Chương 22
“Màu son này thật là hợp với không khí ngày Tết quá đi chứ. Cả mùi nước hoa này cũng vậy. Chậc, giá như có thể vác nguyên bộ dạng này tung tăng trong siêu thị cùng Phong thì tốt biết mấy…”
Bảo An soi mình trước gương hồi lâu rồi lại buồn bã nhìn vào đống son đủ loại hình dáng và sắc màu được bày biện đẹp mắt trên bàn phấn mà không nén nổi tiếng thở dài. Mặc dù từng mạnh miệng thề thốt, hứa hẹn với Phong rằng sẽ từ mặt son vĩnh viễn nhưng do niệm tình xưa nghĩa cũ với người bạn đã gắn bó với mình suốt hai năm trời, An không đành lòng quẳng chúng đi. Cho thì tiếc mà bán lại mất hết kỷ niệm, thôi cứ giữ vậy, thỉnh thoảng lôi ra quệt quệt vài cái rồi chụp tấm hình, một mình mình ngắm, một mình mình hay, thế là đủ.
Bảy giờ sáng, sau khi hoàn tất việc xin kinh phí từ người mẹ thân yêu, Bảo An đủng đỉnh lái xe đến nơi hẹn hò. Nhà An nằm trong một con ngõ lớn được bao bọc xung quanh bởi khu chợ sầm uất, buôn bán các loại thực phẩm thiết yếu và hoa cảnh trưng bày. Đúng là chợ Tết có khác, đông vui nhộn nhịp gấp mấy lần ngày thường. Giọng người mua kẻ bán hòa cùng những tiếng “bíp bíp” của còi xe tạo thành một bản nhạc rộn ràng, ai nghe thấy cũng đều cảm thấy rạo rực niềm vui. Có điều, vui thì vui thật nhưng lại tắc đường quá, Bảo An chật vật, cố gắng nãy giờ vẫn chưa len lỏi ra được khu chợ đông nghịt người và xe. Vừa tránh được mấy chiếc xe thồ chở đầy rau củ quả, An lại đụng ngay phải gánh hàng rong của bác gái bán hoa, còn làm gẫy mất một nhánh hoa ly của bác nữa chứ. May mắn thay, bác ấy rất đỗi hiền từ và độ lượng, bác chỉ cười xuề xòa rồi nhắc nhở An nhớ cẩn thận và chú ý hơn, không hề gây khó dễ cho con bé. Bảo An mừng quýnh, rối rít cảm ơn bác rồi thở phào nhẹ nhóm, tiếp tục lái xe một cách thận trọng.
Khó khăn lắm mới thoát ra khỏi khu chợ, vậy mà ngay sau đó An liền gửi nhờ xe cho một bác hàng xóm, rồi thong thả rảo bước đi bộ tới nhà Phong.
Ngồi xe thì vèo một phát là tới nơi, đi bộ thế này thời gian ở cùng nhau mới được kéo dài chứ!
Ý nghĩ ấy khiến hai má An bất giác ửng hồng, cảm thấy cả người như đang nóng bừng lên. Con bé đưa tay lên ôm trọn gương mặt rồi chạy vụt đi, mong sao cái lạnh của những ngày cuối năm có thể giúp An giảm được thân nhiệt. Xem ra căn bệnh “nghiện Phong” ngày càng trầm trọng hơn rồi.
Khi An tới nơi Phong vẫn còn vùi người trong chăn ấm đệm êm, chìm mình với cơn mơ miên man. Chuông điện thoại reo lên inh ỏi cả chục lần Phong mới lờ mờ tỉnh giấc, thò tay ra ngoài chăn sờ mó loạng xoạng tìm em “dế yêu”.
“Lô… Đến sớm thế… Mấy giờ?... Còn chưa đến tám rưỡi mà… Rồi rồi, biết rồi. Đợi một lát.”
