Chương 48
- Rajiva, chúng ta có thể trốn khỏi đây.
Sau một hồi tính toán kỹ lưỡng, tôi nhận thấy vẫn còn chút hy vọng.
- Em có một thứ vũ khí, không gây tổn hại đến tính mạng, nhưng có thể khiến người ta bất tỉnh suốt một ngày. Em còn có cả dụng cụ để vượt tường. Chỉ cần thoát ra khỏi hoàng cung, chúng ta sẽ đến chỗ Pusyseda. Không, không ổn, không nên gây phiền phức cho cậu ấy. Chúng ra không đến tìm cậu ấy nữa. Chúng ra có thể trộm một con ngựa, cũng không ổn sẽ không qua được cổng thành. Hãy cứ sử dụng dụng cụ của em để vượt tường vậy, ra ngoài sẽ tính tiếp. Chúng ta sẽ trốn đi nơi khác. Tây vực, Thiên Trúc, Kabul, Trung Nguyên, chàng muốn đi đâu cũng được.
- Ngải Tình, nàng đã có cách thì hãy trốn đi.
Rajiva lắc đầu nhìn tôi đang sững sờ:
- Ta không thể bỏ trốn. Dù có trốn đến đâu, ta cũng sẽ bị phát hiện, sẽ liên lụy đến nàng và Pusyseda. Vả lại, rời khỏi đền chùa, ta chẳng thạo gì hết…
- Chàng thông minh như vậy, sẽ học rất nhanh thôi. Nếu chàng chịu từ bỏ thân phận pháp sư của mình, chúng ta sẽ cùng mai danh ẩn tích.
Tôi nắm chặt tay chàng, ra sức thuyết phục:
- Chúng ta sẽ đến một nơi không ai nhận ra chàng. Em vẫn còn chút tiền bạc. Em lại được trang bị tri thức tiến bộ hơn một nghìn năm so với con người nơi đây. Em có thể phát minh ra những vật dụng mà thời đại này chưa có, chắc chắn sẽ bán được rất nhiều tiền. Trước khi tới đây, em đã nghiên cứu nhiều tài liệu, em hiểu rõ ai là anh hùng, ai là tiểu nhân. Em cũng biết ở đâu xảy ra chiến tranh, ở đâu tạm thời yên ổn. Tóm lại, chúng ta sẽ không ch.ết đói, cũng sẽ không rơi vào cảnh chiến tranh, loạn lạc. Chàng hãy tin em, rời khỏi đền chùa, chúng ra vẫn có thể sống ổn.
Viễn cảnh tương lai khiến tôi càng mường tượng càng xúc động. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có lúc phải sử dụng đến những kĩ năng và tri thức của thời đại mình. Nhưng trong hoàn cảnh này, nếu vận dụng hợp lý, tôi tin rằng hai chúng tôi có thể sống bình an bên nhau.
- Ngải Tình, nàng vốn không phải người thường, ta tin nàng…
Chàng ôm tôi vào lòng, tiếng thở dài lướt nhẹ bên tai:
- Nhưng, nàng có biết nàng đã lại tiết lộ thiên cơ rồi không?
Tôi giật mình, khi nãy, tôi đã lỡ để lộ xuất thân của mình. Có lẽ đã đến lúc cho chàng biết, nếu không chàng sẽ không tin một cô gái liễu yếu đào tơ như tôi làm sao có thể thoát khỏi vòng kiểm soát trùng trùng điệp điệp của cấm vệ quân mà không ai hay biết. Hít vào một hơi thật sâu, rồi nhìn thẳng vào mắt chàng:
- Rajiva, đó không phải thiên cơ, em cũng không phải tiên nữ bên cạnh Phật tổ. Chàng sẽ là người duy nhất ở thời đại này biết về lai lịch thực sự của em. Có thể chàng sẽ cảm thấy hết sức hoang đường, nhưng xin hãy tin lời em nói.
Nhìn chàng gật đầu đồng ý, tôi tiếp tục:
- Em đến từ tương lai. Không phải chàng chỉ hơn em mười tuổi mà là hơn 1650 tuổi.
Rajiva run lên, quan sát tôi đầy vẻ nghi hoặc.
