Chương 10: XÁC NGƯỜI DƯỚI GIẾNG

Xưa kia, ở bên Tàu, cách thành Đông Kinh lối 30 dặm có một bến đò, thuyền bè qua lại suốt ngày đêm sự buôn bán rất là sầm uất.


Ông già họ Đổng cũng đến đó lập nhà ngủ cho lữ khách đến trọ. Nhờ đông khách vãng lai nên cơ nghiệp ngày càng phát đạt và Đổng ông trở nên giàu có nhất làng.


Tuy vậy ông vẫn bắt buộc người con trai duy nhất là Đổng Nhơn phải cất hàng đi buôn bán nơi xa. Bạn bè thấy vậy có ý chê bai và hỏi móc:
- Bố giàu có bạc muôn, còn bắt con vất vả kiếm thêm. Bộ hai cha con định vơ hết của thiên hạ sao?
Đổng ông nghiêm giọng đáp:


- Ta còn khỏe mạnh, một mình trông coi nhà trọ còn dư sức không cần thằng Nhơn vả lại cho nó lăn lộn với đời sau này nó mới biết giá trị của sự làm việc khỏi ỷ y cha mẹ có của mà sanh ra lười biếng.


Thời gian sau, Đổng ông muốn cho Đổng Nhơn yên bề gia thất nên có ý chọn nơi hỏi vợ cho con. Dĩ nhiên kẻ mối người mai cũng lắm song Đổng trưởng gia chẳng ưa đám nào. Ông thường nói:


- Tiền bạc tôi dư xài, đâu có ham lấy vợ giàu cho thằng Nhơn. Yù tôi chỉ muốn được đứa con dâu nhà làm ăn buôn bán đặng chỉ dẫn dần dần việc trông coi nhà ngủ này để mai hậu nó gìn giữ cơ nghiệp họ Đổng.


available on google playdownload on app store


Sau đó người làm mai Dương thị là con người bán trà ở xóm Đông cho Đổng Nhơn. Dương thị năm nay tuổi vừa đôi chín. Nàng buôn bán rất giỏi, không bị thua lỗ mấy khi, lại thêm có sắc đẹp mặn mà, ăn nói có duyên, nhưng phải cái lẳng lơ…


Đổng ông đến tận cửa hiệu trà của cha Dương thị để thử thách và quan sát. Ông rất hài lòng về tài buôn bán của Dương thị nên đánh tiếng hỏi nàng cho con trai. Về phần Đổng Nhơn thì phải đi xa luôn có khi đôi ba tháng mới về nhà nên cũng không rõ tính tình Dương thị nay đi xem mặt thấy đẹp liền chịu ngay.


Thế là đám cưới đôi trẻ được cử hành trọng thể ít tháng sau. Về làm dâu họ Đổng, Dương thị biết tỏ ra cung kính bố mẹ chồng rất mực, khiến Đổng ông rất hài lòng. Sau tuần trăng mật, Đổng Nhơn lại lên đường đi buôn bán nơi xa.


Dương thị ở nhà thức khuya dậy sớm đốc thúc gia nhân chăm lo mọi việc khiến nhà trọ thiệt là sạch sẽ, khang trang. Lại thêm nàng xinh đẹp, nói năng dịu dàng, đôi môi hồng tươi thắm luôn luôn nở nụ cừơi duyên, đôi mắt phượng đa tình như thu hồn đám mày râu làm cho khách hàng hầu hết là chủ đò và tay buôn xuôi ngược trên sông này kéo đến xin ngủ trọ rần rần.


Tuy vậy cũng chưa có chuyện gì đáng tiếc xảy ra một phần vì Dương thị mới về nhà chồng được ít tháng còn bỡ ngỡ, phần khác vì Đổng ông tuy già mà còn tráng kiện cứ sục sạo đi ra đi vô luôn chẳng chịu ngồi yên một chỗ.


Thấy Dương thị được việc lại không có điều tiếng chi Đổng ông thường bảo vợ rằng:
- Nhà ta có phước mới được đứa dâu như thế. may cho mình không nghe lời gièm pha của thiên hạ. Nều không thì hối hận biết bao.


Sự tin cậy của bố chồng đối với nàng dâu ngày càng gia tăng đến độ một hôm Đổng ông vui vẻ biểu Dương thị:


- Ta thấy con đảm đang ngaon nết lại bặt thiệp nghĩ mà mừng cho thằng Nhơn, nên định trao hết tiền bạc và sự trông coi nhà ngủ này cho con, trước là để ta sớm được di dưỡng tuổi già sau là để con tập cho quen công việc lúc ta còn khỏe mạnh có thể chỉ bảo cho.


Nói rồi ông đưa hết chìa khóa các tủ để sổ sách, và két đựng bạc vàng châu báu cho Dương thị. Ông lại dời phòng riêng về phía cuối ở cách biệt hẳn một góc và cho Dương thị thay thế ông dậy mở cửa đêm hôm cho khách tới lui.
Ông già còn cẩn thận dặn con dâu quý:


- Con đừng e sợ chi hết. Vùng này nghiêm lắm chẳng có trộm cướp bao giờ vì vậy ta chẳng nuôi chó vả lại cũng ngại nó rượt cắn khách thì phiền. Tuy vậy để đề phòng gia nhân biến tính dòm ngó đồ đạc của khách trọ ta đuổi chúng sang ngủ ở phía đầu vườn đằng kia mỗi khi dọn dẹp xong và chỉ được lên nhà buổi sáng khi ta gọi mà thôi.


Được vô cùng cảm động lại càng ra công làm việc gây dựng cho giang san nhà chồng ngày thêm bề thế.
Nhưng sự vắng nhà thường xuyên của Đổng Nhơn và sự tín nhiệm quá mức của Đổng ông đối với con dâu đã tạo nên hoàn cảnh thuận tiện cho sự sa ngã của Dương thị.


Trong đám trai tứ chiếng tới lui nhà ngủ có tên chủ đò Tôn Khoan bảnh trai, mạnh khỏe lại khéo mồm mép thường hay chuyện vãn, đùa rỡn với Dương thị.


Hai người rất hạp ý nhau. Rồi thì việc phải đến thì đến: Tôn Khoan và Dương thị vụng trộm ân ái với nhau. Là đứa xảo quyệt, Tôn Khoan chờ khuya mới lỏn vô phòng riêng Dương thị tới sáng sớm lại dông xuống đò. Y lại thận trọng dùng lối tắt đi qua vườn sau nhà trọ. Khoảng vườn này tiếp giáp với con đường mòn chạy sát hàng rào, dẫn ra tới bờ sông. Tuy nhà trọ không nuôi chó nhưng khách trọ không ai ưa dùng lối tắt này vì ngại phải đi ngang cầu tiêu ở cuối vườn. Ban đem lại càng không có ai lai vãng sợ e vấp ngã hay sẩy chân té xuống giếng sâu ở giữa vườn.


Lúc đầu Dương thị còn tỏ ý lo ngại vì người ta bắt gặp nhưng Tôn Khoan đã khôn ngoan chặn ngay:


- Em khỏi lo. Anh đã xem kỹ địa thế rồi. Dùng lối qua vườn không ai trông thấy vì nhà trọ này hình cánh cung. Phía giữa làm nhà ngủ cho khách, vợ chồng Đổng gia ở tuốt phía Đông. Căn nhà dành cho gia nhân thì đâu lưng lại khỏan vườn còn phòng em thì ở tận phía này là phía Tây lại không có cửa thông qua vườn anh ra vô đều qua cửa sau nhà trọ mở ra vườn. Giả tỉ có ai trông thấy đi nữa, họ cho là vì đò đến bến muộn sáng lại đi sớm nên anh thấy lối sau tiện thì đi cái đó là sự thường mà.


Dương thị vẫn chưa hết thắc mắc liền kéo Tôn Khoan lại gần cửa sổ thấp có chắn song ở ngay đầu giường nằm của vợ chồng Dương thị và nũng nịu nói:
- Thế anh quên là ở phía này chỗ cuối vừơn nhằm bên hông nhà mụ Tư già có cái cửa sổ nhỏ trông ra vườn nhà ta đó sao?