Hoài Phong vẫn nằm ườn ra đấy, cố níu kéo giấc ngủ đang còn dang dở. Mắt nhắm đấy nhưng tâm thì cũng dần dần tỉnh rồi. Đầu óc cậu mơ màng nhớ tới bản tin thời tiết tối qua, hình như sáng nay trời rét đậm, Bảo An lại đang “đơn côi lẻ bóng” đứng đợi ngoài kia, kể cũng tội thật. Thân là thằng con trai, không thể “cao su” giờ thêm tí tẹo nào nữa. Nghĩ vậy Hoài Phong đạp tung chăn mền rồi chệnh choạng tiến vào nhà tắm chải chuốt, tuốt lại vẻ đẹp trai.
Sau khi đầu tóc gọn gàng, áo quần chỉnh chu Hoài Phong mới lấy ở trong ngăn kéo bàn học ra một cái hộp nhỏ, bên trong có độc một tờ tiền mệnh giá năm trăm nghìn đồng. Kết thúc ba tháng làm việc tại cửa hàng của gia đình Bảo An, tổng số tiền Phong nhận được là chín triệu rưỡi. Tuy còn thiếu nhưng Phong vẫn đưa trả bà khoản tiền ấy. Cầm số tiền trên tay, bà nội bà không khỏi ngạc nhiên và có chút gì đó nhoi nhói trong lòng. Bà chỉ nhận số chẵn thôi, chỗ lẻ bà cho Phong giữ, còn dặn cậu mua cái gì đó mình thích, coi như là tự thưởng cho những nỗ lực của bản thân trong thời gian qua.
Từ đó đến nay, tờ tiền vẫn nằm im một chỗ, chưa được sử dụng. Đắn đo mất một, hai giây Phong quyết định nhét nó vào túi áo, chốc nữa có việc cần dùng đến.
Vừa ra đến cổng, đập ngay vào mắt Hoài Phong là hình ảnh một con bé mặc áo choàng đỏ, chân đi giày đỏ, khăn quàng cũng đỏ nốt. Đang nhảy lò cò đốt thời gian trước cửa nhà Phong, An bèn giật mình khi nghe tiếng cười bên cạnh:
“Trông cứ như cái phong bao lì xì di động ý nhỉ! Đỏ choe choét từ đầu tới chân.”
Trái với An lòe loẹt, Phong lại cực kỳ tối giản và đơn điệu. Đồ cậu mặc trên người chỉ tồn tại duy nhất một màu đen huyền bí. Thật là ảm đảm, cũng may là còn có đôi giày trắng vớt vát lại được chút sắc thái. Nhìn thấy Phong, An bĩu môi chê bai:
“Xì, cậu mù màu à? Tớ có mặc nguyên cây đỏ đâu. Đây này, quần và ba lô đều màu đen nhá, cái bờm trên đầu thì trắng muốt, còn nữa nguyên đống vòng tay gốm sứ tớ đang đeo cũng đủ sặc sỡ lắm rồi. Nom cậu thì… chán chả buồn nhận xét luôn.”
Phong không mấy chú tâm nghe những lời nhận xét của An, đôi mắt cậu hết ngó bên nọ lại nghiêng bên kia suốt nãy giờ, cậu đang tìm kiếm thứ đó. Nó to như thế, An không tài nào mà giấu đi được nhưng sao Phong nhìn mãi vẫn chẳng thấy nhỉ? Quái lạ thật!
“Xe đâu?”
Nghe Phong hỏi, An chợt nhớ tới cái lý do khiến mình đi bộ đoạn đường dài đến đây và hai má bắt đầu nóng ran lên. Cô bé trong bộ đồ đỏ cúi gằm mặt xuống đất, hai ngón tay chỏ chọc chọc vào nhau, đôi bàn chân thì hết ngửa ra lại úp vào, hình như đang bối rối lắm. Bảo An ấp úng mãi không nói ra được một câu hoàn chỉnh còn Phong thì liên tiếp hỏi thúc giục con bé đưa ra lời trình bày. Nếu khai thật cái lý do đáng ngại kia với Phong, thể nào cậu ta cũng lại ca bài ca muôn thuở “Con gái con đứa, thật là...” Khủng khiếp hơn, Phong sẽ được đà lên mặt và kéo theo đó là vô vàn những hạch sách oái oăm mới được sinh ra đời. Từ lúc mới quen đến giờ, tiểu thư kiêu kỳ Lương Bảo An đã bị rớt giá thê thảm lắm rồi, không thể tiếp tục để mất mát thêm được nữa. Có ch.ết cũng phải giữ bằng được!
