấy ngẩng lên nhìn tôi và mỉm cười.


“Chào buổi sáng, cậu DeTamble. Tôi có thể giúp gì cho cậu?” Ông ấy nhìn vào lịch của mình. “Có vẻ như tôi không có nhiều thông tin của cậu ở đây. Cậu gặp vấn đề gì?”
“Dasein[ ] .”
[ ] Dasein (tiếng Đức): sự tồn tại.
Kendrick khựng lại. “Dasein? Sự tồn tại? Sao lại như vậy?”


“Tôi mắc chứng mà tôi sẽ được nói cho biết là chứng suy giảm thời gian. Tôi gặp khó khăn để trụ lại với hiện tại.”
“Gì cơ?”
“Tôi đi xuyên thời gian. Không tự nguyện.”


Kendrick bối rối, nhưng nén lại. Tôi thích ông ấy. Ông ấy đang gắng tiếp chuyện tôi như với một người tỉnh táo, cho dù tôi chắc rằng ông ấy đang cân nhắc nên gửi tôi đến bác sĩ tâm thần nào.
“Nhưng tại sao cậu lại cần một nhà di truyền học? Hay cậu đang hỏi ý kiến tôi với tư cách triết gia?”


“Đó là căn bệnh thuộc di truyền. Cho dù sẽ là khá thú vị nếu được nói chuyện với ai đó về vấn đề dễ chịu hơn của rắc rối này.”
“Cậu DeTamble, cậu hiển nhiên là một chàng trai thông minh... nhưng tôi chưa bao giờ nghe đến căn bệnh này. Tôi e rằng không thể giúp gì được cho cậu.


“Ông không tin tôi.”
“Phải. Tôi không tin cậu.”


Giờ thì tôi mỉm cười đau khổ. Tôi cảm thấy tệ hại về việc này, nhưng không còn cách nào khác. “Tôi đã gặp khá nhiều bác sĩ, nhưng đây sẽ là lần đầu tiên tôi đưa ra điều gì đó làm bằng chứng. Dĩ nhiên sẽ không ai tin tôi. Ông và vợ đang trông chờ sự ra đời của cậu con trai vào tháng sau phải không?”


Ông ấy cảnh giác. “Phải. Làm sao cậu biết?”


“Vài năm nữa tôi sẽ được nhìn thấy giấy khai sinh của con trai ông. Tôi đã trở về quá khứ của vợ tôi và viết ra những thông tin trong phong bì này. Cô ấy đưa lại cho tôi khi chúng tôi gặp nhau trong hiện tại. Giờ thì tôi đưa nó cho ông. Mở nó ra sau khi con trai ông chào đời.”
“Chúng tôi sắp sinh con gái.”


“Không, ông nhầm rồi”, tôi từ tốn nói. “Nhưng hãy đừng đôi co về chuyện đó. Giữ nó lại, và mở nó ra sau khi đứa bé ra đời. Đừng vứt nó đi. Sau khi đọc, hãy gọi cho tôi, nếu ông muốn.” Tôi đứng dậy và ra về. “Chúc may mắn”, tôi nói, cho dù gần đây tôi không còn tin vào may mắn nữa. Tôi thực sự rất thương cho ông ấy, nhưng không còn cách nào khác.


“Tạm biệt, cậu DeTamble”, bác sĩ Kendrick nói lạnh lùng. Tôi ra về. Trong lúc bước tới thang máy, tôi tự nhủ chắc hẳn ông ấy đang mở phong bì ra ngay lúc này. Bên trong là một dòng chữ đánh máy. Viết:
Colin Joseph Kendrick
6 tháng Tư, 1996, 1 giờ 18 phút sáng
6 pound, 8 auxơ, nam
Hội chứng Down.


Thứ Bảy, 6/ /1996, 5 giờ 32 phút sáng (Henry 32 tuổi, Clare 24 tuổi)


HENRY: Chúng tôi đang quấn vào nhau và ngủ. Cả đêm chúng tôi không ngừng tỉnh giấc, trở mình, ngồi dậy rồi trở lại giường. Đứa trẻ nhà Kendrick sẽ ra đời đêm nay. Không lâu nữa điện thoại sẽ đổ chuông. Nó đổ chuông. Điện thoại ở bên giường của Clare, cô ấy nhấc máy và nói “Xin chào?” rất khẽ, rồi đưa nó cho tôi.