Tôn Khoan vỗ về Dương thị mà rằng:
- Em lo xa quá rồi. Mụ ấy già rồi còn đâu hơi sức mà đi dòm ngó chuyện người khác. Vả lại đên tối làm sao nhận ra mặt anh mà em ngại. Để cho khỏi bị nghi ngờ, anh sẽ nói là không ghé bến ban đêm nên không có lên nhà trọ. Phần em cũng cứ nói vậy.


Thế rồi từ đó, cứ mỗi kỳ đò, hai đứa lại lén lút gặp nhau thấm thoát đã được nửa năm mà trong nhà Đổng ông chẳng ai hay biết gì. Phải, người trong nhà chưa tỏ nhưng ngoài ngõ có một người hay biết. Người đó chẳng phải ai xa lạ, chính là bà Tư già vậy. Số là đôi gian phu ɖâʍ phụ cứ yên trí không ai có thể biết được hành vi ám muội của chúng nên chẳng giữ ý chi nữa và mỗi lần mở cửa ra vườn cho Tôn Khoan lỏn đi, Dương thị lại đốt đèn soi cho khỏi té khi bước xuống thềm.


Một đêm nọ trời nóng nực oi ả nhưng đêm canh tư thì trở lạnh như muốn mưa. Vì già không chịu nổi sự thay đồi đột ngột của thời tiết, bà Tư liền ngồi dậy ra đóng cửa sổ lại, thời bắt gặp Dương thị soi đèn cho Tôn Khoan ra đi. Trông điệu bộ hai đứa, bà Tư lẩm bẩm “Đờn bà chi mà kỳ vậy”. rồi từ bữa đó bà Tư bắt đầu để ý đến hai người. Cứ đêm nào tiếng chó trong xóm sủa từ xa lại gần thì một lát sau bà Tư nghe tiếng chân người từ phía rào sau nhà trọ đi về phía cửa sổ đầu giường Dương thị rồi trở lại phía có cửa nhà trọ thông ra vườn. Và sớm hôm sau lúc gà vừa gáy lần đầu bà dòm ra thì lại thấy Dương thị đốt đèn đưa Tôn Khoan ra vườn đi mất dạng.


Bà Tư nghi hai đứa thông ɖâʍ với nhau nên một bữa gặp Tôn Khoan ở chợ, bà hỏi liền:


- Mạnh giỏi chớ Khoan? Chà lâu không thấy mày đến nhà trọ của Đổng ông. Bữa nọ tao tính nhờ mày mua ít thứ ở miệt xuôi, tao ghé hỏi Đổng ông thì được biết đã mấy tháng nay mày không đến trọ nữa. Thế mày trọ ở đâu Khoan?
Tôn Khoan cười đáp:


- Dạo này cháu không hay ghé bến này nên không đến nhà trọ nữa bác ạ!


Bà Tư buông một tiếng “Thế à” mắt nhìn cây đoản đao chắc làm bén lắm mà Khoan luôn luôn giắt bên hông như các đồng nghiệp khác. Bất giác bà rùng mình nghĩ đến sự hung ác tàn bạo của các tay anh chị ngược xuôi trên dòng sông kiếm ăn, sẵn sàng hạ thủ những ai dòm ngó cản trở công việc của họ.


Bà liền quay lưng đi.
Tôn Khoan nhìn theo mỉm cười lẩm bẩm:
- Xem ra mụ già có vẻ tin lời ta nói. Càng tốt. Khỏi lo.


Nhưng Tôn Khoan đã lầm vì có lẽ hắn chưa biết rằng người già cả có bao giờ chịu tha các chuyện làm đồi phong bại tục. Cho nên đi được một quãng xa nhân gặp một chủ đò lớn tuổi mà bà quen biết, bà Tư giả bộ hỏi thăm về Tôn Khoan. Người này tình thật khai ra:


- Thằng Khoan vẫn ghé bến nhưng không lên vào buổi chiều. Tối đến y vẫn lên bờ ngủ. bà cần chi cứ cho người ra bến đò mà kiếm hay lại nhà trọ mà hỏi.
Bà Tư vội đáp:
- Không cần chi, tôi hỏi thăm vậy thôi. lâu không gặp nó tôi tưởng nó bỏ đi làm ăn nơi khác rồi.


- Không có đâu, thằng ấy có mua nhà cửa đàng hoàng ở thôn Nam cách đây 10 dặm, không khi nào nó lại dời đi đâu nữa.
- Thằng đó có tính chuyện vợ con chi không mà sao nó cứ lông bông hoài vậy?
- Ui chà, hơi đâu mà lo cho nó. Thôi chào bà Tư nhé, tôi đi kẻo lỡ việc.


Bà Tư đáp lại lời chào rồi lầm lũi đi thẳng, lòng tin chắc là Dương thị và Tôn Khoan có tư thông với nhau. Bà muốn đến nhà trọ nói cho Đổng ông nghe nhưng lại thôi vì ngại Tôn Khoan thù oán: bà có đứa con trai út ở xa lâu lâu lại đáp đò về thăm bà một lần. Bà sợ Tôn Khoan để tâm làm hại con bà.


Lại nói về Tôn Khoan ngay đêm bữa gặp bà Tư già, hắn có kể lại câu chuyện cho Dương thị nghe. Vợ Đổng Nhơn cười khúc khích nói:
- Anh mưu mẹo lắm.
- Chớ sao. Thôi từ nay khỏi lo sợ chi nữa nhé. Chuyện tụi mình kín như bưng khỏi lo đổ bể.


Nói vậy thôi chớ cách 10 hôm sau, một đêm, Tôn Khoan và Dương thị, hai đứa cũng vẫn bị một phen hoảng sợ.


Lần đó, Tôn Khoan quen lệ lần trong bóng tối vô vườn nhà trọ. Hắn lò dò đến cửa sổ thấp ở đầu giường Dương thị rồi theo thường lệ luồn bàn tay lạnh ngắt qua chấn song cửa, toan kéo gối đánh thức Dương thị dậy ra mở cửa cho hắn vô. Ai dè hắn sờ đúng mặt Đổng Nhơn khiến anh này đang mơ màng giấc điệp choàng dậy la làng chói lói kêu có rắn hổ mang chung vô giường mình! Tôn Khoan rụng rời rút vội tay ra rồi nhanh chân lẩn vào bóng đêm chuồn về đò nằm nín khe. Dương thị nghe chồng la tỉnh dậy hiểu ra ngay cơ sự, thị liền bịt mồm chồng kéo nằm xuống và nói mau:


- Anh chớ la hét vùng vẫy rắn nó ch.ết. Anh ráng nằm im một lát cho nó bò đi đã nào.
Đổng Nhơn nghe vậy lại càng sợ, lắp bắp hỏi vợ:
- Mình… mình xem hộ nó đã cắn lủng cổ anh chưa?
Dương thị bật cười vuốt má chồng đáp:
- Nếu có cắn lủng cổ anh thì anh đâu còn sống mà hỏi.


Miệng nói, vợ Đổng Nhơn vẫn lắng tai nghe tiếng chó sủa mỗi lúc một xa dần. Biết là Tôn Khoan đã chạy thoát, thị bèn ngồi dậy đốt đèn cầy làm bộ rũ giường chiếu và lấy gậy khua quanh gầm giường. Nhìn Đổng Nhơn mặt mày xanh lét ngồi co hai chân trên ghế, Dương thị thấy chồng đáng ghét lạ. Thị lầu bầu nói:


- Khi không nhảy choàng về nhà sớm năm bữa rồi lại còn sanh giặc.
Đổng Nhơn nghe không rõ, cất tiếng hỏi:
- Mình nói sao?
Dương thị bực mình gắt:
- Nói cha nội đi ngủ đi. Nó chạy thoát ra đến sông rồi còn ngồi đấy mà run.