Nghĩ mãi, nghĩ mãi cuối cùng An cũng “nặn” ra được một cái cớ như sau. Con bé ngẩng phắt đầu dậy, hai mắt sáng như sao, thỏ thẻ đáp:
“À, xe tớ để ở nhà rồi. Đi bộ cho đỡ tốn tiền điện, lại còn khỏe người nữa chứ. Nhờ Phong nhờ?”
Hoài Phong vòng tay trước ngực, khóe môi khẽ nhếch lên cười nhạt, đôi mắt lãnh đạm nhìn thẳng gương mặt đang tươi roi rói phía trước. Bị nhìn trực diện như vậy Bảo An không khỏi rùng mình, cố ngoạc miệng ra cười ngu mấy cái. Đối với động vật đơn bào như An mà nói thì biểu cảm của Phong lúc này thực sự quá đỗi khó hiểu. Cậu ta săm soi cái gì chứ? Không lẽ đang cố đọc ý nghĩ bên trong cái đầu bé tẹo của An? Hơn nữa cứ đừng nhìn nhau thế này thì thật là mất thời gian quá, mà An lại muốn đi siêu thị lắm rồi đây. An lắc lắc cái đầu cho văng hết những lo sợ vớ vẩn đi, hít một hơi lấy can đảm, con bé đẩy mạnh thân hình cao lêu nghêu đang chắn ngang trước mặt mình, khẽ quát:
“Đừng nhìn tớ nữa. Đi mau đi, muộn rồi.”
“Tao ngửi thấy mùi gì đó. Hình như là mùi…”
Hoài Phong nhắm hờ đôi mắt, bàn tay trái vỗ mấy cái nhè nhẹ vào đầu, tỏ vẻ như đang chuyên tâm nghĩ ngợi. Ôi ôi, nói chuyện với Phong thật là hại não quá đi mất, đang nói về vụ cái xe, thoắt cái đã chuyển sang chủ đề khác rồi. Cậu chính là hiện thân của thánh “chuyện nọ xọ chuyện kia”. Nghe Phong nhắc đến “mùi”, An giật mình thon thót, trời đang rét căm mà mồ hôi cứ tuôn ra ào ào, miệng thì méo xẹo sang một bên, lỡ mà có cơn gió độc tạt ngang qua thì… Rõ khổ, trước khi đi ra khỏi nhà An đã tẩy trang kỹ lắm rồi, chỉ tại hương nước hoa này hơi nồng lại bám lâu nên mới ra cái cơ sự này.
“Không phải mùi nước hoa đâu. Là nước xả vải đấy. Thôi đừng lằng nhằng nữa, đi nhanh lên.”
An gào toáng lên hòng làm cho Phong hoảng loạn mà quên đi vấn đề này, xong liền phăng phăng tiến thẳng phía trước, tránh bị hỏi nhiều rồi lỡ miệng khai ra mất. Nom cái dáng lạch bạch đang hùng hổ bước đi của An, Phong bất giác phì cười. Ngửi qua một cái là cậu đủ biết sáng nay An lại tí tởn, bí mật hẹn hò với “người tình thứ hai” rồi. Tết mà, ai chẳng thích diện, Phong cũng có ý kiến gì đâu, chỉ định trêu An chút thôi, không ngờ An lại quan trọng hóa mọi việc lên như thế. Là An quá trân trọng mối quan hệ này hay do lâu nay Phong đã nhiều lần dọa nạt khiến cho con bé phải sợ cậu một phép? Phong không biết nữa. Khẽ thở hắt ra một hơi, Phong chạy vội đuổi theo cô bạn đã ngúng nguẩy bỏ đi trước đó.
