Chương 43
Tôi ngồi bên giường lặng lẽ ngắm Rajiva.
Hôm qua là một ngày vô cùng mệt mỏi, nhưng tôi không sao ngon giấc vì có chàng nằm bên cạnh. Căn phòng không còn bất cứ thứ gì khác có thể ngả lưng nên tôi đành thu mình nằm cạnh chàng. Một đêm dài dằng dặc với những nỗi lo sợ mơ hồ, sợ xoay người sẽ khiến chàng tỉnh giấc, sợ vô tình chạm vào người chàng, sợ thức dậy muộn hơn chàng khiến chàng khó xử. Vì thế, tôi chỉ có thể nằm yên, không nhúc nhích, không động đậy, toàn thân tê dại, rã rời. Trời vừa hửng sáng tôi đã thức giấc, đi lại vận động trong căn phòng, nhưng cố gắng hết sức để không gây ra tiếng động.
Chàng đang say giấc, dù đã ba mươi lăm tuổi và không còn trẻ trung như mười một năm về trước, nhưng chàng vẫn rất thuần khiết, vẫn rất hấp dẫn. Chàng trẻ hơn rất nhiều so với những nam giới cùng tuổi khác ở thời đại này, có lẽ vì ngày này qua tháng khác, chàng chuyên tâm tu tâm dưỡng tính nơi cửa Phật. Những nếp nhăn mờ ảo trên vầng trán và khóe mắt càng tôn thêm vẻ đẹp trưởng thành, già dặn. Sau một đêm nghỉ ngơi, khí sắc của chàng đã khá lên rất nhiều, không còn nét tiều tụy của ngày hôm qua nữa. Khóe môi thấp thoáng nụ cười, khiến cả khuôn mặt trở nên rạng rỡ, hình như, chàng đang mơ một giấc mơ đẹp.
Tôi cứ ngồi mãi như thế mê mải ngắm nhìn thần tượng của mình. Đã về trưa mà chàng vẫn say trong giấc ngủ, có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời chàng thức dậy muộn như vậy. Còn tôi, cơn buồn ngủ ập tới dữ dội, khiến tôi không sao kìm chế nổi, gục đầu xuống, thiếp đi.
Ai đó đang khẽ vuốt tóc tôi, tôi giật mình mở mắt, trái tim đập rộn ràng khi bắt gặp đôi mắt màu xám nhạt long lanh như hồ nước mùa thu ấy, đôi mắt đã xuất hiện không biết bao nhiêu lần trong từng đêm mơ của tôi ấy, đang ở rất gần.
- Chàng… tỉnh rồi ư…
Tôi vội đứng lên, hỏi chàng:
- Chàng có đói không? Em đã kêu họ mang đồ ăn tới…
Tôi cầm chiếc bát đặt ở đầu giường.
- Ôi, nguội cả rồi. Để em bảo người hâm nóng lại…
Tôi, ánh mắt ngập đầy thương nhớ. Điều đó quá đỗi ngọt ngào, tôi khẽ gọi tên chàng:
- Rajiva…
- Quả là cứ sau mười năm, nàng sẽ quay lại.
Chàng vẫn nằm trên giường, khẽ nhắm mắt, tiếng thở dài thoáng qua, khóe môi khẽ rung động:
- Nàng trở về là tốt rồi…!
- Tôi lại gần chàng, ngồi xuống, áp tay chàng lên má tôi, mỉm cười:
- Vâng, em đã trở về…
Bàn tay chàng run rẩy cọ xát trên khuôn mặt tôi, từ từ dạo qua hai mắt, sống mũi, bờ môi, đáy mắt phơi phới hơn qua mỗi dịch chuyển nhẹ nhàng. Rồi chàng đột nhiên bật dậy, giam chặt tôi vào lòng, cằm chàng đặt trên đỉnh đầu tôi, những sợi râu lúm phún cọ vào da đầu ram ráp, tôi muốn bật cười nhưng chỉ cười ra nước mắt.
- Phật tổ, Ngài thật từ tâm...
Giọng nói nghẹn ngào trôi bên tai tôi:
- Ngài đã đưa nàng trở về...
Chàng đỡ hai vai tôi, ánh mắt da diết nhìn tôi:
- Mười một năm rồi mà nàng không hề thay đổi...
- Có chứ, em đã hai mươi lăm tuổi rồi...
Tôi mỉm cười nhìn chàng, sống mũi cay cay.
- Một năm trên trời bằng mười năm dưới hạ giới ư?