“Làm sao cậu biết? Làm sao cậu biết?” Kendrick gần như thì thầm.
“Tôi rất tiếc. Tôi rất lấy làm tiếc.” Không ai trong chúng tôi nói gì một hồi. Tôi nghĩ Kendrick đang khóc.
“Hãy đến văn phòng của tôi.”
“Khi nào?”
“Ngày mai”, ông ấy nói, rồi cúp máy.


Thứ Bảy, 7/ /1996 (Henry 32 và 8 tuổi, Clare 24 tuổi)
HENRY: Clare và tôi đang lái xe đến công viên Hyde. Chúng tôi đã im lặng trong suốt quãng đường. Trời đang mưa, và cần gạt nước đem đến cho dòng nước chảy khỏi mặt kính sự gián đoạn nhịp nhàng.


Như thể để tiếp tục cuộc trò chuyện mà chúng tôi không hẳn đang có. Clare nói, “Thật không công bằng.”
“Gì cơ? Kendrick?”
“Vâng.”
“Bản chất của tự nhiên là không công bằng.”


“Ồ,... không. Ý em là, phải, chuyện của đứa bé rất đáng thương, nhưng em muốn nói chúng ta. Không công bằng khi chúng ta lợi dụng nó như vậy.”
“Ý em là không đàng hoàng?”
“Phải.”


Tôi thở dài. Lối ra khỏi đường 57 đã hiện ra. Clare rẽ rồi tấp vào lề đường. “Anh đồng ý với em là vậy, những đã quá trễ. Và anh đã thử...”
“Phải, dù sao cũng đã quá muộn.”


“Phải.” Chúng tôi lại chìm vào im lặng. Tôi chỉ dẫn cho Clare ra khỏi mê cung đường một chiều, và không lâu sau chúng tôi đã ở trước tòa nhà văn phòng của Kendrick.
“Chúc anh may mắn.”
“Cảm ơn em.” Tôi hồi hộp.


“Nhớ lịch sự.” Clare hôn tôi. Chúng tôi nhìn nhau, tất cả hi vọng của tôi chìm trong cảm giác tội lỗi với Kendrick. Clare mỉm cười rồi nhìn đi nơi khác. Tôi ra khỏi xe và ngắm Clare lái chậm rãi xuống đường 59 và rẽ qua Midway. Cô ấy có việc ở phòng tranh Smart.


Cửa chính không khóa, tôi đi thang máy lên tầng ba. Không có ai trong phòng đợi của Kendrick, tôi đi qua nó xuống hành lang. Cửa phòng Kendrick để mở. Phòng không bật điện. Kendrick đang đứng sau bàn làm việc, lưng quay lại phía tôi, nhìn ra ngoài cửa sổ xuống con đường mưa bên dưới. Tôi đứng yên lặng trước ngưỡng cửa hồi lâu. Cuối cùng tôi bước vào trong phòng.


Kendrick quay lại và tôi choáng váng trước sự khác biệt trên khuôn mặt ông ấy. Tàn phá không phải là từ thỏa đáng. Ông ấy trống rỗng; có điều gì đó đã biến mất. Sự tự tin, vững chãi, niềm tin. Tôi đã quá quen với việc sống trong sự bất ổn nên tôi quên rằng người ta thường ưa thích mặt đất vững chãi.


“Henry DeTamble”, Kendrick nói.
“Xin chào.”
“Tại sao cậu đến tìm tôi?”
“Vì tôi phải đến tìm ông. Đó không phải vấn đề của sự lựa chọn.”
“Định mệnh?”


“Ông có thể gọi nó thế nào cũng được. Mọi chuyện trở nên lẫn lộn khi ông là tôi, nguyên nhân và hệ quả rối vào nhau.”


Kendrick ngồi xuống bàn. Chiếc ghế kêu lên kẽo kẹt. Tiếng động khác duy nhất là tiếng mưa. Ông ấy thò tay vào túi tìm thuốc, lấy chúng ra và nhìn tôi. Tôi nhún vai. Ông ấy châm thuốc và hút một hồi. Tôi quan sát ông ấy.
“Làm sao cậu biết?” ông ấy nói.