Dù là chiều 29 Tết nhưng siêu thị vẫn còn vô số thứ cho An lựa chọn, người đi mua sắm cũng vẫn rất tấp nập. Vừa đặt chân vào siêu thị An liền lao phầm phập lại khu vực bán thức ăn vặt. Những túi kẹo, túi bánh được xếp ngay ngắn trên kệ, long lanh lấp lánh như đang vẫy chào vị khách háu ăn kia. Bánh mochi Nhật Bản mềm mềm dẻo dẻo với đủ hương vị và màu sắc, mấy túi kẹo hạnh nhân Hàn Quốc thật quá quyến rũ đi thôi, lại cả những túi bò khô đo đỏ bắt mắt nữa, dù được bọc trong gói cẩn thận nhưng dường như An vẫn ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt của những hộp mứt,… bao nhiêu là món ngon, Bảo An muốn ôm tất cả chúng về nhà. Đang hí hửng lấy ra một đống đồ từ trên kệ định bỏ vào xe, An sực giật mình nhận ra Phong đã biến mất cùng chiếc xe đẩy hàng nãy giờ. Bảo An đặt trả đống bánh kẹo lên kệ rồi chạy ngược lại tìm Phong. Đây rồi, cậu ta đang đứng tựa người vào cái xe đựng đồ trước một màn hình tivi lớn trong quầy bán hàng điện tử, hai cánh môi hơi chếch lên ý cười. Xem cái gì mà khoái chí thế nhỉ, An lấy làm tò mò bèn tò tò tiến lại gần rồi nhòm đầu vào coi ké. Ngay lập tức, An thộn mặt ra khi thấy hiện lên màn hình là mấy cô người mẫu thân hình gợi cảm trong những bộ đồ hai mảnh đang sải bước trên sàn catwalk. Là một show trình diễn thời trang nội y! Hoài Phong thích mấy thứ này ư?
Phong quay sang nhìn thì thấy An đang ngây ngốc há hốc mồm đứng bên nãy giờ. Khẽ cười thành tiếng, cậu tẹp miệng nói:
“Sao? Ghen tị với người ta lắm à?”
Lại thế, Phong lại nói chuyện không đầu không đuôi rồi, báo hại An thêm lần nữa rơi vào bế tắc, cái đầu tùng mùng chẳng hiểu nổi ẩn ý trong câu nói kia, chỉ biết đần mặt ra “hả” một tiếng rõ to. Hoài Phong bất ngờ áp sát mặt An, hương bạc hà tỏa ra từ hai cánh môi kiêu kỳ khiến toàn thân An cứng đờ, trung ương thần kinh dường như tê liệt, hồn đã lìa khỏi xác tự lúc nào không hay. Bằng cái giọng trầm đều vốn có, Hoài Phong thủ thỉ thì thầm vào tai An:
“Tao không thể giúp mày có được vòng một như mấy đứa kia. Nhưng tao biết cách làm bụng mày to lên đấy.”
Lời Phong vừa dứt cũng là lúc toàn thân An nóng bừng, đỉnh điểm là hai cái tai và gương mặt, đỏ phừng phừng cảm tưởng như sắp phùng ra lửa ngay tức thì. “Làm bụng mày to lên” là ý gì chứ? Chẳng lẽ cậu ta định… Thật không ngờ Phong lại đổ đốn đến vậy. Lúc trước An cứ tưởng Phong đặc biệt, dù hư hỏng nhưng luôn mang cho An cảm giác tin tưởng và an toàn. Chưa khi nào An cảm thấy sợ sệt cậu hết, càng không nghĩ cậu là mối nguy hiểm mà mình phải né tránh. Câu nói kia thực khiến An thất vọng quá đi mất, tự trách bản thân ngu ngốc cứ đâm đầu vào si mê cậu lâu nay. Bây giờ phải đối mặt với sự thật phũ phàng ấy, đau thì đau thật nhưng An không được phép gục ngã, phải vững vàng đứng lên tự bảo vệ chính mình.
“Đồ xấu xa, nếu cậu dám giở trò xằng bậy với tớ thì tớ nhất định sẽ kiện cậu ra tòa rồi họ sẽ tống cậu vào tù đấy. Biết chưa hả?”
An không hoảng sợ đến khóc thét lên, An biết dũng cảm tự vệ. Điều này khiến Phong âm thầm mỉm cười hài lòng trong bụng, vậy là năm sau cậu có thể yên tâm lên đường rồi. Thú thật, mấy hình đang trình chiếu trên tivi có là gì, Phong từng xem những thứ còn khinh khủng hơn nhiều tuy rằng tuổi đời của cậu chưa cán mốc mười tám. Phong thề, cái đầu của cậu dù cực kỳ đen tối và đục ngầu như nước chảy dưới cống nhưng chưa khi nào cậu có ý nghĩ tầm bậy với An, đối với bọn con gái trong hội cậu hay tụ tập thì cũng có một vài lần. Chuyện vừa rồi Phong chỉ muốn đùa An chút thôi, thật tốt khi con bé không đơ mặt ra và hỏi “Là sao cơ?”