Chàng vuốt nhẹ mái tóc tôi, động tác êm dịu như nâng niu một vật báu.
- Lần đầu gặp nàng, nàng hơn ta mười tuổi. Lần thứ hai gặp nàng, nàng bằng tuổi ta. Bây giờ, ta đã hơn nàng mười tuổi.
Bàn tay chàng nhẹ nhàng vuốt ve hai má tôi, ánh mắt dịu dàng:
- Ngải Tình, nàng có biết con số “mười” ấy chính là biểu trưng của định mệnh trong cõi u minh không?...
Tôi cười, đúng vậy, ông trời đã sắp đặt mọi thứ, phải không? Nhìn khuôn ngực để trần của chàng, bất giác nhớ lại chuyện đêm qua, mặt tôi đột nhiên nóng bừng như phát sốt, ngượng ngập nói với chàng:
- À... chàng lau người đi rồi dậy ăn cơm... Chắc chàng nhức đầu lắm phải không? Em đã kêu người nấu canh giã rượu cho chàng rồi...
Tờ mờ sáng tôi đã kêu người mang nước vào và lặng lẽ lau rửa sạch sẽ. Tôi cũng muốn giúp chàng, nhưng sợ làm chàng thức giấc, vả lại, tôi cũng không đủ can đảm để làm việc đó. Mặc dù mồ hôi đầm đìa trên người chàng, lại thêm mùi rượu nồng nặc suốt ba ngày ba đêm, quả thực rất khó ngửi.
Nghe vậy, chàng giật mình, rời tôi ra. Tấm chăn được gạt sang một bên, để lộ vệt máu đã khô trên mặt chiếu. Không mảy may nghĩ đến tình trạng của bản thân, chàng kéo vội cánh tay phải của tôi ra trước mặt, vén tay áo, quan sát khuỷu tay tôi. Sau khi phẫu thuật, vết thương hầu như đã biến mất, chỉ lưu lại những dấu vết rất nhỏ.
- Thần Phật trên trời quả nhiên có sức mạnh siêu phàm, tay nàng đã hoàn toàn lành lặn.
Chàng ngước lên nhìn tôi, đôi mày nhíu lại, vẻ băn khoăn:
- Vậy thì nàng lại bị thương ở chỗ nào?
Bây giờ tôi mới hiểu chàng đang nói về vệt máu kia. Tôi ngượng ngùng giải thích:
- Em không bị thương, cái đó... là... lần đầu của phụ nữ...
Tôi chưa bao giờ cảm thấy xấu hổ như vậy khi đứng trước mặt chàng.
- Tóm lại, em không sao cả, chàng đừng lo...
- Lần đầu ư?
Vẻ băn khoăn ngày càng hiện rõ trên gương mặt chàng. Tôi bỗng cảm thấy hụt hẫng, lẽ nào chàng không nhớ gì cả ư?
Không muốn nghĩ nhiều về vấn đề này, phải làm việc gì đó mới được. Tôi đứng lên, định đi múc nước, nhưng cử động hơi mạnh khiến vết thương ở phần thân dưới nhói buốt. Tôi buột miệng xuýt xoa.
- Rốt cuộc là đau ở đâu?
Chàng vội kéo tôi lại, đôi mắt trong veo ấy chà xát khắp người tôi.
- Em không sao mà!
Tôi khẽ kéo tay chàng ra, nên đau, lê ra ngoài bưng chậu nước vào phòng, chiếc khăn mặt tôi đặt trong chậu là sản phẩm của thế kỷ XXI, vì khăn vải của thời đại này quá ư thô ráp. Tôi vắt kiệt nước, ngượng ngùng đưa cho chàng:
- Chàng lau người đi.
Chàng không đón lấy, mà lẳng lặng kéo chăn ra nhìn, khuôn mặt chàng đột nhiên đỏ bừng như mặt trời mùa hạ. Chàng bỗng trở nên thất thần, một lúc sau mới quay đầu lại hỏi tôi:
- Ta đã khiến nàng bị đau phải không?
Tôi vừa giận vừa buồn cười. Con người tuyệt đỉnh thông minh ấy sao lại có thể khù khờ trong chuyện này như vậy? Tôi phải giải thích thế nào với chàng đây?
- Không phải chàng làm em đau, em tự nguyện mà!
Chàng bần thần hồi lâu, đột nhiên quay lại nhìn tôi, vẻ mặt nghiêm trọng:
- Ngải Tình, nàng trở về khi nào? Vì sao nàng tới được đây?