“Tôi đã nói với ông rồi. Tôi đã nhìn thấy tờ giấy khai sinh.”
“Khi nào?”
“Năm 1999.”
“Không thể nào.”
“Vậy thì ông giải thích đi.”


Kendrick lắc đầu. “Tôi không thể. Tôi đã cố tìm cách giải thích, nhưng không thể. Mọi thứ... đều chính xác. Ngày, giờ, cân nặng, và... sự bất thường.” Ông ấy nhìn tôi tuyệt vọng. “Sẽ ra sao nếu chúng tôi quyết định đặt tên thằng bé khác đi... Alex, hay Fred, hay Sam...?”


Tôi lắc đầu, rồi dừng lại khi nhận ra tôi đang làm theo ông ấy. “Nhưng ông đã không làm vậy. Tôi sẽ không nói ông không thể, nhưng ông đã không. Tất cả những gì tôi làm chỉ là thuật lại. Tôi không phải nhà tiên tri.”
“Cậu có con không?”


“Không.” Tôi không muốn thảo luận chuyện này, mặc dù cuối cùng tôi sẽ phải. “Tôi rất tiếc về chuyện Colin. Nhưng ông biết không, nó là một cậu bé đáng yêu.”


Kendrick nhìn tôi chằm chằm. “Tôi đã tìm hiểu nguyên nhân sai sót. Kết quả xét nghiệm của chúng tôi không may đã bị nhầm với cặp vợ chồng tên Kenwick.”
“Ông sẽ làm gì nếu ông biết trước?”


Ông ấy nhìn đi chỗ khác. “Tôi không biết. Vợ tôi và tôi theo đạo Công giáo, nên tôi nghĩ kết quả cũng vẫn sẽ như vậy. Thật mỉa mai...”
“Phải.”
Kendrick dụi thuốc và châm một điếu khác. Tôi cam chịu cơn đau đầu vì khói thuốc.
“Nó hoạt động thế nào?”
“Cái gì cơ?”


“Chuyện du hành thời gian mà cậu làm.” Ông ấy có vẻ tức giận. “Cậu đọc thần chú? Trèo lên cỗ máy?”


Tôi cố tìm cách giải thích hợp lí. “Không. Tôi không làm gì cả. Nó cứ thế diễn ra. Tôi không thể điều khiển, tôi chỉ... một phút trước mọi thứ đều ổn, phút sau tôi đã ở nơi khác, vào một thời gian khác. Như chuyển kênh. Tôi chỉ đột nhiên thấy mình ở một không gian và thời gian khác.”


“Cậu muốn tôi làm gì với nó?”
Tôi nhướn người tới trước, để nhấn mạnh. “Tôi muốn ông tìm hiểu tại sao, và dừng nó lại.”


Kendrick mỉm cười. Đó không phải là một nụ cười thân thiện. “Tại sao cậu muốn làm vậy? Có vẻ như nó khá hữu dụng đối với cậu. Biết hết những điều mà người khác không biết.”
“Nó nguy hiểm. Và sớm hay muộn nó cũng sẽ giết ch.ết tôi.”
“Tôi không thể nói rằng tôi sẽ buồn.”


Chẳng có nghĩa lí gì để tiếp tục. Tôi đứng dậy và bước ra khỏi cửa. “Tạm biệt, bác sĩ Kendrick.” Tôi bước chậm rãi dọc hành lang, để ông ấy có thể gọi tôi lại, nhưng ông ấy không làm vậy. Đứng trong thang máy, tôi khổ sở ngẫm lại rằng bất cứ điều sai sót gì đã diễn ra, nó buộc phải diễn ra theo cách đó, và sớm hay muộn nó sẽ tự giải quyết. Tôi mở cửa và thấy Clare đang đợi bên kia đường. Cô ấy quay đầu lại và có một biểu cảm của sự hi vọng, sự mong đợi trên khuôn mặt cô ấy khiến tôi tê tái. Tôi sợ phải kể lại cho cô ấy biết. Trong lúc băng qua đường về phía cô ấy, hai tai tôi ù cả lên và tôi mất thăng bằng. Tôi đã ngã, nhưng thay vì xuống đường, tôi gập người xuống thảm. Tôi nằm im nơi tôi ngã xuống cho đến khi nghe thấy một giọng nói trẻ con quen thuộc, “Henry, chú ổn chứ?” Tôi nhìn lên và thấy chính mình, ở tuổi lên tám, đang ngồi trên giường nhìn tôi.