Trông An khi tức giận mới thật buồn cười làm sao, Phong chẳng thể nào sợ nổi cái gương mặt cau có đó. Nhưng đã diễn thì phải diễn đến cùng, Hoài Phong cố tỏ vẻ ngây thơ thánh thiện nhất có thể, giọng điệu vờ như bàng hoàng và ngỡ ngàng lắm:
“Tặng bạn bánh chưng ăn cho tăng cân cũng là xấu à?”
“Hả?”
Là tặng đồ ăn sao? Phong thực sự không định… Đúng rồi, cậu biết An bị béo bụng mà, cho nên “bụng to ra” ở đấy ý chỉ đống mỡ hả? Vậy ra người có suy nghĩ đen tối là An chứ không phải Phong ư? Ôi, An ngại ch.ết mất thôi! Bộ mặt đang nhăn nhó khó chịu khi nãy, giờ đã được dán lên đấy mấy chữ “choáng toàn tập”. Choáng đến độ không thốt lên lời, chỉ biết giương mắt ếch nhìn cậu bạn trước mặt đang gật đầu lia lịa.
“Nhớ có lần mày than là bụng mày dễ tích mỡ đúng không? Dạo này lại thấy mày gầy quá nên định biếu mấy cái bánh ăn cho lên cân ý mà. Bánh nhà làm, đảm bảo sạch.”
“Hả?”
“Sao hả lắm thế mẹ trẻ? Không nhận thì thôi, đi.”
Sau khi vỗ một phát nhè nhẹ vào đầu An, Phong liền đủng đỉnh đẩy xe đi mất. Còn lại nơi ấy, An đứng tẩn ngẩn tần ngần rồi phì cười nhẹ nhõm. Phù, thì ra Phong chẳng những không đê tiện như An tưởng mà còn cực kỳ trong sáng và tốt bụng. Lại còn biết quan tâm đến sức khỏe của An nữa chứ, thế này thì An tự nguyện lẽo đẽo bám đuôi Phong suốt đời. Có thể lúc nãy thứ khiến Phong nhìn đắm say chính là cái ti vi hiện đại ấy, bọn con trai vẫn thường hay đam mê mấy đồ điện tử mà.
“Ê đồ chân ngắn, bước nhanh lên xem nào. Cứ để người chân dài phải chờ là sao nhờ?”
“Dạ, tới ngay đây.”
An reo vang vui sướng rồi chạy vọt lại chỗ cậu con trai hai tay đang chống hông đứng đợi.
*****
Cuối năm mặt hàng nào cũng treo biển “Giảm giá, xả hàng”. Bộ áo khoác đôi An thích lúc đầu đông cũng đang trong đợt đại hạ giá. Cặp áo được thiết kế đơn giản, lấy màu đỏ làm chủ đạo, có pha thêm chút sắc trắng. Tuy nhiên, do chất liệu áo tốt, dù mỏng nhưng cực kỳ ấm nên lúc đầu cặp áo có giá hơn năm trăm nghìn. Giá “chát” cộng với việc biết trước rằng Phong sẽ không chịu mặc nên dù ch.ết mê hai cái áo ấy nhưng An đành ngậm ngũi ngoảnh mặt bước đi. Hôm nay hạ đến bốn mươi phần trăm, Phong chắc cũng cần sắm áo quần mới, An không thể bỏ lỡ.
Bảo An hứng chí kéo Phong vào cửa hàng mặc thử. Nhìn cả hai trong gương, An vỗ tay đôm đốp tự tán dương bản thân:
“Uầy, đẹp dã man ấy. Mua đi Phong. Tớ với cậu chia đôi tiền.”
“Dẹp, lòe loẹt ch.ết đi được.”