- Chàng tin rằng thời đại này sẽ ngày càng tiến bộ chứ? Thời đại chàng đang sống, xét về mọi phương tiện đều tiến bộ hơn rất nhiều so với thời đại của Phật tổ ngàn năm về trước. Sản vật phong phú hơn, đời sống văn minh hơn và tri thức của con người phát triển hơn. Nếu con người thời đại ấy có thể đến thời đại của chàng, chắc chắn sẽ rất kinh ngạc, thậm chí sợ hãi. Bởi vì, tư duy của con người luôn bị hạn chế bởi thời đại mà họ sống.
Chàng trầm tư một lát, gật đầu đồng tình. Tôi lại tiếp tục:
- Khoa học kĩ thuật thời đại của em đã đạt tới trình độ mà chàng khó có thể tưởng tượng nổi. Con người có thể bay lên không trung, có thể nói chuyện, hoặc thậm chí có thể nhìn thấy đối phương dù họ ở cách xa nhau cả ngàn dặm chỉ thông qua một sợi dây rất nhỏ. Bất cứ chuyện gì xảy ra ở bất cứ đâu đều sẽ được cả thế giới biết đến chỉ trong vòng một canh giờ. Vũ khí chiến tranh thì vô cùng đáng sợ. Một quả bom có thế phá hủy cả một thành phố với hàng triệu con người. Và còn rất rất nhiều những điều chàng cho rằng không thể thì con người trong tương lai đều có thể làm được. Cỗ máy vượt thời gian là một ví dụ. Chính cỗ máy vô cùng hiện đại này đã đưa em trở về thời đại mà với em nó đã trải qua 1650 năm. Nhiệm vụ của em là tới đây nghiên cứu và kiểm chứng lịch sử. Nhưng em đã tình cờ gặp chàng, dịch giả Phật giáo trứ danh, người có công lao vô cùng to lớn trong việc truyền bá đạo Phật và Trung Nguyên – hòa thượng Kumarajiva… Sở dĩ em biết được một số chuyện về chàng khi gặp chàng thời niên thiếu và thanh niên, là vì em đến từ tương lai, em đã đọc truyện ký về chàng. Ví dụ thế này, chàng thử tưởng tượng, nếu đột nhiên có một phép thần thông nào đó có thể đưa chàng trở về với thời đại của Phật tổ một ngàn năm trước. Khi ấy, Đức Phật còn chưa ngộ đạo, nhưng chàng biết Ngài chính là Phật tổ, chàng sùng bái và đi theo Ngài, chàng dõi theo từng cử chỉ, hành động và lời nói của Ngài. Chàng biết rõ những sự việc mà với Phật tổ thì vẫn chưa diễn ra. Nhưng những điều chàng biết về Ngài chỉ là những ghi chép trong sách vở. Những ghi chép đó, trải qua hàng ngàn năm thời gian, được không biết bao nhiêu lớp lớp hậu thế truyền khẩu, nên mức độ chính xác, thật giả khó mà xác định được. Vả lại, những dòng chữ ít ỏi ấy đâu thể giúp ta hiểu hết về một con người. Nhưng dù sao, chàng cũng có được tri thức tích lũy từ hàng ngàn năm thời gian so với con người ở thời đại đó. Chàng biết những điều họ không biết, chàng biết tương lai sẽ diễn ra thế nào và do vậy, chàng thể hiện ra những đặc tính mà con người thời đó không có được… Sở dĩ em biết về Thiên Phật động Kizil, vì năm 1650 năm sau nó vẫn tồn tại. Em biết về chùa Masha vì cách thời đại của chàng hai trăm năm mươi năm sau, có một nhà sư người Hán đã trải qua vô vàn gian nan nguy hiểm để đến Thiên Trúc thỉnh kinh. Trong những cuốn sách mà vị hòa thượng nhà Đường ấy viết, có rất nhiều tài liệu liên quan đến phong tục tập quán của con người ở Thiên Trúc và Tây vực. Sở dĩ, em biết các thuật ngữ đạo Phật: Đại Thừa, Tiểu Thừa, Niết Bàn, Duy Ma Cật là vì trong vòng năm trăm năm nữa sẽ có rất nhiều cao tăng tham gia dịch thuật kinh Phật, chàng cũng là một trong số họ. Dung mạo của em không hề thay đổi, bởi vì đối với em, thời gian chỉ mới trôi qua hai năm. Cỗ máy hiện đại đó có thể đưa em tới bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời chàng.