Tội nghiệp cho Đổng Nhơn tưởng thiệt mừng quá nhảy vội xuống ghế rồi phóng đại lên giường. Cái ghế mất thăng bằng ngã lăn kềnh vào chiếc mâm đồng dựng ở chân giường nghe loảng xoảng điếc cả con ráy. Vợ Đổng Nhơn nói như rít lên qua kẽ răng:
- Người với ngợm, thấy mà lên ruột cả chùm vậy…


Dương thị chưa nói hết câu đã nghe tiếng Đổng ông từ ngoài phòng hỏi vọng vào:
- Chi vậy thằng Nhơn?
Dương thị vội trả lời qua loa cho xong chuyện. Ông già họ Đổng nghe rồi, chặc lưỡi nói:
- Thế mà làm như có giặc vậy.
Nói đoạn ông kéo giày lệt xệt đi về phòng.


Sau khi bị trận hú vía này, Tôn Khoan cho là Đổng Nhơn có nghi ngờ chi đó nên đến chuyến đò sau hắn lên nhà trọ hồi chiều để thăm dò trước. Khi được biết Đổng Nhơn đi khỏi và qua tháng chạp mới trở về, hắn trở lại thuyền chờ đến khuya mới lại lần vô phòng Dương thị.


Vào đến nhà, Tôn Khoan rút cây đoản đao đặt lên bàn rồi vừa tháo đai lưng, y vừa xuýt xoa nói:
- Chà năm nay lạnh sớm quá ta. Mới đầu tháng 10 mà đã rét cắt ruột, chịu không thấu. Thật là vì nàng mà ta phải vất vả đêm hôm thế này.


Dương thị thấy Tôn Khoan nói hơi to ngại có người nghe thấy, thị liền xua tay làm hiệu rồi chúm miệng thổi tắt ngọn bạch lạp.
Đem đó Tôn Khoan nhắc lại vụ hắn rờ đúng mặt Đổng Nhơn đêm trước rồi bảo Dương thị:


- Chúng ta đã thương yêu nhau mặn nồng như vậy nhưng hiềm một nỗi em là gái có chồng ta tới lui tất có ngày đổ bể, có chuyện chẳng lành cho đôi ta. Chi bằng em lấy cắp tiền bạc quần áo rồi trốn theo ta qua xứ khác ăn ở với nhau lâu dài. Chẳng hay em có khứng chịu không?


Rồi không ngờ câu trả lời của Dương thị, tên chủ đò khốn kiếp ấy đã nói luôn:


- Nếu như em chẳng chịu thời từ nay ta cũng không dám lai vãng nữa vì ta xét đôi ta khó có thể may mắn mãi được. Thế nào rồi cũng bị Đổng Nhơn thộp óc. Hơn nữa nếu quả như lời em nói Đổng ông nay tuổi đã cao dạo này lại bệnh hoài nên chuyến này Đổng Nhơn về sẽ không đi buôn bán xa nữa. Vậy là đôi ta vĩnh biệt từ nay, nếu em chẳng thuận theo ta.


Nói đoạn y làm bộ thở dài ra chiều luyến tiếc, cực chẳng đã nên phải dứt tình.
Dương thị hốt hoảng níu lấy Tôn Khoan năn nỉ:
- Em xin chịu theo anh. Xin anh đừng bỏ em.
Thế là hai đứa chỉ trời vạch đất thề thốt hẹn đến nửa đêm 21 tháng 11 sẽ dắt nhau đi.


Thấm thoát đã gần đến kỳ hẹn. Dương thị lợi dụng lòng tin cậy của Đổng ông, mở tủ lấy cắp bạc vàng châu báu hơn 400 món, đem về giấu trong phòng. Đến sớm ngày 21 tháng 11 Dương thị đã thu xếp xong mọi sự để đêm nay lén bỏ nhà chồng đi theo trai.


Thị dậy thiệt sớm và nôn nao mong cho chóng hết ngày. Bữa nay không nhằm phiên thuyền bè tới nên từ sáng đến tối mịt, nhà trọ vắng hoe. Dương thị lại càng được ung dung chuẩn bị lên đường. Thị khấp khởi mừng thầm, miệng thở phào sung sướng. Thị vừa đốt đèn vừa cất tiếng hát vui vẻ. Suốt mấy bữa nay thị chỉ e ngại chồng về bất tử mà hỏng cả mưu sự. Nay chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là tới giờ hẹn chồng nàng không thể về kịp được vì mấy bữa nay trời trở lạnh dữ dội, tuyết rơi phủ trắng xóa cả bờ sông. Trừ phi có điều gì thiệt cần nếu không thời chẳng có ma nào qua lại trên sông cả. Dương thị tin chắc là Tôn Khoan sẽ đúng hẹn dù bão tuyết đến đâu chăng nữa vì đây là cơ hội cuối cùng cho cả hai.


Đốt đèn xong, Dương thị khóa chặt cửa phòng sắp xếp lại áo quần rồi mở gói bạc vàng châu báu kiểm lại lần chót.


Thị vừa chuẩn bị xong xuôi xảy có tiếng đập cửa phía trước. Thị giật mình không hiểu là Đổng Nhơn hay Tôn Khoan gọi cửa. Nếu là Đổng Nhơn thì mưu cơ của thị tan ra mây khói. Còn nếu là Tôn Khoan thì cũng nguy hại cho thị lắm vì như thế sau nàymọi người sẽ đoán được là thị bỏ nhà theo Tôn Khoan. Sự truy tầm vì thế sẽ dễ dàng hơn.


Dương thị còn đang vội vã cất giấu hành lý thì tiếng đập cửa lại nổi lên ầm ầm.
Tiếng Đổng ông từ cuối nhà vọng ra:
- Cái Nhơn đâu sao không ra coi ai gọi cửa kìa?
Dương thị chạy ra khỏi phòng lớn tiếng la:
- Ai hỏi chi vậy?
Có tiếng đứa bé trả lời qua khe cửa:


- Thầy trò tôi là nhà Chùa qua đây thì trời tối nên ghé xin ngủ đỡ một đêm mai sớm lại đi.
Đổng ông cũng vừa ra tới nghe thấy vậy liền hối Dương thị mở cửa gấp.
Cánh cửa vừa hé mở, một vị Hòa thượng mảnh mai đã lách vô theo sau là một chú tiểu vai đeo khăn gói.


Đổng ông mời hai vị Hòa thượng vô phòng, kêu đốt thêm lò sưởi để cho hai thầy trò, đoạn sai người làm cơm chay khoản đãi rất hậu hĩ.


Vì làm vội nên có vài món ăn chưa được chín tới nhưng vị Hòa thượng ăn ngon miệng lắm, có lẽ phần vì ngài đói bụng phần vì trời lạnh lại được dùng cơm canh nóng hổi.


Trong lúc ngồi hầu cơm vị Hòa thượng, Đổng ông hỏi thăm mới hay là Hòa thượng vốn trụ trì tại chùa Đại bi, núi Tượng Ngọc, đất Lạc Châu có việc qua xứ khác đến đây thì gặp trời tố.


Chờ cho Hòa thượng dùng bữa xong, Đổng ông kêu Dương thị dọn phòng đặc biệt để thầy trò Hòa thượng đi nghỉ rồi lại dặn thầy chùa rằng:
- Nếu đêm hôm cụ có cần điều chi xin cứ kêu chớ ngại.


Hòa thượng và Đổng ông ngồi đàm đạo hồi lâu rồi Đổng ông dắt tay Hòa thượng đưa đến tận cửa phòng. Dường như để chứng minh lòng mình trọng đãi nhà sư, Đổng lễ phép nói:


- Bạch cụ, phòng này cận ngay cửa đi ra vườn sau nhà là phòng thường dành cho khách quý. Còn khách thường thời ngủ chung trong căn phòng rộng ở giữa phòng, tôi ở bên trái Đông. Còn bên trái Tây là phòng khách và cuối góc có phòng của vợ chồng thằng Cả tôi. Bạch cụ có cần điều chi xin cứ kêu lớn tôi và dâu tôi ở hai đầu nhà đều nghe được hết.