Bị phũ quen rồi, An chẳng hề nao núng bỏ cuộc, tiếp tục đung đưa cánh tay Phong, ra sức năn nỉ:
“Tết thì phải rực rỡ chút chứ. Với lại cái tủ quần áo của cậu đen sì đen sịt, chẳng có tí tẹo sức sống nào cả. Với lại lâu lâu thay đổi sở thích một tí cũng tốt mà. Với lại Tết mặc đồ đỏ cho thêm may mắn, phát tài phát lộc. Với lại…”
“Thôi… Không mua.”
An lèo nhèo nhiều hết sức, Phong nghe mà muốn ong cả đầu. Chữ “Thôi” được Phong kéo dài tỏ ý chắc nịch rằng có đánh ch.ết cậu cũng không rước cái áo đó về. Nói đứt cả hơi, tốn bao nhiêu là nước bọt mà không lung lay được cái đồ bảo thủ kia, Bảo An vừa chán vừa bực bèn cong cớn bỏ đi.
Trong một tích tắc, hình ảnh cái áo xanh An mặc dính đầy bãi nôn của cậu ùa về khiến Phong nhanh chóng đổi ý. Vốn định hôm nay đến đây mua thứ gì đó tặng An, coi như thay cho lời xin lỗi, mà suốt bấy lâu đi mỏi chân trong siêu thị vẫn chưa nghĩ ra là nên chọn món đồ gì. Thôi, An đã thích cái áo như vậy thì Phong chiều, giá cả cũng phải chăng. Phong chẹp miệng, đưa tiền cho chị chủ cửa hàng và nhờ vả:
“Chị cho em lấy bộ áo. Tiện thể cắt mác luôn hộ em nhé.”
Phong tiến tới quầy khăn len – nơi có bóng dáng nhỏ trong bộ đồ đỏ đang loay hoay lựa chọn. Cậu thẳng tay giơ cái áo ra trước mặt An và hỏi:
“Muốn mặc luôn không?”
Chẳng tốn một giây suy nghĩ, An vội giật lấy và khoác lên người, ngó qua thấy Phong cũng đang diện áo mới liền cười tí tởn. Mặc xong, An đung đưa hai cái khăn len, một cái màu nâu trầm, một cái màu xanh rêu lên ngang tầm mắt Phong.
“Đẹp nhỉ. Cậu cũng nên mua tặng mọi người trong nhà chứ, tớ nghĩ hai màu này hợp với bà và mẹ cậu đấy. Hôm nọ tớ mua cho hai bà và mẹ tớ mỗi người một cái hệt thế này, ai cũng khen chọn khéo, khăn vừa đẹp vừa ấm.”
Hoài Phong cau mày nghĩ ngợi một chốc, thấy lời An nói quả không sai. Ngày nhỏ nỗ lực thế nào bà cũng chẳng thèm đoái hoài đến cậu, Phong nản và ngưng cố gắng. Lại nghĩ số tiền này suy cho cùng vẫn là của bà cho, Phong hẳn nên mua quà tặng bà. Cậu gật đầu đồng ý. Sau khi mua hai chiếc khăn Phong còn lại sáu mươi nghìn trong túi. Cậu mua thêm một đôi găng tay tặng Hoài An hết năm mươi nghìn, dư ra mười nghìn Phong quyết định mua nốt đôi tất cho bố. Thế là cả nhà ai cũng có quà.
*****
Hôm nay mua được bao nhiêu là đồ, thích ghê cơ. An tung tẩy vừa đi vừa vung văng mấy cái túi, thao thao bất tuyệt mấy câu chuyện “trời ơi đất hỡi” không mệt mỏi. Trái lại, Hoài Phong sát bên cạnh lại có cảm giác trống trải lạ thường, dường như cứ có cơn gió luồn lách trong cơ thể, run run. Hoài Phong chợt sững người, giật mình đến dựng cả tóc gáy. Khẽ đảo mắt nhìn xung quanh, Phong đưa tay lên kiểm tr.a một cách thận trọng rồi bất giác thót tim, nhắm chặt mắt cắn môi tuyệt vọng. Xong, lúc nãy đi vệ sinh vội quá quên chưa… “đóng cửa sổ” rồi.