- Hôm qua.
Tôi nghĩ nên nói hết sự tình với chàng.
- Tối qua Pusyseda đưa em tới gặp Lữ Quang để thuyết phục ông ta đã đồng ý tráo đổi em và Aksayamati...
Chàng như run lên, sắc mặt tái đi, giọng nói nhẹ như gió:
- Tối qua, ta đã gặp nàng thật ư?
Tôi gật đầu.
- Thì ra không phải là mơ... Trả trách ta cứ có cảm giác giấc mơ ấy sao mà hệt như thực vậy.
Chàng lại gần tôi, định nói gì đó, nhưng không thốt ra lời.
- Ta... đã... phá giới thật ư?
- Rajiva, chính em là người đã mê hoặc chàng.
Tôi cắn môi, khẽ nắm tay chàng.
- Phật tổ sẽ hiểu sự thành tâm của chàng. Chàng đã kiên cường chống chọi suốt ba ngày, đó là điều mà không một người bình thường nào có thể làm được. Bọn chúng còn ép chàng uống rượu đã bỏ xuân dược vào. Thế nên, xin chàng đừng nghĩ ngợi về chuyện xảy ra đêm qua nữa, đừng tự trách mình, chàng không có lỗi gì cả...
Rajiva cúi đầu thinh lặng, bàn tay nắm chặt tấm chăn đang run lên bần bật. Tôi biết trong phút chốc, chàng không thể chấp nhận sự thực này, nên chỉ biết thở dài, đặt chậu nước và quần áo lên tủ.
- Em ra ngoài một lát, chàng lau người và thay quần áo đi.
Đó là một bộ đồ lụa phổ biến mà bọn người ngoài kia trao cho tôi, bọn họ không chịu mang y phục của tăng sĩ tới.
- Không tìm được y phục của tăng sĩ nên chàng chịu khó mặc bộ đồ này vậy.
Tôi bưng khay đồ ăn đã nguội ra ngoài.
Luôn luôn có người canh giữ ngoài cửa, tôi kêu bọn họ mang đồ ăn đi hâm nóng lại. Bọn họ không gây khó dễ, tỏ ra khá giữ lễ với tôi, yêu cầu thứ gì là mang đến thứ đó, chỉ không cho phép tôi đi lại tự do. Ánh nắng rực rỡ chiếu rọi cung điện, không thể tin nổi, dưới bầu trời xanh trong nhường này lại xảy ra cuộc chiến tranh khốc liệt và cảnh tượng loạn ly đẫm nước mắt. Nếu không có cuộc chiến tranh này, có lẽ Rajiva cũng chỉ là một hạt cát nhỏ giữa dòng sông lịch sử, sẽ không có một đại pháp sư tiếng tăm lừng lẫy, lưu danh sử sách. Nhưng để có được danh tiếng ấy, chàng đã đánh đổi cả một đời khổ nạn, không biết, như thế là may mắn hay bất hạnh?
Khi tôi mang canh thịt và bánh nướng đã hâm nóng vào phòng thì chàng đã mặc lên mình bộ đồ của dân thường và ngồi thiền tụng kinh. Thân hình cao lớn, chỉ khoác lên mình chiếc áo ngắn chít eo đặc trưng của đàn ông Khâu Từ trông đã rất nam tính rồi. Không tính đến cái đầu trọc lốc, nhìn từ phía sau vẫn có thể dùng từ “đẹp trai ngời ngời” để miêu tả về chàng.
Tôi đặt khay đồ ăn lên bàn, nhìn chậu nước chuyển màu, biết là chàng đã lau rửa sạch sẽ. Gọi chàng tới ăn cơm, nhưng chàng không đáp lại, vẫn miệt mài tụng kinh. Không muốn làm phiền chàng, tôi ngồi yên lặng chờ đợi.
Nhưng chàng đã tụng niệm gần hai giờ đồng hồ liên tục, không hề ngơi nghỉ. Càng lúc tôi càng buồn bã nhận ra rằng, không phải chàng đang giữ nếp tụng kinh buổi sáng, mà là đang tự trừng phạt. Chàng định sẽ tiếp tục tụng niệm đến bao giờ nữa?
Không kìm chế nổi, tôi kéo tay chàng, cầu khẩn:
- Rajiva, xin chàng đừng tụng kinh nữa. Là lỗi của em, chính em đã mê hoặc chàng. Kẻ dụ dỗ người tu hành phạm giới mới là kẻ có tội lớn nhất. Xin hãy để mình em gánh chịu tội nghiệt này, chàng không có lỗi gì cả.