Tôi mở ba lô, lấy ra từng thứ một đặt trước mặt chàng:
- Những thứ này được tạo ra sau 1650 năm nữa và đều là những vật dùng mà thời đại này không thể có được. Đây là dao đa năng Thụy Sỹ. Đây là súng gây mê, người bị bắn trúng sẽ bất tỉnh trong vòng một ngày. Đây là áo chống phóng xạ của em. Trước khi tới đây, em phải mặc chiếc áo này lên người, bằng không, tia phóng xạ cực mạnh có thể khiến toàn thân em tan chảy. Đây là chiếc đồng hồ vượt thời gian, chàng từng thấy nó rồi. Những cây kim đang chuyển động này là đơn vị để tính thời gian. Muốn quay về, em phải dựa vào năng lượng của chiếc đồng hồ này. Dây thường và móc câu này dùng để vượt tường. Cung tên này có thể bắn móc cây lên một vị trí rất cao. Còn có cả bút chì, sổ ghi chép, các dụng cụ khảo cổ, …
Tôi vén tay áo lên, để lộ vết sẹo ở nơi đã trải qua phẫu thuật.
- Chàng nhớ vết thương này chứ? Ở thời đại của chàng, đó là một vết thương nghiêm trọng, muốn giữ mạng, phải chặt bỏ cánh tay, nhưng thậm chí, ngay cả khi chấp nhận chặt bỏ cánh tay, cũng chưa chắc có thể sống tiếp. Nhưng ở thời đại của em, với các thiết bị y tế và dược phẩm hiện đại, vết thương đã lành lặn, ngay cả vết sẹo sau khi điều trị cũng trở nên rất mờ nhạt. Đó không phải là sức mạnh của phép thuật. Y học tương lai có thể chữa trị rất nhiều căn bệnh mà chàng cho rằng không thể chữa khỏi.
Rajiva ngồi bất động, kinh ngạc không thốt lên lời. Tôi lấy ra một trong những thứ quý giá nhất tôi mang theo đến thời cổ đại này, đưa cho chàng:
- Đây là tấm ảnh em chụp với cha mẹ. Họ chỉ có mình em.
Nhắc đến cha mẹ, tôi mỉm cười:
- Ở thời đại của em, em vẫn đang là một sinh viên theo học chuyên ngành lịch sử. Ước mơ của em là trở thành một nhà sử học. Cha mẹ không hề hay biết về dự án vượt thời gian này. Em chỉ nói với họ rằng, em đang tham gia một dự án khảo sát đòi hỏi tính bảo mật tối đa, ngay cả điện thoại cũng không được sử dụng. Họ đâu có biết rằng, con gái họ đang sống ở thời đại cách họ những 1650 năm… Cái này gọi là ảnh chụp, một dụng cụ đặc biệt giúp lưu giữ lại hình ảnh của con người trong một khoảnh khắc bất kỳ, sau đó nó được in ra bằng tấm phim. Trang phục của em trong tấm hình này gọi là quần bò, áo phông, là cách ăn mặc phổ biến của các cô gái ở thời đại đó.
Tôi chỉ tay vào các dãy nhà cao tầng trên hình nền phía sau:
- Đây là nhà em. Đời sống vật chất và dịch vụ y tế ở thời đại của em rất phát triển, tuổi thọ của con người rất cao, dân số đông đúc, nên phải xây nhà lên tận không trung thế kia, tuy nhiên sẽ có một cỗ máy có thể đưa con người lên bất cứ tầng cao nào chỉ trong chốc lát.
Tôi nắm tay chàng, niềm hy vọng dâng lên trong mắt:
- Rajiva, bây giờ chàng tin em đến từ tương lai rồi chứ?
Vẻ kinh ngạc xen lẫn hoang mang vẫn bao trùm gương mặt chàng. Chàng nhìn tôi không chớp mắt, suy nghĩ rất lâu mới gật đầu xác nhận.