“Chú ổn, Henry.” Thằng bé vẫn hoài nghi. “Thực mà, chú ổn.”
“Chú muốn uống chút Ovaltine không?”


“Được thôi.” Thằng bé bước xuống giường, chập chững đi ngang căn phòng xuống hành lang. Đang là nửa đêm. Nó lục lọi quanh căn bếp một hồi, rồi quay trở lại với hai tách sô-cô-la nóng. Chúng tôi uống chậm rãi trong im lặng. Sau khi uống xong, Henry mang tách trở lại bếp và rửa chúng. Không được để bằng chứng lại. Khi thằng bé bước vào phòng, tôi hỏi, “Có chuyện gì vậy?”


“Không có gì. Cháu đã đến gặp một bác sĩ khác ngày hôm nay.”
“Chú cũng vậy. Cháu đã gặp ai?”
“Cháu quên tên rồi. Một ông già, tai ông ấy mọc đầy tóc.”
“Cuộc gặp thế nào?”
Henry nhún vai. “Ông ấy không tin cháu.”


“Cháu nên từ bỏ thì hơn. Không ai trong số bọn họ sẽ tin cháu. Người chú gặp hôm nay có tin chú, nhưng ông ấy không muốn giúp đỡ.”
“Tại sao vậy?”
“Có lẽ ông ta không thích chú.”
“Ồ, chú muốn đắp chăn không?”


“Có lẽ chỉ một cái.” Tôi lột khăn trải giường ra khỏi giường của Henry và cuộn tròn trên sàn nhà. “Chúc ngủ ngon.” Tôi thấy một ánh sáng lóe lên từ hàm răng trắng của tôi nhỏ giữa màu xanh ảm đạm của căn phòng ngủ, và rồi thằng bé quay đi, cuộn tròn lại mơ màng ngủ, bỏ lại tôi nhìn đăm đăm lên trần nhà, mong mỏi được quay trở lại với Clare.


CLARE: Henry bước ra khỏi tòa nhà, có vẻ không vui, và đột nhiên anh ấy hét lên rồi biến mất. Tôi bật ra khỏi xe và chạy tới nơi Henry vừa đứng, chỉ một vài giây trước, nhưng dĩ nhiên giờ chỉ còn đống quần áo ở lại. Tôi nhặt chúng lên và đứng đó một lát, giữa con đường. Một khuôn mặt đàn ông từ trên cửa sổ tầng ba nhìn xuống tôi. Rồi ông ấy biến mất. Tôi quay trở lại xe rồi ngồi nhìn đăm đăm vào chiếc áo xanh sáng và quần vải đen của Henry, tự hỏi có nên ở lại. Tôi có cuốn Trở lại Brideshead trong túi xách, nên tôi quyết định nán lại phòng khi Henry quay về. Trong lúc tìm cuốn sách, tôi nhìn thấy một người đàn ông tóc đỏ chạy về phía mình. Ông ấy dừng lại ở cửa khách và nhìn tôi. Đây chắc hẳn là Kendrick. Tôi mở khóa cửa và ông ấy lên xe, rồi ông ấy chẳng biết phải nói gì.


“Xin chào”, tôi nói. “Ông chắc hẳn là David Kendrick. Tôi là Clare DeTamble.”
“Phải..” ông ấy hoàn toàn bối rối, “Phải, phải rồi. Chồng cô...”
“Vừa biến mất giữa ban ngày.”
“Phải!”
“Ông có vẻ ngạc nhiên.”
“Thì...”


“Chẳng phải anh ấy đã nói với ông rồi sao?” Tôi chưa có ấn tượng gì với người đàn ông này lắm, nhưng vẫn là kiên trì. “Tôi rất tiếc về chuyện của cháu bé. Nhưng Henry nói rằng nó là một đứa trẻ đáng yêu, và nó vẽ rất giỏi, nó có trí tưởng tượng rất tốt. Con gái ông cũng rất tài năng, mọi chuyện rồi sẽ ổn. Ông sẽ thấy.”


