Chương 67: Tính toán
Nghĩ là làm, Bán Hạ đứng dậy tìm ngay hai thanh tre thẳng dài. Dưới sự nhắc nhở của Hiểu Linh, hai thanh tre được vuốt cho tù cạnh, đánh sạch các mắt tre rồi mang vào phòng khám, không quên nói theo:
- Linh muội theo giúp ta.
Hiểu Linh cười cười, đủng đỉnh theo sau.
Phan thị dùng khăn lau mồ hôi cho nữ nhi mà lòng đau xót, ân hận. Nếu hắn chú ý một chút thì nữ nhi đã không sảy ra chuyện gì rồi. Đứa bé sắc mặt có chút tốt hơn, thiêm thiếp ngủ. Phan thị thấy người đi vào là đại phu thì liền đứng dậy nhường chỗ cho Bán Hạ.
Bán Hạ quan sát thần sắc đứa nhỏ một chút, lại kiểm tr.a nhiệt độ và mạch đập rồi mới yên tâm. Nàng nắn nhẹ vào chỗ xương bị gãy kiểm tr.a lại. Thấy mọi chuyện vẫn ổn mới gọi Hiểu Linh.
- Linh muội, qua đây. Muội nói xem nên nẹp thế nào.
Hiểu Linh lúc này mới quan sát kỹ vết thương. Cô chỉ biết một chút kiến thức y học thường thức, trong đó có cố định vết thương mà thôi. Vì thế, cô cũng không dám góp ý gì về cách đặt nẹp, chỉ cố gắng để bệnh nhân thoải mái nhất:
- Hạ tỷ, ta nghĩ nên nẹp dọc từ hai bên đùi xuống đến bàn chân luôn. Đằng nào thì thời gian này, đứa trẻ chỉ có thể nằm trên giường. Nhưng là thanh nẹp khá cứng. Ta nghĩ nên quấn nhiều lớp vải quanh thanh nẹp trước hoặc quấn xung quanh chân trước để tránh bị trầy xước thêm.
Bán Hạ gật đầu. Nàng chọn phương án bọc thanh tre trước vì không muốn xê dịch chân bệnh nhân nhiều. Hiểu Linh phụ nàng một tay bọc thanh nẹp lại, xong xuôi, cô phụ trách giữ nẹp cho Bán Hạ buộc cố định. Sau đó lại quấn nhiều lớp bên ngoài nữa. Vừa làm, Bán Hạ không dấu được sự kích động. Nếu sau này có người bị gãy xương đều làm như vậy thì sẽ không còn tàn phế nữa. Thực là quá tốt rồi. Nàng quay sang dặn dò Phan thị:
- Không được để vết thương bị nước, hai ngày một lần ta sẽ sang kiểm tr.a vết thương. Cũng không được tùy tiện tháo nẹp chân, ta cố định chân đứa bé lại để chỗ gãy xương nhanh lành nhất.
Dặn xong, Bán Hạ quay sang gật gật đầu với Hiểu Linh rồi cả hai ra ngoài.
- Cảm ơn muội đã cho ta một phương pháp tốt như vậy.
Hiểu Linh mỉm cười:
- Đâu có, ta chỉ vô tình nghĩ đến mà thôi, cũng là do tỷ tự mình cân nhắc làm hay không làm.
Bán Hạ nhìn Hiểu Linh mỉm cười, cũng không nói gì thêm về vấn đề này nữa. Nàng hỏi:
- Muội sang tìm mẫu thân có chuyện gì à? Ta có giúp được gì không? Mẫu thân hôm nay đưa Quế Chi đi khám bệnh và hái thuốc, chắc sẽ không về sớm.
Trần bá phụ không biết từ lúc nào cũng ra ngồi chõng cùng hai tỷ muội. Hiểu Linh thấy vậy, liền rót cho ông chén trà:
- Ta muốn sang hỏi bá mẫu về việc đào giếng. Xem có thể mời ai làm và chi phí khoảng bao nhiêu thì được.
Vừa nói cô vừa nhìn qua Trần bá phụ và Bán Hạ xem thái độ của hai người. Thì chỉ thấy bá phụ cười cười nhìn về phía Bán Hạ. Bán Hạ gật gật đầu:
- Cũng nên làm một cái, nhà muội toàn nam tử, muội đi vắng sẽ rất vất vả. May cho muội, Ngũ Nương thẩm chính là người vừa rồi là một tay đào giếng cự phách. Thẩm ấy dò mạch giếng rất chuẩn.
Đúng lúc ấy Trần Ngũ Nương trở lại với chiếc cáng trong tay. Bán Hạ trông thấy liền gọi:
- Ngũ Nương thẩm, thẩm qua đây một chút.