Hòa thượng gật đầu nói vài lời cám ơn rồi theo chú tiểu vô phòng đóng cửa lại. Hòa thượng lên sập nằm còn chú tiểu nằm ở bộ ván nhỏ kê ở góc.


Đổng ông cũng chống gậy trúc thong thả về buồng ngủ trong khi Dương thị đem đèn soi lại cửa trước và ngõ sau. Công việc xong xuôi, Dương thị tắt đèn đi nghỉ. Lúc trống cầm canh điểm 2 tiếng báo hiệu đêm đã bước vào canh hai (lối 10 giờ khuya).


Hồi lâu sau, mọi người đều chìm trong giấc điệp, duy có Dương thị còn trằn trọc không sao chợp mắt được. Thỉnh thoảng thị lại ngước mắt nhìn ra cửa sổ để mở cho Tôn Khoan tiện gọi.


Bên ngoài, tuyết rơi mỗi lúc một nhiều. Cảnh vật như bị phủ dưới một tấm vải lớn trắng toát và lạnh lẽo như màu khăn tang. Thốt nhiên Dương thị rùng mình lòng tràn ngập một nỗi buồn man mác, khó tả pha lẫn ngại ngùng, e sợ. Thị thấy buồn cho số kiếp và lo cho ngày mai. Phải, ngày mai không biết nàng sẽ trôi dạt về đâu, trên con đò viễn xứ của Tôn Khoan?


Rồi thị nghĩ ngợi miên man. Hình ảnh Đổng Nhơn hiện ra trong tâm trí người đàn bà trắc nết ấy. Trong cái giờ phút sắp lìa khỏi nhà chồng, Dương thị mới cảm thấy tuy thị không yêu thương Đổng Nhơn nhưng cũng thấy thương hại người chồng thiệt thà chân thật.


Lại còn Đổng ông nữa. Nghĩ cũng ái ngại cho ông già đặt hết tin tưởng nơi con dâu quý mai sớm bị vỡ mộng chắc đau khổ vô cùng. Thực tình lúc này Dương thị thấy sự ra đi của mình là vô lý và nàng có cảm tưởng Tôn Khoan chỉ là tên chuyên đi lợi dụng đàn bà con gái,lợi dụng tình và tiền . Bất giác thị hổ thẹn vời lương tâm. Thị cũng tự hỏi không biết sau này về ở vời Tôn Khoan thị có được sung sướng hơn không?


Nhưng đã trót lỡ rồi thị nghĩ đành liều nhắm mắt đưa chân. Thị lẩm bẩm:
- Năm nay trời đổ tuyết sớm hơn mọi năm. Cũng sắp sang giờ Tý rồi còn chi mà tuyết lại càng đổ xuống dữ. Thật là không may. Hay để lát nữa mình thử xin chàng hoãn lại bữa khác sẽ ra đi. Không biết chàng sẽ nói sao?


Dương thị vừa nói đến đây bỗng một trận gió ào ào nổi lên rồi lại tắt ngay làm cho những bông tuyến như quay cuồng, như rối loạn trong không trung một lát rồi mới lặng lẽ, nhẹ nhàng bay xuống như trận mưa bông gòn bất tận. Dương thị sợ hãi kéo chăn phủ kín đầu. Thật đúng là cảnh não lòng trong cơn bão tuyết…


Xa xa trống cầm canh thong thả buông ba tiếng khô khan và cộc lốc vào cảnh tĩnh mịch của đêm trường. Giờ Tý đã điểm, giờ hẹn đã đến. Dương thị lật chăn ra, toan ngồi dậy. tay thị chạm phải thành giường gỗ lạnh ngắt như băng. Bất giác thị rùng mình rụt tay lại rồi nằm yên, ngại ngùng không muốn rời ổ chăn êm ấm.


Giữa lúc ấy một bóng đen hiện ra bên cửa sổ đầu giường Dương thị, ghé mắt dòm vô. Một tiếùng chuột rúc nổi lên… Dương thị như bị điện giật, quên cả rét lạnh thò tay gõ vào vách ba tiếng nhỏ. Bóng đen liền bước ra đứng giữa cửa sổ ghé miệng qua chấn song hỏi nhỏ:


- Em đã xong chưa? Mau lên kẻo muộn.
Thì ra bóng đen đó là Tôn Khoan và tiếng chuột rúc lúc trước cùng tiếng gõ vô vách vừa rồi là mật hiệu hỏi và trả lời giữa đôi gian phu ɖâʍ phụ rằng Đổng Nhơn vắng nhà. Mật hiệu này có từ bữa tên chủ đò rờ phải mặt Đổng Nhơn.


Lời nói của Tôn Khoan như có ma lực thúc đẩy Dương thị tung mền ngồi dậy. Thị quơ vội chiếc áo nỉ trong có dồn bông mặc vào người rồi nhẹ nhàng lén ra mở cổng sau đón Tôn Khoan.
Vô đến phòng tên chủ đò thấy người tình lần khân mãi chưa chịu thay quần áo, y sốt ruột nói:


- Em thu dọn lẹ lên, để ta đi cho kịp. Nếu chần chừ hết đêm lỡ có người gặp và quan quân đuổi theo bắt lại thì lôi thôi.
Dương thị khép chặt hai tà áo bông, ngại ngùng nhìn Tôn Khoan rũ chiếc mũ đầy tuyết trắng rồi uể oải đáp:
- Nào thì đi.


Nói đoạn Dương thị đi lại mở cửa tủ lấy bọc quần áo để ra giường. Thị lại mở khóa ô kéo và bưng ra một túi vải đỏ coi bộ khá nặng đặt xuống bên cạnh bọc quần áo. Những thoi bạc xô vào nhau phát ra những tiếng lanh canh lạnh lẽo.


Tôn Khoan lại gần sờ vào túi bạc, mắt hắn bỗng trở nên long lên một cách dữ tợn. Hắn giả bộ hỏi vợ Đổng Nhơn:
- Chi mà nặng vậy?
Dương thị đang thay quần áo ở bên kẹt tủ, khẽ đáp:
- Đó là túi bạc vàng.
Tôn Khoan giơ tay nhấc túi bạc lên rồi tấm tắc khen:


- Chà, chỗ này có tới mấy trăm lượng chứ chơi à?
Không nghe thấy Dương thị trả lời, tên chủ đò nhún vai, nói bâng quơ ra chiều tiếc rẻ:
- Mình cho là nhiều nhưng đối với lão già họ Đổng bất quá như muỗi đốt gỗ, ăn thua gì.
Dương thị vừa ra tới nghe vậy liền đáp:


- Bây nhiêu cũng dư đủ cho đôi ta tiêu đến hết đời…
Bỗng thị ngưng bặt vì vừa thoáng bắt gặp trong đôi mắt của Tôn Khoan một tia nhìn dữ tợn, hung ác.
Thấy Dương thị có vẻ sợ hãi, Tôn Khoan cười hề hề ôm lấy người tình, lả lơi nói:


- Trông em xinh quá, ai cầm lòng cho đặng. Thôi bây giờ ta lên đường nghe em. Anh sẽ đưa em đến tổ ấm.
Dương thị mở bọc quần áo ra xếp túi tiền bạc vô rồi cột cả lại cho Tôn Khoan đeo hộ rồi nói:
- Bây giờ anh nhẹ bước theo em vì trong buồng cận cửa hậu có thầy trò một Hòa thượng nghĩ đỡ đêm nay.


Tôn Khoan gật đầu. Ngọn bạch lạp trong phòng vụt tắt. Hai người lặng lẽ bước ra khỏi buồng lần theo vách tới cửa sau.
Dương thị nhẹ nhàng mở chốt hãm cửa rồi hai người cùng lách ra ngoài và khép cửa lại.