Ông ấy há hốc miệng nhìn tôi. “Chúng tôi không có con gái. Chỉ mình... Colin.”
“Ông sẽ. Tên cô bé là Nadia.”
“Đó là một cú sốc. Vợ tôi rất buồn bực...”


“Nhưng mọi chuyện rồi sẽ ổn cả. Thật đấy.” Trước sự ngạc nhiên của tôi, người đàn ông xa lạ này bật khóc, hai vai ông ấy rung lên nức nở, vùi mặt trong bàn tay. Sau vài phút, ông ấy dừng lại và ngẩng đầu lên. Tôi đưa ông ấy tờ Kleenex và ông ấy hỉ mũi.
“Tôi xin lỗi”, ông ấy nói.


“Đừng bận tâm. Chuyện gì xảy ra trong đó vậy, với ông và Henry? Tại sao lại căng thẳng vậy?”
“Làm sao cô biết?”
“Anh ấy đã rất căng thẳng, đó là nguyên nhân khiến anh ấy biến mất.”
“Cậu ấy đã đi đâu?” Kendrick nhìn quanh như thể tôi đang giấu Henry dưới ghế sau.


“Tôi không biết. Không phải ở đây. Chúng tôi đã hi vọng ông có thể giúp đỡ, nhưng có lẽ chúng tôi đã nhầm.”


“Tôi không biết tôi có...” Đúng lúc đó Henry xuất hiện trở lại ngay trên chính vị trí mà anh ấy biến mất. Một chiếc xe cách đó chưa đến 20 feet đang phóng tới, và người lái xe đạp mạnh thắng trong lúc Henry nhảy bổ lên đầu xe tôi. Người đàn ông kéo cửa kính xuống, Henry ngồi dậy, và người đàn ông hét lên điều gì đó rồi phóng đi mất. Máu đang hát rầm rầm quanh tai tôi. Tôi nhìn qua Kendrick, người đang cứng họng. Tôi nhảy ra khỏi xe, và Henry trượt xuống khỏi đầu xe.


“Chào em, Clare. Suýt chút nữa hả?” Tôi ôm chầm lấy anh ấy; anh ấy đang run rẩy. “Em giữ quần áo của anh ở đó chứ?”
“Có, trên xe... ồ, mà, Kendrick đang ở đây.”
“Sao? Ở đâu cơ?”
“Trong xe.”
“Tại sao?”


“Ông ấy nhìn thấy anh biến mất và có vẻ nó đã tác động đến bộ não của ông ấy.”
Henry thò đầu vào cửa lái. “Xin chào.” Anh ấy với tay lấy quần áo và bắt đầu mặc vào. Kendrick bước ra khỏi xe và hối hả đi quanh chúng tôi.
“Cậu đã ở đâu?”


“Năm 1971. Tôi đã uống Ovaltine với tôi hồi tám tuổi, trong phòng ngủ của tôi, vào lúc một giờ sáng. Tôi đã ở đó chừng bốn tiếng đồng hồ. Mà ông hỏi làm gì?” Henry nhìn Kendrick lạnh lùng trong lúc chỉnh lại cà vạt.
“Không thể tin nổi.”


“Ông có thể nói vậy cho đến khi chán, nhưng không may nó lại là sự thật.”
“Ý cậu là cậu trở lại hồi tám tuổi?”


“Không. Ý tôi là tôi đã ngồi trong phòng ngủ của mình vào năm 1971, vẫn mang hình hài như lúc này, 32 tuổi, và trò chuyện với chính tôi lúc tám tuổi. Uống Ovaltine. Chúng tôi đã nói với nhau về sự ngờ vực của những người làm nghề y.” Henry đi vòng qua xe và mở cửa. “Clare, đi thôi. Chuyện này thật vô nghĩa.”


Tôi bước về phía cửa lái. “Tạm biệt, bác sĩ Kendrick. Chúc may mắn với Colin.”
“Đợi đã…” Kendrick ngập ngừng, lấy lại bình tĩnh. “Đây là hội chứng gen di truyền?”
“Phải”, Henry đáp. “Nó là hội chứng gen đi truyền, và chúng tôi đang tìm cách để có con.”