Trần Ngũ Nương tuy nhìn thấy hai tỷ muội Bán Hạ, Hiểu Linh và Trần Lý thị ngồi ở sân, nhưng vốn định đi thẳng vào phòng khám để đưa nữ nhi về nên chỉ gật đầu chào, không ngờ lại bị gọi lại. Nàng ta ngạc nhiên trong chốc lát rồi lại nghĩ hẳn là Trần tiểu đại phu muốn dặn dò gì về nữ nhi nên dừng lại:
- Trần tiểu đại phu có gì cần dặn dò ta sao?
Trần bá phụ đứng dậy tránh qua một bên. Bán Hạ nhìn thẳng Trần Ngũ Nương đáp:
- Ngũ Nương thẩm khách khí rồi. Dù sao thẩm cũng ngang vai với mẫu thân ta. Một câu Trần tiểu đại phu khiến ta tổn thọ rồi. Ta cũng không có gì dặn dò, chỉ là có chuyện phiền thẩm một chút. Thẩm ngồi uống chén trà đã.
Trần Ngũ Nương ngồi xuống một góc chõng, đón lấy chén trà từ tay Hiểu Linh đưa, uống cạn. Hiểu Linh lúc này mới nhìn kỹ diện mạo người này. Ngũ Nương khá cao, thân hình chắc nịch, gọn gàng. Gương mặt sắc nét, anh tuấn, bị một vết sẹo dài từ trán xuống qua mắt phải tới gò má hủy mất. Người này chỉ khoảng 25-26 tuổi. Uống cạn chén trà, Trần Ngũ Nương đáp:
- Tuổi nhò tài cao. Một chữ Trần tiểu đại phu tiểu muội tử xứng đáng được nhận, cũng là thể hiện sự tôn trọng của ta với đại phu. Trần tiểu đại phu có việc gì cần Ngũ Nương ta đây giúp sức, ta tuyệt không nề hà.
Bán Hạ đánh mắt qua Hiểu Linh ý bảo nàng tự mình làm việc. Cô cười cười đáp:
- Ngũ nương thẩm hảo. Là nhà ta có ý định đào một cái giếng, muốn thỉnh thẩm giúp đỡ một tay. Chi phí bao nhiêu, thẩm cho ta một mức giá.
Trần Ngũ Nương ngẩn người, không ngờ là một mối làm ăn a. Nhìn lại tiểu cô nương Phạm gia, bà thấy được người này không đơn giản. Tuy rằng đi lại trong Trần thôn này không thể không biết tiếng xấu của Phạm Hiểu Linh. Nhưng vì chẳng có gì va chạm nên Ngũ Nương cũng chưa bao giờ để ý nhiều đến những lời rảnh rỗi của mấy nam nhân ngồi lê đôi mách trong làng. Bà là người lăn lộn trong quân ngũ năm năm, nhìn thấy nhiều loại người nên cảm nhận về người khác tương đối chuẩn. Bà đáp:
- Việc đào giếng ta đúng là thành thạo. Còn giá cả thì chưa thể nói được mà còn phải tùy vào địa điểm đào giếng, vị trí mạch nước. Địa điểm càng khó dò mạch nước hay mạch nước càng sâu thì tiền càng cao. Tuy nhiên ở Trần thôn này ngay gần sông nên mạch nước thường không quá sâu. Chỉ phụ thuộc vào Phạm gia muốn đào giếng chỗ nào thôi. Bình thường thì chi phí mất khoảng 2- lượng bạc là công người đào, không kể đá vôi các loại xây thành giếng nữa.
Hiểu Linh im lặng lắng nghe, cân nhắc, đáp:
- Ngũ Nương thẩm, nếu là ta muốn khoán trắng cho thẩm thì thế nào. Thẩm tự mua đá vôi xây thành giếng. Ta còn muốn sân giếng lát gỗ chống trơn kèm theo một cái nắp miệng giếng nữa. Thẩm tính toán cho ta: nên mua nguyên vật liệu gì, chi phí vật liệu, nhân công như thế nào rồi báo cho ta một cái giá. Nếu cảm thấy ổn, ta khoán hết cho thẩm làm. Thẩm sẽ chủ động trong mọi chuyện và ta chỉ cần kết quả cuối cùng.
Thẩm Ngũ Nương nhíu mày nghĩ một lát mới đáp:
- Ta cần xem qua vị trí nhà và vị trí giếng định đào mới có thể tính toán giá cả được. Lát đưa Giản nhi về, ta sẽ qua xem, được chứ.
Hiểu Linh cười:
- Vậy thì tốt. Ta chờ thẩm ở nhà.