Chương 64: “Cao như vậy sao?”,
Trên bờ, những người kéo thuyền hò hét, chiếc thuyền gỗ bắt đầu di chuyển chầm chậm.
"Ba thước vải trắng, hây! Bốn lạng cây gai, hây! Chân đạp tảng đá, hây! Tay đào cát, hây! …"
Trên bờ, có tiếng hò kéo thuyền dõng dạc của đám người.
Đây là lần đầu tiên Kim Phi đi loại thuyền gỗ do người kéo này, liền chạy lên boong tàu xem.
Liền nhìn thấy ba bốn mươi người đàn ông da đen trên bãi biển phía tả ngạn, tất cả đều trần truồng, trên lưng mang một tấm vải rộng thênh thang, cúi người về phía trước một cách khó khăn, gần như bò về phía trước bằng bốn chân.
"Tại sao bọn họ không mặc quần áo? Phía sau có hai người phụ nữ mà họ chẳng ngại gì cả".
Đây là lần đầu tiên Mãn Thương ở trên thuyền, hắn cũng lên boong.
Hắn cũng ngạc nhiên khi thấy rằng những người ở đây đều không mảnh vải che thân.
"Mãn Thương, tất cả bọn họ đều là dân khuân vác. Kéo một lúc là người đầy mồ hôi rồi. Một khi mồ hôi thấm vào, dây kéo thuyền còn cọ sát vào nữa, thì quần áo sẽ bị sờn rách, người nghèo lấy đâu ra lắm quần áo như vậy?"
Trịnh Phương, người tình cờ đi ngang qua, giải thích: "Những người phụ nữ đứng sau thường là vợ của một người kéo thuyền nào đó, thấy cũng nhiều rồi nên chẳng xấu hổ nữa".
“Vợ của người kéo thuyền không kéo thuyền thì đi theo làm gì?”, Mãn Thương hỏi lại.
"Kéo thuyền là việc khổ cực, không thể nhịn ăn, bằng không sẽ không có sức, họ mang theo đồ ăn với nước uống đó".
Trịnh Phương nói: "Đôi khi một người kéo thuyền quá mệt mỏi không thể chịu nổi, họ cũng có thể vào thế chỗ một lúc và để người đàn ông đó lấy hơi".
“Vậy thì họ có mặc quần áo khi kéo thuyền không?”, Mãn Thương tò mò hỏi.
“Đương nhiên cũng không rồi”, Trịnh Phương nói: “Nhưng người phụ nữ này còn mạnh mẽ hơn nam tử hán kìa, sẽ không ai chê cười bọn họ đâu”.
Ngày nay quần áo rất đắt, nhiều người chỉ có một bộ quần áo mặc từ mùa xuân sang mùa đông, hỏng thì sửa.
Trước khi Quan Hạ Nhi kết hôn với Kim Phi, cô cũng chỉ có một bộ quần áo làm khi cô 10 tuổi, khi lớn hơn thì lại nối một đoạn. Khi kết hôn với Kim Phi, bộ quần áo đã bị chia thành nhiều lớp, với các bản vá chồng lên nhau.
Điều này không có gì xấu, có người nghèo cả nhà chỉ có một hoặc hai bộ quần áo, ai ra ngoài thì mặc, ai không ra ngoài thì nằm trong chăn.
Đi làm đồng cũng phải dậy sớm, không phải vì siêng năng mà vì không có quần áo, trời tối cũng không ai thấy.
Cơ thể của người kéo thuyền lúc nào cũng đổ mồ hôi, quần áo nhanh hỏng nên chỉ có thể khỏa thân, nếu không số tiền kiếm được sẽ không đủ mua quần áo.
“Họ có thể kiếm được bao nhiêu tiền cho một ngày kéo thuyền?”, Kim Phi hỏi.
"Khó nói lắm. Ở chỗ tốt cũng được bảy tám văn một ngày. Đối với mấy đoạn đường khó thì giá cao hơn. Lúc cao nhất có thể được ba bốn mươi văn một ngày".
“Cao như vậy sao?”, Mãn Thương kinh ngạc hỏi.
Ngay cả Kim Phi cũng hơi ngạc nhiên.
Kiếm được nhiều thế á?
Phải biết rằng y đưa cho Trương Lương lương tháng là 500 văn, Trương Lương đã bảo quá nhiều.