Kendrick mỉm cười buồn bã. “Một việc mạo hiểm.”
Tôi mỉm cười đáp lại. “Chúng tôi đã quen với việc mạo hiểm. Tạm biệt.” Henry và tôi bước vào xe, lái khuất đi. Khi rẽ vào cao tốc Lake Shore Drive, tôi nhìn qua Henry và ngạc nhiên thấy anh ấy đang cười hớn hở.
“Anh vui mừng vì chuyện gì vậy?”


“Kendrick. Ông ấy đã hoàn toàn bị thuyết phục.”
“Anh nghĩ vậy sao?”
“Chắc rồi.”
“Vậy thì tốt. Nhưng ông ấy có vẻ chậm tiêu.”
“Không đâu.”


“Nếu anh đã nói vậy.” Chúng tôi lái xe về nhà trong yên lặng, sự yên lặng hoàn toàn khác hẳn với lúc đến. Kendrick gọi cho Henry vào tối hôm đó, họ lên lịch để bắt đầu tìm cách giúp Henry trụ lại với hiện tại.
Thứ Sáu, 12/ /1996 (Henry 32 tuổi)


HENRY: Kendrick ngồi cúi đầu. Hai ngón tay cái của ông ấy di chuyển vòng quanh mép lòng bàn tay như thể chúng đang muốn chạy trốn. Chiều đã qua, văn phòng của Kendrick chìm trong ánh sáng vàng rực rỡ; Kendrick ngồi yên không nhúc nhích, ngoại trừ hai ngón tay cái đang ngọ nguậy, và lắng nghe những gì tôi nói. Tấm thảm Ấn Độ màu đỏ, những cái chân bằng thép của chiếc ghế bành vải dệt màu be đang sáng bừng. Thuốc lá của Kendrick, một gói Camels, nằm yên chưa được đụng đến trong lúc ông ấy lắng nghe. Đôi gọng vàng của cặp kính tròn ông ấy đang đeo nổi lên dưới ánh sáng; vành tai phải của Kendrick đỏ ửng, mái tóc như lông cáo và làn da hồng hào bóng loáng trong ánh nắng hệt như những bụi cúc vàng trong chậu đồng trên bàn ở giữa chúng tôi. Cả buổi chiều, Kendrick đã ngồi đó trên ghế của mình và lắng nghe.


Còn tôi đã kể cho ông ấy nghe mọi chuyện. Sự khởi đầu, việc học cách thích ứng, sự vội vã của sinh tồn và thú vui của việc biết trước tương lai, nỗi kinh hãi khi biết những việc không thể ngăn chặn, sự thống khổ của những mất mát. Giờ, chúng tôi ngồi trong yên lặng. Cuối cùng ông ấy ngẩng đầu lên và nhìn tôi. Trong đôi mắt sáng của Kendrick là một nỗi buồn mà tôi muốn xóa bỏ; sau khi trút tất cả lên mình ông ấy, tôi muốn thu chúng lại và bỏ đi, tránh cho ông ấy khỏi nghĩ về tất cả những điều này. Ông ấy với tay lấy bao thuốc, rút ra một điếu và châm lửa, rít vào rồi nhả ra một làn mây xám.


“Cậu có gặp khó khăn về giấc ngủ?”
“Có.”
“Có thời điểm đặc biệt trong ngày nào cậu thường có xu hướng… biến mất?”
“Không… có lẽ sáng sớm nhiều hơn các thời điểm khác.”
“Cậu có bị đau đầu?”
“Có.”
“Đau nửa đầu?”


“Không. Đau áp lực. Và sự bóp méo hình ảnh, mùi.”


“Hừm.” Kendrick đứng dậy. Đầu gối ông ấy kêu lên răng rắc. Ông ấy đi tới đi lui trong phòng, hút thuốc, đi dọc theo mép của tấm thảm. Tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu khi ông ấy dừng lại và ngồi xuống. “Nghe này”, ông ấy nói vẻ tư lự, “có một khái niệm gọi là đồng hồ sinh học. Chúng kiểm soát các nhịp ngày đêm, giữ cho cậu đồng bộ hóa với mặt trời, đại loại vậy. Chúng tôi đã thấy chúng trong rất nhiều loại tế bào khác nhau, trong khắp cơ thể, nhưng chúng đặc biệt gắn chặt với thị giác, và có vẻ cậu phải đối mặt với nhiều triệu chứng về thị giác. Các tế bào nhân nằm ngay trên cơ quan thị giác của cậu, có tác dụng như nút khởi động lại, điều khiển cảm giác về thời gian của cậu… vậy nên chúng ta sẽ bắt đầu với nó.”