- Vậy chàng sẽ tin em có thể đưa chàng thoát khỏi nơi này và giúp hai ta tiếp tục sống bên nhau chứ?
Chàng nhìn tôi hồi lâu, từ tốn gật đầu.
Tôi nở nụ cười rạng rỡ, kéo tay chàng:
- Nếu vậy, đêm nay chúng ta sẽ đi khỏi đây.
Chàng không trả lời đồng ý hay không đồng ý, chỉ yên lặng suy nghĩ giây lát rồi cất giọng hỏi:
- Tuy nàng nói có rất nhiều từ ngữ lạ ta không hiểu: máy móc, khoa học, ảnh chụp, điện thoại…, nhưng ta tin nàng. Những dụng cụ đó của nàng chỉ có thể là đến từ tương lai.
Chàng lại trầm ngâm, rồi ngước đôi mắt sâu thẳm tựa hồ nước mùa thu nhìn tôi:
- Nàng đến từ tương lai, vậy chắc nàng đã biết số mệnh của ta ra sao, phải không?
Tim tôi đập liên hồi, tôi đáp trong vô thức:
- Em biết một chút thôi… Nhưng chỉ là truyện ký về chàng, rất sơ sài và vẻn vẹn trong một nghìn con chữ.
- Ngải Tình, mười một năm trước, nàng nói ta sẽ làm nên nghiệp lớn, truyền bá rộng rãi đạo Phật vào Trung Nguyên. Nàng còn căn dặn ta không được hoàn tục. Những điều đó, nàng đều đọc được trong truyện ký về ta phải không?
Tôi gật đầu, là một sinh viên ngành sử học, tôi phải tôn trọng sự thật lịch sử:
- Truyện viết về chàng rất ngắn ngủi, thậm chí có những đoạn hư cấu. Nhưng những kinh văn mà chàng dịch thuật đã được lưu truyển rộng rãi suốt 1650 năm.
Lại là những khoảnh khắc trầm ngâm và lại là đôi mắt sâu hun hút ấy ngước lên nhìn tôi:
- Chả trách nàng gọi ta là Kumarajiva, động viên ta đến Trung Nguyên, khuyên ta dịch kinh Phật. Thì ra, đây chính là số mệnh của ta.
Chàng nghiêng đầu sang một bên, giọng bình thản:
- Vậy là, sự có mặt của nàng vào năm ta ba mươi lăm tuổi cũng là vì nàng đọc được ghi chép về ta và biết ta gặp phải kiếp nạn đó?
- Vâng.
Sợ chàng hiểu lầm, tôi vội vàng giải thích:
- Nhưng hai lần gặp gỡ trước đó, đều là tình cờ. Cỗ máy vượt thời gian vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, không ai biết chắc em sẽ trở về thời kỳ nào. Bởi vậy, Rajiva, hai lần gặp gỡ trước của chúng ta đều là duyên trời định. Còn lần này, là do em chọn lựa. Bởi vì em yêu chàng, nên em muốn được ở bên chàng và cùng chàng vượt qua giai đoạn gian nan nhất của cuộc đời chàng.
Lại tiếp tục những khoảng lặng trầm ngâm miên man. Một lúc lâu sau chàng mới buông tiếng thở dài:
- Nếu đã vậy, bỏ trốn hay ở lại có gì khác nhau đâu? Kết cục đều như nhau.
Chàng hé môi cười buồn:
- Kết cục ấy là: Ta không cùng nàng mai danh ẩn tích, mà lưu lại nơi cửa Phật, đúng không?
Tôi không biết phải nói sao. Tôi đã làm gì thế này? Sao tôi lại cho chàng biết những điều đó? Sao chàng lại thông minh tuyệt đỉnh như vậy? Sao chàng có thể nhanh chóng chấp nhận xuất thân của tôi, lại có thể lập tức suy luận ra kết cục ấy? Tôi đã nói rất nhiều, vì tôi muốn chàng tin tôi đến từ tương lai và tôi có đủ năng lực để bảo vệ chàng. Nào ngờ, suy nghĩ của chàng lại hướng theo chiều ngược lại. Lòng rối như tơ vò, đầu óc – trống rỗng. Thật đúng là: cái khó bó cái khôn!