Chàng mở mắt, nhìn tôi ai oán, khẽ lắc đầu, kéo tay tôi ra, tiếp tục lầm rầm tụng niệm.
Nhìn quanh căn phòng, thấy một chiếc phất trần cắm trong chiếc bình, tôi đi lấy, mang lại gần chàng.
- Rajiva, nếu chàng nghĩ rằng đã phạm phải tội lỗi tày trời, em có thể giúp chàng. Con người ở phương tây xa xôi tín theo một thứ tôn giáo. Tôn giáo ấy cho rằng, tội phá giới có thể được giảm nhẹ nếu người mắc tội tự quất roi lên người mình. Nỗi đau thể xác sẽ giúp thuyên giảm nỗi đau tinh thần và như thế sẽ nhận được sự tha thứ của đấng tối cao.
Tôi ngồi xuống trước mặt chàng, khẽ hỏi:
- Chàng muốn thử không?
Ki- tô giáo rất thịnh hành phương pháp tự trừng phạt này. Giáo hội không ngừng nhồi nhét vào đầu các con chiên cảm giác tội lỗi về nhu cầu ȶìиɦ ɖu͙ƈ và nhấn mạnh, ȶìиɦ ɖu͙ƈ làm ô uế linh hồn con người và khiến họ không thể lên được thiên đàng. Bởi vậy, những người căm ghét hoặc sợ hãi việc hành lạc, bao gồm cả các tu sĩ nam và nữ đều chuộc tội bằng cách tự quất roi vào người, họ làm vậy, những mong dùng đau đớn của kiếp này đổi lấy hạnh phúc của kiếp sau. Trong thời gian bệnh dịch hạch hoành hành khắp châu Âu, người ta đã tổ chức những đoàn người hành xác, cả một thôn làng hoặc thị trấn cùng diễu hành qua khắp các nẻo đường, rồi tập trung tại một nơi công cộng, sau đó họ bắt đầu tự quất roi vào lưng mình, cho đến khi máu tươi chảy ra.
Chàng nhìn tôi, vẻ đau khổ tột cùng, lặng lẽ buông áo trễ xuống thắt lưng, rồi nhắm mắt lại, tiếp tục tụng kinh.
Tôi đứng ra sau lưng chàng, cầm ngược cây phất trần, hít một hơi thật sâu, giữ chặt tay, cắn răng vụt thật mạnh. Một âm thanh rùng rợn vang lên trong không gian, chàng rùng mình kinh ngạc, một vệt dài màu đỏ hằn lên rõ rệt trên lưng chàng. Tôi cắn chặt răng, quay cán phất trần lại, ra sức vụt vào lưng mình. Cơn đau buốt truyền đến não bộ, kích thích nước mắt xô nhau ra quanh viền mắt.
- Nàng làm gì vậy?
Cây phất trần bị giằng lấy, tôi ngã vào lòng chàng, trong đôi mắt ngấn lệ, tôi nhìn thấy nỗi kinh ngạc và xót thương của chàng.
- Chàng muốn trừng phạt bản thân, em sẽ cùng chàng hứng chịu. Chàng không thiết ăn uống, em sẽ cùng chàng tuyệt thực. Nếu chàng không thể chấp nhận thân phận của em, em có thể xuống tóc làm ni cô.
Những tiếng nức nở, nghẹn đắng nơi cuống họng, tôi dừng lại lấy hơi:
- Nhưng, Rajiva, lần này, dù có thế nào em cũng sẽ không ra đi. Dù phải đối mặt với bao nhiêu phong ba bão tố, hãy để em ở bên chàng, cùng chàng vượt qua, được không?
Chàng xiết tôi chặt hơn, tôi vòng tay qua ôm riết lấy chàng. Nếu có thể nhờ vòng tay ôm riết ấy để được hòa tan vào lồng ngực của chàng, để hai người hợp lại thành một thì hạnh phúc biết bao. Gối đầu lên bờ vai để trần của chàng, những giọt nước mắt chảy xuống lằn roi đỏ in trên lưng chàng. Khuôn ngực chàng rung động mãnh liệt, nước mắt chàng thấm ướt vai áo tôi. Không biết đây là lần thứ bao nhiêu chúng tôi khóc trong vòng tay nhau? Em không đành lòng thấy chàng khóc...