“Ừm, được thôi”, tôi nói vì ông ấy đang nhìn tôi và trông đợi sự hồi đáp. Kendrick lại đứng dậy và bước về phía cánh cửa mà tôi đã không chú ý đến trước đó, mở nó ra và biến mất trong khoảng một phút. Khi quay trở lại, ông ấy cầm đôi găng tay nhựa và kim tiêm trên tay.


“Xắn tay áo lên”, Kendrick yêu cầu.
“Ông làm gì vậy?” tôi vừa hỏi vừa kéo tay áo lên quá khuỷu. Ông ấy không trả lời, mở gói kim tiêm, thấm tay tôi bằng miếng gạc, buộc nó lại và tiêm cho tôi một cách lành nghề. Tôi nhìn đi chỗ khác. Mặt trời đã lặn, bỏ rơi căn phòng trong bóng tối ảm đạm.


“Cậu có bảo hiểm y tế không?” ông ấy hỏi, rút kim tiêm và tháo tay tôi ra. Ông ấy lót bông và dán băng cá nhân lên trên vết tiêm.
“Không. Tôi sẽ tự trả mọi chi phí. Tôi dí ngón tay lên chỗ nhức, gập khuỷu tay lại.


Kendrick mỉm cười. “Không, không. Cậu sẽ là thí nghiệm khoa học nhỏ của tôi, sử dụng quỹ NIH cho việc này.”
“Việc gì?”
“Chúng ta sẽ không chơi đùa.” Kendrick dừng lại, cầm đôi găng tay đã sử dụng và lọ thủy tinh nhỏ chứa máu của tôi mà ông ấy vừa rút. “Chúng ta sẽ giải mã DNA của cậu.”


“Tôi tưởng việc đó mất hàng năm trời?”


“Đúng vậy, nếu cậu giải mã bộ gen. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc nghiên cứu các đối tượng khả dĩ. Nhiễm sắc thể 17 chẳng hạn.” Kendrick ném đôi găng tay và kim tiêm vào thùng rác hiệu Biohazard và viết thứ gì đó lên chiếc lọ thủy tinh chứa máu. Ông ấy ngồi xuống trở lại đối diện với tôi và đặt lọ thủy tinh lên bàn, cạnh bao thuốc Camels.


“Nhưng bộ mã gen của con người sẽ không được hoàn thành cho đến năm 2000. Ông sẽ lấy gì để so sánh?”


“Năm 2000? Nhanh vậy sao? Cậu chắc chứ? Ta đoán là chắc. Để trả lời cho câu hỏi của cậu, một chứng bệnh… đứt đoạn… như của cậu thường có vẻ giống chứng cà lăm, sự lặp lại của một mã, mà về cơ bản, là không tốt. Như hội chứng Huntington chẳng hạn, chỉ là một tập hợp những mã bộ ba CAG trên nhiễm sắc thể số 4.”


Tôi đứng dậy và duỗi tay chân. Tôi cần cà phê. “Vậy là xong? Tôi đi được chưa?”


“Tôi muốn chụp cắt lớp não bộ của cậu, nhưng không phải hôm nay. Tôi sẽ lên lịch cho cậu ở bệnh viện. MRI, CAT, và X quang. Tôi cũng sẽ gửi cậu đến một người bạn của tôi, Alan Larson; ông ấy có một phòng thí nghiệm giấc ngủ ở ngay giảng đường này.”


“Thú vị nhỉ”, tôi nói và từ từ đứng dậy để máu không chạy hết lên đầu.


Kendrick nhìn tôi. Tôi không thể thấy đôi mắt ông ấy, cặp kính cận đang sáng lóa ở góc độ này. “Nó rất thú vị”, ông ấy nói. “Đó là một mảnh ghép kì bí mà cuối cùng chúng tôi cũng có công cụ để tìm ra…”
“Tìm ra gì?”