“An, đi trước đi. Tao vừa gặp người quen phải rẽ vào đây một lát đã. Đi đi.”
Đang yên đang lành bỗng dưng Phong hét toáng lên, lời nói có vẻ gấp gáp. Bảo An đứng trơ trơ không hiểu chuyện, miệng lắp ba lắp bắp thắc mắc:
“Ờ… Nhưng mà…”
“Không nhưng nhị gì cả. Đi trước đi. Cấm xin đi theo.”
Tự dưng Phong lại nổi đóa, mặt mũi hầm hầm như thịt bầm nấu cháo, An chẳng tài nào hiểu nổi. Nhưng nghe giọng điệu kia xem ra An không đi không được, tiếp tục chần chừ mè nheo thêm lúc nữa thể nào Phong cũng “bốc cháy” đùng đùng, hậu quả sẽ vô cùng khôn lường. An mặt hơi tai tái cắp mông chạy thẳng, được một lúc có hơi ngoái đầu lại liền bị tiếng sư tử rống kia nạt cho hồn bay phách lạc:
“Đi thẳng, còn quay xuống nhìn thì đừng trách tao phũ.”
Đoạn đường này là mộ con ngõ lớn, tuy vắng nhưng vẫn có vài ba cô bác đang ngồi nhặt rau trước hiên nhà và đôi khi một, hai chiếc xe tà tà chạy lại, Phong không thể giải quyết ngay ở đây được vì khi nãy quát An hơi to nên có bị mấy người đó chú ý, nhìn chăm chăm không chớp mắt. Cũng may là ngay gần đây có con hẻm nhỏ, nhìn qua thì chẳng thấy bóng ai, Phong bèn chạy vội vào đó và “đóng cửa”. Tất cả đều tại An hết, ai bảo lúc Phong trong nhà vệ sinh con bé cứ đứng ngoài cửa giục giã loạn xạ cơ, làm cậu cuống quá mới ra nông nỗi này. Xoẹt, nhiệm vụ vừa hoàn cũng là lúc Phong thở phù một tiếng.
“May, vẫn chưa bay mất.”
Trong ngõ không có vỉa hè, An phải nép sát mép tường mà đi nếu không muốn bị xe tông cho vài phát. Cơ mà “người tính không bằng trời tính” có tránh cách mấy thì hôm nay, ngay khoảnh khắc này An vẫn bị một chiếc xe ga quệt ngang qua người. Cú va không quá mạnh, An bịch xuống nền bê tông, bàn tay có vài chỗ xước và đống đồ lỉnh kỉnh đã văng ra tứ tung theo đó. Hung thủ điều khiển chiếc xe là một bà cô béo ú, sau khi gây án xong thì dừng xe cách đấy không xa và nghe điện thoại.
Hoài Phong bắt kịp tới chỗ An, đến nơi thì thấy con bé đang lọ mọ thu gom lại đồ đạc miệng cứ lẩm bẩm điều gì đó. Phong ngồi xuống bên cạnh vừa đưa tay ra giúp An nhặt đồ vừa từ tốn hỏi chuyện:
“Sao đây? Ngã hả?”
Bảo An lắc đầu nguây nguẩy, chỉ chỉ trỏ trỏ về phía người phụ nữ kia và bắt đầu mách lẻo lại sự việc vừa xong với Phong. Khoảng cách giữa nạn nhân và hung thủ không quá xa nhưng đủ để cho An làm ràm xả tức mà không bị người kia nghe thấy. Sau một hồi kể lể An níu tay Phong ở lại, nói rằng muốn mắng nhiếc vài câu cho hả giận đã.
“Thật quá đáng mà, đâm người khác xong cứ thế bỏ đi luôn mới sợ chứ. Nhìn bà ấy rõ là sang chảnh mà hành xử quá vô trách nhiệm. Tớ cam đoan là bà ấy thừa biết lỗi của mình vì sau khi bị đâm tớ la oai oái lên cơ mà. Đen thế không biết, cuối năm rồi mà còn gặp hạn. Tớ nhất định sẽ…”
Hoài Phong hơi trề môi, đánh ánh mắt khinh thường về phía Bảo An. Rõ là con hổ giấy, uất ức như vậy sao không lên thẳng trên kia mà giãi bày, chỉ giỏi lèm bèm sau lưng người khác thôi. Nói ở đây bà kia nào có nghe thấy, khổ thân hai cái lỗ tai của Phong, chẳng gây ra chuyện cũng phải đứng gánh hậu quả. Phong không phục. Cậu cầm cổ tay An, lôi xềnh xệch con bé về phía trước, mặc cho An kia vội vã gào loạn lên van xin.