- Ngải Tình, ta không trừng phạt bản thân vì đã phá giới. Thân xác, chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài. Giáo lý Phật giáo Đại Thừa không quy định ngặt nghèo về chuyện đó. Huống hồ, lần này là do ta bị ép buộc. Nhưng ta phải hối lỗi với Phật tổ, và trái tim ta đã “phá giới” theo thân xác ta rồi...
Chàng khẽ đẩy tôi ra, những ngón tay nhẹ nhành lướt trên má tôi, nỗi đau khổ phủ một màu ảm đạm lên gương mặt thanh tú.
- Không đúng. Trái tim ta không phải phá giới từ đêm qua, mà mười một năm trước, hai mươi năm trước đã phá giới rồi. Thuở thiếu thời gặp nàng, trái tim ta đã khôn nguôi thổn thức. Sau khi nàng ra đi, ta không hiểu vì sao mình lại lặng lẽ phác họa chân dung nàng, hết bức này đến bức khác. Rồi khi ngắm nhìn tượng Phật lại tưởng tượng ra gương mặt của nàng, thì ta biết mình đã sa vào lưới tình, chẳng thể thoát thân. Ái dục vốn là trở ngại lớn nhất đối với người tu hành. Ta vô cùng sợ hãi, nên mỗi lần nghĩ tới nàng là ta lại tụng kinh để sám hối. Nhưng khi nàng trở về, niềm vui được ở bên nàng lớn hơn cả việc nghiên cứu, tìm hiểu giáo lý Phật pháp và việc tụng niệm đã không thể giúp ta trừ bỏ những chướng ngại trong lòng được nữa. Sau khi hôn nàng, ta hiểu rằng mình đã không thể rời bỏ ái dục...
Từng giọt lệ long lanh kết đọng trên khóe mắt chàng, nặng nhọc lăn dài trên gò má.
- Mười một năm trước, không được gặp nàng lần cuối, ngày hôm đó, ta đã ngồi thiền trong phòng nàng ba ngày. Sau ba ngày, ta hiểu ra một điều: Nếu đã không thể quên được nàng, chi bằng ta biến nỗi nhớ nàng thành sự tu tập mỗi ngày. Nhờ vậy, tâm hồn ta bình lặng trở lại, ta chuyên tâm vào việc tu hành. Nếu mười năm sau nàng không quay về, ta sẽ thực hiện nguyện vọng của nàng, đến Trung Nguyên truyền bá Phật pháp. Nhưng đúng lúc ta chuẩn bị khởi hành đến đất Hán, thì Khâu Từ gặp phải kiếp nạn và ta phải chịu sự sỉ nhục này.
Chàng ngừng lại một lát, lấy hơi và tiếp tục:
- Ba ngày bị giam cầm, ta vẫn một lòng hướng Phật, tâm thanh tịnh như nước, xem mỹ nữ trước mắt như không khí. Nhưng sau khi phá tửu giới, thì trước mắt ta, trong tâm tưởng ta lại luôn hiện lên hình bóng nàng. Không phải ta không nhớ chuyện gì xảy ra đêm qua, mà là ta không dám thừa nhận. Tuy chỉ là nhưng cảm giác mơ hồ, nhưng ta vẫn nhớ rõ khoảnh khắc ta có được niềm hoan lạc không thể diễn tả bằng lời. Bởi vậy, ta đã cố thuyết phục bản thân, rằng đó chẳng qua là một giấc mơ bí mật, một giấc mơ mà ta vẫn thường mơ. Nhưng nàng lại cho ta biết mọi thứ diễn ra trong giấc mơ đó đều là thật...
Chàng ngẩng đầu hít một hơi dài, những đường gân trên cổ giật giật. Một lát, chàng cúi xuống nhìn tôi, rồi ảo não lắc đầu, những hạt nước mắt to tròn long lanh như những hạt ngọc đổ liên hồi xuống áo chàng.