“Bất kể nó là thứ gì. Bất kể cậu là gì.” Kendrick mỉm cười và tôi nhận thấy răng của ông ấy không đều và ố vàng. Ông ấy đứng dậy, chìa tay ra, và tôi bắt lấy, nói cảm ơn; có sự ngập ngừng ngượng ngùng: chúng tôi lại là những người xa lạ một lần nữa, sau buổi trưa thân mật vừa trải qua cùng nhau. Tôi bước ra khỏi văn phòng, đi xuống cầu thang và ra tới đường, nơi mặt trời đang đợi tôi. Bất kẻ tôi là gì? Tôi là thứ gì? Tôi là thứ gì?






Truyện liên quan

Từ Một Tin ‘Tìm Bạn Trăm Năm’ Trở Thành ‘Vợ’ Người

Từ Một Tin ‘Tìm Bạn Trăm Năm’ Trở Thành ‘Vợ’ Người

Ô Thất94 chươngFull

1.8 k lượt xem

Cao Võ: Ngươi Nói Học Sinh Của Ta Cũng Là Củi Mục?

Cao Võ: Ngươi Nói Học Sinh Của Ta Cũng Là Củi Mục?

Tam Quế Kim Thiên Chích Tưởng Bãi Lạn545 chươngTạm ngưng

8.7 k lượt xem

Vân Thiếu, Vợ Ngươi Lại Bay Rồi Convert

Vân Thiếu, Vợ Ngươi Lại Bay Rồi Convert

Ngư Thất Tửu1,436 chươngFull

36.8 k lượt xem

Tổng Võ: Người Tại Bắc Lạnh, Được Xưng Trên Biển Hoàng Đế

Tổng Võ: Người Tại Bắc Lạnh, Được Xưng Trên Biển Hoàng Đế

Tiểu Trư Thượng Thiên47 chươngDrop

3.5 k lượt xem

Tổng Võ Người Viết Tiểu Thuyết: Bắt Đầu Liệt Kê Giang Hồ Cao Thủ Convert

Tổng Võ Người Viết Tiểu Thuyết: Bắt Đầu Liệt Kê Giang Hồ Cao Thủ Convert

Ngô ý Dĩ Quyết88 chươngDrop

7.3 k lượt xem

Tống Võ: Người Ở Toàn Chân, Đã Thành Đạo Tổ

Tống Võ: Người Ở Toàn Chân, Đã Thành Đạo Tổ

Thiếu Nhục Đa Soái183 chươngTạm ngưng

14.5 k lượt xem

Cao Võ: Ngươi Nói Ta Học Sinh Đều Là Củi Mục?

Cao Võ: Ngươi Nói Ta Học Sinh Đều Là Củi Mục?

Tam Quế Kim Thiên Chích Tưởng Bãi Lạn544 chươngTạm ngưng

25.4 k lượt xem

Tổng Võ: Người Tại Biên Cương, Bắt Đầu Dung Hợp Hoắc Khứ Bệnh

Tổng Võ: Người Tại Biên Cương, Bắt Đầu Dung Hợp Hoắc Khứ Bệnh

Phi Trùng Phác Hỏa302 chươngFull

13.4 k lượt xem

Tổng Võ: Người Khác Luyện Võ Ta Tu Tiên

Tổng Võ: Người Khác Luyện Võ Ta Tu Tiên

Tra Thổ Xa1,171 chươngFull

45.9 k lượt xem

Tổng Võ: Ngươi Thuận Miệng Nói? Ta Thần Công Đại Thành!

Tổng Võ: Ngươi Thuận Miệng Nói? Ta Thần Công Đại Thành!

Dũng Cảm Huy Hoàng Thiếu Niên226 chươngTạm ngưng

19.8 k lượt xem

Tổng Võ: Người Tại Đồ Sơn, Cả Tộc Buông Xuống Tuyết Nguyệt Thành

Tổng Võ: Người Tại Đồ Sơn, Cả Tộc Buông Xuống Tuyết Nguyệt Thành

Giới Vũ 3 Hào93 chươngTạm ngưng

3.2 k lượt xem

Tổng Võ: Người Tại Võ Hiệp, Kiểm Kê Ma Đạo

Tổng Võ: Người Tại Võ Hiệp, Kiểm Kê Ma Đạo

Thiếu Nhục Đa Soái426 chươngFull

19.7 k lượt xem