- Nàng từng nói ta phải gánh trên vai sứ mệnh truyền bá Phật pháp, dịch thuật kinh văn, trọng trách này còn quan trọng hơn cả tính mạng của ta. Ngải Tình, nếu ta bỏ trốn, ta sẽ không thể hoàn thành sứ mệnh đó, đúng không?
Tôi vẫn chẳng thể thốt ra được lời nào. Nước mắt bất lực trào ra. Chàng thì ngược lại, tỏ ra bình tĩnh hơn bao giờ, khiến tôi sợ hãi, toàn thân run rẩy.
- Do vậy, ta không thể bỏ trốn. Ta phải ở lại, chấp nhận mọi nguy nan, rèn giũa thâm tâm, hoàn thành quá trình khảo nghiệm của Phật tổ, hoàn thành sứ mệnh dịch kinh và truyền bá đạo Phật. Đó là số mệnh của ta, số mệnh mà ông trời đã định…
Chiếc cổ thiên nga đẹp mê hồn rướn cao, khuôn ngực phập phồng chừng như rất xúc động. Chàng nhắm mắt lại, hai hàng lệ chảy dài trên đôi gò má gầy guộc, đọng lại nơi chiếc cằm nhọn lún phún râu. Chàng khẽ lắc đầu, nước mắt vương trên chiếc áo lụa rộng mà trắng đục.
- Rajiva, em không nên nói với chàng… Em thật là ngốc, sao em lại làm vậy?
Tôi bật khóc dữ dội, và vô cùng hối hận. Tôi đã quên chàng là người theo chủ nghĩa duy tâm triệt để. Chàng sẵn lòng chấp nhận kết cục ấy, chỉ cần nói với chàng đó là số mệnh sắp bày, chàng sẽ tin ngay. Nhưng tôi không cam lòng, tôi không cam lòng…
- Ngải Tình, nếu đã là số mệnh, thì dù nàng không nói ra cũng chẳng thể thay đổi được gì.
Nỗi sầu muộn trong giọng nói của chàng khiến lòng tôi băng giá. Vậy là chàng đã chấp nhận số phận…
- Rajiva, chàng có thể vì em, rời bỏ cửa Phật không?
Tôi chờ đợi, tôi run rẩy. Thật không ngờ, tôi đã nói ra điều đó. Tôi luôn nghĩ sẽ giúp chàng tìm ra điểm cân bằng giữa tình yêu và lí tưởng. Tôi đã từng dặn lòng không được ép chàng lựa chọn. Nhưng tình thế trước mắt khiến tôi không còn thời gian để tìm kiếm cân bằng ấy nữa. Nếu không ra đi, tôi sẽ trở thành gánh nặng của chàng, Lữ Quang sẽ lợi dụng tôi để uy hϊế͙p͙ chàng. Nhưng nếu tôi đi rồi, chàng sẽ ra sao? Tôi không thể giương mắt nhìn chàng chịu đày ải, chịu sỉ nhục. Thế nên, dù hy vọng rất mong manh, tôi vẫn phải ra sức tranh giành với Phật tổ, ra sức vật lộn với số phận…
- Ngải Tình, nàng hãy đi đi, hãy trở về bên cha mẹ nàng, đừng lo cho ta nữa…
- Không!
Tôi gào lên thảm thiết, giọng như lạc đi.
- Cả hai ta sẽ cùng đi, nếu không, em quyết không đi…
Chàng đứng dậy, yên lặng hồi lâu. Ánh đèn le lói trong buổi hoàng hôn kéo bóng chàng hắt thành vệt dài lên vách tường lạnh lẽo. Tôi ngẩng đầu nhìn chàng, nước mắt giàn giụa nhưng chẳng buồn lau đi. Sự im lặng của chàng, theo thời gian, khiến tôi như đóng băng. Tôi không thể thua, tôi không chịu thua! Nhưng tôi biết, mình đã thua. Đứng trước tình yêu, chỉ số IQ của tôi đã trượt dài từ một trăm hai mươi xuống chỉ còn một nửa. Tiếp theo, phải làm gì, tôi không biết nữa! Ai đó làm ơn cho tôi biết đi?...