- Khi nãy biết ta đã có quan hệ... vợ chồng với nàng... Nếu không phải là do Lữ Quang sắp bày, ép buộc, Rajiva sao dám “làm vậy” với nàng! Thế nên, cảm xúc đầu tiên đến với ta khi biết tin đó, không phải là sám hối, mà là niềm vui vô bờ tựa mạch nước ngầm len lỏi trong tim. Ta đã vô cùng hoảng sợ và hổ thẹn khi mình có ý nghĩ đó. Mấy mươi năm tu hành vẫn chẳng thể giúp ta chống lại khát khao yêu đương với nàng. Tội lỗi này, dù có đọc bao nhiêu kinh văn đi nữa cũng không thể xóa bỏ. Ta không xứng là đệ tử nhà Phật... Ta nhớ đến lời nói của vị cao tăng mà ta gặp hồi nhỏ: Nếu không tuân thủ giới luật một cách nghiêm khắc, ngày sau sẽ chỉ có thể là một pháp sư thông minh, sáng láng không hơn không kém. Khi nãy, vừa tụng kinh ta vừa nghĩ về điều này và không khỏi đau đớn. Ta đã phá giới vào đúng năm ba mươi lăm tuổi, lẽ nào ý trời đã định, kiếp này Rajiva chỉ có thể trở thành một pháp sư thông minh, sáng láng, mà chẳng thể làm nên nghiệp lớn ư?
Tôi đã khóc đến mềm cả tim gan, chưa bao giờ chàng thổ lộ với tôi nhiều đến vậy, mà mỗi câu mỗi tiếng thốt ra đều đau đớn đến xé lòng.
- Xin lỗi chàng, em đã phá vỡ thế giới tĩnh tâm thiền định của chàng, đã khiến chàng khó xử. Nếu chàng muốn, em sẽ ra đi.
- Không kịp nữa rồi...
Chàng run rẩy hôn tôi, vị mặn chát nồng đượm nơi đầu lưỡi, không biết là nước mắt của chàng hay của tôi.
- Nàng đã quay về thì sao ta có thể để nàng ra đi, để lại phải khổ sở chờ đợi mười năm nữa... Ngải Tình, một roi nàng tự quất vào người mình đã khiến ta bừng tỉnh. Nàng sẵn sàng san sẻ đau khổ với ta, bằng lòng cùng ta vượt qua phong ba bão tố, lẽ nào Rajiva không dám thừa nhận tình cảm với nàng suốt hai mươi năm qua? Ta chỉ biết tự trách mình vì đã phá giới, vì không thể trở thành một bậc danh sư, mà quên rằng nỗi đau khổ mà nàng phải chịu đựng lớn hơn ta gấp bội phần. Nàng đã trở về khi ta cần có nàng nhất. Đêm qua nàng đã dùng tấm thân trinh trắng của mình giải cứu ta khỏi sự đày ải ấy. Tình yêu cao cả đó, ta biết lấy gì báo đáp. Ta quyết không để nàng lại tiếp tục phải chịu dày vò, đau khổ nữa. Nỗi nhớ nhung vò xé tâm can mười năm lại mười năm mòn mỏi, vò võ ấy, ta không muốn phải chịu đựng thêm nữa. Trở thành bậc danh sư, đạt đến đỉnh cao tu dưỡng, nhập Niết Bàn thì sao chứ, không có nàng ở bên, ta cũng chỉ như một thân xác vô cảm, không có linh hồn mà thôi. Đời sống ấy có gì đáng sống đâu!
Chàng rời khỏi bờ vai tôi, nhẹ nhàng lau nước mắt cho tôi, nâng cằm tôi lên, để ánh mắt lạ kỳ của cháng phủ lên gương mặt tôi:
- Có nàng ở bên, ta cam tâm tình nguyện bị đẩy xuống tầng địa ngục sâu nhất – địa ngục vô gián.
- Chàng đừng quên, luôn có em bên chàng...
Mười ngón tay đan vào nhau, chúng tôi ôm nhau và hôn nhau mãi miết, hôn cho nhau cạn những giọt lệ tràn mi, nhưng những nụ hôn ngọt ngào ấm áp ấy chỉ càng khiến những dòng nước mắt tuôn trào. Cuộc đời còn mấy lần mười năm nữa để uổng phí? Bắt đầu từ bây giờ, chúng tôi sẽ trân trọng mỗi giây mỗi phút...
Không biết chúng tôi đã khóc với nhau bao lâu.
Rồi chàng đột ngột buông tôi ra, ngẩng đầu thở dài:
- Chàng sao vậy?
- Không ngờ sau khi cởi bỏ được nỗi day dứt quyện chặt trong tim suốt hai mươi năm qua lại khiến ta đau đầu đến vậy?
Tôi bật cười:
- Đó là vì chàng bị ép uống rượu.
Tôi đưa bát canh đặt trên tủ cho chàng.
- Đây là canh giã rượu, chàng uống ngay lúc đầu thì đã không sao cả.