Màn đêm dày đặc, tuyết bay mịt mù… Tuyết phủ vòm cây, tuyết rụng ngập đất. Dương thị vẫn thấy cảnh vật như chìm trong một màn tang trắng lạnh lẽo, thê lương.
Dương thị phát rùng mình chùn bước lại khẽ bảo Tôn Khoan:


- Đêm nay lạnh lẽo, ướt át khó đi hay là để đến mai hãy lên đường. Trông chiều trời thế này chắc là mai hết tuyết.
Tên chủ đò dịu giọng vỗ về:


- Ta tưởng đã đến nước này, lùi lại cũng không được. Vả lại để lỡ dịp đêm nay, sợ e không có dịp khác nữa. Mai mốt Đổng Nhơn về lại thêm khó khăn ra.
Nói rồi y xốc lại bọc hành lý đeo bên vai trái và giơ tay phải quàng vai Dương thị dìu đi ra phía sau vườn.


Tới bên giếng nước, Tôn Khoan buông Dương thị ra và nhanh như cắt hắn rút cây đoản đao vẫn giắt bên hông vung lên nhằm cổ vợ Đổng Nhơn mà chém mạnh tới.


Dương thị ngã gục xuống đất ch.ết liền, không kịp kêu một tiếng. Tôn Khoan lau sạch vết máu ở đoản đao vào áo Dương thị rồi xô thây nạn nhân xuống giếng.
Giếng này sâu nhưng gần cạn nước. Một tiếng “ùm” nhỏ từ đáy giếng vọng lên. Ngoài Tôn Khoan ra, chắc chắn không ai nghe thấy.


Thi hành xong thủ đoạn dã man, tên chủ đò khốn kiếp ẵm bọc tiền và quần áo dông thẳng tới bến đò, nhổ sào chuồn êm. Đêm nay bão tuyết lạnh lùng, trên bờ dưới nước vắng tanh nên chẳng một ai bắt gặp thuyền Tôn Khoan lúc cặp bến cũng như khi rút đi.


Về đến nhà tên chủ đò mở rương ném bọc đồ vô khóa lại rồi leo lên giường ngủ một mạch đến sáng bạch mới dậy đi dò la tình hình. Người trong nhà, chừng quen với sự đi về thất thường của Khoan nên không ai thèm để ý, hỏi han chi cả.


Lại nói về vị Hòa thượng đêm đó mệt mỏi vì đường xa, vừa đặt lưng xuống đã ngủ liền. Đến gần sáng, Hòa thượng bị chọt bụng (chắc là vì ăn phải thức nấu chưa chín) mới trở dậy ra đi tiêu. Vì tánh không thích phiền hà ai, nhà sư không kêu chú tiểu mà cũng chẳng gọi chủ nhà, cứ lùi lũi tiến ra vườn.


Thấy cửa hé mở, Hòa thượng cả mừng vội lách ra và theo lời dặn của Đổng ông, nhằm thẳng gốc cây to ở cuối vườn mà xăm xăm bước tới.


Nhưng đêm nay tuyết rụng trắng mặt đất nếu cứ chiều thẳng từ cửa tới gốc cây ắt chẳng xong vì còn… cái giếng! Nếu không có tuyết phủ và phải là ban ngày ta mới thấy rằng con đường mòn trong khoảng vườn ấy đã bọc vòng cái giếng.


Bởi vậy, Hòa thượng mới đi được lối 20 thước đã sa chân lăn tòm xuống giếng. Giếng sâu, Hòa thượng không sao leo lên được và trong cảnh tối như hũ nút ở đáy giếng, lại đụng phải xác của Dương thị, Hòa thượng khiếp hãi la làng chói lói.


Nhà sư la đã hết hơi khan cổ nhưng chẳng ma nào nghe thấy.
Một lát sau, trời sáng, tuyết cũng nhừng rơi. Tiểu tăng choàng dậy thấy mất thầy chạy kiếm loanh quanh không ra, mới nhè phòng Đổng ông phóng tới mà hỏi thăm.


Đổng ông lật đật đi qua các phòng gọi nhỏ. Chẳng thấy ai trả lời, Đổng ông tiến lại đập cửa phòng con dâu. Thấy im lìm, ông xô cửa bước vào. Tủ trong phòng Dương thị mở toan, bên trong trống rỗng, dưới đất tuyết ở mũ áo Tôn Khoan rũ ra đã tan thành nước.


Đổng ông rụng rời, chợt nhớ đến hộp gỗ đựng bạc vàng để ở tủ bên phòng mình, ông liền hốt hoảng về coi xem sao. Vẫn cái tủ này có hai chìa khóa, Dương thị một, và bạc vàng đựng trong hộp gỗ ấy dùng vào việc giao dịch thường ngày. Bữa qua không có khách trọ, ông không xem tới, nhưng chắc phải còn đủ 400 món bạc vàng như ông đã kiểm cùng con dâu quý cách đây một ngày.


Đổng ông hồi hộp mở tủ… Ông tái mặt đứng vịn thành tủ một lát: hộp gỗ đựng bạc vàng rỗng tuếch. Đổng ông run rẩy đi ra mở cửa phía trước và lớn tiếng gọi gia nhân đầy tớ ở căn bên nhà trọ.
Nghe tiếng chủ la thất thanh, người làm chạy xô cả tới.


Đổng ông nói qua sự việc đã xảy ra cho họ biết rồi truyền lệnh:
- Tụi bây chia nhau đi lục soát khắp mọi nơi trong nhà và ngoài vườn cho ta. Không có lý gì mà Hòa thượng và mợ Nhơn nhà ta lại biến mất cùng một đêm được.
Đám người làm hùa nhau nói:


- Chắc mợ ấy theo Hòa thượng trốn đi rồi, ông ơi.
Đổng ông cũng có ý nghi như vậy nên càng sốt ruột la to:
- Tụi bây đi kiếm lẹ lên rồi còn bảo nhau lớp trình quan, lớp đuổi theo bắt họ mà lấy lại của cho ta chứ. Bộ tưởng rỡn sao.


Gia nhân phân tán chạy mỗi người một phía. Kiếm trong nhà chán chẳng thấy chi họ kéo nhau ra vườn sau. Tiểu tăng, cũng chạy theo tìm. Khi tới gần giếng thấy có vết máu loang trên mặt tuyết lại nghe có tiếng người từ đáy giếng đưa lên, bọn gia nhân gọi nhau ầm ỹ, rồi kéo đến bu quanh miệng giếng. Đổng ông nghe la lật đật chạy ra.


Hòa thượng đứng dưới giếng gọi rối rít:
- Các người làm phước đem ta lên mau. Có người ch.ết ở dưới này nữa.
Đổng ông quát gia nhân đi kiếm thang và dây. Xóm giềng hay tin kéo đến đầy vườn.
Mọi người bàn tán xôn xao. Có kẻ ghé xuống miệng giếng gọi hỏi vị Hòa thượng:


- Người ch.ết ấy là đờn ông hay đờn bà?
Hòa thượng đáp:
- Xác đàn bà.
Một gia nhân la lên:
- Chắc là xác mợ Đổng Nhơn rồi. Hòa thượng giết người, anh em ơi.
Thé rồi đám đông đứng trên miệng giếng la hét ầm ỹ, nguyền rủa Hòa thượng om sòm.


Bọn gian nhân vác thang và dây chạy tới, thòng xuống kéo Hòa thượng lên rồi đưa xác Dương thị lên theo. Vợ Đổng Nhơn đầu gần lìa khỏi cổ, ch.ết cứng từ lâu. Đổng ông cho tìm kiếm chẳng thấy bạc vàng chi cả. Vị Hòa thượng vừa lên đến bờ, còn lảo đảo đứng chưa vững đã bị mọi người xúm lại đánh tơi bời rồi trói lại. chú tiểu thương thầy xây quanh đỡ đòn và van xin, cũng lãnh đủ mấy cái tát đổ hào quang, bật cả máu mồm máu mũi. Thương thay cho hai thầy trò khi không mắc nạn.


Hòa thượng một mực kêu oan nhưng chẳng ai chịu nghe ông cả.
Người hiếu kỳ kéo đến mỗi lúc một đông. Họ kháo nhau rằng:


- Hòa thượng tư thông với con dâu chủ trọ rồi rủ thị trốn đi. Ra đến vườn thấy Dương thị lắm của. Hòa thượng sanh lòng tham nên giết đi rồi ném xác xuống giếng chẳng dè mất thăng bằng nên té xuống theo.