“Lên kia mà chửi. Đứng đây nói thì hóa ra là mày chửi tao à?”
“Thôi mà, cuối năm rồi, bỏ qua được chuyện gì thì bỏ đi. Buông tay tớ ra, tớ không lên đấy đâu, không cần đòi lại công bằng cũng được mà.”
“Mày không cần nhưng tao cần. Tự dưng phải đứng nghe chửi thay cho người khác, tức không chịu được. Nhân tiện bổ túc lại lòng can đảm cho mày luôn, đồ ch.ết nhát.”
Chẳng rõ lúc trước An sống thế nào, chỉ biết rằng từ khi quen biết tới giờ cậu luôn phải đứng ra làm bình phong cho con bé. Khi nãy vừa khen thầm An dũng cảm xong giờ lại thấy hối hận rồi, cứ thế này làm sao Phong yên tâm ra đi đây? Gần tới chỗ người phụ nữ kia đỗ xe đôi bạn cứ giằng co nhau mãi, người hùng dũng tiến đến gần, kẻ cố quay đầu tẩu thoát, cuối cùng thì cả hai đâm rầm vào chiếc xe máy khiến chủ nhân của nó ngã bổ nhào xuống đất. Người phụ nữ ré lên the thé, nằm chình ình tại chỗ ăn vạ:
“Ối giời ôi, giết người. Có đứa muốn giết tôi, ôi giời ơi…”
Bảo An tròn mắt kinh hãi, cuống quýt chạy tới đỡ người phụ nữ kia lên, nhưng do sức An có hạn, nạn nhân lại quá nặng thành ra càng kéo càng ngã thêm.
“Cô có sao không cô? Để cháu giúp cô đứng dậy. Cháu xin lỗi, cháu thành thật xin lỗi. Cô bỏ qua cho cháu nha cô.”
“Lỗi lầm gì? Đẩy người ta ngã lăn quay ra đấy, xước hết cả chân tay mặt mày thế này rồi xin lỗi là xong à? Còn đòi bỏ qua nữa à? Thái độ đấy mà được à? Hả?”
Bà cô to béo bỗng nhiên đứng vút dậy, quát tháo ầm trời, “mưa xuân” bay tung tóe vào mặt người đối diện. An thầm đoán rằng chắc hẳn bà ấy muốn đòi bồi thường, lại nghĩ tới cái ví chỉ còn lại đúng hai nghìn năm trăm đồng mà lòng chất chứa hoang mang. Mắt An bắt đầu rưng rưng nước, Phong thì vẫn bình chân như vại, chẳng xin lỗi cũng không đàm phán thương lượng. Hoài Phong hơi quay đầu về đằng sau cười nhạt khi nhận ra người quen. Tưởng ai xa lạ hóa ra là “tắc kè mẹ” đây mà, Phong cất cao giọng ngạo nghễ:
“An, sao phải xin lỗi? Đấy là cái giá mà bà ta phải nhận sau khi đã đụng xe vào mày lúc nãy thôi. Ra đây đứng.”
Hoài Phong vênh mặt về phía người phụ nữ nói lời cay đắng, tay lại chỉ ra sau lưng yêu cầu An đứng đấy. An đương nhiên là nghe theo răm rắp, chạy ngay về vị trí được chỉ định. Người phụ nữ kia nhận ra Phong liền lên tiếng hăm dọa:
“Lại là cái thằng vô học này. Tao là người lớn, không thèm chấp mấy đứa nhãi ranh chúng mày. Được rồi, tao sẽ tới nhà mày thêm lần nữa. Đừng tưởng cận Tết mà tao cho qua. Chờ mà xem.”
Nói rồi bà ta leo lên xe và phóng đi mất, phả thẳng vào mặt đôi trẻ một đám khói đen to đùng.