Rồi mỗi người thêm một câu ra cái vẻ ta đây rành rẽ câu chuyện thét một hồi ai cũng nhìn nhà sư bằng con mắt căm hờn.
Hòa thượng thấy nói cũng chẳng ích chi nên lặng thinh miệng lâm râm niệm Phật, hai hàng nước mắt lã chã tuôn rơi.


Bà Tư già thấy ồn ào huyên náo cũng ra trước cửa sổ dòm sang vườn nhà trọ. Trông xác Dương thị bà lẩm bẩm:
- Chắc là Tôn Khoan giết.


Thấy Hòa thượng bị đánh, bà Tư già toan la lên. nhưng tới khi thấy mọi người sát khí đằng đằng bà lại thôi. vả lại bà vẫn ngại sự hung tợn của bọn gian hồ.
Người ta giúp Đổng ông làm đơn rồi áp đưa Hòa thượng lên cáo với Huyện quan.


Thiệt đúng với câu “tình ngay mà lý gian” và cũng thiệt đúng là cảnh “chúng khẩu đồng từ ông sư cũng ch.ết”.
Huyện quan tiếp đơn liền hạch hỏi vị Hòa thượng. Sư ông cứ sự thật mà trình bày.


Huyện quan chẳng chịu, sai lính dùng cực hình tr.a tấn nhà tu hành, Hòa thượng vốn dĩ sức vóc đã mảnh mai, gầy yếu, nay lại bị kìm kẹp dã man đến nỗi thịt rơi máu chảy ch.ết đi sống lại mấy hồi. Sau cùng vì đau quá chịu chẳng thấu, Hòa thượng đành nhận bậy có tư thông với Dương thị nên rủ thị đi theo rồi giết để đoạt bạc vàng.


Hỏi giết bằng gì, Hòa thượng đáp liều “giết bằng dao”.
Hỏi dao vất đâu, Hòa thượng mệt nhọc đáp “không biết rơi đâu nữa”.
Huyện quan lập biên bản rồi cho áp giải vị Hòa thượng lên trình Bao Công xét định.


Tin vị Hòa thượng thú nhận hết tội lỗi bay ra, liền hỏi cung Đổng ông và các gia nhân đoạn cho dẫn Hòa thượng đến trước công đường.
Vừa trông thấy nhà sư thân hình gầy ốm quần áo tả tơi, Bao Công giật mình, vẻ ngạc nhiên hiện trên nét mặt vị đường quan.
Bao Công ôn tồn cất tiếng hỏi:


- Phải Hòa thượng đã giết con dâu họ Đổng là Dương thị không? Nhà sư lắc đầu một mực kêu oan rồi cứ tình thật mà khai ra.
Trước lời phản cung của vị Hòa thượng, Bao Công lặng yên suy nghĩ một lát rồi truyền lính tạm giam nhà sư nhưng ngầm ra lệnh cho đối xử tử tế.


Bao Công cho điều tr.a lại rồi nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án. Ông lẩm bẩm:


- Thực là khó tin quá. Không lẽ vị Hòa thượng này từ phương xa lại, mới đến trọ chưa trọn một đêm mà đã tư thông ngay được với vợ Đổng Nhơn. Ngoài ra, theo cuộc điều tr.a thì Dương thị đã thu dọn tươm tất trong phòng y thị. Vật dụng quần áo cái nào tốt tốt thì y thị đem theo, còn thứ cũ, xấu thì đếu cột lại xếp vuông vắn nơi nóc tủ. Hơn nữa y thị còn qua bên phòng bố chồng lấy trộm vàng bạc. Sự kiện này chứng tỏ thị có tư thông với ai và có ý định bỏ nhà chồng ra đi từ trước. Nhà sư hẳn đã đến trọ nhằm vào ngày thị hẹn. Ta chắc hung thủ phải là người tình của Dương thị nên mới hạ sát được nạn nhân dễ dàng như thế.


Nghĩ vậy Bao Công cho gọi thám tử thân tín vào và sai đi dò xét coi trong đám khách trọ ai là người hay tới lui mà có tình ý với vợ Đổng Nhơn.
Nhưng rốt cuộc chẳng ai cho được tin tức gì hữu ích cả, khiến cho Bao Công lại phải một phen bóp trán nghĩ cách tr.a ra thủ phạp.


Bỗng ông nẩy ra một ý kiến, liền kêu thơ lại soát lại xem trong đám tử tội có tên nào đến ngày phải chém mà mặt mũi hơi giống vị Hoà thượng không.
Lát sau, thơ lại vô trình:
- Thưa thượng quan, có một tử tội đến ngày phải thọ hình xem ra cũng hao hao giống vị Hoà thượng.


Bao Công gật đầu, mỉm cười bí mật. Viên thơ lại lấy làm lạ toan hỏi nhưng chợt nhớ ra là Bao Công vốn không ưa kẻ tọc mạch nên lại thôi, trong lòng thắc mắc vô cùng.
Bao Công cho thơ lại lui ra rồi kêu các thám tử vô và dặn rằng:


- Bây giờ các người chia nhau đi thật xa, nhất là tới vùng của Đổng ông loan tin cho mọi người rõ rằng vụ Hoà thượng bị biết về tội giết con dâu Đổng ông quan xét xử sắp xong rồi.
Bao Công lại sai viên cai ngục cạo trọc đầu tên tử tội rồi cho ăn mặc y như nhà sư bị bắt.


Qua bữa sau, mới sáng tinh sương Bao Công đã ra lệnh tập hợp quân lính trước công đường. Trừ những người có phận sự canh gác phủ còn bao nhiêu ông phân chia làm ba toán. Toán thứ nhất lập tức lên đường rao khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành rằng:”Hoà thượng trụ trì tại chùa Đại Bi, ở Lạc Châu, can tội giết con dâu họ Đổng là Dương thị, nay quan tr.a đã rõ nên sẽ đem xử chém tại chợ sáng nay”.


Lát sau, toán lính thứ hai gươm giáo chỉnh tề, rầm rộ kéo ra chợ, rồi phân tán lớp thiết lập pháp trường ngay giữa chợ, lớp lo bố trí canh gác xung quanh.


Còng toán lính thứ ba giả dạng làm thường dân len lỏi trong đám người tụ quanh pháp trường dò xét xem có ai phê bình điều chi thì lập tức theo dõi rồi về báo cáo. Trong trường hợp không được tin tức gì toán này sẽ phải chia nhau giả làm người đi buôn ở thành ra la cà vào các quán nước, nhà trọ trong vùng dọc theo bờ sông để nghe tin tức.


Căn dặn xong xuôi, Bao Công ra lệnh cho toán chót lên đường. Ông chờ lúc trời sáng tỏ mới cho áp giải tên tử tội giả Hoà thượng ra giữa chợ mà chém rồi yết bảng bên đầu phạm nhân trong ba ngày, với lời lẽ như toán lính thứ nhứt đã loan truyền.


Bắt được tin này, tên chủ đò Tôn Khoan mừng lắm, hắn thở phào sung sướng lôi bọc quần áo và bạc vàng của Dương thị ra toan tẩu tán đi xa nhưng chẳng biết nghĩ sao hắn đem xếp cả vào cái tủ nhỏ ở đầu giường và khoá lại.


Toán công sai dò la trong đám dân chúng không được tin tức gì liền kéo nhau ra ngoài thành.


Có hai người công sai nọ giả lái buôn đi tới bến đò có nhà trọ của Đổng ông, cách thành lối 30 dặm, gặp một quán nước liền ghé vào kêu ấm trà uống chơi. Hai người giả bộ bàn tán sôi nổi về vụ chém đầu Hoà thượng trong thành sáng nay.


Xảy bà Tư già bước đến trông thấy 2 lính công sai ăn vận lối tỉnh thành và cũng thoảng nghe nói về Hoà thượng bị chém, liền hỏi:
- Mấy cậu ở thành ra hả?
Một lính công sai đáp:
- Dạ phải.
- Chớ các cậu có biết vụ con dâu họ Đổng bị giết quan xử ra sao?


Anh lính làm bộ nhún vai bĩu môi rồi đáp:
- Sáng nay Quan cho chém thủ phạm là nhà sư phá giới đó, cụ ạ.
Bà tư già nghe nói tưởng thiệt quên cả sợ giậm chân kêu:
- Mô phật! Kẻ phàm giết oan Hoà thượng rồi còn chi. Tội nghiệp quá.
Công sai vờ ngạc nhiên hỏi lại:


- Cụ nói sao? Oan a? Có lý nào quan lại lầm quá vậy? Vả lại chính nhà sư đã thú nhận hết tội lỗi mà.
Bà Tư già lắc đầu chậm rãi đáp:


- Hoà thượng ch.ết oan rồi. Tôi hỏi hai cậu chớ Ngài là bậc tu hành lại mới đến trọ một đêm can cớ chi mà giết con dâu họ Đổng là Dương thị? Tôi chắc thằng chủ đò Tôn Khoan ở cách đây 10 dặm giết chớ không phải ai xa lạ vì nó thường hay ban đêm lui tới vụng trộm với Dương thị lắm tiền bạc lập kế rủ đi trốn rồi giết rồi cướp của. Chẳng là Hoà thượng giết oan rồi còn còn cãi là không sao?


Nói đoạn, bà cụ quay ra hỏi mua gói trà rồi đi về nhà. Hai lính công sai dò la biết rõ tên họ địa chỉ bà Tư già. Một người tiếp tục đi thẳng đến nơi Tôn Khoan ở để dò la, còn một người chạy về cấp báo với Bao Công.
Bao Công nghe trình xong, gật đầu bảo viên quan thơ già lại:


- Ta cũng cho rằng Hoà thượng bị oan vì hung thủ phải là người quen biết lâu nên mới dễ dàng hạ sát Dương thị. Hiềm một nỗi không ai biết rõ kẻ nào hay tới lui nên ta phải bày ra mưu kế trên đặng có ai biết mà khai ra chăng?
Viên thơ lại hỏi Bao Công:
- Thưa thượng quan có cho đòi bà ấy không?


- Hãy khoan, bây giờ ngươi hãy làm theo lời ta dặn đây mới xong.
Rồi Bao Công nói nhỏ một hồi với viên thơ lại.
Lát sau lính hoả bài mang công văn xuống đòi huyện quan phải lập tức đem hồ sơ đầy đủ về vụ án Dương thị lên hội với Bao Công.


Huyện quan lật đật tới hầu. Viên thơ lại ra lệnh cho lính hoả bài thứ hai đem trám đi đòi Tôn Khoan đến nha gấp. Trong lúc đó, Bao Công nói qua cho huyện quan biết mẹo của mình, đoạn cả hai bày hồ sơ vụ án Dương thị trên bàn rồi cùng ngồi uống trà chờ Tôn Khoan đến.


Lối một tiếng sau, lính hầu vào bẩm có Tôn Khoan xin vô. Bao Công gật đầu rồi cùng huyện quan dẹp khay trà qua một bên và làm ra vẻ đang thảo luận về vụ án.
Vì đã được dặng trước nên thơ lại để Tôn Khoan tiến đến gần chỗ hai quan làm việc.


Bao Công giả bộ không trông thấy Tôn Khoan, cứ cúi xuống viết, miệng nói lớn với huyện quan:


- Xưa nay ai giết người phải thường mạng. Kẻ giết Dương thị là Hoà thượng nọ đã thú nhận tội lỗi và đã bị hành quyết rồi. Chuyện thường mạng kể như đã xong. Nay lại có đơn tố cáo tên chủ đò Tôn Khoan ở thôn Nam, cách nhà họ đổng lối 10 dặm, là thủ phạm giết Dương thị. Có lý nào mà tới hai người phải thường mạng sao? Chắc kẻ tố cáo đây nom thấy Tôn Khoan lượm được bọc quần áo bạc vàng nên nghi oan chăng. Chẳng hay ý quan thế nào?


Huyện quan vội đáp:
- Tôi thấy ý kiến của thượng quan thật là xác đáng.
Bao Công nói tiếp:


- Tôi tưởng cứ gọi Tôn Khoan hỏi xem có lượm được gói bạc không, nếu y chối, ta cứ cho khám nhà cho có lệ. Trong trường hợp y nha65nta sẽ để y hoàn lại mà không bắt tội chi cả. À ông đã cho đi kêu hắn ta chưa?
Huyện quan đáp:
- Dạ, đi lâu rồi, chắc sắp về tới.


Huyện quan vừa dứt lời viên thơ lại hắng giọngười bước lại gần hai quan và bẩm rằng:
- Xin trình thượng quan, thiểm chức đã cho đòi Tôn Khoan tới đây.
Bao Công làm bộ mắng thuộc hạ:
- Uûa, sao kỳ vậy. Khi không đem người ta vô khơi khơi chẳng trình bẩm gì trước. Lần sau còn như vậy sẽ bị phạt nghe chưa?


Viên thơ lại làm ra vẻ sợ hãi miệng “dạ dạ”một hồi rồi khép nép lui sang một bên.
Bao Công nhìn Tôn Khoan hỏi:
- Phải anh là chủ đò Tôn Khoan không?
- Dạ phải.


- Có người khai là anh đã lượm được gói bạc vàng lối 400 món mà hung thủ đoạt của Dương thị làm văng ra khi té xuống giếng. Nếu anh có lượm được thì trả lại cho người ta, khỏi bị tội gì cả.


Tôn Khoan từ lúc nghe trộm được lời bàn của hai quan đã chột dạ. Y tự trách đã sơ xuất không tẩu tán quần áo và bạc vàng để phi tang. Nay quan quân khám nhà thì y biết cãi ra sao, chi bằng tìm cách đỡ đòn trước là hơn. Nhận là có lượm được tại nhà trọ sáng đó thì không xong vì trái với những điều y đã dựng lên, chi bằng nhận là người nhà họ Đổng đem gửi thì hơn. Nghĩ vậy, y bèn đáp:


- Thưa Thượng quan, đã từ lâu tôi không có ghé bến ban đêm và cũng không tới nhà trọ của Đổng ông. Tôi không hề lượm được gói quần áo và bạc vàng mà là chính họ Đổng đã đem gửi tôi giữ giùm bữa nọ, hiện tôi để trong tủ nhỏ ở cạnh giường nằm.


Bao Công vuốt râu cười và bảo tên chủ đò:
- Tốt lắm, tốt lắm.
Rồi ông lớn tiếng gọi:
- Lính đâu kêu thầy cai điểm ngay một tốp binh mã đi cùng thơ lại dẫn Tôn Khoan về nhà lấy bạc vàng, quần áo xong trở lại đây mau.
Tôn Khoan đi khỏi, Bao Công quay lại nói với huyện quan:


- Bạc vàng Đổng ông kêu mất nằm trong tay Tôn Khoan. Một là chính tên chủ đò này đã tư tình với vợ Đổng Nhơn rồi rủ nhau đi trốn, lúc khởi hành hắn thấy y thị lắm của nên giết mà đoạt lấy. Hai là cha con Đổng Nhơn biết Tôn Khoan tư tình với Dương thị nên lập kế trả thù, gởi tên chủ đò giữ hộ bọc quần áo của Dương thị và bạc vàng rồi sau hạ sát Dương thị và kêu mất bạc vàng để dồn Tôn Khoan vào cửa tử.


Huyện quan hỏi lại Bao Công:
- Trong hai giả thuyết ấy, Thượng quan cho giả thuyết nào là đúng.


- Ta thấy giả thuyết thứ nhất có phần hợp lý hơn. Về giả thuyết thứ hai ta còn thắc mắc ở điểm nếu quả thực họ Đổng có đem bạc vàng, quần áo gởi Tôn Khoan thì khi hay tin Dương thị bị giết và họ Đổng kêu mất bạc, Tôn Khoan nếu ngay tình tất đã gấp đem bọc quần áo của cải trình quan để không bị nghi oam lẽ nào lại chờ ta gọi hỏi mới khai ra. Tuy vậy cũng phải kiểm soát lại và tìm bằng cớ rõ rệt.


Huyện quan chưa hết thắc mắc lại hỏi Bao Công:
- Nếu họ Đổng bẫy Tôn Khoan để trả thù thời họ Đổng đã tố cáo tên chủ đò ra chứ?


- Theo ta, họ Đổng mà đích thân tố cáo thì non tay rồi. Và ta sẽ đoán ra ngay. Tuy nhiên, họ Đổng vẫn có thể mượn tay bà Tư già để tố giác Tôn Khoan nếu quả thực cha con Đổng Nhơn đã bẫy tên chủ đò. Vụ này còn nhiều điều bí ẩn phải cah61t vấn và nếu cần phải đối chất những người liên hệ rồi theo lời khai của họ mà luận ra mới xong.


Nói đoạn Bao Công ngồi suy nghĩ một lát rồi như chợt nhớ ra điều gì, ông hỏi huyện quan:
- Ông coi lại trong hồ sơ có phải Đổng ông được tới 4, 5 người đáng tin cậy chứng nhận hắn ở liền bên họ khi xảy ra án mạng không?
Huyện quan lật hồ sơ ra coi một lát rồi đáp:
- Dạ phải.


- Nếu vậy kẻ giết Dương thị chỉ còn có thể là Đổng ông và Tôn Khoan thôi. Bây giờ ông khá trở về Huyện cho đòi cha con Đổng ông và bà Tư lên Nha cho tôi hỏi. Nhớ đừng cho họ nói chuyện với nhau.
Huyện quan tuân lệnh lui về.


Lát sau lính dẫn Tôn Khoan ôm bọc quần áo và bạc vàng của Dương thị về tới.
Bao Công liền sai mở ra coi. Ông cho kiểm lại bạc vàng thấy ngoài 400 món Đổng ông kêu mất còn có vài món khác chắc là tư trang của Dương thị.
Bao Công nhìn Tôn Khoan từ đầu đến chân rồi hỏi tên chủ đò:


- Bộ họ Đổng tin ngươi lắm sao mà gửi nhiều tiền bạc dữ vậy?
- Dạ phải.
- Mà ai đem gởi.
- Dạ… họ Đổng.
- Biết rồi nhưng ai mới được chớ? Đổng ông? Đổng Nhơn hay người làm?
- Dạ… Đổng Nhơn!
- Thế còn quần áo đờn bà nào vậy?
- Dạ của Dương thị.
- Sao biết?


- Đổng Nhơn nói.
- Ngươi có biết Dương thị bị giết không?
- Dạ có.
- Thế sao không đem trình các vật này?
- Dạ… sợ bị nghi.
Bao Công vừa hỏi tới đây thì lính vô báo có cha con Đổng ông và bà Tư già đến hầu. Bao Công dạy đưa Tôn Khoan ra ngoài chờ và cho gọi Đổng ông vào.


Bao Công ngắm kỹ ông già. Thấy Đổng ông gầy yếu, tay chân run rẩy, Bao Công trong lòng nghi hoặc.
Ông hỏi họ Đổng:
- Ông có biết Tôn Khoan không?
- Có.
- Có gởi tiền bạc chi nhờ hắn giữ giùm không?
- Không.


- Vậy mà hắn quả quyết là ông có gởi hắn giữ giùm số bạc vàng ông kêu mất đó. Vậy nếu có gởi hay sai người gởi phải khai cho thật nếu không sẽ bị tội.
Đổng ông ngạc nhiên:


- Tôn Khoan tuy là khách quen song đã từ lâu y không trọ nhà tôi nữa vả lại không có lý do gì tôi lại gởi hắn ta nhiều đến thế.
- Nó và Dương thị có tình ý gì với nhau không?
Đổng ông quả quyết:
- Dạ không. Y không đến trọ làm sao mà tư thông với dâu tôi được.


Thấy Đổng ông có vẻ thành thật, Bao Công sai đem bọc quần áo và bạc vàng ra coi. Đổng ông nhìn nhận đúng là của cải mình bị mất.
Bao Công truyền dẫn Đổng ông ra và kêu Đổng Nhơn vào rồi trỏ đống quần áo đờn bà, hỏi:
- Phải quần áo vợ ngươi không?


Đổng Nhơn run run giở quần áo ra coi một lúc, rồi nghẹn ngào trả lời Bao Công:
- Dạ phải.
Bao Công hỏi tiếp:
- Phải ngươi đã đem bạc vàng và quần áo Dương thị gởi Tôn Khoan không?
Đổng Nhơn ngơ ngác:
- Thưa không. Quan dạy Tôn Khoan nào? Tôi không biết.


Bao Công không đáp, gọi thơ lại đến gần dặn nhỏ một hồi. Lát sau lính dẫn Tôn Khoan vô.
Bao Công hỏi tên chủ đò:
- Tôn Khoan, ngươi khai Đổng Nhơn đem đồ gởi ngươi giữ dùm phải không?
- Dạ phải.
Bao Công quay hỏi Đổng Nhơn:
- Có đúng không?


- Dạ, không đúng. Tôi không hề gởi y vật gì cả.
Bao Công điểm mặt Tôn Khoan mà nói lớn rằng:
- Chính mi đã tư thông với vợ Đổng Nhơn rồi xúi thị lấy cắp của nhà chồng rồi trốn theo mi. Thấy y thị lắm bạc vàng mi sanh lòng tham muốn lấy mới hạ thủ y thị, đúng mi là thủ phạm giết Dương thị.


Tôn Khoan tái mặt, nhưng còn cố cãi:


- Thưa Thượng quan, đã từ lâu tôi không đến trọ tại nhà họ Đổng thời làm sao mà tư thông với Dương thị cho đặng? Thủ phạm giết Dương thị là nhà sư đâu phải tôi? Chính Đổng Nhơn đã đem gởi gói đồ ấy nơi tôi nay còn chối cãi vì ghét tôi không đến trọ nhà y. xin Thượng quan minh xét cho.


Bao Công cả giận, vỗ án quát rằng:
- Hay cho tên cướp của giết người này, tội trạng đã rành rành còn già miệng chối leo lẻo. Thôi được ta đã có cách này xem mi còn nói cứng được nữa không.


Nói đoạn Bao Công vỗ tay làm hiệu. Tôn Khoan giật mình khi thấy bà Tư già và vị Hòa thượng cùng bước vô một lượt. Thì ra Bao Công chắc chắn thủ phạm là Tôn Khoan rồi nên mới ra trước lệnh đưa nhà sư lên để đánh đòn cân não cho Tôn Khoan hoảng sợ.
Bao Công trỏ tên chủ đò hỏi bà Tư già:


- Phải tên này thường đêm tối lỏn vô nhà trọ tư thông với Dương thị không?
- Thưa Thượng quan chính là hắn.
Rồi bà Tư già thuật lại các điều tai nghe mắt thấy cho Bao Công nghe.
Tôn Khoan hết đường chối cãi đành thú nhận hết tội lỗi và quỳ lạy Bao Công xin khoan dung tha cho tội ch.ết.


Bao Công cười nhạt đáp:


- Mi quỷ quyệt, dã man quá chừng. May mà tr.a ra được là mi nếu không thì đã có thêm một mạng nữa ch.ết oan rồi còn chi. Đừng van nài nữa vô ích. Ta cũng nói cho mi biết là kẻ bị chém bữa nọ không phải là Hòa thượng đâu. Lính đâu đem tên tử tội này hạ ngục cho ta để sớm mai đem chém đầu nơi giữa chợ nghe.


Lính hầu dạ rồi xúm lại lôi tên chủ đò đi.
Bao Công đứng dậy uỷ lạo Hòa thượng rồi nắm tay tiễn ra khỏi công đường sau khi đã tặng ít lượng bạc làm tiền lộ phí. Còn bạc vàng và quần áo của Dương thị thời trao cho cha con họ Đổng đem về.






Truyện liên quan